Các báo giấy của Pháp trở lại sau ngày nghỉ lễ với chủ đề quốc tế chính là hai sự kiện : Một năm sau ngày Mỹ và đồng minh phương Tây rút quân khỏi Afghanistan. Nhà văn Salman Rushdie bị mưu sát sau hơn ba chục năm bị đeo bám bởi "giáo lệnh" của lãnh tụ Hồi giáo Iran Khomeyni, đòi lấy mạng ông chỉ vì vài chi tiết liên quan đến nhà tiên tri Mohammed trong cuốn tiểu thuyết của ông.
Người dân Afghanistan tại Kabul, Afghanistan, ngày 13/02/2022. AP - Hussein Malla
Afghanistan một năm sau khi Taliban trở lại cai trị đất nước là sự kiện chính của nhật báo công giáo La Croix. Theo tờ báo, đó là một đất nước tiếp tục chìm sâu vào đói nghèo, bị quốc tế cô lập, thân phận của người phụ nữ ngày càng tồi tệ hơn bởi các luật lệ hà khắc của Taliban.
Người dân Afghanistan sống sót thế nào dưới chế độ của Taliban là mối quan tấm chính của La Croix. Phóng viên của La Croix ghi nhận, từ ngày 15/08/2021, ngày Taliban trở lại thủ đô Kabul cũng là ngày họ chính thức nắm chính quyền kiểm soát đất nước. Từ đó đến nay, người Afghanistan phải đối mặt với hàng loạt các lệnh cấm trong đời sống hàng ngày. Đại đa số dân sống dưới ngưỡng nghèo đói, chỉ biết trông đợi vào viện trợ khẩn cấp, trong khi đó nguồn viện trợ phát triển vẫn bị các trừng phạt quốc tế phong tỏa. Các nguồn cứu trợ cho người dân Afghanistan không thiếu, nhưng luôn vấp phải những trở ngại từ cấm vận kinh tế. Theo La Croix, từ một năm nay, khủng hoảng kinh tế kịch phát ở Afghanistan. Các định chế ngân hàng bị tê liệt đặt ra nhiều thách thức cho các tổ chức nhân đạo.
Còn với chính quyền ? Trong bài "Một Nhà nước bị cắt khỏi hệ thống tài chính quốc tế", La Croix ghi nhận : Từ khi Taliban lên nắm quyền, ngân sách quốc gia đã giảm đi 3 lần. Aghanistan không còn được nhận viện trợ nước ngoài, ngân hàng trung ương bị phong tỏa tài sản. Để có tiền chi tiêu, chế độ Taliban giờ chủ yếu trông chờ vào nguồn thu thuế ở biên giới.
La Croix cho biết : "Từ một năm nay, Afghanistan phải đối mặt với hàng loạt cú sốc, đất nước chìm sâu vào trong hoàn cảnh kinh tế thê thảm".Viện trợ của phương Tây bị ngừng, đồng tiền mất giá, lạm phát tăng vọt, 30% từ tháng 8/2021 theo Ngân Hàng Thế Giới. Thu nhập trung bình của người dân bị giảm một nửa, trong khi đó 70% hộ gia đình sống trong nghèo khó.
Hiện có khoảng 9 tỷ đô la dự trữ của Afghanistan nằm ở nước ngoài, trong đó riêng ở Hoa Kỳ là 7 tỷ. Nguồn tiền này đã bị phong tỏa. Taliban tìm nhiều cách để thương lượng thu hồi, nhưng tháng 2 năm nay, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh lấy một nửa số tiền trên để bồi thường cho các nạn nhân của loạt vụ khủng bố 11/09.
Nhật báo kinh tế Les Echos có bài : "Afghanistan nghèo và khép kín hơn bao giờ hết một năm sau Kabul thất thủ".
Tờ báo ghi nhận, sau một năm cầm quyền, rõ ràng Taliban đã thất bại, không thể khôi phục trở lại nền kinh tế Afghanistan, chỉ còn trông đợi vào viện trợ nhân đạo.
Về chính trị, vẫn theo Les Echos, đến giờ không có một nước nào công nhận chính thức chế độ Taliban ở Afghanistan, dù có thực dụng đến thế nào. Những tháng gần đây, một số nước phương Tây mở văn phòng đại diện là vì muốn duy trì các liên lạc, tiếp xúc với "chính quyền thực tại" trên các hồ sơ như khủng bố, di dân và viện trợ nhân đạo.
Một sự kiện khác làm náo động truyền thông quốc tế từ vài ngày qua đó là vụ mưu sát nhà văn Salman Rushdie, tác giả cuốn tiểu thuyết "Những vần thơ của quỷ Satan". Tác phẩm văn học của ông bị người Hồi giáo coi là sự báng bổ với nhà tiên tri Mohammed của họ và cũng vì thế mà ông bị treo án tử cách đây 33 năm bởi một giáo lệnh fatwa của lãnh tụ tôn giáo tối cao Iran Khomeyni.
Nhật báo Le Figaro nhận định : "Vụ mưu sát Salman Rushdie, những mập mờ của chế độ Iran". 33 năm sau giáo lệnh fatwa của giáo chủ Khomeyni kết án tử hình tác giả của "Những vần thơ của quỷ Satan", chính quyền Iran phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công nhà văn hôm 13/08 vừa rồi tại New York. Tuy nhiên, Le Figaro nhận thấy, "30 năm sau mối hận thù của chế độ Iran vẫn dai dẳng".
Le Figaro cho biết, mặc dù còn phải làm sáng tỏ động cơ của kẻ tấn công Salman Rushdie, nhưng rõ ràng sự hận thù vẫn dai dẳng bám đuổi nhà văn người gốc Ấn Độ, từ khi fatwa được tuyên bố cách đây hơn 30 năm. Dường như chính sự hận thù đó đã khích lệ kẻ tấn công người gốc Lebanon, Hadi Matar, ra tay hành động.
Tờ báo nhắc lại, khi Salman Rushdie xuất bản cuốn tiểu thuyết "Những vần thơ của quỷ Satan" năm 1988, chắc hẳn ông không nghĩ là cuộc sống của mình sẽ bị gặp nguy hiểm như vậy. Vừa ra mắt tại Anh, cuốn sách đã gây một phản ứng dữ dội theo dây chuyền lớn chưa từng có trong thế giới Hồi giáo. Đã có nhiều cuộc biểu tình lớn của người Hồi giáo ở khắp nơi trên thế giới, đốt sách và đòi "treo cổ Rushdie". Các cơ sở Mỹ ở khắp nơi bị tấn công. Vài tháng sau, tháng 02/1989, giáo chủ Khomeyni đổ thêm dầu vào lửa, ra giáo lệnh kêu gọi đồng thời treo thưởng 3 triệu đô la cho bất kỳ người Hồi giáo nào trên thế giới giết chết nhà văn, bị coi là kẻ báng bổ đạo của họ. Vào thời điểm đó, giáo chủ Khomeyni đang nắm quyền sau khi vua Iran bị lật đổ trước đó 10 năm, tìm cách khẳng định tiếng nói và vai trò của mình trong thế giới Hồi giáo cũng như trên trường quốc tế. Theo nhiều chuyên gia, đó là một trong những lý do chính để vị giáo chủ Iran này ra giáo lệnh nói trên. Nhưng thông điệp của giáo chủ Iran đã gây một hiệu ứng lây lan chưa từng có trên khắp thế giới. Tất cả những gì liên quan đến cuốn sách và tác giả đều bị những kẻ cuồng tín nhất tấn công. Trong đó đặc biệt có vụ dịch giả cuốn sách người Nhật bị sát hại. Tác giả Salman Rushdie phải sống trong bí mật và được bảo vệ an ninh. Thời gian trôi đi, cùng những thay đổi chính trị, năm 2002 nhà văn được trở lại cuộc sống gần bình thường, vẫn đưới sự bảo vệ của an ninh Mỹ. Thế nhưng lưỡi hái tử thần của fatwa vẫn treo lơ ửng trên đầu nhà văn.
Xã luận báo La Croix đánh giá "Salman Rushdie là một biểu tượng sống cho cuộc đấu tranh vì tự do ngôn luận. Dưới sự đe dọa của khủng bố, ông vẫn tiếp tục bảo vệ cái quyền thiết yếu cho phẩm giá con người và cho đời sống xã hội".
Trong khi đó, báo Libération đăng tải những ý kiến của nhà văn tại một số nước ca ngợi đồng nghiệp Rushdie là một nhà văn can đảm, đã không nhân nhượng chút nào trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tạo của nhà văn.
Một thông tin khác được các báo đều chú ý nhiều đó là bảng xếp hạng đại học Thượng Hải vừa công bố hôm qua (15/08). Điểm được các báo Pháp chú ý tất nhiên là thứ hạng của các trường đại học của Pháp. Theo Les Echos, các đại học Pháp một lần nữa lại tụt thêm vài bậc.
