Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/02/2017

Hải quân Hoa Kỳ trở lại Biển Đông, phản ứng của Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Hạm đội Hoa Kỳ bắt đầu tuần tra trên biển Đông vào ngày thứ bảy 18 tháng hai, năm 2017.

bd1

Tàu sân bay USS Carl Vinson ở Thái Bình Dương hôm 3/2/2017. AFP photo

Dẫn đầu lực lượng hải quân Mỹ trong chuyến tuần tra biển Đông lần này là hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson.

Tin tức về cuộc tuần tra này được đưa trên trang Facebook của USS Carl Vinson.

Vị chỉ huy đội tàu chiến Mỹ là Chuẩn Đô đốc James Kilby nói rằng hải quân Mỹ đang phô trương khả năng của mình đồng thời với việc xây dựng quan hệ hữu nghị với các đồng minh, các đối tác, và bạn bè trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Hạm đội Hoa Kỳ bắt đầu chuộc tuần tra chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Trung quốc kết thúc cuộc tập trận trên biển Đông.

Hiện chưa thấy Bắc Kinh lên tiếng về việc này, nhưng hôm thứ tư tuần trước Bộ trưởng ngoại giao Trung quốc có cảnh cáo Hoa Kỳ là đừng thách thức chủ quyền của Trung quốc trên biển Đông.

Xin nhắc lại là trong những năm cuối nhiệm kỳ của chính quyền Mỹ dưới quyền Tổng thống Obama, lực lượng hải quân Mỹ đã tiến hành nhiều lần các cuộc hành quân trên biển Đông được mệnh danh là tự do hàng hải. Đôi khi các tàu chiến Mỹ đi sát các đảo nhân tạo mà Trung quốc chiếm đóng và bồi đắp trên biển Đông.

Những chuyến hải hành này được cho là để thách thức đòi hỏi về lãnh hải quá đáng của Bắc Kinh trên vùng biển quan trọng này.

***********************

Biết Mỹ tuần tra, Trung Quốc tập trận 'Tấn công bất ngờ' (Đất Việt, 19/02/2017)

Nắm tin đội tàu sân bay Mỹ thực hiện tuần tra thông thường theo kế hoạch trên Biển Đông, Trung Quốc tập trận "tấn công bất ngờ" trước 1 tuần.

Ngày 18/2, Hải quân Mỹ cho biết một nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này đã bắt đầu các cuộc tuần tra trên Biển Đông.

Các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải, viết tắt là FONOPS, có thể do các tàu tấn công của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thực hiện.

Hải quân Mỹ cho biết nhóm tác chiến trên, trong đó có tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson, đã bắt đầu các hoạt động tuần tra thông thường trên Biển Đông vào ngày 18/2. Tuyên bố trên được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Facebook của tàu USS Carl Vinson.

bd2

Tàu USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ.

Đội tàu đã có một đợt huấn luyện ở Hawaii, Guam và vùng biển Philippines và hôm 18/2 đã bắt đầu tiến hành tuần tra ở Biển Đông.

Hiện tại Hải quân Mỹ chưa cho biết, cụm tàu sân bay tấn công này có tuần tra trong vòng 12 hải lý ở các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp tại Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) hay Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp hay không.

Hôm 12/2, tờ Navy Times đã tiết lộ khả năng này, trong đó cụm USS Carl Vinson có thể tuần tra trong 12 hải lý đảo nhân tạo ở Trường Sa và, hoặc cả ở Hoàng Sa. Đây sẽ là động thái thách thức những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, từng gây ra căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh vừa qua.

Việc USS Carl Vinson bắt đầu cuộc tuần duyên chứng tỏ kế hoạch của Hải quân Mỹ đã được tân chủ nhân Nhà Trắng phê chuẩn, đặt nền móng cho chính sách châu Á của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Thông tin về kế hoạch của quân đội Mỹ trùng khớp với các báo cáo được báo chí Nhật Bản dẫn lại nói rằng tại các cuộc họp kín trong chuyến thăm châu Á gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đảm bảo với các quan chức Nhật Bản rằng quân đội Mỹ đang lên kế hoạch áp sát Trung Quốc quyết liệt ở Biển Đông.

Một ngày trước khi Hải quân Mỹ tiến hành cuộc tập trận trên, Trung Quốc đã kết thúc một tuần tập trận trên Biển Đông.

Đội tàu chiến Trung Quốc gồm một khu trục hạm trang bị tên lửa, đã tiến hành tập trận từ tuần trước, và hiện nay đang tiến về vùng đông Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương.

Theo Tân Hoa Xã, cuộc tập trận lần này bao gồm các khoa mục "tấn công bất ngờ" và đã được thực hiện thành công trong điều kiện biển rất xấu.

bd3

Chiến hạm Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển

Chuyên gia quân sự Yin Zhuo nói với Đài truyền hình Trung Quốc rằng các cuộc diễn tập "không theo kịch bản sắp xếp từ trước" và "sát với điều kiện chiến đấu thực tế".

Doãn Trác, một nhà bình luận quân sự nói trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, các cuộc tập trận này "không có kịch bản trước, càng gần càng sát thực tế chiến đấu".

Ông Trác lưu ý thêm, xu hướng Trung Quốc tiến hành thường xuyên các hoạt động tập trận như thế ở Biển Đông là "không thể thay đổi", mặc dù ông cho rằng, khả năng tác chiến tầm xa của hải quân Trung Quốc "không đủ đảm bảo lợi ích của mình trong các vùng biển mở".

