Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

28/12/2017

Bầu cử tại Campuchia, nhân quyền tại Myanmar và Philippines

Tổng hợp

Trung Quốc giúp Cam Bốt tổ chức bầu cử, thế chỗ của Châu Âu và Mỹ (RFI, 28/12/2017)

Một quan chức Cam Bốt ngày 28/12/2017 xác nhận : Trung Quốc sẽ cung cấp thiết bị giúp chính quyền Hun Sen tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018. Trung Quốc là nước đầu tiên cam kết giúp đỡ Cam Bốt từ sau khi Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ tuyên bố không trợ giúp Phnom Penh.

campu1

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phnom Penh, ngày 13/10/2016 Reuters

Trả lời hãng tin Anh Reuters, ông Hang Puthea, phát ngôn viên của Ủy ban Bầu cử quốc gia Cam Bốt nói rõ là Trung Quốc sẽ cung cấp 30 loại thiết bị khác nhau, "rất quan trọng cho việc tổ chức cuộc bầu cử".

Trong một tài liệu công bố hôm qua 27/12, ủy ban này cho biết là Bắc Kinh đã hứa cung cấp cho Phnom Penh các loại máy tính bàn và xách tay, cũng như phòng phiếu và các thiết bị khác và "Trung Quốc hứa sẽ hỗ trợ nhiều hơn" để giúp Ủy ban Bầu cử quốc gia Cam Bốt quản lý tốt tiến trình bầu cử, bảo đảm được tính chính xác, minh bạch và khả tín.

Trung Quốc đã ra tay giúp đỡ chính quyền Hun Sen vào lúc Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ đã quyết định không hậu thuẫn cho cuộc bầu cử năm 2018 tại Cam Bốt sau vụ đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt thuộc phe đối lập bị giải tán hồi tháng 11 vừa qua theo yêu cầu của chính phủ.

Trung Quốc hiện là nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất của Cam Bốt, và hai bên đã trở nên gần gũi hơn trong bối cảnh chính phủ Cam Bốt gia tăng trấn áp các tiếng nói bất đồng, các nhóm xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông độc lập, trong một chiến dịch bị giới bảo vệ nhân quyền gọi là phá hoại nền dân chủ.

Vào năm 2016, Trung Quốc cũng đã tặng Cam Bốt một số xe cộ và các thiết bị khác trị giá khoảng 11 triệu đô la để Phnom Penh tổ chức các cuộc bầu cử địa phương.

Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản là những nhà tài trợ lớn nhất cho Ủy Ban Bầu Cử Cam Bốt. Trong lúc Bruxelles tuyên bố rút lui, Tokyo cho biết vẫn sẽ tiếp tục giúp đỡ Phnom Penh.

Trọng Nghĩa

******************

Trung Quốc sẽ tài trợ cuộc bầu cử cho Campuchia (RFA, 28/12/2017)

Trung Quốc sẽ cung cấp các thiết bị phục vụ cho cuộc bầu cử ở Campuchia vào năm tới.

campu2

Một nhà sư Campuchia bỏ phiếu tại một điểm ở Phnom Penh vào ngày 4 tháng 6 năm 2017. AFP

Hãng Reuters hôm 28/12 dẫn lời phát ngôn nhân Ủy ban Bầu cử Quốc gia Camupuchia, ông Hang Puthea cho biết là Trung Quốc sẽ cung cấp 30 loại thiết bị khác nhau cho cuộc bầu cử, nói thêm rằng đây là những dụng cụ quan trọng để có thể tiến hành một cuộc bầu cử.

Trong một thông cáo của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Camupuchia loan đi cùng ngày cũng nói rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ các loại máy tính, thùng phiếu và nhiều thiết bị khác cho Phnom Penh. Thông cáo cũng nêu rõ là Bắc Kinh hứa hẹn sẽ hỗ trợ Ủy ban Bầu cử nhiều hơn nữa để tiến hành một cuộc bầu cử chính xác, minh bạch và đáng tin cậy.

Trung Quốc hiện là nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất của Camupuchia và luôn hỗ trợ các cuộc tổng tuyển cử ở Campuchia kể từ năm 1993. Năm ngoái, Bắc Kinh tài trợ cho Phnom Penh các thiết bị và phương tiện trị giá khoảng 11 triệu đô la.

Trong khi đó, Liên minh Châu Âu EU và Mỹ thời gian gần đây đã cho ngưng một số chương trình trợ giúp cho Campuchia với lý do là chính phủ Xứ Chùa Tháp gia tăng đàn áp đối lập, đặc biệt là vụ việc Đảng Cứu Quốc CNRP bị buộc giải thể và lãnh đạo của Đảng này bị bắt với cáo buộc phản quốc.