Bảng xếp hạng thứ hạng đại học của 1000 trường đại học trên thế giới được công bố hàng năm là một chỉ số tham chiếu quan trọng để đánh giá trình độ, phục vụ cho việc cạnh tranh thu hút sinh viên của các trường đại học trên thế giới. Năm nay, nước Pháp vẫn giữ được bốn trường nằm trong top 100, nhưng số trường này có tụt hạng đôi chút so với năm ngoái. Paris Saclay là trường đại học duy nhất của Pháp nằm trong top 20. Trong nhóm này, Mỹ có 15 trường, Anh có 3 trường và Thụy Sĩ có 1 trường. Đại học Sorbonne, danh giá một thời ở Pháp cũng như trên thế giới, giờ xếp hạng thứ 43, lùi 8 hạng so với năm ngoái.
Anh Vũ
Cứ mỗi lần nghĩ đến Afghanistan, tôi lại thấy hiện ra chiếc áo Burqa trùm kín người phụ nữ từ đầu đến chân. Nếu bóng tối đang phủ trùm lên xã hội Afghanistan, thì số phận của người phụ nữ càng tăm tối hơn. Người phụ nữ trong chế độ Taliban chẳng khác nào những thây người biết đi. Bị khinh miệt và đẩy ra bên lề xã hội, họ có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Sáng nay, (thứ Hai 6/9/2021), đọc một bản tin trên BBC, thấy buồn quá. Theo bản tin, hôm thứ Bảy 4/9 vừa qua, một phụ nữ có mang tám tháng tại thủ phủ của tỉnh Ghor, miền trung Afghanistan, đã bị ba tay súng bắn hạ ngay trước mặt người chồng và con cái của bà. Được biết người phụ nữ này là một cảnh sát viên đã từng làm việc trong một nhà tù tại địa phương dưới thời chế độ cũ (1).
Người phụ nữ trong chế độ Taliban chẳng khác nào những thây người biết đi. Bị khinh miệt và đẩy ra bên lề xã hội, họ có thể bị giết chết bất cứ lúc nào.
Cái chết của người nữ cảnh sát viên trên đây quả là thê thảm. Nhưng cứ nghĩ đến những vụ ném đá những người phụ nữ bị bắt vì ngoại tình trong chế độ Taliban, tôi không thể không cảm thấy rùng mình. Bị chặt đầu, treo cổ, xử bắn hay chích thuốc độc... ít ra cuộc sống có thể được kết liễu một cách nhanh chóng. Nhưng bị một đám đông đàn ông dùng đá ném vào tứ chi cho đến tắt thở, có lẽ chẳng có cuộc hành quyết nào dã man và khủng khiếp hơn. Biết đâu, nhìn lên cái đám lý hình đang ném đá mình, người phụ nữ lại chẳng thấy có thủ phạm của hành động ngoại tình ?
Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, một chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Việt đã từng làm việc nhiều năm tại Afghanistan, cho rằng xã hội Taliban là một xã hội thời Trung Cổ bên Châu Âu. Thật ra, xã hội Taliban còn thụt lùi đến cả hơn 2 ngàn năm trước. Có lẽ người tín hữu Kitô nào cũng đều thuộc nằm lòng câu chuyện được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan 8, 1-11. Cũng có một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Cũng có một đám đông hậm hực chờ đợi để được ném đá người phụ nữ. Chỉ khác một điều là sau khi Chúa Giêsu nêu lên một câu hỏi xoáy vào tim gan của đám đông : "Ai trong các ngươi là người sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi", mọi người đều từ từ rút lui, bắt đầu từ những người lớn tuổi hơn cả.
Tôi luôn xem câu chuyện trên đây là cốt lõi của Kitô giáo. Khoan nhượng, cảm thông, bao dung, tha thứ... suốt cuộc đời của Ngài và nhứt là qua cái chết của Ngài, có lẽ Chúa Giêsu chỉ muốn dạy có thế. Nhưng dường như đó là món ăn tinh thần khó tiêu hóa nhứt đối với Kitô giáo.
Cho đến giữa thập niên 1950, tức lúc tôi vừa có trí khôn, qua các sinh hoạt tôn giáo trong xóm đạo của tôi, tôi nhận thấy dường như Giáo hội của tôi vẫn còn dậm chân ở thời Trung Cổ hay ngay cả quay trở lại cái thời mà chuyện người phụ nữ bị ném đá vẫn còn thịnh hành. Tôi vẫn nhớ rõ như in cái cảnh sau những buổi đọc kinh trưa ngày chúa nhựt, một người phụ nữ nào đó rụt rè bước ra giữa nhà thờ để lí nhí một câu gì đó mà chẳng ai nghe được, nhưng từ lớn chí bé, ai ai cũng hiểu rằng người phụ nữ đó xưng thú rằng mình đã trải qua cái cảnh "không chồng mà chửa mới ngoan". Dường như cả cộng đồng lấy làm thích thú để nghe một lời tự thú như thế và già trẻ lớn bé, chẳng ai thắc mắc tự hỏi : thế còn người đàn ông, cha của đứa con ngoại hôn là ai và đang ở đâu ? Trong xóm đạo của tôi, chửa hoang hay ngoại tình là một tội rất nặng và chỉ là tội của người phụ nữ mà thôi. Nếu lỡ có mang ngoài hôn phối thì hoặc là phải cuốn gói trốn đi một nơi khác hoặc gồng mình ra đầu thú trước mặt cộng đồng. Mãi cho đến năm 1965, một linh mục người Pháp được cử về làm quản xứ mới bãi bỏ cái tập tục dã man này.
Ra đầu thú trước cộng đồng là một cuộc "ném đá" tương đối nhẹ. Mẹ tôi kể rằng thời xa xưa, việc chửa hoang của người phụ nữ được phát giác rất sớm và chính mấy ông "chức việc", tức các "cảnh sát tôn giáo" trong xóm đạo, đã lôi người phụ nữ đến một bãi đất công trước nhà thờ, rồi đào một cái lỗ vừa khít cho cái bụng chửa để người phụ nữ có thể nằm sấp và dùng roi đánh vào mông của thai phụ. Dĩ nhiên, với sự chứng kiến hào hứng và vui thích của đám đông. Chuyện có khác gì những "tòa án nhân dân" xử những người đàn bà phạm tội ngoại tình thời Chúa Giêsu hay trong xã hội Taliban đâu.
Chuyện người phụ nữ ngoại tình bị kết án, ruồng rẫy và loại trừ ra khỏi xã hội có lẽ là chuyện thường ngày ở huyện trong các cộng đồng Kitô giáo tại các nước phương Tây trong các thế kỷ trước. Nhà văn Mỹ Nathanael Hawthorne (1804-1864) đã lên án thói tục dã man ấy trong quyển tiểu thuyết có tựa đề "Chữ đỏ thẫm" (The Scarlet Letter). Cộng đồng Kitô giáo được tác giả dùng làm bối cảnh cho câu chuyện là giáo phái Thanh giáo (Puritans). Xuất phát từ Giáo hội Anh giáo tại Anh Quốc vào Thế kỷ 17, các cộng đồng Thanh giáo cho rằng Giáo hội Anh giáo quá gần gũi với Giáo hội Công giáo La Mã. Họ muốn loại bỏ những thực hành và nghi lễ nào không bắt nguồn từ Kinh Thánh. Và một trong những thực hành theo Kinh Thánh Cựu Ước mà họ muốn tái lập là loại trừ những người phụ nữ ngoại tình ra khỏi cộng đồng. Nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết "Chữ đỏ thẫm" là một thiếu phụ trẻ mà người chồng bị xem là mất tích trên biển. Trong thời gian chờ chồng, chị đã đi lại với chính vị mục sư trẻ trong cộng đồng. Kết quả của cuộc tình này là một đứa trẻ đã ra đời mà không ai biết được cha nó là ai. Người thiếu phụ đã bị "tòa án" của cộng đồng kết án phải đứng dựa vào một cột cờ ba tiếng đồng hồ để cho đám đông đến sỉ vả. Ngoài ra, chị còn bị bắt phải suốt đời mang trên áo mình một tấm vải có viết chữ "A". "A" có nghĩa là "Adulterer", kẻ ngoại tình. Điều oái oăm là vị mục sư trẻ, cha của chính đứa bé, lại là người đã cùng với vị mục sư chính của cộng đồng thẩm cung người thiếu phụ để tìm cho ra ai là cha của nó. Nhưng chị cương quyết không tiết lộ danh tánh của người tình của mình và chấp nhận sống lưu vong trong một khu ngoại ô của thành phố. Không một người nào, ngay cả người cha của đứa trẻ, tức vị mục sư trẻ được xem là một nhà "thuyết giảng thánh thiện" trong cộng đồng, muốn tiếp xúc với chị (2).