Các cuộc tập trận nói trên được thông báo sau khi Trung Quốc vừa cảnh cáo Mỹ không được thách thức yêu sách chủ quyền (phi pháp, vô lý) của Trung Quốc ở Biển Đông, vì có thông tin Washington chuẩn bị mở lại các cuộc tuần tra để bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực, và điều các chiến hạm Mỹ đến sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp và các cơ sở quân sự trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp. Washington quan ngại rằng các cơ sở đó có thể được sử dụng để hạn chế tự do di lại trên tuyến hàng hải quan trọng này, và do đó hải quân Mỹ đã nhiều lần điều tàu chiến đến khu vực để khẳng định "quyền tự do hàng hải".

Theo truyền thông quốc tế, Trung Quốc hiện cũng đang xem xét việc sửa đổi luật an toàn hàng hải, buộc các tàu ngầm nước ngoài khi đi vào vùng biển Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước và báo cáo hành trình của họ cho nhà chức trách Trung Quốc.

Tuy không đề cập trực tiếp đến Biển Đông, nhưng bản dự thảo luật sửa đổi cho phép các cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc ngăn chặn tàu nước ngoài đi vào vùng biển Trung Quốc nếu xét thấy những tàu này có thể gây phương hại cho an toàn hàng hải và trật tự.

*********************

Hàng không mẫu hạm Mỹ tuần tra Biển Đông (RFI, 19/02/2017)

bd4

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson rời cảng North Island, Coronado, California, Hoa Kỳ, ngày 05/01/2017. REUTERS/Mike Blake

Một đơn vị hải chiến của Mỹ, gồm chiến đấu cơ và hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson bắt đầu tuần tra tại Biển Đông từ ngày 18/02/2017. Hải quân Mỹ thông báo tin này vài ngày sau khi Bắc Kinh cảnh cáo Washington không nên thách đố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc.

Tại Biển Đông, cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc vừa kết thúc, Mỹ đưa một hải đội tác chiến vào vùng.

Mạng thông tin của hải quân Mỹ cho biết, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cùng với nhiều chiến hạm bắt đầu vào vùng Biển Đông hôm thứ Bảy, 18/02, để tuần tra như thông lệ. Đơn vị "hải chiến" này mới kết thúc một cuộc tập dượt gần Hawai để kiện toàn khả năng phối hợp tấn công tác chiến.

Theo AFP, tuy khẳng định nhiệm vụ "tuần tra theo thông lệ", chỉ huy trưởng "nhóm hải chiến", phó đô đốc James Kilby, nhấn mạnh đến mục tiêu "tăng cường quan hệ vững chắc với các đồng minh trong vùng Ấn Độ- Châu Á-Thái Bình Dương".

Sự kiện hải quân Mỹ tiến hành tuần tra Biển Đông diễn ra sau khi Trung Quốc thông báo vừa kết thúc một cuộc tập trận "giao tranh bất ngờ" kéo dài một tuần lễ cho đến thứ Sáu 17/02/2017.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng chiến hạm và tầu sân bay có quyền họat động trong vùng, theo luật quốc tế.

Tuy nhiên, hôm thứ Tư, khi được hỏi về tin hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sắp tới Biển Đông và Hoa Kỳ sắp mở lại những cuộc tuần tra trong khu vực, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc trả lời là Bắc Kinh "kiên quyết chống lại mọi quốc gia âm mưu phá hoại chủ quyền của Trung Quốc" và "thúc giục Hoa Kỳ ngưng thách thức chủ quyền Trung Quốc tại biển Nam Hải".

Tú Anh

***********************

Nhật Bản đóng thêm tầu chiến để củng cố phòng vệ Biển Hoa Đông (RFI, 18/02/2017)

Nhật Bản đang lên kế hoạch thúc đẩy chương trình đóng tầu chiến, nâng số lượng lên hai tầu mỗi năm. Theo những người nắm rõ hồ sơ được Reuters trích dẫn ngày 18/02/2017, những chiến hạm trên có nhiệm vụ tuần tra vùng bờ biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

bd5

Ảnh minh họa : Khu trục hạm Nhật Bản Inazuma. US NAVY

Kế hoạch ban đầu của Nhật Bản là đóng mỗi năm một tầu khu trục có trọng tải 5.000 tấn. Tuy nhiên, từ tháng 04/2018, con số này sẽ tăng lên gấp đôi và mỗi tầu có trọng tải 3.000 tấn. Tokyo muốn thành lập một đội tầu gồm 8 chiếc loại mới nhỏ hơn và rẻ hơn, song vẫn có khả năng rà soát mìn và chống tầu ngầm. Trị giá của mỗi tầu được thẩm định từ 353 triệu đến 443 triệu đô la.

Vẫn theo nguồn tin ẩn danh trên, các tập đoàn đóng tầu, trong đó có Mitsubishi Heavy Industries, Japan Marine United Corp (JMU) và Mitsui Engineering & Shipbuilding, đều được mời thầu. Trong bản thông cáo ngày 15/02, bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết yêu cầu nhà thắng thầu phải nhượng một phần hợp đồng đóng 8 tầu khu trục cho các tập đoàn tham gia đấu thầu khác nhằm đảm bảo các xưởng đóng tầu trong nước tiếp tục hoạt động.

Trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishada bên lề hội nghị G20 đang diễn ra tại Bonn (Đức), ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Nhật Bản có những động thái "tiêu cực" trên nhiều vấn đề quan trọng gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Theo ông Vương Nghị, hai nước cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện mối quan hệ này.

Nhật Bản và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, cách đông bắc Đài Loan khoảng 220 km. Nhiều sĩ quan Nhật Bản lo ngại về việc Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Biển Hoa Đông, xung quanh chuỗi đảo Okinawa, ở miền nam Nhật Bản. Tokyo cũng trợ giúp về mặt quân sự cho nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó Philippines và Việt Nam, để đối phó những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 755 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)