Cuối năm 2017, đài RFI của Pháp đã đưa lên bài "Năm 2017, Donald Trump làm thế giới choáng váng" tóm lược lại những biến cố mà Donald Trump đã làm cho cả thế giới điên đầu trong năm vừa qua. Mở đầu, tác giả viết : "Bất ngờ đắc cử tổng thống của cường quốc số một thế giới với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên", ông Donald Trump với tính khí khó lường đã có một năm 2017 gây náo động thế giới bởi những quyết định chưa từng có, khi thì tấn công vào cả hệ thống thế giới đa phương, lúc thì không ngần ngại châm ngòi làm bùng nổ rối loạn ở nơi này nơi kia".
Trump tin rằng mình là Tề Thiên Đại Thánh có thể hô phong hoán vũ
Nhà phân tích Barbara Slavin, thuộc cơ quan tư vấn Atlantic Council, nhận thấy "có vẻ như ông Trump nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của nước Mỹ là đủ để cho phép làm bất cứ điều gì họ muốn". Thế nhưng, theo chuyên gia này, "Hoa Kỳ chỉ thực sự là cường quốc khi hành động làm sao để tạo ra đồng thuận quốc tế".
Trong thực tế, Trump tin rằng mình là Tề Thiên Đại Thánh có thể hô phong hoán vũ !
Một biến cố bất thường mới
Với đầu óc ấu trĩ, ngày 1/1/2018 trong tweet đầu tiên của năm 2018 Trump lại gây ra một biến cố bất thường khác. Ông viết :
"Hoa Kỳ đã hào phóng cho Pakistan hơn 33 tỷ USD viện trợ trong 15 năm qua, và họ cho chúng tôi không có gì ngoài sự lừa dối và lừa đảo, nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của chúng tôi là những kẻ ngốc. Họ cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ khủng bố mà chúng tôi săn lùng ở Afghanistan, cùng với một phần sự giúp đỡ. Không còn nữa (về vấn đề viện trợ) !"
Các nhà phân tích nói rằng Donald Trump thường không hiểu gì về những vấn đề ông ta muốn nói hay chỉ hiểu một cách nông cạn về những vấn đề ông ta muốn nói và muốn làm, chẳng hạn như sự biến đổi khí hậu, hiệp ước TTP, hiệp ước hạt nhân Iran...
Trong vấn đề Pakistan cũng vậy. Đây là một lời tuyên bố có tính cách chiến thuật, đã được nhiều viên chức Hoa Kỳ phát biểu nhiều lần, nhắm thúc đẩy Pakistan thành công cụ chống Taliban thay cho Mỹ, nhưng với kinh nghiệm đau thương của Việt Nam Cộng Hòa, Pakistan đã tìm cách từ chối. Một lời tuyên bố có tính các chiến thuật như thế thường được giao cho các cấp thuộc quyền trong chính phủ như các cố vấn, các chuyên gia hay một hãng tin nào đó chẳng hạn. Nhưng nay chính Tổng thống Donald đã chụp lấy và la lên để chứng tỏ ta đây mới là "dân chơi cầu bốn cẳng" thứ thiệt !
Tuần trước, tờ New York Times đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Trump đã nghiêm túc cân nhắc liệu có nên chặn lại 255 triệu USD viện trợ cho Islamabad - trước đó đã bị trì hoãn - về sự thất bại của họ trong việc trấn áp các nhóm khủng bố ở Pakistan hay không.
Trump cũng không biết rằng nếu Pakistan trả đũa, Mỹ sẽ gặp khó khăn như thế nào !
Diễn biến đưa tới biến cố
Ngày 25/12/1979, Quân đoàn 40 của Liên Xô bắt đầu tiến vào Afghanistan để bảo vệ chế độ Karmal. Để chống lại Liên Xô, năm 1980 CIA bắt đầu giúp quân kháng chiến Mujahideen. Osama Bin Laden đã đưa quân tới Afghanistan để tham chiến. Thấy Bin Laden có khả năng và có quyết tâm, CIA đã huấn luyện Bin Laden về tình báo và chiến đấu có kỷ thuật cao để chống lại Liên Xô.
Với sự giúp đỡ của CIA, Bin Laden thành lập những trại huấn luyện riêng của mình và trong 2 năm đã xây dựng được 6 trại. Hoa Kỳ đã viện trợ vũ khí và phương tiện cho Bin Laden, nhờ vậy ông đã trực tiếp điều khiển các binh sĩ mở 5 trận đánh lớn với quân Liên Xô và hàng trăm trận giao tranh lẻ tẻ, làm quân Liên Xô điêu đứng. Rõ ràng Bin Laden là con đẻ của CIA.