Một cặp tình nhân ngoại tình thời Trung Cổ bị đánh đập và xua đuổi ra khỏi cộng đồng – Tranh minh họa của họa sĩ Jules Arsène Garnier
Mặc dù đã cáo chung vào khoảng năm 1740, Thanh giáo vẫn tiếp tục tạo được một ảnh hưởng lớn trên rất nhiều Giáo hội Tin lành và nền văn hóa Mỹ. Nhà chính trị học nổi tiếng của Pháp là Alexis de Tocqueville (1805-1859), sau một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trong thập niên 1830 đã ghi nhận : "Tôi nghĩ rằng tôi có thể nhìn thấy toàn bộ định mệnh của Hoa Kỳ trong những tín đồ Thanh giáo đầu tiên đã đặt chân đến vùng đất này". Hai thế kỷ sau, nếu trở lại Hoa Kỳ, có lẽ ông de Tocqueville vẫn giữ nguyên nhận định của ông về ảnh hưởng của Thanh giáo trong văn hóa và nhứt là chính trị Mỹ ngày nay (3), nhứt là kể từ khi một người như ông Donald Trump được bầu làm nguyên thủ quốc gia.
Donald Trump, một người mà luật sư Nguyễn Hoàng Duyên ở Mỹ thường gọi là kẻ phạm không trừ một "giới răn" nào trong Mười giới răn mà Thiên Chúa đã truyền dạy cho tổ phụ Môi Sen của người Do Thái vào Thế kỷ thứ 13 trước Công nguyên, không ngừng rêu rao chấn hưng đạo đức và những giá trị truyền thống. Một trong những lá bài thu hút nhứt trong chương trình chấn hưng đạo đức của ông là chống phá thai. Các cử tri bảo thủ như Tin lành và ngay cả Công giáo đã tung hô ông như người được Thiên Chúa "tuyển chọn".
Hiện các chính trị gia Mỹ cũng đang "ăn theo" chiêu bài này. Điển hình là mới đây Tiểu bang Texas do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã ban hành một luật chống phá thai gây nhiều tranh cãi. Một trong những điểm trong luật chống phá thai này khiến tôi liên tưởng đến luật Hồi giáo Sharia của Taliban và những thực hành của giáo phái Thanh giáo : luật hứa một phần thưởng hậu hĩ cho những người chỉ điểm. Cụ thể, bất cứ ai nộp đơn kiện một trung tâm phá thai đều có thể được thưởng 10.000 Mỹ kim. Luật cũng khuyến khích người dân tố cáo bất kỳ ai giúp đỡ người phụ nữ phá thai, kể cả những người chỉ đưa người phụ nữ đi phá thai hoặc trợ giúp chi phí cho việc phá thai... (4).
Là một tín hữu Kitô, tôi tôn trọng tính thánh thiêng của sự sống con người từ lúc được cưu mang trong lòng mẹ cho đến lúc chết tự nhiên. Tuy nhiên, là một tín hữu Kitô, tôi cũng được Chúa Giêsu dạy phải luôn biết tỏ ra cảm thông với người phụ nữ, khi vì một lý do bất khả kháng mà chỉ có họ mới biết được, đành phải cắn răng chọn lựa chấm dứt việc mang thai. Mới đây, khi được phỏng vấn trên đài EWTN (Eternal Word Television Network), một đài truyền hình công giáo nổi tiếng tại Mỹ, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc là bà Jane Psaki đã trả lời cho một nam ký giả chống phá thai như sau : "Tôi biết ông đã không bao giphải đối diện với những chọn lựa đó, ông cũng đã chẳng bao giờ mang thai. Còn những người phụ nữ kia, họ đã phải đứng trước những chọn lựa đó. Đây là một chọn lựa vô cùng khó khăn"(5).
Từ chuyện Taliban xử ném đá phụ nữ ngoại tình đến chủ trương loại trừ và bêu diễu họ trong giáo phái Thanh giáo đến luật cấm phá thai của Tiểu bang Texas, tôi nghĩ đến hai chữ "đạo đức". Cũng như Tự Do, "đạo đức" là một từ bị lạm dụng nhiều nhứt. Độc ác và giả nhân giả nghĩa như mấy ông cộng sản Việt Nam mà lúc nào cũng ra rả nào là "đạo đức cách mạng", nào là tấm gương "đạo đức"của Bác Hồ.
Với tôi, cốt lõi của Đạo, dù là đạo nào, phải là sự cảm thông. Thiếu sự cảm thông, thì dù có "đạo đức" cỡ nào đi nữa, tôi e phải mượn lời của một người quen để thốt lên : "đạo đức như quỷ" !
Chu Văn
(07/09/2021)
Chú thích :
1. Taliban accused of killing pregnant police officer
3. Still Puritan after all these years
4. What the Texas abortion ban does and what it means for other states
5. Psaki brushed off a male reporter’s abortion question : "I know you’ve never faced those choices"
Chưa đầy hai tuần sau khi thủ đô Kabul thất thủ, một vụ tấn công tự sát cũng đủ để Taliban và phương Tây buộc phải bắt tay nhau chống khủng bố. Một bên cần được bảo đảm hoàn tất các chương trình di tản và ra đi trong danh dự. Ở phía bên kia, phong trào Hồi giáo cực đoan tại Afghanistan cần đạt mục tiêu "vãn hồi an ninh và hòa bình" sau 20 chiến tranh.
Các chiến binh Taliban tại một chốt kiểm soát bên ngoài sân bay Kabul, Afghanistan, ngày 28/08/2021. AP - Wali Sabawoon
Vụ tấn công hôm 26/08/2021, gần 100 người thiệt mạng ở Kabul, làm dấy lên đe dọa khủng bố. Thủ phạm, "tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan IS-K" thách thức "những ông chủ mới ở Kabul". Đây là yếu tố mở đường cho "Taliban và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn" như ghi nhận của một số nhà phân tích.
Tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại Afghanistan, cho biết đã "liên lạc với Taliban" để tăng cường an ninh và khẳng định các chiến binh Taliban đã "ngăn chận được một số âm mưu khủng bố". Về phía Taliban, theo như ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trong một vài ngày qua, phe này không còn cản trở những chiếc xe ca chở người xin được di tản vào khu vực phi trường.
Trong 20 năm qua, phe Taliban liên tục chiến đấu chống lại các chính quyền liên tiếp ở Kabul do liên quân quốc tế bảo trợ. Taliban cũng đã dễ dàng lên án một chính quyền bù nhìn và bất tài trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho người dân Afghanistan, mỗi khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất. Nhưng giờ đây, một khi làm chủ đất nước, phong trào Hồi Giáo do những sinh viên thuộc sắc tộc Pashtun sáng lập không còn có thể đùn đẩy trách nhiệm cho bất kỳ một thế lực nào khác. Cũng đừng quên rằng một trong những lý do đã khiến Taliban lớn mạnh trên lãnh thổ Afghanistan là hứa hẹn "đem lại hòa bình, bảo đảm an ninh, áp dụng luật Hồi giáo Sharia"
Hơn thế nữa, trong thỏa thuận vãn hồi hòa bình cho Afghanistan ký kết với Mỹ tại Doha-Qatar cuối tháng 2/2020, lực lượng Taliban từng cam kết "không biến Afghanistan thành sào huyệt khủng bố". Cho nên việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan nhận là tác giả vụ tấn công ngày 26/08 là một vố đau đối với Taliban. Chỉ vài giờ sau vụ tấn công, phe này đã phải thanh minh rằng đã "tiêu diệt được tổ chức IS-K ở toàn bộ 34 tỉnh thành trên toàn quốc, nhưng Kabul là một ngoại lệ". Cũng Taliban đã vội vã phủ nhận trách nhiệm khi giải thích rằng khủng bố xảy ra tại một khu vực mà Hoa Kỳ kiểm soát an ninh.
Thêm một dấu hiệu khác cho thấy IS-K thách thức Taliban đó là tổ chức này đã hoàn toàn im lặng, không hoan hỷ chúc mừng Taliban chiếm được Kabul hôm 15/08/2021.
Lý do thứ hai báo trước Taliban và phương Tây có triển vọng hợp tác : "Taliban là một chiếc hộp đen", như chuyên gia Pháp về Afghanistan Gilles Dorronsoro ghi nhận. Ngay trong nội bộ của phong trào cũng có những chia rẽ sâu rộng kể từ sau cái chết của thủ lĩnh là giáo sĩ Omar năm 2015. Phong trào Taliban giờ đây đang bị chia rẽ giữa một bên là phe của giáo sĩ Mansur và bên kia là của một nhóm mang tên "Mặt trận tự sát". Một sự chia rẽ khác nữa liên quan đến các thế hệ trong hàng ngũ Taliban. Một bên thì muốn dừng lại khi đã giành lại được chính quyền ở Afghanistan và bên kia là những thành phần muốn liên kết với các tổ chức Hồi giáo cực đoan, với các nhóm khủng bố khác, đứng đầu là Al Qaeda, để mở rộng ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo ra toàn thế giới, mà trước măt là ở khu vực.
