Biển Đông : Trung Quốc xây các cấu trúc cho tên lửa ở Trường Sa (RFI, 22/02/2017)
Nhà chứa máy bay được Trung Quốc xây trên đá Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 22/07/2016. REUTERS/CSIS
Hãng tin Reuters hôm nay, 22/02/2017, trích dẫn hai quan chức Mỹ, cho biết là Trung Quốc sắp hoàn tất việc xây dựng khoảng hơn hai chục cấu trúc trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Những cấu trúc này dường như là để chứa các tên lửa địa đối không tầm xa.
Những cấu trúc nói trên, dài khoảng 20 mét, cao 10 mét, được xây trên Đá Subi, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, nơi mà Trung Quốc đã xây các phi đạo quân sự. Theo lời các giới chức Mỹ nói với Reuters, việc xây dựng này không phải là một mối đe dọa lớn về quân sự đối với lực lượng Mỹ trong khu vực, nhưng là một hành động nhằm trắc nghiệm phản ứng của chính quyền tổng thống Donald Trump, vốn đã tỏ ra rất cứng rắn trên hồ sơ Biển Đông.
Trước mắt, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc tuyên bố là Hoa Kỳ vẫn chủ trương "không quân sự hóa vùng Biển Đông" và kêu gọi các bên tranh chấp nên có những hành động theo đúng luật pháp quốc tế.
Hôm qua, tại cuộc họp ở Philippines, các ngoại trưởng ASEAN cũng đã bày tỏ mối quan ngại về việc Trung Quốc đặt vũ khí trên các đảo nhân tạo và kêu gọi đối thoại để chấm dứt leo thang ở Biển Đông.
Reuters nhắc lại rằng, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington, trong một báo cáo ra tháng 12 vừa qua, cho biết là Trung Quốc dường như đã đặt các vũ khí, bao gồm các giàn súng phòng không và giàn tên lửa trên toàn bộ 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.
Trong khi đó, hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảnh (Geng Shuang) một lần nữa tuyên bố chống lại việc cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson của Mỹ đến tuần tra ở Biển Đông, xem đây là một hành động đe dọa chủ quyền của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc Vụ Viện đặc trách đối ngoại của Trung Quốc, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một mối quan hệ Mỹ-Trung mang tính xây dựng. Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, hai ông Rex Tillerson và Dương Khiết Trì cũng đã đồng ý là cần phải ngăn chận mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Thanh Phương
*******************
Trung Quốc xây cất ở Biển Đông để thiết đặt võ khí (VOA, 22/02/2017)
Trung Quốc sắp hoàn tất xây dựng gần hai chục công trình trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà dường như nhằm để tạo điều kiện cho những phi đạn đất đối không tầm xa, Reuters ngày 21/2 dẫn nguồn tin từ hai quan chức Hoa Kỳ cho biết.
Diễn tiến này có phần chắc đặt ra câu hỏi liệu Hoa Kỳ có phản ứng hay không và phản ứng như thế nào bởi Mỹ đã cam kết có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông.
Xây dựng kết cấu bê tông trên Đá Subi, Đá Chữ thập, và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (nơi Trung Quốc đã có các đường băng đủ diện tích phục vụ cho mục đích quân sự) có thể được coi là một sự leo thang quân sự, các quan chức Mỹ không muốn nêu tên cho biết.
Một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài cho biết Mỹ giữ vững cam kết "phi quân sự hóa ở Biển Đông" và kêu gọi tất cả các bên hành động phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Trong buổi điều trần được Thượng viện chuẩn nhận để nhậm chức hồi tháng trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson khiến Trung Quốc tức giận khi tuyên bố chớ nên cho phép Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông.
Ông Tillerson sau đó dịu giọng. Tiếp đó, Tổng thống Trump giảm căng thẳng bằng cách cam kết tôn trọng chính sách lâu dài của Hoa Kỳ về "Một nước Trung Hoa" nhân cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 10/2.
Ông Greg poling, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, trong phúc trình cuối năm ngoái từng khuyến cáo Trung Quốc dường như đã cài đặt võ khí, trong đó có các hệ thống chống phi đạn và chống máy bay, trên tất cả bảy hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Các quan chức vừa được Reuters dẫn nguồn tin cho hay các cấu trúc mới này có khả năng phục vụ cho việc thiết đặt các phi đạn đất đối không giúp mở rộng khả năng quốc phòng của Trung Quốc tại các đảo này. Họ không cho biết theo họ khi nào thì Trung Quốc sẽ triển khai phi đạn lên đảo.
