Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/08/2021

Taliban đã thay đổi ? Bài toán khó của phương Tây

Thanh Phương - Anh Vũ

Có nên nói chuyện với Taliban ? Bài toán nhức đầu của phương Tây

Thanh Phương, RFI, 18/08/2021

Sau hai thập niên tập trung lực lượng để cố đánh bại phe Taliban, các nước phương Tây nay đối diện với một bài toán nan giải : có nên lập quan hệ với tổ chức Hồi giáo toàn thống nay đã trở lại nắm quyền ở Afghanistan ?

baitoan1

Cuộc họp báo đầu tiên của Taliban tại Kabul, Afghanistan, ngày 17/08/2021. Quan hệ sắp tới với chính quyền Taliban đang là vấn đề đau đầu của nhiều nước. AP – Rahmat Gul

Trước mắt, những chủ nhân mới ở Kabul đã nhận được phản hồi tích cực hơn của quốc tế so với thời kỳ cầm quyền với một chế độ tàn bạo 1996-2001. Nga, Trung Quốc, hai thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, và nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ đã hoan nghênh những tuyên bố đầu tiên của phe Taliban. 

Trong khi các nước phương Tây ồ ạt di tản các nhà ngoại giao của họ trong sự hỗn loạn, Nga vẫn giữ nguyên đội ngũ ở sứ quán tại Kabul, thậm chí đại sứ Nga hôm qua đã gặp một đại diện của Taliban. Sau cuộc gặp này, ông Dmitri Jirnov khen phe Hồi giáo toàn thống đã tỏ ra "rất có trách nhiệm, rất văn minh". Đối với Moskva, chỉ cần chính quyền Taliban tỏ "dấu hiệu" tích cực bằng việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, là đủ để hai bên có quan hệ tốt.

Trung Quốc, nước cũng duy trì đại sứ quán ở Kabul, thì đã nói ngay là họ sẵn sàng có một mối quan hệ "hữu nghị" với chế độ Taliban.

Nhưng về phần các nước phương Tây, rõ han phản ứng khá là phân tán. Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell hôm qua đã nói không úp mở : "Phe Taliban đã chiến thắng, cho nên chúng ta phải nói chuyện với họ". 

Còn cựu thù Hoa Kỳ, do Kabul thất thủ quá nhanh chóng, hiện giờ buộc phải thương lượng với chính quyền Taliban về lịch trình di tản, để bảo đảm an toàn cho những người mà họ muốn đưa ra khỏi Afghanistan. Nhưng hôm qua, Nhà Trắng nhấn mạnh là quan hệ tương lai với Taliban tùy thuộc vào những hành động của họ, nhất là về mặt tôn trọng nhân quyền. Tuy vậy, theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ned Price, Hoa Kỳ sẵn sàng duy trì sự hiện diện ngoại giao ở sân bay Kabul cho đến sau ngày 31/08, tức hạn chót được ấn định cho chiến dịch triệt thoái khỏi Afghanistan, với điều kiện là tình hình phải thật "an toàn". 

Tuyên bố này cho thấy là Washington vẫn phần nào để ngỏ một kênh đối thoại với Taliban. Dẫu sao thì nước Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump đã từng đàm phán trực tiếp với Taliban, việc nói chuyện với chính quyền mới ở Kabul cũng chẳng có gì là mới mẻ.

Trong khi đó, thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố là nước ông "không có ý định công nhận một chính phủ Taliban". Còn về phần Anh Quốc, ngoại trưởng Dominic Raab nhìn nhận là "bình thường" thì Luân Đôn không làm việc với phe Taliban. Nhưng do tại Qatar vẫn đang diễn ra các cuộc đàm phán để cố đạt được một chính phủ mang tính đại diện xã hội Afghanistan hơn, ngoại trưởng Dominic Raab cho biết "chúng tôi đang thẩm định xem có khả năng làm cho hòa dịu đi một chế độ sẽ được thiết lập ở Kabul hay không". Tuy vậy, lãnh đạo ngoại giao Anh thừa biết là cơ may đạt đến một chính phủ ôn hòa ở Afghanistan với phe Hồi giáo toàn thống là rất thấp.