Trong hoàn cảnh đó, nhiều nhà phân tích ghi nhận những phát biểu có vẻ hòa hoãn của Taliban từ hai tuần qua có thể là những tín hiệu đầu tiên cho thấy "hợp tác" với phương Tây, hay rộng hơn là với cộng đồng quốc tế là điều tất yếu, nếu chính quyền sắp tới ở Afghanistan thực sự muốn vãn hồi an ninh và tái thiết đất nước. Như nhà nghiên cứu Adam Baczko, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa học Quốc Gia của Pháp, ghi nhận : Taliban đã chứng tỏ khả năng giành được một thắng lợi quân sự, nhưng đoạn đường còn lại sẽ gian nan không kém.
Thanh Hà
Thanh Phương, RFI, 18/08/2021
Sau hai thập niên tập trung lực lượng để cố đánh bại phe Taliban, các nước phương Tây nay đối diện với một bài toán nan giải : có nên lập quan hệ với tổ chức Hồi giáo toàn thống nay đã trở lại nắm quyền ở Afghanistan ?
Cuộc họp báo đầu tiên của Taliban tại Kabul, Afghanistan, ngày 17/08/2021. Quan hệ sắp tới với chính quyền Taliban đang là vấn đề đau đầu của nhiều nước. AP – Rahmat Gul
Trước mắt, những chủ nhân mới ở Kabul đã nhận được phản hồi tích cực hơn của quốc tế so với thời kỳ cầm quyền với một chế độ tàn bạo 1996-2001. Nga, Trung Quốc, hai thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, và nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ đã hoan nghênh những tuyên bố đầu tiên của phe Taliban.
Trong khi các nước phương Tây ồ ạt di tản các nhà ngoại giao của họ trong sự hỗn loạn, Nga vẫn giữ nguyên đội ngũ ở sứ quán tại Kabul, thậm chí đại sứ Nga hôm qua đã gặp một đại diện của Taliban. Sau cuộc gặp này, ông Dmitri Jirnov khen phe Hồi giáo toàn thống đã tỏ ra "rất có trách nhiệm, rất văn minh". Đối với Moskva, chỉ cần chính quyền Taliban tỏ "dấu hiệu" tích cực bằng việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, là đủ để hai bên có quan hệ tốt.
Trung Quốc, nước cũng duy trì đại sứ quán ở Kabul, thì đã nói ngay là họ sẵn sàng có một mối quan hệ "hữu nghị" với chế độ Taliban.
Nhưng về phần các nước phương Tây, rõ han phản ứng khá là phân tán. Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell hôm qua đã nói không úp mở : "Phe Taliban đã chiến thắng, cho nên chúng ta phải nói chuyện với họ".
Còn cựu thù Hoa Kỳ, do Kabul thất thủ quá nhanh chóng, hiện giờ buộc phải thương lượng với chính quyền Taliban về lịch trình di tản, để bảo đảm an toàn cho những người mà họ muốn đưa ra khỏi Afghanistan. Nhưng hôm qua, Nhà Trắng nhấn mạnh là quan hệ tương lai với Taliban tùy thuộc vào những hành động của họ, nhất là về mặt tôn trọng nhân quyền. Tuy vậy, theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ned Price, Hoa Kỳ sẵn sàng duy trì sự hiện diện ngoại giao ở sân bay Kabul cho đến sau ngày 31/08, tức hạn chót được ấn định cho chiến dịch triệt thoái khỏi Afghanistan, với điều kiện là tình hình phải thật "an toàn".
Tuyên bố này cho thấy là Washington vẫn phần nào để ngỏ một kênh đối thoại với Taliban. Dẫu sao thì nước Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump đã từng đàm phán trực tiếp với Taliban, việc nói chuyện với chính quyền mới ở Kabul cũng chẳng có gì là mới mẻ.
Trong khi đó, thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố là nước ông "không có ý định công nhận một chính phủ Taliban". Còn về phần Anh Quốc, ngoại trưởng Dominic Raab nhìn nhận là "bình thường" thì Luân Đôn không làm việc với phe Taliban. Nhưng do tại Qatar vẫn đang diễn ra các cuộc đàm phán để cố đạt được một chính phủ mang tính đại diện xã hội Afghanistan hơn, ngoại trưởng Dominic Raab cho biết "chúng tôi đang thẩm định xem có khả năng làm cho hòa dịu đi một chế độ sẽ được thiết lập ở Kabul hay không". Tuy vậy, lãnh đạo ngoại giao Anh thừa biết là cơ may đạt đến một chính phủ ôn hòa ở Afghanistan với phe Hồi giáo toàn thống là rất thấp.
Bây giờ phe Taliban đã trở lại nắm quyền, phương Tây càng khó mà gây ảnh hưởng lên phe này. Chỉ có Hoa Kỳ là còn có thể tác động lên các chủ nợ quốc tế của Afghanistan và ban hành các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt lên chế độ mới, đồng thời có thể đặt điều kiện cho các khoản viện trợ cần thiết cho công cuộc tái thiết đất nước Afghanistan bị tàn phá nặng nề do 20 năm chiến tranh.
Chuyên gia Lisa Curtis, nguyên cố vấn của Nhà Trắng về Trung Á và Nam Á dưới thời tổng thống Donald Trump, được hãng tin AFP trích dẫn, cho rằng Washington có thể đặt điều kiện cho việc công nhận chế độ Taliban để gây áp lực lên phe này và buộc họ phải có một chính sách hòa dịu hơn.
Nhưng từ đây cho đến khi Washington bình thường hóa bang giao với Kabul, con đường chắc là sẽ còn rất dài. Như ta đã thấy, phải 20 sau khi Sài Gòn thất thủ, Hoa Kỳ mới thiết lập bang giao với nước Việt Nam Cộng sản và Mỹ phải đợi đến 54 năm sau Cách mạng Cuba 1959 mới mở lại đại sứ quán ở La Havana. Ấy là chưa kể cho đến nay, Washington vẫn chưa tái lập bang giao với Iran sau Cách mạng Hồi giáo 1979.
Để tạo một bộ mặt dễ coi hơn so với trước đây, ngay sau khi nắm chính quyền, phe Taliban đã đưa ra liên tiếp những tuyên bố trấn an thế giới, nào là sẽ hòa giải dân tộc, sẽ không trả thù những người theo chế độ cũ, sẽ tôn trọng nữ quyền,Nhưng thật khó mà tin là những kẻ có đầu óc cuồng tín, cực đoan này sẽ làm đúng những lời hứa đó.
Tuy vậy, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, một số nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, khi cần có thể đẩy vấn đề nhân quyền xuống hàng thứ yếu. Khi ký thỏa thuận rút quân với phe Taliban vào năm 2020, tổng thống Mỹ lúc ấy là Donald Trump có vẻ muốn tìm ra một đồng thuận với phiến quân Hồi giáo, khi nhấn mạnh là lực lượng này vẫn chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, tức là có một kẻ thù chung. Kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của ta. Đơn giản vậy thôi !
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 18/08/2021
********************
Anh Vũ, RFI, 18/08/2021
Các thủ lĩnh của phong trào Taliban thường vẫn là những nhân vật trong bóng tối, như đồng sáng lập, giáo sĩ Omar hay lãnh tụ tối cao Haibatullah Akhundzda. Có một nhân vật vẫn được coi là số 2 của phong trào, xuất hiện thường xuyên và giữ vai trò trung tâm trong lần trở lại này của Taliban là Abdul Ghani Baradar, lãnh đạo chính trị, người đầu tiên tuyên bố chiến thắng trên mạng xã hội. Nhân vật này vừa trở về Afghanistan chuẩn bị cho việc thành lập chính quyền của Taliban.
Abdul Ghani Baradar (giữa) dẫn đầu đoàn Taliban dự hội nghị quốc tế vầ hòa bình cho Afghanistan, Moskva, Nga, ngày 18/03/2021. AP – Alexander Zemlianichenko
Khi các chiến binh Talliban tràn vào thủ đô Afghanistan ngày 15/08, một video của giáo sĩ Abdul Ghani Baradar đã được tung lên mạng xã hội. Mắt nhìn vào ống kính với vẻ tự tin, trước lá cờ trắng của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, Baradar tuyên bố chào mừng thắng lợi của phong trào.
Abdul Ghani Baradar, từ lâu nay là một gương mặt ôn hòa của phong trào Hồi giáo cực đoan này, đã trở lại sau 20 năm lưu vong. Đằng sau gương mặt một lãnh đạo chính trị của Taliban, ẩn giấu một chỉ huy quân sự dày dạn, có niềm tin tôn giáo tuyệt đối, theo cách thế giới phải theo ông ta.