Không chống nổi quân Mujahideen, tháng 4 năm 1988, Liên Xô đã phải ký Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh và rút quân Liên Xô khỏi Afghanistan năm 1989. Sau khi Liên Xô rút, Mỹ đã bỏ rơi Afghanistan, không hề giúp chính phủ mới xây dựng lại đất nước.
Ngày 2/8/1990, Tổng thống Saddam Hussein của Iraq đã đem quân xâm lược Kuwait, Bin Laden đề nghị đưa 4.000 quân Mujahideen của ông từ Afghanistan về bảo vệ Saudi Arabia, nhưng bị bác bỏ. Chỉ vài tuần sau, Hoa Kỳ tiến vào Saudi Arabia để giải phóng Kuwait khiến Bin Laden bất mãn vô cùng. Ông cho rằng vấn đề của người A-rập phải để người A-rập giải quyết với nhau, Hoa Kỳ không được can thiệp vào. Từ đó, Bin Laden bắt đầu chống Mỹ.
Ngày 11/9/2001, một loạt bốn vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại Hoa Kỳ làm 2.996 người chết, hơn 6.000 người khác bị thương, gây ra thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỉ USD và gây tổn thất tổng cộng 3 nghìn tỷ USD. Lúc đầu, Bin Laden, thủ lĩnh của al-Qaeda, phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ tấn công này, nhưng vào năm 2004 ông nhận trách nhiệm.
Tổng thống Mỹ George W. Bush đã yêu cầu chính quyền Taliban ở Afghanistan giao nộp Bin Laden và trục xuất al-Qaeda, nhưng Taliban đã từ chối, trừ khi Mỹ có bằng chứng Bin Laden có dính líu đến vụ 9/11. Ngày 7/10/2001 Tổng thống Bush ra lệnh tấn công Afghanistan.
Tầm quan trọng của Pakistan
Bản đồ Pakistan - Afghanistan
Nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy Afghanistan có đường biên giới dài với Pakistan ở phía nam và phía đông, Iran ở phía tây, Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan ở phía bắc, và Trung Quốc ở khu vực viễn đông bắc. Như vậy Mỹ muốn đem quân vào đánh Afghanistan, chỉ còn một con đường duy nhất là từ Ấn Độ Dương di qua Pakistan. Vì thế, Pakistan trở thành quan trọng đối Mỹ.
Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, Pakistan đã trở thành đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ đã chuyển quân đội, võ khí và hậu cần vào các cơ sở quân sự của Pakistan rồi từ đó chuyển vào Afghanistan. Tuy nhiên, theo cam kết, Mỹ không được dùng các căn cứ ở Pakistan để tấn công Taliban dù ở trên đất Afghanistan hay Pakistan. Riêng Pakistan đã mở nhiều cuộc hành quân để ngăn chận quân Taliban tràn qua biên giới.
Kể từ năm 2002, Mỹ đã thông qua Quỹ Hỗ trợ Liên minh (CSP-Country Strategy Paper) để hỗ trợ Pakistan trong cuộc chiến với ngân sách hàng năm khoảng 1 tỷ USD. Qua quỹ này, Mỹ đã hỗ trợ về quân sự và kinh tế cho Pakistan, đồng thời hoàn trả chi phí các hoạt động quân sự của Pakistan tại các khu vực bộ lạc giáp biên giới Afghanistan.
Vài nét về Taliban
Quân Taliban phát xuất từ bộ tộc Pashtun. Theo ước lượng của CIA, tại Afghanistan, bộ tộc này chiếm 42% trên 29 triệu dân số, còn ở Pakistan, khoảng 15,42% trên 174 triệu dân số. Đây là sắc tộc đã lãnh đạo Afghanistan sau khi Liên Xô bỏ chạy năm 1989 và nhiều người tin rằng sau khi Mỹ rút, Taliban sẽ trở lại lãnh đạo Afghanistan.
Khoảng 27 triệu người Pashtun ở Pakistan và 3 triệu người Pashtun tản cư từ Afghanistan qua Pakistan đang định cư tại vùng biên giới là môi trường hoạt động tốt của Taliban. Thung lũng Swat nằm sát biên giới Afghanistan là sào huyệt hay "an toàn khu" của Taliban.
Khu vực cư trú của bộ tộc Pashtun giữa Afghanistan và Pakistan
Phong trào này do Mullah Mohammed Omar lãnh đạo đang thực hiện một cuộc chiến du kích và chiến dịch khủng bố kéo dài chống lại chính quyền hiện tại của Afghanistan và các lực lượng NATO.
Vì bộ tộc Pashtun sống giữa biên giới Afghanistan và Pakistan, trong khu núi rừng hiểm trở nên quân Taliban thường chạy về phía Pakistan mỗi khi bị càn quét ở Afghanistan. Có khi quân Taliban ở đây lên tới gần 30.000 người.
