Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vào thời kỳ mùa xuân Ả Rập, tôi dành gần trọn một năm sống ở Trung Đông để tìm hiểu về Hồi giáo. Tôi đã gặp những tín đồ cực đoan, nhìn tự do văn minh phương Tây hay giáo dục cho phụ nữ như những điều tội lỗi. Thậm chí có người coi việc nói chuyện trực tiếp với một cô gái như tôi là điều cấm kị, khiến tôi phải hứa sẽ choàng khăn kín đầu. Vừa sợ vừa tò mò, tôi không nén nổi sự ham muốn được lặn sâu hơn vào mê cung tâm lý của những con người này. Đó chính là lý do sau khi xuất bản cuốn "Con Đường Hồi Giáo", tôi đã hứa với độc giả cuốn sách tiếp theo sẽ có tên là : "Đi Tìm Taliban".

taliban1

Bé 10 tuổi ly tán cùng hàng ngàn gia đình tới Kabul khi Taliban chiếm giữ các thành phố

Taliban là ai ?

Pakistan và Afghanistan tuy chia cắt về ranh giới, nhưng ở cả hai bên đường biên là lãnh thổ sinh sống của người sắc tộc Pashtun. Không gì có thể chia cắt người Pashtun, và không gì có thể đánh bại ý chí quật cường cũng như lòng trung thành với đồng loại của người Pashtun. Chính vì thế, khi Liên Xô xâm chiếm Afghanistan để bảo vệ chính quyền cộng sản bù nhìn, những người Pashtun trở thành những chiến binh mãnh liệt nhất. Bên cạnh họ, trên khắp lãnh thổ Afghanistan và Pakistan, hàng trăm nhóm vũ trang được Mỹ hỗ trợ để chống lại kẻ thù chung : những người "cộng sản vô đạo".

Khi Liên Xô và chính quyền bù nhìn thua trận và Mỹ buông tay, các nhóm quyền lực này quay sang tranh giành lẫn nhau và đẩy Afghan rơi vào nội chiến. Một trong những nhóm quyền lực này hình thành Taliban (có nghĩa là người đi học hay sinh viên). Nhóm khởi đầu với 50 sinh viên người Afghan đang tị nạn tại Pakistan với tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của tôn giáo. Hành động đầu tiên của họ là giải cứu 2 bé gái bị quan chức địa phương gọt đầu hãm hiếp và một bé trai bị đe dọa cưỡng bức. Taliban bắt kẻ có tội đền tội theo luật Hồi giáo. Trong bối cảnh các nhóm quyền lực bắn giết lẫn nhau, nhiều người thấy vui mừng khi Taliban phần nào đem lại sự ổn định và công bằng.

Tuy nhiên, mặt trái của ổn định và công bằng là là cực đoan và tàn khốc. Chính quyền ngắn ngủi của Taliban khiến cả thế giới rùng mình. Ăn cắp sẽ bị chặt tay. Tội ngoại tình bị ném đá đến chết. Âm nhạc, múa hát và giải trí bị cấm hoàn toàn. Đàn ông buộc phải để râu, phụ nữ ra đường buộc phải che hết cả mặt mũi, chỉ được nhìn qua một lớp vải đan thưa. Có những cô gái bị bắt quả tang đi cùng đàn ông không phải người nhà bị đánh cả trăm roi. Phụ nữ chỉ có quyền được làm việc trong bệnh viện, điều này khiến hàng triệu trẻ em gái không được đến trường và hàng trăm trường học phải đóng cửa.

taliban2

Vào ngày 15/8 thì Sân bay Quốc tế Kabul là "nơi duy nhất" để rời khỏi đất nước.

Tại sao Mỹ can thiệp ?

Sau khi thất bại trong cuộc chiến tại Việt Nam, Mỹ và Liên Xô tiếp tục chiến tranh lạnh bằng những cuộc chiến uỷ nhiệm trên lãnh thổ của nước khác. Mục tiêu của Mỹ không gì hơn là trả thù Liên Xô và lấy lại thể diện sau khi phải rút quân khỏi Việt Nam. Chính vì thế, họ cung cấp vũ khí cho các nhóm quân du kích Afghan mà không hề tính toán đến kế hoạch dài hơi sau khi Liên Xô thua trận. Khi những người lính cuối cùng của Liên Xô rời bỏ chiến trường cũng là lúc Mỹ buông bỏ Afghanistan trong tình trạng những nhóm du kích thắng trận quay ra cắn xé lẫn nhau.

Không phải nội chiến, cũng không phải sự tàn bạo của Taliban khiến Mỹ quay lại nơi đây, mà chính là sự kiện Tháp Đôi bị đánh bom cảm tử. Trùm khủng bố Al-Qaeda chính là do Taliban cưu mang. Khi Taliban từ chối giao nộp Bin Laden, Mỹ tiến quân vào Afghanistan nhưng không bắt được trùm khủng bố. Hắn ta chạy sang Pakistan - đất nước vốn là đồng minh của Mỹ.

taliban3

Số người thiệt mạng tại Afghanistan từ 2001 - 2021. Đen là lính Mỹ và quân đồng minh, xanh lá là quân đội, cảnh sát Afghanistan, xanh lam là dân thường, và đỏ là các tay súng Taliban

Kể từ thời điểm đó, các nhóm tàn quân Taliban ở cả hai bên biên giới dần dần gượng dậy, sống dai dẳng, dùng bom cảm tử để phá hoại kế hoạch tái thiết Afghanistan của Mỹ và đồng minh. Hai mươi năm trôi qua, hàng nghìn tỷ đô la đã đổ vào đây, hơn 3,500 binh sĩ đồng minh đã hy sinh, 64.000 binh sĩ Afghan bỏ mạng cùng hàng trăm ngàn dân thường.

Tại sao Taliban vẫn được ủng hộ ?

Lời hứa về cuốn sách tiếp theo của tôi được đưa ra khi Taliban đã bị đánh bại. Gương mặt của nữ thần chiến thắng có tên là Malala - cô bé Pakistan 15 tuổi - nhà hoạt động chính trị bảo vệ quyền được đi học bị Taliban ám sát hụt và bị thương nặng ở đầu. Với giải Nobel Hòa Bình, từ cõi chết trở về, cô gái nhỏ đầu trùm chiếc khăn tôn giáo màu đen xuất hiện trước toàn thế giới, tiếng Anh không tỳ vết nói đĩnh đạc như một chính trị gia : "Với một cuốn sách và một cây viết, một bé gái sẽ làm đổi thay thế giới".

Hệt như bao người khác, tôi tan chảy vì Malala và căm ghét Taliban. Sự yêu ghét rõ ràng ấy chỉ bị đập tan tác cho đến khi chính bản thân tôi đặt chân đến Pakistan.

Gia đình cưu mang tôi ở Islamabad là một tổ ấm 5 người với ông bố là giáo sư giảng dạy tại một trường ĐH nhỏ. Tối hôm ấy từ trong phòng mình, tôi nghe thấy cô con gái 20 tuổi vừa đi học về khóc nức nở. Cậu em trai đi đón chị từ bến xe trên đường về bị một nhóm cướp chặn đường dí súng vào đầu để trấn lột. Gia đình đã báo cảnh sát nhưng tất cả khẳng định rằng cảnh sát biết rất rõ tụi cướp là ai nhưng sẵn sàng làm ngơ. Bên bàn ăn, đôi mắt cậu bé mới 17 tuổi rực lên sự uất ức, căm phẫn và bất lực. Người bố thở dài : "Chính quyền tham nhũng, thối nát. Nếu phải chọn giữa Taliban và cái chính quyền tồi tệ này, tôi chọn Taliban. Ít nhất với Taliban, chúng tôi có thể đòi lại sự công bằng".

Tại những vùng bị tái chiếm đóng và quân chính phủ thua chạy, Taliban tuyên bố họ đã thay đổi không còn cực đoan như trước. Ví dụ, các bé gái giờ đã được đi học dù những lớp học chỉ dạy kinh Quran. Cộng với sức mạnh của tôn giáo, Taliban với khuôn mặt của những kẻ ngoan đạo từ chỗ là kẻ thua trận dần dần trở thành một lực lượng chính trị không thể bị tiêu diệt mà buộc phải coi như một đối tác trên bàn đàm phán.

Tại sao ? Vì những câu chuyện như đã xảy ra với gia đình cưu mang tôi ở Pakistan : Khi tội ác đã rõ rành rành và quan chức địa phương đứng khoanh tay, Taliban dường như là kẻ cuối cùng có thể đòi lại chân lý, mặc dù việc chọn Taliban đồng nghĩa với lựa chọn một nhà tù. Cuối cùng, trong cơn uất ức, tức nước không vỡ được bờ, khát khao trả thù đã mạnh hơn sự đe dọa mất tự do.

taliban4

Cuộc xung đột Afghanistan đã trở thành cuộc chiến dài nhất của Mỹ

Afghanistan : Mồ chôn của những đế chế

Vào thế kỷ thứ 19, Afghanistan là một vùng đất hiểm trở với hơn 20.000 cộng đồng làng xã nhỏ lẻ sống tách biệt nhau như những vương quốc tý hon. Cái vùng đất bao la, nghèo đói, không tài nguyên, không cửa biển ấy nằm giữa Liên Xô và Ấn Độ - khi đó là thuộc địa của Anh. Cả Anh và Liên Xô đều lo lắng kẻ kia sẽ dùng Afghanistan làm bàn đạp để tấn công. Nỗi sợ hãi ấy khiến Anh đem quân vào Afghanistan và sau hai cuộc chiến, phải rút lui với thảm bại.

Vào thế kỷ 20, Afghanistan và trở thành mồ chôn của đế chế thứ hai : Liên Xô. Những người cộng sản vì quá lo sợ chính quyền thân cộng tại Afghanistan bị suy yếu đã đem quân vào đây sau một cuộc chính biến. Từ vị thế của kẻ giật dây, Liên Xô trở thành kẻ xâm lược vô đạo trong con mắt những nhóm du kích mujahideen.

Người Liên Xô không hề biết sự thật về cuộc chiến đã lấy đi 15.000 sinh mạng chiến binh Xô Viết. Khi một nhà báo Liên Xô sang Afghanistan viết bài, ông chỉ được chụp những bức ảnh đẹp đẽ thanh bình trong khi cách đó 20 mét là máu đổ. Nhìn những chiếc hòm chồng chất lên nhau, ông được cho biết đó là nơi chứa "những khối thịt đã không dùng được nữa". Quan tài của binh sĩ tử trận được hàn kín và chở về cho gia đình của họ trong bí mật.

Vào thế kỷ 21, như chúng ta đang chứng kiến trong những ngày qua, Mỹ và đồng minh hối hả rút quân trong khi Taliban theo thế chẻ tre lần lượt chiếm cứ từng thành phố, đẩy hàng trăm nghìn người dân hoảng loạn chạy trốn, tạo ra một cơn khủng hoảng tị nạn lớn lên tính theo giờ. Afghanistan lại một lần nữa trở thành nơi các đế chế đem quân tới trong hiên ngang và thoát thân trong màu cờ chiến bại.

Nhiều nhà bình luận cho rằng Trung Quốc sẽ thế chân và trở thành đế chế thứ tư thử sức với mảnh đất khắc nghiệt này. Giàu có, khôn khéo, thực dụng, và cùng tư tưởng độc tài, liệu Trung Quốc có khiến Taliban bỏ qua việc quốc gia này cũng là những người "cộng sản vô đạo" và có lịch sử không mấy nhân từ với người Hồi giáo ở Uighur ?

Nguyễn Phương Mai

Nguồn : BBC, 15/08/2021

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, với chuyên môn quản trị đa văn hoá kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). 

Additional Info

  • Author Nguyễn Phương Mai
Published in Diễn đàn

Trước đây chỉ một vài tuần thôi, một số nhà bình luận chính trị quốc tế dự đoán rằng Taliban có thể sẽ chiếm được thủ đô Kabul của Afghanistan trong vòng 6 tháng đến 1 năm, bây giờ khi Taliban đã chiếm thêm được một số vùng lãnh thổ, trong đó có Kandahar và Herat, thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan và đã kiểm soát hơn hai phần ba đất nước, thì một số người dự đoán thời hạn đó có thể chỉ còn 90 ngày, rồi 30 ngày, và cuối cùng là không biết liệu thủ đô Kabul có còn an toàn cho tới ngày 31/8 hay không !

afghanistan1

Đứng ở góc độ người Mỹ, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được quyết định rút quân khỏi Afghanistan của chính phủ Mỹ, nhất là khi cuộc chiến này đã kéo dài tới 20 năm, dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Dù Tổng thống Mỹ nào lên nắm quyền, thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa, cũng sẽ phải làm như vậy, trước sức ép của dư luận và công chúng Mỹ.

Nhưng có những quyết định của nước Mỹ mà phải nhiều năm sau mới thấy thực ra là đúng hay sai, mới thấy hết được hậu quả của nó. Việc Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam trước đây cũng vậy. Lịch sử không có chữ "nếu" nhưng rõ ràng nếu Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn và quân đội Mỹ vẫn còn ở Nam Việt Nam thì Trường Sa, Hoàng Sa đã không mất, và Trung Quốc vốn không có một mảnh đất cắm dùi trên Biển Đông, đã không thể có được chỗ đứng để từ đó mở rộng lãnh hải trên Biển Đông và hoành hành như bây giờ. Không có biển, sức mạnh của Trung Quốc giảm rất nhiều, ai cũng biết như vậy.

Khi Mỹ tấn công Afghanistan, Al-Qaeda đã mất hầu hết các trại huấn luyện, các căn cứ hoạt động, kể cả Bộ Tư lệnh của họ tại đây. Hàng nghìn tay súng và nhiều thủ lĩnh Al-Qaeda đã bị tiêu diệt hoặc bắt giam. Hoạt động của Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan đã giảm hẳn trong những năm gần đây. Bây giờ, khi Mỹ quyết định rút khỏi Afghanistan, và nếu Taliban chiếm được Afghanistan, thì Al-Qaeda lại có được căn cứ để hoạt động mạnh trở lại và biết đâu chỉ 5 năm nữa thôi, Mỹ lại đau đầu với những vụ khủng bố ngay trên đất Mỹ !

Hiện tại Taliban hứa hẹn rằng sẽ không để cho bất cứ một tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan nào sử dụng đất nước Afghanistan để từ đó tấn công Mỹ và các nước phương Tây, rằng mục tiêu của họ chỉ là xây dựng một quốc gia Hồi giáo trên đất nước Afghanistan. Nhưng, tin lời Taliban thì có khác gì tin lời mấy ông Việt Cộng ngày xưa khi họ hứa hẹn nếu Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam thì hòa bình sẽ được thiết lập ở Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mạnh bên nào lo xây dựng quốc gia đó ?

Tất nhiên, nhiều người sẽ bảo không lẽ Mỹ cứ phải đổ tiền đổ của cho Nam Việt Nam hay Afghanistan mãi ? Số phận của nước nào thì người dân nước đó phải tự lo. Nhưng trong thế giới toàn cầu, không có một quyết định nào ở khu vực này mà không ảnh hưởng liên đới đến những khu vực khác, một quyết định ở một quốc gia xa xôi như Nam Việt Nam hay Afghanistan nhiều năm sau lại quay ngược trở lại đe dọa đến sự bình yên của chính nước Mỹ và các nước dân chủ phương Tây, như chúng ta đã, đang và sẽ thấy.

