ASEAN giằng co giữa Mỹ-Trung (VOA, 12/05/2017)
ASEAN sẽ bị áp lực ‘nặng nề’ trong lúc tân chính quyền Mỹ tìm cách giao tiếp nhiều hơn mà chưa có chiến lược rõ ràng trước sự cạnh tranh của Trung Quốc muốn ‘chinh phục’ Đông Nam Á, theo các nhà phân tích từ Trung Tâm Đông-Tây ở Hawaii.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp gỡ Ngoại trưởng ASEAN ngày 4/5/17 tại thủ đô Washington.
Tờ The Nation dẫn nhận định của nghiên cứu gia cao cấp Denny Roy cho rằng dù khó đoán được chính quyền Trump định làm gì với mối quan hệ ASEAN, dự kiến Mỹ sẽ tiếp tục xem Đông Nam Á như một đối tác hữu ích.
Việt Nam là một trong bốn thành viên của khối ASEAN có tuyên bố chủ quyền một phần tại Biển Đông cùng với Brunei, Malaysia, Philippines. Indonesia dù không tranh chấp chủ quyền tại vùng biển giàu tài nguyên này nhưng có một số xung khắc về hoạt động đánh bắt cá. Trung Quốc nhận chủ quyền hầu hết Biển Đông.
Mỹ, một bên nằm ngoài tranh chấp, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama đã tôn vinh và thực thi quyền tự do hàng hải trên Biển Đông và thúc giục ASEAN thống nhất đoàn kết trước Trung Quốc.
"ASEAN sẽ tiếp tục chịu áp lực ‘nặng nề’, một bên bị Trung Quốc níu kéo và bên kia là Mỹ, Biển Đông là một trong những vấn đề", ông Roy nói.
Dù chính quyền Trump muốn có sự hiện diện tại Châu Á, nhưng theo nhà ngoại giao kỳ cựu Raymond Burghardt được tờ The Nation dẫn lời, ông Trump và các cố vấn của ông có ít kinh nghiệm với các vấn đề Châu Á, càng ít kinh nghiệm hơn với Đông Nam Á.
Nhân vật chính ‘đương đầu’ với Châu Á như Ngoại trưởng Rex Tillerson lại có nhiều hiểu biết hơn về Trung Đông, ông Burghardt nhận xét.
Vẫn theo lời ông, những quan chức bên phía an ninh như Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis chẳng hạn, sự nghiệp của họ cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn về Trung Đông.
Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và là phó đặc sứ Mỹ tại Philippines, Raymond Burghardt, cho rằng Việt Nam cần đóng vai trò quan trọng hơn trong việc dẫn dắt ASEAN đối phó với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vì Philippines dường như đã ‘dịu giọng’ để lấy lòng Bắc Kinh.
Từ quan điểm của một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Burghardt nói "Việt Nam có nhiều thứ để đóng góp trong việc mang lại một tiếng nói và quan điểm chặt chẽ trong ASEAN".
Nguồn : The Nation
***********************
Ðông Nam Á bi quan với chính quyền Trump (VOA, 10/05/2017)
Xe lưu thông trên cầu hữu nghị Nhật-Thái ở thủ đô Bangkok của Thái Lan (ảnh tư liệu).
Bất chấp những nỗ lực mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vươn đến các nước Ðông Nam Á, một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy niềm tin vào mối quan hệ này đang ở mức thấp.
Cuộc nghiên cứu trên mạng nhan đề "Các nước Ðông Nam Á cảm nhận về chính quyền Trump như thế nào ?" do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore thực hiện. Trung tâm này nhận được phúc đáp từ 300 giới chức của các chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả và ký giả ở ASEAN.
Khoảng 43% trả lời nói rằng chính quyền của Tổng thống Trump "không quan tâm" đến Ðông Nam Á, và 37% trả lời là "có quan tâm". Tương tự như vậy, khoảng 43% cho rằng giao tiếp và hợp tác của Mỹ trong khu vực sẽ giảm đi và Mỹ sẽ "không còn trách nhiệm" như là một đồng minh giống như trước đây 4 tháng nữa.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã tìm cách trấn an những lo lắng đó bằng nhiều nỗ lực vươn đến khu vực này. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson lần đầu tiên mời các bộ trưởng ngoại giao và các quan chức cấp cao của 10 nước ASEAN đến họp tại thủ đô Washington.
Hội nghị đã bàn về các vấn đề thương mại, Bắc Triều Tiên, và Biển Đông.
100 ngày đầu của tân chính quyền Tổng thống Trump bị đánh giá là thiếu sự giao tiếp với một khu vực từng có các mối quan hệ mạnh mẽ với chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama dưới chính sách "xoay trục sang Châu Á".
Trước cuộc họp với của Ngoại trưởng Tillerson với các quan chức ASEAN, Tổng thống Trump đã ngỏ lời mời các nhà lãnh đạo Singapore, Thái Lan và Philippines đến thăm Tòa Bạch Ốc, và ông cũng dự định sẽ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh khu vực vào tháng 11.