Khó khăn của Pakistan
Không phải sau khi cơ quan tình báo Hoa Kỳ bắt và giết trùm khủng bố Osama bin Laden trên đất Pakistan mới xẩy ra sự căng thẳng giữa Pakistan và Hoa Kỳ. Chuyện này đã xẩy ra ngay từ khi Mỹ và NATO tiến quân vào Afghanistan năm 2001.
Quân Taliban ở Pakistan
Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Pervez Musharaff phải mở cuộc hành quân vào thung lủng Swat ở phía tây bắc Pakistan, nhất là ở vùng biên giới Afghanistan và Pakistan, để tiêu diệt quân Taliban, nhưng tướng Musharaff từ chối vì các lý do chính sau đây :
- Lực lượng Pakistan không đủ khả năng làm điều đó.
- Pakistan không tin Mỹ sẽ thành công ở Afghanistan. Trong lịch sử, chưa có nước nào thành công khi xâm chiếm Afghanistan.
- Kháng chiến Taliban đã dọa nếu Pakistan tham gia cuộc chiến, họ sẽ biến Pakistan thành một biển máu. (Có một thời gian Taliban đã làm như vậy, gây kinh hoàng cho Pakistan nên Pakistan phải ngưng các cuộc hành quân).
- Dù bất cứ lực lượng nào sẽ tồn tại ở Afghanistan sau cuộc chiến, Pakistan vẫn phải giữ những giao hảo tốt vì quyền lợi của Pakistan ở trong vùng.
Bị áp lực của Mỹ, ngày 18/8/2008, Tổng thống Pervez Musharaff phải từ chức. Ông Asif Ali Zardari, chủ tịch Đảng Nhân Dân được bầu làm Tổng thống và ông Yousaf Raza Gillani thuộc đảng này được chỉ định làm Thủ tướng.
Đến năm 2009, Taliban đã kiểm soát toàn bộ thung lũng Swat. Chính phủ mới phải ký một thỏa ước hòa bình với quân Taliban tại Swat, cho phép áp dụng luật Sharia tại khu vực này. Hành động này đã bị Mỹ chỉ trích kịch liệt.
Mỹ muốn Pakistan trở thành con bài thí
Kể từ năm 2009, Mỹ đã viện trợ cho Pakistan mỗi năm 1,2 tỷ USD để mua vũ khí trang bị cho quân đội Pakistan. Hiện nay, quân đội Pakistan có khoảng 619.000 người trong lực lượng chính quy và 302.000 người trong lực lượng bán vũ trang và biên phòng. Bị áp lực của Hoa Kỳ, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani đã ra lệnh mở các cuộc tấn công vào an toàn khu của Taliban, nhưng ông nói : "Đây không phải là một cuộc chiến bình thường. Đó là chiến tranh du kích. Đó là cuộc chiến của riêng chúng tôi. Một cuộc chiến vì sự sống còn của đất nước".
Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về quan hệ với Pakistan, tướng Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tố cáo Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đã hỗ trợ mạng lưới cực đoan Haqqani lên kế hoạch và thực hiện vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan và cả vụ đánh bom làm 77 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Ông này còn tiết lộ Mỹ có nguồn tin đáng tin cậy về việc Haqqani, với sự giúp đỡ của ISI, đã thực hiện vụ tấn công hôm 28/6/2011 vào khách sạn Inter-Continental ở Kabul và một vài vụ nhỏ lẻ khác.
Ít ai tin rằng chuyện đó có thật. Những lời tuyên bố của tướng Mike Mullen chỉ nhằm thúc đẩy quân đội Pakistan trở thành một công cụ chống lại Taliban của Mỹ và biến Pakistan thành một con bài thí trong một cuộc chiến mà Mỹ biết không bao giờ thắng được, rồi đổ lỗi cho Pakistan để rút quân như Mỹ đã đối xử với Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến Việt Nam.
Ngày 23/9/2011, bà Rabbani Khar, Ngoại trưởng Pakistan, cảnh báo cáo rằng Mỹ đang đối mặt với nguy cơ mất mối quan hệ đồng minh sau khi Washington chỉ trích Islamabad theo đuổi chính sách "xuất khẩu bạo lực" và Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) ủng hộ lực lượng cực đoan tấn công binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Tuyên bố từ New York, nơi bà đang tham dự phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, bà Khar nói : "Bất cứ câu nói nào được công khai đưa ra để chỉ trích, để làm bẽ mặt một đồng minh, một đối tác là không thể chấp nhận được".
Con đường Pakistan đang chọn ?
