Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/10/2018

Trung Quốc lập kế hoạch kiểm soát hoàn toàn cuộc sống người dân ?

BBC tiếng Việt

Chương trình Reality Check của BBC phân tích những ẩn ý của hệ thống xếp hạng tín dụng xã hội được đề xuất tại Trung Quốc.

tap1

Chính quyền Trung Quốc nhắm đến việc thực thi một hệ thống Orwell dựa trên việc kiểm soát hầu hết khía cạnh của đời sống con người

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc về việc áp dụng một hệ thống xếp hạng tín dụng xã hội.

"Chính quyền Trung Quốc nhắm đến việc thực thi một hệ thống Orwell [được mô tả trong tiểu thuyết 1984] dựa trên việc kiểm soát hầu hết khía cạnh của đời sống con người - với cái gọi là "điểm tín nhiệm xã hội", ông Pence nói trong bài phát biểu gần đây.

Chính phủ Trung Quốc khẳng định hệ thống này sẽ trao thưởng cho những ai "báo cáo hành vi vi phạm".

Vậy thì Trung Quốc có đang thiết lập hệ thống kiểm soát toàn bộ xã hội và ý thức chính trị của người dân hay không ?

'Mức độ tin cậy'

Đúng là mọi công dân Trung Quốc sẽ được yêu cầu tham gia vào hệ thống xếp hạng hành vi và thái độ xã hội, điều này có thể gây bất lợi cho những người không tuân thủ.

Đã có những chỉ dấu cho thấy hệ thống có thể rất bao quát, mặc dù nhiều người Trung Quốc dường như ủng hộ ý tưởng này.

Ở nhiều quốc gia, thực trạng tín dụng của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến khả năng được vay tiền của họ.

Nhưng hệ thống tín dụng xã hội đề xuất của Trung Quốc - hứa hẹn áp dụng từ năm 2020 - sẽ đi xa hơn, và xếp hạng tất cả các cá nhân về những gì chính quyền gọi là "mức độ tin cậy".

Điểm tín dụng xã hội cũng sẽ được áp dụng cho các công ty và tổ chức.

Về cơ bản, chính phủ dự định tính toán giá trị xã hội không chỉ dựa trên những hàng hóa/dịch vụ người dân chi xài - mà còn là cách họ cư xử và thậm chí về khuynh hướng chính trị.

tap2

Chính phủ Trung Quốc thường bị cáo buộc muốn kiểm soát dân chúng tối đa

Nếu "mức độ tin cậy" không đạt, chẳng hạn vì hút thuốc ở những khu vực cấm hút thuốc hoặc nộp thuế trễ, người đó sẽ bị điểm âm.

Ngược lại, công dân sẽ được ghi nhận điểm cộng khi tham gia hoạt động từ thiện.

Thực tế, hệ thống tính điểm có dạng "danh sách đen" và "danh sách đỏ" công khai.

Hệ thống tín dụng xã hội này đã được áp dụng một phần và nhiều tỉnh đang thử nghiệm.

Năm ngoái, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết 6,15 triệu công dân đã bị cấm bay vì "có hành vi sai trái".

Giấy phép đã được cấp cho tám công ty để đánh giá thực trạng tín dụng và các chỉ số khác.

Một công ty như vậy, Sesame Credit, lập hệ thống dựa trên các thành viên tự nguyện.

Nó được Công ty dịch vụ tài chính Ant (AFSG) liên kết với Alibaba điều hành.

tap3

Hệ thống xếp hạng tín dụng của người tiêu dùng đã tồn tại ở Trung Quốc

'Từ năm 2020'

Người dùng của hệ thống này có thể được điểm cộng nếu họ mua các mặt hàng như tã lót hoặc nếu họ lôi kéo bạn bè tham gia.

Nhưng nếu mua các vật phẩm như video games thì có thể bị mất điểm.

Người đạt điểm số cao có thể được hiển thị tốt hơn trên Baihe, dịch vụ hẹn hò online của Trung Quốc.

Nếu người dùng tích lũy đủ điểm, họ có thể thuê xe hơi mà không cần đặt cọc hoặc được ưu đãi VIP check-in tại Sân bay Quốc tế Bắc Kinh.

Một chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Zurich cho biết đây hệ thống xếp hạng này phức tạp hơn các chương trình khách hàng thân thiết.

Không ai chắc chắn về cách thức chính xác mà chương trình tín dụng xã hội sẽ được áp dụng từ năm 2020.

"Các nhà quan sát thực sự không biết chuyện gì đang xảy ra", Johan Lagerkvist, chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Stockholm nói.

Tuy nhiên, Rogier Creemers, Đại học Leiden, chỉ ra cách thức mà chính phủ Trung Quốc muốn kiểm soát.

"Hệ thống tín dụng xã hội là dạng khuếch tán các luật hiện hành", ông nói.

Tuy nhiên, ông tin rằng nó có nhiều khả năng là tập hợp các sáng kiến ​​khác nhau về việc xếp hạng công dân hơn là hệ thống kiểm soát.

Để tính toán điểm số của một cá nhân, chính phủ sẽ cần thu thập một lượng lớn dữ liệu.

tap4

Việc tham gia biểu tình sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng xã hội

'Nên và không nên'

Các nhà phân tích tin rằng có khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ sử dụng hồ sơ chi tiêu trên WeChat Pay và Alipay, cũng như hồ sơ công cộng và các hoạt động khác như đặt phòng khách sạn/đặt chỗ nhà hàng, cũng như tình trạng hôn nhân/học vấn.

Nhà chức trách cũng sẽ thu thập dữ liệu cá nhân từ CCTV, drone, công nghệ nhận diện khuôn mặt ở nơi công cộng cũng như hành vi trực tuyến của người dân.

Trung Quốc chi rất nhiều tiền vào mạng lưới giám sát rộng lớn, và được cho là có một hệ thống nhận diện khuôn mặt tinh vi ở khu vực Tân Cương, nơi có người thiểu số Uighur theo Hồi giáo.

Danh sách "những điều nên và không nên làm" dao động từ những vấn đề nhỏ đến lớn, theo Johan Lagerkvist.

"Nên" có thể gồm :

- Hiến máu

- Tặng tiền và làm cho tổ chức từ thiện

- Mua sản phẩm/dịch vụ được đánh giá tích cực hơn là mua các sản phẩm không tốt cho sức khỏe.

"Không nên" có thể là :

- Tham nhũng

- Trốn thuế

- Gian lận

- Lan truyền thông tin được đánh giá là "có hại cho sự ổn định xã hội".

Các nhà phân tích tin rằng chính phủ sẽ thiết lập thuật toán để tính toán điểm số.

Ở Trung Quốc, nhiều người tin rằng hệ thống tín dụng xã hội sẽ giúp xử lý tội phạm, cũng như tham nhũng vặt, bằng cách gia tăng giám sát.

Nhưng giới chỉ trích nói rằng cách này sẽ bóp nghẹt tự do ngôn luận và gia tăng kiểm soát xã hội và khuynh hướng chính trị, nhất là nhắm vào nhóm dân tộc thiểu số và giới bất đồng chính kiến.

Samantha Hoffman thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc cho biết : "Điểm mấu chốt của hệ thống này là tận dụng công nghệ để bảo vệ Đảng".

Theo Chương trình Reality Check

Quay lại trang chủ
Read 550 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)