Việt Nam sắp mua nhiều loại vũ khí của Mỹ ? (Người Việt, 29/01/2018)
Chuyến thăm Việt Nam của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có thể mở đường cho việc bán các loại võ khí mà Việt Nam đang cần để bảo vệ chủ quyền trước sự bành trướng bá quyền của Bắc Kinh.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis thăm và dâng hương tại chùa Trấn Quốc ở Hà Nội hôm 25 tháng Giêng, 2018. (Hình : AFP/Getty Images)
Cải thiện quan hệ có thể tiến đến việc Việt Nam mua võ khí của Mỹ, theo nhận định của ông Murray Hiebert, phụ tá giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của tổ chức Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington DC.
Trong khi đó, theo nhận định của ông Carl Thayer, chuyên viên của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, Việt Nam đang muốn thay thế đội máy bay Mig-21 đã phải cho nghỉ hưu cách đây hơn một năm vì đã quá tuổi sử dụng.
Cả hai chuyên viên vừa kể nêu ý kiến qua các cuộc phỏng vấn của đài VOA hôm 29 tháng Giêng, 2018, về chuyến thăm viếng hai ngày của Bộ Trưởng Mattis tại Hà Nội, trong đó, ông đã họp với Bộ trưởng quốc phòng cộng sản Việt Nam Ngô Xuân Lịch. Ông Mattis cũng đã gặp cả Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang, Tổng Bí Thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Trước khi sang Việt Nam, ông Mattis nói với các ký giả tháp tùng ông rằng ông sẽ lắng nghe xem phía Việt Nam nói gì. Nội dung các cuộc thảo luận giữa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và các giới chức Việt Nam không được tiết lộ gì ngoài sự loan báo hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson sẽ cập cảng và thăm viếng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba tới đây.
Khi đến thăm Việt Nam hồi tháng Năm, 2016, Tổng Thống tiền nhiệm Barack Obama loan báo Mỹ bãi bỏ hoàn toàn cấm vận võ khí cho Việt Nam, mở đường cho nước này mua sắm các loại võ khí tối tân, một điều các lãnh tụ cộng sản Việt Nam khi đến Hoa Kỳ đều nhất mực đòi hỏi.
Tuy nhiên, đến nay, người ta vẫn chưa thấy gì đáng kể diễn ra dù Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam một tàu tuần tra cỡ lớn và một ít xuồng cao tốc cho cảnh sát biển Việt Nam. Đang có tin bán chính thức Mỹ sẽ trao thêm cho Việt Nam thêm một tàu tuần tra nữa cùng lớp với chiếc Việt Nam đã nhận năm ngoái.
Khi Nghị Sĩ John McCain cùng phái đoàn các nghị sĩ trong tiểu ban đối ngoại Thương Viện Mỹ đến Việt Nam hồi tháng Tám năm 2014, tin cho hay phía Hà Nội đã trao cho ông một danh sách dài các trang bị võ khí mà Việt Nam đang cần mua. Thời điểm này, vẫn còn bị giới hạn bán các loại võ khí sát thương.
Nhưng tháng Mười Một, 2017, Tổng Thống Donald Trump đã "đánh bài ngửa" ở Hà Nội khi công khai nói với Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang là Mỹ muốn Việt Nam mua các loại võ khí tối tân của Mỹ, kể cả các loại hỏa tiễn. Ông Trump sốt ruột muốn giảm nhanh thâm thủng mậu dịch với Việt Nam.
Đến giờ không thấy gì hé lộ. Một phần, Việt Nam có ngân sách quá nhỏ bé về an ninh quốc phòng. Phần khác, lại còn phải ngó chừng về phương Bắc, không muốn cái ông bạn khổng lồ "16 chữ vàng" nổi giận và trả thù.
Vũ khí của Mỹ tuy tối tân nhưng mua mới lại quá đắt. Hà Nội nhiều phần chỉ tính tới chuyện mua các loại trang bị "cũ người mới ta" cho họp với khả năng tài chính.
Các máy bay săn ngầm tuần tra biển Orion P-3 nằm ụ tại sa mạc Arizona hoặc các trực thăng tấn công Super Cobra AH-1W sắp được thải loại mà Mỹ mới rao bán công khai, các khu trục cơ F-15, F-16 dư thừa có được nêu ra trong cuộc họp của Bộ Trưởng Mattis hồi tuần qua, hoặc cuộc họp của bà Tina Kaidanow đang diễn ra tại Hà Nội, dư luận muốn được biết.
