Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/02/2018

Bắc Kinh muốn đặt Công giáo dưới quyền kiểm soát của đảng cộng sản

RFI tiếng Việt

Trung Quốc : Quy định mới gia tăng kiểm soát tôn giáo chính thức có hiệu lực (RFI, 02/02/2018)

Một loạt quy định mới nhằm tăng cường an ninh quốc gia, "ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan" và phòng chống "lực lượng ngoại quốc sử dụng tôn giáo thâm nhập vào xã hội", chính thức có hiệu lực tại Trung Quốc từ ngày 01/02/2018.

tq1

Một buổi lễ tại nhà thờ Thái Nguyên (Taiyuan), tỉnh San Tây (Shanxi), Trung Quốc, ngày 14/03/2013 Reuters/Stringer

Theo thông tín viên Cyrille Puyette tại Bắc Kinh của nhật báo Le Figaro (01/02/2018), gọng kìm đang dần xiết chặt hơn tại Trung Quốc nhằm đưa tự do tín ngưỡng vào khuôn khổ theo những quy định mới, được công bố hồi tháng 09/2017.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (PCC) vào tháng 10/2017, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình đã kêu gọi đập tan mọi ý đồ, hành vi có thể đe dọa đến quyền lực của chế độ và "an ninh quốc gia", đồng thời nhấn mạnh sẽ "trấn áp mạnh mẽ" các "hoạt động tôn giáo cực đoan". Đây là lý do giải thích ý định "Hán hóa" mọi tín ngưỡng phổ biến trên lãnh thổ Trung Quốc của ông Tập Cận Bình. Ông còn nhấn mạnh rằng các loại hình tôn giáo phải "phù hợp hơn" với "thực tế Trung Hoa" và "xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Tại Trung Quốc, ngay cả những tôn giáo được chính thức công nhận (Phật giáo, Đạo giáo) cũng bị kiểm soát chặt chẽ và phải trung thành với các hiệp hội "yêu nước" do Nhà nước giám sát. Chính quyền tỏ ra đặc biệt nghi kị với Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Phật giáo Tây Tạng, ba tín ngưỡng bị coi là chịu ảnh hưởng từ bên ngoài nhiều hơn.

Tuy nhiên, những quy định mới vừa có hiệu lực còn đi xa hơn, ví dụ cấm nhận tiền, quà biếu từ nước ngoài và áp dụng hình thức phạt tiền nặng trong trường hợp tổ chức sự kiện mà không được cấp phép. Ngoài ra, việc mở trường tôn giáo cũng phải chịu những điều kiện nghiêm ngặt hơn.

Đề phòng cao độ với ba tôn giáo chịu tác động từ nước ngoài

Trung Quốc đặc biệt chú ý đến tình hình ở tỉnh Tân Cương, nơi có khoảng 10 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sinh sống, trong khi vùng này lại là nơi xảy ra nhiều vụ bạo động trong những năm gần đây. Lo ngại về những mối quan hệ được cho là giữa "những người ly khai" và các tổ chức thánh chiến quốc tế, chính quyền đã bố trí lực lượng an ninh tinh nhuệ và liên tục áp dụng những biện pháp quản lý sâu sát đời sống của người dân theo đạo Hồi.

Chính quyền trung ương cấm phụ nữ trùm khăn kín đầu, khuyến khích "tố" những "bộ râu bất thường" ở đàn ông, gây khó dễ cho việc giáo dục tôn giáo cho trẻ em và thiếu niên hoặc cản trở công chức và sinh viên tuân thủ mùa chay tịnh Ramadan của người Hồi Giáo.

Về phần Phật giáo Tây Tạng, các nhà sư Tây Tạng thường xuyên bị giám sát. Cuối năm 2017, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã lên án chính quyền Trung Quốc từng bước "giành quyền kiểm soát" Học viện Phật giáo Lạc Nhược Hương (Larung Gar), một trong những trung tâm Phật giáo Tây Tạng có sức ảnh hưởng nhất thế giới, nằm ở tây nam tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan).

