Không ảnh cho thấy Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông ra sao (CaliToday, 08/02/2018)
Theo tin tức từ trang mạng Inquirer.net thì Trung Quốc gần như hoàn thành việc biến 7 đảo và bãi đá cạn trong quần đảo Trường Sa thành các ‘công sự chiến đấu’
Đó là các bãi đá cạn có tên Fiery Cross Reef, Calderon, Burgos, Mabini, Panganiban, Zamora và McKennan. Trước đây Tòa án Quốc Tế The Hague của Liên Hiệp Quốc đã ra phán quyết là bãi đá cạn Panganiban là thuộc chủ quyền của Philippines.
Quần đảo Trường Sa ở Biển Đông có các quốc gia sau đây tranh giành chủ quyền là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Brunei và Malaysia.
Bản báo cáo cho hay ‘các tấm không ảnh cho thấy các bãi đá cạn nói trên đã bị biến thành các đảo nhân tạo có chứa các căn cứ không quân và hải quân, đang trong giai đoạn hoàn tất’. Đa số các tấm không ảnh được chụp từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2017 và ở độ cao 1,500 mét.
Photo Credit : http ://www.freemalaysiatoday.com
Những tấm ảnh cho thấy trên các đảo nhân tạo này có hệ thống các phi đạo, chổ cho trực thăng lên xuống, các hải đăng, trụ sở truyền tin, nhà kho, đài radar, các trạm quan sát và các trạm viễn thông. Có nhiều tàu quân sự và chở hàng của Trung Quốc hiện diện trong các tấm ảnh.
Như thế theo bản báo cáo này thì tuy Bắc Kinh có đặt bút ký kết với khối ASEAN vào năm 2002 một thỏa thuận ‘không làm thay đổi các hiện trạng trên biển’, nhưng cũng chính Trung Quốc ‘xé rào trước’ khi tiến hành xây dựng kiên cố các cơ sở quân sự như thế.
Theo nhóm Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) của Hoa Kỳ thì trong số các bãi này, bãi đá cạn Fiery Cross Reef là nơi Trung Quốc xây dựng nhiều nhất trong năm 2017, với tổng diện tích bành trướng xây thêm lên đến 110,000 mét vuông.
Đào Nguyên
********************
ASEAN tránh đụng Trung Quốc trên bầu trời Biển Đông ? (BBC, 07/02/2018)
Khối ASEAN đang hy vọng sẽ có được kết quả đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc, nhưng việc đạt thỏa thuận trong vòng một năm là điều không thực tế, bộ trưởng quốc phòng Singapore nói hôm thứ Tư, 7/2/2018.
Tranh chấp về lãnh hải ở Biển Đông đặt ra nhu cầu liên kết quân sự trong khu vực
Các bộ trưởng quốc phòng hôm thứ Ba đã thảo luận một nội dung then chốt, nhằm phát triển một bộ quy tắc nhằm kiểm soát các vụ chạm trán không định trước (Code of Unexpected Encounters - CUES) ở trên không, theo báo Strait Times của Singapore.
Trung Quốc và 10 thành viên ASEAN hồi tháng Tám năm ngoái đã đưa ra được một thỏa thuận khung cho vùng biển có tranh chấp, nơi Bắc Kinh đang kiểm soát phần lớn nhưng một số nước khác cũng tuyên bố chủ quyền, nhằm xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), và đã xúc tiến đàm phán kể từ đó.
"Chúng tôi hy vọng là sẽ vấn đề này sẽ được giải quyết, nhưng đó là chủ đề rất, rất phức tạp", hãng tin Reuters dẫn lời ông Ng Eng Hen nói với các phóng viên sau phiên họp của bộ trưởng quốc phòng các nước.
"Tranh chấp đã kéo dài cả thế kỷ. Việc trông đợi sẽ đạt được bộ quy tắc ứng xử trong vòng một năm là không thực tế", ông nói.
Trung Quốc : Hình vệ tinh cho thấy cơ sở của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập
Một số thành viên ASEAN có tranh chấp trên biển từ lâu nay đã muốn có một bộ COC mang tính ràng buộc pháp lý và có hiệu lực thi hành đối với Trung Quốc.
Bên cạnh việc đàm phán về COC, các bên hồi năm ngoái đã đưa ra một CUES trên biển.
Tuy nhiên, ông Ng nói, việc có một bộ quy tắc ứng xử cho phi cơ các nước cũng mang tầm quan trọng không kém, Strait Times tường thuật.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, phát biểu sau tuyên bố của ông Ng, rằng Bắc Kinh đã phối hợp với các nước trong khối ASEAN nhằm xây dựng một bộ quy tắc ứng xử làm hài lòng tất cả các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng việc triển khai quân sự tại Biển Đông.
