Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

01/02/2017

Bắc Kinh cho biết tàu sân bay thứ hai sẽ đậu gần Biển Đông

tổng hợp

Tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ đậu gần biển Đông (RFA, 01/02/2017)

tq1

Tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc tập trận quân sự ở Thái Bình Dương hôm 24/12/2016. AFP photo

Hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc và cũng là chiếc do nước này tự đóng đầu tiên sẽ được neo đậu ở một vị trí gần Biển Đông.

Mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn nguồn từ một tài khoản mạng xã hội thuộc Nhân dân Nhật báo ấn phẩm ở nước ngoài cho biết như vừa nêu.

Theo đó chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc dự kiến mang tên Sơn Đông sẽ được neo đậu tại một tỉnh ở miền nam Hoa Lục. Mục đích được nói nhằm giải quyết tình trạng mà Bắc Kinh cho là phức tạp ở Biển Đông, và Trung Quốc gọi là Nam Hải.

Cũng theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng thì chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc đã ‘định hình’ sau hai năm chín tháng gấp rút xây dựng.

Báo này dẫn nguồn có được hôm qua từ hai kênh truyền hình và truyền thanh tỉnh Sơn Đông về tin này. Tuy nhiên thông tin không cho biết thời điểm hoàn thành cũng như những chi tiết liên quan khác về chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc.

Một số nguồn tin báo chí Hoa Lục lại loan tin có thể chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm nay và chính thức được đưa vào biên chế của hải quân Hoa lục vào năm 2019.

Trước đây, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết công tác xây dựng chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai được tiến hành tại nhà máy đóng tàu ở cảng Đại Liên, mạn đông bắc Hoa Lục.

Trung Quốc hiện có một chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất mang tên Liêu Ninh. Đây là một tàu sân bay được nâng cấp từ chiếc tàu mua lại của Ukraine vào năm 1998.

Vào tháng giêng vừa qua hàng không mẫu hạm Liêu Ninh dẫn đầu một đoàn tàu chiến của Trung Quốc thực hiện cuộc diễn tập thử vũ khí và trang thiết bị quân sự tại khu vực Biển Đông.

Trước khi vào Biển Đông, vào tháng 12 năm ngoài, đoàn tàu chiến này đi qua vùng biển phía nam Nhật Bản, sau đó xuôi xuống miền đông và nam đảo quốc Đài Loan

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đó là hoạt động diễn tập thường kỳ phù hợp với luật pháp quốc tế. Phía Đài Loan thông báo cho huy động quân đội theo dõi sát diễn tiến của đoàn tàu chiến Hoa Lục đó.

Nhận định trên mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng hôm qua cho rằng còn nhiều năm nữa Trung Quốc mới có thể đạt được hoạt động tương tự như của hải quân Hoa Kỳ đang được triển khai trong nhiều thập niên qua.

****************

Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ neo đậu gần Biển Đông (RFI, 01/12/2017)

tq2

Căn cứ hải quân Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh : STR / AFP

Theo báo chí Trung Quốc hôm nay, 01/02/2017, chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai, hoàn toàn do Trung Quốc đóng, sẽ neo đậu tại một căn cứ ở một tỉnh miền Nam, gần Biển Đông, để có thể xử lý "những tình huống phức tạp" ở vùng biển đang tranh chấp này. Chính quyền Bắc Kinh chưa chính thức loan báo, nhưng theo báo chí Trung Quốc, chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai này sẽ được mang tên Sơn Đông (Shandong), một tỉnh bờ biển phía Đông Trung Quốc.

Hôm qua, một kênh truyền hình ở Sơn Đông loan tin là chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai đã "định hình" sau 2 năm, 9 tháng được đóng. Tuy nhiên, đài này không cho biết là khi nào chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ được hoàn tất. Báo chí Trung Quốc trước đây có nêu khả năng là chiếc Sơn Đông sẽ được hoàn tất trong sáu tháng đầu năm 2017 và sẽ chính thức tham gia hải quân Trung Quốc vào năm 2019.

Việc đặt căn cứ của tàu Sơn Đông ở vùng bờ biển phía Nam của Trung Quốc sẽ giúp nâng cao tiềm năng quân sự của nước này ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo và cũng là nơi mà căng thẳng với Mỹ đang gia tăng, nhất là kể từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.

Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, hiện neo đậu tại Thanh Đảo (Qingdao), một cảng ở tỉnh Sơn Đông, gần với Nhật và Hàn Quốc.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 738 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)