Baradar sinh năm 1968 tại tỉnh Uruzgan, miền nam Afghanistan, nhưng lại lớn lên ở Kandahar, cái nôi của phong trào Talibban. Cũng như nhiều người Afghanistan, cuộc đời của ông đã chuyển sang ngả mới do cuộc xâm lược của Liên Xô năm 1979. Ông trở thành một chiến binh thánh chiến Moudjahidin. Vào thời điểm đó Abdul Ghani Barardar chiến đấu bên cạnh giáo sĩ Omar, bị chột một mắt trong chiến trận. Hai nhân vật này đã cùng sáng lập ra phong trào Taliban. Phong trào này trỗi dậy mạnh mẽ từ đầu những năm 1990 trong các trường Hồi giáo ở miền nam đất nước và trong các trại tị nạn của người Afghanistan tại Pakistan. Theo một bài viết của BBC, hai người đã trở thành than tín trong nhà, khi Abdul Ghani Baradar kết hôn với em gái Omar.
Cả cuộc đời trưởng thành của Baradar là một chiến binh nổi dậy, trừ thời gian 5 năm Taliban nắm quyền ở Afghanistan (1996-2001). Khi Mỹ tấn công Afghanistan sau loạt khủng bố 11/09/2001, lúc đó Baradar đang giữ chức bộ trưởng quốc phòng của chính quyền Taliban. Kể cả sau khi chế độ Taliban bị lật đổ, nhân vật này vẫn giữ vai trò rất quan trọng. Cụ thể ông đã chỉ huy nhiều vụ tấn công khủng bố cho tới khi bị tình báo Pakistan bắt năm 2010 tại Karachi, Pakistan. Khi đó ông ta bị chụp hình, đưa lên khắp các kênh truyền hình, để cho thấy chính quyền Pakistan coi việc đánh đuổi lực lượng nổi dậy Taliban là vấn đề nghiêm túc.
Dưới áp lực, đặc biệt từ Washington, đang muốn đẩy nhanh nỗ lực rút khỏi Afghanistan, Baradar được thả năm 2018. Là người được lắng nghe và tôn trọng trong các phe cánh Taliban, sau đó ông ta được chỉ định lãnh đạo bộ chính trị của phong trào, đóng tại Qatar.
Chính nhân vật này đã lãnh đạo các cuộc đàm phán với chính quyền Donald Trump để dẫn đến bản thỏa thuận lịch sử ký ngày 29/02/2020, dự trù rút toàn bộ quân đội nước ngoài từ ngày 01/05/2021 và đổi lại bằng bảo đảm an toàn cho lợi ích Mỹ, mở các cuộc thương lượng chưa từng có giữa quân nổi dậy và chính quyền Kabul.
Trong lúc chế độ đầu tiên của Taliban chỉ được 3 nước công nhận (Pakistan, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), thì lần này Abdul Ghani Baradar đã gặp gỡ nhiều quan chức nước ngoài để vận động được toàn thế giới công nhận. Tháng trước, ông đã dẫn đầu một phái đoàn đến Trung Quốc gặp ngoại trưởng Vương Nghị. Thành quả của chuyến đi đã được thấy ngày hôm nay. Bắc Kinh là chính quyền đầu tiên ngay nhôm 16/08 đã tỏ thiện ý duy trì các "mối quan hệ hữu nghị" với Taliban.
Giờ đây, Taliban muốn thể hiện một diện mạo khác. Khi còn là một trong những chỉ huy quân sự của quân nổi dậy, Abdul Ghani Baradar đã tỏ ra quan tâm làm sao có được sự ủng hộ của nhân dân Afghanistan.
Năm 2009, theo New York Times, Abdul Ghani Baradar đã ra lệnh cho các chiến binh của mình mang theo một cuốn cẩm nang nhỏ hướng dẫn cách làm sao giành được tình cảm của những người dân làng Afghanistan.
Có thể coi đó là "bộ luật ứng xử", tập hợp những lời khuyên cách thức làm sao để tránh gây thương vong cho thường dân và khuyên can hạn chế các cuộc tấn công khủng bố tự sát. Cuốn sách phản ánh tinh thần chính trị của ông ta. Theo Baradar, phong trào Taliban từng áp đặt phiên bản cực kỳ hà khắc của luật Hồi giáo ở thời điểm cầm quyền trước kia, giờ đây phải chiếm lại niềm tin của dân chúng.
"Giờ là lúc đánh giá và chứng minh, giờ đây, chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta có thể phụng sự dân tộc và bảo đảm an ninh và hạnh phúc trong cuộc sống", Abdul Ghani Baradar đã khẳng định trong video phát trên các mạng xã hội sau khi chiếm Kabul hôm Chủ nhật vừa rồi, đồng thời ông kêu gọi quân của mình giữ kỷ luật.
Trên các trang twitter của mình, Taliban khoe khoang đã được chào đón nồng nhiệt tại Kabul, hay thậm chí họ nói rằng các thiếu nữ ngay ngày thứ Hai (16/08) đã trở lại trường học như thường lệ. Họ còn quả quyết rằng hàng nghìn chiến binh đổ về thủ đô để bảo đảm an ninh. Nhưng những lời lẽ như vậy không xóa được nỗi lo sợ của hàng nghìn người Afghanistan. Những hình ảnh video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy từ ngày 15/08 là những cảnh tượng hỗn loạn vô chính phủ. Đó là hình ảnh hang nghìn người chạy đuổi theo chiếc máy bay vận tải quân sự của Mỹ đang lăn bánh tới vị trí cất cánh. Nhiều người trong cơn hoảng loạn đã cố bám vào thân hay càng bánh máy bay hy vọng được rời khỏi Afghanistan.
(Theo France 24)
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 18/08/2021
********************
Thanh Phương, RFI, 18/08/2021
Hai ngày sau khi giành lại chính quyền ở Kabul, hôm qua, 17/08/2021, phe Taliban đã hứa hẹn sẽ thúc đẩy hòa giải dân tộc ở Afghanistan, khẳng định đã "tha thứ" cho các đối thủ của họ và tuyên bố sẽ bảo vệ các quyền của phụ nữ "theo đúng luật Hồi giáo".
Phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid (giữa), trong cuộc họp báo đầu tiên tại Kabul, Afghanistan, ngày 17/08/2021. AP – Rahmat Gul
Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo đầu tiên của họ, phe Hồi giáo toàn thống đã cố trấn an thế giới, đang rất lo ngại cho số phận của người dân Afghanistan do tính chất tàn bạo chế độ Taliban trong thời gian phe này cầm quyền từ 1996 đến 2001.
Phát ngôn viên của phe Taliban, Zabihullah Mujahid, tuyên bố : "Tất cả những người bên phe đối địch đều được tha thứ từ A đến Z. Chúng tôi không tìm cách trả thù". Nhân vật này khẳng định phe Taliban đã học hỏi được nhiều điều từ thời kỳ họ cầm quyền lần đầu tiên và sẽ có "nhiều khác biệt" trong cách lãnh đạo của họ, cho dù về mặt tư tưởng và tín ngưỡng không có gì thay đổi.
Trong thời gian phe Taliban cầm quyền lần đầu, các trò chơi, âm nhạc, nhiếp ảnh, truyền hình đều bị cấm. Những kẻ trộm cắp đều bị chặt tay, những kẻ sát nhân bị hành quyết trước công chúng. Ngay cả những người đồng tính cũng bị giết. Phụ nữ không được ra đường nếu không có một nam giới trong gia đình đi theo, và không được đi làm. Các em gái thì không được đi học. Những phụ nữ bị cáo buộc tội ngoại tình bị phạt đánh roi và bị ném đá cho đến chết.
Trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên của phe Taliban hứa hẹn : "Chúng tôi cam kết sẽ để cho phụ nữ đi làm theo đúng các nguyên tắc của Hồi giáo". Cũng theo hãng tin AFP, một phát ngôn viên khác của phe Taliban tại Doha tuyên bố với kênh truyền hình Anh Quốc Sky News là phụ nữ nay không còn bắt buộc phải mang khăn trùm kín người từ trên xuống dưới (burqa), mà có thể mang "nhiều kiểu khăn trùm khác nhau".
Hôm qua, người sáng lập phong trào Taliban, giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, người sẽ giữ các chức vụ cao cấp trong chế độ mới, đã trở về Afghanistan. Là nhân vật số hai của phe Taliban, cho tới nay, Baradar điều hành bộ chính trị của phong trào này từ Qatar và chính ông đã đàm phán với Hoa Kỳ và chính phủ Kabul.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 18/08/2021
Thanh Phương, RFI, 17/08/2021
Hai ngày sau khi giành chính quyền ở Afghanistan và nay kiểm soát hầu như toàn bộ đất nước, phe Taliban đã tỏ các dấu hiệu hòa dịu đối với người dân, hiện rất lo sợ là sẽ lại sống dưới sự cai trị hà khắc của lực lượng Hồi Giáo cực đoan.
