Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/11/2017

Các cường quốc giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên như thế nào ?

Tổng hợp

Donald Trump liệu có thất thế trước Tập Cận Bình ở Châu Á ? (RFI, 06/11/2017)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Nhật Bản, mở đầu vòng công du Châu Á đầu tiên của ông. Ngoài hồ sơ nóng bỏng là vấn đề hạt nhân-tên lửa Bắc Triều Tiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng điều mà chủ nhân Nhà Trắng muốn đạt được là thuyết phục được các đồng minh và đối tác về quyết tâm và thực lực của Mỹ trong việc mang lại cho khu vực một đối trọng đáng tin cậy trước ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời gây sức ép trên Bắc Kinh để tác động tốt trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, và giành được một số lợi ích kinh tế.

btt1

Ông Donald Trump dự buổi tiệc chiêu đãi tại Akasaka Palace, Tokyo, tối 06/11/2017. Reuters/Shizuo Kambayashi

Liệu ông Trump có được toại nguyện hay không ? Đối với tờ báo có uy tín tại Anh Quốc, The Observer, câu trả lời nêu lên trong bài xã luận ngày 05/11/2017 rất rõ ràng : "Vừa thiếu kiến thức về quan hệ quốc tế, vừa hay phát biểu nóng vội, lại chủ trương "Nước Mỹ Trên Hết", tổng thống Mỹ khó gặt hái thành công trước một Tập Cận Bình thực tế."

Theo tờ báo, hình ảnh "Con bò mộng trong một cửa hiệu đồ sứ" có lẽ rất phù hợp để mô tả chuyến đi Châu Á của Donald Trump.

Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống vào năm ngoái, ông Trump đã lên giọng tỏ vẻ rất giận dữ đối với Trung Quốc, gọi Bắc Kinh là "kẻ thù", và tố cáo Trung Quốc "cướp đoạt"’ nước Mỹ với cung cách thương mại ăn cướp.

Một cách rất thản nhiên, ông còn gợi ý với Nhật Bản là nên trang bị vũ khí hạt nhân và nói với Hàn Quốc là nên trả thêm tiền công bảo vệ cho Mỹ. Ông đã cam kết xé bỏ thỏa thuận thương mại TPP, một lời hứa mà ông đã thực hiện. Ông cũng muốn diệt trừ mối đe dọa mà Bắc Triều Tiên đặt ra bằng mọi giá, kể cả bằng hành động quân sự.

Bất an trong khu vực do bất động tại Mỹ…

Đối với The Observer, cách hành xử của ông Trump tại Nhà Trắng đã làm cho vùng Châu Á Thái Bình Dương cảm thấy bất an, một phần có lẽ vì những gì ông không làm. Nhà Trắng một cách rất lạ lùng đã không đưa ra được một tầm nhìn và một chính sách cho một khu vực mà tất cả đều đồng thanh đánh giá là then chốt cho sự trù phú, an ninh của Mỹ ở thế kỷ 21 này.

Trump cho rằng chính sách ‘xoay trục sang Châu Á’ của Obama đã thất bại trong mục tiêu căn bản là quản lý và đóng khung ảnh hưởng địa chính trị đang bành trướng của Trung Quốc. Thế nhưng ông Trump đã không đưa ra được cái gì khác để thay thế. Những đồng minh lâu đời không còn biết một cách chắc chắn Mỹ đứng ở đâu nữa.

Điều mà ông Trump đã làm là gây thêm lo sợ và rối loạn. Cuộc đấu khẩu ngày càng leo thang giữa ông và lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên đã thúc đẩy Bình Nhưỡng gia tăng nỗ lực trang bị hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân và có khả năng bắn đến lãnh thổ Mỹ. Ông Trump đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" quốc gia này, gợi lên bóng ma chiến tranh hạt nhân và gây lo ngại cho các bạn bè và đồng minh.

Hơn nữa, quan điểm cấp bách cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc trừng phạt Kim Jong-un đã đẩy ông Trump vào một mối quan hệ nhún nhường không bình thường với Tập Cận Bình, lãnh đạo hùng mạnh của Trung Quốc mà ông Trump sẽ gặp.

Lời cam kết trước đây của ông là lái quan hệ song phương Mỹ-Trung theo chiều hướng có lợi cho Mỹ một cách triệt để, đã bị thay thế bằng sự ve vuốt không lành mạnh. Gần đây ông gọi Tập Cận Bình là ‘Vua Trung Quốc’.

Trung Quốc sẽ nhượng bộ hình thức ?

Tờ báo Anh chỉ trích không nể nang : Việc ông Trump thiếu tầm nhìn rõ ràng, tính huênh hoang, kiêu căng, cả tin, cùng với xu hướng dễ mất bình tĩnh của ông, đặt ra vấn đề cho phía chủ nhà Trung Quốc sẽ đón tiếp ông.

