Trung Quốc công bố nội các mới (RFI, 19/03/2018)
Quốc hội Trung Quốc ngày 19/03/2018 thông qua việc bộ nhiệm thành phần nội các mới. Các nhân vật thân tín nhất với chủ tịch Tập Cận Bình nắm giữ các vi trí then chốt trong ban cố vấn kinh tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhân một cuộc họp báo bên lề khóa họp Quốc hội tại Bắc Kinh ngày 08/03/2018. Reuters/Jason Lee
Theo hãng tin Reuters, nhờ có lập trường cứng rắn, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông, ông Vương Nghị (Wang Yi), 65 tuổi, tiếp tục đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc và được thăng chức Ủy viên Quốc Vụ Viện, nắm giữ hai vai trò quan trọng nhất trong lĩnh vực này. Làm ngoại trưởng Trung Quốc từ năm 2013, ông Vương Nghị thạo tiếng Nhật và cũng từng là đại sứ Trung Quốc ở Tokyo, là chủ tịch Văn phòng Sự vụ Đài Loan.
Trong ban lãnh đạo mới, ngoài chức ngoại trưởng, ông Vương Nghị còn là một trong 5 ủy viên Quốc Vụ Viện đặc trách về chính sách đối ngoại, thay thế một nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm khác của Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi). Biển Đông, quan hệ Mỹ -Trung và hạt nhân Bắc Triều Tiên là ba hồ sơ lớn chờ đợi ông Vương Nghị.
Riêng về kinh tế, các nhân vật thân tín với chủ tịch Tập Cận Bình được cất nhắc vào các vị trí then chốt. Ông Lưu Hà (Liu He), 66 tuổi, cố vấn kinh tế của ông Tập trong nhiệm kỳ đầu, hôm nay được chỉ định vào chức vụ phó thủ tướng. Ở cương vị này ông sẽ là người cầm lái chính sách kinh tế của Trung Quốc. Tốt nghiệp trường Harvard nổi tiếng ở Hoa Kỳ, có uy tín trên trường quốc tế, là những ưu điểm đưa ông Lưu Hà vào chức vụ này. Những thách thức đặt ra cho nhà kinh tế gia có uy tín này của Trung Quốc là : giải quyết vấn đề nợ nần chồng chất, tương đương với 250 % GDP của nền kinh tế thứ hai toàn cầu, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và nhất là tránh để nổ ra chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
Trái với một số dự báo trước đây, ông Lưu Hà không kiêm luôn cả chức thống đốc Ngân Hàng Trung Ương. Chức vụ này thuộc về tay ông Dịch Cương (Yi Gang). Ông này được bổ nhiệm trong bối cảnh Cực Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ lại tăng lãi suất chỉ đạo vào ngày 21/03/2018, gây tác động đến kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến từ giá đồng đô la Mỹ đến xuất nhập khẩu của thế giới.
Thanh Hà
*****************
Trung Quốc thăng chức cho Bộ trưởng Ngoại giao và chọn tân Bộ trưởng Quốc phòng (RFA, 19/03/2018)
Trung Quốc vào ngày 19 tháng 3 đã đề bạt đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị vào cương vị Ủy viên Quốc Vụ Viện. Ngoài ra Bắc Kinh cũng chọn tân Bộ trưởng Quốc phòng là ông Ngụy Phượng Hòa.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị dự họp báo tại phiên họp đầu Quốc hội khóa 13 tại Bắc Kinh hôm 8/3/2018 -AFP
Tin cho biết ngoại trưởng Vương Nghị , 64 tuổi, thay thế ông Dương Khiết Trì. Trong khi ông Dương được cho rằng có mối quan hệ tốt với những quan chức trước đây của Mỹ, thì vẫn chưa rõ ông Vương Nghị, người từng có thời gian làm đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, sẽ điều hành mối quan hệ nhạy cảm với Hoa Kỳ ra sao khi mà căng thẳng thương mại đôi bên ngày càng tăng cao.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc hiện cũng phải đối mặt với những chỉ trích quốc tế về hoạt động xây dựng những đảo nhân tạo của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông và những căn cứ đó có khả năng dung chứa trang thiết bị quân sự.
Chính quyền Bắc Kinh vào ngày 19 tháng 3 cũng nêu danh tướng Ngụy Phượng Hòa, 64 tuổi, làm Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc.
