Chủ quyền Biển Đông : Donald Trump đề xuất làm "trọng tài" (RFI, 12/11/2017)
Trong cuộc họp báo chung với chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại Hà Nội ngày 12/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẵn sàng "sử dụng tài thương lượng" để giúp giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, nếu Hà Nội ngỏ ý.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Phủ Chủ tịch, Hà Nội, ngày 12/11/2017. Reuteurs/Jonathan Ernst
Theo AFP, tổng thống Donald Trump đề nghị nguyên văn như sau với chủ tịch Trần Đại Quang : "Nếu (thấy) tôi có thể làm trung gian hay trọng tài, hãy cho tôi biết…, tôi là một người làm môi giới rất giỏi".
Buổi họp báo chung này kết thúc chuyến viếng thăm cấp nhà nước của tổng thống Mỹ trước khi lên đường sang Philippines.
Từ Việt Nam, thông tín viên RFI Frédéric Noir tổng kết :
"Chiều hôm qua (11/12), trong buổi dạ tiệc do chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang khoản đãi, tổng thống Donald Trump không tiếc lời khen ngợi sự phục hưng của Việt Nam từ sau chiến tranh là "một trong những phép lạ trên thế giới".
Tuy nhiên, những lời khen ngợi này không xóa tan hết nghi ngại. Thượng đỉnh APEC làm nổi bật hai thái độ tương phản. Một bên là một vị tổng thống chủ xướng "nước Mỹ trước đã", luôn luôn tuyên bố Hoa Kỳ không bao giờ từ bỏ "quyền lợi tối thượng", còn bên kia là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định "toàn cầu hóa là cơ hội lịch sử không thể đảo ngược".
Nhiều nhà quan sát tự hỏi phải chăng tổng thống Mỹ đang nhường vai trò lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương cho Trung Quốc. Viễn ảnh này gây lo ngại cho Việt Nam. Ưu tư của Hà Nội là làm sao duy trì quan hệ tốt với cựu thù Hoa Kỳ. Vì lẽ, tuy Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Việt Nam nhưng Hà Nội không tin cậy ở láng giềng phương bắc, tranh đoạt chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông. Đã vậy, Trung Quốc còn được thế thượng phong vì Washington cần Bắc Kinh để kềm chế Bình Nhưỡng.
Do vậy, Donald Trump cần phải nỗ lực nhiều hơn mới có thể trấn an được Việt Nam. Thứ Bảy 11/11, Hà Nội và các nước khác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương thông báo tìm được khuôn khổ chung để tiến tới một hiệp định thương mại đa phương không có Mỹ".
Còn theo Tân Hoa Xã, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp với tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Đà Nẵng ngày 11/11, có cam kết sẽ "cùng các nước ASEAN"bảo vệ hoà bình ở Biển Đông. Trước đó, theo Reuters, tổng thống Duterte cho biết ông sẽ đặt vấn đề Biển Đông với lãnh đạo Trung Quốc và yêu cầu làm sáng tỏ những ý đồ của Bắc Kinh.
Việt Nam - Hoa Kỳ : 12 tỉ đô la hợp đồng kinh tế
Trong lĩnh vực kinh tế, trong buổi làm việc sáng 12/11 tại Hà Nội, tổng thống Mỹ và chủ tịch Việt Nam chứng kiến một loạt các thỏa thuận thương mại được ký kết, trị giá 12 tỉ đô la. Các thỏa thuận nói trên liên quan đến các lĩnh vực hàng không, hợp tác cung cấp khí đốt hóa lỏng, vận tải...
Theo hãng tin Pháp AFP, tại Hà Nội, một lần nữa, tổng thống Donald Trump đã nhắc lại mục tiêu giảm nhập siêu bất lợi cho cán cân thương mại của Mỹ. Thâm hụt cán cân thương mại đối với Việt Nam năm 2016 đạt 32 tỉ đô la.
Hội kiến với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tổng thống Donald Trump tuyên bố cần giảm bớt thế bất cân đối trong cán cân thương mại vì "chúng ta cần quan tâm đến các hãng Mỹ, đến người lao động Mỹ".
Hoa Kỳ là một đối tác thương mại lớn của Việt Nam, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều tăng 20% mỗi năm.
Thanh Hà, Tú Anh
************************
Tổng thống Trump muốn làm trung gian về Biển Đông (VOA, 12/11/2017)
Tại Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 12/11 tuyên bố rằng ông sẵn lòng làm trung gian giữa các nước về vấn đề Biển Đông.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Quang trong cuộc họp báo chung hôm 12/11.
Phát biểu trước cuộc họp song phương với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng "về Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), chúng tôi đang cùng nhau xem xét vấn đề".
Nhà Trắng cung cấp tuyên bố của ông Trump, trong đó ông nói : "Nếu tôi có thể giúp làm trung gian hay phân xử, xin hãy cho tôi biết".
Nguyên thủ Hoa Kỳ cũng cho hay rằng ông biết về tranh chấp "trong thời gian khá dài" giữa các nước với Trung Quốc.
"Tôi là người trung gian rất tốt và là một người phân xử rất tốt. Tôi đã làm nhiều từ cả hai phía. Vì thế, nếu tôi có thể giúp gì, xin hãy cho tôi biết", ông Trump đề xuất với phía Việt Nam, theo thông tin từ Nhà Trắng.
Chủ đề Biển Đông sau đó cũng đã được nêu lên trong cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Quang ở Phủ Chủ tịch tại Hà Nội sau cuộc họp song phương.
Ông Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ "sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác Việt Nam cũng như các đối tác khắp khu vực về một loạt các thách thức, trong đó có an ninh hàng hải".
Ông Trump đề nghị làm trung gian về Biển Đông ở Việt Nam ít ngày sau khi thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Khi được đề nghị bình luận về đề xuất muốn làm trung gian của nhà lãnh đạo Mỹ, ông Quang nói : "Về vấn đề Biển Đông, tôi cũng đã chia sẻ với Tổng thống Donald Trump về những diễn biến, tình hình gần đây".
"Chúng tôi chủ trương sẽ giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình, bằng các biện pháp ngoại giao và pháp lý trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982", ông Quang nói tiếp.
Lời đề xuất của Tổng thống Trump được đưa ra ít ngày sau chuyến công du Trung Quốc, nơi ông được chào đón trọng thị.
Sau Việt Nam, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã đặt chân tới Philippines hôm 12/11.
Manila từng kiện Bắc Kinh ra Tòa trọng tài Quốc tế dưới chính quyền trước, nhưng theo giới quan sát, đương kim Tổng thống Duterte nay tỏ ra khá nồng ấm với Trung Quốc.
Cùng ngày với chuyến thăm chính thức của ông Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tới Hà Nội, và một số nhà hoạt động đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay chuyến công du của ông Tập vì những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trước khi tới Việt Nam, ông Tập đã viết bài cho báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó ông kêu gọi "kiểm soát các mâu thuẫn và bất đồng, kiên trì hiệp thương hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển mà hai bên đều có thể chấp nhận được".
"Chúng ta cần thực hiện toàn diện và hiệu quả ‘Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông’, tích cực thúc đẩy tham vấn về ‘Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông’, cùng nhau giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Ðông", chủ tịch Trung Quốc viết.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/11/b/bf/bf468d77-9228-4c09-9472-4d1f4df05e54.mp4
Viễn Đông