Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/10/2017

Trung Quốc thời tân Tập Cận Bình : muốn làm bá chủ thế giới ?

RFI tiếng Việt

Tập Cận Bình đặt chỉ tiêu xưng bá cho Trung Quốc (RFI, 19/10/2017)

Ngày 18/10/2017, trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc dài ba tiếng rưỡi đồng hồ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu bật tham vọng của ông là biến Trung Quốc thành "cường quốc hàng đầu thế giới" từ nay cho đến năm 2050. Để đạt mục tiêu có thể gọi là xưng hùng, xưng bá đó, lãnh đạo Trung Quốc đã phác họa nhiều hướng đi, trong đó đặc biệt có kế hoạch cho quân đội Trung Quốc là hoàn tất tiến trình hiện đại hóa vào năm 2035, để chuyển mình thành đạo quân hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2050.

tq1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh BRICS, Hạ Môn (Xiamen), Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 5/9/2017. Reuters/Fred Dufour

Đối với giới phân tích, nguyện vọng thúc đẩy đất nước đi lên là một điều rất chính đáng, ước muốn nâng cao sức mạnh quốc phòng để bảo vệ các thành quả phát triển của nước mình cũng vậy, có điều là tuyên bố nâng cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh, từ lúc ông Tập Cận Bình lên cầm quyền cách nay 5 năm, đã không ngừng có những hành động bành trướng, đòi hỏi chủ quyền trên các vùng lãnh thổ và biển đảo của hầu hết các láng giềng, mà rõ rệt nhất là tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông như bồi đắp các rạn san hô hay bãi ngầm trong tay họ thành đảo nhân tạo và quân sự hóa các thực thể này đã được ông Tập Cận Bình ca ngợi là một "thành tựu", khi ông nhắc tới việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Trong diễn văn ngày hôm qua, ông đã tiếp tục cảnh cáo rằng Trung Quốc "sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai, bất kỳ tổ chức nào, hoặc bất cứ đảng phái chính trị nào, vào bất cứ lúc nào hoặc dưới bất kỳ hình thức nào, chia tách bất kỳ lãnh thổ nào của Trung Quốc khỏi Trung Quốc", một thông điệp được cho là nhắm vào tất cả các nước đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền.

Nhận định chung về tham vọng quốc tế của Trung Quốc, ông Jean-Philippe Béja, chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp CNRS và Trung Tâm Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế CERI, đã nhận xét rằng người đứng đầu chế độ Bắc Kinh hiện nay đã khéo tranh thủ thời cơ thuận lợi để thúc đẩy các tham vọng của mình, và qua đó mặc nhiên khai tử chủ trương có thể gọi là "ẩn nhẫn chờ thời" của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

Trả lời ban tiếng Pháp RFI, giáo sư Béja phân tích :

Jean-Philippe Béja : Phải nói rằng ông Tập Cận Bình đã thừa hưởng được một bối cảnh quốc tế hết sức thuận lợi. Việc ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, với hệ quả là Hoa Kỳ lùi bước trên sân khấu quốc tế, việc nước Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, tất cả những sự kiện này làm suy yếu phía phương Tây.

Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã dẹp bỏ chủ trương của Đặng Tiểu Bình, theo đó Trung Quốc phải nép mình chờ đến lúc đủ mạnh rồi mới can thiệp vào chính trường thế giới. Đối với ông Tập Cận Bình, hiện nay Trung Quốc đã đủ mạnh, và điều đó được thể hiện qua việc Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ trong khu vực bao quanh nước họ, nhất là tại Biển Đông.

Ngoài ra còn có kế hoạch đình đám là xây dựng những con đường tơ lụa mới, dù chưa rõ ràng lắm, nhưng cũng là phương cách để Trung Quốc cho thấy sự hiện diện của họ trên trường quốc tế. Người ta cũng thấy là Trung Quốc đầu tư khắp nơi, kể cả vào Châu Âu, nhất là tại Hy Lạp, nơi họ đã mua cảng Pireus.

Tóm lại, ngày nay Trung Quốc ngày càng có cung cách hành xử như là một siêu cường khác, và vào lúc siêu cường kia là Mỹ rút ra khỏi các định chế quốc tế, Bắc Kinh đã thể hiện một số lập trường rất được các lãnh đạo phương Tây ưa thích, ví dụ như là họ đã tái khẳng định quan điểm thiết tha với Hiệp Định Khí Hậu Paris, trong lúc ông Tập Cận Bình thì cho thấy rằng ông là một người nhiệt tình ủng hộ toàn cầu hóa.

