Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

29/12/2017

2017 : Trước một Trung Quốc đe dọa, Châu Á chạy đua vũ trang

Tổng hợp

Nhật triển khai thêm tên lửa Aegis, Nga đe dọa quan hệ tổn hại (RFI, 29/12/2017)

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga tuyên bố, việc Tokyo cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản sẽ gây tổn hại đến quan hệ song phương. Đồng thời, Nga cũng tố cáo Mỹ vi phạm Hiệp ước về lực lượng hạt nhân tầm trung.

vutrang3 - Copie

Khu trục hạm Nhật Bản Kongo, trang hệ thống tên lửa Aegis rời căn cứ Sasebo, Nagasaki, ngày 28/03/2009 JIJI PRESS / AFP

Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày hôm qua, 28/12/2017, tại Moskva, phát ngôn viên bộ ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cho rằng, những hành động như vậy của Nhật Bản đi ngược với ưu tiên xây dựng lòng tin chính trị và quân sự giữa Moskva và Tokyo, và sẽ gây tác động tiêu cực đến bầu không khí chung trong quan hệ song phương.

Vẫn theo Moskva, khi cung cấp hệ thống Aegis cho Nhật Bản, chính quyền "Washington đã vi phạm trên thực tế Hiệp ước về lực lượng tên lửa tầm trung, với sự trợ giúp của Nhật Bản".

Tuần trước, Tokyo đã quyết định triển khai thêm hệ thống tên lửa phòng thủ Aegis của Mỹ, với các trạm ra-đa và tên lửa bắn chặn, nhằm đối phó với mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên.

Kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, Nga và Nhật chưa hề ký hiệp định hòa bình, do các tranh chấp chủ quyền đối với một số hòn đảo ở Thái Bình Dương.

Minh Anh

********************

Ấn Độ thử thành công tên lửa chặn hỏa tiễn đạn đạo tầm thấp (RFI, 29/12/2017)

Theo báo chí Ấn Độ, New Delhi vừa thử nghiệm thành công loại tên lửa tự chế có khả năng bắn chặn hỏa tiễn đạn đạo ở tầm thấp, để đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc và Pakistan.

vutrang1 - Copie

Một vụ bắn thử tên lửa AAD của Ấn Độ, ngày 26/01/2008 @FIDSNS

Báo India Today dẫn một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho hay, trong cuộc trắc nghiệm hôm qua 28/12/2017 tại bang Odisha, tên lửa tự chế mang tên AAD của Ấn Độ, có vận tốc siêu thanh, đã bắn trúng mục tiêu ở độ cao 15 km. Cụ thể là tên lửa AAD đã được bắn lên từ đảo Abdul Kalam, sát bờ biển bang Odisha.

Tên lửa tự chế AAD, do Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) chủ trì, có thể được sử dụng cùng với hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.

Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ DROD đang phát triển cả hai loại tên lửa đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo, ở tầm cao và tầm thấp. Loại thứ nhất để đánh chặn các hỏa tiễn trong giai đoạn di chuyển ngoài bầu khí quyển. Loại thứ hai để tấn công các mục tiêu đã lọt vào bên trong, thậm chí ở tầm cao sát mặt đất như tên lửa AAD nói trên.

Trong bài viết về vụ bắn thử thành công hôm qua của Ấn Độ, báo Nga Sputnick nhận định, cho đến nay, trên thế giới mới chỉ có bốn quốc gia được coi là sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa chặn hỏa tiễn đạn đạo cả hai tầm, cao và thấp, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Israel.

Trọng Thành

***************

Tuần duyên Đông Nam Á và Trung Quốc : Cuộc đấu không cân sức (RFI, 28/12/2017)

Trên biển khơi, giới chuyên gia quân sự thường phân biệt hai lực lượng : Tàu trắng (thường được gọi trong tiếng Anh là white-hull), tức là các chiếc tàu tuần duyên hay cảnh sát biển, và tàu xám (gray hull) tức là lực lượng Hải Quân. Trên danh nghĩa, lực lượng tàu trắng được cho là ôn hòa hơn lực lượng tàu xám. Tuy nhiên, thực tế tại Biển Đông rất khác : Tàu trắng Trung Quốc là hung thần.

vutrang2 - Copie

Tàu hải cảnh Trung Quốc. Reuters

Trong bài phân tích mang tựa đề "Cuộc chiến tranh tàu vỏ trắng tại Biển Đông" (The South China Sea's ‘White-Hull’ Warfare) đăng trên trang web của tạp chí Mỹ The National Interest ngày 26/03/2016, nhà nghiên cứu Koh Swee Lean Collin tại Singapore đã nêu bật tính chất dầy đặc và hung tợn của đội tàu tuần duyên Trung Quốc so với các nước Đông Nam Á.

