Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/04/2018

Tham vọng bành trướng ra hướng Đông của Trung Quốc dừng lại ở đâu ?

Tổng hợp

Trung Quốc muốn lập căn cứ quân sự thường trực tại Vanuatu ? (RFI, 10/04/2018)

Ngay sau khi một nhật báo Úc tiết lộ vào hôm qua, 09/04/2018, việc Bắc Kinh đàm phán với chính quyền đảo quốc Vanuatu ở vùng Nam Thái Bình Dương để xây dựng căn cứ một quân sự Trung Quốc thường trực tại đấy, một nơi chỉ cách Úc chưa đầy 2.000 km, cả Trung Quốc lẫn Vanuatu đều lên tiếng phủ nhận thông tin, trong lúc hai chính quyền Úc và New Zealand đều không giấu thái độ quan ngại.

chain1

Đảo Vanuatu nhìn từ trên cao. Getty Images/Carsten Peter

Theo nhật báo Úc Sydney Morning Herald, trích dẫn nhiều nguồn tin xin ẩn danh, thì dù chưa có đề nghị chính thức nào, nhưng chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành đàm phán sơ bộ với chính quyền Vanuatu về việc thiết lập một căn cứ quân sự thực thụ tại đảo quốc này.

Ý đồ của Trung Quốc sẽ được thực hiện theo từng bước, thoạt đầu sẽ chỉ đề nghị Vanuatu ký thỏa thuận cho phép chiến hạm Trung Quốc neo đậu thường trực tại đấy và được tiếp tế nhiên liệu và hậu cần. Giai đoạn tiếp theo mới là việc xây dựng căn cứ quân sự.

Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã càng lúc càng gia tăng ảnh hưởng tại Vanuatu, như đầu tư nhiều vào việc xây dựng các trụ sở cơ quan công quyền, sân vận động, thậm chí còn viện trợ cả xe quân sự cho đảo quốc này. Trung Quốc hiện nắm giữ gần một nửa số nợ nước ngoài của Vanuatu.

Ngay sau khi thông tin về ý đồ quân sự của Trung Quốc được công bố, chính quyền đảo quốc Vanuatu đã cực lực phủ nhận, cho rằng thông tin của tờ báo Úc không xác thực. Bắc Kinh vào hôm nay cũng kiên quyết bác bỏ tin trên, với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng gọi đó là một thông tin thất thiệt.

Riêng hai cường quốc Nam Thái Bình Dương là Úc và New Zealand, dù không xác nhận tin trên, nhưng không giấu quan ngại.

Trong lúc ngoại trưởng Úc tuyên bố rất tin tưởng vào sự vững chắc của quan hệ với Vanuatu, thì theo hãng tin Mỹ AP, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã xác định rằng nước ông "sẽ hết sức quan ngại trước việc bất kỳ một căn cứ quân sự nước ngoài nào được xây dựng tại các đảo quốc vùng Thái Bình Dương".

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm qua cho biết không biết gì về tin trên, nhưng xác định rằng chính quyền Wellington phản đối mạnh mẽ hành động quân sự hóa Thái Bình Dương.

Trọng Nghĩa

*********************

Trung Quốc biện minh cho công trình quân sự tại Biển Đông (RFA, 10/04/2018)

Trung Quốc vào ngày 10 tháng 4 lên tiếng cho rằng Bắc Kinh có quyền tăng cường phòng thủ trên các đảo tại khu vực Biển Đông ; tuy nhiên những biện pháp đó không nhằm đến bất cứ một quốc gia cụ thể nào cả.

chain2

Hải quân Trung Quốc thao diễn trên biển Đông - Photo chinanews

Phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, Nhậm Quốc Cường, tuyên bố như vừa nêu trong thông cáo đăng trên trang chủ của cơ quan này như vừa nêu.

Cụ thể theo lời của người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Trung Quốc thì hoạt động bố trí quân sự là quyền tự nhiên của một quốc gia có chủ quyền nhằm giúp bảo về lãnh thổ và an ninh đất nước.

Mặc dù ông Nhậm Quốc Cường không nêu rõ chi tiết ; tuy nhiên thông cáo vừa nêu được nhận định là lời giải cho câu hỏi được nêu ra là liệu hoạt động của Trung Quốc có phải nhằm đáp trả chiến dịch do Hải Quân Hoa Kỳ tiến hành nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông hay không.

