Trung Quốc phác thảo viễn kiến cho ‘Con đường Tơ lụa Bắc Cực’ (VOA, 27/01/2018)
Trung Quốc hôm thứ Sáu phác thảo những tham vọng của mình bành trướng Sáng kiến Vành đai và Con đường mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình sang tới Bắc Cực bằng việc phát triển các tuyến vận tải được mở ra do sự tăng nhiệt toàn cầu.
Phó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu phát biểu trong buổi họp báo tại Văn phòng Thông tin Quốc Vụ Viện ở Bắc Kinh, ngày 26 tháng 1, 2018.
Công bố bạch thư chính sách Bắc Cực chính thức đầu tiên của mình, Trung Quốc cho biết họ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện các chuyến hải hành thử nghiệm mang tính thương mại, mở đường cho các tuyến vận tải Bắc Cực mà sẽ tạo thành một "Con đường Tơ lụa Bắc Cực".
"Trung Quốc hy vọng sẽ làm việc với tất cả các bên để kiến thiết ‘Con đường Tơ lụa Bắc Cực’ thông qua việc phát triển các tuyến vận tải Bắc Cực", bạch thư, do Văn phòng Thông tin Quốc Vụ Viện phát hành, nói.
Trung Quốc, dù không phải là một quốc gia cận Bắc Cực, đang hoạt động ngày càng tích cực ở khu vực này và đã trở thành một thành viên quan sát viên của Hội đồng Bắc cực vào năm 2013.
Trong số lợi ích ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực là vốn đóng góp đáng kể của nước này trong dự án khí thiên nhiên hóa lỏng Yamal của Nga, dự kiến sẽ cung cấp cho Trung Quốc bốn triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng mỗi năm, theo tờ Trung Quốc Nhật Báo của nhà nước.
Vận tải qua Tuyến Bắc Băng Dương sẽ rút ngắn 20 ngày so với khoảng thời gian thông thường khi sử dụng tuyến truyền thống qua ngả Kênh Suez, tờ báo này cho biết vào tháng trước. Công ty Vận tải COSCO của Trung Quốc trước đây đã từng cho tàu đi qua tuyến đông bắc của Bắc Cực.
Sự hiện diện ngày càng nổi bật của Trung Quốc trong khu vực đã khơi lên lo ngại từ các nước Bắc Cực về những mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc, bao gồm cả việc có thể triển khai quân sự.
"Một số người có thể có những mối nghi ngại về sự tham gia của chúng tôi trong việc phát triển Bắc Cực, lo lắng rằng chúng tôi có thể có những ý định khác, hoặc chúng tôi có thể vơ vét tài nguyên hoặc gây tổn hại cho môi trường", Phó Bộ trưởng Ngoại giao Khổng Huyễn Hựu nói tại buổi công bố bạch thư.
"Tôi tin rằng những lo ngại này là hoàn toàn không cần thiết".
Bạch thư nói Trung Quốc cũng chú ý tới việc phát triển dầu mỏ, khí đốt, các nguồn tài nguyên khoáng sản và các loại năng lượng phi hóa thạch khác, đánh cá và du lịch trong khu vực. Bạch thư nói Trung Quốc sẽ làm điều này "cùng với các nước Bắc Cực, đồng thời tôn trọng truyền thống và văn hóa của người dân Bắc Cực kể cả người bản địa và bảo tồn môi trường tự nhiên".
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhắm mục tiêu kết nối Trung Quốc với Châu Âu, Trung Đông và xa hơn nữa thông qua các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn khắp hàng chục quốc gia, phản ánh mong muốn của ông Tập là Trung Quốc đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu nổi bật hơn.
******************
Một người đòi quyền tự quyết cho Hồng Kông bị cấm ứng cử Nghị Viện (RFI, 27/01/2018)
Một nhà tranh đấu trẻ tuổi đòi quyền tự quyết cho Hồng Kông vừa bị chính quyền đặc khu không cho phép ứng cử vào Nghị Viện trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 11/03/2018. Giới bảo vệ nhân quyền lo ngại các quyền dân chủ mong manh tại đặc khu Hồng Kông đang tiếp tục bị siết lại.
Cô Chu Đình (Agnes Chow). Ảnh chụp tại trụ sở đảng Demosisto, ngày 08/12/2017. Reuters/Tyrone Siu
AFP, hôm nay 27/01/2018, cho hay người vừa bị loại khỏi cuộc đua tranh ghế dân biểu, cô Chu Đình (tức Agnes Chow), nguyên là một lãnh đạo phong trào đòi dân chủ Dù Vàng năm 2014, lúc cô mới 21 tuổi. Một thông báo của chính quyền Hồng Kông khẳng định tất cả các ứng cử viên nào đòi quyền tự quyết hay đòi thay đổi chế độ chính trị của Đặc Khu Hành Chính Hồng Kông (HKSAR), "bao gồm đòi độc lập", đều đi ngược lại Luật Cơ Bản – tức Hiến pháp Hồng Kông, và việc ứng cử của họ sẽ đều không được chấp thuận.