Những ngày này, trong khi người dân Afghanistan hoảng loạn, trong khi quân Taliban trên những chiếc xe cam-nhông, thậm chí trên xe máy, vác những khẩu súng to đùng trên vai, tiến chiếm các thành phố như vào chỗ không người, thì người Mỹ cùng với Nga, Trung Quốc, Pakistan và các nước, các tổ chức quốc tế đã bắt đầu đàm phán với đại diện của Taliban và chính phủ Afghanistan tại Doha, Qatar. Nhưng liệu có đạt được bất cứ thỏa thuận hòa bình nào khi Taliban cho rằng họ đang chiến thắng và sẽ đòi hỏi nhiều hơn, còn ưu tiên số một của người Mỹ là bảo đảm những công dân Mỹ được rút khỏi Afghanistan an toàn. Còn nguyện vọng của người dân Afghanistan có ai đếm xỉa đến ?

Không khác gì Việt Nam Cộng Hòa trước kia, với Hiệp định Paris…

Những người Việt từ miền Nam nhìn tình cảnh Afghanistan và người dân Afghanistan bây giờ với cái nhìn ngậm ngùi thấu hiểu và nhớ lại những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam 46 năm trước…

Tuy nhiên, theo cảm nhận của người viết bài này, vẫn có những cái khác giữa tình huống của Việt Nam Cộng Hòa khi đó và Afghanistan bây giờ :

1. Cuộc chiến ở Afghanistan là một cuộc nội chiến giữa Taliban, một lực lượng chính trị-tôn giáo với chính phủ do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Còn Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là 2 quốc gia riêng biệt, và khi quân đội Bắc Việt tiến chiếm miền Nam có nghĩa là một quốc gia xâm lược một quốc gia có chủ quyền, được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận.

2. Mỹ đã ở Afghanistan 20 năm, dài hơn gấp đôi thời gian ở Nam Việt Nam và khi rút lui, Mỹ tuyên bố vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí quân sự, tài chính cho chính phủ Afghanistan chứ không phải như với Việt Nam Cộng Hòa.

3. Việt Nam Cộng Hòa đã cố gắng chiến đấu tới 2 năm sau khi quân Mỹ rút mới thất thủ, trong tình trạng nguồn viện trợ bị cắt giảm thê thảm năm 1974 rồi đầu năm 1975, cuối cùng phải "gãy súng" vì không còn đủ đạn dược, xăng dầu... trong khi quân đội Bắc Việt vẫn được trang bị và hậu thuẫn không giới hạn từ Liên Xô, Trung Quốc. Ngược lại ở Afghanistan, quân đội Mỹ và NATO mới rút đi chưa bao lâu mà chính phủ Afghanistan đã sắp thua đến nơi rồi. Liệu họ có giữ được cho tới ngày 31/8 ?

Nhưng dù có những điểm khác nhau, vẫn có những điểm chung lớn nhất :

1. Số phận của những quốc gia nhược tiểu luôn luôn là những con chốt thí trên bàn cờ chính trị của các nước lớn.

2. Mỹ bao giờ cũng chỉ vì quyền lợi của nước Mỹ, và với Mỹ không có đồng minh mãi mãi cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn. Điều mà ai cũng biết.

3. Số phận của người dân Afghanistan không biết có tệ hại hơn người dân miền Nam Việt Nam sau ngày 30/4/1975 theo nhiều nghĩa hay không, nhưng cả hai dân tộc chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn nếu không phải chịu thảm họa Taliban hay cộng sản.

Điều cuối cùng chốt lại, mỗi dân tộc phải tự chiến đấu cho tương lai, cho số phận của chính mình. Không ai khác có thể làm thay điều đó. Liệu bài học này có được người Việt Nam hôm nay ghi nhớ ?

Song Chi

Nguồn : RFA, 13/08/2021 (songchi's blog)

Additional Info

  • Author Song Chi
Published in Diễn đàn

Afghanistan tự lo thân

Chiến sự tại Afghanistan được hai nhật báo Le Monde và Libération chú ý trong số ra ngày 05/08/2021. Sau 20 năm can thiệp, quyết định rút quân của Mỹ đã khơi dậy tham vọng của phe nổi dậy. Những vụ tấn công, khủng bố liên tiếp xảy ra, kể cả ở trung tâm thủ đô Kabul tối 03 và sáng 04/08, giúp Taliban chiếm lại từng khu đô thị.

afghanistan1

Lực lượng an ninh giám sát tòa nhà bị nổ ở Kabul, Afghanistan, ngày 04/08/2021. AP - Rahmat Gul

"Hỗn loạn Taliban" là hàng tựa trang nhất của nhật báo Libération, với hình ảnh một người lính Afghanistan bàng hoàng trước một tòa nhà đổ nát. Tình hình tại Afghanistan được bài xã luận của Libération nhận định trong hai từ "Thảm họa", vì không còn từ nào chuẩn hơn. Hai mươi năm trước, Mỹ quyết tâm đến đây để triệt hạ thánh chiến Hồi giáo. Bây giờ, Mỹ cúi đầu rời khỏi Afghanistan, để lại đằng sau mớ hỗn độn và những tổn thất quá lớn, còn "Afghanistan đối mặt với chính mình", như hàng tựa trong mục "Sự kiện" của Libération.

Xã luận của Libération cho rằng đó là lỗi của Donald Trump. Vì muốn huy động phiếu bầu tổng thống nên ông quá vội vã quyết định rút quân, tự "ru" là Taliban đã thay đổi để đàm phán với lực lượng Hồi giáo cực đoan này. Chính quyền Afghanistan chưa sụp đổ nhưng chật vật đối phó với quân Taliban tung hoành khắp nơi. Nỗi lo Afghanistan sắp trở về thời hỗn mang ngày càng hiển hiện. Nạn nhân sẽ lại là thường dân, phụ nữ, trẻ em, với viễn cảnh là những dòng người bỏ xứ, trong khi Châu Âu đã đóng cửa.

"Sự trở lại của lực lượng Taliban ở Afghanistan khiến Ấn Độ lúng túng" là nhận định của nhật báo Le Monde. New Delhi đã rút hết nhân viên ở ba lãnh sự quán tại Afghanistan, nhưng vẫn duy trì kênh ngoại giao. Ngoại trưởng Ấn Độ đã thể hiện mối bận tâm lớn nhất của nước này về bất ổn ở Afghanistan khi tiếp đồng nhiệm Mỹ Blinken ngày 28/07, đó là những lực lượng Hồi giáo cực đoan Pakistan như Lashkar-e-Toiba (Quân đội của những người sùng đạo) và Jaish-e-Mohammed (Quân đội của Mohammed) có thể sát cánh với Taliban đi ngược lại với "độc lập và chủ quyền" của Afghanistan.

Tuy nhiên, cả Ấn Độ, Mỹ và phương Tây vẫn tin vào tiến trình đàm phán hòa bình Doha, được khởi động từ tháng 09/2020 giữa chính phủ Afghanistan và phe Taliban. Theo Raja Mohan, giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á, đại học Singapore, "chính phủ của ông Modi nghĩ rằng vẫn còn một khả năng đáng kể cho tham vấn ngoại giao và chính trị để buộc phe Taliban tiết chế chủ nghĩa đơn phương của họ và tìm ra được một thỏa hiệp với Kabul".

Đa số truyền thông Ấn Độ có chung một phân tích : Nếu Taliban trở lại nắm quyền, đây sẽ là một bước thụt lùi xót xa cho New Delhi, vì từ năm 2001, Ấn Độ đã nỗ lực "tái lập mối quan hệ có từ nhiều thế kỷ" với Afghanistan. New Delhi và Kabul ký thỏa thuận đối tác chiến lược vào năm 2011. Ấn Độ cho biết đã đầu tư 3 tỉ đô la vào cơ sở hạ tầng ở Afghanistan. Trao đổi thương mại song phương là 1,5 tỉ đô la hàng năm.

Hoa Vi : "Cựu hoàng" điện thoại thông minh

Từ vị trí số 1 thế giới vào giữa năm 2020, Hoa Vi hiện không nằm trong top 5 các nhà cung cấp điện thoại thông minh. "Những đắng cay của Hoa Vi, cựu hoàng smartphone" được nhật báo Le Monde điểm lại trong chuyên mục "Kinh Tế".

Cuối tháng Bẩy 2020 đánh dấu thời vàng son của Hoa Vi, theo phòng nghiên cứu Canalys, với 55,8 triệu điện thoại thông minh được giao trong quý II, vượt qua Samsung (55,7 triệu). Một năm sau, tập đoàn Trung Quốc ở Thâm Quyến thậm chí không lọt vào top 5 (chỉ chiếm 4% thị phần thế giới), sau Samsung (19%), Xiaomi (17%), Apple (14%), Oppo và Vivo (10%).

Từ năm 2012, dưới thời tổng thống Obama, Hoa Vi đã nằm trong tầm ngắm của Mỹ, nhưng đến thời tổng thống Trump thì những biện pháp trừng phạt ngày càng nặng, do tập đoàn này bị cáo buộc đe dọa an ninh Hoa Kỳ - trừ khi Washington sợ bị Bắc Kinh qua mặt trong cuộc chạy đua công nghệ, theo nhật báo Le Monde. Nhà Trắng đã sử dụng mọi phương tiện để đạt được mục đích : sử dụng pháp lý để bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi và là con gái của nhà sáng lập ; sử dụng mạng lưới ngoại giao để thuyết phục đồng minh không mua thiết bị mạng 5G của tập đoàn Trung Quốc ; liệt Hoa Vi và nhiều chi nhánh vào danh sách đen của bộ Thương Mại, như vậy cắt được mối quan hệ giữa Hoa Vi và các đối tác chính, dẫn đến hậu quả là Hoa Vi không mua được linh kiện thế hệ mới nhất để sản xuất điện thoại.

Hoa Vi đã phải dự trữ khối lượng lớn linh kiện, thậm chí bán mác điện thoại giá rẻ Honor để trì hoãn sự thiếu hụt. Honor chiếm khoảng 25-30% nên phần nào giải thích cho số lượng điện thoại bán ra bị giảm. Hiện tại, Hoa Vi vẫn chưa tái lập được chuỗi cung ứng chíp điện tử ở mức đã giúp tập đoàn thành công trước đây. Thương hiệu cao cấp Huawei Mate, có từ năm 2013, chưa chắc đã được sản xuất lại vào năm 2021, theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post.

Phòng nghiên cứu Catalys đánh giá là "Hoa Vi rơi xuống quá thấp để có thể trở lại ngang hàng với các đối thủ. Việc này phải mất từ 5 đến 10 năm, trừ phi Hoa Kỳ thay đổi hoàn toàn chính sách đối với Hoa Vi". Tuy nhiên, "nếu Hoa Vi chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, thì việc này cũng đủ giúp tập đoàn đứng trong top 10, thậm chí là top 5", theo nhà phân tích Annette Zimmermann. Dù vậy, vào tháng 5, ban lãnh đạo Hoa Vi vẫn quyết định tiếp tục chinh phục thị trường nước ngoài.

Hoa Vi tụt hạng, Xiaomi trở thành đối thủ mới của Samsung

Trái với Hoa Vi bị "đánh" tơi bời, Xiaomi lại thoát ra được danh sách đen của Mỹ. Với tốc độ tăng trưởng 83%, tập đoàn ở Bắc Kinh đã vươn lên hàng thứ hai thế giới, chính thức trở thành "thách thức mới đối với Samsung", theo báo Le Monde.

Xiaomi có được thành tích này là do "đã phát triển nhanh chóng hoạt động ở nước ngoài" : tăng 300% tại Châu Mỹ Latinh, 150% ở Châu Phi và 50% ở Tây Âu. Cũng như Oppo và Vivo, đều của Trung Quốc, Xiaomi đã tận dụng thời cơ Hoa Vi đi xuống để vươn lên, cũng như sự xuất hiện của mạng 5G đã giúp thị trường năng động hơn.

Ngoài ra, giá bán cũng là lợi thế của Xiaomi : rẻ hơn 40% so với Samsung và 75% so với Apple. Chỉ đến Pháp cách đây ba năm, Xiaomi hiện chiếm gần 20% thị phần và sẽ từ vị trí thứ ba vươn lên vị trí thứ hai trong vài tháng tới.

Trợ cấp thất nghiệp bán phần : Lòng hảo tâm của Pháp bị lợi dụng

Kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chính phủ Pháp triển khai cơ chế trợ giúp người thất nghiệp, doanh nghiệp phải đóng cửa ngay từ mùa xuân 2020. Tuy nhiên, các vụ gian lận đã khiến Nhà nước mất 50 triệu euro.

Cụ thể, trong bài "Những con số gian lận của thất nghiệp bán phần", báo Le Monde cho biết có hơn 7.000 đơn xin trợ cấp gian lận, tương ứng với số tiền là 113 triệu euro. Trong số này đã có 63 triệu euro được chuyển và Nhà nước chỉ thu hồi được 13 triệu euro, 50 triệu còn lại đã bốc hơi.

Tư pháp của Pháp cho là đã xác định được danh tính của một nhóm hoạt động rất tích cực. Chỉ riêng nhóm này đã nộp 3.648 đơn xin trợ cấp tổng cộng 40 triệu euro : Nhà nước đã chuyển 11 triệu, chỉ thu hồi được 3 triệu, 8 triệu còn lại đã được chuyển qua các tài khoản trung gian ở Trung Âu hoặc vào tiền ảo. Một người đàn ông Israel đã bị bắt trên đường trốn sang Thụy Sĩ để bay sang Tel Aviv, nhưng chỉ nhận là một cánh tay trong mạng lưới lớn được điều hành từ Israel.

Covid-19 : Chính phủ có phải lo lắng về phản đối "chứng nhận y tế" ?

Ngày 05/08, Hội Đồng Bảo Hiến sẽ ra quyết định về dự luật mở rộng phạm vi áp dụng của chứng nhận y tế (passe sanitaire), trong khi đó lại có nhiều lời kêu gọi xuống đường biểu tình phản đối vào thứ Bẩy 07/08. Mục câu hỏi trong ngày của La Croix nêu vấn đề : Liệu chính phủ có phải lo lắng về phong trào phản đối chứng nhận y tế không ?

Ông Jean-Yves Camus, Viện Jean - Jaurès, cho rằng, nếu chiến dịch tiêm chủng thành công và đạt được miễn dịch cộng đồng thì không việc gì phải lo lắng về các cuộc biểu tình gần đây. Dù sao phần lớn những người biểu tình sẽ không đi tiêm chủng, cho nên cần thuyết phục số người lưỡng lự. Mạng xã hội trở thành công cụ để tổng thống Pháp tiếp cận giới trẻ, những người hiện vẫn "vô tư lự" nhất.

Tuy nhiên, chính phủ có nguy cơ đối mặt với việc phong trào phản đối vào tháng 9 sau mùa nghỉ hè có thể quy tụ mọi "giận dữ" không liên quan đến chứng nhận y tế. Số người tham gia biểu tình ngày càng đông cũng thể hiện họ phản đối chính sách của chính phủ trong mọi mặt từ kinh tế đến xã hội và tượng trưng hơn là mối quan hệ giữa chính quyền và người dân.

Nhật báo kinh tế Les Echos lại quan tâm đến sự kiện "Sanofi đặt cược 3 tỉ euro vào vac-xin ARN thông tin" khi quyết định mua lại công ty Mỹ Translate Bio, chuyên về công nghệ ARN thông tin. Theo Les Echos, đây là một phần trong chiến lược "play to win" (tạm dịch : chịu chơi để thắng) của Sanofi từ năm 2019. Thực ra, hai công ty đã có một thỏa thuận hợp tác và giấy phép độc quyền từ năm 2018 và đã cho kết quả tốt đẹp : Translate Bio đang thử nghiệm lâm sàng hai loại vac-xin : một chống Covid (giai đoạn 1-2) và một chống cúm mùa (giai đoạn 1).