Đối với một người khách nhiều khiếm khuyết như thế, trên phương diện ngoại giao, sẽ không khó để đạt được những mong muốn tốt nhất. Nhưng mặt khác, nếu để ông Trump trở về tay trắng thì sẽ có nguy cơ gây thêm những vụ bùng nổ khó lường.

Cho nên các nhà quan sát dự đoán là ông Tập Cận Bình sẽ có một số nhượng bộ về thương mại có vẻ to tát, nhưng chủ yếu là mang tính chất hình thức, để thỏa mãn chương trình "Nước Mỹ Trên Hết" của ông Trump, cho phép ông khoe khoang một thành công lớn. Trung Quốc cũng có thể hứa giúp gây sức ép lên Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh sẽ không đi xa hơn những biện pháp hiện hành.

Đây chính là kịch bản kết quả hạn hẹp mà các cố vấn của ông Trump đã ngầm đồng ý.

Trump : Thất bại cả về kinh tế lẫn chiến lược ?

Theo The Observer, một kết quả như thế sẽ gác qua một bên, những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề mà nếu không giải quyết, có thể biến thành ung nhọt và biến quan hệ cạnh tranh thành sự đối đầu.

Một vấn đề là thực tế không chút thoải mái đối với nền kinh tế Mỹ và người lao động Mỹ : Đó là Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng nhiều gấp 3 lần hàng nhập tư Mỹ. Tình trạng mậu dịch mất cân đối nặng nề đó là biểu tượng rõ nhất về đà vươn lên của Trung Quốc, và sự thụt lùi tương đối của Mỹ.

Một vấn đề nổi cộm khác là như vậy ông Trump đã thất bại trong việc xử lý nghiêm túc sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như không hiểu được hệ quả tiêu cực trên sự tin tưởng của Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia và những nước khác vào cam kết hỗ trợ của Mỹ.

Trung Quốc thời Tập Cận Bình, người vừa được Đại Hội Đảng Cộng Sản mới đây mặc nhiên tôn lên thành lãnh đạo suốt đời, còn đặt ra một thách thức cơ bản hơn nữa : Việc Trung Quốc xem thường cung cách điều hành dân chủ, bầu cử tự do, quyền con người, quyền công dân, tư pháp độc lập đang phá hoại sâu sác những giá trị phương Tây. Cách triệt hạ những người chủ trương dân chủ ở Hồng Kông, truy bức nhà văn ly khai là những ví dụ điển hình.

Việc Bắc Kinh xem thường nhân quyền vốn mang tính phổ quát là một thách thức nhắm vào hệ thống chuẩn mực phổ quát được xây dựng thông qua Liên Hiệp Quốc từ năm 1945. Đấy không chỉ là vấn đề nội bộ Trung Quốc. Trên đà vươn lên, Trung Quốc gia tăng sử dụng quyền lực mềm, với những công cụ như đầu tư, xây dựng hòa bình ở Nam Sudan, vùng Sừng Phi Châu, và đang thực thụ xuất khẩu mô hình điều hành của mình ra thế giới.

"Thế Kỷ Xuyên Thái Bình Dương đã bắt đầu"

Một nghiên cứu của Atlantic Council, nhóm chuyên gia cố vấn tại Washington, ghi nhận là vùng Châu Á Thái Bình Dương sẽ là vùng kinh tế năng động nhất thế giới vào khoảng 2050, và các quốc gia trong vùng đang chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn cả Châu Âu. Một xu thế chuyển dịch quyền lực căn bản đang diễn ra và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đang bị thách thức gay go.

Câu trả lời của Mỹ phải là thắt chặt liên minh an ninh hiện hữu, lôi kéo Trung Quốc nhập cuộc nhưng phải cứng rắn. Mỹ phải cổ vũ "các giá trị cơ bản", trong toàn vùng, đồng thời phải luôn luôn tìm kiếm mẫu số chung, nếu được, với Trung Quốc. Theo bản nghiên cứu này, Washington không thể hoài nghi về thực tế là "Thế Kỷ Xuyên Thái Bình Dương đã bắt đầu".

Câu hỏi mà The Observer đặt ra là liệu một người như Donald Trump có thể lắng nghe những lời khuyên này hay không ? Liệu ông có thể chấp nhận ý nghĩ là thời đại thống trị của Mỹ đang kết thúc hay không ? Có lẽ là không. Điều tốt nhất mà người ta có thể hy vọng là ông Trump giảm bớt các phát biểu hung hăng trong tuần này và theo sát chương trình đã được vạch ra.

Tờ báo còn hóm hỉnh cho là : "Nếu đúng như dự đoán của một số người, Bắc Triều Tiên có thể khiêu khích, bắn thử tên lửa gọi là để chào đón ông, thì điều mà những người chung quanh ông có thể làm là cột ông lại."