Bây giờ phe Taliban đã trở lại nắm quyền, phương Tây càng khó mà gây ảnh hưởng lên phe này. Chỉ có Hoa Kỳ là còn có thể tác động lên các chủ nợ quốc tế của Afghanistan và ban hành các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt lên chế độ mới, đồng thời có thể đặt điều kiện cho các khoản viện trợ cần thiết cho công cuộc tái thiết đất nước Afghanistan bị tàn phá nặng nề do 20 năm chiến tranh. 

Chuyên gia Lisa Curtis, nguyên cố vấn của Nhà Trắng về Trung Á và Nam Á dưới thời tổng thống Donald Trump, được hãng tin AFP trích dẫn, cho rằng Washington có thể đặt điều kiện cho việc công nhận chế độ Taliban để gây áp lực lên phe này và buộc họ phải có một chính sách hòa dịu hơn. 

Nhưng từ đây cho đến khi Washington bình thường hóa bang giao với Kabul, con đường chắc là sẽ còn rất dài. Như ta đã thấy, phải 20 sau khi Sài Gòn thất thủ, Hoa Kỳ mới thiết lập bang giao với nước Việt Nam Cộng sản và Mỹ phải đợi đến 54 năm sau Cách mạng Cuba 1959 mới mở lại đại sứ quán ở La Havana. Ấy là chưa kể cho đến nay, Washington vẫn chưa tái lập bang giao với Iran sau Cách mạng Hồi giáo 1979.

Để tạo một bộ mặt dễ coi hơn so với trước đây, ngay sau khi nắm chính quyền, phe Taliban đã đưa ra liên tiếp những tuyên bố trấn an thế giới, nào là sẽ hòa giải dân tộc, sẽ không trả thù những người theo chế độ cũ, sẽ tôn trọng nữ quyền,Nhưng thật khó mà tin là những kẻ có đầu óc cuồng tín, cực đoan này sẽ làm đúng những lời hứa đó. 

Tuy vậy, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, một số nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, khi cần có thể đẩy vấn đề nhân quyền xuống hàng thứ yếu. Khi ký thỏa thuận rút quân với phe Taliban vào năm 2020, tổng thống Mỹ lúc ấy là Donald Trump có vẻ muốn tìm ra một đồng thuận với phiến quân Hồi giáo, khi nhấn mạnh là lực lượng này vẫn chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, tức là có một kẻ thù chung. Kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của ta. Đơn giản vậy thôi !

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 18/08/2021

********************

Abdul Ghani Baradar, nhân vật trung tâm của Taliban

Anh Vũ, RFI, 18/08/2021

Các thủ lĩnh của phong trào Taliban thường vẫn là những nhân vật trong bóng tối, như đồng sáng lập, giáo sĩ Omar hay lãnh tụ tối cao Haibatullah Akhundzda. Có một nhân vật vẫn được coi là số 2 của phong trào, xuất hiện thường xuyên và giữ vai trò trung tâm trong lần trở lại này của Taliban là Abdul Ghani Baradar, lãnh đạo chính trị, người đầu tiên tuyên bố chiến thắng trên mạng xã hội. Nhân vật này vừa trở về Afghanistan chuẩn bị cho việc thành lập chính quyền của Taliban.

baitoan2

Abdul Ghani Baradar (giữa) dẫn đầu đoàn Taliban dự hội nghị quốc tế vầ hòa bình cho Afghanistan, Moskva, Nga, ngày 18/03/2021.  AP – Alexander Zemlianichenko

Khi các chiến binh Talliban tràn vào thủ đô Afghanistan ngày 15/08, một video của giáo sĩ Abdul Ghani Baradar đã được tung lên mạng xã hội. Mắt nhìn vào ống kính với vẻ tự tin, trước lá cờ trắng của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, Baradar tuyên bố chào mừng thắng lợi của phong trào.

Abdul Ghani Baradar, từ lâu nay là một gương mặt ôn hòa của phong trào Hồi giáo cực đoan này, đã trở lại sau 20 năm lưu vong. Đằng sau gương mặt một lãnh đạo chính trị của Taliban, ẩn giấu một chỉ huy quân sự dày dạn, có niềm tin tôn giáo tuyệt đối, theo cách thế giới phải theo ông ta.

Từ người Liên Xô đến người Mỹ

Baradar sinh năm 1968 tại tỉnh Uruzgan, miền nam Afghanistan, nhưng lại lớn lên ở Kandahar, cái nôi của phong trào Talibban. Cũng như nhiều người Afghanistan, cuộc đời của ông đã chuyển sang ngả mới do cuộc xâm lược của Liên Xô năm 1979. Ông trở thành một chiến binh thánh chiến Moudjahidin. Vào thời điểm đó Abdul Ghani Barardar chiến đấu bên cạnh giáo sĩ Omar, bị chột một mắt trong chiến trận. Hai nhân vật này đã cùng sáng lập ra phong trào Taliban. Phong trào này trỗi dậy mạnh mẽ từ đầu những năm 1990 trong các trường Hồi giáo ở miền nam đất nước và trong các trại tị nạn của người Afghanistan tại Pakistan. Theo một bài viết của BBC, hai người đã trở thành than tín trong nhà, khi Abdul Ghani Baradar kết hôn với em gái Omar.

Cả cuộc đời trưởng thành của Baradar là một chiến binh nổi dậy, trừ thời gian 5 năm Taliban nắm quyền ở Afghanistan (1996-2001). Khi Mỹ tấn công Afghanistan sau loạt khủng bố 11/09/2001, lúc đó Baradar đang giữ chức bộ trưởng quốc phòng của chính quyền Taliban. Kể cả sau khi chế độ Taliban bị lật đổ, nhân vật này vẫn giữ vai trò rất quan trọng. Cụ thể ông đã chỉ huy nhiều vụ tấn công khủng bố cho tới khi bị tình báo Pakistan bắt năm 2010 tại Karachi, Pakistan. Khi đó ông ta bị chụp hình, đưa lên khắp các kênh truyền hình, để cho thấy chính quyền Pakistan coi việc đánh đuổi lực lượng nổi dậy Taliban là vấn đề nghiêm túc.

Dưới áp lực, đặc biệt từ Washington, đang muốn đẩy nhanh nỗ lực rút khỏi Afghanistan, Baradar được thả năm 2018. Là người được lắng nghe và tôn trọng trong các phe cánh Taliban, sau đó ông ta được chỉ định lãnh đạo bộ chính trị của phong trào, đóng tại Qatar.

Chính nhân vật này đã lãnh đạo các cuộc đàm phán với chính quyền Donald Trump để dẫn đến bản thỏa thuận lịch sử ký ngày 29/02/2020, dự trù rút toàn bộ quân đội nước ngoài từ ngày 01/05/2021 và đổi lại bằng bảo đảm an toàn cho lợi ích Mỹ, mở các cuộc thương lượng chưa từng có giữa quân nổi dậy và chính quyền Kabul.

Trong lúc chế độ đầu tiên của Taliban chỉ được 3 nước công nhận (Pakistan, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất), thì lần này Abdul Ghani Baradar đã gặp gỡ nhiều quan chức nước ngoài để vận động được toàn thế giới công nhận. Tháng trước, ông đã dẫn đầu một phái đoàn đến Trung Quốc gặp ngoại trưởng Vương Nghị. Thành quả của chuyến đi đã được thấy ngày hôm nay. Bắc Kinh là chính quyền đầu tiên ngay nhôm 16/08 đã tỏ thiện ý duy trì các "mối quan hệ hữu nghị" với Taliban.

Một "bộ luật ứng xử"

Giờ đây, Taliban muốn thể hiện một diện mạo khác. Khi còn là một trong những chỉ huy quân sự của quân nổi dậy, Abdul Ghani Baradar đã tỏ ra quan tâm làm sao có được sự ủng hộ của nhân dân Afghanistan.