Thiên nhiên nổi giận

Le Figaro và La Croix quan tâm đến hiện tượng ô nhiễm tảo xanh ở vùng Bretagne, miền tây nước Pháp. Le Figaro tỏ thất vọng : "Thủy triều xanh không thể thay đổi ở Bretagne". Còn theo nhật báo Công Giáo, chiến lược chống tảo xanh chỉ mang lại hiệu quả rất hạn chế tại vùng Bretagne, dù giới nông dân đã thay đổi cách canh tác. Và thực trạng là "Tảo xanh, vẫn rút quá chậm", theo trang nhất và phóng sự của La Croix tại Lannion.

Le Monde dành hai trang để nói về thảm họa thiên nhiên, từ "một mùa hè thảm kịch khí hậu tại Nga", đến "Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp làm mồi cho lửa trên quy mô lịch sử" hay "Những mẩu nhựa nhỏ xuất hiện trên cả đỉnh dãy Alpes" và tình trạng ô nhiễm ở sông Seine.

Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến "Các trận hỏa hoạn đe dọa du lịch ở miền nam Châu Âu", nơi có đến gần 1.600 vụ cháy chỉ trong tháng 7. Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý : vùng Địa Trung Hải đang phải đối phó với những đợt hỏa hoạn đôi khi khó dập do nhiệt độ cao, độ ẩm rất thấp và gió lớn. Theo thủ tướng Hy Lạp, đây là "đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1987".

Thu Hằng

Additional Info

  • Author Thu Hằng
Published in Châu Á

Ổ kiến lửa Afghanistan

Afghanistan là hồ sơ chính của hai tờ báo Le FigaroLibération số ra ngày 30/07/2021 qua hàng loạt những chủ đề khác nhau : "Phương Tây bại hoại", "Thất bại trên ba phương diện", "Không gì ngăn chận đà tiến của Taliban". Vào lúc liên quân quốc tế rút lui sau 20 năm hiện diện tại quốc gia Nam Á này, "Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng lấp vào chỗ trống", "Cái bẫy Afghanistan đe dọa Ấn Độ" còn "Pakistan, gậy ông đập lưng ông".

afghanistan1

Trang nhất báo Le Figaro (30/07/2021) chạy tít lớn : "Afghanistan : Phương Tây thua chạy tán loạn". © Ảnh chụp màn hình Le Figaro.

Công dã tràng để rồi nhường chỗ cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Hàng ngàn người đã thiệt mạng, hàng tỷ đô la bị cuốn trôi, Mỹ và đồng minh còn chưa hoàn toàn rời khỏi Afghanistan, quốc gia Nam Á này lại trở về với thời điểm 20 năm trước : Taliban lại ở trước cửa quyền lực, quân đội Afghanistan do liên quân quốc tế gầy dựng có nguy cơ tan rã, cơ chế chính trị của Afghanistan "ngàn cân treo sợi tóc".

Xã luận của Le Figaro nói đến một sự "tụt hậu" trên ba mặt trận : Trước hết là đối với người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên bị Taliban áp bức trở lại. Kế tới là thất bại trong mục đích chống khủng bố : Al Qaeda thân với Taliban đang hồi sinh. Sau cùng về phương diện địa chính trị, liên quân quốc tế chưa quay gót, "Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thế chỗ".

Moskva "nóng lòng trở lại Trung Á" còn Ankara thì muốn hiện diện tại Kabul, nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát sân bay quốc tế, ngõ thoát hiểm duy nhất cho khoảng 500 lính liên quân quốc tế cuối cùng còn hiện diện tại Afghanistan.

"Sau khi đã đẩy phương Tây khỏi Syria, Libya và Thượng Karabakh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại tay trong tay sửa soạn lấp vào chỗ của Hoa Kỳ ở Kabul". Nhà báo Isabelle Lasserre của tờ Le Figaro giải thích về những mục tiêu mà Ankara và Moskva đang nhắm tới và những bước chuẩn bị của mỗi bên. Nga lo ngại một khi quân Hồi giáo cực đoan Taliban trở lại nắm quyền, làn sóng người Afghanistan tị nạn sẽ tràn qua các nước sát cạnh, lo ngại các quốc gia lân cận với Afghanistan có nguy trở thành sào huyệt của quân thánh chiến, đe dọa ảnh hưởng và quyền lợi của Moskva tại Trung Á.

Nga và Trung Quốc trong tình trạng báo động

Bên cạnh tham vọng quay lại Trung Á, Libération ghi nhận : Nga lo sợ không kém về tình hình Afghanistan. Trong phần cuối bài phân tích dài chủ yếu nói về nội tình Afghanistan, nhà báo Luc Mathieu lưu ý độc giả "Nga và Trung Quốc trong tình trạng báo động". Moskva huy động thêm 20.000 quân dọc biên giới, chuẩn bị tập trận chung với Uzbekistan vào đầu tháng 8/2021, tăng cường khả năng phòng thủ cho Tadjikistan, đề cao cảnh giác quân thánh chiến trà trộn vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Trong khi đó quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh là vùng Tân Cương tự trị. Ngoại trưởng Vương Nghị cách nay hai ngày tiếp nhân vật số 2 của Taliban Abdul Ghani Barada tại Thiên Tân. Ông đã "vạch ra lằn ranh đỏ" đòi Taliban không yểm trợ Phong Trào Hồi giáo Cực Đoan Đông Turkestan, một tổ chức ly khai người Duy Ngô Nhĩ.

Ấn Độ và Pakistan cũng đang ngồi trên ổ kiến lửa 

"Pakistan, gậy ông đập lưng ông" Libération chú ý đến thế kẹt của chính quyền Islamabad trước nguy cơ Taliban mở rộng ảnh hưởng với các nhóm nổi dậy Pakistan.

"Chưa đến nỗi cuống lên, nhưng hai trong số các nhân vật thế lực nhất tại Islamabad, là giám đốc tình báo và lãnh đạo bộ Tổng tham mưu quân đội Pakistan, hôm 01/07/2021 trước Hạ Viện đã khẳng định cố gắng tìm kiếm một giải pháp chính trị, giảm thiểu ảnh hưởng của Taliban đối với các nhóm nổi dậy tại Pakistan".

Tác giả bài báo nhắc lại Islamabad luôn là "điểm tựa chính" từ khi Taliban được hình thành năm 1994 thậm chí Pakistan đã giúp phong trào Hồi giáo cực đoan Afghanistan này chinh phục quyền lực. Cũng Pakistan đã cùng với Saudi Arabia, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất công nhận nhà nước Taliban.

Thế còn trong trường hợp của Ấn Độ ? Lý do báo Le Figaro đưa ra khá dễ hiểu : "New Delhi lo ngại Ấn Độ trở thành sân sau của các nhóm thánh chiến. New Delhi cũng biết rõ Taliban là đồng minh của Pakistan", kẻ thù không đội trời chung của Ấn Độ. Điều thú vị không kém là để giải tỏa bớt đe dọa Taliban, thủ tướng Modi đã liên kết với một số nước lớn trong khu vực, đứng đầu là Nga và Iran.

Nam-Bắc Triều Tiên khẩn cấp xích lại gần nhau

Le Monde là một trong những tờ báo hiếm hoi trong ngày quan tâm đến tình hình Châu Á. Bất đắc dĩ hai nước Triều Tiên phải nối lại đối thoại. Ở phía Bắc, Kim Jong-un đối mặt với khủng hoảng về lương thực, còn tại phương Nam, Moon Jae-in cần ghi bàn thắng trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 3/2022.

Bình Nhưỡng và Seoul nối lại đường "dây nóng" hôm 27/07/2021 đúng ngày kỷ niệm hai nước Triều Tiên buông vũ khí, khép lại giao tranh trong giai đoạn 1950-1953. Nhà báo Philippe Pons giải mã thái độ hòa hoãn này như sau : Có thể đây là khúc dạo đầu, để chuẩn bị cho đối thoại Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ. Năm 2018 Donald Trump là người mở đường, sau cuộc gặp đầu tiên với Kim Jong-un tại Singapore. Trước mắt, viễn cảnh thế giới lại trông thấy lãnh tụ Bắc Triều Tiên tươi cười, bắt tay tổng thống Biden có vẻ còn xa vời và huyễn hoặc, nhưng trong khi đó Seoul và Bình Nhưỡng cùng đang có nhu cầu "cấp bách" nối lại đối thoại.

Tháng 3/2022, Hàn Quốc bầu lại tổng thống. Ông Moon Jae-in muốn xem chính sách chìa bàn tay thân thiện với Bình Nhưỡng là một thắng lợi ngoại giao, và qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho ứng cử viên của đảng đang cầm quyền.

Về phía Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong-un cũng tranh thủ thời gian bởi không chắc là người kế nhiệm ông Moon Jae-in sẽ có thái độ "khoan dung" với chế độ Bình Nhưỡng.

Một động lực khác nữa là kinh tế Bắc Triều Tiên suy sụp vì hậu quả Covid-19 cho dù nước này vẫn khẳng định là không có một ca dương tính nào với virus corona. Bình Nhưỡng cần viện trợ lương thực, mà Hàn Quốc là một nguồn đóng góp quý giá. Philippe Pons cho rằng, điều cấp bách nhất đối với chế độ Kim Jong-un trước mắt không phải là thỏa thuận hạt nhân mà đơn giản là giải quyết vấn đề lương thực. Nhật báo kinh tế Les Echos trích dẫn cơ quan thương mại và đầu tư Hàn Quốc KOTRA, theo đó trao đổi mậu dịch của Bắc Triều Tiên giảm 73,4 % so với cùng thời kỳ năm 2020. Tờ báo đánh giá, Bắc Triều Tiên đang "trả giá đắt" cho chính sách tự cô lập đề phòng hiểm hỏa y tế.

Kinh tế Mỹ khởi sắc trở lại

Báo Les Echos loan tin vui : nền kinh tế số 1 toàn cầu là Mỹ "tìm lại được sức mạnh như trước khi xảy ra khủng hoảng" Covid-19.

Dẫn chứng một vài con số như là tăng trưởng trong quý 2/2021 đạt 6,5 % nhờ sức tiêu thụ nội địa, thế nhưng, thành quả này thấp hơn mong đợi. Chính quyền Biden kỳ vọng GDP trong quý II tăng đến hơn 8 %. Tuy nhiên điều đáng nói là "lần đầu tiên GDP của Mỹ vượt trội so với cùng thời điểm năm 2020". Tác giả bài viết không còn nghi ngờ gì nữa, sự phục hồi đó có được là nhờ các kế hoạch chấn hưng kinh tế, khắc phục đại dịch Covid-19, mà chính quyền Biden đã gấp rút tung ra ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ. Thêm vào đó là chiến dịch tiêm chủng tăng tốc cho phép các hoạt động kinh tế, các sinh hoạt trở lại gần như bình thường.

Xã luận trên báo La Croix cũng lạc quan không kém khi nói đến toàn cảnh kinh tế thế giới "sáng sủa hơn". Nhóm GAFA của Mỹ lãi 56 tỷ đô la quý 2 vừa qua, nhưng đó không là một ngoại lệ. Thị trường thế giới đang "khởi sắc" trở lại và cỗ máy kinh tế toàn cầu đã được "tái khởi động".

Không chỉ có Mỹ, mà ngay tại Châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cũng đang lùi bước, như đã thấy ở Pháp, Đức hay Tây Ban Nha. Đó là nhờ công lao của thuốc vac-xin. Trong bối cảnh đó không có gì ngạc nhiên khi thấy "chỉ số CAC 40 của Pháp nhảy vọt" như tựa lớn trên trang nhất báo Les Echos.

Olympic Tokyo : Pháp và những người đàn bà đầy sức mạnh

Về Thế Vận Hội Olympic Tokyo, cho đến tối 29/07/2021, Pháp gặt hái được tổng cộng 12 huy chương và 8 trong số đó là nhờ vào thành tích của nữ giới. Ca ngợi thành tích của các nữ vận động viên trong phái đoàn Pháp trong ngày thứ 12 cuộc tranh tài, tờ Libération chơi chữ "Những cô gái Pháp hốt bạc".

Bạc ở đây là những chiếc huy chương rực rỡ trên ngực áo của đội đấu kiếm nữ, của á quân judo Thế Vận Hội Tokyo Madeleine Malonga, của cặp bài trùng Laura Tarantola và Claire Bové, huy chương bạc trong môn bơi thuyền.

Le Figaro đăng ảnh các nữ vận động viên Pháp rạng rỡ vì vui sướng. Huy chương bạc nhu đạo Pháp ở hạng mục dưới 78 cân, Madeleine Malonga, vô địch thế giới, hai lần vô địch Châu Âu thất vọng vì đã sơ hở để đối thủ Nhật Bản Shori Hamada cướp mất chiếc huy chương vàng. Nhưng cô đã nhanh chóng lau những giọt nước mắt để hướng tới Thế Vận Hội Paris 2024.

Sáng nay, trong ấn bản được cập nhật trên mạng các báo Paris đều thất vọng sau khi ông vua judo Teddy Riner, trên 100 cân, vừa bị loại ở vòng tứ kết "Teddy Riner rớt đài", tựa của Le Monde. "Tiêu tan giấc mơ ba lần đoạt chức vô địch Olympic" Libération ngậm ngùi ghi nhận "khá lắm thì chiếc huy chương đồng" an ủi võ sĩ nhu đạo số 1 thế giới Teddy.

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Thanh Hà
Published in Châu Á

Từ Afghanistan đến Sài Gòn, bài học cay đắng sau khi Mỹ rút quân

Gần 20 năm sau các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín 2001, Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Afghanistan, để lại phía sau người dân trước đà tiến của quân Taliban. Trong bài "Các bài học đắng nghét của Afghanistan" đăng trên Les Echos, tác giả Dominique Moïsi không khỏi liên tưởng đến tình cảnh Sài Gòn sau khi Mỹ rút quân và rơi vào tay Bắc Việt.

afghanistan1

Tướng Scott Miller (trái), chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ ở Afghanistan trao quyền lại cho tướng thủy quân lục chiến Frank McKenzie (phải) tại bộ chỉ huy ở Kabul ngày 12/07/2021. AP - Ahmad Seir

Taliban như quân Bắc Việt ở cửa ngõ Sài Gòn năm 1975

Taliban sắp tràn vào Kabul, như quân Bắc Việt ở cửa ngõ Sài Gòn năm 1975 ? Đà tiến của phe này nhanh hơn cả những nhà quan sát bi quan nhất có thể nghĩ. Hơn một ngàn binh lính của quân đội Afghanistan vừa bỏ ngũ, mang theo vũ khí và hành lý chạy sang Tadjikistan. Không còn ưu thế từ không lực Hoa Kỳ, không được tình báo hỗ trợ, họ trở nên yếu thế trước một Taliban đầy kiên quyết.

