Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

29/10/2018

Thế đứng khó khăn của Việt Nam trong cuộc đối đầu Hoa Kỳ-Trung Quốc

Tổng hợp

Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông, Trung Quốc cảnh báo nước ngoài không can thiệp (RFA, 29/10/2018)

Đô đốc Hải quân Mỹ John Richardson hôm 29/10 phát biểu tại một họp báo ở Manila, Philippines rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra ở khu vực Biển Đông trong chương trình tự do hàng hải nhằm thách thức những đòi hỏi quá đáng trong vùng nước tranh chấp.

ca1

Tướng Carlito Galvez Jr của Philippines (trái) và Đô đốc John Richardson bắt tay tại cuộc họp báo hôm 29/10/2018 ở thành phố Quezon, đông bắc Manila, Philippines. AP

Tuyên bố này của Đô đốc Richardson được đưa ra sau khi một tàu chiến của Trung Quốc đi sát tàu chiến Mỹ vào hồi cuối tháng trước khi tàu Mỹ đang đi tuần tra gần đá Gaven do Trung Quốc chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa.

Đô đốc Richardson cho biết Hoa Kỳ đã thực hiện hàng chục những cuộc tuần tra như vậy trên khắp thế giới để cho thấy lập trường của Mỹ về các đòi hỏi bất hợp lý và Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục các hoạt động này.

Trong khi đó, tại thành phố Davao, miền Nam Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm Philippines hôm 29/10 cũng lên tiếng cảnh báo các nước bên ngoài khu vực đang gây bất ổn ở vùng nước tranh chấp và phô diễn sức mạnh.

Ông Vương Nghị nói Trung Quốc và các nước Châu Á nên cùng nhau chống lại sự can thiệp bên ngoài.

Hôm 22/10 vừa qua, Trung Quốc và các nước ASEAN đã có cuộc diễn tập chung lần đầu tiên ở Biển Đông được nói là một trong các bước nhằm xây dựng lòng tin giữa hai bên.

Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông. Các nước khác trong khu vực cũng đòi chủ quyền bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.

******************

Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo Quân khu giám sát Biển Đông và Đài Loan chuẩn bị cho chiến tranh (RFA, 27/10/2018)

Trang tin South China Morning Post hôm 27/10 trích lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Quân khu Nam hôm 25/10 phải luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến.

ca2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt quân ở Hong Kong hôm 30/6/2017 - Hình minh hoạ. AFP

Phát biểu của ông Tập Cận Bình được truyền hình Trung Quốc CCTV trích đưa, nói rằng Quân khu Nam của Quân đội Trung Quốc phải chịu trách nhiệm quân sự nặng nề trong những năm gần đây. Quân khu này vì thế cần phải tăng cường khả năng, tập trung chuẩn bị để chiến đấu trong một cuộc chiến.

Ông Tập Cận Bình nói điều này trong chuyến thăm đặc biệt ở Quân khu Nam ở tỉnh Quảng Đông.

"Chúng ta cần phải đẩy mạnh các bài tập sẵn sàng ứng phó, diẽn tập chung và diễn tập đối đầu để tăng cường khả năng cho quân nhân, chuẩn bị cho chiến tranh", ông Tập Cận Bình nói.

Quân khu Nam của Trung Quốc chịu trách nhiệm giám sát Biển Đông và Đài Loan.

Bài phát biểu của ông Tập đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoàng tuyên bố tại Diễn đàn Hương Sơn rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ một tấc đất lãnh thổ ở Biển Đông và Đài Loan. Ông cũng cảnh báo sự phô diễn sức mạnh quân sự từ các nước bên ngoài khu vực, ý nói Hoa Kỳ.

*******************

Nhiều công ty Mỹ đang tìm cách chuyển khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại (RFA, 29/10/2018)

Có đến hơn 70% công ty Mỹ hiện đang hoạt động ở miền nam Trung Quốc đang xem xét việc ngừng đầu tư hoặc chuyển việc sản xuất sang nước khác vì lo ngại tác động của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

ca3

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc gặp ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 9/11/2017 - Hình minh họa. AFP

Reuters trích kết quả một điều tra của Phòng Thương mại Mỹ ở Nam Trung Quốc cho biết cuộc điều tra được tiến hành với 219 công ty, 1/3 trong số này là trong lĩnh vực sản xuất.

Theo kết quả của cuộc điều tra, 64% các doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đang xem xét chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Kết quả điều tra cũng cho thấy phần lớn các doanh nghiệp này đang hướng tới các quốc gia Đông Nam Á.

Cuộc điều tra được tiến hành trong giai đoạn từ ngày 21/9 đến 10/10, ngay sau khi Hoa Kỳ áp thuế lên thêm 200 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiếp theo đó, Bắc Kinh trả đũa bằng việc áp thuế lên 60 tỷ đô la hàng hóa từ Mỹ.

Thuế mà Mỹ đánh lên hàng hóa Trung Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

****************

Việt Nam - Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng (RFA, 29/10/2018)

Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu đến thăm Trung Quốc vừa có các cuộc gặp hôm 27/10 với Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, Ủy viên Bộ Chính trị và người đồng nhiệm, Thượng tướng Ngụy Phượng Hoàng tại Bắc Kinh.

ca4

Đại tướng Ngô Xuân Lịch hội kiến với Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh Courtesy baochinhphu.vn, QDND

Trong các cuộc gặp này, hai bên cam kết sẽ tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng, coi đây là hình mẫu và trụ cột trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngụy Phượng Hoàng, hai bên cam kết tiếp tục triển khai đầy đủ nội dung Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng, trong đó đặc biệt chú trọng đến các tiếp xúc cấp cao, tiếp tục duy trì cơ chế Đối thoại chiến lược quốc phòng, phát huy hiệu quả đường dây nóng, duy trì các hoạt động tuần tra chung và kiểm tra liên hợp nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ, trao đổi kinh nghiệm.

Truyền thông trong nước cho biết hai bên cũng cam kết duy trì hợp tác trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề tồn tại giữa hai nước để gây chia rẽ quan hệ hai nước.

Liên quan đến những bất đồng giữa hai nước trên biển, tại cuộc gặp với Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, hai bên thống nhất tuân thủ các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, đặc biệt là "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc", tránh xảy ra va chạm xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Hiện giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn những tranh chấp chưa thể giải quyết về chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Tranh chấp này đã dẫn đến những xung đột trong lịch sử mà gần đây nhất là vụ Trung Quốc đưa giàn khoan dầu ra khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Đường dây nóng được thiết lập giữa hai bên trong giai đoạn xung đột này đã không giúp giải quyết được vấn đề.

Quay lại trang chủ
Read 435 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)