‘Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông’ (BBC, 24/03/2017)
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông mặc dù thừa nhận có đưa thiết bị phòng thủ ra các đảo có tranh chấp, hãng tin Reuters tường thuật.
Thủ tướng Trung Quốc nói các đảo và rạn san hô của Trung Quốc chủ yếu phục vụ các mục đích dân sự
Ông Lý mô tả các thiết bị này là để duy trì "tự do đi lại".
Trung Quốc bị quốc tế chỉ trích vì xây dựng quy mô lớn ở Biển Đông, mặc dù ông Lý nói với các phóng viên ở Úc rằng các công trình này chỉ phục vụ cho mục đích dân sự.
"Cơ sở vật chất của Trung Quốc, các đảo và rạn san hô của Trung Quốc chủ yếu phục vụ các mục đích dân sự, và thậm chí nếu có một số thiết bị hoặc cơ sở quốc phòng thì đó là để duy trì tự do hàng hải", ông Lý nói.
Các nước láng giềng khác cũng tuyên bố chủ quyền tại đây gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Hoa Kỳ ước tính Bắc Kinh mở rộng thêm khoảng 1.300 héc-ta đất tại bảy cấu trúc ở Biển Đông trong ba năm qua, trong đó có việc xây dựng đường băng, cảng, nhà chứa máy bay và các trạm thiết bị liên lạc.
Hoa Kỳ đã tiến hành một loạt chuyến đi bằng tàu chiến mà họ gọi là chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông và hoạt động này làm căng thẳng về quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
*******************
Trung Quốc tuyên bố không chủ trương quân sự hóa Biển Đông (RFA, 24/03/2017)
Trung Quốc không có chính sách quân sự hóa Biển Đông, những thiết bị quân sự được Bắc Kinh đặt trên những hòn đảo trong khu vực này chủ yếu được dùng cho dân sự.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự cuộc họp bàn tròn lần thứ 6 giữa Australia và Trung Quốc tại Sydney vào ngày 24 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Đó là điểm đáng chú ý nhất trong cuộc họp báo tại Canberra của Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, khi được hỏi về các hoạt động mà Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với nhiều nước khác.
Theo giải thích của người đứng đầu chính phủ Bắc Kinh, Trung Quốc không hề chủ trương quân sự hóa ở khu vực đang tranh chấp, giải thích thêm rằng những thiết bị được đặt ở vùng biển đảo này chủ yếu nhắm vào sử dụng cho dân sự, điển hình là quyền tự do hàng không.
Thủ Tướng Trung Quốc còn nói rằng máy bay, tầu thuyền qua lại ở Biển Đông đều thuộc những nước bạn hàng của Trung Quốc, do đó, Bắc Kinh có trách nhiệm phải bảo vệ quyền lợi của mình.
Giải thích của Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tức khắc bị các nhà quan sát quốc tế xem là không thành thật, trước những chứng cớ cho thấy Bắc Kinh đang dùng Biển Đông để phô trương thế lực quân sự, khi xây đường băng và đặt các dàn hỏa tiễn phòng không.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AFP, chuyên gia Tim Johnson đang làm việc tại Sydney cho rằng Thủ Tướng Bắc Kinh đưa ra lời tuyên bố này với mục đích muốn làm nhẹ vấn đề, trong khi hình ảnh vệ tinh chụp được cho thấy Trung Quốc xây dựng những căn cứ quân sự trên một số đảo mà họ đang nắm giữ ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo, Thủ Tướng Trung Quốc còn lên tiếng kêu gọi các nước đừng có hành động khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn, kể cả những hành động quân sự.
Nhưng Ngoại Trưởng Úc, bà Julie Bishop cho rằng việc Trung Quốc cải tạo, xây dựng các hòn đảo, bãi đá Bắc Kinh đang chiếm giữ cộng với những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn quân sự hóa khu vực tranh chấp này đã khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, đẩy các nước trong vùng tới chỗ không tin ở Bắc Kinh.
*********************
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ trích Hoa Kỳ có quan điểm khiêu khích về Biển Đông, đồng thời cho rằng việc Washington không hành động khi Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo là nguồn cơn của căng thẳng hiện thời ở vùng biển tranh chấp.