Thông cáo vừa nêu của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi Hoa Kỳ đưa 3 hàng không mẫu hạm đến khu vực Biển Đông và Nhật Bản trong thời gian gần đây.

Và vào ngày 9 tháng tư, mạng Wall Street Journal loan tin dẫn nguồn tình báo và một quan chức Quốc Phòng Hoa Kỳ rằng Trung Quốc vừa cho lắp đặt hệ thống phá sóng viễn thông và radar trên hai đảo nhân tạo được bồi lấp lên gần đây ; đó là Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn.

Trung Quốc cũng tiến hành tập trận tại khu vực Biển Đông có sự tham dự của hàng không mẫu hạm duy nhất của nước này là tàu Liêu Ninh cùng sự tham gia của Không Quân và lực lượng mặt đất.

Tại ba trong số 7 đảo nhân tạo tiền tiêu mà Trung Quốc bồi lấp lên tại quần đảo Trường Sa, gồm Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi, nay có tổng cộng chừng 3 ngàn thước đường băng, các vòm chứa chiến đấu cơ, boongke trữ đạn dược, doanh trại và những cầu cảng nước sâu cho tàu neo đậu.

Tại quần đảo Hoàng Sa cách Trường Sa chừng 500 dặm về phía bắc, từ năm 2016, Trung Quốc đã cho bố trí tên lửa đất đối không HQ-9, chiến đấu cơ J-11B.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra ; tuy nhiên đường này bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế- PCA tuyên là không có giá trị cả về pháp lý lẫn lịch sử.

Ngoài Trung Quốc và Đài Loan còn có Brunei, Malayisa, Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông nơi có tuyến đường hàng hải quan trọng đi qua.

************************

Biển Đông : Bắc Kinh đã lắp đặt hệ thống gây nhiễu ra-đa ở Trường Sa (RFI, 10/04/2018)

Trích dẫn quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ, báo chí Mỹ ngày hôm qua, 09/04/2018 cảnh báo : Bắc Kinh đã cho lắp đặt các hệ thống gây nhiễu ra-đa và liên lạc vô tuyến, ít nhất là trên hai thực thể trong tay Trung Quốc, tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông : Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn.

chain3

Các công trình xây dựng của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef) Trường Sa, Biển Đông. (Ảnh vệ tinh do CSIS, ngày 19/06/2017) Reuters

Wall Street Journal là tờ báo Mỹ đầu tiên tiết lộ thông tin này, trích dẫn một quan chức thuộc bộ Quốc Phòng Mỹ, theo đó "Trung Quốc đã triển khai thiết bị gây nhiễu quân sự tới các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa". Các thiết bị mà Bắc Kinh lắp đặt gần đây trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef) có khả năng phá rối các hệ thống ra-đa và liên lạc vô tuyến điện.

Theo tờ báo Mỹ, lời tố cáo trên có thể được xác minh bằng một bức ảnh vệ tinh mà hãng Digital Globe chụp được vào tháng 03/2018 mà Wall Street Journal có trong tay, cho thấy trên Đá Vành Khăn, một vật thể có ăng ten dựng đứng được đánh giá là thiết bị gây nhiễu ra-đa.

Giới tình báo Mỹ cho biết là các thiết bị gây nhiễu nói trên đã được Trung Quốc triển khai trong vòng 90 ngày gần đây. Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, các phương tiện này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường năng lực bảo vệ các đảo nhân tạo đang được Bắc Kinh rốt ráo quân sự hóa, và đối phó với hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực.

Một ví dụ : khi sóng ra-đa bị các thiết bị loại này chặn phá hoặc gây nhiễu, lực lượng Mỹ sẽ không thể phát hiện vị trí, quy mô… của các mục tiêu trên những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng.

Viên chức này tố cáo : "Trung Quốc luôn cho rằng việc họ bồi đắp đảo nhân tạo chỉ nhằm đảm bảo an toàn trên biển, hỗ trợ ngành hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, bảo vệ ngư trường cùng những chức năng phi quân sự khác, thế nhưng hệ thống gây nhiễu điện tử này chỉ được dùng cho mục đích quân sự mà thôi".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 547 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)