Năm 2009, theo New York Times, Abdul Ghani Baradar đã ra lệnh cho các chiến binh của mình mang theo một cuốn cẩm nang nhỏ hướng dẫn cách làm sao giành được tình cảm của những người dân làng Afghanistan.

Có thể coi đó là "bộ luật ứng xử", tập hợp những lời khuyên cách thức làm sao để tránh gây thương vong cho thường dân và khuyên can hạn chế các cuộc tấn công khủng bố tự sát. Cuốn sách phản ánh tinh thần chính trị của ông ta. Theo Baradar, phong trào Taliban từng áp đặt phiên bản cực kỳ hà khắc của luật Hồi giáo ở thời điểm cầm quyền trước kia, giờ đây phải chiếm lại niềm tin của dân chúng.

"Giờ là lúc đánh giá và chứng minh, giờ đây, chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta có thể phụng sự dân tộc và bảo đảm an ninh và hạnh phúc trong cuộc sống", Abdul Ghani Baradar đã khẳng định trong video phát trên các mạng xã hội sau khi chiếm Kabul hôm Chủ nhật vừa rồi, đồng thời ông kêu gọi quân của mình giữ kỷ luật.

Trên các trang twitter của mình, Taliban khoe khoang đã được chào đón nồng nhiệt tại Kabul, hay thậm chí họ nói rằng các thiếu nữ ngay ngày thứ Hai (16/08) đã trở lại trường học như thường lệ. Họ còn quả quyết rằng hàng nghìn chiến binh đổ về thủ đô để bảo đảm an ninh. Nhưng những lời lẽ như vậy không xóa được nỗi lo sợ của hàng nghìn người Afghanistan. Những hình ảnh video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy từ ngày 15/08 là những cảnh tượng hỗn loạn vô chính phủ. Đó là hình ảnh hang nghìn người chạy đuổi theo chiếc máy bay vận tải quân sự của Mỹ đang lăn bánh tới vị trí cất cánh. Nhiều người trong cơn hoảng loạn đã cố bám vào thân hay càng bánh máy bay hy vọng được rời khỏi Afghanistan.

(Theo France 24)

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 18/08/2021

********************

Taliban cam kết hòa giải, bảo vệ nữ quyền

Thanh Phương, RFI, 18/08/2021

Hai ngày sau khi giành lại chính quyền ở Kabul, hôm qua, 17/08/2021, phe Taliban đã hứa hẹn sẽ thúc đẩy hòa giải dân tộc ở Afghanistan, khẳng định đã "tha thứ" cho các đối thủ của họ và tuyên bố sẽ bảo vệ các quyền của phụ nữ "theo đúng luật Hồi giáo".

baitoan3

Phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid (giữa), trong cuộc họp báo đầu tiên tại Kabul, Afghanistan, ngày 17/08/2021.  AP – Rahmat Gul

Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo đầu tiên của họ, phe Hồi giáo toàn thống đã cố trấn an thế giới, đang rất lo ngại cho số phận của người dân Afghanistan do tính chất tàn bạo chế độ Taliban trong thời gian phe này cầm quyền từ 1996 đến 2001. 

Phát ngôn viên của phe Taliban, Zabihullah Mujahid, tuyên bố : "Tất cả những người bên phe đối địch đều được tha thứ từ A đến Z. Chúng tôi không tìm cách trả thù". Nhân vật này khẳng định phe Taliban đã học hỏi được nhiều điều từ thời kỳ họ cầm quyền lần đầu tiên và sẽ có "nhiều khác biệt" trong cách lãnh đạo của họ, cho dù về mặt tư tưởng và tín ngưỡng không có gì thay đổi.

Trong thời gian phe Taliban cầm quyền lần đầu, các trò chơi, âm nhạc, nhiếp ảnh, truyền hình đều bị cấm. Những kẻ trộm cắp đều bị chặt tay, những kẻ sát nhân bị hành quyết trước công chúng. Ngay cả những người đồng tính cũng bị giết. Phụ nữ không được ra đường nếu không có một nam giới trong gia đình đi theo, và không được đi làm. Các em gái thì không được đi học. Những phụ nữ bị cáo buộc tội ngoại tình bị phạt đánh roi và bị ném đá cho đến chết.

Trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên của phe Taliban hứa hẹn : "Chúng tôi cam kết sẽ để cho phụ nữ đi làm theo đúng các nguyên tắc của Hồi giáo". Cũng theo hãng tin AFP, một phát ngôn viên khác của phe Taliban tại Doha tuyên bố với kênh truyền hình Anh Quốc Sky News là phụ nữ nay không còn bắt buộc phải mang khăn trùm kín người từ trên xuống dưới (burqa), mà có thể mang "nhiều kiểu khăn trùm khác nhau". 

Hôm qua, người sáng lập phong trào Taliban, giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, người sẽ giữ các chức vụ cao cấp trong chế độ mới, đã trở về Afghanistan. Là nhân vật số hai của phe Taliban, cho tới nay, Baradar điều hành bộ chính trị của phong trào này từ Qatar và chính ông đã đàm phán với Hoa Kỳ và chính phủ Kabul. 

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 18/08/2021

********************

Afghanistan : Taliban thông báo ân xá cho toàn bộ công chức chế độ cũ

Thanh Phương, RFI, 17/08/2021

Hai ngày sau khi giành chính quyền ở Afghanistan và nay kiểm soát hầu như toàn bộ đất nước, phe Taliban đã tỏ các dấu hiệu hòa dịu đối với người dân, hiện rất lo sợ là sẽ lại sống dưới sự cai trị hà khắc của lực lượng Hồi Giáo cực đoan.

taliban2

Một lính Taliban trước phủ tổng thống Afghanistan tại Kabul ngày 16/08/2021.  AP - Rahmat Gul

Cụ thể, hôm nay 17/08/2021, phe Taliban thông báo quyết định ân xá cho toàn bộ các công chức Nhà nước, kêu gọi họ quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho AFP biết là phe Taliban tiếp tục truy bắt các viên chức chế độ cũ. 

Nói chung, đa số người dân Afghanistan vẫn không tin vào chính quyền mới. Vào thời mà họ nắm quyền ở Kabul (1996 đến 2001), phe Taliban đã áp đặt một xã hội Hồi Giáo rất nghiêm ngặt, nhất là phụ nữ không được đi học, không được đi làm.

Theo hãng tin AFP, cuộc sống ở thủ đô Kabul hôm nay đang dần dần trở lại bình thường, các cửa hàng mở lại, và người dân lại đổ ra đường, nhưng ít phụ nữ dám ra khỏi nhà. Đàn ông thì mặc trở lại y phục truyền thống shalwar kameez, thay cho các bộ Âu phục. Đài truyền hình thì chỉ phát toàn các chương trình Hồi Giáo.

Tuy đã chiếm được phủ tổng thống Afghanistan ở Kabul, phe Taliban sẽ khó mà nắm được nguồn dự trữ ngoại tệ hàng tỷ đô la của nước này, bởi vì phần lớn số tiền nằm ở nước ngoài.

Tuyên bố với hãng tin AFP hôm qua, một quan chức chính quyền Joe Biden cho biết là các tài sản mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan đang có ở Hoa Kỳ sẽ không được giao cho phe Taliban. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, tính đến tháng 4/2021, nguồn dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương của Afghanistan lên đến 9,4 tỷ đôla. Một nguồn tin cho AFP biết là đa số các khoản ngoại tệ đó nằm ở nước ngoài, nhưng không nói rõ là tại những nước nào và có bao nhiêu tiền nằm ở Mỹ.

Hoa Kỳ, quốc gia vẫn hỗ trợ quân sự và tài chính cho Afghanistan từ 20 năm nay, có thể sẽ tìm cách ngăn chặn viện trợ của IMF và Ngân hàng Thế giới cho nước này, như họ đã làm với các nước mà Washington không công nhận chính quyền, chẳng hạn như Venezuela.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 17/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Anh Vũ
Read 793 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)