Sự kiện chuyến tàu Đông Phong từ thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, vào ga Barking ở phía Đông thủ đô London của Anh ngày 19/1 vừa qua đã đánh dấu sự sang trang mới trong lịch sử của con đường thương mại có tuổi đời hàng thế kỷ này.
Bài 1 : Một công đôi ba việc
Từng được biết đến là Con đường Tơ lụa, tuyến đường thương mại này đã lần đầu tiên kết nối giữa Trung Quốc và Châu Âu, mang vải vóc, đồ gia vị, gốm sứ Trung Quốc và cả thuốc súng từ phương Đông đến phương Tây. Nhưng sự kiện chuyến tàu Đông Phong từ thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, vào ga Barking ở phía Đông thủ đô London của Anh ngày 19/1 vừa qua đã đánh dấu sự sang trang mới trong lịch sử của con đường thương mại có tuổi đời hàng thế kỷ này.
34 toa tàu, mang theo 68 container chất đầy đồ gia dụng như quần áo, giày tất, vali, túi, ví… với tổng trị giá 4 triệu bảng Anh, đã vượt qua hành trình dài 7.456 dặm, đánh dấu hành trình bằng đường sắt dài nhất thế giới, từ Trung Quốc qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Bỉ và Pháp trước khi đi xuống đường hầm xuyên biển và đến điểm trung tâm vận tải hàng hóa bằng đường sắt Euro London gần sông Thames.
Ý tưởng khởi xướng dịch vụ đường sắt này nằm trong chiến lược "Một Vành đai, Một Con đường" (OBOR) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm kết nối Châu Á với Châu Âu và Châu Phi thông qua các tuyến đường thương mại Con đường Tơ lụa cũ và tăng quy mô thị trường xuất khẩu vốn rất rộng lớn của Trung Quốc. Cái tên Đông Phong của đoàn tàu không thuần túy mang tính hình tượng mà xuất phát từ câu châm ngôn của Chủ tịch Mao Trạch Đông : "Gió Đông sẽ mạnh hơn gió Tây".
Trung Quốc vừa khai trương tuyến tàu lửa chở hàng dài gần 12.000 km từ tỉnh Chiết Giang đến thị trấn Barking của Anh.
Sự phúc đáp đúng lúc với Anh
Đoàn tàu Đông Phong đã kết thúc hành trình lịch sử của mình vào đúng thời điểm mọi câu hỏi đang dồn vào việc hoạt động xuất khẩu của Anh quốc với thế giới sẽ thế nào sau cuộc trưng cầu dân ý chấn động tách nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU).
Là một phần chiến lược của chính phủ Trung Quốc, tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã bắt đầu kinh doanh các dịch vụ đường sắt với 14 thành phố Châu Âu, trong đó có Madrid và Hamburg, với hơn 1.800 tuyến đường đã hoàn thành kể từ khi được phát động. Hầu hết các sản phẩm của Trung Quốc được chuyên chở trên tàu Đông Phong đến từ các xưởng sản xuất vừa và nhỏ ở Nghĩa Ô, trung tâm sản xuất truyền thống ở tỉnh Chiết Giang. Nhưng các toa tàu sẽ không trở về trống rỗng. Trên hành trình ngược lại, tàu sẽ mang theo thịt hun khói, pho mát và rượu vang từ Tây Ban Nha, bia Đức và nhiều hàng hóa từ những nơi khác xuất khẩu sang Trung Quốc, tất nhiên không thể thiếu các sản phẩm của Anh quốc như xe ô tô, máy móc và thực phẩm.
Trở lại thời điểm cuối năm 2015, khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới vương quốc Anh theo lời mời của Nữ hoàng Elizabeth II, trở thành nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới Anh trong vòng một thập kỷ. Chuyến thăm đã được kỳ vọng là mở ra "kỷ nguyên vàng" cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung – Anh. Giờ đây, sẽ là không ngoa khi nói rằng kỳ vọng ấy đang trở thành hiện thực và "cơn gió Đông" ấy đã đến thật đúng lúc.
Sự đáp trả xứng đáng với Mỹ
Trong khi đó, sự kiện đoàn tàu Đông Phong vào ga Barking diễn ra chỉ một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump, người từng cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn về thương mại đối với Trung Quốc.
Nguy cơ đối đầu Mỹ – Trung về kinh tế dưới thời ông Trump đã khiến Trung Quốc coi OBOR như một hòn đá tảng trong chiến lược kinh tế của mình. Nhìn vào các lực lượng biệt lập trong chính quyền Mỹ mới dưới thời Tổng thống Trump, quan hệ Mỹ – Trung được cảnh báo là sẽ suy yếu. Giới chuyên gia nhận định Washington sẽ tiếp tục tăng sức ép lên Trung Quốc dọc các hải trình truyền thống qua eo biển Đài Loan, Biển Đông và Ấn Độ Dương. Chính điều này buộc Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào phát triển các tuyến đường an toàn hơn trên đất liền đi qua lục địa Á – Âu. Sáng kiến OBOR vì vậy trở thành chiến lược cốt lõi cho sự ổn định và phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định sáng kiến này thậm chí có thể trở thành một sự thay thế bền vững cho quan hệ hợp tác Trung – Mỹ.
Đáng chú ý là Nga được cho là có thể đóng một vai trò lớn hơn trong dự án của Bắc Kinh, thông qua triển vọng mở các tuyến đường vận tải thay thế ở vùng Caucasus, hiện chưa nằm trong hành trình lớn này.