Một lính Taliban trước phủ tổng thống Afghanistan tại Kabul ngày 16/08/2021. AP - Rahmat Gul
Cụ thể, hôm nay 17/08/2021, phe Taliban thông báo quyết định ân xá cho toàn bộ các công chức Nhà nước, kêu gọi họ quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho AFP biết là phe Taliban tiếp tục truy bắt các viên chức chế độ cũ.
Nói chung, đa số người dân Afghanistan vẫn không tin vào chính quyền mới. Vào thời mà họ nắm quyền ở Kabul (1996 đến 2001), phe Taliban đã áp đặt một xã hội Hồi Giáo rất nghiêm ngặt, nhất là phụ nữ không được đi học, không được đi làm.
Theo hãng tin AFP, cuộc sống ở thủ đô Kabul hôm nay đang dần dần trở lại bình thường, các cửa hàng mở lại, và người dân lại đổ ra đường, nhưng ít phụ nữ dám ra khỏi nhà. Đàn ông thì mặc trở lại y phục truyền thống shalwar kameez, thay cho các bộ Âu phục. Đài truyền hình thì chỉ phát toàn các chương trình Hồi Giáo.
Tuy đã chiếm được phủ tổng thống Afghanistan ở Kabul, phe Taliban sẽ khó mà nắm được nguồn dự trữ ngoại tệ hàng tỷ đô la của nước này, bởi vì phần lớn số tiền nằm ở nước ngoài.
Tuyên bố với hãng tin AFP hôm qua, một quan chức chính quyền Joe Biden cho biết là các tài sản mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan đang có ở Hoa Kỳ sẽ không được giao cho phe Taliban. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, tính đến tháng 4/2021, nguồn dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương của Afghanistan lên đến 9,4 tỷ đôla. Một nguồn tin cho AFP biết là đa số các khoản ngoại tệ đó nằm ở nước ngoài, nhưng không nói rõ là tại những nước nào và có bao nhiêu tiền nằm ở Mỹ.
Hoa Kỳ, quốc gia vẫn hỗ trợ quân sự và tài chính cho Afghanistan từ 20 năm nay, có thể sẽ tìm cách ngăn chặn viện trợ của IMF và Ngân hàng Thế giới cho nước này, như họ đã làm với các nước mà Washington không công nhận chính quyền, chẳng hạn như Venezuela.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 17/08/2021
Từ lúc chiếm thủ phủ đầu tiên Zarani ở tây nam cho đến lúc tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/08/2021, lực lượng Taliban chỉ mất 10 ngày. Cộng đồng quốc tế, từ Mỹ đến Nga, đều bất ngờ trước đà tiến thần tốc của quân Taliban. Lính Afghanistan bỏ súng, vượt biên, trong khi nhiều lãnh đạo tỉnh đàm phán giữ mạng, để Taliban tiếp quản. Khoảng 70.000 quân nổi dậy đánh bại lực lượng có đến 300.000 người.
Sau 20 năm chiến tranh, quân Taliban đã kiểm soát trở lại thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 15/08/2021 - AFP
Tại sao quân đội Afghanistan lại thất bại ê chề như vậy ?
Lý do chính đó là tệ nạn tham nhũng có tổ chức và phổ biến trong giới lãnh đạo. Bằng chứng mới nhất, theo phát ngôn viên Nikita Ishenko của đại sứ quán Nga tại Afghanistan hôm 16/08, là tổng thống Ghani bỏ trốn khỏi Kabul "với bốn xe ô tô chất đầy tiền. Họ cố gắng nhét số tiền vào trực thăng, nhưng không vừa, nên một số tiền đã bị bỏ lại trên đường băng". Năm 2019, Afghanistan bị xếp thứ 173 trên 180 nước trong bảng xếp hạng của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế.
Cuộc chiến ở Afghanistan đã tiêu tốn 2,26 nghìn tỉ đô la. Kể từ khi bắt đầu can thiệp vào Afghanistan, Washington đã chi 83 tỉ đô la để thành lập một quân đội kiểu Mỹ. Trên giấy tờ, lực lượng an ninh Afghanistan, gồm quân đội và cảnh sát, có đến 300.000 người. Nhưng thực tế, chỉ có 18.000 người thuộc biên chế của Bộ Quốc phòng Afghanistan vào tháng 07/2020, số còn lại là cảnh sát hoặc làm việc cho cơ quan an ninh. Theo phân tích của Trung tâm chống khủng bố thuộc Học Viện Quân sự Hoa Kỳ West Point, Afghanistan có 8.000 lính không quân và 96.000 lính bộ binh.
Tại sao lại có con số quá chênh lệch này ? Trả lời France 24 ngày 16/08, ông Frédéric Grare, nhà nghiên cứu ở Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu, cho biết : "Nói dối về quân số cho phép (chính quyền Kabul) nhận được tài trợ từ phía Mỹ nhiều hơn mức thực tế". Còn theo một nhà ngoai giao phương Tây tại Kabul, được Le Monde trích dẫn, "có lẽ có 46 tiểu đoàn ma, mỗi tiểu đoàn có 800 người". Tình trạng "nhiều lãnh đạo (Afghanistan) hiện nay đều tham nhũng và/hoặc bất tài" đã được nêu trong báo cáo Quốc hội Mỹ năm 2017.
Quân nhân thì thất vọng vì "giới lãnh đạo không quan tâm đến nghỉ phép, thăng chức, tăng lương" nên giải ngũ. Điều này giải thích cho việc quân đội Afghanistan không có lực lượng ổn định, tinh nhuệ, do thường xuyên phải huấn luyện tân binh. Ví dụ vào năm 2020, số tân binh chiếm đến 25% lực lượng, theo báo cáo của SIGAR Mỹ. Nhưng tân binh cũng thiếu nhiệt huyết do thường xuyên phải "triển khai dài ngày, có thể phải tham chiến gần như thường trực và điều kiện sống khó khăn" và bị điều động ngoài vùng họ sinh sống.
Khi Washington thông báo rút hết quân, Lầu Năm Góc chuyển tiền cho chính phủ Kabul trả lương cho quân đội, thay vì trả trực tiếp như vẫn làm trước đó. Nhưng nhiều quân nhân Afghanistan khẳng định không nhận được lương trong nhiều tháng. Mất hỗ trợ bằng đường không của Mỹ, nhiều tuyến hậu cần phải ngừng, vì chính quyền Afghanistan không có phương tiện. Kết quả là quân nhân trên chiến tuyến không được chi viện lương thực và đạn dược, nên dễ dàng buông súng khi quân Taliban đến và trốn ra nước ngoài.
Hoa Kỳ muốn đầu tư trang thiết bị tối tân cho quân đội Afghanistan, nhưng trình độ quân nhân lại có hạn, cơ sở hạ tầng yếu kém, chỉ có khoảng 30% người dân có điện cả ngày. Khi Mỹ bất ngờ đẩy nhanh rút quân, chính quyền Kabul không còn trông cậy được vào lực lượng không quân Mỹ, để cho lực lượng nổi dậy thoải mái di chuyển.
Ngoài việc thiếu lực lượng có khả năng tác chiến, quân đội Afghanistan còn không có người có tầm lãnh đạo. Quyền chỉ huy nằm trong tay những quan chức dân sự ở phủ tổng thống thiếu kinh nghiệm chiến trường và những vị tướng già lo "đấu đá chính trị" nhiều hơn là vạch kế hoạch đối phó Taliban.
Tất cả những điểm nêu trên đều có lỗi của Hoa Kỳ. Washington biết những điểm yếu đó, nhưng vẫn làm ngơ, thậm chí chấp nhận "giấu" những thất bại của quân đội Afghanistan theo yêu cầu của chính quyền Kabul. Sai lầm mới nhất của Mỹ chính là đã đánh giá thấp khả năng của Taliban "không thể thắng trận", để lực lượng nổi dậy tiến vào Kabul không cần một phát súng và sớm hơn so với tính toán của Washington. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cảnh tháo chạy hỗn loạn từ ngày 15/08/2021
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 17/08/2021
Cuối năm 2017, đài RFI của Pháp đã đưa lên bài "Năm 2017, Donald Trump làm thế giới choáng váng" tóm lược lại những biến cố mà Donald Trump đã làm cho cả thế giới điên đầu trong năm vừa qua. Mở đầu, tác giả viết : "Bất ngờ đắc cử tổng thống của cường quốc số một thế giới với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên", ông Donald Trump với tính khí khó lường đã có một năm 2017 gây náo động thế giới bởi những quyết định chưa từng có, khi thì tấn công vào cả hệ thống thế giới đa phương, lúc thì không ngần ngại châm ngòi làm bùng nổ rối loạn ở nơi này nơi kia".
