ASEAN giằng co giữa Mỹ-Trung (VOA, 12/05/2017)
ASEAN sẽ bị áp lực ‘nặng nề’ trong lúc tân chính quyền Mỹ tìm cách giao tiếp nhiều hơn mà chưa có chiến lược rõ ràng trước sự cạnh tranh của Trung Quốc muốn ‘chinh phục’ Đông Nam Á, theo các nhà phân tích từ Trung Tâm Đông-Tây ở Hawaii.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp gỡ Ngoại trưởng ASEAN ngày 4/5/17 tại thủ đô Washington.
Tờ The Nation dẫn nhận định của nghiên cứu gia cao cấp Denny Roy cho rằng dù khó đoán được chính quyền Trump định làm gì với mối quan hệ ASEAN, dự kiến Mỹ sẽ tiếp tục xem Đông Nam Á như một đối tác hữu ích.
Việt Nam là một trong bốn thành viên của khối ASEAN có tuyên bố chủ quyền một phần tại Biển Đông cùng với Brunei, Malaysia, Philippines. Indonesia dù không tranh chấp chủ quyền tại vùng biển giàu tài nguyên này nhưng có một số xung khắc về hoạt động đánh bắt cá. Trung Quốc nhận chủ quyền hầu hết Biển Đông.
Mỹ, một bên nằm ngoài tranh chấp, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama đã tôn vinh và thực thi quyền tự do hàng hải trên Biển Đông và thúc giục ASEAN thống nhất đoàn kết trước Trung Quốc.
"ASEAN sẽ tiếp tục chịu áp lực ‘nặng nề’, một bên bị Trung Quốc níu kéo và bên kia là Mỹ, Biển Đông là một trong những vấn đề", ông Roy nói.
Dù chính quyền Trump muốn có sự hiện diện tại Châu Á, nhưng theo nhà ngoại giao kỳ cựu Raymond Burghardt được tờ The Nation dẫn lời, ông Trump và các cố vấn của ông có ít kinh nghiệm với các vấn đề Châu Á, càng ít kinh nghiệm hơn với Đông Nam Á.
Nhân vật chính ‘đương đầu’ với Châu Á như Ngoại trưởng Rex Tillerson lại có nhiều hiểu biết hơn về Trung Đông, ông Burghardt nhận xét.
Vẫn theo lời ông, những quan chức bên phía an ninh như Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis chẳng hạn, sự nghiệp của họ cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn về Trung Đông.
Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và là phó đặc sứ Mỹ tại Philippines, Raymond Burghardt, cho rằng Việt Nam cần đóng vai trò quan trọng hơn trong việc dẫn dắt ASEAN đối phó với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vì Philippines dường như đã ‘dịu giọng’ để lấy lòng Bắc Kinh.
Từ quan điểm của một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Burghardt nói "Việt Nam có nhiều thứ để đóng góp trong việc mang lại một tiếng nói và quan điểm chặt chẽ trong ASEAN".
Nguồn : The Nation
***********************
Ðông Nam Á bi quan với chính quyền Trump (VOA, 10/05/2017)
Xe lưu thông trên cầu hữu nghị Nhật-Thái ở thủ đô Bangkok của Thái Lan (ảnh tư liệu).
Bất chấp những nỗ lực mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vươn đến các nước Ðông Nam Á, một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy niềm tin vào mối quan hệ này đang ở mức thấp.
Cuộc nghiên cứu trên mạng nhan đề "Các nước Ðông Nam Á cảm nhận về chính quyền Trump như thế nào ?" do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore thực hiện. Trung tâm này nhận được phúc đáp từ 300 giới chức của các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả và ký giả ở ASEAN.
Khoảng 43% trả lời nói rằng chính quyền của Tổng thống Trump "không quan tâm" đến Ðông Nam Á, và 37% trả lời là "có quan tâm". Tương tự như vậy, khoảng 43% cho rằng giao tiếp và hợp tác của Mỹ trong khu vực sẽ giảm đi và Mỹ sẽ "không còn trách nhiệm" như là một đồng minh giống như trước đây 4 tháng nữa.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã tìm cách trấn an những lo lắng đó bằng nhiều nỗ lực vươn đến khu vực này. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson lần đầu tiên mời các bộ trưởng ngoại giao và các quan chức cấp cao của 10 nước ASEAN đến họp tại thủ đô Washington.