Mai Vân

************************

Châu Á : Sàn đấu tay ba cho "Trump – Tập – Kim" ? (RFI, 06/11/2017)

Sau chuyến ghé thăm Hawai vào cuối tuần này, tổng thống Mỹ ngày Chủ nhật 05/11/2017, chính thức bắt đầu vòng công du Châu Á đầy tế nhị. Ngoài thương mại, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên là mối bận tâm lớn của Hoa Kỳ. Le Figaro số ra cuối tuần ngày 04/11/2017 có ba bài viết trình bày quan điểm từ phía Mỹ, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên về chuyến đi này của ông Donald Trump.

btt2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng các phu nhân dùng bữa tối tại một nhà hàng ở Tokyo, Nhật Bản ngày 05/11/2017. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Hoa Kỳ phô trương sức mạnh để uy hiếp Bắc Triều Tiên ?

Nhìn từ phía Hoa Kỳ, Le Figaro cho rằng "Tại Châu Á, Trump triển khai 'chính sách ngoại giao cưỡng bức' đối phó với Kim". Ông Donald Trump không đơn độc công du Châu Á. Mỹ triển khai cả một đạo quân hùng hậu hiếm thấy tháp tùng cùng tổng thống Mỹ. Trong suốt 10 ngày công du Châu Á, ba tầu sân bay – Nimitz, Theodore Roosevelt và Ronald Reagan tiến hành tuần tra khu vực giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Ba tổ hợp tác chiến này huy động cả một đại hạm đội 17 tầu chiến, 200 chiến đấu cơ và chừng 20 000 binh sĩ. Theo nhận định của ông Jerry Hendrix, cựu đại tá Hải Quân và là nhà nghiên cứu tại Center For A New American Security, điều này cho thấy thông điệp được gởi đi, nếu không phải là chuẩn bị cho cuộc chiến thì chí ít cũng cho thấy một "chính sách ngoại giao cưỡng chế".

Dĩ nhiên Washington, thông qua lời tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia, phải giải thích rằng lo cho an ninh của tổng thống trước mối đe dọa đến từ Bình Nhưỡng. Không đi thăm vùng phi quân sự DMZ nằm giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên có lẽ cũng chẳng phải do lo sợ an ninh, thế nhưng các chiến lược gia Nhà Trắng vẫn lo rằng một sự đối đầu trực diện có thể dẫn đến một sự khiêu khích.

Thay vào đó, tổng thống Trump sẽ đến thăm khu căn cứ quân sự mới Humphrey, do Hàn Quốc tài trợ, cho phép đồn trú một bộ phận của khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang được triển khai tại đây. Một biểu tượng cho việc "chia sẻ gánh nặng" như mong muốn của ông Trump.

Theo nhận xét của Le Figaro, thách thức "hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên" sẽ đeo bám tổng thống Mỹ tại mỗi điểm dừng chân trong chuyến công du đưa ông đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Trước đó, tướng McMaster đặt ra ba mục tiêu chính cho chuyến công du này : "Gia tăng giải pháp quốc tế cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm soát được bán đảo Triều Tiên. Một khu vực 'Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Và trao đổi mậu dịch cân bằng và có qua có lại".

Le Figaro lưu ý là cụm từ "Ấn Độ – Thái Bình Dương" được đưa ra ở đây cho phép Washington mời New Dehli tham gia vào "chiến lược khu vực" của mình, với ý định kềm chế Bắc Kinh, bởi đà bành trướng của Trung Quốc trong khu vực đang gây quan ngại cho Mỹ và các đồng minh của nước này.

Thế nhưng, hồ sơ Bắc Triều Tiên đang trói tay tổng thống Mỹ. Một nhà ngoại giao Mỹ nhìn nhận đây là một trong những hồ sơ Hoa Kỳ có đề ra một chiến lược nhưng bất thành. "Tổng thống Trump có ý định dùng thương mại để bẻ quặt tay Trung Quốc với hy vọng đến lượt mình, họ sẽ trói tay Bắc Triều Tiên trên hồ sơ hạt nhân".

Nếu như ông Trump đã không kiệm lời chỉ trích "chính sách kiên nhẫn" và từ bỏ "chính sách xoay trục sang Châu Á" qua việc lên án Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP của người tiền nhiệm Barack Obama, thì những gì ông đang làm hiện nay chẳng khác nào là một "chiến lược Obama cộng", theo như đánh giá của ông Michael Auslin, chuyên gia tại Hoover Institution. Giờ đến lượt tướng McMaster cũng phải kêu gọi nên "có chút kiên nhẫn".

Trung Quốc cũng như các quốc gia đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ việc gây áp lực lên Bắc Triều Tiên, nhưng lo lắng cho hậu quả của một thất bại. Không một quốc gia nào mong muốn nổ ra xung đột cho dù là hữu ý hay vô tình.

Những tuyên bố trái ngược, lời nói không đi đôi với việc làm của tổng thống Mỹ càng làm cho các đồng minh thêm lo lắng. Một mặt ông khuyên bảo ngoại trưởng Rex Tillerson không nên phí thời gian với đối thoại, nhưng mặt khác tổng thống Mỹ vẫn để cho đặc sứ Joseph Yun khai thác "kênh New York" với các đại diện của Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc. Những dòng tweet bốc lửa của tổng thống Trump lần lượt khép dần các cánh cửa ngoại giao.

