Ngoại trưởng Mỹ : Bắc Kinh tung tiền hối lộ để gia tăng ảnh hưởng (RFI, 27/10/2018)
Trong một cuộc trả lời báo Mỹ hôm qua, 26/10/2018, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tố cáo Trung Quốc tăng cường dùng tiền hối lộ lãnh đạo nhiều nước đang phát triển, ở khắp nơi trên thế giới, để mở rộng ảnh hưởng.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, hôm 26/10/2018, tố cáo Bắc Kinh tăng cường hối lộ chính quyền nhiều nước đang phát triển để mở rộng ảnh hưởng. Reuters
Trả lời phỏng vấn một chương trình phát thanh theo xu hướng bảo thủ, của nhà báo Hugh Hewitt, về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, lãnh đạo ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đến một bước ngoặt khá rõ trong chính sách của Bắc Kinh "trong khoảng hai, ba năm trở lại đây". Đó là tăng cường hối lộ chính quyền nhiều nước, đặc biệt để "đổi lấy các dự án xây dựng hạ tầng". Theo ông Pompeo, mỗi khi Trung Quốc làm như vậy thì đều để lại những hệ quả tiêu cực đối với dân chúng nước sở tại.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định là Hoa Kỳ "hoan nghênh các cạnh tranh thương mại với Trung Quốc, trên cơ sở công bằng và có đi có lại", nhưng sẽ "không ngừng" chống lại việc Trung Quốc dùng nguồn lực tài chính hùng hậu để thao túng các nước, hành động đồng thời gây tổn hại cho lợi ích của chính Hoa Kỳ.
Năm 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ đầu tư trực tiếp đến 250 tỉ đô la vào khu vực Châu Mỹ Latinh và vùng Vịnh Caribê, đồng thời dự kiến trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và khu vực này sẽ tăng gấp đôi. Vị thế đối tác kinh tế số một của Hoa Kỳ với khu vực bị thách thức. Chính sách gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này cũng nhằm tước đi các quốc gia bạn hữu ít ỏi còn lại của Đài Loan, hòn đảo được Hoa Kỳ bảo trợ, mà Bắc Kinh sẵn sàng dùng vũ lực để chiếm lại.
Nhiều nhà quan sát ghi nhận việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Châu Mỹ Latinh và Châu Phi chủ yếu là để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng Trung Quốc rất coi nhẹ lợi ích của người lao động địa phương, vấn đề bảo vệ môi trường, cũng như tăng trưởng kinh tế của các nước sở tại xét về dài hạn.
Lời cảnh báo nói trên của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được đưa ra trong bối cảnh quan hệ song phương Mỹ-Trung đang xấu đi nhanh chóng trong những tháng gần đây. Ngoài cuộc chiến thương mại, với các biện pháp tăng thuế đối với một nửa lượng hàng nhập khẩu Trung Quốc, Washington còn lên án Bắc Kinh về các vụ đàn áp tôn giáo, nhân quyền, và chính sách gia tăng quân sự hóa Biển Đông.
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đi Mỹ
Theo Reuters, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis thông báo là đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) sẽ tới Washington tuần tới, để tiếp tục thảo luận về quan hệ quân sự song phương. Trong cuộc họp báo tại Manama, thủ đô Bahrain, hôm nay, lãnh đạo quốc phòng Mỹ nhận định : "Cạnh tranh chiến lược không đồng nghĩa với đối đầu". Ông Mattis đã gặp đồng nhiệm Trung Quốc bên lề hội nghị bộ trưởng quốc phòng khối Đông Nam Á hồi tuần trước.
Quan hệ quân sự Mỹ-Trung có chiều hướng ít căng thẳng hơn. Hồi cuối tháng 09/2018, một cuộc họp dự kiến của một chỉ huy Hải Quân Trung Quốc với đồng nhiệm Mỹ tại Washington bị hủy vào giờ chót. Chuyến đi Mỹ dự kiến của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc cũng bị dời lại. Bản thân kế hoạch đi Bắc Kinh của ông Jim Mattis vào tháng 10 cũng bị hủy bỏ.
Trọng Thành
*******************
Mỹ-Nhật thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn mới (RFI, 27/10/2018)
Quân đội Mỹ ngày 26/10/2018 thông báo thử nghiệm thành công một hệ thống tên lửa bắn chặn mới được thiết kế với sự hợp tác của Nhật Bản. Đây là lần thử thành công thứ hai, sau hai lần thất bại liên tiếp.
Hệ thống tên lửa bắn chặn SM-3 Block IIA đã được thử nghiệm thành công lần đầu tiên ở bờ tây đảo Hawai, hồi tháng 02/2017. @mda (Ảnh minh họa)
AFP trích dẫn nguồn tin bộ quốc phòng Mỹ nêu rõ vụ thử hệ thống tên lửa bắn chặn SM-3 Block IIA đã được thực hiện ở bờ tây đảo Hawai. Với sự hợp tác của Nhật Bản, tên lửa bắn chặn mới này có thể được phóng đi từ đất liền hay trên biển, nhờ các bệ phóng tên lửa phòng không đạn đạo AEGIS.
Thành công của đợt bắn thử này sẽ cho phép hiện đại hóa hệ thống phòng không AEGIS vốn chủ yếu trang bị cho tầu chiến của Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, bộ quốc phòng Mỹ cũng cho biết là không loại trừ khả năng trang bị tên lửa mới này cho hệ thống AEGIS được triển khai tại Rumani và Ba Lan.
Cơ quan phụ trách phát triển tên lửa phòng không của Mỹ MDA cho biết trong chương trình hợp tác này, Hoa Kỳ đóng góp 2,2 tỷ đô la và Nhật Bản góp 1 tỷ đô la.
AFP nhắc lại là tính cả lần thử nghiệm này, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tiến hành tổng cộng bốn vụ thử. Đợt thử đầu tiên vào tháng 02/2017 được cho là mỹ mãn, nhưng hai đợt thử liên tiếp sau đó hồi tháng 06/2017 và tháng 01/2018 đều thất bại.
Minh Anh