Việt Nam 20 năm trước, Afghanistan 20 năm sau
Phạm Trần, 19/08/2021
Một sự trùng hợp về thời gian 20 năm trong chiến tranh Việt Nam đã lập lại ở Afghanistan vào ngày 15/08/2021 với hình ảnh chiếc trực thăng di tản người Mỹ chạy thoát từ nóc Tòa Đại sứ Mỹ trong lúc phiến quân Taliban đã chiếm dinh Tổng thống không tốn một viên đạn, ngay sau khi Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn ra nước ngoài.
Chiếc trực thăng di tản người Mỹ chạy thoát từ nóc Tòa Đại sứ Mỹ trong lúc phiến quân Taliban đã chiếm dinh Tổng thống không tốn một viên đạn ngày 15/08/2021
Việc chiếm Kabul của Taliban ngày Chủ nhật 15/8/2021 đã kết thúc 20 năm hiện diện của Hoa Kỳ và các nước đồng minh NATO (North Atlantic Organization) tại Afghanistan, vùng đất núi đồi hiểm trở có biệt danh "mồ chôn của các đế chế" (Graveyard of Empires).
Đôi dòng lịch sử
Với dân số gần 32 triệu người và ngót 10 sắc dân dẫn đầu bởi người Pashtun chiếm đa số 42%, luôn luôn chiếm ưu thế cao nhất trong xã hội trên mọi lĩnh vực. Đó là lý do tại sao đất nước này thường bất ổn vì họ rất khó thỏa hiệp với nhau cho một mục tiêu chung.
Lịch sử Afghanistan đã chứng minh nước này chỉ thoát khỏi ảnh hưởng của nước ngoài sau cuộc chiến thứ 3 với người Anh kết thúc năm 1919. Sau đó là triều đại của vua Amanullah được thành lập, nhưng 50 năm sau, ngày 17/07/1973 nhà vua sau cùng của Afghanistan là Zahir Shah bị truất phế và nền Công hòa được thiết lập. Nhưng 5 năm sau, cuộc đảo chính lần thứ hai năm 1978 đã đẩy Afghanistan vào chế độ xã hội chủ nghĩa, đặt dưới quyền bảo hộ của Liên bang Xô viết (Soviet Union). Thế là cuộc chiến tranh chống Soviet do 2 nhóm Mujahideen và Taliban lãnh đạo, bắt đầu từ năm 1980. Nhưng 10 năm sau, Soviet thất bại và phải rút quân với nhiều tổn thất về nhân mạng.
Vậy Taliban là ai ? Theo tài liệu trên Internet thì Taliban có nghĩa là "sinh viên" trong tiếng Pashtun. Họ ẩn náu ở vùng sườn núi phía bắc Pakistan, trong các chủng viện tôn giáo thuộc dòng Hồi giáo Sunni quá khích từ Saudi Arabia. Được thành lập từ tháng 09/1994 tại tỉnh Kandahar với 50 sinh viên bởi Mullah Omar, một trong những người chống Soviet, theo đuổi đường lối cực đoan. Nhưng sau khi Soviet rút quân thì Taliban lấn át ngay Mujahideen và chiếm hầu hết lãnh thổ. Đến năm 1996 họ chiếm thủ đô Kabul, lật đổ chính quyền của Tổng thống Burhanuddin Rabbani, một trong những người sáng lập phong trào Mujahideen Afghanistan chống Liên Xô chiếm đóng.
Nhưng khi Taliban lên cầm quyền và nhà nước hồi giáo Afghanistan, họ đã áp dụng "luật Hồi giáo" (Sharia law) gay gắt như : "Hành quyết công khai những người bị kết án vì tội giết người hay ngoại tình, và chặt tay chặt chân những người bị kết tội ăn cắp. Đàn ông bị buộc phải để râu còn phụ nữ phải choàng khăn burka trùm kín từ đầu tới chân.
Taliban còn cấm truyền hình, âm nhạc, điện ảnh, và không cho phép các bé gái 10 tuổi trở lên được tới trường đi học.
Taliban bị cáo buộc vi phạm một loạt các quyền về văn hóa và con người. Một ví dụ nổi tiếng là vào năm 2001 khi Taliban phá hủy tượng phật Bamiyan Buddha nổi tiếng tại miền trung Afghanistan, bất chấp sự phẫn nộ của dư luận quốc tế" (theo BBC tiếng Việt).