Theo một tài liệu chính thức mà tổ chức phi chính phủ này có được, khoảng 200 cán bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc đang dần giữ mọi chức vụ quản lý và thậm chí là tự lựa chọn những tác phẩm để nghiên cứu. Quá trình chiếm quyền này diễn ra sau khi chính quyền đã tiến hành một chiến dịch đập phá và trục xuất kéo dài trong suốt 8 tháng và kết thúc vào tháng 04/2017 với kết quả là thu nhỏ quy mô của học viện. Dĩ nhiên là chính quyền bác bỏ mọi cáo buộc tổ chức đập phá, mà khẳng định là "trùng tu" vì lý do an toàn.

Đối với Công giáo, chính phủ tỏ rõ ngờ vực. Trong những năm gần đây, hơn một nghìn cây thánh giá trên nóc nhà thờ, chủ yếu là nhà thờ Tin Lành, đã bị tháo bỏ vì quá "chướng". Đầu năm 2018, chính quyền Trung Quốc còn cho phá hủy một nhà thờ Tin Lành rất lớn ở tỉnh Thiểm Tây (Shanxi), phía bắc Trung Quốc, vì lý do "bất hợp pháp". Ngoài ra còn phải kể đến vài chục nghìn nhà thờ không chính thức bị dỡ bỏ trên khắp nước này trong những năm vừa qua.

Giáo sư chính trị học Hồng Kông Lâm Hòa Lập (Willy Lam) từng nhận xét : "Đảng Cộng sản như bị ám ảnh trước cộng đồng Công giáo, rất có tổ chức, vì trong vòng chưa đến 10 năm, số giáo dân có thể vượt qua ngưỡng 90 triệu người, gần bằng số đảng viên hiện nay". Còn theo giáo sư Dương Phượng Cương (Yang Fenggang) thuộc đại học Purdue (Mỹ), với đà tăng số lượng giáo dân như hiện nay, "gần như chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới từ giờ đến năm 2030", vượt qua cả Hoa Kỳ.

"Vatican bán đứng Giáo Hội Trung Quốc"

Bắc Kinh hăm dọa các linh mục "bất hợp pháp", có nghĩa là những người không tuyên thệ trung thành với chế độ. Ngoài ra, rất nhiều linh mục tỏ ra lo ngại trước chính sách xích lại gần hơn giữa Vatican và Bắc Kinh, thậm chí họ còn sợ bị chính quyền rút phép thông công. Lo lắng này là có cơ sở vì mới đây, hai giám mục Trung Quốc, được Giáo Hoàng công nhận, đã bị một quan chức ngoại giao cao cấp của Tòa Thánh đề nghị nhường lại vị trí cho hai giáo sĩ cao cấp do Bắc Kinh trực tiếp lựa chọn, trong đó có giám mục Joseph Hoàng Bính Chưởng (Huang Bingzhang) đã bị Vatican rút phép thông công năm 2011.

Liệu Vatican sẵn sàng để Bắc Kinh toàn quyền hành động nhằm đạt được một "thỏa thuận hòa giải lịch sử" và tái lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, bị cắt đứt từ năm 1951 ? Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, dù sao, bàn tay chìa ra của Giáo Hoàng đang khiến nhiều giáo dân lo ngại, như hồi chuông cảnh báo hôm 30/01/2018 của hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen), nguyên giám mục địa phận Hồng Kông :

"Trên mạng Facebook, hồng y Trần Nhật Quân viết : Liệu Vatican đang "bán đứng Giáo Hội Trung Quốc" ? và tự trả lời : "Đúng vậy, không chút nghi ngờ nào cả". Tòa Thánh Vatican đánh giá những lời lẽ này là "ngạc nhiên và đáng tiếc".