Theo tôi, ông Tập Cận Bình đã biết lợi dụng thế yếu của các đối thủ của ông để lấn tới, và đó là một điều đáng quan ngại trong tương lai, vì lẽ Trung Quốc là một chế độ hết sức độc tài mà chúng ta cần phải dè chừng.

Tham vọng quốc tế và ý đồ xưng bá trên thế giới mà ông Tập Cận Bình không che giấu nhân Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang diễn ra cũng đã được giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc và Biển Đông tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) ghi nhận.

Trả lời phỏng vấn của ban tiếng Việt RFI, giáo sư Long cho rằng từ khi bắt đầu thâu tóm được quyền hành cách nay 5 năm, nhân vật số một của Trung Quốc đã cai trị đúng theo phương châm "Nội loạn, ngoại hoạn", nghĩa là tiêu diệt mầm mống có thể gây ra nội loạn để tránh ngoại hoạn, tức là tránh bị các nước bên ngoài đe doạ hay xâm chiếm.

Ngô Vĩnh Long : Trong bài diễn văn dài hơn 3 tiếng đồng hồ, Tập Cận Bình nhấn mạnh là đã đến lúc Trung Quốc chuyển mình thành một thế lực mạnh để dẫn đầu toàn cầu trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và môi trường. Họ Tập nói rằng nước Trung Quốc đã trỗi dậy, đã trở thành giàu có và hùng cường. Giờ đây Trung Quốc phải xông vào giữa sân khấu để đóng góp to lớn hơn cho nhân loại.

Lẽ dĩ nhiên là 4 lãnh vực Tập Cận Bình nêu ra có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng tôi cho rằng hai vấn về chính cần lưu ý là vấn đề chính trị và quân sự.

Về mặt chính trị trong nước thì trong 5 năm qua Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực bằng cách đàn áp và thanh trừng nội bộ dưới chiêu bài bài trừ tham nhũng và củng cố an ninh. Vấn đề an ninh, tức là giữ vững chính quyền trung ương, là vấn đề cốt lõi của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc chứ không phải mới đây.

Trung Quốc có câu "nội loạn, ngoại hoạn". Cho nên cần phải triệt tiêu các mầm móng có thể gây ra nội loạn để tránh ngoại hoạn, tức là tránh bị các nước bên ngoài đe doạ hay xâm chiếm. Đối với Tập Cận Bình và đa số người Trung Quốc hiện nay thì nội loạn dưới triều đình nhà Thanh đã khiến cho Trung Quốc bị xâm chiếm, từ thời gọi là Chiến Tranh Nha Phiến năm 1840.

Đối với Tập Cận Bình, để xóa tan nỗi quốc nhục này thì song song với dẹp loạn trong nước Trung Quốc giờ đây phải có đủ sức mạnh quân sự để, theo chữ ông dùng, "thắng mọi cuộc chiến". Do đó, ngay sau khi lên nắm quyền Tập Cận Bình đã lập tức hiện đại hóa quân đội bằng cách tổ chức lại các vùng quân sự cũng như tăng ngân sách cho quân đội hàng năm. Gần đây, trước thềm đại hội đảng, họ Tập đã cách chức nhiều tướng lãnh và đưa người của mình vào các vị trí chủ chốt để kiểm soát quân đội chặt chẽ hơn.

Về Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long đặc biệt ghi nhận sự kiện ông Tập Cận Bình ca ngợi thành tựu của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, và tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.

Ngô Vĩnh Long : Trong những thành tựu to lớn mà Tập Cận Bình kể ra trong bài diễn văn, ông ta có đề cập đến Biển Đông. Liên quan đến vấn đề này là việc ông ta nhấn mạnh vấn đề chủ quyền.

Các nhà bình luận cho rằng ông ta đề cập đến vấn đề chủ quyền là đối với Đài Loan và Hồng Kông. Nhưng tôi nghĩ ông ta gồm Biển Đông vào đó vì ông ta đã nhấn mạnh nhiều lần, kể cả trước mặt nguyên tổng thống Mỹ Obama, rằng Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại, và vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông là "không thể tranh cãi".