Hội nghị đã bàn về các vấn đề thương mại, Bắc Triều Tiên, và Biển Đông.
100 ngày đầu của tân chính quyền Tổng thống Trump bị đánh giá là thiếu sự giao tiếp với một khu vực từng có các mối quan hệ mạnh mẽ với chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama dưới chính sách "xoay trục sang Châu Á".
Trước cuộc họp với của Ngoại trưởng Tillerson với các quan chức ASEAN, Tổng thống Trump đã ngỏ lời mời các nhà lãnh đạo Singapore, Thái Lan và Philippines đến thăm Tòa Bạch Ốc, và ông cũng dự định sẽ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh khu vực vào tháng 11.
Nhưng cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 10% tin là Tổng thống Trump "chắc chắn" sẽ đến dự hội nghị ở khu vực, 38% nghĩ là "có khả năng", và 32% nói là "sẽ không xảy ra".
Một kết quả không gây ngạc nhiên là với nhận thức Mỹ giảm bớt sự hiện diện thì Trung Quốc sẽ tăng ảnh hưởng lên trong khu vực, 44% đồng ý rằng Ðông Nam Á "ổn định và an inh hơn khi có các hoạt động của Mỹ", và hơn 51% tin rằng Mỹ đã đánh mất cơ sở chiến lược vào tay Trung Quốc kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, và 73% tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại Ðông Nam Á. Chỉ có 3,5% nói Mỹ vẫn giữa danh hiệu đó.
Đa số các trả lời được gởi đến từ Myanmar, Philippines và Việt Nam, mặc dù cuộc thăm dò nhắm đến cả 10 nước ASEAN.
*************************
Ngũ Giác Đài ủng hộ kế hoạch tăng cường hiện diện Châu Á (VOA, 09/05/2017)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis
Ngũ Giác Đài ủng hộ kế hoạch đầu tư gần 8 tỷ đô la để tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương trong 5 năm tới bằng cách nâng cấp cơ sở quân sự, tiến hành thêm các cuộc diễn tập và điều động thêm lực lượng cũng như tàu bè.
Nỗ lực này được những người ủng hộ xem là một cách để gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn về cam kết của Mỹ với khu vực trong lúc Washington đang đối mặt với căng thẳng bán đảo Triều Tiên, quan ngại chủ yếu của Mỹ trong vùng, theo một bài phân tích đăng trên Wall Street Journal ngày 8/5.
Tác giả Gordon Lubold viết rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn đang phát họa chính sách Châu Á sau khi bỏ kế hoạch ‘Xoay trục về Châu Á’ của cựu Tổng thống Obama.
Bài phân tích nói nhìn cách ông Trump ‘đàm phán’ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể thấy rằng bất kỳ kế hoạch nào muốn mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á chung cuộc cũng đòi hỏi có các bước trấn an Bắc Kinh rằng các biện pháp quân sự mới không nhắm tới Trung Quốc.
Đề nghị đầu tư gần 8 tỷ đô la mang tên Sáng kiến Ổn định Châu Á-Thái Bình Dương thoạt tiên được nêu lên bởi Thượng nghị sĩ John McCain và sau đó được các nhà lập pháp khác ủng hộ, và trên nguyên tắc, cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, Harry Harris tán thành. Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể của kế hoạch 7,5 tỷ đô la tới nay chưa được phát triển.
Chính quyền của tân Tổng thống Trump đã yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa hiện nay và đang tìm cách tăng 54 tỷ đô la cho năm tài khóa 2018.
Giới chức và giới lập pháp Mỹ nói chưa rõ trong ngân khoản tăng chi tiêu quốc phòng ấy có bao nhiêu phần sẽ được dành cho Sáng kiến Châu Á vừa kể.
Bài viết trên Wall Street Journal dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ủng hộ quan điểm của kế hoạch này, nói rằng "Tôi chưa hiểu rõ mọi chi tiết trong kế hoạch của Thượng nghị sĩ McCain, nhưng tôi ủng hộ trọng tâm ông ấy nêu bật tầm quan trọng dành cho khu vực đó".
Vẫn theo bài báo, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Gary Ross, cho biết Bộ Quốc phòng ‘ủng hộ trên nguyên tắc’ đề nghị của ông McCain rằng "Châu Á Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, và Bộ Quốc phòng cam kết bảo đảm lực lương Mỹ có khả năng và sẵn sàng để đối diện với các thách thức liên tục trong vùng".
Nỗ lực ‘Xoay trục’ của cựu Tổng thống Obama đã mang đến những thay đổi trông thấy. Hơn 1200 lính thủy quân lục chiến đồn trú luân phiên tại Darwin (Australia), Mỹ bắt đầu điều động các tàu tác chiến ven biển tới Singapore, và tiếp cận của Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Philippines được phục hồi nằm trong số những thay đổi đó.
Vẫn theo tác giả bài báo, quân đội Mỹ dưới thời Tổng thống Obama áp lực Trung Quốc bằng các hoạt động thực thi ‘tự do hàng hải’, cho tàu hải quân đi quan một số vùng biển mà Trung Quốc nhận chủ quyền.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trong buổi điều trần để được Thượng viện chuẩn thuận, tuyên bố rằng Mỹ sẽ ‘tiến sâu’ hơn nữa, có thể tới chỗ không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo có tranh chấp và các khu vực khác.
Tuy nhiên, tới nay, bài báo nêu rõ, các bước đó chưa được thực hiện cũng như chưa có hoạt động thực thi quyền tự do hàng hải nào được công bố kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức tới nay dù các giới chức trong chính quyền Trump đã loan báo rằng các hoạt động ấy sẽ tiếp diễn.
Nguồn WSJ
Ngoại trưởng khối ASEAN họp với Mỹ (RFA, 02/05/2017)
Ngoại trưởng của 10 nước ASEAN sẽ có cuộc họp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại Washington DC vào ngày 4 tháng 5 tới đây.
Ngoại trưởng các nước ASEAN họp thượng đỉnh tại Manila, Philippines hôm 29/4/2017. AFP photo
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Nam Á, Patrick Murphy cho báo giới biết cuộc gặp nhằm tạo mối quan hệ giữa các nước ASEAN và chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Những vấn đề được bàn thảo chính giữa hai bên dự kiến bao gồm thương mại, tranh chấp ở Biển Đông, buôn người và tội phạm.
Thứ trưởng Patrick Murphy cho biết Ngoại trưởng Tillerson đã nhận được đề nghị cuộc gặp tại Washington từ các ngoại trưởng ASEAN hồi đầu năm nay trước cuộc gặp các bên dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới tại Philippines.
Hoa Kỳ và các nước ASEAN đã bắt đầu các cuộc gặp cấp cao dưới thời của Tổng thống Barack Obama. Thượng đỉnh đầu tiên giữa hai phía được tổ chức tại Mỹ vào tháng 2 năm 2016. Tuyên bố chung của hai bên vào lúc đó khẳng định những nguyên tắc hợp tác cơ bản bao gồm tôn trọng tự do hàng hải, duy trì sự phát triển kinh tế bền vững và đồng đều, chia sẻ các giải pháp trong các vấn đề chống khủng bố, buôn người và thay đổi khí hậu.
*****************
Trung Quốc hoan nghênh tuyên bố chung ASEAN (RFA, 02/05/2017)
Đại diện các nước ASEAN tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Manila, Philippines chụp hôm 28/4/2017. AFP photo
Trung Quốc hoan nghênh việc các nước Đông Nam Á thảo luận vấn đề Biển Đông tại hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra vào cuối tuần qua, và cho rằng điều đó thể hiện nỗ lực của Bắc Kinh trong việc giảm bớt căng thẳng trong khu vực.
Hãng Reuters ngày 2/5 trích dẫn lời phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết từ năm ngoái Trung Quốc luôn nỗ lực cùng các quốc gia khác trong khu vực làm giảm bớt căng thẳng tình hình tại Biển Đông, nói thêm rằng điều này phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực.
Phát ngôn viên Cảnh Sảng cho biết thêm rằng các vấn đề được nhắc tới tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này một lần nữa thể hiện những thay đổi tích cực về tình hình Biển Đông và mong muốn chung của các nước trong khu vực là tìm kiếm sự ổn định, thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm sự phát triển. Điều này cần được các bên tôn trọng và ủng hộ.
Trung Quốc không thuộc 10 quốc gia thành viên trong khối ASEAN nhưng từ trước đến nay đã nhiều lần bị buộc tội liên quan đến việc can thiệp vào nội dung thảo luận tại các hội nghị của khối này về vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.
Tuyên bố của chủ tịch hội nghị cấp cao ASEAN lần này đưa ra vào ngày 29 tháng tư không nhắc đến hoạt động cải tạo đảo và quân sự hóa tại khu vực Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành gần đây.
Hai nhà ngoại giao ASEAN cho biết Trung Quốc gây áp lực với nước chủ nhà Philippines không đưa vào bàn trong chương trình nghị sự hội nghị cấp cao vừa qua các hoạt động gây tranh cãi của Bắc Kinh tại Biển Đông.
*********************
Tổng thống Donald Trump mời các đồng minh Châu Á thăm Mỹ (RFI, 01/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc mít tinh tại Pennsylvania, ngày 29/04/2017 REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 30/04/2017 cho thấy dấu hiệu muốn tăng cường hợp tác với các nước đồng minh Châu Á trong hồ sơ hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Theo Reuters, hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với thủ tướng Thái Lan Chan O-Cha và thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Nội dung cuộc điện đàm tập trung vào chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Theo một quan chức Hoa Kỳ xin giấu tên, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các biện pháp duy trì sức ép ngoại giao và kinh tế đối với Bắc Triều Tiên.
Các cuộc trao đổi qua điện thoại diễn ra chỉ hai ngày sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thêm một vụ thử nghiệm tên lửa mà theo đánh giá của Washington và Seoul là thất bại. Cũng trong các buổi điện đàm trên, tổng thống Donald Trump đã mời thủ tướng Thái Lan và thủ tướng Singapore sang thăm Hoa Kỳ.
Trước đó, hôm thứ Bảy 29/04, tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với đồng nhiệm Philippines Rodrigo Duterte cũng về hồ sơ Bắc Triều Tiên.
Phát biểu trên kênh truyền hình ABC, ông Reince Priebus - tổng thư ký Nhà Trắng giải thích mục đích của tổng thống Hoa Kỳ trong các buổi điện đàm trên là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đồng minh Châu Á cho "một kế hoạch hành động" trong trường hợp cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên tồi tệ.
Trong khi các hiệp hội phản đối lời mời ông Duterte đến Washington vì lý do tổng thống và chính phủ Philippines vi phạm nhân quyền thì Nhà Trắng cho rằng Washington cần hợp tác với Manila để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên.
Chưa có thông tin về thời điểm các cuộc thăm viếng Mỹ của các lãnh đạo Thái Lan, Singapore và Philippines.
Thùy Dương
**********************
Thủ tướng Thái Lan nhận lời mời thăm Hoa Kỳ (RFA, 01/05/2017)
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, tại Vientiane vào ngày 8 tháng 9 năm 2016. AFP photo
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nhận lời mời viếng thăm Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Văn phòng Thủ tướng Thái Lan thông báo tin vừa nêu vào hôm nay thứ Hai 1/5.
Với quyết định bất ngờ về ngoại giao với các quốc gia đối tác ở Đông Nam Á, Tổng thống Trump, vào hôm Chủ Nhật, đã gọi điện thoại cho Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và Thủ tướng Lý Hiển Long để tái khẳng định mối quan hệ truyền thống mật thiết giữa Hoa Kỳ với Thái Lan và Singapore ; đồng thời mời hai vị nguyên thủ của Thái Lan và Singapore đến thăm Hoa Kỳ.
Trước đó một ngày, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng điện thoại mời Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines đến thăm Mỹ.
Văn phòng Thủ tướng Thái Lan cho biết ông Prayuth Chan-ocha chấp nhận lời mời của ông Trump, trong khi Bộ Ngoại giao Singapore ra thông cáo, viết là hai nhà lãnh đạo "mong sớm gặp nhau".
Lịch trình chuyến viếng thăm chưa được thông báo cụ thể.
********************
Nhà Trắng bảo vệ quyết định mời Tổng thống Philippines (VOA, 01/05/2017)
Tổng thống Rodrigo Duterte.
Nhà Trắng hôm 30/4 bảo vệ quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc mời người đồng nhiệm Philippines tới thăm Washington, nói rằng sự cần thiết phải củng cố một liên minh ở Châu Á để đối phó với mối đe dọa quân sự đang gia tăng của Bắc Hàn mang sức nặng hơn cả các mối quan ngại về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông Duterte ở Philippines.
Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus nói trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC : "Hiện giờ đất nước này [Mỹ] và khu vực [Châu Á] không đối mặt với điều gì lớn hơn những gì đang xảy ra ở Bắc Hàn".
Ông nói thêm răng "dù họ là người tốt hay xấu, điều đó không quan trọng" mà "ta phải cùng quan điểm" về Bắc Hàn.
Lời phát biểu của ông Priebus được đưa ra một ngày sau khi Nhà Trắng thông báo về lời mời, và sau khi một phát ngôn viên của Tổng thống Duterte tiết lộ rằng ông Trump nói với nhà lãnh đạo Philippines rằng ông muốn thúc đẩy "một mối quan hệ công việc nồng ấm".
Một thông cáo của Nhà Trắng nói rằng cuộc điện đàm hôm 29/4 giữa hai nhà lãnh đạo "rất thân thiện", và mối quan hệ "đang đi theo hướng rất tích cực".
Tuy nhiên, thông cáo không đề cập tới mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của ông Duterte, khiến hàng nghìn người chết.
Ông Trump mời Tổng thống Philippines thăm Mỹ trong một cuộc điện đàm hôm 29/4.
Trước khi trao đổi qua điện thoại với ông Trump, Tổng thống Philippines nói tại Manila rằng Hoa Kỳ nên kiềm chế và không nên bị cuốn vào "trò chơi" của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un.
Hôm 29/4, Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa đạn đạo, nhưng bất thành, và tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Philippines hiện là quốc gia giữ vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN, tổ chức gồm nhiều thành viên trong đó có Việt Nam.
Theo Reuters, Nhà Trắng không cho biết các chi tiết về thời gian diễn ra cuộc gặp ở Washington, nhưng nói rằng ông Trump nóng lòng tới thăm Philippines vào tháng 11 để tham dự hai hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các quốc gia Châu Á.
Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tới Việt Nam để tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC, dự kiến sẽ diễn ra ở Đà Nẵng.
********************
Tổng thống Philippines Duterte chưa nhận lời mời thăm Mỹ (RFI, 02/05/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trên chiến hạm Trung Quốc ở Davao. Ảnh ngày 01/05/2017 - REUTERS/Lean Daval Jr
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 01/05/2017 cho biết có thể từ chối lời mời của tổng thống Mỹ Donald Trump sang thăm Hoa Kỳ. Tuyên bố này được đưa ra vào lúc ông Duterte chào đón chiến hạm Trung Quốc đến Philippines.
Ông Duterte, người đã bỏ rơi liên minh từ nhiều năm qua với Mỹ để quay sang siết chặt quan hệ với Trung Quốc và Nga, nói rằng ông rất bận rộn với lịch làm việc, trong đó có chuyến công du Matxcơva và Israel. Do vậy ông e rằng không thể thăm Hoa Kỳ, cho dù thời điểm cụ thể chưa được đề nghị.