Ông này từng là người đứng đầu đơn vị tên lửa chiến lược của quân đội Hoa Lục và được cho là nhân vật đóng một vai trò chính yếu trong nỗ lực cải tổ quân đội do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Hồi đầu tháng ba vừa qua, Bắc Kinh cho công bố mức tăng 8,1% ngân sách quốc phòng cho năm 2018. Mục tiêu của biện pháp này được nhận định nhằm hiện đại hóa quân đội và gia tăng khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Hai ông Vương Nghị và Ngụy Phượng Hòa nằm trong số những chỉ định được quốc hội Trung Quốc thông qua. Trong số này có ông Dịch Cương được chọn là tân Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc.
******************
Ông Trần Đại Quang ‘chúc mừng’ Chủ tịch Tập (VOA, 18/03/2018)
Chủ tịch Việt Nam mới gửi điện chúc mừng người đồng nhiệm Trung Quốc sau khi ông này được tái bầu làm chủ tịch "vĩnh viễn" của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Chủ tịch Trần Đại Quang và ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc năm 2017.
Ông Tập Cận Bình hôm 17/3 được quốc hội tái bầu làm chủ tịch của Trung Quốc. Trước đó, cơ quan lập pháp này đã bỏ phiếu thông qua việc dỡ bỏ hạn chế về hai nhiệm kỳ đối với chức chủ tịch, mở đường cho ông Tập nắm quyền "trọn đời".
Cơ quan lập pháp mà phương Tây cho rằng gồm những đảng viên trung thành còn bổ nhiệm một đồng minh của Chủ tịch Tập, ông Vương Kì Sơn, làm phó chủ tịch nước, một vị trí được coi chỉ mang tính hình thức.
Thông báo hôm 17/3 của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm rằng Phó chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh "cũng gửi điện mừng" tới ông Sơn.
Tuy nhiên, thông tin ngắn đăng trên trang web của Bộ này không cho biết nội dung điện chúc mừng của ông Quang gửi tới nguyên thủ quốc gia láng giềng phương Bắc.
Trong khi đó, theo bản tin tiếng Anh của Tân Hoa Xã, ông Quang "tin là ông Tập sẽ lãnh đạo người dân Trung Quốc thực thi mục tiêu xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa vĩ đại, phồn thịnh, dân chủ và hòa hợp".
Ông Quang "cũng tin rằng Trung Quốc sẽ đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới".
Xinhua còn dẫn lời chủ tịch Việt Nam nói rằng "đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng việc phát triển mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp cũng như sự hợp tác toàn diện với Trung Quốc", và coi "nước này là một sự lựa chọn chiến lược cũng như ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại của Việt Nam".
Hãng tin Reuters đưa tin rằng ông Quang là một trong số hàng chục nguyên thủ trên thế giới, trong đó có lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin, gửi điện chúc mừng ông Tập được tái bầu.
Việc ông Tập được phép nắm quyền "vĩnh viễn" gây chú ý tại nước láng giềng Việt Nam vì theo giới quan sát, trong thời kỳ nắm quyền của ông này, Trung Quốc mạnh mẽ khẳng định chủ quyền trên Biển Đông bằng các hành động xây đảo và quân sự hóa vùng biển tranh chấp.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một người nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng sự kiện ở nước láng giềng phương Bắc cũng sẽ khiến "Việt Nam bị ảnh hưởng".
"Có ông Tập Cận Bình hay không thì nó vẫn có thách thức. Nhưng ông Tập Cận Bình còn giữ quyền thì thách thức nhiều hơn vì ông ấy cứng rắn", sử gia nghiên cứu về Biển Đông nói.
"Tinh thần Đại Hán từ thời ông Mao Trạch Đông, chứ đâu có chỉ Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình ông ấy làm ráo riết thôi. Tôi vẫn cho là càng có nguy cơ thì lại càng có thời cơ. Nguy ở Biển Đông tạo ra thời cơ nếu ta nắm được".
Khi được hỏi thời cơ này là gì, ông Nhã cho rằng Việt Nam có thể trở thành một "cường quốc biển", nhưng không nói cụ thể.
Viễn Đông
*****************
Việt Nam chúc mừng ‘cáo bạc’ ngoại giao Trung Quốc thăng chức (VOA, 19/03/2018)
Trung Quốc hôm 19/3 bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị là một trong 5 ủy viên Quốc vụ viện, giúp ông trở thành nhà ngoại giao nắm giữ chức vụ hàng đầu trong việc quyết định chính sách ngoại giao, theo Reuters.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Nhà khách Chính phủ ngày 4/8/2013.
Ngay sau đó, truyền thông Việt Nam cho hay, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã gửi điện mừng "nhân dịp đồng chí Vương Nghị được bổ nhiệm giữ chức Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".