Ngày 21/2, Philippines tuyên bố các nước Đông Nam Á xem việc Trung Quốc lắp đặt võ khí trên Biển Đông là "hết sức đáng ngại" và kêu gọi đối thoại để ngăn chặn leo thang các diễn tiến gần đây.
Ngoại trưởng Philippines, Perfecto Yasay, nói Hiệp hội ASEAN hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đảm bảo hòa bình - ổn định khu vực.
*************************
Trung Quốc sửa luật để tăng cường kiểm soát Biển Đông (RFI, 21/02/2017)
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận tại Biển Đông, tháng 12/2016. REUTERS/Stringer
Trung Quốc có thể cấm tàu ngầm nước ngoài đi vào vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, đó là bài nhận định được đăng hôm nay, 21/02/2017, trên trang thông tin news.com.au của Úc.
Bài viết trở lại thông tin trên báo chí chính thức Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh đang tiến hành sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải 1984. Dự luật sửa đổi, theo dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ năm 2020, cho phép hải quân Trung Quốc và lực lượng tuần duyên nước này được quyền ngăn chận những tàu nào bị xem là "vi phạm an toàn hàng hải" hoạt động trong các vùng biển của Trung Quốc, kể cả vùng nội thủy và vùng đặc quyền kinh tế.
Nhưng điểm gây ngạc nhiên là dự luật này đặc biệt nhắm vào các tàu ngầm. Dự luật nói trên không nói gì đến Biển Đông, nhưng gần như chắc chắn là nó có liên quan đến vụ hải quân Trung Quốc tháng 12 năm ngoái thu giữ một tàu ngầm không người lái của hải quân Mỹ ở Biển Đông và sau đó trả lại phía Hoa Kỳ.
Dự luật quy định là các tàu ngầm của nước ngoài khi đi ngang qua vùng biển của Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước, treo quốc kỳ và thông báo cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc trước khi đi vào vùng biển này.
Luật sửa đổi cũng ghi rõ là nhà chức trách Trung Quốc có thể khoanh một số vùng đặc biệt và có thể cấm các tàu của ngoại quốc đi qua những vùng này dựa theo đánh giá của họ về mức độ an toàn giao thông hàng hải của những tàu đó. Chiếu theo luật mới, những tàu nào bị xem là vi phạm luật Trung Quốc sẽ bị đuổi ra khỏi vùng biển của Trung Quốc.
Dự luật này được xem xét vào lúc Trung Quốc gần hoàn tất việc xảy dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở vùng biển này.
Một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông, trực thuộc chính phủ Trung Quốc, cho biết là Bắc Kinh đang cố cải thiện việc quản lý an ninh hàng hải bằng cách đưa vào luật những chi tiết mới, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến "những mối đe dọa ngày càng tăng của việc nước ngoài giám sát quá chặt chẽ (vùng biển của Trung Quốc)".
Trang news.com.au nhắc lại rằng cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Tranparency Initiative) vào tháng 12 vừa qua công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đặt thêm các dàn súng phòng không và dàn tên lửa tại các phi đạo và hải cảng trên các đảo nhân tạo.
Việc quân sự hóa các cơ sở này (mà trước đây Bắc Kinh khẳng định là được xây dựng chỉ nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải) khiến giới quan sát lo ngại là Trung Quốc chuẩn bị thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Việc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không có nghĩa là mọi phi cơ bay ngang qua không phận vùng này đều phải xin phép Bắc Kinh. Như vậy, Trung Quốc áp đặt sự kiểm soát của quốc gia lên một vùng biển cho tới nay quốc tế có thể được sử dụng.
Đầu tháng 7 năm ngoái, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết bác bỏ "quyền lịch sử" mà Trung Quốc vẫn dùng để đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, thể hiện qua bản đồ "đường lưỡi bò".
Cho tới nay, Hoa Kỳ vẫn cho rằng các vùng biển phía nam và phía đông Trung Quốc là những vùng biển quốc tế và đã thường xuyên có những hành động nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại vùng biển này. Kể từ tháng 10/2015 đến nay, các chiến hạm của hải quân Mỹ đã bốn lần đến sát các đảo do Trung Quốc chiếm giữ, bất chấp khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên các đảo này.
Cũng chính là nhằm khẳng định quyền của quốc tế được tự do lưu thông ở vùng này mà hải quân Hoa Kỳ trong tuần này đã điều cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson đến tuần tra ở Trường Sa. Cụm tàu này, mà gần như chắc chắn sẽ bao gồm cả tàu ngầm, theo dự kiến sẽ "trắc nghiệm" phản ứng của Bắc Kinh bằng cách đi vào phạm vi 12 hải lý chung quanh một hoặc nhiều đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Đây là khoảng cách được luật pháp quốc tế công nhận là ranh giới vùng biển hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của một quốc gia. Hiện giờ luật pháp quốc tế không công nhận các đảo nhân tạo của Trung Quốc là lãnh thổ quốc gia của nước này, mặc dù Bắc Kinh vẫn khẳng định như thế. Bây giờ nếu Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, đây sẽ là một hành động khiến nguy cơ xung đột với Mỹ gia tăng.