Trung Quốc xây cất trên Đá Subi
Cũng hôm thứ Tư, lực lượng không quân nước này nói rằng các chiến đấu cơ Su-35 của Trung Quốc gần đây đã tham dự một cuộc tuần tra chiến đấu ở Biển Đông.
Tuyên bố của không quân Trung Quốc không nêu thời gian diễn ra cuộc tuần tra, cũng như địa điểm cụ thể nào ở Biển Đông.
Gần đây, báo Daily Inquirer của Philippnes công bố những hình ảnh mà họ nói rằng cho thấy Bắc Kinh đã gần như hoàn tất việc cải tạo, cơi nơi bảy rặng đá mà Manila tuyên bố chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa thành những pháo đài trên đảo.
Hầu hết các hình ảnh mà Daily Inquirer có được được chụp trong thời gian từ tháng 6 tới 12/2017 cho thấy các bãi đá đã được xây thành các đảo nhân tạo và đang trong giai đoạn cuối cùng của hoạt động phát triển thành các căn cứ không quân và hải quân.
Malaysia, Brunei, Việt Nam, Philippines và Đài Loan là các bên tuyên bố chủ quyền từng phần ở Biển Đông.
************************
Biển Đông : Singapore không hy vọng sớm có bộ Quy Tắc Ứng Xử (RFI, 07/02/2018)
Sau một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Singapore vào hôm nay, 07/02/2018, bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen xác định là khối Đông Nam Á đang hy vọng đẩy nhanh tốc độ đàm phán về một bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông, không nên chờ đợi là thỏa thuận sẽ đạt được trong năm nay.
Ảnh chụp chung các ngoại trưởng ASEAN tham dự phiên họp bộ trưởng ngoại giao - quốc phòng của khối, từ 04 đến 06/02/2018, tại Singapore. Reuters/Calvin Wong
Phát biểu với báo chí, bộ trưởng quốc phòng Singapore giải thích thêm rằng Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông là một "vấn đề rất, rất phức tạp", liên quan đến một "tranh chấp từ một thế kỷ nay".
Vào năm ngoái 2017, Trung Quốc và khối ASEAN đã thông qua khuôn khổ đàm phán về vấn đề này, và ca ngợi sự kiện này như là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, việc hai bên không nhất trí được là bộ luật quy tắc phải mang tính chất ràng buộc, về mặt pháp lý, đã làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của văn kiện này.
Đối với một số nước đang có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, việc ký kết một bộ quy tắc có tính ràng buộc là một điều quan trọng, vì cho đến nay, Trung Quốc thường xuyên bị tố cáo vi phạm chủ quyền, ngăn chặn đánh bắt hải sản hay thăm dò dầu khí tại những khu vực rộng lớn đang có tranh chấp mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền.
Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp cấp ngoại trưởng ở Singapore, một số quốc gia ASEAN đã bày tỏ thái độ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp tại Biển Đông, trong đó có các hoạt động bồi đắp, xây dựng cơ sở.
Theo hãng tin Pháp AFP, một tuyên bố chung sau hội nghị, dù không nêu đích danh Trung Quốc, đã đề cập đến những hoạt động cải tạo đất đá của Bắc Kinh trên Biển Đông, xem đấy là những hành vi phá hoại lòng tin tưởng lẫn nhau.
Tuyên bố nói rõ là hội nghị các ngoại trưởng "đã ghi nhận những quan ngại từ phía một số ngoại trưởng về việc bồi đắp và các hoạt động khác tại khu vực, vốn làm xói mòn lòng tin lẫn nhau, khiến căng thẳng gia tăng, đồng thời có thể làm tổn hại hòa bình, an ninh và ổn định khu vực".
Vào tháng 12/2017, Trung Quốc đã lên tiếng biện minh rằng các hoạt động xây dựng của họ trên Biển Đông là công việc "bình thường", sau khi một trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố ảnh vệ tinh mới cho thấy các hoạt động triển khai hệ thống radar cùng các thiết bị khác của Trung Quốc tại đây.
Với Singapore làm chủ tịch luân phiên ASEAN, vấn đề tranh chấp Biển Đông đã được nêu lên trở lại, trái với năm ngoái, khi chủ tịch Philippines luôn tìm cách ém nhẹm hồ sơ này.
Trọng Nghĩa