Vì vậy, chỉ có Pakistan, Saudi Arabia and the United Arab Emirates thừa nhận chế độ Taliban.
9/11 đưa Mỹ đến Afghanistan
Nhưng tình hình đã thay đổi khi 19 quân khủng bố al-Qaeda đánh cướp 4 máy bay hàng không dân sự của Mỹ có chở hành khách để tấn công nước Mỹ ngày 9/11/2001. Hai chiếc đã đâm vào World Trade Center ở New York. Chiếc thứ ba đánh vào Bộ Quốc phòng (Pentagon), gần Tòa Bạch Ốc và chiếc thứ 4 đã dâm xuống khu vườn trống ở Shanksville, Pennsylvania, sau một cuộc vật lộn giữa quân khủng bố và hành khách.
Gần 3.000 người đã bị thiệt mạng trong cuộc tấn công thảm khốc này.
Biến cố này đã khiến Tổng thống George W. Bush (con) đòi Taliban phải giao những kẻ cầm đầu al-Qaeda, đứng đầu là Osama Bin Laden, khi ấy đang ẩn náu ở Afghanistan, để xét xử nhưng Taliban từ chối.
Vì vậy, vào ngày ngày 7 tháng 10 năm 2001, Mỹ tung chiến dịch "Tự do Bền vững" để tấn công Taliban ở Afghanistan. Tổng thống Mỹ George W. Bush thông báo rằng Mỹ và Anh đã bắt đầu không kích vào các mục tiêu của Taliban và al Qaeda ở Afghanistan. Ngày 13 tháng 11 năm 2001, Kabul của Taliban thất thủ. Sang đầu tháng 12, Taliban để mất thành trì cuối cùng là Kandahar.
Tại Hội nghị Bonn (Germany), các lãnh đạo chính quyền lâm thời mới của Afghanistan (hầu hết thuộc Liên minh phương Bắc) đã bầu Hamid Karzai làm người đứng đầu Chính quyền lâm thời Afghanistan.
Ngày 22 tháng 12 năm 2001, Hamid Karzai tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Nhiệm kỳ của Karzai kết thúc năm 2014.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng (dưới thời hai Tổng thống George W, Bush và Barack Obama), Robert Gates đã viết trong hồi ký : "Đó là một thành tựu ngoại giao và quân sự đáng kinh ngạc của Hoa Kỳ. 11 lính Mỹ đã thiệt mạng, 35 người bị thương. Mục tiêu của chúng tôi đã đạt được với tốc độ đáng kinh ngạc, chi phí quân sự Mỹ rất nhẹ và ít thương vong đáng kể. Thành công là do việc thực thi sức mạnh quân sự và ngoại giao phi thường".
Nhưng chỉ 2 năm sau (2003), lực lượng Taliban được Mullah Omar tổ chức lại và phát động một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ thân Tây phương ở Kabul.
Thương vong và phí tổn
Vì vậy Hoa Kỳ và khối NATO đã quyết định đem thêm quân vào Afghanistan giúp chính quyền của Tổng thống Karzai và huấn luyện lực lượng an ninh và quân đội.
Sự can dự của Mỹ có lúc lên tới 120.000 quân và cố vấn, trong khi quân của NATO có chừng 10.000 người.
Nhưng dù được huấn luyện và trang bị đầy đủ vũ khí hơn quân Taliban, lực lượng 300.000 quân Afghanistan đã không thể chiến thắng được lối ngót 100.000 quân Taliban.
Vũ khí của Taliban được viện trợ từ nước nào, mua từ nước nào hay từ nhóm buôn bán vũ khí nào vẫn là một câu hỏi lớn. Nhưng tiền của Taliban có nhiều vô kể nhờ vào dịch vụ buôn bán ma túy và trồng cây thuốc phiện bao la ở vùng đồi núi Afghanistan.
Vì vậy, theo số thống kê không đầy đủ của Chính phủ Mỹ, cho đến tháng 4/2021, sau 20 năm tham chiến,Mỹ đã có 2.248 quân nhân tử nạn ; 3.846 người có khế ước làm việc với Mỹ chết. Lực lượng NATO bị thiệt mạng 1.144 người.
Về phía người Afghanistan, có khoảng 66.000 quân nhân vả cảnh sát tử thương, nhưng thương vong về phía thường dân lên đến 47.245 người.
Thiệt hại của Taliban được ước tính là 51.191 người.