Đến mức, một nhà phân tích của bộ Ngoại Giao Mỹ phải thốt lên rằng : "Giải pháp mang đến cho Kim Jong-un đó là buông vũ khí không cần chiến đấu hoặc biến họ thành những chiến binh". Vấn đề là chỉ có một phần tư dân Mỹ ủng hộ hành động quân sự nhắm vào Bắc Triều Tiên theo như một thăm dò của CBS News. Đối với tổng thống Mỹ, lắng nghe người dân là một chuyện, nhưng hành động thế nào là một chuyện khác. Ông khẳng định chỉ nghe theo "bản năng" của ông mà thôi.

Tình hình đáng lo đến mức ba nghị sĩ đảng Dân chủ đề xuất một dự thảo luật nhằm đặt quyền phát động chiến tranh dưới tay Quốc hội. Tuy đề nghị đã không được phe đa số ủng hộ, nhưng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Bob Corker, chủ tịch ủy ban đối ngoại đã phải tổ chức một buổi điều trần về quyền hạn chiến tranh của tổng thống.

Giờ đây để củng cố cho chính sách "ngoại giao cưỡng chế", Washington tìm cách không những"cô lập Bình Nhưỡng về mặt kinh tế và chính trị", gia tăng sức mạnh quân sự cho phía Nam mà còn có thể đưa Bắc Triều Tiên trở vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Chính quyền Donald Trump còn đang nghiền ngẫm ý tưởng tổ chức một hội nghị tập hợp các nước đã từng tham gia vào cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953. Thế nhưng, những nước đó dường như không mấy hồ hởi tìm lại những hồi ức không mấy đẹp đẽ gì.

Quan hệ Trung – Mỹ : Sao đổi ngôi ?

Nhìn từ Bắc Kinh, "Tập Cận Bình trên đỉnh cao quyền lực đợi đón Trump", là nhận định của thông tín viên Le Figaro tại Trung Quốc. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của nguyên thủ Mỹ lộ rõ một nét tương phản về vị thế giữa hai nguyên thủ cường quốc hàng đầu thế giới. Một bên là Tập Cận Bình đầy quyền lực sau kỳ Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19. Và bên kia là một Donald Trump, uy tín đang bị suy yếu trong các cuộc thăm dò sau một năm lên nắm quyền vì những tiến triển cuộc điều tra Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ.

Đến thăm chính thức Trung Quốc lần này, tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thuyết phục Bắc Kinh chấp nhận tăng thêm các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, nhất là cấm vận xuất khẩu dầu hỏa sang "vương quốc khép kín" này. Thế nhưng, theo đánh giá của ông Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia tại viện Carnegie-Thanh Hoa, ở Bắc Kinh, "khó có cơ may Trung Quốc thay đổi nghiêm túc lập trường chỉ vì Hoa Kỳ gia tăng áp lực".

Bắc Kinh không mong muốn sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng có khả năng dẫn đến sự thống nhất bán đảo Triều Tiên có lợi cho Hàn Quốc và đồng minh Hoa Kỳ của nước này. Nhất là, vào thời điểm Tập Cận Bình hứa hẹn một "thời đại mới" cho đế chế Trung Hoa sau một thời gian dài bị sỉ nhục.

Đương nhiên, Trung Quốc dù không ưa gì những vụ thử hạt nhân và bắn thử tên lửa của nhà lãnh đạo độc tài trẻ tuổi nhưng cho đến giờ vẫn chưa thể áp đặt uy quyền của mình lên quốc gia láng giềng "khó bảo". Từ một thời gian nay, dường như chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa có ý định có những cuộc thảo luận cấp cao với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý đến một sự kiện bất ngờ đã diễn ra trong tuần này. Trước chuyến công du Châu Á của ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình từ hơn một năm nay không viết thư cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đã phúc đáp thông điệp chúc mừng từ lãnh đạo nước này sau kỳ đại hội Đảng.

Lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ ý định "xúc tiến hơn nữa các mối quan hệ" giữa hai nước. Cuộc trao đổi này lại do hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA công bố. Theo nhận định của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, nhà nghiên cứu Trung Quốc học trường Đại học Baptiste Hồng Kông, điều đó "rất có thể là một tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại liên lạc với Bắc Kinh".

Vế kinh tế là một thách thức lớn khác trong chuyến đi Châu Á của ông Donald Trump. Theo Le Figaro, tổng thống Mỹ đến gặp đồng nhiệm Trung Quốc lần này trong một vị thế hết sức tế nhị vì phải đưa ra được những cam kết rõ ràng với các cử tri. Để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại mà ông Trump từng đánh giá là "đáng lo" và "đáng sợ hãi", tổng thống Mỹ rất có thể cố gắng dàn xếp với Tập Cận Bình nhằm bảo đảm một sự hợp tác của Mỹ trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng rất có thể Bắc Kinh sẽ có một số nhượng bộ trên hồ sơ này cho phép tổng thống Mỹ giữ được thể diện. Dấu hiện thiện chí là chính quyền Trung Quốc tuần này thông báo giảm bớt hàng rào thuế quan nhưng không nêu rõ chi tiết.