Đợt tuần tra của cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson sẽ là đợt tuần tra đầu tiên của hải quân Mỹ ở vùng Biển Đông kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Sau khi nghe thông tin về đợt tuần tra sắp tới của tàu Mỹ, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh vẫn tôn trọng quyền tự do hàng hải chiếu theo luật quốc tế, nhưng yêu cầu Hoa Kỳ "không được có bất kỳ hành động nào thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc" và "phải tôn trọng nỗ lực của các nước khu vực duy trì hòa bình và ổn định ở biển Hoa Nam (Biển Đông)".
Chính phủ Bắc Kinh khẳng định luật An toàn Giao thông Hàng hải được sửa đổi dựa trên các quyền của Trung Quốc trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Nhưng trên thực tế dự luật trái với UNCLOS, vì công ước này bảo đảm quyền "đi lại vô hại" (innocent passage), cho phép tàu dân sự và quân sự được đi qua vùng lãnh hải các nước mà không bị ngăn chận, trừ phi các tàu này có một số hoạt động không được phép.
Dự luật nói trên sẽ được áp dụng như thế nào là còn tùy thuộc vào việc Bắc Kinh diễn giải khái niệm "vùng biển Trung Quốc" rộng đến đâu. Cho tới nay, thật sự thì Bắc Kinh vẫn chưa nói rõ là đối với họ, toàn bộ vùng nằm trong đường "lưỡi bò", chiếm khoảng 85% diện tích Biển Đông, là thuộc chủ quyền Trung Quốc hay không.
Một điều chắc chắn là Hoa Kỳ và các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc sẽ không chấp nhận luật sửa đổi với những nội dung như trên. Nhất là đối với Washington, tự do hàng hải ở Biển Đông là "tuyệt đối", dù là đối với tàu dân sự hay tàu quân sự, như bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nhắc lại vào ngày 04/02 vừa qua.
RFI tiếng Việt
************************
Trung Quốc phản đối Mỹ tuần tra Biển Đông (VOA, 21/02/2017)
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng.
Chính quyền Bắc Kinh hôm 21/2 cho biết phản đối bất kỳ hành động của các nước dưới "chiêu bài tuần tra tự do hàng hải", đe dọa chủ quyền của nước này, sau khi Hoa Kỳ triển khai hàng không mẫu hạm tới vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, hải quân Mỹ nói rằng lực lượng của Mỹ, gồm hàng không mẫu hạm, bắt đầu các hoạt động thường lệ ở Biển Đông hôm 18/2, giữa bối cảnh có nhiều lo ngại rằng vùng biển tranh chấp này sẽ trở thành một điểm nóng dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Donald Trump.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hôm 21/2 : "Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải và bay ngang mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật quốc tế. Nhưng chúng tôi luôn phản đối các nước liên quan đe dọa và gây tổn hại tới chủ quyền và an ninh của các nước ven biển dưới chiêu bài tự do hàng hải và bay ngang qua".
Chỉ huy của đội tàu chiến Hoa Kỳ tuần tra trên Biển Đông, thiếu tướng James Kilby, nói rằng nhiều tuần lễ diễn tập ở Thái Bình Dương trước đó đã cải thiện khả năng hoạt động hiệu quả cũng như sự sẵn sàng của đội tàu này.
Ông Kilby được dẫn lời nói rằng "chúng tôi nóng lòng muốn chứng tỏ những khả năng đó trong khi gây dựng mối quan hệ vững mạnh sẵn có với các đồng minh, đối tác và những người bạn ở khu vực Ấn Độ Dương và Châu Á – Thái Bình Dương".
Thông tin về hoạt động tuần tra của hàng không mẫu hạm Mỹ xuất hiện một ngày sau khi Trung Quốc thông báo kết thúc các cuộc tập trận ở Biển Đông.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cảnh báo Washington không nên thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này.
Hoa Kỳ từng chỉ trích việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo cũng như các cơ sở quân sự trên Biển Đông. Hải quân Mỹ từng tiến hành một số đợt tuần tra "tự do hàng hải" qua vùng biển này.
Trong khi công du Châu Á đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm 4/2 tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa cần phải có những bước đi quân sự ở biển Đông nhằm ngăn chặn hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, dù chỉ trích Bắc Kinh làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực.