Chưa đầy hai tuần sau khi thủ đô Kabul thất thủ, một vụ tấn công tự sát cũng đủ để Taliban và phương Tây buộc phải bắt tay nhau chống khủng bố. Một bên cần được bảo đảm hoàn tất các chương trình di tản và ra đi trong danh dự. Ở phía bên kia, phong trào Hồi giáo cực đoan tại Afghanistan cần đạt mục tiêu "vãn hồi an ninh và hòa bình" sau 20 chiến tranh.
Các chiến binh Taliban tại một chốt kiểm soát bên ngoài sân bay Kabul, Afghanistan, ngày 28/08/2021. AP - Wali Sabawoon
Vụ tấn công hôm 26/08/2021, gần 100 người thiệt mạng ở Kabul, làm dấy lên đe dọa khủng bố. Thủ phạm, "tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan IS-K" thách thức "những ông chủ mới ở Kabul". Đây là yếu tố mở đường cho "Taliban và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn" như ghi nhận của một số nhà phân tích.
Tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại Afghanistan, cho biết đã "liên lạc với Taliban" để tăng cường an ninh và khẳng định các chiến binh Taliban đã "ngăn chận được một số âm mưu khủng bố". Về phía Taliban, theo như ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trong một vài ngày qua, phe này không còn cản trở những chiếc xe ca chở người xin được di tản vào khu vực phi trường.
Trong 20 năm qua, phe Taliban liên tục chiến đấu chống lại các chính quyền liên tiếp ở Kabul do liên quân quốc tế bảo trợ. Taliban cũng đã dễ dàng lên án một chính quyền bù nhìn và bất tài trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho người dân Afghanistan, mỗi khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất. Nhưng giờ đây, một khi làm chủ đất nước, phong trào Hồi Giáo do những sinh viên thuộc sắc tộc Pashtun sáng lập không còn có thể đùn đẩy trách nhiệm cho bất kỳ một thế lực nào khác. Cũng đừng quên rằng một trong những lý do đã khiến Taliban lớn mạnh trên lãnh thổ Afghanistan là hứa hẹn "đem lại hòa bình, bảo đảm an ninh, áp dụng luật Hồi giáo Sharia"
Hơn thế nữa, trong thỏa thuận vãn hồi hòa bình cho Afghanistan ký kết với Mỹ tại Doha-Qatar cuối tháng 2/2020, lực lượng Taliban từng cam kết "không biến Afghanistan thành sào huyệt khủng bố". Cho nên việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan nhận là tác giả vụ tấn công ngày 26/08 là một vố đau đối với Taliban. Chỉ vài giờ sau vụ tấn công, phe này đã phải thanh minh rằng đã "tiêu diệt được tổ chức IS-K ở toàn bộ 34 tỉnh thành trên toàn quốc, nhưng Kabul là một ngoại lệ". Cũng Taliban đã vội vã phủ nhận trách nhiệm khi giải thích rằng khủng bố xảy ra tại một khu vực mà Hoa Kỳ kiểm soát an ninh.
Thêm một dấu hiệu khác cho thấy IS-K thách thức Taliban đó là tổ chức này đã hoàn toàn im lặng, không hoan hỷ chúc mừng Taliban chiếm được Kabul hôm 15/08/2021.
Lý do thứ hai báo trước Taliban và phương Tây có triển vọng hợp tác : "Taliban là một chiếc hộp đen", như chuyên gia Pháp về Afghanistan Gilles Dorronsoro ghi nhận. Ngay trong nội bộ của phong trào cũng có những chia rẽ sâu rộng kể từ sau cái chết của thủ lĩnh là giáo sĩ Omar năm 2015. Phong trào Taliban giờ đây đang bị chia rẽ giữa một bên là phe của giáo sĩ Mansur và bên kia là của một nhóm mang tên "Mặt trận tự sát". Một sự chia rẽ khác nữa liên quan đến các thế hệ trong hàng ngũ Taliban. Một bên thì muốn dừng lại khi đã giành lại được chính quyền ở Afghanistan và bên kia là những thành phần muốn liên kết với các tổ chức Hồi giáo cực đoan, với các nhóm khủng bố khác, đứng đầu là Al Qaeda, để mở rộng ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo ra toàn thế giới, mà trước măt là ở khu vực.
Trong hoàn cảnh đó, nhiều nhà phân tích ghi nhận những phát biểu có vẻ hòa hoãn của Taliban từ hai tuần qua có thể là những tín hiệu đầu tiên cho thấy "hợp tác" với phương Tây, hay rộng hơn là với cộng đồng quốc tế là điều tất yếu, nếu chính quyền sắp tới ở Afghanistan thực sự muốn vãn hồi an ninh và tái thiết đất nước. Như nhà nghiên cứu Adam Baczko, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa học Quốc Gia của Pháp, ghi nhận : Taliban đã chứng tỏ khả năng giành được một thắng lợi quân sự, nhưng đoạn đường còn lại sẽ gian nan không kém.
Thanh Hà