Từ lâu, nguyên giám mục Hồng Kông đấu tranh phản đối thỏa hiệp giữa Bắc Kinh và Vatican và hiện ông tỏ ra "bi quan" vì Tòa Thánh nhượng bộ Bắc Kinh quá nhiều, và có nguy cơ hy sinh cả tự do tín ngưỡng của khoảng 7 triệu giáo dân ở những giáo xứ "không chính thức" để phục vụ chính sách xích gần hơn về ngoại giao.

Dường như các đặc sứ từ Roma đã đề nghị hai giám mục của Giáo Hội "ngầm", không được chính quyền công nhận, rút lui để nhường chỗ cho hai giám mục được Bắc Kinh phê chuẩn.

Giáo Hội Trung Quốc hiện bị chia thành hai : một bên là được Bắc Kinh cho phép và bên kia trung thành với Roma và từ chối phục tùng đảng Cộng Sản Trung Quốc từ 66 năm nay. Những tín đồ của Giáo Hội "ngầm" này tổ chức lễ ở những địa điểm bí mật và sợ sẽ bị thiệt thòi trong chiến lược xích lại gần hơn giữa Vatican và Bắc Kinh".

Nương tay với Phật giáo vì đề cao vai trò của nhà lãnh đạo

Dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ mọi tôn giáo, nhà báo Cyrille Puyette cho rằng Phật giáo và Đạo giáo vẫn được hưởng một chút ưu ái hơn so với những tôn giáo chịu tác động từ bên ngoài. Phật giáo Trung Hoa có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng vì "giao hòa với Khổng giáo và Đạo giáo", nên Phật giáo mang "những đặc trưng Trung Hoa" và đề cao vai trò của người đứng đầu nhà nước.

Theo nhà nghiên cứu Mỹ Ian Johnson, thực ra ông Tập Cận Bình "hiểu rằng phần lớn người Trung Quốc không tin vào chế độ Cộng sản và bị thiếu thốn về tâm linh trong khi cuộc chạy đua theo đồng tiền vẫn không bù đắp được. Ông nghĩ rằng những tín ngưỡng dựa trên nguồn gốc Trung Hoa sâu sắc, như Phật giáo, có thể có ích để đáp ứng nhu cầu về mặt này".

Khi làm việc này, chủ tịch Trung Quốc không chỉ tìm cách tăng cường sự gắn kết xã hội, đang bị đe dọa vì kinh tế suy giảm, mà còn hợp pháp hóa quyền lực của ông. Giáo sư Dương Phượng Cương nhận xét, trong quá khứ, "giới lãnh đạo Phật giáo đã chấp nhận quyền lực của hoàng đế" nên "tiếp tục quy phục, hơn những tôn giáo khác, sự ảnh hưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc và các luật lệ của đảng".

Cuối cùng, theo giáo sư Lâm Hòa Lập, khi đề cao Phật giáo, ông Tập Cận Bình tìm cách đạt được hai mục tiêu, "thuyết phục người theo Công giáo bỏ đạo và đi theo đường hướng của đảng Cộng sản Trung Quốc". Tuy nhiên, không gì cấm cản người dân đi theo tín ngưỡng riêng, miễn là họ trung thành với chế độ và với chủ tịch Tập Cận Bình.

Thu Hằng

*****************

Vatican-Trung Quốc tiến gần đến thỏa thuận về bổ nhiệm giám mục (RFI, 02/02/2018)

tq2

Giáo hoàng Francis tại quảng trường Thánh Phêrô, Roma, ngày 31/01/2018 Reuters/Tony Gentile/File Photo

Ngay từ thập niên 1980, Vatican đã thương lượng với Trung Quốc để cố nối lại bang giao bị cắt đứt từ năm 1951. Cách đây 3 năm, Tòa Thánh đã khởi động lại các cuộc thương lượng này với Bắc Kinh và có vẻ như hai bên đang tiến gần đến một thỏa thuận lịch sử về vấn đề gay góc nhất, đó là vấn đề bổ nhiệm giám mục.

