Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/03/2018

Trung Quốc biện minh lý do gia tăng ngân sách quốc phòng

Tổng hợp

Báo chí Trung Quốc biện minh cho việc tăng ngân sách quốc phòng (RFI, 06/03/2018)

Hôm 06/03/2018, báo chí Nhà nước Trung Quốc biện minh cho việc tăng ngân sách quốc phòng cho năm 2018 và khẳng định là Bắc Kinh không hề muốn lao vào một cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ

budget1

Ảnh minh họa : Quân đội Trung Quốc tại căn cứ Chu Nhật Hòa (Zhurihe), Nội Mông. Ảnh ngày 30/07/2017. Reuters

Hôm qua, tại buổi khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội, chính phủ Trung Quốc thông báo là ngân sách quốc phòng sẽ tăng 8,1% trong năm 2018, mức tăng cao nhất trong 3 năm qua, để tiếp tục hiện đại hóa quân đội. Như vậy, chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm 2018 sẽ là 175 tỷ đôla.

Trong bài xã luận hôm nay, tờ China Daily nhấn mạnh, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không phải là cao nhất thế giới và cũng không có mức tăng cao nhất thế giới. Theo tờ báo này, nếu tính trên đầu người, ngân sách quân sự của Trung Quốc thua xa nhiều nước lớn trên thế giới.

Theo các số liệu chính thức, chi tiêu quân sự của Trung Quốc chỉ bằng 1 phần 4 của Mỹ, nhưng các nhà phân tích ngoại quốc và các nhà ngoại giao cho rằng Bắc Kinh đưa ra con số thấp hơn thực tế.

Trong khi đó, Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định, nếu thật sự Trung Quốc muốn bành trướng về quân sự, ngân sách quốc phòng của nước này lẽ ra phải tăng từ 20% tới 30%. Theo tờ báo, Trung Quốc không hề có ý định lao vào một cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ. Tờ báo này cho rằng chính những hành động "khiêu khích" của Mỹ ở Biển Đông, tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan và việc Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ thiết lập liên minh là những yếu tố khiến Trung Quốc phải tăng ngân sách quốc phòng.

Cho tới nay, Trung Quốc vẫn khẳng định rằng chi tiêu quân sự của nước này hoàn toàn minh bạch và không hề là một mối đe dọa với bất cứ ai. Theo Bắc Kinh, việc tăng ngân sách chỉ là nhằm đáp ứng nhu cầu tân trang thiết bị quân sự và bảo vệ các lợi ích chính đáng, mặc dù Trung Quốc trong những năm gần đây đã có nhiều hành động nhằm áp đặt chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Thanh Phương

****************

Trung Quốc biện minh cho việc tăng ngân sách quốc phòng (RFA, 06/03/2018)

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất trong ba năm qua và không hề chạy đua vũ trang với Mỹ.

budget2

Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễu hành với cờ quốc gia trong lễ khai mạc Thế vận hội Quân đội 2017 ở Guangshui thuộc tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc vào ngày 30 tháng 7 năm 2017. AFP

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói như thế vào hôm 6/3/2018, nhấn mạnh rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn thấp và tương xứng với nền kinh tế quốc gia.

Tuy vậy con số tăng ngân sách quốc phòng 8.1% của năm nay mà Quốc hội Trung Quốc vừa công bố hồi hôm thứ hai 5/3 là con số mà theo các nhà quan sát nước ngoài,chứng tỏ một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng của Bắc Kinh, và điều đó gây lo ngại cho những lân bang của Trung Quốc như Nhật Bản và Đài Loan.

Nhật Bản đang có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, trong khi Đài Loan bị Hoa Lục xem là một vùng đất thuộc Trung Quốc mà Bắc Kinh có thể thu hồi bằng vũ lực nếu cần thiết.

Tờ Trung Hoa nhật báo của Trung Quốc bình luận rằng ngân sách quốc phòng của nước mình chỉ bằng một phần tư của Hoa Kỳ, và nếu so sánh trên đầu người thì còn kém xa nhiều quốc gia khác.

Trong khi đó thì người đứng đầu Hạm đội Bảy của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương là Đô đốc Scott Swiff nói rằng Trung Quốc không minh bạch trong chuyện quốc phòng của mình, và điều đó làm cho các quốc gia trong vùng lo lắng không biết Bắc Kinh gia tăng ngân sách để làm gì.

Ông Swift nói như thế ở Tokyo trong một cuộc thảo luận bàn tròn với báo chí sau khi gặp gỡ các viên chức Nhật Bản.