Reuters dẫn lời ông Duterte nói hôm 23/3 rằng các đợt tuần tra tự do hàng hải của Washington có thể dẫn tới "các tính toán sai lầm", làm bùng ra xung đột, đồng thời cáo buộc chính quyền Hoa Kỳ trước đây đã gây áp lực buộc Philippines chống Trung Quốc nhưng không bảo đảm sự hậu thuẫn quân sự.
Nhà lãnh đạo Philippines nói về việc tuần tra khởi sự dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Obama : "Chỉ một phát đạn, nó có thể dẫn tới một vụ nổ và chiến tranh cũng như chuyện ‘nồi da xáo thịt’".
Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng nước này muốn duy trì tự do hàng hải và bay ngang qua tuyến hải lộ chiến lược, và rằng chuyện đó không phải là hành động khiêu khích.
Bình luận của ông Duterte được đưa ra trong bối cảnh có quan ngại ở Philippines rằng Trung Quốc sẽ xây dựng một số trạm quan trắc môi trường ở vùng biển tranh chấp, trên cả bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ tin này.
Trước đó, Tổng thống Duterte tuyên bố rằng nước ông, hay thậm chí Mỹ, cũng không thể cản bước Trung Quốc ở Biển Đông.
"Tôi có thể làm gì ? Tuyên chiến với Trung Quốc ? Tôi có thể, nhưng chúng tôi sẽ để mất tất cả quân đội, cảnh sát, và đất nước sẽ bị phá hủy", ông Duterte được AP trích lời nói hôm 19/3 liên quan tới tin Trung Quốc sẽ xây dựng trên bãi cạn Scarborough.
Tháng trước, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc Trung Quốc xây "khu phức hợp quân sự" ở Biển Đông "xảy ra dưới chính quyền của ông Obama", và "đáng lẽ không được cho phép làm vậy".
Khi được hỏi về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, "ông chủ" Nhà Trắng nói : "Tôi biết chính xác chuyện đang xảy ra giữa Trung Quốc và Bắc Hàn và mọi nước khác. Nhưng tôi không thích nói chuyện chiến lược quân sự trên báo chí… Tôi không thích".
"Điều này không xảy ra dưới thời kỳ nắm quyền của Trump mà dưới thời của ông Obama. Nhiều chuyện xảy ra mà đáng lẽ không được cho phép. Một trong số đó là việc xây dựng một khu phức hợp quân sự cực lớn, cực lớn ở giữa Biển Đông", ông Trump nói tiếp.
******************
Tổng thống Philippines : Mỹ án binh bất động là nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông (RFI, 24/03/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 23/03/2017 tố cáo Hoa Kỳ có thái độ khiêu khích trên Biển Đông, cho rằng việc Mỹ không hành động gì khi Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo là nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực. Ông cho biết sẵn sàng chia sẻ nguồn lợi thiên nhiên với Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tổng thống Philippines Duterte trong một cuộc họp báo tại sân bay Manila sau chuyến công du Miến Điện và Thái Lan, ngày 23/03/2017. REUTERS/Romeo Ranoco
Ông Duterte nói rằng việc Washington cho các chiến hạm tuần tra để khẳng định tự do hàng hải là một "tính toán sai lầm", có thể gây ra xung đột. Ông cũng tố cáo chính quyền Obama trước đây đã ép Manila phải đối đầu với Bắc Kinh mà lại không bảo đảm yểm trợ về quân sự.
Tổng thống Philippines tỏ ra bực tức với đồng minh lâu đời nhất là Hoa Kỳ, vốn ràng buộc với Manila qua một hiệp ước hỗ tương, nhưng đã không hành động gì khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines tại Biển Đông.
Ông Duterte tuyên bố : "Chỉ cần bắn một phát súng là xung đột có thể bùng nổ, dẫn đến chiến tranh (…). Tại sao Mỹ là nước duy nhất có thể hành động, lại muốn hải quân chúng tôi phải đến ? Đó sẽ là một cuộc thảm sát lính Philippines (…). Khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng, tại sao các vị không phản ứng, không gởi năm hàng không mẫu hạm đến ? Mỹ đã có thể dập tắt vấn đề từ trong trứng nước nếu hành động dứt khoát".
Reuters nhận xét, ngược với những lời đả kích Hoa Kỳ, ông Duterte lại không chỉ trích Trung Quốc mà ông đang hy vọng sẽ mua nông sản và đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Philippines. Chính sách mở cửa của ông đối với người láng giềng khổng lồ xưa nay vẫn bị Manila coi là kẻ hung hăng muốn xâm chiếm Biển Đông, là một bước ngoặt so với chính phủ tiền nhiệm đã đưa Bắc Kinh ra trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye.