Về tình hình Biển Đông trong thời gian sắp tới đây với việc ông Tập Cận Bình tại vị dài lâu, giáo sư Ngô Vĩnh Long không mấy lạc quan.

Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực trên Biển Đông qua đường lối quân sự cũng như qua những đòn bẩy chính trị và kinh tế, ví dụ như mua chuộc một số nước trong khu vực để các nước này ủng hộ những đòi hỏi của Trung Quốc. Người ta đã thấy rõ điều này đối với Kampuchia, Philippines, Lào, và gần đây là Malaysia.

Đối với Việt Nam thì Trung Quốc đã làm áp lực trên nhiều lãnh vực. Do đó, trung tuần tháng Giêng vừa qua tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải sang Trung Quốc gặp Tập Cận Bình để cầu an.

Nhưng đối với Trung Quốc thì "mềm nắn, rắn buông". Việc này rất rõ vì trong những tháng vừa qua Trung Quốc đã đe doạ Việt Nam nhiều lần, nhưng phía Việt Nam không những đã phải nhường nhịn mà còn chẳng dám ho he. Có lẽ vì Việt Nam hiện nay cảm thấy mình đơn thương độc mã trước Trung Quốc, đặc biệt trong lúc Hoa Kỳ đang bị chi phối bởi chính quyền Donald Trump.

Tóm lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược "tằm ăn dâu" đối với Biển Đông nếu Việt Nam không có chính sách rõ ràng và hiệu quả để vận động nhân dân trong nước và sự ủng hộ của thế giới.

Theo hầu hết các nhà quan sát, tình hình Biển Đông tương đối yên ắng vì Trung Quốc không muốn tạo ra xáo trộn, ảnh hưởng không hay đến Đại Hội Đảng Cộng Sản. Tuy nhiên, rất có thể là sau khi Đại Hội kết thúc, với việc quyền lực của ông Tập Cận Bình được củng cố thêm, Bắc Kinh sẽ trở lại chính sách hung hăng tại Biển Đông.

Trọng Nghĩa

**************

'Trung Quốc đã bước vào thời đại mới' 'RFI, 18/10/2017)

Trung Quốc đã bước vào "thời đại mới" và cần đóng vai trò "trung tâm trên thế giới", theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

tcb1

Tập Cận Bình khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19

Tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc nhờ "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc" cho thấy có "lựa chọn mới" cho các nước, ông phát biểu khai mạc Đại hội Đảng 19.

Trong diễn văn gần 3 tiếng rưỡi đồng hồ, ông Tập dùng chữ "thời đại mới" 36 lần.

Đại hội 5 năm một lần sẽ kết thúc thứ Ba tuần sau, với dự kiến ông Tập tiếp tục là lãnh đạo đảng.

tcb2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc trước hơn 2.000 đại biểu

Hơn 2200 đại biểu được bầu ra từ hơn 80 triệu đảng viên Cộng sản Trung Quốc về dự Đại hội.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc trước hơn 2.000 đại biểu.

Cuộc họp kín được tiến hành 5 năm một lần, sẽ quyết định ai là nhà lãnh đạo kế tiếp và đường lối cho Trung Quốc trong 5 năm tới.

Ông Tập, người cầm quyền năm 2012, đã củng cố được quyền lực và dự kiến sẽ tiếp tục tại vị.

Ngay sau khi Đại hội kết thúc, đảng dự kiến sẽ công bố danh sách ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Bài diễn văn của ông Tập liệt kê những thành tựu của Trung Quốc trong nhiệm kỳ của ông, và nói rằng chủ nghĩa xã hội với đặc trưng của Trung Quốc đã bước vào "một kỷ nguyên mới".

Ông kêu gọi các đảng viên "luôn gắn bó với người dân, dốc tâm trí xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân".

Ông cũng nói về thắng lợi của công cuộc chống tham nhũng khiến hơn một triệu quan chức bị xử phạt, phóng viên BBC ở Bắc Kinh tường thuật.

Bắc Kinh ngập tràn biểu ngữ, cờ hoa chào mừng đại hội.

Tuy nhiên, thủ đô cũng đang được đặt trong tình trạng báo động cao. Từ đầu tuần, người ta phải xếp hàng dài tại các ga tàu do tăng cường kiểm tra an ninh.

Đại hội cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, một số nhà hàng, phòng tập thể dục, hộp đêm và quán karaoke buộc phải đóng cửa để đảm bảo an ninh và dịch vụ đặt phòng Airbnb hủy các đơn đặt chỗ ở trung tâm Bắc Kinh.