Tuy vậy tổng thống Philippines cũng nói rằng quan hệ với Mỹ đã được cải thiện từ khi ông Donald Trump lên thay ông Barack Obama. Cựu tổng thống Mỹ đã từng phê phán ông Duterte vì chiến dịch chống ma túy đã làm cho hàng ngàn người thiệt mạng, và bị Duterte lăng mạ là "đồ chó đẻ".
Phát biểu về lời mời thăm Hoa Kỳ được đưa ra sau khi ông Duterte lên thăm khu trục hạm Trường Xuân (Chang Chun), một trong ba chiến hạm Trung Quốc vừa ghé thăm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010 các tàu chiến Trung Quốc đến Philippines, trong chuyến thăm kéo dài ba ngày. Việc các tàu này đến Davao, nơi ông Duterte từng làm thị trưởng suốt 30 năm qua, thay vì ghé Manila, được coi như động thái cảm ơn của Bắc Kinh dành cho tổng thống Philippines.
Hai ngày trước đó, hội nghị thượng đỉnh ASEAN do ông Duterte chủ trì đã kết thúc với bản tuyên bố chung không hề chỉ trích hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Văn bản không nhắc đến phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, khẳng định yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh tại vùng biển chiến lược này là bất hợp pháp.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời của dân biểu đối lập, cựu sĩ quan Gary Alejano nhận định đây là chiến thắng của Bắc Kinh, và hành động lên thăm tàu Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Ông Alejano nói : "Đây không phải là chính sách đối ngoại độc lập, mà là đầu hàng trước Trung Quốc".
Hôm qua tổng thống Phillippines cũng nhắc lại là sẵn sàng tham gia tập trận chung với Trung Quốc, hoặc ở Mindanao, hoặc tại Biển Sulu.
Ông Duterte đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm Benigno Aquino - người đã đưa hồ sơ Biển Đông ra trước Tòa Trọng Tài, với hy vọng nhận được nhiều tỉ đô la đầu tư của Trung Quốc.
Thụy My
*******************
Philippines mở ngỏ khả năng tập trận chung với Trung Quốc (VOA, 02/05/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh minh họa
Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, ngày 1/5 tuyên bố Trung Quốc có thể tham gia các cuộc tập trận chung với Lực lượng Võ trang Philippines ở Mindanao, đặc biệt là ở Biển Sulu.
Ông Duterte đưa ra phát biểu này sau khi ra thăm một tàu chiến của Trung Quốc cắm neo ở thành phố Davao.
"Tôi bảo tôi đồng ý, Trung Quốc có thể tham gia tập trận chung tại đây ở Mindanao...trong Biển Sulu", ông Duterte được báo chí Philippines dẫn lời.
Trước đây, ông Duterte từng tỏ ý để ngỏ khả năng huấn luyện quân sự chung với Trung Quốc và Nga.
Lực lượng Võ trang Philippines theo dự kiến sẽ tổ chức các cuộc thao dượt quân sự chung hằng năm với Hoa Kỳ trong tháng này.
Dưới chính quyền của ông Duterte, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh được xoa dịu với các nỗ lực của ông Duterte nhằm vực dậy quan hệ song phương.
Ông Duterte mô tả chuyến ra thăm tàu chiến Trung Quốc hôm 1/5 là một phần trong các hoạt động xây dựng lòng tin và thiện chí giữa hai nước.
Ba tàu chiến của Trung Quốc hôm 30/4 cập bến thành phố Davao trong chuyến hải hành hữu nghị tới các nước ASEAN. Ba tàu này sẽ rời khỏi Philippines vào ngày 2/5.
Nguồn Phil star / ABS-CBN
*********************
Tàu chiến Trung Quốc tới cảng Davao Philippines (RFI, 01/05/2017)
Tàu chiến Trung Quốc đến cảng Davao Philippines. Ảnh ngày 30/04/2017. Reuters
Theo hãng tin ABS –CBN News, ngày hôm qua, 30/04/2017, ba tàu chiến của Trung Quốc đã tới cảng Davao, thành phố mà tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã từng làm thị trưởng trong nhiều năm.