Ngoài ra cũng còn 444 người làm việc cho các cơ quan viện trợ và nhân đạo (aid workers) và 72 nhà báo đã thiệt mạng ở Afghanistan.
Về tài chính, Tổng thống Joe Biden cho biết trong diễn văn toàn nước Mỹ hôm 16/8/2021, rằng Hoa kỳ đã chi tiêu hơn 1.000 tỷ USD để huấn luyện và trang bị cho 300.000 quân của Chính phủ Afghanistan. Nhưng rất tiếc lực lượng này phần đông đã không dám chống lại quân Taliban khi bị tấn công, mặc dù đã nhận lương từ ngân sách Mỹ.
Bằng chứng là chỉ trong vòng 1 tuần lễ, kể từ ngày 8/8/2021, quân Taliban đã thắng như chẻ tre vì có nhiều đơn vị quân Chính phủ đã bỏ hàng ngũ chạy hoặc đầu hàng khi Taliban vào thành phố và làm chủ Thủ đô Kabul.
Vì vậy, ông Biden mới nói : "Quân đội Mỹ không thể và không nên chiến đấu trong một cuộc chiến và chết cho cuộc chiến đó, trong khi lực lượng Afghanistan không muốn chiến đấu cho chính họ" (1).
Tổng thống Biden cũng nói với nhân dân Mỹ rằng : "Là một sai lầm để ra lệnh cho Quân đội Mỹ gia tăng chiến đấu trong khi quân đội của Afghanistan lại không làm như vậy" (2).
Trong khi giữ vững quyết định và nhận trách nhiệm rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan thì ông Biden cũng cam kết rằng : "Tôi là Tổng thống Mỹ thứ tư chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Afghanistan –hai Dân chủ và hai Cộng hòa. Tôi sẽ không trao lại trách nhiệm này cho vị Tổng thống thứ năm" (3).
Ba Tổng thống trước kia là George W. Bush (Cộng hòa), Barack Obama (Dân chủ) và Donald Trump (Cộng hòa), người đã đạt thỏa hiệp rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan với Taliban hồi tháng 3/2021. Ông Biden là người thừa kế cam kết này. Tuy nhiên ông Biden cũng nhìn nhận đã không lường trước được là Taliban đã chiến thắng nhanh như thế. Nhưng điều này, theo dư luận Mỹ, chính là thất bại của tình báo Hoa Kỳ. Vì hồi tháng 4/2021, ông Biden vẫn còn tin Chính phủ và quân đội Afghanistan có thể cầm cự được một thời gian dài, sau khi Mỹ và đồng minh NATO rút hết quân và nhân viên ra khỏi Afghanistan hạn chót vào ngày 31/8/2021.
Do đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã trút trách nhiệm lên đầu người Afghanistan. Ông nói : "Những nhà lãnh đạo chính trị đã bỏ cuộc và chạy trốn ra nước ngoài. Quân đội đã tan rã và có trường hợp còn không muốn chiến đấu nữa" (4).
Tổng thống Biden đã ngụ ý nói đến Tổng thống Ashraf Ghani và một số viên chức cao cấp trong chính phủ Afghanistan đã công khai ra sân bay, lên chuyến phi cơ riêng để chạy ra nước ngoài hôm 15/08/2021.
Cựu Tổng thống Ghani, lên cầm quyền từ 2014, hiện đang có mặt ở United Arab Emirates, nhưng không biết ông sẽ xin tị nạn chính trị hay không.
Taliban hứa
Bên cạnh thất bại quân sự của Mỹ ở Afghanistan, thành công quan trọng nhất trong 20 chiến tranh là nước Mỹ đã giết được Osama bin Laden, thủ lãnh của al-Qaeda, trong cuộc hành quân của Lực lượng đặc biệt Navy SEALs, vào lúc 1 giờ sáng ngày 02/05/2011 ở Pakistan.
Từ đó, nước Mỹ và thế giới đã không còn bị quân al-Qaeda tấn công quy mô nữa.
Nhưng ngay sau khi Taliban chiếm được Afghanistan để tái lập quyền cai trị đã bị Hoa Kỳ và đồng minh hất cẳng 20 năm trước (2001-2021) thì cả thế giới đều tự hỏi : Liệu Taliban năm 2021 có tàn bạo và khắc nghiệt như Taliban trước khi bị đánh bật ra khỏi Kabul năm 2001 ? Liệu phụ nữ và trẻ em gái có được tôn trọng và giáo dục như họ đã được hưởng trước ngày 16/8/2021 hay không ?