'Tự thay đổi thể chế'

Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh bình luận :

"14 điểm chính sách và ba trọng tâm mà Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra trong bài diễn văn khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 19 có thể được thu gọn vào ba điểm sau. Thứ nhất về nội trị, ông Tập vẫn đang tập trung tối đa vào việc củng cố quyền lực thông qua cuộc chiến chống tham nhũng mà ông đã tung ra từ hơn 3 năm nay. Ông sẽ mỏi mệt nhiều hơn nữa nếu ông không giải quyết được bài toán ổn định và phát triển kinh tế cũng như không thỏa mãn được những đòi hỏi hiện đại hóa quân đội".

"Hiện nay, ông Tập gần như lệ thuộc hoàn toàn vào phe cánh diều hâu trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Hiện đại hóa quân đội thì cần phải làm nhưng cái giá phải trả rất đắt cả về kinh tế lẫn ngoại giao".

"Thứ hai, với một Tổng thống Mỹ bất thường và co cụm lại trong chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tự cô lập, Trung Quốc bất đắc dĩ bị đưa ra trước sân khấu chính trị toàn cầu và buộc phải đóng vai trò của một quốc gia siêu cường trong các vấn đề cấp bách của quốc tế. Cho nên về chính trị, Trung Quốc cũng buộc phải có một lý thuyết, mô hình phát triển hấp dẫn để các quốc gia khác noi theo, ít nhất về mặt lý luận. Ông Tập đã nhân dịp này khái quát hóa khái niệm "Chủ nghĩa Xã hội Hiện đại đặc tính Trung Quốc".

"Tuy vậy, nội hàm của chủ thuyết này vẫn mơ hồ và chung chung, thật sự chưa có gì có thể nói là "Chủ nghĩa Xã hội đặc thù Trung Quốc". Về ngân sách, việc tiếp nhận bất đắc dĩ vai trò siêu cường này cũng làm Trung Quốc bị bội chi cho những hoạt động chính trị ngoại giao. Nếu kinh tế thế giới bị rơi vào trì trệ, khủng hoảng nặng, Trung Quốc đa phần sẽ không kham nổi".

Thứ ba, nguy cơ xung đột ở bán đảo Triều Tiên, căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông Việt Nam là những điểm nóng mà không khéo, ông Tập sẽ bị mất khả năng kiểm soát được tình hình. Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng ông Tập không dễ dàng điều khiển được từ xa ông Kim. Và dường như đồng minh Hà Nội của ông Tập hiện cũng là một ẩn số lớn khi Washington vẫn tiếp tục đeo đuổi chính sách tiếp cận cầm chân với họ".

"Bất luận kết quả đại hội này có là gì, dù có ông Tập hay không thì Trung Quốc và những người lãnh đạo tối cao của họ vẫn phải đối đầu với một thế giới có quá nhiều biến động mà không một cường quốc nào riêng lẻ có thể giải quyết được. Nếu Trung Quốc thật tâm muốn phát triển hòa bình, hội nhập hài hòa với cộng đồng nhân loại để giải quyết những vấn đề chung thì trước tiên Trung Quốc cần phải tự thay đổi thể chế và những chính sách nội trị phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tham gia sâu rộng vào các cơ chế đa phương để giúp giải quyết những vấn đề chung của thế giới".

**************

Nhận dạng khuôn mặt : Trung Quốc dùng "viễn tưởng" theo dõi đời thường (RFI, 18/10/2017)

Từ các tiệm ăn nhanh, trường đại học hay trong cuộc chiến chống tội phạm đến những máy tự động cung cấp giấy vệ sinh ở nơi công cộng, Trung Quốc đang sử dụng triệt để công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

tcb3

KFC Trung Quốc triển khai hệ thống thanh toán bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. CHINA STRINGER NETWORK/Reuters

Đối với những người ủng hộ, công nghệ này giúp cuộc sống trở nên đơn giản và chắc chắn hơn. Nhưng với những người phản đối, chính phủ lại có thêm một cách để giám sát hơn 1,4 tỉ dân.

Cảnh sát sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để lần theo các đối tượng bị truy lùng. Tại thành phố Thanh Đảo (Qingdao), nơi nổi tiếng với loại bia Tsingtao, nhiều camera đã được lắp đặt ở lối vào một lễ hội bia và giúp bắt giữ 25 nghi phạm.