Trump tin rằng mình là Tề Thiên Đại Thánh có thể hô phong hoán vũ
Nhà phân tích Barbara Slavin, thuộc cơ quan tư vấn Atlantic Council, nhận thấy "có vẻ như ông Trump nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của nước Mỹ là đủ để cho phép làm bất cứ điều gì họ muốn". Thế nhưng, theo chuyên gia này, "Hoa Kỳ chỉ thực sự là cường quốc khi hành động làm sao để tạo ra đồng thuận quốc tế".
Trong thực tế, Trump tin rằng mình là Tề Thiên Đại Thánh có thể hô phong hoán vũ !
Một biến cố bất thường mới
Với đầu óc ấu trĩ, ngày 1/1/2018 trong tweet đầu tiên của năm 2018 Trump lại gây ra một biến cố bất thường khác. Ông viết :
"Hoa Kỳ đã hào phóng cho Pakistan hơn 33 tỷ USD viện trợ trong 15 năm qua, và họ cho chúng tôi không có gì ngoài sự lừa dối và lừa đảo, nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của chúng tôi là những kẻ ngốc. Họ cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ khủng bố mà chúng tôi săn lùng ở Afghanistan, cùng với một phần sự giúp đỡ. Không còn nữa (về vấn đề viện trợ) !"
Các nhà phân tích nói rằng Donald Trump thường không hiểu gì về những vấn đề ông ta muốn nói hay chỉ hiểu một cách nông cạn về những vấn đề ông ta muốn nói và muốn làm, chẳng hạn như sự biến đổi khí hậu, hiệp ước TTP, hiệp ước hạt nhân Iran...
Trong vấn đề Pakistan cũng vậy. Đây là một lời tuyên bố có tính cách chiến thuật, đã được nhiều viên chức Hoa Kỳ phát biểu nhiều lần, nhắm thúc đẩy Pakistan thành công cụ chống Taliban thay cho Mỹ, nhưng với kinh nghiệm đau thương của Việt Nam Cộng Hòa, Pakistan đã tìm cách từ chối. Một lời tuyên bố có tính các chiến thuật như thế thường được giao cho các cấp thuộc quyền trong chính phủ như các cố vấn, các chuyên gia hay một hãng tin nào đó chẳng hạn. Nhưng nay chính Tổng thống Donald đã chụp lấy và la lên để chứng tỏ ta đây mới là "dân chơi cầu bốn cẳng" thứ thiệt !
Tuần trước, tờ New York Times đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Trump đã nghiêm túc cân nhắc liệu có nên chặn lại 255 triệu USD viện trợ cho Islamabad - trước đó đã bị trì hoãn - về sự thất bại của họ trong việc trấn áp các nhóm khủng bố ở Pakistan hay không.
Trump cũng không biết rằng nếu Pakistan trả đũa, Mỹ sẽ gặp khó khăn như thế nào !
Diễn biến đưa tới biến cố
Ngày 25/12/1979, Quân đoàn 40 của Liên Xô bắt đầu tiến vào Afghanistan để bảo vệ chế độ Karmal. Để chống lại Liên Xô, năm 1980 CIA bắt đầu giúp quân kháng chiến Mujahideen. Osama Bin Laden đã đưa quân tới Afghanistan để tham chiến. Thấy Bin Laden có khả năng và có quyết tâm, CIA đã huấn luyện Bin Laden về tình báo và chiến đấu có kỷ thuật cao để chống lại Liên Xô.
Với sự giúp đỡ của CIA, Bin Laden thành lập những trại huấn luyện riêng của mình và trong 2 năm đã xây dựng được 6 trại. Hoa Kỳ đã viện trợ vũ khí và phương tiện cho Bin Laden, nhờ vậy ông đã trực tiếp điều khiển các binh sĩ mở 5 trận đánh lớn với quân Liên Xô và hàng trăm trận giao tranh lẻ tẻ, làm quân Liên Xô điêu đứng. Rõ ràng Bin Laden là con đẻ của CIA.
Không chống nổi quân Mujahideen, tháng 4 năm 1988, Liên Xô đã phải ký Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh và rút quân Liên Xô khỏi Afghanistan năm 1989. Sau khi Liên Xô rút, Mỹ đã bỏ rơi Afghanistan, không hề giúp chính phủ mới xây dựng lại đất nước.
Ngày 2/8/1990, Tổng thống Saddam Hussein của Iraq đã đem quân xâm lược Kuwait, Bin Laden đề nghị đưa 4.000 quân Mujahideen của ông từ Afghanistan về bảo vệ Saudi Arabia, nhưng bị bác bỏ. Chỉ vài tuần sau, Hoa Kỳ tiến vào Saudi Arabia để giải phóng Kuwait khiến Bin Laden bất mãn vô cùng. Ông cho rằng vấn đề của người A-rập phải để người A-rập giải quyết với nhau, Hoa Kỳ không được can thiệp vào. Từ đó, Bin Laden bắt đầu chống Mỹ.
Ngày 11/9/2001, một loạt bốn vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại Hoa Kỳ làm 2.996 người chết, hơn 6.000 người khác bị thương, gây ra thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỉ USD và gây tổn thất tổng cộng 3 nghìn tỷ USD. Lúc đầu, Bin Laden, thủ lĩnh của al-Qaeda, phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ tấn công này, nhưng vào năm 2004 ông nhận trách nhiệm.
Tổng thống Mỹ George W. Bush đã yêu cầu chính quyền Taliban ở Afghanistan giao nộp Bin Laden và trục xuất al-Qaeda, nhưng Taliban đã từ chối, trừ khi Mỹ có bằng chứng Bin Laden có dính líu đến vụ 9/11. Ngày 7/10/2001 Tổng thống Bush ra lệnh tấn công Afghanistan.
Tầm quan trọng của Pakistan
Bản đồ Pakistan - Afghanistan
Nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy Afghanistan có đường biên giới dài với Pakistan ở phía nam và phía đông, Iran ở phía tây, Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan ở phía bắc, và Trung Quốc ở khu vực viễn đông bắc. Như vậy Mỹ muốn đem quân vào đánh Afghanistan, chỉ còn một con đường duy nhất là từ Ấn Độ Dương di qua Pakistan. Vì thế, Pakistan trở thành quan trọng đối Mỹ.
Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, Pakistan đã trở thành đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ đã chuyển quân đội, võ khí và hậu cần vào các cơ sở quân sự của Pakistan rồi từ đó chuyển vào Afghanistan. Tuy nhiên, theo cam kết, Mỹ không được dùng các căn cứ ở Pakistan để tấn công Taliban dù ở trên đất Afghanistan hay Pakistan. Riêng Pakistan đã mở nhiều cuộc hành quân để ngăn chận quân Taliban tràn qua biên giới.
Kể từ năm 2002, Mỹ đã thông qua Quỹ Hỗ trợ Liên minh (CSP-Country Strategy Paper) để hỗ trợ Pakistan trong cuộc chiến với ngân sách hàng năm khoảng 1 tỷ USD. Qua quỹ này, Mỹ đã hỗ trợ về quân sự và kinh tế cho Pakistan, đồng thời hoàn trả chi phí các hoạt động quân sự của Pakistan tại các khu vực bộ lạc giáp biên giới Afghanistan.
Vài nét về Taliban
Quân Taliban phát xuất từ bộ tộc Pashtun. Theo ước lượng của CIA, tại Afghanistan, bộ tộc này chiếm 42% trên 29 triệu dân số, còn ở Pakistan, khoảng 15,42% trên 174 triệu dân số. Đây là sắc tộc đã lãnh đạo Afghanistan sau khi Liên Xô bỏ chạy năm 1989 và nhiều người tin rằng sau khi Mỹ rút, Taliban sẽ trở lại lãnh đạo Afghanistan.
Khoảng 27 triệu người Pashtun ở Pakistan và 3 triệu người Pashtun tản cư từ Afghanistan qua Pakistan đang định cư tại vùng biên giới là môi trường hoạt động tốt của Taliban. Thung lũng Swat nằm sát biên giới Afghanistan là sào huyệt hay "an toàn khu" của Taliban.
Khu vực cư trú của bộ tộc Pashtun giữa Afghanistan và Pakistan
Phong trào này do Mullah Mohammed Omar lãnh đạo đang thực hiện một cuộc chiến du kích và chiến dịch khủng bố kéo dài chống lại chính quyền hiện tại của Afghanistan và các lực lượng NATO.
Vì bộ tộc Pashtun sống giữa biên giới Afghanistan và Pakistan, trong khu núi rừng hiểm trở nên quân Taliban thường chạy về phía Pakistan mỗi khi bị càn quét ở Afghanistan. Có khi quân Taliban ở đây lên tới gần 30.000 người.
Khó khăn của Pakistan
Không phải sau khi cơ quan tình báo Hoa Kỳ bắt và giết trùm khủng bố Osama bin Laden trên đất Pakistan mới xẩy ra sự căng thẳng giữa Pakistan và Hoa Kỳ. Chuyện này đã xẩy ra ngay từ khi Mỹ và NATO tiến quân vào Afghanistan năm 2001.