Theo Koh Swee Lean Collin, trên lý thuyết thì lực lượng tuần duyên được xếp vào diện bồ câu, trái với Hải Quân luôn gắn liền với khái niệm chiến tranh. Thế nhưng, bồ câu nhiều khi cũng biến thành diều hâu, khi một quốc gia có một quan điểm khác về cách sử dụng các phương tiện này. Trung Quốc nằm trong trường hợp đó, và một loạt sự cố trên Biển Đông trong những năm gần đây là bằng chứng cho thấy là tàu "vỏ trắng" có thể trở thành hung dữ, trong lúc Hải Quân thì lại tương đối ôn hòa hơn.

Trung Quốc hơn hẳn Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam

Tác giả trước hết so sánh thực lực của lực lượng tuần duyên – đúng ra là tuần dương – Trung Quốc với lực lượng cảnh sát biển của bốn nước Đông Nam Á thường xuyên là nạn nhân của Trung Quốc : Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Ghi nhận đầu tiên là tính chất hùng hậu của hạm đội tàu trắng Trung Quốc, mang tên chính thức là Hải Cảnh, tức là Cảnh Sát Biển, hậu thân của các lực lượng Hải Giám và Ngư Chính, so với các đội tàu yếu hơn nhiều của các đối thủ Đông Nam Á tại Biển Đông.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không cân sức này là thái độ thờ ơ trước đây của các chính phủ Đông Nam Á đối với các lực lượng trên biển, đặc biệt là tuần duyên, thể hiện qua việc dành ngân sách quá ít cho ngành này.

Phải chờ cho mãi đến những năm 2000 mới thấy những thay đổi đầu tiên, khi khu vực chứng kiến một sự bùng lên của nạn cướp biển, cũng như tình trạng tội phạm hàng hải xuyên quốc gia.

Để đối phó, các nước bắt đầu thành lập các cơ quan chuyên trách : Cơ quan Thực Thi Pháp Luật Hàng hải Malaysia (MMEA) được thành lập vào năm 2005, trong lúc Indonesia đổi tên cơ quan điều phối của mình thành BAKAMLA vào năm 2014. Tại Việt Nam, lực lượng Ngư Chính mới thành lập đã góp mặt cùng với lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam hình thành năm 2013.

Trên nguyên tắc, các cơ quan cảnh sát biển có nhiệm vụ giảm bớt gánh nặng cho lực lượng Hải Quân trong thời bình, và tạo điều kiện cho việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển, được ghi trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tuy nhiên, theo dữ liệu trong bản báo cáo Cán Cân Quân Sự 2016 (Military Balance 2016), so với con số 326 tàu của Hải Cảnh Trung Quốc (trong đó có cả trăm tàu có khả năng tuần tra trên biển khơi), lực lượng cảnh sát biển của các nước Đông Nam Á có quy mô khiêm tốn hơn nhiều.

Tàu thuyền của cảnh sát biển Đông Nam Á chủ yếu cũng chỉ bao gồm các loại hoạt động ven bờ, thiếu trang bị, có thể đủ để chống tội phạm lặt vặt trên biển, nhưng hầu như bất lực khi phải chống lại những đối thủ to lớn hơn, được trang bị tốt hơn, trong một môi trường xa bờ.

Cuộc đối đầu hôm 19/03/2016 giữa hai lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc và Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia là minh chứng cụ thể về những giới hạn mà lực lượng tuần duyên Đông Nam Á đang gặp phải.

Đông Nam Á rất thiếu tàu tuần tra ngoài khơi xa

Bài phân tích của chuyên gia Singapore đã nêu bật tính chất yếu kém của lực lượng cảnh sát biển tại 4 quốc gia Đông Nam Á được cho là đang có quan tâm đến vấn đề bảo vệ vùng biển của mình.

Indonesia

Lực lượng tuần duyên BAKAMLA của Indonesia chỉ có hơn một trăm chiếc tàu trực thuộc nhiều cơ quan cấp dưới khác nhau. Vấn đề là đại đa số những phương tiện này chỉ thích hợp cho các hải vụ gần bờ hay ven biển mà thôi, chẳng hạn như chiếc tàu ngư chính Hiu-011, đã can dự vào sự cố với tàu Trung Quốc hôm 19/03 vừa qua. Indonesia chỉ có không đầy mười chiếc tàu có khả năng tuần tra ngoài biển khơi (OPVs).

