Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/10/2018

Trung-Nhật : Hòa dịu, nhưng chỉ là tình thế

RFI tiếng Việt

Trung-Nhật : Hòa dịu, nhưng chỉ là tình thế

Áp lực gia tăng lên Saudi Arabia trong vụ nhà báo Khasogghi bị sát hại. Việc cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) được khởi sự bàn thảo hôm nay 24 và ngày mai 25/10/2018, tại Ottawa, không có sự tham gia của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nước Pháp trước ngưỡng cửa cải cách bảo hiểm thất nghiệp. Trên đây là một số chủ đề lớn trang nhất các báo Pháp hôm nay.

trungnhat1

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề APEC, Bắc Kinh, 10/11/2014. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Trước hết xin giới thiệu bài nhận định về quan hệ Nhật-Trung, nhân cuộc hội kiến chính thức giữa thủ tướng Nhật với chủ tịch Trung Quốc, lần đầu tiên từ 7 năm nay.

Bài "Đối phó với Trump, Tokyo và Bắc Kinh trong không khí hòa dịu tạm thời" của Les Echos điểm lại quan hệ ưu ái của Nhật Bản với Trung Quốc trong giai đoạn hiện đại hóa đầu tiên, ngay cả sau cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989, khiến Bắc Kinh bị thế giới tự do tẩy chay. Năm 1991, thủ tướng Nhật Toshiki Kaifu là lãnh đạo một cường quốc phương Tây đầu tiên công du Trung Quốc. Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Akio Tahakara, đại học Tokyo, Trung Quốc vốn có thói quen tìm đến Nhật Bản, khi quan hệ với Hoa Kỳ bị trục trặc.

Tình hình giờ đây tương tự, bị Mỹ tấn công thương mại, Bắc Kinh quyết định một lần nữa sáp lại với Tokyo. Quan hệ Nhật-Trung nguội lạnh kể từ năm 2012, sau biến cố Tokyo "quốc hữu hóa" quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Trong bảy năm liền, hai nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới đã không hề có cuộc gặp thượng đỉnh song phương nào.

Trong chuyến công du ba ngày tại Trung Quốc, hai bên sẽ kỷ niệm dịp 40 năm ký hiệp định hòa bình và hữu nghị, và thông báo nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chung, đặc biệt là tại Thái Lan. Về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ phải cổ vũ cho vùng trao đổi tự do RCEP (bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 6 nước khác trong khu vực) và hối thúc Nhật tham gia, ít nhất cũng về mặt biểu tượng, vào một số dự án trong kế hoạch đầy tham vọng "Một vành đai, một con đường" (Nhất đới, nhất lộ).

"Không ảo tưởng"

Theo Les Echos, điều chắc chắn là thủ tướng Nhật sẽ ủng hộ việc tăng cường trao đối với Trung Quốc, giờ đây đã là đối tác thương mại hàng đầu, với kim ngạch buôn bán song phương 297 tỉ đô la, vượt trao đổi thương mại Nhật-Mỹ 204 tỉ đô la. Tuy nhiên, xét về toàn thể, theo các nhà quan sát, Tokyo "không hề ảo tưởng về sự thành thật của Trung Quốc".

Nhà nghiên cứu Giulio Pugliese, King’s College, ở Luân Đôn, trong một hội thảo cách đây ít tuần, đã tóm lại quan hệ Nhật-Trung trong một câu : "Đó là sự hòa hoãn mang tính chiến thuật".

Điều cơ bản nhất là Nhật Bản đang hết sức lo ngại trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc, muốn thay thế vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ tại khu vực. Chiến lược của Nhật là tìm cách đối trọng lại với Trung Quốc. Cụ thể là tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP), một thỏa thuận tự do mậu dịch không có Trung Quốc. Hay liên minh với các quốc gia trong vùng cũng chia sẻ nỗi lo ngại này, như Ấn Độ, Úc và một số quốc gia Đông Nam Á. Tokyo cũng chủ trì dự án "khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở" để đối lại tham vọng Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh.

Vẫn theo nhà nghiên cứu Giulio Pugliese, hiện không có "cấu trúc mang tính xây dựng" nào, cho phép Tokyo và Bắc Kinh thiết lập được quan hệ mang tính tin cậy. Giai đoạn hòa dịu nhất thời Nhật-Trung có thể nhanh chóng khép lại, nếu căng thẳng bùng lên tại Biển Đông hay trong vấn đề Đài Loan.

WTO : Tìm đường cải cách, không có Mỹ và Trung Quốc

Về quan hệ quốc tế, báo kinh tế Les Echos có hồ sơ "Tương lai Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) được thảo luận tại Canada, không có Trung Quốc và Mỹ".

Hôm nay và ngày mai, Bộ trưởng thương mại 13 quốc gia sẽ bàn thảo về viễn cảnh cải cách WTO. Hội nghị khai mạc ngày hôm nay, cũng như hội nghị ngày 16/11 tới, diễn ra tại Pháp, có mục tiêu mở đường cho các cải cách tại WTO, định chế thương mại đang bên bờ vực "tê liệt hoàn toàn".