Sự giận dữ đã lên cao khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách về Afghanistan hôm 21/8, chỉ trích đích danh Pakistan là dung dưỡng cho khủng bố, cung cấp "nơi trú ẩn an toàn" cho khủng bố và dọa cắt tài trợ cho Pakistan.
Các giới chức cũng như các chức sắc tôn giáo Pakistan ngay lập tức có phản ứng kịch liệt, cho rằng Mỹ không nên lấy Pakistan là kẻ giơ đầu chịu báng cho thất bại của quân đội Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan. Một nhóm giáo sĩ kêu gọi Chính phủ Pakistan rút khỏi liên minh trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động.
Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Ahsan Iqbal tuyên bố : "Không có quốc gia nào trên thế giới hành động nhiều hơn Pakistan trong việc chống khủng bố hay cam kết nhiều hy sinh vì điều đó. Do vậy, chúng tôi bác bỏ những tuyên bố cáo buộc Pakistan dung dưỡng khủng bố, vì chúng tôi cũng là nạn nhân lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi muốn một tương lai thịnh vượng và để có điều đó, chúng tôi không chỉ cần hòa bình ở biên giới mà cũng cần hòa bình trên toàn khu vực. Đó là lý do chúng tôi tin tưởng tham gia cùng các nước láng giềng, đóng vai trò trong việc mang lại hòa bình cho khu vực".
Thủ Tướng Gilani đã từng nói rằng thực tế đây là cuộc chiến vì áp lực của Hoa Kỳ. Pakistan đang khai triển khoảng 15.000 quân để đối đầu với khoảng 4 hay 5 ngàn chiến binh Taliban. Cuộc chiến từ Afghanistan đã lan vào Pakistan và toàn đất nước Pakistan đang bị biến thành biển máu như Taliban đã đe dọa. Vì bất đắc dĩ phải đi theo Mỹ, đã có 30.452 người Pakistan bị giết.
Thủ tướng Musharraf còn nhấn mạnh rằng al-Qaeda, Taliban không là mối đe dọa cho Pakistan. Phát biểu tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp, ông Musharraf nói : "Khi chúng tôi có một lực lượng vũ trang của Pakistan với 500.000 binh sĩ hiện dịch và trừ bị, tôi nghĩ rằng al-Qaeda hoặc Taliban không thể nào có thể chiếm được Pakistan".
Cuộc chiến chống khủng bố đã gây thiệt hại 118 tỷ USD cho nền kinh tế Pakistan trong 14 năm, tương đương hơn 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Nam Á này.
Nhà kinh tế Shahid Siddiqi cho biết, thiệt hại về kinh tế do cuộc chiến chống khủng bố đối với nền kinh tế Pakistan trong năm 2011 ước tính là 8,5% GDP trong khi số tiền hỗ trợ mà Pakistan nhận được chỉ là 0,2% GDP.
Mỹ khó bỏ Pakistan được
Các nhà phân tích đều tin rằng mặc dầu đã lên án Pakistan với giọng đao to búa lớn, các nhà chiên lược Mỹ sẽ không để cho Donald Trump bỏ Pakistan vì ba lý do chính sau đây :
- Lý do thứ nhất, không có Pakistan Mỹ không thể tiếp tục chiến đấu ở Afghanistan được vì các cơ sở hậu cần và tiếp vận không còn.
- Lý do thứ hai, Pakistan có thể liên kết với các quốc gia Hồi giáo trong vùng, hình thành một khu vục chống Mỹ ở Nam Á Châu.
- Lý do thứ ba là Trung Quốc sẽ đến thay Mỹ và mở rộng con đường tơ lụa trong vùng này. Ngày 20/4/2015, Pakistan và Trung Quốc đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện.
Biết rõ thế kẹt của Mỹ, quân đội Pakistan tuyên bố xem xét khả năng đóng cửa biên giới với Afghanistan và cảng Karachi. Hôm 7/1/2018, lãnh đạo phe đối lập Imran Khan yêu cầu chính phủ trả đũa, không chấp nhận để "quân đội Mỹ sử dụng miễn phí cơ sở hạ tầng của Islamabad".
Như thường lệ, Trump chỉ dùng đao to búa lớn để chứng minh ta đây cũng là "tay chơi cầu bốn cẳng" như ai chứ chẳng biết gì cả. Nhóm tài phiệt Mỹ đang sử dụng Donald Trump để thực hiện các kế hoạch bảo vệ quyền lợi của họ, trong đó có quyền lợi của giới tài phiệt quốc phòng ở Afghnistan. Khi nhiệm vụ hoàn hoàn tất, số phận con rối Donald Trump rồi cũng sẽ được định đoạt.
Ngày 11/1/2017
Lữ Giang