Mọi công dân Trung Quốc từ 16 tuổi đều được cấp một chứng minh thư có ảnh và địa chỉ. Điều này cũng giúp chính quyền lập được một ngân hàng dữ liệu khổng lồ.

Tại Thượng Hải cũng như nhiều thành phố lớn khác, công nghệ nhận dạng khuôn mặt thậm chí còn len lỏi vào các khu phố để truy tìm những người không tôn trọng luật giao thông. Người đi bộ đi lệch khỏi làn đường dành cho người đi bộ sẽ bị tự động chụp ảnh và hình ảnh của họ xuất hiện ngay lập tức trên một màn hình lớn đặt ở ngã tư gần nhất. Nếu bị xuất hiện trên "màn hình hổ thẹn này" họ sẽ phải trả tiền phạt 20 nhân dân tệ (3 euro).

Ngoài ra, Thượng Hải còn có một hệ thống công giúp phát hiện những người đi lạc, chủ yếu là người cao tuổi hay người thiểu năng trí tuệ, để đưa họ về gia đình.

Công nghệ này còn được áp dụng trong các kiểu thanh toán, từ chuỗi ăn nhanh KFC sử dụng hệ thống "Hãy cười để trả tiền", đến trong các cách sử dụng thông thường hơn.

Ví dụ, trong các nhà vệ sinh ở công viên Thiên Đàn (Tiantan) ở Bắc Kinh, các máy cung cấp giấy được trang bị công nghệ này để chống trộm. Nếu một ai đó sử dụng nhiều lần, máy tự động nhận ra họ và từ chối đưa thêm giấy với lời nhắc nhở lịch sự là họ đã được phục vụ, trước khi nói thêm : "Xin mời quay lại sau".

Một trong các trường đại học ở Bắc Kinh, nơi có trường Sư phạm, đã lắp công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở lối vào ký túc xá để chắc chắn rằng chỉ có sinh viên của trường mới được phép vào, đồng thời giúp "xác định tốt hơn sinh viên đang ở đâu", như giải thích của một lãnh đạo trường với Tân Hoa Xã.

Một số ngân hàng bắt đầu trang bị công nghệ này ở các máy rút tiền tự động để thay thế thẻ tín dụng. Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, China Southern Airlines cũng nhận ra lợi ích của công nghệ này và đã bắt đầu bỏ sử dụng thẻ lên máy bay.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt : Trung Quốc đi trước phương Tây

Giới chuyên gia nhận định, về mặt này, Trung Quốc đi trước phương Tây một bước, một phần vì luật về đời tư tại Trung Quốc không chặt chẽ bằng và vì người dân có thói quen bị chụp ảnh, lấy vân tay sinh trắc và cung cấp đủ loại thông tin cá nhân cho chính quyền.

Xã hội Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản, đã là một trong những nơi mà công dân bị theo dõi nhiều nhất, với khoảng 176 triệu camera liên tục hoạt động. Tuy nhiên, những người được phóng viên của AFP hỏi tại một ngã tư ở Thượng Hải, dường như họ không cảm thấy bị làm phiền vì công nghệ mới này, như bà Wu, 42 tuổi, một nhân viên làm việc tại bệnh viện.

Bà nói : "Tôi có thể chấp nhận chuyện này. Những người vi phạm bị chụp hình và công bố, tóm lại, đây là một cách để bắt buộc tôn trọng luật pháp. Nhưng tôi cũng nghĩ là có nhiều người có thể nói rằng đời tư của họ bị xâm phạm và lo sợ thông tin đó có nguy cơ bị đánh cắp".

Công nghệ mới này nằm trong chiến lược phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Tháng 07/2017, chính phủ thông báo ý định biến Trung Quốc thành nước hàng đầu về trí thông minh nhân tạo từ nay đến năm 2030 với thị trường trong nước lên đến 150 tỉ đô la.

Về hậu quả đối với đời tư, giáo sư luật Yue Lin, đại học Thượng Hải, cho rằng "còn quá sớm để đánh giá. Điều này không chỉ diễn ra ở mỗi Trung Quốc, mà ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng có thể đây là một điều tốt với người Trung Quốc nhưng lại là một điều kinh khủng đối với người Mỹ".

RFI tiếng Việt

*

Quay lại trang chủ
Read 657 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)