Hàn Quốc : Người thừa kế tập đoàn Samsung bị truy tố vì tội hối lộ (RFI, 28/02/2017)
Người thừa kế Samsung và bốn thành viên khác trong ban lãnh đạo của tập đoàn hôm nay 28/02/2017 đã chính thức bị tư pháp Hàn Quốc truy tố vì hối lộ liên quan tới vụ tai tiếng chính trị Choi Soon-sil.
Ảnh chụp trụ sở tập đoàn Samsung, Seoul, ngày 28/02/2017. REUTERS/Kim Hong-Ji
Ông Lee Hyu-chul, phát ngôn viên của nhóm điều tra đặc biệt về vụ tai tiếng chính trị Choi Soon-sil cho biết là Lee Jae-yong, 48 tuổi - người thừa kế đồng thời là phó chủ tịch của tập đoàn Samsung - bị khởi tố về tội hối lộ, lạm dụng tài sản xã hội, che giấu tài sản ở nước ngoài và bội thệ. Lee Jae-yong bị tạm giam từ ngày 17/02/2017.
Lee Jae-yong bị cáo buộc đã hối lộ 40 triệu đô la cho bà Choi Soon-sil - người bạn thân tín của Tổng thống Park Geun-hye - để được hưởng ưu đãi của chính phủ. Tuy nhiên, người thừa kế tập đoàn Samsung đã bác bỏ tất cả các cáo buộc của nhóm điều tra đặc biệt.
AFP cho biết là bốn thành viên khác của ban lãnh đạo công ty Samsung cũng bị khởi tố vì các tội tương tự như người thừa kế tập đoàn Samsung, trừ tội bội thệ. Sau khi nhận được thông tin bị Tòa án truy tố, ba trong số bốn nhân vật cấp cao kể trên của tập đoàn Samsung đã đệ đơn từ chức.
Thùy Dương
********************
Bắc Triều Tiên xử tử 5 quan chức an ninh (RFI, 28/02/2017)
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh chụp tại Nhà Hát Nhân Dân, Bình Nhưỡng, ngày 23/02/2017. KCNA/via REUTERS
Bắc Triều Tiên đã xử tử bằng súng phòng không 5 quan chức an ninh cao cấp vì đã lập báo cáo giả khiến Kim Jong-un bực tức. Thông tin trên được cơ quan tình báo Hàn Quốc đưa ra ngày 27/02/2017.
Hãng tin AP trích tuyên bố trên với báo chí của nghị sĩ Lee Cheol-woo, một trong những người tham dự cuộc họp kín với Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS). Tuy nhiên, nghị sĩ này cho biết NIS không nêu rõ những bản báo cáo giả này liên quan đến vấn đề gì và làm thế nào tình báo Hàn Quốc có được thông tin trên.
Trước đó, cũng Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc cho biết bộ trưởng An ninh quốc gia Bắc Triều Tiên, Kim Won-hong, từng là một người thân cận của Kim Jong-un, đã bị xử bắn bằng súng phòng không vào tháng 01/2017, vì bị cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và tra tấn.
Về quan hệ với Trung Quốc, thứ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên, Ri Kil-song, đến Bắc Kinh ngày 28/02 theo lời mời của ngoại trưởng Vương Nghị. Đây là chuyến công du cấp cao nhất kể từ tháng 06/2016 và diễn ra chỉ 10 ngày sau khi Trung Quốc thông báo ngừng nhập than của Bắc Triều Tiên đến hết cuối năm 2017 nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Thu Hằng
**********************
Đồng khai thác ở Biển Đông : Philippines đợi làm rõ quan hệ với Trung Quốc (RFI, 28/02/2017)
Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi trả lời hãng tin Reuters tại Manila, ngày 27/02/2017. REUTERS/Romeo Ranoco
Trả lời hãng tin Reuters ngày 27/02/2017, bộ trưởng Năng Lượng Philippines cho biết Manila đợi làm rõ quan hệ với Bắc Kinh trước khi dỡ bỏ lệnh đình chỉ các chương trình thăm dò trong vùng biển có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Theo bộ trưởng Alfonso Cusi, chính quyền Philippines đang nghiên cứu xem đây có phải là thời điểm "thuận lợi" để quyết định cùng khai thác các nguồn tài nguyên với Trung Quốc hay không. Tuy nhiên bộ trưởng Năng Lượng Philippines nhấn mạnh là mọi quyết định đều phải được bộ Ngoại giao Philipllines đồng ý bởi vì đây là cơ quan có trực tiếp đối thoại với Trung Quốc.