Thêm một lần nữa, Afghanistan xứng đáng với biệt danh "nghĩa trang của các đế quốc". Bây giờ sẽ đến lượt ai ? Trung Quốc sẽ tiếp nối Hy Lạp, Mông Cổ, Anh, Liên Xô, Hoa Kỳ và các đồng minh chăng ? Bắc Kinh nhìn sang Afghanistan khi Mỹ triệt thoái, vừa thèm thuồng vừa lo ngại. Washington đã mệt mỏi và muốn giữ khoảng cách với một Trung Đông quá tốn kém mà chẳng mang lại lợi lộc gì trong 20 năm qua. Gần đến ngày kỷ niệm 11 tháng Chín, Mỹ cho rằng đã đến lúc phải "đóng cửa tiệm", dù nhiệm vụ chưa hoàn thành cũng chẳng sao.

Anh nhà giàu mới nổi Trung Quốc muốn lấp khoảng trống người Mỹ để lại, đồng thời tránh được sai lầm của những người đi trước. Bắc Kinh có thể làm được không, hay có chọn lựa nào khác không ? Nếu Afghanistan rơi vào hỗn loạn, sẽ là trở ngại lớn cho "Con đường tơ lụa mới". Hồi giáo cực đoan nắm quyền ở Kabul có thể sẽ ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trước khi trở thành căn cứ địa cho khủng bố chống phương Tây. Tái thiết Afghanistan thông qua Pakistan và Taliban, mà không cần hiện diện quân sự ; đổ nhiều tiền vào để bớt đổ máu của người Trung Quốc ? Liệu đến lượt Trung Quốc chuẩn bị trải nghiệm cái giá của cường quốc ?

Trung Quốc sẽ trả cái giá để làm cường quốc khu vực ?

Trước khi lao vào cuộc phiêu lưu, Bắc Kinh cần ngẫm nghĩ về thất bại của chính sách can thiệp phương Tây. Từ cuối Đệ nhị Thế chiến, chính sách này gồm ba giai đoạn.

Trong thời chiến tranh lạnh, dưới mối đe dọa vũ khí nguyên tử, mỗi bên có những con cờ ở Châu Phi, Trung Đông, Châu Mỹ la-tinh và Châu Á, thường là thông qua các cuộc chiến tranh "ủy nhiệm". Khi chiến tranh lạnh kết thúc, thất bại của phương Tây trong việc chận trước cuộc diệt chủng ở Rwanda hay các vụ thảm sát ở vùng Balkan, càng củng cố niềm tin của những người quan niệm có "nghĩa vụ can thiệp". Một nghĩa vụ rõ ràng không tránh khỏi sau các sự kiện ngày 11 tháng Chín 2001, vì bảo vệ các dân tộc khác khỏi sự cuồng tín và tàn bạo cũng là bảo vệ chính mình. Nhưng người ta quên mất người dân tại chỗ : những thiệt hại liên đới mà họ phải gánh chịu cũng như mạng sống của họ không được coi trọng bằng những người đi giải phóng mình.

Năm 2021, với thất bại của phương Tây tại Afghanistan và của Pháp tại Sahel, một chương thứ ba trong chính sách can thiệp được mở ra. Đó là sự hồi tưởng về những gì diễn ra trong thời hậu chiến ở Việt Nam, cùng với sự xuất hiện một nhân tố quan trọng là Trung Quốc. Phụ nữ Afghanistan là nạn nhân chính của quyết định rút lui của Mỹ, bên cạnh đó còn có các phiên dịch của liên minh cùng với gia đình họ, tổng cộng trên 120.000 người. Bỏ rơi họ, là dành cho họ bản án tử. Theo tác giả, phương Tây có trách nhiệm cho họ tị nạn và giúp đỡ, một cuộc ra đi không kèm theo chiến thắng không nên là một cuộc ra đi đáng xấu hổ.

Ai có thể ngăn được Taliban ?

Cũng về Afghanistan, La Croixđặt câu hỏi "Liệu có thể ngăn được Taliban hay không ?". Theo chuyên gia George Lefeuvre, giờ đây không gì có thể ngăn cản được phe này ngoài chính họ.

Nếu thập niên 90 Taliban bị cô lập trên trường quốc tế, thì nay họ rất muốn có được một sự nhìn nhận, và điều này khó thể xảy ra nếu thâu tóm toàn bộ quyền lực. Lý do thứ hai là phải thay đổi hình ảnh quá đỗi tệ hại hiện nay, thế nên các chỉ huy Taliban được lệnh phải xử sự đúng mực để không làm người dân sợ hãi.

Còn về vai trò các cường quốc khu vực, Iran không mấy vui khi một chế độ Sunni ngự trị bên sườn phía đông, nhưng lại ít sợ Taliban hơn là IS (Daesh, tổ chức Nhà nước Hồi giáo) có xu hướng quốc tế hóa. Iran hy vọng tìm được một giải pháp lưng chừng : Taliban không nắm trọn quyền, nhưng Afghanistan không rơi lại vào bất ổn khiến kẻ thù IS bắt rễ được. Vấn đề là Tehran không có phương tiện logistic lẫn quân sự để cản bước tiến của Taliban.

Nga có cùng mối quan ngại về IS. Trước mắt Moskva muốn chận lại quân Taliban ngoài biên giới để bảo đảm an ninh cho Tadjikistan và Uzbekistan, hai "sân sau" của Nga sát cạnh. Còn Pakistan cũng không muốn Taliban thống trị nước láng giềng.

Biến chủng Delta và nguy cơ đợt dịch thứ tư tại Pháp

Nỗi lo một đợt dịch Covid thứ tư chiếm trang nhất của nhiều tờ báo Pháp hôm nay. La Croixcảnh báo "Một mùa hè dưới sự đe dọa của các biến chủng", Le Figaronhận định "Vac-xin, hộ chiếu dịch tễ : Macron đến lúc phải chọn lựa". Les Echoschạy tựa "Vac-xin : Tổ chức chống chọi với các biến chủng".

Quay lại với đại dịch Covid, biến chủng Delta là vị khách không chờ đợi đối với Pháp trước lễ Quốc khánh. Sáng nay hội đồng cố vấn dịch tễ họp để quyết định các biện pháp mới, và đến tối tổng thống Emmanuel Macron đọc bài diễn văn trên truyền hình cho biết cụ thể kế hoạch chống một đợt dịch thứ tư. Le Figaro ghi nhận lẽ ra đây là dịp để ấn định mục tiêu cho 10 tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, nay ưu tiên được dành cho việc chống dịch.  

Có nên bắt buộc tiêm chủng, ít nhất là với nhân viên y tế, hay chấm dứt việc miễn phí xét nghiệm virus corona ? Nước Pháp đã có những tranh cãi với nhiều quyết định bất nhất từ khi đại dịch khởi đầu cách đây 18 tháng. Trong khi kinh nghiệm cho thấy đây là cuộc chạy đua với con virus, hiệu quả của các biện pháp tùy thuộc vào việc nhanh chóng thực hiện. Tỉ lệ dân số được chích ngừa càng cao thì virus lây nhiễm chậm hơn và ít biến đổi hơn.

Sắp đến kỳ nghỉ hè, nhưng nỗi lo về mùa tựu trường vẫn trong tâm trí mọi người. Không ai muốn sống lại cơn ác mộng cũ, và hậu quả không chỉ về kinh tế. Tổng thống Macron đã cam kết cải cách đất nước cho đến những giờ phút cuối cùng của nhiệm kỳ, nhưng cuộc chiến lớn nhất vẫn là chống chọi với đại dịch xuất phát từ Vũ Hán, và người dân Pháp không cho phép ông thất trận.

Covid : Chưa có người dân Haiti nào được tiêm chủng

Le Mondenhìn ra thế giới với nhận xét "Tiêm chủng : Nguy cơ rạn vỡ Bắc-Nam". Tờ báo tố cáo chỉ có 1% trong số 3,3 tỉ liều vac-xin trên thế giới được giao cho các nước nghèo.

Trên lý thuyết, phải chích ngừa cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng, như vậy thế giới cần 11 tỉ liều vac-xin. Tuy nhiên nếu phân phối không công bằng, mục tiêu này không thể đạt được trước năm 2023. Cơ chế Covax đến nay đã cung ứng 100 triệu liều cho 135 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng nguồn cung đã chựng lại trong tháng này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo động "Thế giới đang trên đà thất bại". Châu Phi là nơi nhận được ít vac-xin nhất.

Đặc biệt tại Haiti, không có người dân nào được tiêm chủng. Về mặt chính thức, Haiti có 18.658 ca nhiễm và 436 trường hợp tử vong, nhưng con số thực tế lớn hơn rất nhiều. Nước này có rất ít trung tâm xét nghiệm, và giá xét nghiệm rất đắt : 60 đến 90 đô la, trong khi thu nhập tối thiểu hàng ngày chỉ có 2 đô la ! Cả nước chỉ có 300 giường hồi sức, và nhiều bệnh viện đã quá tải. Bệnh viện của Y sĩ Không biên giới vừa đóng cửa sau khi dính những loạt đạn lạc, và các băng nhóm ngăn trở việc giao hàng của hai trung tâm ô-xy gần sân bay. Bộ Y tế từ 24/06 đã cho phép tư nhân nhập khẩu vac-xin chống Covid, tuy nhiên có nguy cơ gặp phải vac-xin giả vì Haiti không có cơ sở kiểm nghiệm nào.

Tổng thống bị ám sát, Haiti sa lầy vào đấu tranh quyền lực

Về mặt chính trị, La Croix cho biết sau khi tổng thống Jovenel Moise bị ám sát hôm 07/07, đã có liên tiếp ba người kế nhiệm tạm thời, trong lúc chưa hội đủ điều kiện tổ chức một cuộc bầu cử mới. Thủ tướng mãn nhiệm Claude Joseph lập tức tự tuyên bố phụ trách công việc. Nhưng hai ngày trước khi chết, tổng thống Moise đã chỉ định thủ tướng mới là Ariel Henry, tuy nhiên việc bổ nhiệm ông Henry đến 05/07 mới được đăng trên Công báo.

Thượng Viện tối 09/07 ra nghị quyết để đưa chủ tịch Joseph Lambert lên làm tổng thống lâm thời. Vấn đề là ông Moise chưa hề tổ chức bầu nghị viện từ khi lên nắm quyền năm 2017, hơn nữa vị phu nhân nay trở thành góa bụa cũng bày tỏ tham vọng. Thủ tướng Claude Joseph kêu gọi Mỹ can thiệp, nhưng Washington không đáp ứng. Lính Mỹ đã đặt chân lên Haiti từ 1915 đến 1934 sau khi tổng thống thời đó là Vilbrun Guillaume Sam bị ám sát, nhưng cuộc chiếm đóng này không mang lại kết quả như hy vọng.

Chính phủ phương Tây "nghèo" hơn Nhà nước Trung Quốc

Liên quan đến địa chính trị, một vấn đề mà các báo Pháp vẫn bàn luận lâu nay "Làm thế nào để đối phó với thách thức Trung Quốc ?" lần này được nhà kinh tế Thomas Piketty đề cập trên Le Monde.

Theo ông Piketty, độc tài và đàn áp, chế độ Bắc Kinh hẳn nhiên có nhiều điểm yếu, dù cố khẳng định "ưu việt" hơn các nền dân chủ phương Tây với các cử tri hay thay đổi, dễ chịu ảnh hưởng. Trung Quốc ngày càng trở nên một chế độ độc tài kỹ thuật số hoàn hảo, quá hoàn hảo đến nỗi không ai muốn noi theo. Giám sát toàn bộ các mạng xã hội, đàn áp đối lập và các nhóm thiểu số, tàn bạo với Hồng Kông, đe dọa Đài Loan… Bắc Kinh khó thu hút được dư luận các nước. Cần phải kể thêm dân số lão hóa nhanh, sự thiếu minh bạch trong phân bổ nguồn lực, bất bình đẳng xã hội…

Tuy nhiên chế độ Bắc Kinh có ưu thế vững chắc về kinh tế tài chính. Nhà nước Trung Quốc có tích sản nhiều hơn nợ, hiện sở hữu 30% tài sản quốc gia (10% địa ốc, 50% doanh nghiệp). Ngược lại, các Nhà nước phương Tây lại nghèo hơn, nhiều tài sản do tư nhân nắm giữ. Kinh tế gia này cho rằng nên đánh thuế nặng hơn đối với người giàu để đầu tư vào giáo dục, y tế, môi trường và phát triển, vì nếu các chính phủ phương Tây yếu đi có nghĩa là tăng thêm sức mạnh cho mô hình Trung Quốc.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Châu Á

Xã luận

Không phải ngẫu nhiên mà Afghanistan được gọi là nghĩa địa của các đế chế. Alexander Đại đế, đế chế Anh, Liên Xô và bây giờ là nước Mỹ hùng mạnh, tất cả đều đã thất bại trong nỗ lực chinh phục đất nước khốc liệt này. Giờ đây, Trung Quốc, siêu cường mới nổi của thế giới, có nguy cơ rơi vào cái bẫy tương tự ngay khi họ thậm chí chưa bắt đầu dự án tân đế quốc của riêng mình.

afghnistan0

Khi cuộc chiến dài nhất của Mỹ dần kết thúc trước ngày mang tính biểu tượng là 11 tháng 9 năm 2021, các nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang phải vật lộn với những suy nghĩ mâu thuẫn nhau. Một mặt, Bắc Kinh luôn cảm thấy các chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan là một phần của "Âm mưu vĩ đại" mới nhằm bao vây, kiềm chế và có khả năng gây bất ổn cho Trung Quốc, quốc gia có chung một dải biên giới nhỏ với nước này. Vì vậy, sự rút lui nhục nhã cuối cùng của Mỹ và khả năng tái lập quyền kiểm soát của Taliban ở nước này được Trung Quốc hoan nghênh trên khía cạnh đó.

Mặt khác, khoảng trống quyền lực sắp xuất hiện có khả năng tạo ra hỗn loạn trong một quốc gia vốn có thể gây bất ổn toàn khu vực. Một cuộc nội chiến mới có thể thu hút các lực lượng thánh chiến vốn đang chuyển sự chú ý của họ sang những gì mà một số chính phủ phương Tây mô tả là "cuộc diệt chủng" đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi của Trung Quốc ngay bên kia biên giới. Bắc Kinh đặc biệt lo lắng về việc các chiến binh Duy Ngô Nhĩ trở về từ Syria, nơi một số đã chiến đấu bên cạnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Đầu tháng này, các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan đã gặp nhau để thảo luận về các dàn xếp an ninh sau khi Mỹ rút khỏi nước này. Trung Quốc cũng đã tán tỉnh Taliban và thậm chí còn đề nghị cung cấp cơ sở hạ tầng và các dự án tái thiết cho nhóm này. Bắc Kinh đang hy vọng sẽ mở rộng dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của mình từ dự án chính ở Pakistan nối lên Afghanistan và lạc quan rằng điều này có thể giúp mang lại sự ổn định cho đất nước vốn đã bị chiến tranh tàn phá.

Chứng kiến ​​và vui mng trước sự dàn trải quá mức của Mỹ trong "các cuộc chiến không hồi kết" trong hai thập niên qua và vẫn còn nhớ rõ những trải nghiệm của Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn sa vào vũng lầy Afghanistan của chính họ. Bắc Kinh coi việc Mỹ vướng vào Afghanistan và Iraq sau vụ khủng bố 11/9 chủ yếu như là một sự phân tâm trong chính sách đối ngoại Mỹ, mang lại cơ hội giúp Trung Quốc vươn lên xác quyết hơn.

Giờ đây, Nhà Trắng đã công khai cho biết họ đang kết thúc chiến tranh một phần là để giải phóng các nguồn lực nhằm ứng phó với các thách thức từ Trung Quốc. Việc kỳ vọng Bắc Kinh sẽ bị hút vào Afghanistan có thể là một phần lý do dẫn tới quyết định rút khỏi Afghanistan của Tổng thống Biden.

Kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đưa Sáng kiến Vành đai và Con đường vào Afghanistan chứa đầy rủi ro. Ở hầu hết các quốc gia khác, các dự án này thường được thực hiện với các khoản vay từ Trung Quốc để trả lương cho công nhân Trung Quốc nhằm xây dựng các dự án đường bộ, đường sắt, bến cảng và cầu. Nhưng một phần vì cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, các nhà thầu Trung Quốc đã bị nhắm đến trong các cuộc tấn công ở một số nơi của Pakistan. Với việc nguy cơ này ở Afghanistan là lớn hơn nhiều và cái giá chính trị đối với Tập Cận Bình là rất lớn nếu các công nhân trở về nhà trong các túi đựng xác, rất có thể bất kỳ dự án Vành đai và Con đường nào ở nước này đều sẽ phải đi kèm với một sự hiện diện an ninh đáng kể.

Các cố vấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khuyến nghị Trung Quốc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến nước này dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc để bảo vệ "an toàn và lợi ích" của công dân và các công ty Trung Quốc ở đó. Những sứ mạng như vậy thường dần dần dẫn tới các can dự sâu rộng hơn nhiều. Chủ tịch Tập nên chú ý đến các bài học lịch sử và tránh lặp lại số phận của các đế chế khác từ trước tới nay.

Financial Times

Nguyên tác :"The graveyard of empires calls to China", Financial Times, 16/06/2021.

Trần Hùng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/06/2021

Additional Info

  • Author Financial Times, Phan Hùng
Published in Diễn đàn
lundi, 19 avril 2021 21:49

Afghanistan : Biden bỏ cuộc ?

Nước Mỹ tham dự Đại Chiến thứ nhất vào tháng Tư năm 1917, một năm rưỡi trước khi chiến tranh chấm dứt. Mỹ bước vào Đại Chiến thứ hai sau khi chiến tranh bắt đầu hơn hai năm, và ba năm sau đã kết thúc. Tướng George Marshall, Tham mưu trưởng thời đó, đã nói phải tiêu diệt quân địch rất nhanh, vì "một nước dân chủ không thể dự một cuộc chiến tranh dài quá bảy năm". Quân Mỹ bắt đầu rút khỏi Việt Nam bảy năm sau ngày thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng.

biden0

Ngày 14/4, NATO tuyên bố sẽ cùng với Mỹ kết thúc sứ mệnh ở Afghanistan. (Nguồn : MGN)

Cuộc chiến Afghanistan đã kéo dài 20 năm. Chi phí tổng cộng tới 2 ngàn tỷ mỹ kim. Nhưng không có một phong trào phản chiến nào cả. Hầu như dân Mỹ đã quên. Có lẽ vì trong 20 năm chỉ có 800.000 người Mỹ đã qua Afghanistan rồi về, chưa bằng một phần tư của một phần trăm dân số. Đã có 2.448 người tử thương, bằng số người bị bắn chết trong khoảng 6 tuần lễ ở nước Mỹ trong năm 2020 – con số trong cuộc chiến Việt Nam là 58.000 người. Hiện nay, quân đội Mỹ còn lại chỉ có 2.500 người, nhiều nhất là 3.500 người, có lúc lên tới 140.000 trong năm 2011.

Chính vì con số 2.500 quân quá nhỏ cho nên phải ngạc nhiên tại sao lại phải rút hết về ngay trong năm nay ? Có địa điểm nào trên thế giới đang cần tăng viện thêm 2.500 quân hay không ? Năm ngoái ông Donald Trump đã hẹn rút vào đầu tháng 5, giờ ông Joe Biden triển hạn đến 11 tháng Chín. Nói đến ngày 9/11 mọi người mới nhớ nguyên nhân vì sao Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001.

Năm đó dân Mỹ hoan nghênh quyết định đánh của Tổng thống George W. Bush, để truy tầm lãnh tụ nhóm al Qaeda chủ mưu cuộc tàn sát gần 3.000 người Mỹ ở New York. Các đồng minh trong khối NATO ủng hộ, nhiều nước giờ còn tham dự. Quân Mỹ đã lật đổ Taliban, một đảng cực đoan và tàn bạo nắm chính quyền từ năm 1996 nhờ đắc thắng trong cuộc nội chiến sau khi quân Nga kéo về nước.

Mục tiêu đầu tiên đã đạt được. Nhóm al Qaeda tan tác, mấy năm sau lãnh tụ Osama bin Laden bị biệt kích Mỹ giết chết tại nơi ẩn trú ở Pakistan. Nhưng tại sao lúc đó Mỹ không tuyên bố chiến thắng rồi rút quân về ?

Bởi vì Tổng thống Bush còn mục tiêu khác. Cuộc hành quân được ông Bush đặt tên là "Enduring Freedom", Tự Do Lâu Bền. Ông tuyên bố nước Mỹ có bổn phận "không những bảo vệ quyền tự do quý báu của chính mình mà cả quyền tự do của mọi người ở tất cả mọi nơi (everywhere) được sống và nuôi con cái họ mà không sợ hãi". Hai năm sau, ông còn tấn công Iraq, bắt, giết lãnh tụ Saddam Hussein, cũng trong mục tiêu cao cả đó.

Nhưng thực tế cho thấy rất khó thực hiện mục tiêu lý tưởng này. Bàn cờ chính trị cả vùng Trung Đông và Nam Á đã đảo lộn, chuyển sang các tình huống mà bộ tham mưu của ông Bush không tiên liệu được. Và họ cũng đọc kỹ lịch sử nước Afghanistan, lịch sử chiến tranh nói chung. Trong lịch sử Afghanistan, nhiều đạo quân ngoại quốc đã vào chiếm đóng, kể cả quân Mông Cổ, quân Ba Tư, các hoàng đế Ấn Độ, rồi đến Anh quốc và Nga. Nước này chưa bao giờ sống tự do dân chủ, các chính quyền đều được đẻ từ nòng sứng.

Iran bành trướng ảnh hưởng của khối Hồi giáo Shia trong cả vùng này sau khi kẻ thù số một của họ là Saddam Hussein theo phái Sunni bị treo cổ. Thắng trận nhanh chóng rồi, Mỹ ra lệnh giải ngũ tất cả quân lính Iraq. Hàng trăm ngàn người bỗng dưng mất việc, được các giáo sĩ cực đoan, thuộc khối Hồi giáo Sunni tuyển mộ, gia nhập đạo quân khủng bố ISIS. Họ còn dữ hơn al Qaeda, có lúc đã chiếm vùng đất bao trùm cả Iraq và Syria. Cuộc nội chiến ở Syria khiến Mỹ phải đem quân vào, nhưng sau cùng Nga được lợi nhất. Hiện giờ Nga và Iran đóng vai cầm chịch quyết định tương lai xứ Syria.

Chiếm được Afghanistan, Mỹ tổ chức bầu cử, thành lập một nước Cộng hòa Hồi giáo. Đảng Taliban thu thập tàn quân chạy qua Pakistan, rồi quay về tái lập lực lượng, tấn công quân chính phủ, càng ngày càng mạnh hơn. Quân đội Mỹ có thể tiêu diệt những đạo quân chính quy nhưng lúng túng đối phó với những toán quân nổi dậy có nơi trú ẩn và dưỡng quân ở bên Pakistan. Trong khi chính quyền ở thủ đô Kabul vẫn còn tham nhũng, chia rẽ, bất lực, chưa chinh phục được lòng dân.

Bốn đời tổng thống Mỹ bị cầm chân ở Afghanistan. Viễn ảnh lý tưởng của ông Bush chưa thấy đâu cả. Ông Obama đã tính kế rút, ông Trump vẫn tiếp tục. Và bây giờ ông Biden nói dứt khoát sẽ kéo quân về.

Nhưng sau khi quân Mỹ ra đi thì Afghanistan sẽ ra sao ? Ai cũng nhớ đến quyết định rút khỏi Việt Nam của Tổng thống Richard Nixon. Tổng thống Ashraf Ghani hiện có từ 20 ngàn tới 30 ngàn quân. Họ không liều chết như lính Taliban, cầm cự được là nhờ máy bay Mỹ yểm trợ. Mỹ viện trợ quân sự khoảng 4 tỷ đô la một năm. Sau khi ông Biden công bố ngày hẹn rút quân, ngoại trưởng Mỹ đã bay tới Kabul trong khi đang ở Âu Châu. Ông Blinken nói những gì với ông Ghani ? Ông hứa hẹn sẽ tiếp tục yểm trợ những gì ? Nếu không được Mỹ giúp, không biết họ sẽ cầm cự được bao lâu. Tình báo Mỹ đoán rằng có thể được vài ba năm.

Taliban chắc chưa chiếm ngay được Kabul để thiết lập chế độ Hồi giáo cực đoan, vì ngoài quân chính phủ họ sẽ còn phải chống cự cả những người thiểu số, với những lãnh tụ hùng cứ một phương như trước đây khi họ được Mỹ giúp vũ khí. Trong mấy năm tới, Afghanistan sẽ trở lại tình trạng nội chiến, như thời 1990 sau khi quân Nga bỏ chạy. Chính quyền Ashraf Ghani sẽ cầm cự bao lâu tùy thuộc viện trợ quân sự, kinh tế và được Mỹ chia sẻ tin tức tình báo. Họ có đoàn kết được với nhau trước mối nguy lớn hay không ? Quân đội và cảnh sát của chính phủ Afghanistan có cảm thấy mạng sống của chính họ và gia đình họ bị đe dọa nếu Taliban trở về, nên nức lòng chiến đấu hơn không ? Dân chúng, nhiều người ra đời sau khi chế độ Taliban bị lật đổ, có lo sợ sẽ mất hết những quyền tự do mà họ đang hưởng hay không ? Những quyền tự do nho nhỏ, như đàn ông có thể cạo râu, lâu lâu được uống rượu bia, muốn chửi nhà nước tha hồ chửi, được đọc sách, báo không do chính phủ in, phụ nữ được đi học, ra đường không phải trùm mặt, về nhà không lo bị chồng đánh đập. Người ta có sẵn sàng liều chết vì những quyền tự do nhỏ nhoi đó hay không ?

Nhưng đó là chuyện của người Afghanistan. Đối với nước Mỹ, mối lo được nhắc tới nhiều nhất là các nhóm al Qaeda có cơ hội tái xuất hiện và sẽ tổ chức những cuộc khủng bố nhắm vào người Mỹ, nếu không phải vào chính nước Mỹ như 20 năm trước. Hôm Thứ Năm, Tòa Bạch Ốc đã trấn an, nói rằng sau khi rút quân về chính phủ Mỹ dư sức theo dõi các hoạt động của al Qaeda ở Afghanistan. Hy vọng có thể là sự thật, vì hiện nay al Qaeda rất yếu. Nhóm Taliban, đã rút kinh nghiệm, cũng không muốn dung dưỡng những tay khủng bố khác trong nhà mình, vừa cạnh tranh ảnh hưởng mà lại chỉ thêm gây rắc rối. Còn lực lượng ISIS, năm 2019 đã bị đánh bật ra khỏi chiến khu ở miền Đông Afghanistan. Taliban chắc cũng không hoan nghênh những người ngoại quốc gốc từ Iraq và Syria đến xứ mình lộng hành.

Nhưng hậu quả của việc rút quân Mỹ không phải chỉ có thế. Trong khi trình bày quyết định rút quân, ông Biden đã nói chính phủ Mỹ cần tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc. Nghe có vẻ hợp lý, trừ hai sự kiện.

Thứ nhất, Trung Quốc nằm sát Afghanistan còn Mỹ ở rất xa. Thế kỷ thứ 7, Đường Tam Tạng đã đi qua biên giới hai nước trên đường qua Ấn Độ. Trung Quốc sẽ chỉ cho các nước khác trong vùng thấy nước Mỹ là một đồng minh không đáng tin cậy, chỉ nghĩ đến những vấn đề ngắn hạn, bốn năm lại thay đổi chính sách. Đây là một hình ảnh thất bại thê thảm của nước Mỹ.

Sự kiện thứ hai là nước Mỹ hiện nay còn đang cạnh tranh với cả Nga và Iran trong vùng Trung Đông. Nếu lãnh đạo các nước này nghĩ rằng nước Mỹ đang trên đường đi xuống, họ sẽ làm ẩu. Quân Mỹ đóng ở đó là một dấu hiệu cảnh cáo, mà không quá tốn kém. Hiện nay chỉ có khoảng 6.000 quân Mỹ đóng tại ba nước Iraq, Afghanistan và Syria. Duy trì một số quân nhỏ, với chi phí không bao nhiêu, là một thứ "bảo hiểm" tránh các tai họa có thể xảy ra – nếu rút hết về.

Ông Biden còn nói rằng không thể chờ đến lúc có các điều kiện toàn hảo mới rút quân, vì sẽ phải chờ đợi không biết đến bao giờ. Nhưng mục tiêu của nước Mỹ ở Afghanistan, từ lâu rồi, không còn là "toàn hảo" nữa. Không ai nghĩ sẽ theo đuổi giấc mộng của Tổng thống W. Bush.

Không biết ông Joe Biden còn tiếp tục giúp Afghanistan những gì sau khi rút quân. Nhưng ông cần hiểu rằng Afghanistan không phải chỉ là một thử thách về sức mạnh quân sự. Đó là một thử thách chính trị quốc tế, thế giới sẽ đánh giá uy tín của nước Mỹ. Còn ai muốn đóng vai đồng minh của Mỹ hay không ?

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : VOA, 19/04/2021

Additional Info

  • Author Ngô Nhân Dụng
Published in Diễn đàn

"Bất cứ ai bất cẩn với sự thật trong những vấn đề nhỏ nhặt thì không hề đáng tin cậy để giao những vấn đề quan trọng".

(Whoever is careless with the truth in small matters cannot be trusted with important matters.

Albert Einstein)

Khi đọc tựa bài viết, phản ứng đầu tiên của một số bạn đọc ủng hộ Trump là cảm giác khó chịu, thậm chí giận dữ, kèm suy nghĩ tác giả là ai mà dám lớn giọng nhận định về Trump như vậy. Vì thế, cơ hội họ sẽ đọc bài viết là rất thấp. Ngược lại, với các bạn đọc tôn trọng sự thật, họ sẽ đọc bài bằng thái độ khách quan, kiểm chứng thông tin rồi mới đánh giá hoặc đưa ra kết luận. Ủng hộ Trump là lựa chọn cá nhân, thường phụ thuộc vào thông tin mỗi người nắm về Trump và tiêu chuẩn đạo đức của mỗi người. Tuy nhiên, đừng để sự tôn sùng lãnh tụ tác động đến khả năng suy nghĩ độc lập của chính mình.

trump1

Ngày 02/01/2019, Tổng thống Donald Trump phát biểu về cuộc tiến công của Liên Bang Xô Viết vào Afghanistan năm 1979 - Ảnh Business Insider

Thứ Tư, ngày 2/1/2019, trong buổi họp nội các tại Nhà Trắng, Donald Trump đã khiến đông đảo dân Mỹ và lãnh đạo nước khác bàng hoàng và phẫn nộ với phát biểu sau :

"Nga từng là Liên bang Soviet. Afghanistan đã biến Liên bang Soviet thành Nga bởi vì Liên bang Soviet đã bị phá sản khi khai chiến ở Afghanistan. Lý do mà Nga khai chiến ở Afghanistan là bởi vì khủng bố đã tiến vào nước Nga. Liên Xô đã đúng khi khai chiến ở Afghanistan. Vấn đề đó là một cuộc chiến khó khăn. Và Liên Xô đã phá sản và đã trở thành nước Nga, trái ngược với Liên Xô. Như bạn biết đấy có rất nhiều nơi hiện tại không còn là một phần của Nga nữa cũng vì Afghanistan".