Lập trường cứng rắn
Ông Vương được xem là người có lập trường mạnh mẽ bảo vệ lợi ích của Trung Quốc giữa bối cảnh nước này đang đối diện với hàng loạt thách thức từ bên ngoài.
Theo tường thuật của Reuters, Quốc hội "nghị gật" của Trung Quốc đã thông qua việc thăng chức cho ông Vương trong một cuộc bỏ phiếu vào ngày 19/3.
Ủy viên Quốc vụ viện là chức cao hơn bộ trưởng. Người giữ chức này sẽ báo cáo trực tiếp cho nội các. Việc ông Vương được bổ nhiệm giữ chức vụ này được xem là một động thái bất thường, nhưng không phải chưa từng có tiền lệ chuyện một người nắm giữ cả hai vị trí.
Ông Vương, 64 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2013.
Ông nói tiếng Nhật lưu loát, từng là đại sứ Trung Quốc tại Tokyo và là người đứng đầu Văn phòng Đài Loan Sự vụ, hoạch định chính sách của Trung Quốc đối với hòn đảo này.
Truyền thông Trung Quốc và những người hâm mộ gọi ông là "con cáo bạc" vì diện mạo và thủ thuật ngoại giao của ông. Các nhà ngoại giao nước ngoài thì xem ông là một người tinh tế, thu hút nhưng rất cứng rắn.
Ông Vương là người được cho là "thân thiện bất thường" với giới báo chí nước ngoài. Ông đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì sự cứng rắn trong những vấn đề khó khăn như tranh chấp Biển Đông, hay lối phản ứng nhanh, dí dỏm, đôi khi nóng tính, khi đối phó với những lời chỉ trích về Trung Quốc.
Trước đó, các nguồn tin cho Reuters biết ông Vương có lẽ sẽ trở thành một Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách về ngoại giao, và đồng thời vẫn giữ chức Ngoại trưởng.
Việc thăng chức cho ông Vương diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ đang xấu đi do tranh chấp thương mại và sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với hòn đảo tự trị Đài Loan, và vào lúc Trung Quốc đang hy vọng sẽ đưa các cuộc đàm phán với quốc gia khó lường và có trang bị hạt nhân là Bắc Hàn trở lại quỹ đạo.
Nhận định với Reuters, ông Shi Yinhong, một chuyên gia về ngoại giao Trung Quốc tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, từng cố vấn cho chính phủ về các vấn ngoại giao, cho rằng trong vai trò mới, ông Vương sẽ tiếp tục cố vấn và báo cáo cho các lãnh đạo hàng đầu để giúp thực hiện viễn kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc nâng cao vị thế ngoại giao của Trung Quốc trên toàn cầu.
Tuy nhiên, việc thăng chức không có nghĩa là ông Vương sẽ chỉ đạo chính sách đối ngoại của Trung Quốc, chuyên gia Shi nói thêm : "Rốt cục thì vai trò của ông vẫn chỉ là thứ yếu".
Ảnh hưởng của người tiền nhiệm
Ông Dương Khiết Trì, người mà ông Vương thay thế chức Ủy viên Quốc vụ viện, vẫn thuộc Bộ Chính trị, cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc. Điều này có nghĩa là ông Dương vẫn có tiếng nói có ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại.
Ông Dương năm nay 67 tuổi, vẫn giữ chức tổng thư ký của cơ quan chỉ đạo về đối ngoại trong Bộ Chính trị, mà người đứng đầu là ông Tập.
Tại cuộc họp báo thường nhật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói : "Mọi người đều biết rằng đồng chí Dương Khiết Trì là ủy viên Bộ Chính trị. Chúng tôi tin rằng ông sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đường lối ngoại giao của Trung Quốc", bà Hoa nói và không giải thích thêm chi tiết.
Chính phủ Trung Quốc được xem là không có quyền lực thực sự và Đảng mới là cơ quan ra quyết sách. Mặc dù không phải là ủy viên Bộ Chính trị, nhưng ông Vương cũng là Ủy viên Ban Chấp hành trung ương, là cơ quan ra quyết định lớn nhất của Đảng, thấp hơn một bậc so với Bộ Chính trị.
Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao nói ông Dương đang chạy đua làm phó thủ tướng, nhưng tên của ông không có trong danh sách dành cho vị trí này.
Cựu Ngoại trưởng Dương nói tiếng Anh lưu loát nhưng lại không nổi bật trước công chúng và rất hiếm khi nói chuyện với các nhà báo nước ngoài.
Ông từng là một trong những "con thoi" của Trung Quốc với chính quyền Trump, nhờ kiến thức sâu rộng về Hoa Kỳ của ông trong thời gian làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, trong đó có chức đại sứ từ năm 2000-2004.