Về lý do Mỹ không được mời, tân Bộ trưởng thương mại Canada Jim Carr giải thích là lập trường của Wahsington hoàn toàn khác biệt. Hiện tại Washington ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới của cơ quan phân xử tranh chấp thương mại (gọi tắc là ORD hay DSB). Nếu tình hình cứ tiếp tục diễn tiến theo hướng này, thì đến cuối năm tới, cơ chế trọng tài này sẽ chỉ còn có một thẩm phán, trong lúc các vụ kiện đang dồn ứ lại.

Trong số núi hồ sơ kiện, có vụ Liên Hiệp Châu Âu và sáu nước khác, gồm Trung Quốc, kiện Mỹ đơn phương đánh thuế thép và nhôm, vụ Hoa Kỳ đòi ra phán quyết về các hành động trả đũa của các nước, hay vụ Washington kiện Bắc Kinh trong lĩnh vực bản quyền…

Trả lời Les Echos, quốc vụ khanh tại Bộ Ngoại giao Pháp, ông Jean-Baptiste Lemoyen bày tỏ hy vọng là "hệ thống thương mại quốc tế", dựa trên luật pháp, sẽ được cải tổ, để tồn tại trong thế kỷ 21. Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay, theo ông là, nếu Trung Quốc tiếp tục phủ nhận việc họ chưa phải là một nền kinh tế thị trường, "thì xung đột thương mại với Hoa Kỳ sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng".

Theo quốc vụ khanh Pháp, quan điểm của Pháp là thúc đẩy tính minh bạch trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, đặc biệt là chính sách trợ giá của các nước. Cuối tháng 11 tới, tại thượng đỉnh G20, các nước cần lập ra lộ trình cải cách WTO. Đây là điều mà tổng thống Pháp đã đề xuất hồi tháng 5/2018 tại OCDE.

Trump gặp Putin bàn về tên lửa : Trung Quốc là điểm bất đồng

Một điểm nóng khác của thời sự quốc tế là Hiệp định tên lửa tầm trung Mỹ-Nga INF bị tổng thống Mỹ đơn phương hủy bỏ. Le Figaro, trong bài "Trump và Putin sẽ bàn về cuộc chạy đua vũ trang", nhấn mạnh đến chuyến đi của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đến Nga, sau khi quyết định hủy bỏ của Mỹ bị Moskva lên án mạnh.

Cố vấn Mỹ đã gặp tổng thống Nga hôm qua. Hai bên bàn đến cuộc gặp Putin-Trump vào ngày 11/11 tới tại Paris, bên lề lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Đại chiến thế giới thứ nhất.

Tuy nhiên, hiệp định INF không chỉ liên quan đến hai nước. Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc đe dọa các láng giềng Châu Á, bằng vũ khí hạt nhân tầm trung, vì không bị bất cứ thỏa thuận nào kìm tay. Theo cố vấn an ninh Mỹ, về nguyên tắc, gần một nửa số vụ bắn thử tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận INF.

Tổng thống Nga khuyên Mỹ nên bàn thẳng với Bắc Kinh. Moskva nghi ngại Hoa Kỳ phá vỡ INF, để dễ bề triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở khu vực Thái Bình Dương.

Cầu vượt biển Trung Quốc : Thêm một lo ngại cho dân chủ Hồng Kông

Một chủ đề khác liên quan đến Trung Quốc được nhiều báo nhắc đến là Bắc Kinh cho khánh thành cây cầu kỷ lục dài nhất thế giới, nối liền Hoa lục với Hồng Kông, dài 55 km. Tham vọng của Trung Quốc là nối liền Hồng Kông, Macao và 9 thành phố của tỉnh Quảng Đông, trong đó có Thâm Quyến và Quảng Châu, với khoảng 70 triệu dân cư, được coi là khu vực kinh tế năng động nhất Trung Quốc.

Theo Le Figaro, những người phản đối dự án cho rằng cây cầu không hề có hiệu quả về kinh tế, mà chỉ là một phương tiện cho phép Bắc Kinh siết chặt hơn nữa gọng kìm kiểm soát Hồng Kông về chính trị.

Báo Les Echos cũng lưu ý là, chiếc cầu kỷ lục nói trên được khánh thành chỉ một tháng, sau khi Bắc Kinh khai trương tuyến tàu tốc hành nối liền Hoa lục với Hồng Kông. Từ Quảng Châu sang Hồng Kông nay chỉ cần 50 phút.

Theo Libération, với việc tăng cường xây dựng các tuyến đường nối liền Hồng Kông với Hoa lục, chính quyền Bắc Kinh hy vọng thu hút các tiềm lực, thế mạnh của Hồng Kông, để xây dựng một thung lũng "Silicon theo kiểu Trung Quốc" tại Quảng Đông. Tuy nhiên, người dân Hồng Kông đang ngày càng nhìn thành phố quê hương tràn ngập người từ Hoa lục, tiếng Trung lên ngôi, đẩy lùi tiếng Quảng, với nhiều lo ngại. Lo ngại bị đồng hóa về văn hóa, bị thao túng về kinh tế, trước khi tự do chính trị bị tiêu diệt.