Tôi mời bạn đọc hãy nghe tận tai và nhìn tận mắt đoạn video Trump phát biểu để thấy rằng Trump bôi trắng lịch sử hoặc Trump không hề có kiến thức lịch sử. Bất kỳ một ai am hiểu lịch sử hoặc bỏ ra vài phútkiểm chứng lời phát biểu của Trumpbằng Google, sẽ dễ dàng nhận ra tuyên bố của Trump là tầm bậy và bẻ cong sự thật.

Liên Xô đã hoàn toàn sai khi khai chiến ở Afghanistan

Kể từ những năm 1950, Liên Xô xem Afghanistan - đất nước có chung đường biên giới, có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia. Vào ngày 25/12/1979, quân đội Liên Xô đã vượt sông Amu Darya, bắt đầu cuộc xâm lược Afghanistan theo lời mời của phó thủ tướng thân cộng sản Hafizullah Amin, người đã đảo chính và giết cả nhà Tổng thống Afghanistan Muhammad Daoud vào năm 1978. Sau đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nur Muhammad Taraki, đồng chí thân cận của Hafizullah Amin, lên nắm quyền và tuyên bố thành lập chế độ độc đảng ở Afghanistan . Chính điều này đã thúc đẩy các cuộc "thánh chiến" chống cộng sản của dân Afghanistan, khiến nhà cầm quyền lúc bấy giờ thanh trừng đẫm máu và bỏ tù hàng chục ngàn người. Tuy nhiên, không lâu sau,Nur Muhammad Taraki đã bị chính Hafizullah Amin ra lệnh ám sát .

Cuộc xâm lược Afghanistan là một nỗ lực nhằm củng cố chính quyền cộng sản Afghanistan thân Liên Xô đang suy yếu và cũng là một thông điệp nhằm đáp trả lại sự đe dọa của Hoa Kỳ. Ngay sau khi Liên Xô tấn công thủ đô Kabul, một đội quân của Lực lượng đặc biệt Liên Xô (Spetznaz) đã được phái đến Cung điện Tajbeg để ám sát Hafizulla Amin và gia đình ông ta.

Hành động xâm chiếm Afghanistan của Liên Xô đã dẫn đến các cuộc xung đột bạo lực, khủng bố, hỗn loạn và đẫm máu kéo dài ở Trung Á. Tổng thống Hoa Kỳ thứ 39 là Jimmy Carter đã phản ứng bằng một loạt các biện pháp cứng rắn nhằm tạo áp lực buộc Liên Xô phải rút quân khỏi Afghanistan, bao gồm tài trợ cho phiến quân Hồi giáo nhằm đối phó với Liên Xô, đe dọa cấm vận, và rút khỏi Hiệp ước hạn chế số lượng vũ khí chiến lược với Liên Xô (Strategic Arms Limitation Talks II).

Không dừng lại ở đó, Hoa Kỳ vận động thế giới phương Tây tẩy chay Thế vận hội mùa hè năm 1980 tại Moscow , nhằm phản đối cuộc xâm lược Afghanistan. Tổng cộng 65 quốc gia đã từ chối tham gia Thế vận hội tại Liên Xô, đồng thời cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên án hành động xâm lược Afghanistan của Liên Xô.

Cuộc chiếm đóng Afghanistan dai dẳng gây thiệt hại nặng đến kinh tế Liên Xô và khiến hơn 15.000 binh sĩ Liên Xô thiệt mạng và hơn 50.000 người bị thương. Vì thế, vào tháng 5/1988 , Liên Xô quyết định bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan.

Vào ngày 24/12/1989, với tổng số phiếu tán thành là 1.678, Quốc hội Liên Xô đã chính thức thông qua nghị quyết lên án cuộc xâm lược Afghanistan và khiển trách các cựu lãnh đạo cộng sản vì đã đưa ra quyết định xâm chiếm Afghanistan. Nghị quyết 1989 được Tổng bí thư Mikhail Gorbachev ký, tuyên bố cuộc xâm lược tại Afghanistan xứng đáng bị "lên án về mặt đạo đức và chính trị", vì đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và một phần ba dân số Afghanistan phải rời bỏ quê hương.

Gần 30 năm sau, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đã xóa sạch lịch sử khi nói rằng "Nga đã đúng khi tấn công Afganistan". Nghĩa là với Trump, cả Quốc hội Liên Xô, Mikhail Gorbachev, và cộng đồng quốc tế đều sai khi lên án cuộc xâm chiếm Afghanistan. Thêm nữa, phát biểu của Trump như một cú đạp mạnh vào xác của hàng chục ngàn người dân Afghanistan, đã hy sinh mạng sống vì cuộc chiến chống chính quyền cộng sản do Liên Xô dựng lên.

Nhiều người kinh ngạc thắc mắc tại sao Trump đột nhiên bênh vực cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô ? Thì ra vào tháng 12/2018, các nhà lập pháp Nga đang soạn thảo một nghị quyết nhằm biện minh cho cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô. Thành viên Quốc hội Nga, một đảng viên cộng sản, Nikolai Kharitonov gọi dự thảo nghị quyết này, là một chiến thắng cho lịch sử. Nghĩa là, không phải tự nhiên mà Trump phát biểu như thế. Chính xác hơn, Trump đang giúp Nga tuyên truyền dối trá, nhằm xóa sạch lịch sử.

Văn phòng Tổng thống Afghanistan tuyên bố : "Sau cuộc xâm lược của Liên Xô, tất cả các tổng thống Mỹ không chỉ tố cáo cuộc xâm lược này, mà còn ủng hộ thánh chiến chống cộng sản của người Afghanistan".

Ban biên tập của tờ Wall Street Journal , được sở hữu bởi tỉ phú Rupert Murdoch đồng thời là ông chủ của Fox News, cũng mạnh mẽ lên án Trump : "Tuyên bố hoàn toàn sai của Trump về cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô thật đáng lên án… Chúng tôi không thể nhớ được một phát biểu nào ngớ ngẩn hơn trong lịch sử tổng thống Mỹ (như phát biểu này của Trump)… Cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô là một biến cố quan trọng trong Chiến tranh Lạnh, làm rõ mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản. Trump có đập nát lịch sử cũng không thể nào thay đổi được thực tế đó".

Sự sụp đổ của khối cộng sản Liên Xô

Đọc và hiểu lịch sử là bài học vỡ lòng của bất kỳ ai quan tâm đến chính trị và thực trạng đất nước mình. Các biến cố lịch sử giải thích cho thế hệ hiện tại và tương lai hiểu vì sao mọi chuyện đã xảy ra như thế trong quá khứ. Nhìn và nghe Trump phát biểu để thấy rùng mình với sự thiếu hiểu biết lịch sử của Trump. Tuyên bố của Trump cũng tố giác ông không biết đến sự tồn tại và sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại 15 nước thuộc Liên Bang Xô Viết. Trump cho rằng vì bị phá sản tại Afghanistan vào 1989 mà "Liên Xô đã trở thành nước Nga".

Bất kỳ một người Việt nào quan tâm đến chính trị đều hiểu Liên Xô là nơi ra đời và bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tàn ác và đẫm máu. Gần 100 triệu người trên thế giới thiệt mạng vì chủ nghĩa cộng sản : chết vì bị thanh trừng, chết vì nghèo đói, chết vì khao khát tự do, và chết vì tỏ thái độ không ưa thích chủ nghĩa cộng sản.

Đêm 9/11/1989, bức tường Berlin – biểu tượng chia cách Châu Âu từ thời Chiến tranh Lạnh - sụp đổ, thúc đẩy người dân Đông Âu đặt dấu chấm kết thúc thể kỷ máu của chủ nghĩa cộng sản tại đây. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, không chỉ Đức thống nhất năm 1990, mà sau đó, cuộc cách mạng đã lan rộng sang khối cộng sản Liên Xô.

Phát biểu của Trump không chỉ là thiếu hiểu biết, mà còn xúc phạm đến sự thật và danh dự của hàng triệu người ở các nước thuộc khối cộng sản Liên Xô như Poland, Estonia, Czech, Romania… đã dũng cảm xuống đường và liên kết thành lập lực lượng nhằm hạ bệ chủ nghĩa cộng sản và yêu sách độc lập cho đất nước họ.

Kết quả là vào 25/12/1991, Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, Gorbachev đã tuyên bố từ chức, đồng thời giải thể khối Liên Xô và trao quyền lực cho Boris Yeltsin. Tối hôm đó, quốc kỳ Liên Xô tại điện Kremlin bị kéo xuống và thay thế bằng quốc kỳ Nga, đánh dấu sự kết thúc của Liên bang Xã hội Chủ nghĩa.

Sự suy sụp kinh tế của Liên Xô là một thời cơ quan trọng, nhưng chắc chắn không phảilà yếu tố duy nhất góp phần phá tan chủ nghĩa cộng sản tại 15 nước thuộc Liên Bang Xô Viết. Vai trò của Công đoàn Đoàn kết, cuộc Cách mạng Nhung, các tổ chức yêu sách dân chủ, sự ủng hộ về mặt tinh thần của Giáo hội Công giáo và tiếng nói của người dân tại Đông Âu đã góp phần xóa sổ chủ nghĩa cộng sản.

Sử gia người Anh , Timothy Garton Ash đã lập luận rằng, phong trào Đoàn kết của Ba Lan không thể "sinh hoa kết quả" nếu không có sự đóng góp quan trọng của Giáo hoàng Phaolo II : "Không có Giáo Hoàng, thì không có phong trào Đoàn kết. Không có phong trào Đoàn kết, thì không có Gorbachev. Nếu không có Gorbachev, thì không có việc Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ". Vài năm sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô, chính Gorbachev cũng thừa nhận vai trò quan trọng của Giáo Hoàng : "Chuyện đó đã không thể nào xảy ra nếu không có Giáo Hoàng".

Cần lưu ý rằng dù cho kinh tế Liên Xô có suy thoái, nhưng nếu các quốc gia Đông Âu không có lực lượng nhân sự sẵn sàng đón nhận trách nhiệm lãnh đạo và thiết lập dân chủ, thì mầm móng độc tài cộng sản khó lòng xóa sạch. Ví dụ, Nga dưới thời cai trị của Putin mang danh là dân chủ, nhưng thực ra là độc tài.

Thay Lời Kết

Giáo sư Luật - Đại học Harvard, Lawrence Tribe nói : "Việc Trump bênh vực Nga xâm lược Afghanistan chứng tỏ Trump là con rối của Putin, hoặc là một người ngu dốt, hoặc cả hai". Là người đứng đầu chính phủ Mỹ, Trump bất chấp sự thật để bênh vực hành động xâm lược Afghanistan của Liên Xô. Phải chăng Trump muốn giúp Putin viết lại lịch sử ?

Sự tiếc nuối của Putin đối với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô là quá rõ ràng. Ngay sau khi nhậm chức tổng thống năm 2000, Putin đã ký thông qua đạo luật khôi phục lại nhạc quốc ca thời Liên Xô – là bài nhạc được nhà độc tài Joseph Stalin chọn và đưa vào sử dụng từ năm 1944 - 1991. Tháng 3/2018, khi được hỏi "Có sự kiện nào mà ông muốn thay đổi không ?" và Putin trả lời ngay : "Sự sụp đổ của Liên Xô".

Muốn biết rõ về con người và khả năng của Trump không cần phải đọc báo, nhưng chỉ cần đọc các tweet của Trump và nghe Trump trả lời phỏng vấn trực tiếp (không đọc bài soạn sẵn) để thấy Trump bóp méo sự thật, thiếu hiểu biết, và gieo rắc dối trá như thế nào. Sử gia nổi tiếng Michael Bechloss chia sẽ rằng "không có tổng thống nào trong lịch sử Hoa Kỳ khiến ông cảm thấy lo sợ hơn Donald Trump bởi vì Trump đã chứng minh ông không sẵn sàng học hỏi từ lịch sử và không có lòng cảm thông".

Đúng là Trump đã và đang khiến phần lớn người dân Mỹ lo lắng và phản đối. Nhưng may mắn là kể từ 3/1/2019, Hạ viện Hoa Kỳ sẽ dưới quyền lãnh đạo của Đảng Dân chủ sau gần một thập kỷ dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa. Hy vọng Hạ viện Hoa Kỳ sẽ làm tròn chức trách kiểm soát quyền lực của Trump -là điều màĐảng Cộng hòa từ chối thực hiện.

Câu trả lời cho câu hỏi của tựa bài viết tùy thuộc sự tôn trọng sự thật của mỗi người. Sự thật có thể tạm thất bại trong một khoảng thời gian nào đó của lịch sử, nhưng cuối cùng sự thật sẽ luôn luôn chiến thắng. Dù Trump có thể dốt sử hoặc cố tình bẻ cong sự thật để làm vừa lòng Putin, thì sự thật về cuộc xâm lược Afghanistan và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản của Liên Bang Xô Viết vẫn mãi không thay đổi.

Mai V. Phạm

(05/01/2019)

Additional Info

  • Author Mai V. Phạm
Published in Quan điểm

Afghanistan : "Mồ chôn các đế chế"

Lãnh đạo tập đoàn sữa Pháp đứng đầu thế giới Lactalis tuyên bố rút ra bài học sau vụ bê bối vệ sinh thực phẩm gây thiệt hại hàng trăm triệu euro ; giáo hoàng Francis buộc phải cử người điều tra về nghi án một giám mục thân cận, bị cáo buộc ấu dâm ; phản ứng thái quá trên truyền thông Pháp có thể ảnh hưởng tới điều tra về một nghi án chồng giết vợ, thiêu xác, tại tỉnh Haute-Saône là một số tít lớn trang nhất báo Pháp hôm nay, 01/02/2018. Về thời sự quốc tế, đáng chú ý có bài phân tích của Le Figaro : "Mồ chôn các đế chế", về tình trạng bế tắc hiện nay của Hoa Kỳ tại Afghanistan.

afgha1

Tượng Phật khổng lồ theo phong cách Hy Lạp trên vách núi - được thực hiện khoảng từ thế kỷ III đến thế kỷ VII - tại tỉnh Bamiyan, Afghanistan, bị Taliban phá hủy năm 2001. Ảnh : Wikipedia

Hàng loạt tấn công khủng bố nhắm vào thủ đô Afghanistan trong những ngày cuối tháng Giêng 2018 vừa qua một lần nữa phơi bày trước thế giới sự sa lầy của Mỹ trong cuộc can thiệp quân sự lâu dài nhất trong lịch sử quốc gia này, kể từ năm 1945. Le Figaro đặt câu hỏi : "Bao nhiêu đế chế đã vỡ mặt tại Afghanistan ? Từ hoàng đế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn, đến đế quốc Anh, và Liên Xô sau này".

Tờ báo điểm lại nỗ lực lớn lao của nước Mỹ, "với 140.000 binh sĩ – thời cao điểm nhất - được gửi đến vùng đất này, các vũ khí tân tiến nhất, cùng hơn một nghìn tỉ đô la đầu tư", để chống lại vài chục nghìn chiến binh trang bị thô sơ. Vậy, kết cục ra sao ?