Đảng đối lập Hồng Kông Demosisto – mà nhà tranh đấu nói trên là một thành viên sáng lập - "cực lực lên án" quyết định nói trên. Đảng Demosisto là một đảng chính trị của giới tranh đấu trẻ, thành lập năm 2016, có chủ trương đòi tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai chính trị của Hồng Kông sau năm 2047, tức sau khi nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" - theo thỏa thuận Anh-Trung 1997 - hết hiệu lực.
Báo Anh ngữ Hồng Kông South China Morning Post hôm nay dẫn ý kiến của cựu giáo sư luật Michael Davis, Đại học Hồng Kông. Theo chuyên gia về luật Hiến pháp này, quyết định nói trên của chính quyền đặc khu là một hành động nguy hiểm, khiến tình hình chính trị Hồng Kông thêm tồi tệ. Theo ông, không có lý do gì để loại trừ một ứng cử viên do lập trường đòi độc lập hay tự quyết, nếu là quan điểm cá nhân, và không đi kèm với "các biện pháp bất hợp pháp". Và việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai chính trị Hồng Kông sau 2047 là điều cần thiết. Chuyên gia luật Hồng Kông cũng cảnh báo quyết định của chính quyền Hồng Kông có thể khiến cử tri thêm thất vọng, và sẽ bầu nhiều hơn cho đối lập.
Cô Chu Đình dự kiến ứng cử vào ghế dân biểu bỏ trống sau khi ông La Quán Thông (Nathan Law Kwun-chung) bị tư pháp Hồng Kông truất quyền nghị sĩ. Ngoài cựu dân biểu La Quán Thông, còn 5 dân biểu khác cũng bị truất quyền hồi năm ngoái. Sáu dân biểu đối lập nói trên, trong lễ tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 9/2016, đã có những lời lẽ, động tác thể hiện thái độ không thần phục chính quyền Bắc Kinh.
Trọng Thành
***********************
Hong Kong cấm ứng cử viên trẻ ủng hộ dân chủ ra tranh cử (VOA, 27/01/2018)
Hong Kong đã cấm một nhà hoạt động trẻ tuổi ra tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới.
Agnes Chow (Chu Đình), 21 tuổi, là một thành viên của đảng chính trị Demosisto ủng hộ dân chủ. Chính quyền bất đồng với cương lĩnh của đảng này bao gồm "sự tự quyết" hay độc lập cho Hong Kong.
Agnes Chow (Chu Đình), 21 tuổi, là một thành viên của đảng chính trị Demosisto ủng hộ dân chủ.
Cô đã hy vọng trở thành ứng cử viên tranh một ghế lập pháp trong cuộc bầu cử vào tháng 3 tới đây.
Tuy nhiên, chính quyền bất đồng với cương lĩnh của Demosisto bao gồm "sự tự quyết" hay độc lập cho Hong Kong.
Chính quyền Hong Kong nói trong một thông cáo : "Sự tự quyết hoặc thay đổi hệ thống Đặc khu Hành chính Hong Kong (HKSAR) bằng cách trưng cầu dân ý bao gồm lựa chọn độc lập là không nhất quán với tư cách hiến pháp và pháp lý của HKSAR".
Cô Chow nói rằng việc cô bị truất quyền tranh cử là "sự sàng lọc chính trị". Cô nói thêm rằng quyết định "bãi bỏ tư cách ứng cử viên của tôi có nghĩa là các quyền chính trị đang bị bóp nghẹt".
"Động cơ của chính phủ là loại bỏ hi vọng của cả một thế hệ thanh niên", Demosisto nói trong một thông cáo.
Demosisto được sáng lập bởi Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), một trong những thủ lĩnh của Phong trào Dù vàng bắt đầu khi học sinh sinh viên xông vào sân trong của khuôn viên trụ sở chính quyền vào tháng 9 năm 2014, đòi tuyển cử tự do hoàn toàn tại thành phố bán tự trị này.
Là một đặc khu hành chính, Hong Kong được hưởng nhiều quyền tự do mà người dân ở Trung Quốc đại lục không được hưởng, theo thỏa thuận năm 1997 trao trả thành phố này từ nền cai trị của Anh về cho Bắc Kinh quản lý. Bắc Kinh đã siết chặt quyền kiểm soát Hong Kong trong những năm gần đây.