Theo nhận định của ông Sean King, phó chủ tịch tổ chức tham vấn chiến lược Park Strategies consultancy ở New York được thuật lại trong bài viết của VOA, chuyến đi Việt Nam của ông Mattis là tín hiệu "cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh" về vấn đề Biển Đông so với chính phủ tiền nhiệm Obama. Tuy nhiên theo ông như vậy là "quá muộn".
"Các quan hệ với Việt Nam bây giờ cốt yếu hơn bao giờ vì có vẻ như chúng ta đã mất Philippines về vấn đề Biển Đông". Ông King được dẫn lời trên VOA, "Có thể là đã quá muộn vì (kế hoạch) Bắc Kinh bành trướng lãnh thổ tại Biển Đông coi như đã hoàn tất". (TN)
************************
Các quốc gia Đông Á chạy đua phát triển hỏa tiễn (Người Việt, 29/01/2018)
Kế hoạch vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn của Bắc Hàn đã kéo theo một cuộc chạy đua phát triển lực lượng hỏa tiễn phòng thủ cũng như tấn công ở tất cả các nước Đông Á.
Hỏa tiễn bình phi tấn công AGM-158 JASDSM phóng đi từ máy bay mà Nhật Bản muốn mua của Mỹ. (Hình : USAF/via Wikipedia)
Bắc Hàn
Kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền lực tháng Mười Hai, năm 2011, Bắc Hàn đã đẩy mạnh chương trình phát triển hỏa tiễn và nhịp độ thử nghiệm tăng lên đáng kể so với thời ông bố là Kim Jong-il. Sau những lần thất bại năm 2016, hiện nay Bắc Hàn đạt nhiều tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng và Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng trong vòng năm 2018 có thể có được hệ thống hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn nguyên tử nhắm tới lục địa Mỹ.
Số lượng hỏa tiễn mà Bắc Hàn hiện có vẫn còn là bí ẩn và nhiều loại mới chỉ thử nghiệm chưa tới giai đoạn sản xuất và sử dụng. Nhiều loại hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có khả năng bắn tới tất cả mục tiêu trên lãnh thổ Nam Hàn và Nhât Bản. Hỏa tiễn tầm xa Hwasong-10 hay Musudan triển khai từ năm 2010, hiện nay được cải tiến, có tầm bắn 3.200 km đủ đe dọa tới Guam.
Ngoài việc hoàn thiện các loại hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung, mục tiêu chính của Bắc Hàn là phát triển hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn xa từ 10.000 đến 13.000 km. Trong năm 2017, bất chấp lệnh cấm vận Bắc Hàn đã thử nghiệm các hỏa tiễn hạng này bao gồm Hwasong-14, 15, 16 với mức độ thành công chưa thể biết chính xác. Là một đất nước quá nhỏ bé, Bắc Hàn phải thử nghiệm hỏa tiễn bằng đường phóng thẳng lên cao để tránh bay qua không phận các quốc gia khác, do đó khó đánh giá khả năng đánh trúng mục tiêu.
Trung Quốc
Cho tới đầu thế kỷ này, triển khai hỏa lực chiến thuật tầm xa của Trung Quốc đặt căn bản trên hỏa tiễn đạn đạo thay vì dùng máy bay oanh tạc hay chiến hạm. Do đó quốc gia này đã sản xuất hàng trăm loại hỏa tiễn tầm ngắn, tầm trung và liên lục địa.
Các hỏa tiễn tầm trung DF-21 tầm bắn 1.700 km và DF-26 trên 3.000 km, đặt trên xe di động, có khả năng tấn công đến tất cả các mục tiêu ở Đông Bắc Á, Đài Loan, Nhật Bản, Guam. Hai kiểu hỏa tiễn này cũng có phiên bản được biến thể thành hỏa tiễn diệt hạm chuyên dùng vào mục đích tấn công các chiến hạm kể cả hàng không mẩu hạm.
