Trọng Thành, RFI, 06/10/2021
Ba tuần trước thượng đỉnh khối ASEAN, các thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á gây áp lực buộc tập đoàn quân sự Miến Điện thực thi Đồng Thuận 5 điểm, để vãn hồi hòa bình tại quốc gia này. Theo đặc phái viên của ASEAN, các nước Đông Nam Á có thể sẽ không mời tướng Min Aung Hlaing tham gia thượng đỉnh của khối tổ chức cuối tháng này.
Cờ các quốc gia thành viên trước trụ sở ban thư ký Hiệp hội ASEAN tại Jakarta, Indonesia ngày 21/04/2021. AP - Tatan Syuflana
Hôm 06/10/2021, đặc phái viên của ASEAN về Miến Điện, ngoại trưởng thứ hai của Brunei, ông Erywan Yusof, được Reuters trích dẫn, cho biết trong một cuộc họp báo là việc chính quyền quân sự Miến Điện không thực thi các cam kết trong Đồng Thuận 5 điểm, đạt được hồi tháng 4 với khối ASEAN là "một bước lùi". Đặc phái viên của ASEAN nhấn mạnh đến việc chính quyền quân sự đã không trực tiếp trả lời yêu cầu của ông muốn gặp cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi đang bị giam giữ.
Quân đội Miến Điện đã tiến hành cuộc đảo ngày 01/02/2021, lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi. Đối thoại giữa các bên tranh chấp và thả toàn bộ các tù nhân chính trị là hai trong số các nội dung chính của Đồng thuận 5 điểm. Lộ trình của ASEAN cũng bao gồm việc chấm dứt các hành động thù địch, tạo điều kiện cho các cứu trợ nhân đạo.
Trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN hôm thứ Hai 04/10, đa số các thành viên đã bày tỏ sự thất vọng về thái độ bất hợp tác của tập đoàn quân sự Miến Điện. Phát biểu trên Twitter, ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nhận định nếu không có tiến bộ, "rất khó để chủ tịch Hội đồng Hành chính Quốc gia Miến Điện tới dự thượng đỉnh ASEAN". Thượng đỉnh ASEAN sẽ họp tại Brunei từ ngày 26 đến 28/10.
Hôm nay, ngoại trưởng Malaysia cũng một lần nữa nhắc lại khả năng nói trên trong một cuộc họp tại Quốc hội, đồng thời cũng cho biết thêm là đặc phái viên ASEAN đang hết sức nỗ lực để hy vọng có được tiến bộ trong việc thực thi lộ trình 5 điểm.
Phát ngôn viên quân đội Miến Điện Zaw Min Tun đã không trả lời các cuộc gọi của Reuters hôm nay. Hồi tuần trước, người phát ngôn của tập đoàn quân sự Miến Điện tuyên bố trong một buổi họp báo, là Miến Điện đang hợp tác với ASEAN, "nhưng không để ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia".
Miến Điện rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự, chấm dứt một thập niên quá độ dân chủ. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 1/100 người đã thiệt mạng kể từ đó. Khoảng 8.400 người bị tù đày vì tham gia các cuộc biểu tình, đình công đòi tái lập chính quyền dân sự, theo hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị Miến Điện AAPP.
Trọng Thành
*********************
ASEAN thảo luận việc không mời lãnh đạo quân sự Myanmar dự hội nghị thượng đỉnh
VOA, 06/10/2021
Các nước Đông Nam Á đang thảo luận về việc không mời người đứng đầu quân đội Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này, do thiếu tiến bộ về một lộ trình như đã thống nhất để khôi phục hòa bình, Reuters dẫn lời một phái viên khu vực cho biết hôm 6/10.
Đặc phái viên ASEAN ở Myanmar Erywan Yusof.
Ông Erywan Yusof, đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đặc trách Myanmar, cho biết trong một cuộc họp báo rằng việc không hành động của chính quyền đối với kế hoạch 5 điểm mà họ đã đồng ý vào tháng 4 là "một bước lùi".
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2 do chỉ huy quân sự Min Aung Hlaing lãnh đạo và sự trở lại của chế độ quân sự đã gây ra sự phẫn nộ trong và ngoài nước.
Ông Erywan cho biết ASEAN đang "thảo luận sâu sắc" về việc không mời chính quyền quân sự Myanmar tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến từ ngày 26-28/10, sau khi vấn đề này được Malaysia và một số thành viên khác nêu ra.
Ông Erywan nói : "Cho đến hôm nay, không có tiến triển nào về việc thực hiện đồng thuận 5 điểm, và điều này đã làm dấy lên lo ngại".
Phát ngôn viên quân đội Myanmar Zaw Min Tun không phản hồi các yêu cầu bình luận Reuters hôm 6/10. Tuần trước, ông nói trong một cuộc họp báo rằng Myanmar đang hợp tác với ASEAN "mà không ảnh hưởng đến chủ quyền của đất nước".
Theo Liên Hợp Quốc, hơn 1/100 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính ở Myanmar, nhiều người trong cuộc trấn áp của lực lượng an ninh đối với các cuộc đình công và biểu tình ủng hộ dân chủ, trong đó hàng nghìn người đã bị bắt giữ.
Lộ trình của ASEAN bao gồm cam kết đối thoại với tất cả các bên, cho phép tiếp cận nhân đạo và chấm dứt các hành động thù địch.
************************
Khánh An, Thanh Niên Online, 06/10/2021
Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của ASEAN sẽ diễn ra từ ngày 26-28/10/2021
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing có rất nhiều huy chương, nhưng ít được công chúng ủng hộ - Reuters
Reuters ngày 6/10 dẫn lời Đặc phái viên ASEAN về Myanmar Erywan Yusof cho hay các nước thành viên đang thảo luận về việc có mời đại diện chính quyền quân sự Myanmar tham dự cuộc họp cấp cao sắp tới hay không.
Việc chính quyền quân sự Myanmar không có hành động về đồng thuận 5 điểm đạt được vào tháng 4 với ASEAN "bị xem như sự thụt lùi", ông Erywan phát biểu trong một cuộc họp báo.
Myanmar rơi vào bất ổn kể từ khi quân đội tiến hành chính biến để nắm quyền vào ngày 1/2. Ông Erywan cho hay ASEAN đang thảo luận sâu về khả năng có thể không mời chính quyền quân sự Myanmar tham dự cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến từ ngày 26-28/10, sau khi vấn đề này được nêu bởi Malaysia và một số nước thành viên khác.
"Cho đến hôm nay, vẫn chưa có tiến triển nào trong việc áp dụng đồng thuận 5 điểm và điều này gây quan ngại", theo ông Erywan.
Trước đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đạt được đồng thuận 5 điểm gồm chấm dứt bạo lực tại Myanmar, thúc đẩy đối thoại, phân phối viện trợ, bổ nhiệm đặc phái viên và cử phái đoàn do đặc phái viên này dẫn đầu đến Myanmar để gặp "tất cả các bên liên quan".
Ông Erywan cho hay phía Myanmar vẫn chưa phản hồi trực tiếp sau khi ông đề nghị được gặp cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi của chính phủ dân sự Myanmar trước chính biến.
Bên cạnh đó, ông đề nghị đến Myanmar gặp Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin của chính quyền quân sự nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun chưa đưa ra bình luận về các thông tin trên. Tuần trước, ông nói rằng Myanmar hợp tác với ASEAN "mà không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia".
Khánh An