Có một điều chắc chắn là "vị hoàng đế đỏ", ngoài việc tiếp đón một cách long trọng đồng nhiệm Mỹ tới đây, sẽ còn tìm cách đặt mình ngang hàng với lãnh đạo cường quốc số một thế giới, đồng thời tìm cách thể hiện một sự đối lập về mặt phong thái, tạo dựng cho mình hình ảnh một lãnh đạo có trách nhiệm với địa cầu.

Lần lượt thông qua các bài diễn văn, ông Tập Cận Bình năm nay đã tự vẽ mình trước bàn dân thiên hạ như là một hình mẫu lý tưởng kêu gọi ủng hộ toàn cầu hóa hay như bảo vệ môi trường, hoàn toàn trái ngược với Donald Trump, được bầu lên nhờ vào một chương trình cô lập và "hoài nghi biến đổi khí hậu". Ở bên ngoài, vị tổng bí thư đảng Cộng sản bí hiểm liên tục đưa ra những đề nghị rất hợp lòng người, trong khi mà cả thế giới lại quá quen thuộc với những dòng tweet nảy lửa và gay gắt từ nhà tỷ phú Mỹ.

Dù vậy, thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh nhận thấy cùng còn có một điểm tương đồng giữa hai vị nguyên thủ. Trước mặt các cử tọa của mình, cả hai lãnh đạo đều hứa hẹn mang lại "uy thế" cho đất nước. Cả hai "gần như đều nói cùng một giọng điệu" như nhận xét của ông Philippe Le Corre, chuyên gia tại Belfer Center for Science and International Affairs.

Giờ đây sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng đáng quan ngại. Lo lắng trước việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và sự hiện diện trên vùng Biển Đông và Hoa Đông, cũng như là tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn mạnh, Hoa Kỳ lại muốn tìm cách chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực qua việc bảo vệ vùng "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".

Hành động tái định vị chiến lược này mà ông donald Trump sẽ phải nêu rõ chi tiết càng làm cho các quan chức chính phủ Trung Quốc thêm bực bội. Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) gần đây đã có phản ứng mạnh mẽ nhắc rằng : "Tôi không tin là việc tìm cách cản trở Trung Quốc là sẽ có lợi cho bất kỳ quốc gia nào". Như vậy là lại có thêm một bài toán hóc búa dành cho ông Donald Trump, Le Figaro kết luận.

Trump và Kim : Một cuộc đấu cân não ?

Cuối cùng là góc nhìn từ Bình Nhưỡng cho rằng "Bắc Triều Tiên muốn bắn thử tên lửa chống Trump, găng-tơ đế quốc". Chuyến công du Châu Á đầu tiên của tổng thống Mỹ, dưới cái bóng của hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên đang đặt cả khu vực trong trạng thái báo động. "Lãnh đạo tối cao" Kim Jong-un có thể có một hành động "khiêu khích" cho bắn thử tên lửa đạn đạo hay thử bom nguyên tử.

Một nguồn tin quân sự phương Tây tại Seoul phân tích : "Chuyến viếng thăm này là một giai đoạn mang tính rủi ro". Theo khẳng định của tình báo Hàn Quốc, rất có khả năng Bình Nhưỡng lại cho thực hiện một vụ thử nguyên tử ngay tại hầm số 3 điểm thử Punggye-ri, bất chấp vụ sập hầm số 4 sau vụ thử "bom nhiệt hạch" lần thứ 6 hôm 03/09/2017.

Câu hỏi đặt ra : Liệu rằng lãnh đạo họ Kim có dám làm một cú phát nổ ngay vào lúc vị tổng tư lệnh Hoa Kỳ đến thăm Seoul hay không ? Một quyết định mà giới quan sát cho rằng đẩy rủi ro. Điều đáng chú ý kể từ sau vụ thử nguyên tử mới đây nhất, Kim Jong-un tỏ ra im hơi lặng tiếng trên trường quốc tế, đặc biệt trong suốt thời kỳ diễn ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng như kỳ đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc.

Vẫn theo phân tích của nguồn tin quân sự trên, "Kim Jong-un không phải là một người phi lý, mà thậm chí rất ư là thực tế. Ông đợi xem các tín hiệu được đưa ra trong suốt chuyến đi này, để rồi tùy theo đó mà ông điều chỉnh cách đáp trả. Ông ấy đương nhiên đã chuẩn bị sẵn nhiều phương án".

Hiện tại, Washington đơn phương đe dọa Bình Nhưỡng thông qua một chuỗi các biện pháp trừng phạt kinh tế và đang tìm cách thuyết phục Seoul hành động tương tự. Hoa Kỳ còn dọa đưa trở lại Bắc Triều Tiên vào trong "danh sách đen" về "các quốc gia khủng bố".