Hiện nay, cộng đồng Công giáo Trung Quốc vẫn bị chia thành hai bên, một bên là Giáo hội chính thức, gọi là Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc, với các giám mục do chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm và bên kia là Giáo hội không chính thức, trung thành với Vatican, không được chính quyền thừa nhận, nhưng không bị cấm, với các giám mục do giáo hoàng bổ nhiệm.

Vấn đề bổ nhiệm giám mục từ lâu vẫn là trở ngại chủ yếu trên con đường bình thường hóa bang giao giữa Vatican và Trung Quốc, cũng như là trở ngại cho việc hòa giải giữa hai giáo hội Công giáo ở Trung Quốc. Theo hãng tin AFP, thỏa thuận bí mật mà Vatican đang thương lượng với Bắc Kinh là Tòa Thánh sẽ công nhận một số giám mục của Hội Công Giáo Yêu Nước, đổi lại, chính quyền Trung Quốc sẽ có thái độ khoan dung hơn đối với Giáo hội thầm lặng.

Một nguồn tin từ Vatican hôm nay, 2/2/2018 đã xác nhận thông tin của tờ The Wall Street Journal rằng Vatican đã quyết định sắp tới đây giáo hoàng sẽ công nhận 7 giám mục do chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm. Trong số 7 giám mục đó, có ba vị đã bị rút phép thông công (khai trừ khỏi Giáo Hội).

Trước đó, vào tháng Giêng, AsiaNews, một hãng tin có liên hệ với Tòa Thánh, tiết lộ là gần đây hai giám mục mà giáo hoàng thừa nhận đã được một quan chức cao cấp của Vatican yêu cầu nhường ghế lại cho hai giám mục do chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm, trong đó có một vị đã bị Tòa Thánh rút phép thông công.

Khi biết thông tin này, hồng y Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hồng Kông, đã cực lực chỉ trích Vatican. Thật ra thì phản ứng của hồng y Trần Nhật Quân không có gì là bất ngờ, vì ông vẫn là một người chống lại việc bình thường hóa bang giao giữa Tòa Thánh với Bắc Kinh. Nhưng không những lên tiếng chỉ trích vụ thay thế hai giám mục nói trên, vị hồng y 86 tuổi của Hồng Kông còn hàm ý là giáo hoàng Francis không đồng ý với quan chức làm trung gian mà ngài gởi đến Bắc Kinh. Cho nên, hồng y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Vatican hôm thứ Ba vừa qua đã phải vội vàng cải chính là không hề có bất đồng trong nội bộ Tòa Thánh.

Không chỉ có hồng y Trần Nhật Quân, một số linh mục và giáo dân của Giáo hội không chính thức cũng đã bày tỏ sự bất bình hoặc đau buồn khi thấy Tòa Thánh nhân nhượng Trung Quốc đến mức đó, trong khi Giáo hội thầm lặng vẫn còn bị chính quyền Bắc Kinh sách nhiễu, đàn áp. Những phản ứng này đã được hãng tin AsiaNews đăng tải vào tuần trước.

Để xoa dịu nỗi bất bình đó, quốc vụ khanh Vatican Parolin hôm thứ Ba vừa qua đã nhấn mạnh rằng Giáo hội "sẽ không bao giờ quên những nổi thống khổ trước đây và hiện nay" của người Công Giáo Trung Quốc, nhưng vị hồng y này kêu gọi "xây dựng một tương lai êm thắm hơn"

Theo hồng y Parolin, ở Trung Quốc không có hai Giáo hội, mà chỉ có hai cộng đồng giáo dân "được mời gọi đi theo con đường từ hòa giải đến thống nhất". Để đạt được mục tiêu đó, Vatican bắt buộc phải giải quyết vấn đề bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc và dường như cuộc thương lượng trên vấn đề này sắp đạt kết quả cụ thể.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 557 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)