Hay Taliban sẽ quay lại cai trị như họ đã phủ nhận sạch trơn những giá trị văn minh của Tây phương và của các tôn giáo khác Hồi giáo cực đoan, hoặc chà đạp nhân quyền và sẽ đào tạo và yểm trợ tài chính cho lực lượng khủng bố, kể cả al-Qaeda, để tái tấn công vào nước Mỹ và các nước Tây phương mà họ vốn coi là kẻ thù ?
Và mặc dù một phát ngôn viên của Taliban đã hứa sẽ ân xá cho những người của Chính quyền cũ và sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong tình trạng bình thường và trong Luật Hồi giáo, nhưng không ai biết lới hứa này tồn tại được bao lâu.
Theo tường thuật từ Kabul thì vào ngày 17/8/2021, người cao cấp của Taliban, Zabihullah Mujahid đã nói với báo chí : "Taliban sẽ tôn trọng quyến của phụ nữ, nhưng phải trong luật Hồi giáo" (5).
Vẫn theo NPR thì Mujahid còn nói : "Chúng tôi muốn báo chí tư nhân "duy trì độc lập", nhưng nhấn mạnh thêm, "nhà báo không thể hành nghề để chống lại các giá trị của đất nước" (6).
Cuối cùng, người này cũng hứa : "Bảo vệ Afghanistan, nhưng không tìm cách trả thù nhưng ai đã làm việc với Chính quyền cũ, cũng như với Chính phủ, hay lực lượng võ trang nước ngoài" (7).
Bài học Việt Nam
Như vậy, khi Tổng thống Biden quyết định không gửi quân Mỹ cứu nguy Chính quyền Afghanistan khi nước này hấp hối trước họng súng của Taliban thì những người Việt của Việt Nam Cộng hòa cũng không thể quên những ngày cuối cùng của Sài Gòn trong tháng 4 năm 1975.
Dù thời gian đã trôi qua 46 năm, nhưng thất bại của Mỹ ở Việt Nam, sau 20 năm có mặt, từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, và sau khi đã chi tiêu hàng ngàn tỷ USD và hy sinh tới 58.220 người lính Mỹ đã để lại cho lịch sử Mỹ một vết đen không bao giờ xóa được. Đó là sự thất hứa của Tổng thống Hiệp chủng Quốc, ông Richard Nixon, đã không trả đũa quân cộng sản Bắc Việt và quân Việt Cộng miền Nam khi họ vi phạm Hiệp định Ba Lê năm 1973 và tấn công chiếm đóng Việt Nam Cộng Hòa.
Lời hứa này được ông Nixon gửi thư cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiêu vào tháng 11 năm 1972, nguyên văn như sau : "Tổng thống có bảo đảm chắc chắn của tôi là nếu Hà Nội không tôn trọng các điều khoản của Thỏa thuận này thì chủ ý của tôi là hành động trả đũa nhanh chóng và quyết liệt" (8).
Nhiều sử gia Mỹ cho rằng, lý do ông Nixon không hành động như đã hứa vì ông bị vết thương quá nặng trong vụ Watergate (nghe lén Đại hội của đảng Dân chủ ở Khách sạn Watergate ở Washington, D.C.) buộc ông phải từ chức.
Phía đảng Cộng hòa thì cho rằng chính Đảng Dân chủ đã không muốn viện trợ thêm khi Việt Nam Cộng Hòa hấp hối nên quân Cộng sản mới chiến thắng. Nhưng họ lại quên rằng chính ông Nixon đã thương thuyết rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam với Bắc Việt sau lưng Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1970.
Vì vậy, đối với người Việt miền Nam thì ông Nixon và nước Mỹ đã tự đào hố chôn vùi danh dự của một cường quốc vì đã "phản bội" một đồng minh nhỏ bé.
Vậy Tổng thống Joe Biden có bị liệt vào chỗ đứng bên cạnh một Richard Nixon thất hứa hay không ? Lịch sử rồi sẽ có phán quyết. Nhưng may cho ông Biden là đã có trên 70% người Mỹ ủng hộ rút quân Mỹ khỏi Afganishtan. Người dân Mỹ là một dân tộc quên mau nên những gì xẩy ra ở Afghanistan hôm nay sẽ không gây quan tâm trước mắt cho họ bằng nạn dịch Covid 19 đang hoành hành nước Mỹ qua dạng nguy hiểm mới mang tên Delta.