Năm 2004 Bắc Kinh và Manila đã đạt được một thỏa thuận cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Arroyo nhưng thỏa thuận này đã bị đình chỉ 3 năm sau đó vì bị coi là vi hiến.
Tháng 10/2016 nhân chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Duterte, báo chí Manila đưa tin, Philippines sẽ thương lượng với Trung Quốc về các kế hoạch cùng thăm dò dầu khí tại vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Tuy nhiên một quan chức Philippines xin được giấu tên cho biết, đàm phán song phương chỉ liên quan đến những hoạt động thăm dò trong các vùng biển không có tranh chấp. Chính quyền của Tổng thống Duterte xem các dự án cùng thăm dò dầu khí ở các vùng không có tranh chấp là một động thái cụ thể "xây dựng niềm tin giữa đôi bên".
Năm ngoái, vài ngày trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc căn cứ vào bản đồ 9 đoạn để đòi hỏi gần như toàn bộ chủ quyền ở Biển Đông, ngoại trưởng Yassay Perfecto nêu lên khả năng "tại một thời điểm trong tương lai, các nước có tranh chấp chủ quyền, sẽ cân nhắc việc tham gia các thỏa thuận như thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng có tranh chấp mà không phương hại đến lập trường của mỗi bên hay kết quả phân định ranh giới giữa các bên liên quan theo quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982".
Thanh Hà
**********************
Liên Hiệp Quốc : Chính quyền Miến Điện thảm sát sắc dân Rohingya (RFI, 28/02/2017)
Cảnh chợ bị đốt phá tại một ngôi làng Rohingya, bang Rakhine, Miến Điện. Ảnh ngày 27/10/2016. REUTERS/Soe Zeya Tun /File Photo
Cố vấn Nhà nước, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi rơi vào tình cảnh khó xử trước bản báo cáo về nhân quyền tại đất nước của bà. Bản báo cáo do đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc Yanghee Lee công bố ngày 27/02/2017 sau bốn ngày gặp gỡ và nói chuyện với vài chục người tị nạn thuộc sắc dân thiểu số Hồi Giáo Rohingya bị truy bức và buộc phải trốn sang Bangladesh. Theo đặc sứ của Liên Hiệp Quốc, quy mô và tính chất dã man các vụ bạo lực mà người Rohingya phải chịu "lớn hơn" nhiều những gì mà bà hình dung trước đó.
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Rémy Favre tường trình :
"Toàn những bằng chứng "kinh hoàng" đối với đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc : Rất nhiều người bị trói chặt trong chính ngôi nhà của họ bị đốt cháy, những đứa trẻ bị thiêu sống, các gia đình bị đốt thành than, người lớn thì bị cắt cổ hay những vụ hãm hiếp tập thể…
Khoảng 70.000 người Rohingya theo Hồi Giáo đã phải bỏ trốn khỏi phía tây Miến Điện trong vòng 5 tháng gần đây. Từ tháng 10/2016, quân đội Miến Điện tiến hành "chiến dịch an ninh" tại khu vực hẻo lánh này để truy tìm thủ phạm tấn công vào các đồn biên phòng. Nhưng thực ra, theo đặc sứ Liên Hiệp Quốc, toàn bộ sắc dân Rohingya "bị trừng phạt tập thể".
Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần lên án các vụ vi phạm nhân quyền ở vùng này, nhưng chính phủ Miến Điện luôn cực lực bác bỏ những bản báo cáo đó. Trên thực địa, lực lượng quân đội và cảnh sát được triển khai tại phía tây Miến Điện, tuân lệnh người đứng đầu quân đội… chứ không phải chính phủ. Ngược lại, bà Aung San Suu Kyi và đội ngũ điều hành bộ Ngoại Giao và Thông Tin, những bộ được cho là chịu trách nhiệm thông tin về cuộc khủng hoảng này, lại chỉ đưa ra thông cáo được tóm gọn trong từ "bác bỏ" hoàn toàn những sự kiện trên.
Thế nhưng, chứng cứ mà Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ cùng với báo chí thu thập được đều giống nhau và là những bằng chứng không chối cãi được đối với chính quyền Miến Điện".
Thu Hằng