Nếu như Donald Trump từ chối thách thức Kim Jong-un tại vùng phi quân sự DMZ như hai vị tiền nhiệm, chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản của ông lại được tháp tùng bằng một cuộc biểu dương sức mạnh qua việc điều hai oanh tạc cơ B-1B đến từ đảo Guam quần đảo trên không phận bán đảo Triều Tiên. Sự việc đã khiến Bình Nhưỡng phẫn nộ, gọi đó là "những tên găng-tơ đế quốc", quy trách nhiệm cho Washington về mọi hành động leo thang trong khu vực.

Tuy chưa chắc chắn về ngày giờ cụ thể, các chuyên gia dự đoán sắp tới sẽ có những vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM, một điều không thể thiếu trên bình diện công nghệ cho phép Bắc Triều Tiên tự trang bị một sức mạnh tấn công đáng tin có khả năng đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ.

Về điểm này, giáo sư Andrei Lankov, trường đại học Kookmin, tại Seoul nhận định như sau : "Kim chỉ mới hơn 30 tuổi, nhưng ông ấy đã có tầm nhìn dài hạn. Ông không muốn bị Mỹ "đánh đuổi" như trường hợp của Saddam hay Kadhafi. Chương trình nguyên tử là một vấn đề sống còn".

Theo quan điểm của chuyên gia David Wright, các nhà khoa học của Bình Nhưỡng giờ còn phải vượt qua nhiều trở ngại quan trọng, nhất là làm thế nào đưa được đầu đạn hạt nhân đang chịu một nhiệt năng lên đến hàng ngàn độ C vào tầng khí quyển.

RFI tiếng Việt

************************

Bên cạnh đồng minh Mỹ, thủ tướng Nhật tỏ cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên (RFI, 06/11/2017)

Ngày thứ 2 chuyến công du Nhật Bản, trong cuộc họa báo chung, hôm nay 06/11/2017 tại Tokyo, tổng thống Donald Trump một lần nữa khẳng định mối liên minh chặt chẽ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Về phần mình, thủ tướng Shinzo Abe tỏ ra cứng rắn hơn với tuyên bố Nhật sẽ phối hợp với Mỹ sẵn sàng bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên "nếu cần thiết".

btt3

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong cuộc họp báo chung tại cung điện Akasaka, Tokyo, Nhật Bản, 06/11/2017 - Reuters/Kiyoshi Ota/Pool

Thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo tường trình :

"Ông Shinzo Abe, thủ tướng của một đất nước theo Hiến Pháp chủ hòa, đối mặt với đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã tỏ ra kiên quyết hơn so với tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo chung.

Tổng thống Mỹ tỏ ra đỡ dữ dội hơn trước khi tới Hàn Quốc. Thậm chí, trước đó ông đã nhắc lại là sẵn sàng gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên khi có điều kiện thích hợp.

Như để gây ấn tượng với đồng minh Mỹ, ông Shinzo Abe tuyên bố ủng hộ trừng phạt Bắc Triều Tiên nặng hơn nữa để ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Thủ tướng Nhật mong muốn tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật. Ông không ngần ngại tuyên bố sẵn sàng bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên nếu một lần nữa lại bay qua lãnh thổ Nhật.

Ông Donald Trump nói rằng chiến lược kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên mà người tiền nhiệm Barack Obama theo đuổi giờ đã chấm dứt.

Sau khi gặp đại diện các gia đình những người Nhật bị gián điệp Bắc Triều Tiên bắt cóc trong các thập niên 1970-1980, tổng thống Mỹ tuyên bố nếu Bắc Triều Tiên thả những người bị bắt cóc thì như vậy sẽ tạo thuận lợi tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên."

Donald Trump muốn quan hệ thương mại "có đi có lại" với Nhật

Bên cạnh hồ sơ nóng Bắc Triều Tiên, lãnh đạo Mỹ-Nhật cũng đã đề cập đến quan hệ thương mại song phương. Tổng thống Mỹ mặc dù đánh giá cao Nhật Bản mua vũ khí khí tài quân sự Mỹ nhưng vẫn không quên phàn nàn về quan hệ buôn bán hai nước mất cân đối có lợi nhiều cho Tokyo, đặc biệt trong mặt hàng xe hơi. Ông Trump nói : "quan hệ thương mại của chúng tôi với Nhật không được tự do và không có đi có lại" nhưng hai bên đang cùng nhau làm việc để có được điều đó.

Thâm hụt ngoại thương của Hoa Kỳ với Nhật bản lên tới 69 tỷ đô la vào năm ngoái, theo số liệu của bộ Tài Chính Mỹ.

Nhật Bản và Hàn Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay 06/11/2017 tuyên bố ủng hộ chủ trương của Mỹ trong việc tăng thêm áp lực lên Bình Nhưỡng. Cũng trong hôm nay Hàn Quốc công bố trừng phạt 18 người Bắc Triều Tiên.