Quân Taliban ở Pakistan
Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Pervez Musharaff phải mở cuộc hành quân vào thung lủng Swat ở phía tây bắc Pakistan, nhất là ở vùng biên giới Afghanistan và Pakistan, để tiêu diệt quân Taliban, nhưng tướng Musharaff từ chối vì các lý do chính sau đây :
- Lực lượng Pakistan không đủ khả năng làm điều đó.
- Pakistan không tin Mỹ sẽ thành công ở Afghanistan. Trong lịch sử, chưa có nước nào thành công khi xâm chiếm Afghanistan.
- Kháng chiến Taliban đã dọa nếu Pakistan tham gia cuộc chiến, họ sẽ biến Pakistan thành một biển máu. (Có một thời gian Taliban đã làm như vậy, gây kinh hoàng cho Pakistan nên Pakistan phải ngưng các cuộc hành quân).
- Dù bất cứ lực lượng nào sẽ tồn tại ở Afghanistan sau cuộc chiến, Pakistan vẫn phải giữ những giao hảo tốt vì quyền lợi của Pakistan ở trong vùng.
Bị áp lực của Mỹ, ngày 18/8/2008, Tổng thống Pervez Musharaff phải từ chức. Ông Asif Ali Zardari, chủ tịch Đảng Nhân Dân được bầu làm Tổng thống và ông Yousaf Raza Gillani thuộc đảng này được chỉ định làm Thủ tướng.
Đến năm 2009, Taliban đã kiểm soát toàn bộ thung lũng Swat. Chính phủ mới phải ký một thỏa ước hòa bình với quân Taliban tại Swat, cho phép áp dụng luật Sharia tại khu vực này. Hành động này đã bị Mỹ chỉ trích kịch liệt.
Mỹ muốn Pakistan trở thành con bài thí
Kể từ năm 2009, Mỹ đã viện trợ cho Pakistan mỗi năm 1,2 tỷ USD để mua vũ khí trang bị cho quân đội Pakistan. Hiện nay, quân đội Pakistan có khoảng 619.000 người trong lực lượng chính quy và 302.000 người trong lực lượng bán vũ trang và biên phòng. Bị áp lực của Hoa Kỳ, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani đã ra lệnh mở các cuộc tấn công vào an toàn khu của Taliban, nhưng ông nói : "Đây không phải là một cuộc chiến bình thường. Đó là chiến tranh du kích. Đó là cuộc chiến của riêng chúng tôi. Một cuộc chiến vì sự sống còn của đất nước".
Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về quan hệ với Pakistan, tướng Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tố cáo Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đã hỗ trợ mạng lưới cực đoan Haqqani lên kế hoạch và thực hiện vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan và cả vụ đánh bom làm 77 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Ông này còn tiết lộ Mỹ có nguồn tin đáng tin cậy về việc Haqqani, với sự giúp đỡ của ISI, đã thực hiện vụ tấn công hôm 28/6/2011 vào khách sạn Inter-Continental ở Kabul và một vài vụ nhỏ lẻ khác.
Ít ai tin rằng chuyện đó có thật. Những lời tuyên bố của tướng Mike Mullen chỉ nhằm thúc đẩy quân đội Pakistan trở thành một công cụ chống lại Taliban của Mỹ và biến Pakistan thành một con bài thí trong một cuộc chiến mà Mỹ biết không bao giờ thắng được, rồi đổ lỗi cho Pakistan để rút quân như Mỹ đã đối xử với Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến Việt Nam.
Ngày 23/9/2011, bà Rabbani Khar, Ngoại trưởng Pakistan, cảnh báo cáo rằng Mỹ đang đối mặt với nguy cơ mất mối quan hệ đồng minh sau khi Washington chỉ trích Islamabad theo đuổi chính sách "xuất khẩu bạo lực" và Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) ủng hộ lực lượng cực đoan tấn công binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Tuyên bố từ New York, nơi bà đang tham dự phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, bà Khar nói : "Bất cứ câu nói nào được công khai đưa ra để chỉ trích, để làm bẽ mặt một đồng minh, một đối tác là không thể chấp nhận được".
Con đường Pakistan đang chọn ?
Sự giận dữ đã lên cao khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách về Afghanistan hôm 21/8, chỉ trích đích danh Pakistan là dung dưỡng cho khủng bố, cung cấp "nơi trú ẩn an toàn" cho khủng bố và dọa cắt tài trợ cho Pakistan.
Các giới chức cũng như các chức sắc tôn giáo Pakistan ngay lập tức có phản ứng kịch liệt, cho rằng Mỹ không nên lấy Pakistan là kẻ giơ đầu chịu báng cho thất bại của quân đội Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan. Một nhóm giáo sĩ kêu gọi Chính phủ Pakistan rút khỏi liên minh trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động.
Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Ahsan Iqbal tuyên bố : "Không có quốc gia nào trên thế giới hành động nhiều hơn Pakistan trong việc chống khủng bố hay cam kết nhiều hy sinh vì điều đó. Do vậy, chúng tôi bác bỏ những tuyên bố cáo buộc Pakistan dung dưỡng khủng bố, vì chúng tôi cũng là nạn nhân lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi muốn một tương lai thịnh vượng và để có điều đó, chúng tôi không chỉ cần hòa bình ở biên giới mà cũng cần hòa bình trên toàn khu vực. Đó là lý do chúng tôi tin tưởng tham gia cùng các nước láng giềng, đóng vai trò trong việc mang lại hòa bình cho khu vực".
Thủ Tướng Gilani đã từng nói rằng thực tế đây là cuộc chiến vì áp lực của Hoa Kỳ. Pakistan đang khai triển khoảng 15.000 quân để đối đầu với khoảng 4 hay 5 ngàn chiến binh Taliban. Cuộc chiến từ Afghanistan đã lan vào Pakistan và toàn đất nước Pakistan đang bị biến thành biển máu như Taliban đã đe dọa. Vì bất đắc dĩ phải đi theo Mỹ, đã có 30.452 người Pakistan bị giết.
Thủ tướng Musharraf còn nhấn mạnh rằng al-Qaeda, Taliban không là mối đe dọa cho Pakistan. Phát biểu tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp, ông Musharraf nói : "Khi chúng tôi có một lực lượng vũ trang của Pakistan với 500.000 binh sĩ hiện dịch và trừ bị, tôi nghĩ rằng al-Qaeda hoặc Taliban không thể nào có thể chiếm được Pakistan".
Cuộc chiến chống khủng bố đã gây thiệt hại 118 tỷ USD cho nền kinh tế Pakistan trong 14 năm, tương đương hơn 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Nam Á này.
Nhà kinh tế Shahid Siddiqi cho biết, thiệt hại về kinh tế do cuộc chiến chống khủng bố đối với nền kinh tế Pakistan trong năm 2011 ước tính là 8,5% GDP trong khi số tiền hỗ trợ mà Pakistan nhận được chỉ là 0,2% GDP.
Mỹ khó bỏ Pakistan được
Các nhà phân tích đều tin rằng mặc dầu đã lên án Pakistan với giọng đao to búa lớn, các nhà chiên lược Mỹ sẽ không để cho Donald Trump bỏ Pakistan vì ba lý do chính sau đây :
- Lý do thứ nhất, không có Pakistan Mỹ không thể tiếp tục chiến đấu ở Afghanistan được vì các cơ sở hậu cần và tiếp vận không còn.
- Lý do thứ hai, Pakistan có thể liên kết với các quốc gia Hồi giáo trong vùng, hình thành một khu vục chống Mỹ ở Nam Á Châu.
- Lý do thứ ba là Trung Quốc sẽ đến thay Mỹ và mở rộng con đường tơ lụa trong vùng này. Ngày 20/4/2015, Pakistan và Trung Quốc đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện.
Biết rõ thế kẹt của Mỹ, quân đội Pakistan tuyên bố xem xét khả năng đóng cửa biên giới với Afghanistan và cảng Karachi. Hôm 7/1/2018, lãnh đạo phe đối lập Imran Khan yêu cầu chính phủ trả đũa, không chấp nhận để "quân đội Mỹ sử dụng miễn phí cơ sở hạ tầng của Islamabad".
Như thường lệ, Trump chỉ dùng đao to búa lớn để chứng minh ta đây cũng là "tay chơi cầu bốn cẳng" như ai chứ chẳng biết gì cả. Nhóm tài phiệt Mỹ đang sử dụng Donald Trump để thực hiện các kế hoạch bảo vệ quyền lợi của họ, trong đó có quyền lợi của giới tài phiệt quốc phòng ở Afghnistan. Khi nhiệm vụ hoàn hoàn tất, số phận con rối Donald Trump rồi cũng sẽ được định đoạt.
Ngày 11/1/2017
Lữ Giang