Ngay khi quân đội Mỹ bắt đầu triệt thoái, theo quyết định của chính quyền tiền nhiệm Obama, quân Taliban ào ạt trở lại, và có lúc đã hiện diện tại 70% lãnh thổ. Hiện tại chính quyền Trump quyết định sẽ gia tăng trở lại sức mạnh quân sự tại Afghanistan, không để "địa bàn trống" cho Taliban hoành hành, nhưng không khẳng định rõ "chiến lược chính trị nào".

Xã luận Le Figaro ghi nhận tình hình tại Afghanistan "phức tạp chưa từng thấy", bởi mảnh đất này là nơi đan chéo quyền lợi của nhiều thế lực như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, các nước vùng Vịnh, cũng như Nga. Bối cảnh đó rất bất lợi cho việc xây dựng các quan hệ liên minh bền vững.

Bài học từ Alexandre Đại Đế

Trong tình thế vô vàn thử thách hiện nay, Le Figaro nhắc lại với Washington bài học của nhà chinh phục Hy Lạp Alexandre Đại Đế, cách nay hơn 2000 năm. Hoàng đế Hy Lạp là người đã từng hiện thực mơ về một vương quốc Á Âu hòa hợp. Alexandre Đại Đế "luôn đi đầu đoàn quân trong các trận đánh", và đi cùng với ông là "cả một đội ngũ các nhà bác học, văn nhân".

Nhà chinh phục người Hy Lạp năm xưa đã dành thời gian trong lều trận, để đọc Herodote (người được mệnh danh là ông tổ môn sử học), thay vì "sách giáo khoa chống nổi dậy", đồng thời đứng ra làm mối cho các cuộc hôn nhân "giữa các viên tướng của mình với các công nương quyền uy, giàu có ở địa phương… Và ông đã giành được sự kính trọng của người Afghanistan", Le Figaro kết luận.

"Bốn sai lầm" của Mỹ

Vẫn về Afghanistan, cũng trong số báo này, Le Figaro còn có ba bài phân tích khác. Bài "Tại Afghanistan, nước Mỹ bị mắc bẫy Taliban" đối chiếu "không khí lạc quan" mới trở lại cách nay hai tháng, với việc lãnh đạo liên quân Mỹ-NATO thông báo mục tiêu chiếm soát trở lại 80% lãnh thổ, trong hai năm tới, với loạt tấn công khủng bố vừa qua, như một dấu hiệu cho thấy tình hình hoàn toàn bế tắc. Bế tắc về mặt quân sự, cũng như ngoại giao. Đàm phán giữa chính quyền Afghanistan và Taliban hoàn toàn không tiến triển, cho dù hai bên liên tục đưa ra các tuyên bố hòa bình.

Bài "Những sai lầm dẫn Washington vào ngõ cụt trước Taliban" thậm chí còn khẳng định là "Hoa Kỳ trên thực tế đã thua trong cuộc chiến này", tuy nhiên "thất bại đã bị phủ nhận, bị các cường quốc phương Tây che giấu trong một thời gian dài". Bài viết chỉ ra bốn sai lầm chính.

Thứ nhất là do chính quyền Bush đã từ bỏ Afghanistan vào năm 2003, để tập trung vào cuộc can thiệp vào Irak. Thứ hai là đã không dứt khoát trong việc lựa chọn giữa hai chiến lược, chống nổi dậy và chống khủng bố, về bản chất là hai cuộc chiến khác nhau. Thứ ba là đã không sớm hiểu ra trò chơi "hai mặt" của Pakistan, căn cứ địa của lực lượng Taliban và các nhóm khủng bố. Và sai lầm thứ tư là đã lập ra và ủng hộ một chính quyền tham nhũng và mất lòng dân.

Ba trụ cột trong "chiến lược mới"

Bài "Ông Trump tìm một lối thoát – không chắc chắn – cho một cuộc nội chiến đã 16 năm" thì ghi nhận ba trụ cột trong "chiến lược mới" của tổng thống Mỹ. Thứ nhất là hứa hẹn sẽ "tiếp tục hiện diện tại Afghanistan về quân sự, kèm theo một số điều kiện, và không bị bó buộc về thời gian". Thứ hai là "đảm bảo cho các chỉ huy quân đội các quyền hạn rộng rãi và các phương tiện tương xứng", và thứ ba là "gia tăng áp lực lên Pakistan, quốc gia đồng minh, nhưng bị cáo buộc cố tình để chiến tranh kéo dài".

Theo chính quyền Mỹ, số lượng binh sĩ Hoa Kỳ tại Afghanistan đã tăng từ 8.500 đến 14.000, và sắp tới sẽ là 15.000. Quân đội Mỹ dường như có kế hoạch ở lại lâu dài tại quốc gia Nam Á này, cho dù tổng thống Trump khẳng định : "Trực giác đầu tiên" của mình là Mỹ phải rút. Donald Trump phải thừa nhận sau đó là "việc triệt thoái vội vã, sẽ để lại hậu quả rất rõ ràng và không thể chấp nhận được".

Nhiều người Mỹ vẫn tin tưởng "lợi ích lớn với an ninh quốc gia Hoa Kỳ", đó là không thể để chính quyền Afghanistan sụp đổ, và mảnh đất này trở thành đất thánh của khủng bố, như quan điểm của một thương binh Mỹ, từng chiến đấu ở Irak, nữ thượng nghị sĩ Dân Chủ Tammy Duckworth.

Dreamer : Ông Trump "không xóa được sự chia rẽ của nước Mỹ"

Về phát biểu Liên bang đầu tiên của tổng thống Mỹ tối thứ Ba vừa qua, báo Les Echos có bài nhận định : "Ông Trump không xóa được sự chia rẽ của nước Mỹ".

Theo Les Echos, bất chấp nỗ lực đoàn kết người Mỹ với bài phát biểu nói trên, tổng thống Mỹ trên thực tế, một lần nữa, đã phải nhận các chỉ trích mạnh mẽ. Tờ báo kinh tế dự đoán chính sách siết chặt nhập cư của ông Trump sẽ gặp phải các phản đối mạnh trong những ngày tới. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ Dân chủ ở Thượng Viện lên án tổng thống Trump đã "gắn liền vấn đề nhập cư với bạo lực", thổi bùng các chia rẽ, thay vì đoàn kết mọi người.

Nghị sĩ Dân Chủ Joe Kennedy III - cháu nội của tổng thống Kennedy - được phe Dân Chủ chọn làm người phát ngôn của đảng, đáp trả các đề nghị của tổng thống Trump. Nghị sĩ Joe Kennedy đã "nói bằng tiếng Tây Ban Nha" với những "Dreamer" (tức người nhập cư vào Mỹ, cùng cha mẹ khi còn nhỏ, hiện ở trong tình trạng không giấy tờ. Đa số các Dreamer - với tổng số ước tính khoảng 2 triệu, hy vọng được hợp thức hóa - là người gốc Mỹ Latinh).

Nghị sĩ Mỹ khẳng định các Dreamer là "một phần lịch sử nước Mỹ", ông cam kết "tiếp tục đấu tranh vì họ, không bỏ rơi họ". Đối thủ của tổng thống Trump trong đảng Cộng Hòa, thượng nghị sĩ Jeff Flake thì kêu gọi một cuộc thảo luận về vấn đề nhập cư hợp pháp.

Thái Lan : "Tặng đồng hồ" để nhắc nhở tập đoàn quân sự giữ lời

Về thời sự Châu Á, báo Libération có bài "Thái Lan : những cú xuất kích đơn độc của nhà ly khai Hongkangwan". Nhà đấu tranh cho dân chủ tại Thái Lan vừa có một chiến dịch độc đáo khiến công luận chú ý : Đó là tặng đồng hồ cho lãnh đạo tập đoàn quân sự để nhắc họ giữ lời hứa (cụ thể là về thời hạn tổ chức bầu cử dân chủ, liên tục bị chính quyền quân sự đẩy lùi).

Trong xã hội Thái Lan, nơi nền dân chủ đang bị bóp nghẹt dần dần dưới sự thống trị của tập đoàn quân sự, sau cú đảo chính 2014, báo Libération ghi nhận hành động "khiêu khích" dũng cảm của nhà tranh đấu, nguyên là một người bán vé số. Trong những tháng gần đây, ông liên tục có các hoạt động lạ lùng, với hy vọng mang lại tác động lớn. Cụ thể như tăng đồng hồ cho phó thủ tướng tập đoàn quân sự Prawit Wongsuwan, một người nổi tiếng về thú chơi đồng hồ, với bộ sưu tập ít nhất 25 đồng hồ loại sang.

Viên chức cao cấp này không khai báo tài sản, theo đòi hỏi của luật pháp. Từ vài tháng nay, "lãnh chúa đồng hồ" trở thành đối tượng chế giễu của công chúng, tuy nhiên, cơ quan chống tham nhũng Thái Lan vẫn chần chừ trong việc điều tra. Tháng 12 vừa qua, nhà tranh đấu Hongkangwan đã chặn đoàn xe công cán của viên phó thủ tướng, để tặng cho ông ta một chiếc đồng hồ Senko trị giá chỉ khoảng 30 euro.

Hongkangwan từng bị tù từ 2 năm 8 tháng mới đây (2014-2016), vì tội khi quân, nhưng ông tuyên bố không sợ hãi. Hongkangwan giải thích, muốn gửi một thông điệp đến lãnh đạo Thái Lan là để xem giờ, chỉ cần một chiếc đồng hồ giá rẻ như vậy. Tuy nhiên, mục tiêu chính của ông là, với các hành động gây ngạc nhiên này, ông muốn xua tan bớt nỗi sợ hãi tràn ngập xã hội, và cho dù ông bị bắt, thì sẽ có nhiều người khác sẽ kế tục ông.

Phim "Bắc Triều Tiên : Nền độc tài nguyên tử"

Về phim ảnh, theo Le Figaro đáng chú ý có bộ phim tài liệu "Bắc Triều Tiên : Nền độc tài nguyên tử", công chiếu trên kênh truyền hình Pháp France 2 tối nay, 01/02. Bộ phim thuật lại tham vọng nguyên từ từ thời Bắc Triều Tiên lập quốc. Chế độ Bình Nhưỡng, tìm mọi cách để có được nguồn thu cho loại vũ khí siêu đẳng này, kể cả bằng việc phát triển cây thuốc phiện, hay sử dụng các nguồn viện trợ nhân đạo.

Le Figaro gọi chế độ Bắc Triều Tiên là "một hệ thống mafia" và lưu ý điều đáng tiếc là bộ phim đã không nói về trách nhiệm của Trung Quốc.

Khí hậu – Liên Âu : Sáng kiến "sốc" để thúc đẩy đầu tư

Nhóm chuyên gia cao cấp của Ủy Ban Châu Âu hôm thứ Tư, 31/01/2018, vừa đưa ra 24 khuyến nghị, để các thị trường tài chính "hội nhập các chỉ báo về rủi ro khí hậu" vào các thông số đầu tư. Les Echos có bài "Khí hậu : các sáng kiến gây sốc để thúc đẩy nhà đầu tư".

Báo cáo được gửi đến cơ quan phụ trách thị trường của Châu Âu (Autorité européenne des marchés – ESMA), và có thể sẽ được trình ra Ủy Ban Châu Âu ngày 22/03 tới, nhằm mở ra các thương lượng với Nghị Viện Châu Âu và các quốc gia thành viên.

Cho đến nay, theo nhóm 20 chuyên gia cao cấp Liên Âu, "tuyệt đại đa số tiền gửi tiết kiệm" – được đầu tư vào thị trường chứng khoán – "không hề có liên hệ" với các mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận quốc tế về khí hậu Paris - COP 21 (giới hạn nhiệt độ - trong thời gian từ nay đến cuối thế kỷ - tăng ở mức dưới 2°C, thậm chí 1,5°C, so với thời tiền công nghiệp). Các chỉ số thị trường chứng khoán CAC 40 của Pháp, DAX của Đức, hay Footsie của Anh, đều không tính đến các kịch bản biến đổi khí hậu.

"Làm rõ kịch bản biến đổi khí hậu (nào được tính đến) trong mỗi chỉ số chứng khoán" là khuyến nghị của nhóm chuyên gia, nhằm "khỏa lấp một khoảng trống khổng lồ" lâu nay.

Theo tổng giám đốc WWF (Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Pháp), ông Pascal Canfin, các khuyến nghị nói trên của các chuyên gia Liên Âu nếu được thực thi là một lộ trình "tham vọng nhất" cho đến nay, trên thế giới, hướng đến mục tiêu "gắn chặt các vấn đề khí hậu với kinh tế".

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Cuối năm 2017, đài RFI của Pháp đã đưa lên bài "Năm 2017, Donald Trump làm thế giới choáng váng" tóm lược lại những biến cố mà Donald Trump đã làm cho cả thế giới điên đầu trong năm vừa qua. Mở đầu, tác giả viết : "Bất ngờ đắc cử tổng thống của cường quốc số một thế giới với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên", ông Donald Trump với tính khí khó lường đã có một năm 2017 gây náo động thế giới bởi những quyết định chưa từng có, khi thì tấn công vào cả hệ thống thế giới đa phương, lúc thì không ngần ngại châm ngòi làm bùng nổ rối loạn ở nơi này nơi kia".

pakistan1

Trump tin rằng mình là Tề Thiên Đại Thánh có thể hô phong hoán vũ

Nhà phân tích Barbara Slavin, thuộc cơ quan tư vấn Atlantic Council, nhận thấy "có vẻ như ông Trump nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của nước Mỹ là đủ để cho phép làm bất cứ điều gì họ muốn". Thế nhưng, theo chuyên gia này, "Hoa Kỳ chỉ thực sự là cường quốc khi hành động làm sao để tạo ra đồng thuận quốc tế".

Trong thực tế, Trump tin rằng mình là Tề Thiên Đại Thánh có thể hô phong hoán vũ !

Một biến cố bất thường mới

Với đầu óc ấu trĩ, ngày 1/1/2018 trong tweet đầu tiên của năm 2018 Trump lại gây ra một biến cố bất thường khác. Ông viết :

"Hoa Kỳ đã hào phóng cho Pakistan hơn 33 tỷ USD viện trợ trong 15 năm qua, và họ cho chúng tôi không có gì ngoài sự lừa dối và lừa đảo, nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của chúng tôi là những kẻ ngốc. Họ cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ khủng bố mà chúng tôi săn lùng ở Afghanistan, cùng với một phần sự giúp đỡ. Không còn nữa (về vấn đề viện trợ) !"

Các nhà phân tích nói rằng Donald Trump thường không hiểu gì về những vấn đề ông ta muốn nói hay chỉ hiểu một cách nông cạn về những vấn đề ông ta muốn nói và muốn làm, chẳng hạn như sự biến đổi khí hậu, hiệp ước TTP, hiệp ước hạt nhân Iran...

Trong vấn đề Pakistan cũng vậy. Đây là một lời tuyên bố có tính cách chiến thuật, đã được nhiều viên chức Hoa Kỳ phát biểu nhiều lần, nhắm thúc đẩy Pakistan thành công cụ chống Taliban thay cho Mỹ, nhưng với kinh nghiệm đau thương của Việt Nam Cộng Hòa, Pakistan đã tìm cách từ chối. Một lời tuyên bố có tính các chiến thuật như thế thường được giao cho các cấp thuộc quyền trong chính phủ như các cố vấn, các chuyên gia hay một hãng tin nào đó chẳng hạn. Nhưng nay chính Tổng thống Donald đã chụp lấy và la lên để chứng tỏ ta đây mới là "dân chơi cầu bốn cẳng" thứ thiệt !