Khi tiếp tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở thăm Tokyo, chặng đầu vòng công du Châu Á, thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định sẽ tăng tối đa áp lực đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ông cho biết "tất cả các khả năng" đều có thể được xem xét, hàm ý là kể cả giải pháp quân sự.

Về phía Seoul hôm nay thông báo đơn phương trừng phạt 18 người Bắc Triều Tiên. Những người này bị cấm mọi hoạt động liên quan đến tài chính với công dân Hàn Quốc. Theo thông cáo của bộ Tài Chính Hàn Quốc, tất cả 18 người bị cho vào danh sách đen đều là thành viên các định chế tài chính Bắc Triều Tiên, và đều đã bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt.

AFP cho biết thêm, đó 18 quan chức cao cấp của ngân hàng Bắc Triều Tiên, làm việc tại Trung Quốc, Nga và Libya. Họ bị nghi ngờ là có liên quan đến các chương trình nguyên tử và hỏa tiễn, cũng như việc thu thập ngoại hối trên thị trường về cho Bình Nhưỡng.

Phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc tuyên bố mục đích trừng phạt nhằm ngăn chận các giao dịch đáng ngờ với Bắc Triều Tiên, phong tỏa các nguồn cung tiền mặt cho chế độ Bình Nhưỡng.

Quyết định trừng phạt này được loan báo một ngày trước khi tổng thống Mỹ thăm Hàn Quốc, và một trong những chủ đề chính được đề cập trong chuyến công du Châu Á của ông Donald Trump là chương trình nguyên tử đầy tham vọng của Bắc Triều Tiên.

**********************

'Tấn công là cách duy nhất giải giáp Bắc Hàn' (BBC, 06/11/2017)

Một đánh giá của Lầu Năm Góc tuyên bố cách duy nhất để loại trừ toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn là tấn công thực địa.

btt4

Lính Mỹ tham gia tập trận "Warrior Strike" ở Nam Hàn hồi tháng Chín

Chuẩn đô đốc Michael Dumont nêu ý kiến ​​thay mặt cho Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ trong bức thư gửi Nghị sĩ Ted Lieu.

Ông Dumont cho biết việc ước lượng số liệu nguy cơ tổn thất nhân mạng sẽ vô cùng khó khăn.

'Hệ lụy'

Ông cũng cho biết chi tiết về những giờ đầu tiên của cuộc chiến tranh sẽ dẫn đến những hệ lụy gì.

"Cách duy nhất để định vị và tiêu diệt toàn bộ tất cả các cơ sở của chương trình vũ khí hạt nhân tại Bắc Hàn là tấn công thực địa", ông hồi đáp câu hỏi của Nghị sĩ Lieu về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.

btt5

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cam kết "kiên quyết đối phó" với vấn đề Bắc Hàn

Những hệ lụy gồm nguy cơ Bắc Hàn đánh trả bằng vũ khí hạt nhân trong khi quân đội Hoa Kỳ cố gắng vô hiệu hóa "các cơ sở hạt nhân ngầm", ông nói.

Ông nói thêm : "Một cuộc họp tối mật là cách tốt nhất để bàn thảo chi tiết về việc này".

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ trực tiếp cố vấn cho Tổng thống Hoa Kỳ về các vấn đề quân sự.

Trong một tuyên bố chung với hơn mười dân biểu từng là cựu chiến binh, ông Lieu, một người phe Dân chủ, nói rằng đánh giá nêu trên "gây quan ngại sâu sắc" và cảnh báo rằng một cuộc xung đột quân sự "có thể dẫn đến hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người thiệt mạng chỉ trong vài ngày đầu của cuộc chiến".

"Đánh giá của họ nhấn mạnh những gì chúng ta đã biết từ lâu : không có lựa chọn quân sự nào tốt cho vấn đề Bắc Hàn", nội dung tuyên bố viết.

Lá thư được công bố trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu có chuyến công du Châu Á dài ngày, trong đó mối đe dọa của Bắc Hàn được trông đợi ​​sẽ là chủ đề chính của các cuộc thảo luận.

Tổng thống Trump trước đó nói rằng nếu Mỹ buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ các đồng minh, ông "sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt Bắc Hàn hoàn toàn".

"Tổng thống cần ngừng đưa ra những tuyên bố khiêu khích gây khó cho các lựa chọn giải pháp ngoại giao và đặt quân đội Hoa Kỳ vào tình trạng nguy hiểm hơn", tuyên bố chung của ông Lieu và các dân biểu khác nói.

Bản đánh giá tình hình do Hội đồng Tham mưu trưởng đưa ra sau việc công bố một phúc trình từ một cơ quan nghiên cứu phi đảng phái trong Quốc hội trong đó cảnh báo rằng ngay cả khi xảy ra một cuộc xung đột ngắn không dùng đến các loại vũ khi bị cấm thì nó cũng đã có thể cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng.