Vụ nhà báo bị giết : Số phận thái tử Saudi Arabia trong tay nhà vua ?

Vụ nhà báo Saudi Arabia Khasoggi bị giết đang tiếp tục đè nặng lên quan hệ giữa vương quốc Hồi giáo với các nước phương Tây. Le Figaro dành nhiều bài cho chủ đề này.

Tờ báo trước hết một bước ngoặt trong hồ sơ nói trên, khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hứa hẹn sẽ công bố "toàn bộ sự thật". Hôm qua, trước nhóm nghị sĩ đa số AKP ở Ankara, ông Erdogan đã phá vỡ im lặng, khi trực diện lên án một "vụ sát hại chính trị được lập kế hoạch". Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhấn mạnh đến thái độ thận trọng của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, không trực tiếp chỉ đích danh thái tử kế vị Salman. Theo Le Figaro, từ đầu vụ sát hại nhà báo đối lập tại lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul đến nay, Ankara ứng xử hết sức thận trọng, và đầy tính toán, với hy vọng thu được nhiều lợi ích từ cuộc khủng hoảng, củng cố vị thế trước Saudi Arabia, đối thủ hàng đầu tại khu vực.

Le Figaro chú ý đến chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ của lãnh đạo CIA Mỹ Gina Haspel. Nhiệm vụ hàng đầu của nữ giám đốc CIA dường như là tìm cách giới hạn việc Thổ Nhĩ Kỳ phổ biến các thông tin đe dọa trực tiếp thái tử Salman, để ngăn cho quan hệ đồng minh, vốn được coi là "không gì suy suyển nổi", giữa Saudi Arabia và Hoa Kỳ đang ngày một xấu đi.

Vẫn theo Le Figaro, số phận của thái tử đầy quyền uy Salman hiện "nằm trong tay quốc vương Saudi Arabia". Tuy nhiên, cần phải rất nhiều áp lực mới đủ để quốc vương thay đổi thái độ, và bản thân quốc vương Saudi Arabia lại bị chính thái tử thao túng. Từ ít nhất hai năm nay, Salman nắm gần như toàn bộ quyền lực.

Hôm 10/10, thái tử Saudi Arabia đã nổi giận khi bị một cố vấn của tổng thống Mỹ gửi thông điệp "báo hiệu sẽ cứng rắn". Toàn bộ báo chí Saudi Arabia, như một dàn đồng thanh, khẳng định lãnh sự quán Saudi Arabia trên đất Thổ Nhĩ Kỳ là lãnh thổ Saudi Arabia, không ai có quyền xen vào.

Pháp : Bảo hiểm thất nghiệp, "cơ may cuối cùng"

Về thời sư nước Pháp, báo chí chú ý đến cuộc thương thuyết giai đoạn chót về cải cách bảo hiểm thất nghiệp. Les Echos nói đến "cơ may cuối cùng".

Các lãnh đạo giới chủ và người lao động gặp nhau chiều nay, sẽ phải đề ra một lộ trình thương thuyết, với ba buổi tổng cộng, từ nay đến hạn cuối là cuối tháng Giêng năm tới. Nếu các bên không thỏa thuận được, chính phủ sẽ nắm lại hồ sơ này, và đơn phương ra quyết định.

Một vấn đề lớn khác là chiến lược chuyển đổi năng lượng của Pháp. Hôm nay, tổng thống Macron họp các lãnh đạo ngành năng lượng tại Phủ tổng thống. Ông sẽ phải đưa ra quyết định vào tháng tới. Cho đến nay, chính phủ Pháp đang chậm trễ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, như Bruxelles đề ra.

Dùng thực phẩm hữu cơ, ung thư giảm 25%

Về môi trường, nhiều báo, trong đó có Le Monde, chú ý đến kết quả một nghiên cứu quy mô lớn mới đây cho thấy tiêu thụ các thực phẩm hữu cơ (còn gọi là thực phẩm sạch), tức không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, nguy cơ bị ung thư giảm tới 25%.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine, hôm thứ Hai 22/10, của hai nhà nghiên cứu Julia Baudry và Emmanuelle Kesse-Guyot, với gần 70.000 người tình nguyện, được theo dõi liên tục từ năm 2009 đến 2016. Giới chuyên môn đánh giá đây là một nghiên cứu dịch tễ học hiếm có.

Theo nhà dịch tễ học Philip Landrigan (Boston College, Mỹ), một điểm rất đáng chú ý là kết quả nghiên cứu nói trên "phù hợp với" những nghiên cứu trước đó về tỉ lệ các chứng ung thư, như ung thư máu, cao ở những người làm nông, thường phải tiếp xúc nhiều với các hóa chất. Nguy cơ ung thư máu với người dùng thực phẩm sạch, giảm đến 76%.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 471 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)