Trung Quốc cũng đang chú trọng phát triển các loại hỏa tiễn bình phi như DF-10A có tầm bắn xa 1.500 km đặt căn cứ trên mặt đất hay chiến hạm. Hỏa tiễn bình phi bay thấp chỉ có vận tốc cận thanh với động cơ phản lực như một máy bay thường, nhưng có ưu điểm là tránh bị radar phát hiện và được điều khiển suốt hành trình cho tới mục tiêu.
Hỏa tiễn đạn đạo đi theo quỹ đạo cố định, nếu là liên lục địa thì lên rất cao ra ngoài khí quyển nhưng không vào quỹ đạo thành một vệ tinh nhân tạo, còn nếu là tầm xa hay tầm trung thì không ra ngoài khí quyển. Trong hầu hết thời gian bay, hỏa tiễn đạn đạo không có lực đẩy, chỉ nhờ trọng lực và sức cản của không khí, và chỉ có sự hướng dẫn trong một khoảnh khắc rất ngắn khi gần đến mục tiêu.
Mỹ, Nga, Trung Quốc đều đang nỗ lực phát triển loại hỏa tiễn "bội thanh" (hypersonic) nghĩa là bay với vận tốc trên 5 lần vận tốc âm thanh khi đi đến mục tiêu, và đến nay dường như Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về kỹ thuật. Hồi tháng Mười Một năm ngoái, lực lượng hỏa tiễn của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đã thử nghiệm hỏa tiễn mới DF-17, đầu tiên thuộc loại này, và tình báo Mỹ dự đoán sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2020.
Hỏa tiễn bội thanh sẽ là mối đe dọa nặng nề vì có thể vượt qua tất cả tất cả những hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn đạn đạo và bình phi thông thường.
Nam Hàn, Nhật, Đài Loan
Từ trước đến nay các quốc gia này đều chỉ chú trọng đến mục tiêu phòng thủ với các hệ thống hỏa tiễn mua của Mỹ.
Theo hiến pháp hòa bình, Nhật không chủ trương trang bị vũ khí tấn công, nhưng gần đây bị đe dọa bởi thái độ hiếu chiến của Bắc Hàn, Nhật muốn mua loại hỏa tiển bình phi AGM-158 JASSM-ER của Không Quân Mỹ, phóng đi từ máy bay chiến đấu tới mục tiêu xa trên 1,000 km với đầu đạn mang chất nổ quy ước nặng 470 kg.
Nam Hàn có các hỏa tiễn đạn đạo Hyunmoo trong đó Hyunmoo-4 có tầm bắn xa 1.000 km mang đầu đạn 1,000 kg thuốc nổ. Ngoài ra các hỏa tiễn bình phi KEPD 350 mua của Đức, phóng từ máy bay đánh các mục tiêu dưới đất và hỏa tiễn bình phi Hyunmoo 3 do Nam Hàn sản xuất với tầm xa trên 500 km.
Đài Loan sản xuất hoả tiễn bình phi Hsiung Feng IIE (HF-2E) đặt căn cứ trên mặt đất phóng đi từ xe di động, nhằm mục đích phòng thủ eo biển, nhưng với tầm xa tối đa 600 km có thể tần công vào lục địa Trung Quốc qua eo biển bề ngang trên 200 km. Đài Loan cũng đang phát triển hỏa tiễn bình phi Vạn Kiếm (Wan Chien) phóng đi từ máy bay chiến đấu với tầm bắn xa 2.000 km đẩ có thể đe dọa Bắc Kinh.
Trong tình thế mỗi quốc gia đều bí mật sản xuất hay đặt mua những hệ thống hỏa tiễn mới, hậu quả sẽ là sự gia tăng nguy cơ chiến tranh tới mức độ lớn trong khu vực.
Hà Tường Cát
*************************
Mỹ có thể giao thêm tàu tuần duyên cho Việt Nam (Người Việt, 28/01/2018)
Mỹ có thể sắp chuyển giao thêm một tàu tuần duyên cùng lớp với chiếc đã chuyển giao năm ngoái cho cảnh sát biển Việt Nam, giúp tăng cường khả năng tuần tra hiện đang cần cải thiện nhiều.