Nhưng cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 10% tin là Tổng thống Trump "chắc chắn" sẽ đến dự hội nghị ở khu vực, 38% nghĩ là "có khả năng", và 32% nói là "sẽ không xảy ra".
Một kết quả không gây ngạc nhiên là với nhận thức Mỹ giảm bớt sự hiện diện thì Trung Quốc sẽ tăng ảnh hưởng lên trong khu vực, 44% đồng ý rằng Ðông Nam Á "ổn định và an inh hơn khi có các hoạt động của Mỹ", và hơn 51% tin rằng Mỹ đã đánh mất cơ sở chiến lược vào tay Trung Quốc kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, và 73% tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại Ðông Nam Á. Chỉ có 3,5% nói Mỹ vẫn giữa danh hiệu đó.
Đa số các trả lời được gởi đến từ Myanmar, Philippines và Việt Nam, mặc dù cuộc thăm dò nhắm đến cả 10 nước ASEAN.
*************************
Ngũ Giác Đài ủng hộ kế hoạch tăng cường hiện diện Châu Á (VOA, 09/05/2017)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis
Ngũ Giác Đài ủng hộ kế hoạch đầu tư gần 8 tỷ đô la để tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương trong 5 năm tới bằng cách nâng cấp cơ sở quân sự, tiến hành thêm các cuộc diễn tập và điều động thêm lực lượng cũng như tàu bè.
Nỗ lực này được những người ủng hộ xem là một cách để gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn về cam kết của Mỹ với khu vực trong lúc Washington đang đối mặt với căng thẳng bán đảo Triều Tiên, quan ngại chủ yếu của Mỹ trong vùng, theo một bài phân tích đăng trên Wall Street Journal ngày 8/5.
Tác giả Gordon Lubold viết rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn đang phát họa chính sách Châu Á sau khi bỏ kế hoạch ‘Xoay trục về Châu Á’ của cựu Tổng thống Obama.
Bài phân tích nói nhìn cách ông Trump ‘đàm phán’ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể thấy rằng bất kỳ kế hoạch nào muốn mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á chung cuộc cũng đòi hỏi có các bước trấn an Bắc Kinh rằng các biện pháp quân sự mới không nhắm tới Trung Quốc.
Đề nghị đầu tư gần 8 tỷ đô la mang tên Sáng kiến Ổn định Châu Á-Thái Bình Dương thoạt tiên được nêu lên bởi Thượng nghị sĩ John McCain và sau đó được các nhà lập pháp khác ủng hộ, và trên nguyên tắc, cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, Harry Harris tán thành. Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể của kế hoạch 7,5 tỷ đô la tới nay chưa được phát triển.
Chính quyền của tân Tổng thống Trump đã yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa hiện nay và đang tìm cách tăng 54 tỷ đô la cho năm tài khóa 2018.
Giới chức và giới lập pháp Mỹ nói chưa rõ trong ngân khoản tăng chi tiêu quốc phòng ấy có bao nhiêu phần sẽ được dành cho Sáng kiến Châu Á vừa kể.
Bài viết trên Wall Street Journal dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ủng hộ quan điểm của kế hoạch này, nói rằng "Tôi chưa hiểu rõ mọi chi tiết trong kế hoạch của Thượng nghị sĩ McCain, nhưng tôi ủng hộ trọng tâm ông ấy nêu bật tầm quan trọng dành cho khu vực đó".
Vẫn theo bài báo, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Gary Ross, cho biết Bộ Quốc phòng ‘ủng hộ trên nguyên tắc’ đề nghị của ông McCain rằng "Châu Á Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của Mỹ, và Bộ Quốc phòng cam kết bảo đảm lực lương Mỹ có khả năng và sẵn sàng để đối diện với các thách thức liên tục trong vùng".
Nỗ lực ‘Xoay trục’ của cựu Tổng thống Obama đã mang đến những thay đổi trông thấy. Hơn 1200 lính thủy quân lục chiến đồn trú luân phiên tại Darwin (Australia), Mỹ bắt đầu điều động các tàu tác chiến ven biển tới Singapore, và tiếp cận của Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Philippines được phục hồi nằm trong số những thay đổi đó.
Vẫn theo tác giả bài báo, quân đội Mỹ dưới thời Tổng thống Obama áp lực Trung Quốc bằng các hoạt động thực thi ‘tự do hàng hải’, cho tàu hải quân đi quan một số vùng biển mà Trung Quốc nhận chủ quyền.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trong buổi điều trần để được Thượng viện chuẩn thuận, tuyên bố rằng Mỹ sẽ ‘tiến sâu’ hơn nữa, có thể tới chỗ không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo có tranh chấp và các khu vực khác.
Tuy nhiên, tới nay, bài báo nêu rõ, các bước đó chưa được thực hiện cũng như chưa có hoạt động thực thi quyền tự do hàng hải nào được công bố kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức tới nay dù các giới chức trong chính quyền Trump đã loan báo rằng các hoạt động ấy sẽ tiếp diễn.
Nguồn WSJ