Hải đội Trung Quốc gồm một tàu hộ tống chống tàu ngầm, một khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường và một tàu tiếp liệu.
Hôm nay, tổng thống Philipppines Duterte đã lên thăm tàu chiến Trung Quốc.
Thị trưởng Daovao, bà Sara Duterte, con gái tổng thống Philippines cho biết là theo dự kiến ban đầu, các tàu Trung Quốc ghé vào Manila, nhưng Bắc Kinh cho rằng cảng Davao phù hợp hơn với các tàu chiến của Trung Quốc.
Tàu chiến Trung Quốc tới Philippines chỉ một ngày sau khi kết thúc thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN tại Manila. Thông cáo chung của thượng đỉnh, được công bố hôm qua, không hề đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye trong vụ Philippines kiện các đòi hỏi của Trung Quốc về lãnh thổ tại Biển Đông.
Hãng tin ABS-CBN bình luận : Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc được cải thiện đáng kể vào lúc tổng thống Duterte liên tục có các phát biểu giảm nhẹ tầm quan trọng của các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông.
Trung Quốc bắt đầu áp dụng lệnh cấm bắt đánh bắt cá ở Biển Đông.
Trang mạng Philippines Manila Bulletin cho biết, kể từ ngày hôm nay, 01/05, chính quyền Trung Quốc đơn phương áp dụng lệnh cấm bắt đánh cá ở Biển Đông, biển Hoàng Hải, và biển Hoa Đông.
Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc đã ra thông báo này từ hồi đầu tháng 3 năm nay. Và lệnh cấm kéo dài cho đến tận 16/08.
Ngay khi Trung Quốc công bố thông báo này, Hội nghề cá Việt Nam vào đầu tháng Ba, đã lên tiếng phản đối và tố cáo Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm luật pháp Việt Nam vì lệnh cấm này bao trùm lên cả vùng biển của Việt Nam.
Hội cũng đề nghị chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam lên tiếng phản đối, có biện pháp ngăn chặn lệnh cấm này, hỗ trợ ngư dân Việt Nam.
RFI tiếng Việt
*******************
Tổng thống Philippines hy vọng sớm có được bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (RFI, 30/04/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh ASEAN, Manila, ngày 29/04/2017 - Reuters
Trong buổi họp báo bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào hôm qua, 29/04/2017, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã rất hy vọng đạt được một bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông COC từ nay đến cuối năm. ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc về văn kiện này vào lúc Bắc Kinh bị tố cáo đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.
Văn kiện này có mục tiêu đề ra những quy tắc để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích.
Theo Marianne Dardard, thông tín viên RFI tại Manila, câu hỏi đặt ra là các nước ASEAN bị chia rẽ có thể ràng buộc Trung Quốc bằng bộ Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông hay không ?
Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông đang đàm phán với Bắc Kinh liệu có mang tính chất ràng buộc về pháp lý hay không ? Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa bế mạc, tổng thống Philippine Duterte đã cẩn thận tránh bất kỳ lời lẽ nào có khả năng đụng chạm đến Trung Quốc.
ASEAN gồm mười thành viên trong đó có ít nhất là bốn nước đang tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông : Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines, quốc gia đầu tiên và duy nhất đã kiện Trung Quốc. Cách nay một năm, Tòa Trọng Tài ở La Haye đã đánh giá là bất hợp pháp các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại thượng đỉnh ASEAN năm nay mà chủ tịch chính là ông Duterte, một người đang tìm cách xích lại gần Bắc Kinh hơn vì lý do kinh tế, các thành viên ASEAN có vẻ vẫn rất chia rẽ trong việc cùng nhau đòi hỏi một "bộ quy tắc ứng xử" ràng buộc về pháp lý đối với Bắc Kinh.
Cho đến giờ phút chót, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã áp lực trong hậu trường để xóa bỏ từ ngữ "quân sự hóa" trong bản Tuyên Bố Chung của hội nghị ASEAN, một cụm từ phản ánh những cáo buộc theo đó Trung Quốc đã đặt tên lửa trên các hòn đảo nhân tạo.
Trọng Nghĩa