Trung Quốc nói rằng chuyện gia tăng quốc phòng của mình không đe dọa ai hết, còn tờ báo hay bình luận cứng rắn của Đảng cộng sản Trung Quốc là Hòan Cầu Thời Báo thì nói rằng chính sự khiêu khích của Hoa Kỳ cùng với sự tạo lập một liên minh với Nhật Bản, Úc, Ấn Độ tại Biển Đông và eo biển Đài Loan đã thúc đẩy Trung Quốc phải gia tăng ngân sách quốc phòng của mình.

Cũng xin nhắc lại là hồi năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tuyên bố rằng sẽ xây dựng quân đội Trung Quốc trở thành có đẳng cấp quốc tế vào năm 2050.

*********************

Trung Quốc cố bành trướng thế lực quân sự, nhưng chưa thể bắt kịp Mỹ (RFI, 06/03/2018)

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, một mặt củng cố thế lực trong nước qua việc trở thành chủ tịch suốt đời, mặt khác đẩy mạnh phát triển tiềm lực quân sự, để thách thức thế thượng phong của Hoa Kỳ ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, qua dự án triển khai đến 6 hàng không mẫu hạm đến mọi đại dương trên thế giới. Nhưng hiện giờ, Trung Quốc hãy còn thua xa Hoa Kỳ về hải quân, về chi tiêu quân sự và về số căn cứ quân sự ở nước ngoài, theo nhận định của hãng tin Bloomberg hôm nay, 06/03/2018.

budget3

Ảnh minh họa : Hàn không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc đóng. Ảnh chụp nhân lễ hạ thủy ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, ngày 26/04/2017. Reuters/Stringer

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực để thách thức sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông, phát triển các tên lửa để chống các chiến hạm Mỹ, đồng thời bồi đắp các đảo đang tranh chấp ở Trường Sa để xây trên đó các căn cứ quân sự.

Bắc Kinh cũng đã bắt đầu gởi các tàu ngầm và các khu trục hạm đến vùng Ấn Độ Dương, mở căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti và bỏ ra rất nhiều vốn để đầu tư vào nhiều hải cảng trên thế giới, với ý đồ là sau này có thể dùng làm căn cứ hải quân.

Những hành động nói trên đã gây quan ngại cho một số nước trong khu vực, nhưng Trung Quốc trấn an rằng căn cứ quân sự ở Djibouti chỉ là nhằm chống hải tặc trên các tuyến hàng hải ở Trung Đông, còn các hải cảng mà họ bỏ vốn đầu tư là nằm trong khuôn khổ sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường" do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ mới có một căn cứ quân sự ở nước ngoài, trong khi Hoa Kỳ hiện có đến hàng chục căn cứ, chưa kể hàng trăm cơ sở quân sự nhỏ hơn.

Về ngân sách quốc phòng, hiện giờ Trung Quốc vẫn còn thua xa Hoa Kỳ, nhưng theo báo cáo "2018 Military Balance" của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ( IISS), kể từ năm 2000, 7 xưởng đóng tàu chủ yếu của Trung Quốc sản xuất nhiều tàu ngầm, khu trục hạm, tuần dương hạm và hộ tống hạm hơn là của Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cộng lại.

Về chương trình phát triển hàng không mẫu hạm, hiện giờ Trung Quốc chỉ mới có một chiếc đang hoạt động, đó là hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Trong số 5 chiếc được dự trù, hiện chỉ có 2 chiếc đang được đóng. Trong khi đó, hải quân Hoa Kỳ đang có đến hơn một chục hàng không mẫu hạm, trong đó có chiếc USS Carl Vinson hiện đang thăm Đà Nẵng.

Khi hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đi ngang eo biển Miyako lần đầu tiên vào năm 2016, sự kiện này đã được xem như là một bước đi ngàn dặm đối với Trung Quốc, vì như vậy coi như Bắc Kinh đã chọc thủng cái gọi là "First Island Chain" ( Chuỗi Đảo Đầu Tiên), bao gồm những đồng minh thân thiết của Mỹ (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Thế nhưng, hiện giờ Mỹ và các đồng minh vẫn có thể nắm được đường đi nước bước của các chiến hạm Trung Quốc, cho tới khi nào Bắc Kinh có các căn cứ hải quân ở nước ngoài để đặt một phần hạm đội của họ ở nơi khác. Trong khi đó, hạm đội của Mỹ có thể rời khỏi căn cứ San Diego mà không bị phát hiện và sau đó có thể mất dấu trong vùng Thái Bình Dương mênh mông.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 702 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)