Hải Quân Indonesia vấn còn được huy động vào các nhiệm vụ cảnh sát, nhưng số lượng tàu hoạt động được ngoài khơi xa chẳng thấm vào đâu so với diện tích quá lớn của quần đảo Indonesia khổng lồ. Dẫu sao thì chỉ có ba trên tổng số 7 chiếc tàu Hải Quân Indonesia là túc trực tại vùng quần đảo Natuna, còn phần lớn công việc thực thi luật pháp thì được giao cho cơ quan BAKAMLA thiếu phương tiện.

Malaysia

Tại Malaysia tình hình khá hơn một chút. Hạm đội của cơ quan MMEA có khoảng 190 chiếc tàu. Thế nhưng cũng chỉ có hai tàu có khả năng bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Malaysia ngoài khơi xa, và các chiếc tàu này đều đã khoảng 30 tuổi. Tóm lại, Malaysia có quá ít tàu trắng.

Chính vì lý do đó mà trong sự cố South Luconia Shoals tháng 9 năm 2013, Hải Quân Malaysia là lực lượng đầu tiên phản ứng với sự xâm nhập của Trung Quốc. Rõ ràng là cơ quan MMEA rất cần các phương tiện hoạt động ngoài khơi xa, nhưng 7 chiếc tàu mới được đặt gần đây sẽ còn mất nhiều thời gian nữa mối đi vào hoạt động, và sẽ không đủ cho vùng biển rộng lớn của Malaysia.

Philippines

Lực lượng tuần duyên Philippines thì cũng chỉ có 72 chiếc tàu, trong đó có 5 chiếc đủ sức đi biển. Do đó, lực lượng Hải Quân Philippines phải gánh vác trách nhiệm thực thi luật pháp trên Biển Đông, với hệ quả là bị Trung Quốc làm nhục.

Tại bãi cạn Scarborough vào tháng Tư năm 2012, tàu tuần duyên Trung Quốc, dù nhỏ hơn, đã ngăn cản được không cho tàu Hải quân Philippines BRP Gregorio del Pilar bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Kể từ đó, cảnh sát biển Trung Quốc canh giữ thường trực vùng bãi cạn này, trong lúc Manila tránh đưa tàu Hải Quân đến can thiệp.

Rõ ràng là lực lượng tuần duyên Philippines đã bị đối thủ Trung Quốc đè bẹp, và như vậy, đã mặc nhiên nhường quyền kiểm soát bãi Scarborough cho Bắc Kinh.

Việt Nam

Việt Nam trong tư thế khá hơn, với lực lượng Cảnh Sát Biển có gần năm mươi tàu, bao gồm hơn mười chiếc có thể hoạt động ngoài khơi xa. Tuy nhiên, Việt Nam đã thực sự cảm nhận sâu sắc sự thiếu hụt phương tiện của mình nhân cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu HD-981 với Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014.

Trước hết, do việc tàu của mình thuộc loại nhỏ, lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam thiếu độ bền cần thiết để bám trụ tại hiện trường, và vì vậy cần phải được liên tục luân phiên để duy trì một sự hiện diện thường trực của Việt Nam. Một ví dụ : tàu tuần tra ngoài khơi xa của Trung Quốc có khả năng bám trụ bằng hai chiếc tàu Việt Nam luân phiên thay thế nhau.

Về cơ bản, năng lực bảo vệ bờ biển của Việt Nam đã bị "căng ra" đến mức tối đa khiến cho các phương tiện phải làm việc quá mức, đặt ra vấn đề bảo trì.

Trung Quốc đã hiểu rõ thế yếu của Đông Nam Á để lợi dụng

Trung Quốc có vẻ tự tin về thành công của họ tại Biển Đông. Tính toán của họ đã đạt kết quả. Không những không có nước Đông Nam Á nào có lực lượng tuần duyên nào đông và mạnh, đủ sức đáp trả thách thức đội tàu trắng của Trung Quốc, mà các nước đó lại phải tránh triển khai lực lượng Hải Quân, vì biết rằng về mặt này, họ cũng thua kém.

Đối với tác giả, hiện thực Biển Đông đang là như sau : Trung Quốc có một lực lượng Hải Cảnh có quy mô lớn, bảo đảm năng lực "bình định" khu vực cũng như tạo ra một vùng phòng thủ cho Trung Quốc.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 639 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)