*****************

Liên hiệp quốc gây sức ép với Trung Quốc và Nga về vấn đề Myanmar (RFA, 28/12/2017)

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền Myanmar hôm 28/12/2017 kêu gọi quốc tế gây sức ép lên Trung Quốc và Nga nhằm phản đối việc lạm dụng nhân quyền ở quốc gia này.

campu3

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, bà Yanghee Lee - AFP

Trả lời phỏng vấn Reuters, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, Yanghee Lee cho biết bà kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục thuyết phục Trung Quốc và Nga quan tâm về vấn đề nhân quyền tại Myanmar.

Bà Yanghee Lee, người đã bị chính phủ Miến ngăn cấm, không cho đến thăm đất nước này, lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc và Nga đã thất bại trong việc tác động đến Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn cuộc đàn áp của quân đội Miến đối với cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.

Đáp lại lời kêu gọi của bà Lee, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, nói rằng "các nhà hoạt động bên ngoài" gây sức ép lên nhân quyền sẽ không giúp giải quyết vấn đề và có thể làm cho vấn đề phức tạp hơn.

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm thứ Năm, bà Hoa Xuân Oánh nói điều này không có lợi cho Myanmar, các nước láng giềng hay cộng đồng quốc tế. Bà nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng các nước hoặc những cá nhân bên ngoài có thể tạo ra một môi trường tích cực thuận lợi hơn cho Myanmar trong việc giải quyết vấn đề cho họ.

Về phía Bộ Ngoại giao Nga, cho đến nay vẫn chưa đưa ra phản hồi về yêu cầu của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Myanmar như vừa nêu.

Tin từ Reuters cho biết Chính phủ Nga trước đây đã cảnh báo về việc can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar. Đại sứ Nga tại Miến Điện, Nikolay Listopadov đã nói rằng lập trường của Nga là chống lại sự can thiệp quá mức, bởi vì nó sẽ không dẫn đến kết quả xây dựng nào.

Trong một diễn biến khác liên quan đến Myanmar, tòa án Miến Điện đã bãi bỏ cáo buộc đối với hai nhà báo nước ngoài và nhân viên địa phương của họ. Số này bị bắt vào tháng 10 với cáo buộc cho thiết bị không người lái điều khiển từ xa bay qua quốc hội nước này.

Theo luật sư thì nhà báo Lau Hon Meng, người Singapore, và Mok Choy Lin, công dân Malaysia, làm việc cho đài phát thanh TRT của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ được trả tự do cùng với hai nhân viên địa phương vào ngày 5/1/2018 sau khi bị tạm giam 2 tháng về tội danh vừa nêu. Hai nhà báo nước ngoài này còn bị cáo buộc liên quan việc nhập thiết bị cấm và vi phạm luật nhập cư của Myanmar.

Ngoài ra vào ngày thứ Tư 27/12/2017, một tòa án tại Myanmar gia hạn thời gian tạm giữ hai nhà báo của Reuters và định ngày xét xử vào ngày 10 tháng một với cáo buộc vi phạm bí mật nhà nước.

*********************

Liên Hiệp Quốc cảnh báo về vi phạm nhân quyền ở Mindanao (RFA, 28/12/2017)

Tình cảnh của một cộng đồng người Hồi giáo bản địa trên đảo Mindanao ở miền nam Philippine từng phải chịu đựng những vi phạm nhân quyền có thể trầm trọng thêm nữa khi mà quân luật do tổng thống Duterte ban hành được gia hạn tại đó.

campu4

Một trung tâm mua sắm đang cháy ở thành phố Davao trên đảo Mindanao của Philippines. Ảnh chụp ngày 23 tháng 12.  AFP

Reuters trích lời các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc nói về điều này hôm thứ Năm 28/12/2017.

Tổng thống Duterte đã gọi hòn đảo này là "điểm nóng bất ổn " và tội ác của phiến quân Hồi giáo và cộng sản nổi dậy.

Trong tháng này, các nhà lập pháp tháng đã ủng hộ kế hoạch gia hạn quân luật ở Mindanao đến năm 2018. Thời gian áp dụng thiết quân luật tại đó được xem là lâu nhất ở Philippines kể từ thời cố tổng thống Ferdinand Marcos vào những năm 1970.

Theo các báo cáo viên đặc biệt của Ủy ban Nhân quyền LHQ về các quyền của người dân bản địa và những người di tản, tình trạng quân luật như thế khiến hàng ngàn người Lumad phải rời bỏ nhà cửa và trong số đó đã có người thiệt mạng.

Tất cả bày tỏ quan ngại tình hình có thể xấu thêm nếu khi quân luật được gia hạn đến cuối năm 2018.

Kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào tháng 6/2016, Philippines đã bị quốc tế chỉ trích về việc sát hại khoảng 3.900 người trong chiến dịch chống ma tuý của cảnh sát. Tuy nhiên phía cảnh sát đã bác bỏ cáo buộc đó và cho rằng họ phải nổ súng để tự vệ.

Quay lại trang chủ
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)