Tuần trước, tờ New York Times đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Trump đã nghiêm túc cân nhắc liệu có nên chặn lại 255 triệu USD viện trợ cho Islamabad - trước đó đã bị trì hoãn - về sự thất bại của họ trong việc trấn áp các nhóm khủng bố ở Pakistan hay không.

Trump cũng không biết rằng nếu Pakistan trả đũa, Mỹ sẽ gặp khó khăn như thế nào !

Diễn biến đưa tới biến cố

Ngày 25/12/1979, Quân đoàn 40 của Liên Xô bắt đầu tiến vào Afghanistan để bảo vệ chế độ Karmal. Để chống lại Liên Xô, năm 1980 CIA bắt đầu giúp quân kháng chiến Mujahideen. Osama Bin Laden đã đưa quân tới Afghanistan để tham chiến. Thấy Bin Laden có khả năng và có quyết tâm, CIA đã huấn luyện Bin Laden về tình báo và chiến đấu có kỷ thuật cao để chống lại Liên Xô.

Với sự giúp đỡ của CIA, Bin Laden thành lập những trại huấn luyện riêng của mình và trong 2 năm đã xây dựng được 6 trại. Hoa Kỳ đã viện trợ vũ khí và phương tiện cho Bin Laden, nhờ vậy ông đã trực tiếp điều khiển các binh sĩ mở 5 trận đánh lớn với quân Liên Xô và hàng trăm trận giao tranh lẻ tẻ, làm quân Liên Xô điêu đứng. Rõ ràng Bin Laden là con đẻ của CIA.

Không chống nổi quân Mujahideen, tháng 4 năm 1988, Liên Xô đã phải ký Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh và rút quân Liên Xô khỏi Afghanistan năm 1989. Sau khi Liên Xô rút, Mỹ đã bỏ rơi Afghanistan, không hề giúp chính phủ mới xây dựng lại đất nước.

Ngày 2/8/1990, Tổng thống Saddam Hussein của Iraq đã đem quân xâm lược Kuwait, Bin Laden đề nghị đưa 4.000 quân Mujahideen của ông từ Afghanistan về bảo vệ Saudi Arabia, nhưng bị bác bỏ. Chỉ vài tuần sau, Hoa Kỳ tiến vào Saudi Arabia để giải phóng Kuwait khiến Bin Laden bất mãn vô cùng. Ông cho rằng vấn đề của người A-rập phải để người A-rập giải quyết với nhau, Hoa Kỳ không được can thiệp vào. Từ đó, Bin Laden bắt đầu chống Mỹ.

Ngày 11/9/2001, một loạt bốn vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại Hoa Kỳ làm 2.996 người chết, hơn 6.000 người khác bị thương, gây ra thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỉ USD và gây tổn thất tổng cộng 3 nghìn tỷ USD. Lúc đầu, Bin Laden, thủ lĩnh của al-Qaeda, phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ tấn công này, nhưng vào năm 2004 ông nhận trách nhiệm.

Tổng thống Mỹ George W. Bush đã yêu cầu chính quyền Taliban ở Afghanistan giao nộp Bin Laden và trục xuất al-Qaeda, nhưng Taliban đã từ chối, trừ khi Mỹ có bằng chứng Bin Laden có dính líu đến vụ 9/11. Ngày 7/10/2001 Tổng thống Bush ra lệnh tấn công Afghanistan.

Tầm quan trọng của Pakistan

pakistan2

Bản đồ Pakistan - Afghanistan

Nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy Afghanistan có đường biên giới dài với Pakistan ở phía nam và phía đông, Iran ở phía tây, Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan ở phía bắc, và Trung Quốc ở khu vực viễn đông bắc. Như vậy Mỹ muốn đem quân vào đánh Afghanistan, chỉ còn một con đường duy nhất là từ Ấn Độ Dương di qua Pakistan. Vì thế, Pakistan trở thành quan trọng đối Mỹ.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, Pakistan đã trở thành đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ đã chuyển quân đội, võ khí và hậu cần vào các cơ sở quân sự của Pakistan rồi từ đó chuyển vào Afghanistan. Tuy nhiên, theo cam kết, Mỹ không được dùng các căn cứ ở Pakistan để tấn công Taliban dù ở trên đất Afghanistan hay Pakistan. Riêng Pakistan đã mở nhiều cuộc hành quân để ngăn chận quân Taliban tràn qua biên giới.

Kể từ năm 2002, Mỹ đã thông qua Quỹ Hỗ trợ Liên minh (CSP-Country Strategy Paper) để hỗ trợ Pakistan trong cuộc chiến với ngân sách hàng năm khoảng 1 tỷ USD. Qua quỹ này, Mỹ đã hỗ trợ về quân sự và kinh tế cho Pakistan, đồng thời hoàn trả chi phí các hoạt động quân sự của Pakistan tại các khu vực bộ lạc giáp biên giới Afghanistan.

Vài nét về Taliban

Quân Taliban phát xuất từ bộ tộc Pashtun. Theo ước lượng của CIA, tại Afghanistan, bộ tộc này chiếm 42% trên 29 triệu dân số, còn ở Pakistan, khoảng 15,42% trên 174 triệu dân số. Đây là sắc tộc đã lãnh đạo Afghanistan sau khi Liên Xô bỏ chạy năm 1989 và nhiều người tin rằng sau khi Mỹ rút, Taliban sẽ trở lại lãnh đạo Afghanistan.

Khoảng 27 triệu người Pashtun ở Pakistan và 3 triệu người Pashtun tản cư từ Afghanistan qua Pakistan đang định cư tại vùng biên giới là môi trường hoạt động tốt của Taliban. Thung lũng Swat nằm sát biên giới Afghanistan là sào huyệt hay "an toàn khu" của Taliban.

Pakistan Afghan Taliban Talks

Khu vực cư trú của bộ tộc Pashtun giữa Afghanistan và Pakistan

Phong trào này do Mullah Mohammed Omar lãnh đạo đang thực hiện một cuộc chiến du kích và chiến dịch khủng bố kéo dài chống lại chính quyền hiện tại của Afghanistan và các lực lượng NATO.

Vì bộ tộc Pashtun sống giữa biên giới Afghanistan và Pakistan, trong khu núi rừng hiểm trở nên quân Taliban thường chạy về phía Pakistan mỗi khi bị càn quét ở Afghanistan. Có khi quân Taliban ở đây lên tới gần 30.000 người.

Khó khăn của Pakistan

Không phải sau khi cơ quan tình báo Hoa Kỳ bắt và giết trùm khủng bố Osama bin Laden trên đất Pakistan mới xẩy ra sự căng thẳng giữa Pakistan và Hoa Kỳ. Chuyện này đã xẩy ra ngay từ khi Mỹ và NATO tiến quân vào Afghanistan năm 2001.

pakistan4

Quân Taliban ở Pakistan

Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Pervez Musharaff phải mở cuộc hành quân vào thung lủng Swat ở phía tây bắc Pakistan, nhất là ở vùng biên giới Afghanistan và Pakistan, để tiêu diệt quân Taliban, nhưng tướng Musharaff từ chối vì các lý do chính sau đây :

- Lực lượng Pakistan không đủ khả năng làm điều đó.

- Pakistan không tin Mỹ sẽ thành công ở Afghanistan. Trong lịch sử, chưa có nước nào thành công khi xâm chiếm Afghanistan.

- Kháng chiến Taliban đã dọa nếu Pakistan tham gia cuộc chiến, họ sẽ biến Pakistan thành một biển máu. (Có một thời gian Taliban đã làm như vậy, gây kinh hoàng cho Pakistan nên Pakistan phải ngưng các cuộc hành quân).

- Dù bất cứ lực lượng nào sẽ tồn tại ở Afghanistan sau cuộc chiến, Pakistan vẫn phải giữ những giao hảo tốt vì quyền lợi của Pakistan ở trong vùng.

Bị áp lực của Mỹ, ngày 18/8/2008, Tổng thống Pervez Musharaff phải từ chức. Ông Asif Ali Zardari, chủ tịch Đảng Nhân Dân được bầu làm Tổng thống và ông Yousaf Raza Gillani thuộc đảng này được chỉ định làm Thủ tướng.

Đến năm 2009, Taliban đã kiểm soát toàn bộ thung lũng Swat. Chính phủ mới phải ký một thỏa ước hòa bình với quân Taliban tại Swat, cho phép áp dụng luật Sharia tại khu vực này. Hành động này đã bị Mỹ chỉ trích kịch liệt.

Mỹ muốn Pakistan trở thành con bài thí

Kể từ năm 2009, Mỹ đã viện trợ cho Pakistan mỗi năm 1,2 tỷ USD để mua vũ khí trang bị cho quân đội Pakistan. Hiện nay, quân đội Pakistan có khoảng 619.000 người trong lực lượng chính quy và 302.000 người trong lực lượng bán vũ trang và biên phòng. Bị áp lực của Hoa Kỳ, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani đã ra lệnh mở các cuộc tấn công vào an toàn khu của Taliban, nhưng ông nói : "Đây không phải là một cuộc chiến bình thường. Đó là chiến tranh du kích. Đó là cuộc chiến của riêng chúng tôi. Một cuộc chiến vì sự sống còn của đất nước".

Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về quan hệ với Pakistan, tướng Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tố cáo Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đã hỗ trợ mạng lưới cực đoan Haqqani lên kế hoạch và thực hiện vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan và cả vụ đánh bom làm 77 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Ông này còn tiết lộ Mỹ có nguồn tin đáng tin cậy về việc Haqqani, với sự giúp đỡ của ISI, đã thực hiện vụ tấn công hôm 28/6/2011 vào khách sạn Inter-Continental ở Kabul và một vài vụ nhỏ lẻ khác.

Ít ai tin rằng chuyện đó có thật. Những lời tuyên bố của tướng Mike Mullen chỉ nhằm thúc đẩy quân đội Pakistan trở thành một công cụ chống lại Taliban của Mỹ và biến Pakistan thành một con bài thí trong một cuộc chiến mà Mỹ biết không bao giờ thắng được, rồi đổ lỗi cho Pakistan để rút quân như Mỹ đã đối xử với Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến Việt Nam.

Ngày 23/9/2011, bà Rabbani Khar, Ngoại trưởng Pakistan, cảnh báo cáo rằng Mỹ đang đối mặt với nguy cơ mất mối quan hệ đồng minh sau khi Washington chỉ trích Islamabad theo đuổi chính sách "xuất khẩu bạo lực" và Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) ủng hộ lực lượng cực đoan tấn công binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Tuyên bố từ New York, nơi bà đang tham dự phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, bà Khar nói : "Bất cứ câu nói nào được công khai đưa ra để chỉ trích, để làm bẽ mặt một đồng minh, một đối tác là không thể chấp nhận được".

Con đường Pakistan đang chọn ?

Sự giận dữ đã lên cao khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách về Afghanistan hôm 21/8, chỉ trích đích danh Pakistan là dung dưỡng cho khủng bố, cung cấp "nơi trú ẩn an toàn" cho khủng bố và dọa cắt tài trợ cho Pakistan.

Các giới chức cũng như các chức sắc tôn giáo Pakistan ngay lập tức có phản ứng kịch liệt, cho rằng Mỹ không nên lấy Pakistan là kẻ giơ đầu chịu báng cho thất bại của quân đội Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan. Một nhóm giáo sĩ kêu gọi Chính phủ Pakistan rút khỏi liên minh trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động.

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Ahsan Iqbal tuyên bố : "Không có quốc gia nào trên thế giới hành động nhiều hơn Pakistan trong việc chống khủng bố hay cam kết nhiều hy sinh vì điều đó. Do vậy, chúng tôi bác bỏ những tuyên bố cáo buộc Pakistan dung dưỡng khủng bố, vì chúng tôi cũng là nạn nhân lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi muốn một tương lai thịnh vượng và để có điều đó, chúng tôi không chỉ cần hòa bình ở biên giới mà cũng cần hòa bình trên toàn khu vực. Đó là lý do chúng tôi tin tưởng tham gia cùng các nước láng giềng, đóng vai trò trong việc mang lại hòa bình cho khu vực".

Thủ Tướng Gilani đã từng nói rằng thực tế đây là cuộc chiến vì áp lực của Hoa Kỳ. Pakistan đang khai triển khoảng 15.000 quân để đối đầu với khoảng 4 hay 5 ngàn chiến binh Taliban. Cuộc chiến từ Afghanistan đã lan vào Pakistan và toàn đất nước Pakistan đang bị biến thành biển máu như Taliban đã đe dọa. Vì bất đắc dĩ phải đi theo Mỹ, đã có 30.452 người Pakistan bị giết.

Thủ tướng Musharraf còn nhấn mạnh rằng al-Qaeda, Taliban không là mối đe dọa cho Pakistan. Phát biểu tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp, ông Musharraf nói : "Khi chúng tôi có một lực lượng vũ trang của Pakistan với 500.000 binh sĩ hiện dịch và trừ bị, tôi nghĩ rằng al-Qaeda hoặc Taliban không thể nào có thể chiếm được Pakistan".

Cuộc chiến chống khủng bố đã gây thiệt hại 118 tỷ USD cho nền kinh tế Pakistan trong 14 năm, tương đương hơn 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Nam Á này.

Nhà kinh tế Shahid Siddiqi cho biết, thiệt hại về kinh tế do cuộc chiến chống khủng bố đối với nền kinh tế Pakistan trong năm 2011 ước tính là 8,5% GDP trong khi số tiền hỗ trợ mà Pakistan nhận được chỉ là 0,2% GDP.

Mỹ khó bỏ Pakistan được

Các nhà phân tích đều tin rằng mặc dầu đã lên án Pakistan với giọng đao to búa lớn, các nhà chiên lược Mỹ sẽ không để cho Donald Trump bỏ Pakistan vì ba lý do chính sau đây :

- Lý do thứ nhất, không có Pakistan Mỹ không thể tiếp tục chiến đấu ở Afghanistan được vì các cơ sở hậu cần và tiếp vận không còn.

- Lý do thứ hai, Pakistan có thể liên kết với các quốc gia Hồi giáo trong vùng, hình thành một khu vục chống Mỹ ở Nam Á Châu.

- Lý do thứ ba là Trung Quốc sẽ đến thay Mỹ và mở rộng con đường tơ lụa trong vùng này. Ngày 20/4/2015, Pakistan và Trung Quốc đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện.

Biết rõ thế kẹt của Mỹ, quân đội Pakistan tuyên bố xem xét khả năng đóng cửa biên giới với Afghanistan và cảng Karachi. Hôm 7/1/2018, lãnh đạo phe đối lập Imran Khan yêu cầu chính phủ trả đũa, không chấp nhận để "quân đội Mỹ sử dụng miễn phí cơ sở hạ tầng của Islamabad".

Như thường lệ, Trump chỉ dùng đao to búa lớn để chứng minh ta đây cũng là "tay chơi cầu bốn cẳng" như ai chứ chẳng biết gì cả. Nhóm tài phiệt Mỹ đang sử dụng Donald Trump để thực hiện các kế hoạch bảo vệ quyền lợi của họ, trong đó có quyền lợi của giới tài phiệt quốc phòng ở Afghnistan. Khi nhiệm vụ hoàn hoàn tất, số phận con rối Donald Trump rồi cũng sẽ được định đoạt.

Ngày 11/1/2017

Lữ Giang

Published in Diễn đàn