Tính quên mau vấn đề Afghanistan có thể sẽ được trắc nghiệm trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào năm 2022, và sẽ được lập lại trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2024, nếu ông Biden tái tranh cử và cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump cũng làm như thế.
Nhưng dù sao thì thực tế đã cho thấy vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ đã bị mất tín nhiệm lâu dài sau chiến tranh Việt Nam. Giờ đây, sau vụ Afghanistan, liệu vị trí cường quốc hàng đầu của Mỹ có bị sứt mẻ thêm không, hay chỉ có người dân Afghanistan phải chịu hẩm hiu, như người Việt miền Nam Việt Nam đã phải gánh chịu hồi năm 1975 mà thôi ?
Phạm Trần
(19/08/2021)
(1) American troops cannot and should not be fighting in a war and dying in a war that Afghan forces are not willing to fight for themselves (Biden’s Text, 16/8/2021.
(2) It is wrong to order American troops to step up when Afghanistan’s own armed forces would not.
(3) I’m now the fourth American President to preside over war in Afghanistan — two Democrats and two Republicans. I will not pass this responsibly on — responsibility on to a fifth President.
(4) Afghanistan political leaders gave up and fled the country. The Afghan military collapsed, sometimes without trying to fight.
(5) The Taliban would honor women's rights, but within the norms of Islamic law" (NPR –National Public Radio).
(6) He said the group wanted private media to "remain independent", but stressed journalists "should not work against national values.
(7) And he promised the insurgents would secure Afghanistan — but seek no revenge against those who worked with the former government or with foreign governments or forces".
(8) "You have my absolute assurance that if Hanoi fails to abide by the terms of this agreement it is my intention to take swift severe retaliatory action" (Tài liệu lịch sử chiến tranh Việt Nam của Mỹ).
*********************
Tổng thống Biden không hối tiếc về quyết định rút quân khỏi Afghanistan
Thu Hằng, RFI, 17/08/2021
Sau đợt nghỉ cuối tuần im lặng, tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng về chiến dịch di tản đầy hỗn loạn, cũng như chiến thắng bất ngờ và dễ dàng của lực lượng Taliban ở Afghanistan. Trong bài diễn văn dài 18 phút ngày 16/08/2021, ông Joe Biden vẫn kiên quyết bảo vệ quyết định rút quân.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 16/08/2021. AP - Evan Vucci
Ông khẳng định quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đã hoàn thành mục tiêu và Mỹ không có nhiệm vụ "xây dựng Nhà nước Afghanistan". Đối với quân Taliban, hiện kiểm soát hoàn toàn đất nước, tổng thống Mỹ cảnh báo mối quan hệ giữa Washington và Afghanistan sẽ phụ thuộc vào "thái độ của Taliban".
Thông tín viên Loubna Anaki tường trình từ New York :
"Tổng thống Mỹ giữ vững lập trường và không hề hối tiếc về quyết định của ông. Ông công nhận là tình hình những ngày vừa qua rất hỗn loạn, nhưng ông cho rằng phần lớn là do trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Afghanistan đã bỏ trốn và quân đội Afghanistan đã không chiến đấu để giữ quyền kiểm soát dù đã được Mỹ đầu tư rất nhiều.
Theo tổng thống Biden, dù Mỹ có hiện diện thêm 1 năm, 5 năm hay 15 năm nữa thì có lẽ cũng không thay đổi được gì. Ông giải thích ưu tiên hiện nay là di tản nhanh chóng tất cả công dân Hoa Kỳ và những cộng tác viên người Afghanistan. Nguyên thủ quốc gia Mỹ cũng cảnh cáo quân Taliban về bất kỳ cuộc tấn công nào gây xáo trộn các chiến dịch này.
Kết thúc bài phát biểu, ông Joe Biden đã rời đi mà không trả lời câu hỏi của các nhà báo. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông vẫn không xoa dịu được những lời chỉ trích nhắm vào chính quyền Biden và cách tiến hành việc rút quân. Nhiều dân biểu đảng Cộng Hòa cho rằng nguyên thủ quốc gia Mỹ nợ những lời giải thích về chiến dịch triệt thoái hỗn loạn và làm ảnh hưởng đến uy tín của Hoa Kỳ".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 17/08/2021