********************

Chống Bình Nhưỡng, Donald Trump biểu dương đồng thuận với Shinzo Abe (RFI, 06/11/2017)

Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo ngày 06/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump xác định tinh thần liên đới với Nhật Bản, trên tuyến đầu đối phó với Bắc Triều Tiên. Nhưng với "văn hóa" doanh nhân, chủ nhân Nhà Trắng không quên mục tiêu chính "nước Mỹ trước đã".

btt6

Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Shinzo Abe lúc thư giản trước buổi ăn làm việc. Ảnh tại dinh Akasaka, Tokyo, ngày 6/11/2017. Reuters/Jonathan Ernst

Tại Nhật Bản, chặng công du đầu tiên qua năm nước Châu Á, tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm hai động tác gây nhiều phê phán : một là chỉ hơi cuối đầu chào hoàng đế và hoàng hậu Nhật Bản khác với thái độ tôn kính của người tiền nhiệm Barack Obama. Thứ hai, ông đã tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi cùng thủ tướng Nhật rải thức ăn cho cá chép.

Ngược lại, trong lãnh vực an ninh quốc phòng, tổng thống Mỹ hoàn toàn ủng hộ đồng minh trước sự đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong cuộc họp báo chung, Donald Trump nhấn mạnh đến nhu cầu siết vòng vây "cô lập" Bình Nhưỡng : "giai đoạn kiên nhẫn chiến lược đã sang trang, các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên đe dọa hoà bình và ổn định quốc tế".

Tổng thống Mỹ không quên xác quyết bảo vệ an ninh của đồng minh trước mối đe dọa của Trung Quốc và trong bối cảnh Bắc Triều Tiên hai lần phóng tên lửa bay ngang đảo Hokkaido kèm theo lời hăm dọa "đánh đắm" quần đảo Phù tang. Donald Trump cũng dành thời giờ trao đổi với thân nhân của những công dân Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc từ thập niên 1970.

Về phần Nhật Bản, thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố ủng hộ "không chút do dự" những biện pháp của Mỹ "đã được chọn" và từ nay, Nhật "sẵn sàng" bắn hạ tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Giới phân tích một lần nữa cho rằng Donald Trump "tháu cáy" Bình Nhưỡng bằng lá bài xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, những lời tuyên bố kế tiếp cho thấy chủ nhân Nhà Trắng không quên thông số "nước Mỹ trước đã" trong các phương trình đối ngoại từ quân sự cho đến kinh tế. Sau khi ca ngợi "liên minh bền vững Mỹ Nhật", thân mật gọi ông Shinzo Abe "là bạn», tổng thống Mỹ thúc giục Tokyo phải nghĩ đến quyền lợi của Mỹ trong trao đổi thương mại. Mức thâm thủng vào khỏang 69 tỷ đôla hàng năm, mà phần lớn là từ xe hơi và hàng điện tử "made in Japan".

Bằng cách nào ? Donald Trump đề nghị Tokyo mua thêm vũ khí của Mỹ từ chiến đấu cơ F-35, tên lửa và hệ thống lá chắn chống tên lửa, vừa "bảo vệ an ninh cho Nhật Bản vừa tạo công ăn việc làm cho Hoa Kỳ".

Thủ tướng Nhật không phải là tay vừa. Ông cho biết hải quân Nhật sẽ trang bị thêm tên lửa Aegis nhưng lưu ý tổng thống Trump là phần lớn xe Nhật bán trên thị trường Hoa Kỳ được sản xuất từ các hãng ở nước Mỹ và sử dụng 850.000 lao động Mỹ. Toyota và Mazda cũng đang gây sức ép để được Mỹ trợ giúp 1 tỷ đôla nhằm mở thêm hãng tại Mỹ, theo lời hứa lúc tranh cử của…Donald Trump.

Cũng trong lãnh vực thương mại, Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP một lần nữa bị ông Trump chỉ trích là "không có lợi". Tuy nhiên, cho dù Hoa Kỳ rút chân và trong khi tổng thống Mỹ chê bai ở Tokyo, thì tại Chiba, 11 thành viên còn lại của TPP với cường quốc Nhật Bản đầu đàn, tiếp tục hoàn chỉnh hiệp định tự do thương mại đa phương này, từ hôm nay cho đến thứ Tư.

Nếu dự tính của Nhật thành tựu thì ngày thứ Sáu tới tại Đà Nẵng, nhân thượng đỉnh APEC, tổng thống Trump sẽ được mời xét lại quyết định để trở lại TPP. Giới lãnh đạo Nhật Bản cho biết là họ đặt Washington trước hai lựa chọn : hoặc trở lại hiệp định thương mại đa phương hoặc thương thuyết lại hiệp định song phương.

Nếu tại Tokyo, tổng thống Mỹ cư xử như một doanh nhân đối với đồng minh thân thiết, thì trong những ngày tới, khi đến Bắc Kinh, không rõ nhà tỷ phú địa ốc sẽ sử dụng chiến thuật con buôn như thế nào với Tập Cận Bình để làm giảm nhập siêu lên đến 347 tỷ trong năm 2016 ?

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 764 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)