Tàu tuần tra Sherman (WHEC 720) dự trù chuyển giao cho Việt Nam. (Hình : wikimedia)
Báo "Naval Today" cho hay, chiếc tàu tuần tra USCGC Sherman (WHEC 720) của Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ (US Coast Guard) vừa mới hoàn thành chuyến hải trình cuối cùng kéo dài 76 ngày trên vùng biển Bering, Alaska vào hôm 23 tháng Giêng, 2018. Chiếc tàu này đã quay lại căn cứ tại Honolulu, tiểu bang Hawaii và chờ nghỉ hưu vào ngày 29 tháng Ba tới đây sau 50 năm hoạt động.
Naval Today nói rằng chiếc USCGC Sherman (WHEC 720) "có tin cho biết sẽ được chuyển giao cho Việt Nam. Nếu việc này xảy ra, tàu Sherman sẽ tái hợp với chiếc tàu chị em cùng lớp (USCGC Morgenthau) đã được đổi tên thành tàu cảnh sát biển CSB 8020 sau khi đã được chuyển giao".
Tin này đã có từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa trở thành tin chính thức được Mỹ hay Việt Nam loan báo.
USCGC Sherman (WHEC 720) cũng giống như USCGC Morgenthau (WHEC 722) thuộc lớp tàu Hamilton trọng tải 3,200 tấn, từng được cho nghỉ hưu nhưng sau lại được tân trang nhiều lần và tiếp tục làm nhiệm vụ tuần tra biển khắp nơi cho đến nay.
Đây cũng là con tàu được đưa sang Việt Nam thời chiến tranh trước 1975 làm nhiệm vụ tuần tra, ngăn chặn sự xâm nhập và chuyển vận võ khí của quân đội Cộng Sản Bắc Việt vào miền Nam bằng đường biển.
USCGC Sherman WHEC 720 từng được thưởng nhiều huy chương trong chiến tranh Việt Nam và các hoạt động chống ma túy. Tàu này đã bắt được vụ chuyển vận bạch phiến lớn nhất từ trước tới giờ khi bắt chiếc tàu mang cờ Panama chở 17 tấn bạch phiến trị giá $600 triệu mua bán trên thị trường hồi năm 2007.
Theo Wikipedia, chiếc USCGC Sherman được trang bị hệ thống động lực kết hợp gồm 2 động cơ diesel và 2 động cơ turbine khí, vận tốc tối đa 29 hải lý/giờ, tầm hoạt động 14,000 hải lý và có thể hoạt động trên biển liên tục 45 ngày.
Điều khiển tàu là một lực lượng gồm 167 cả sĩ quan và thủy thủ. Võ khí trang bị gồm radar tìm kiểm trên không, pháo hạm Oto Breda 76mm, pháo phòng thủ tầm gần Phalanx CIWS 20mm, pháo tự động M242 Bushmaster cỡ 25 và một số súng liên thanh. Theo thông lệ, nhiều phần chiếc USCGC Sherman (WHEC 720) sẽ được tu sửa và gỡ bỏ một số võ khí trước khi giao cho phía Việt Nam cũng như chiếc tàu tuần tra hiện mang số hiệu CSB 8020.
Tin về số phận tương lai của chiếc USCGC Sherman có cùng thời điểm với tin một phái đoàn do bà Tina Kaidanow, phó phụ tá chính về chính trị, quân sự của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, dẫn đầu tới Việt Nam tham dự cuộc đối thoại về chính trị, an ninh và quốc phòng lần thứ 9. Phái đoàn của bà tới Việt Nam ngày 28 tháng Giêng, 2018 và ở đây một tuần lễ đến ngày 4 tháng Hai, 2018, thảo luận với đối tác nhiều mặt từ "hợp tác anh ninh và mua bán võ khí, an ninh đường biển, chương trình bảo vệ hòa bình Liên Hiệp Quốc, chống khủng bố và các vấn đề nhân đạo", theo bản thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Chuyến đến Việt Nam của Đại Sứ Tina Kaidanow diễn ra chỉ ba ngày sau khi Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis rời Hà Nội, trong đó, hai bên đã lập chương trình cho hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng thăm viếng vào tháng Ba tới đây. Đây là một dấu hiệu của mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai nước tiến thêm một bước.
Phái đoàn của bà Kaidanow thảo luận những gì trong mục "mua bán trang bị quân sự" là điều được dư luận ngóng chờ tin tức. (TN)