Cuộc xung đột hiện nay ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan đang đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars, vốn được thiết kế để hoàn tất hành lang vận tải nối Azerbaijan với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được Bắc Kinh coi là một phần của Con đường Tơ lụa trên đất liền dẫn tới Châu Âu. Bối cảnh này có thể mở đường cho việc tạo ra các nền tảng hậu cần và công nghiệp chung giữa Trung Quốc và Nga ở khu vực biển Caspie và biển Đen, được xem là khu vực quá cảnh an toàn nhất ở Á – Âu. Giới chuyên gia dự báo các diễn biến này sẽ thúc đẩy hợp tác chiến lược Trung – Nga tại Á – Âu và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế và chính trị trong khu vực.
Thảo Linh (21/01/20217)
********************
Bài 2 : Hút tài nguyên của láng giềng
Khi Trung Quốc đẩy mạnh "Tây tiến" vào Châu Á, họ sẽ có thể khai thác các nguồn tài nguyên dồi dào ở đại lục này, đồng thời biến các khu vực giàu năng lượng của thế giới quanh biển Caspian và vùng Vịnh Persic thành quỹ đạo hoạt động của mình.
Một phần của đại chiến lược gây ảnh hưởng toàn cầu
Đoàn tàu Đông Phong là một phần của dự án kết nối Đông – Tây, thực chất nhằm tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn cầu. Dư luận dự đoán trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ sở hữu các nguồn lực lớn để xây dựng các tuyến đường thương mại Á – Âu trong khuôn khổ OBOR.
Sau khi được gắn mác "phân xưởng của thế giới", Trung Quốc thay vì chỉ trích đường lối thể chế kinh tế của Mỹ đã nhanh nhảu gắn bó với nó. Các tuyến đường thương mại mang tên Con đường Tơ lụa Mới của Trung Quốc đang hối hả chăng mắc như mạng nhện.
London là ga cuối trong hành trình dài 12.000 dặm, gồm một mạng lưới tuyến đường thương mại dài và phức tạp mà Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập trong những năm gần đây. Nhưng các tuyến đường này còn mang lại lợi ích nhiều hơn thương mại. Chúng nằm trong chiến lược của Trung Quốc nhằm xây dựng một xã hội Châu Á quốc tế và là cú hích địa chính trị có tính toán xuyên khắp Châu Á đại lục.
London là ga cuối trong hành trình dài 12.000 dặm, gồm một mạng lưới tuyến đường thương mại dài và phức tạp mà Trung Quốc đã nỗ lực thiết lập trong những năm gần đây.
Trung Quốc đang ngày càng nung nấu cho tham vọng bá chủ. Dự án OBOR đã được khởi xướng bên cạnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một tổ chức an ninh lớn trong khu vực, và kết hợp với việc xây dựng quan hệ với các nước quanh Ấn Độ Dương. Trong khi đó, Trung Quốc cũng nỗ lực ký một thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn với 10 nước Đông Nam Á, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Dự án trên là trọng tâm của chiến lược "Tây tiến" và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, tạo ra một phương tiện để tung các doanh nghiệp Trung Quốc ra khắp Châu Á. Năm 2015, 44% dự án xây dựng của Trung Quốc ở nước ngoài được thi công dọc Con đường Tơ lụa Mới. Con số này đã tăng lên hơn 52% trong năm 2016. Với 4.000 tỷ USD dành cho dự án này, đây là sức mạnh mềm được triển khai trên quy mô lớn. Với sự tham gia của 60 quốc gia, Trung Quốc đang biến Châu Á thành một thực thể khổng lồ và liên kết.
Vẫn còn một số khu vực nhỏ chưa được kết nối, nhưng có một triển vọng thực sự về một khu vực Đại Châu Á sẽ nổi lên trước khi hết thế kỷ 21. Khi trở thành hiện thực, khu vực này có thể vượt qua EU về quy mô, tầm vóc và tiềm lực kinh tế. Thương mại trong khu vực OBOR hiện đã đạt đến hơn 2.200 tỷ USD trong vòng 10 năm (gần đuổi kịp con số 3.100 tỷ USD thương mại hàng hóa nội khối của EU).
Thành công của sáng kiến trên có thể dẫn tới các tác động sâu rộng đối với các nước Châu Á có liên quan, cũng như đối với trật tự quốc tế. Khi Trung Quốc đẩy mạnh "Tây tiến" vào Châu Á, họ sẽ có thể khai thác các nguồn tài nguyên dồi dào ở đại lục này, đồng thời biến các khu vực giàu năng lượng của thế giới quanh biển Caspian và vùng Vịnh Persic thành quỹ đạo hoạt động của mình.
Việc Trung Quốc thực hiện dự án OBOR chính là một biện pháp để thể hiện sự tự tin mới của Bắc Kinh, đồng thời gửi thông điệp về nỗ lực của họ nhằm trở thành trái tim Châu Á. Dự án này cộng với một quan hệ đối tác với ASEAN và nỗ lực củng cố nhóm an ninh SCO sẽ tạo ra 3 vòng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Á. Chúng giúp nhân lên sức mạnh của Trung Quốc và tạo cho họ một giọng nói đáng tin cậy, dù không phải lúc nào cũng được hoan nghênh, từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương.
Thảo Linh
Nguồn : VietnamNet, 22/01/2017