Trong cuộc nói chuyện với các luật sư ở Manila ngày 23/03, tổng thống Philippines còn cho biết ông sẵn sàng chia sẻ nguồn lợi thiên nhiên với Trung Quốc tại vùng biển mà tòa án La Haye đã khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila, vì không đủ năng lực khai thác.
Những tuyên bố của ông Rodrigo Duterte được đưa ra trong bối cảnh quan ngại đang tăng lên về việc Trung Quốc sẽ xây nhiều trạm quan trắc môi trường tại Biển Đông, kể cả trên bãi cạn Scarborough đã chiếm của Philippines tháng 6/2012.
Ngày 24/03, tại Sydney trong cuộc hội đàm với thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường biện minh Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông, nói rằng các thiết trí quân sự trên các đảo nhân tạo "chủ yếu" là nhằm phục vụ mục đích dân sự.
Thụy My
***********************
Philippines muốn cùng Trung Quốc khai thác tài nguyên Biển Đông (RFA, 24/03/2017)
Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines cho biết có thể sẽ cùng Trung Quốc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực biển mà hai nước đang tranh chấp chủ quyền.
Ngư dân Philippines phơi hải sản đánh bắt được trên bãi biển vịnh Manila hôm 21/11/2014. AFP photo
Tổng Thống Duterte ông đang nghĩ đến chuyện này, giải thích thêm là Philippines không có đủ điều kiện để tự khai thác.
Trung Quốc tự nhận là có chủ quyền và chiếm giữ phần lớn khu vực Biển Đông, kể cả vùng biển nằm sát với bờ biển của Phi, bất kể phán quyết Tòa Trọng Tài Quốc Tế đưa ra hồi năm ngoái nói rằng Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử lẫn chủ quyền pháp lý ở khu vực mà họ đang chiếm giữ.
Cuối năm ngoái khi sang thăm Bắc Kinh, Tổng Thống Phi và Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý không để chuyện tranh chấp chủ quyền biển đảo ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao lẫn thương mại. Mới tuần rồi, ông Duterte nói thêm rằng Trung Quốc có thể giúp Phi phát triển kinh tế, đồng thời cho hay Phi không đủ sức để đối đầu quân sự với Bắc Kinh.
********************
Cách Malaysia nâng cấp hải quân hàm chứa nhiều rủi ro (VOA, 24/03/2017)
Chiến hạm của Malaysia tuần tra gần đảo Langkawi (ảnh tư liệu ngày 16/5/2015)
Việc Malaysia đặt mua tàu hải quân của Trung Quốc và tăng cường tuần tra chống tàu tuần dương Bắc Kinh xâm nhập hải phận càng làm phức tạp cho quan hệ giữa hai nước và đề ra những lo ngại lớn về quốc phòng.
Các giới chức của Malaysia, quốc gia Ðông Nam Á có bờ biển trải dài từ Biển Sulu đến Ấn Ðộ dương, hồi tháng 11 cho hay họ sẽ mua bốn chiếc tàu tuần tra cao tốc lớp LMS do Trung Quốc chế tạo.
Các nhà phân tích nói các tàu LMS sẽ bắt đầu kế hoạch thay mới 50 chiếc tàu của Hải quân Hoàng gia Malaysia để bảo vệ lãnh hải nước này trước nhiều mối đe dọa, kể cả từ Trung Quốc, nước có tranh chấp chủ quyền với Kuala Lumpur trong Biển Đông.
Ông Ibrahim Suffian, giám đốc chương trình của Trung tâm Merdeka, nhóm chuyên thăm dò dư luận có trụ sở ở Kuala Lumpur, cho biết :
"Tàu tuần dương của Trung Quốc khi tuần tra trong đường chín đoạn đến rất gần vùng duyên hải của Malaysia".
Thủ tướng Malaysia hồi năm ngoái loan báo hợp đồng đặt mua bốn chiếc tàu tuần tra ven bờ của Trung Quốc. Trong quá khứ, các lực lượng vũ trang Malaysia ưa chuộng thiết bị quân sự của phương Tây, do Hoa Kỳ, Anh hay Pháp chế tạo. Hợp đồng với Trung Quốc đánh dấu một sự thay đổi đầu tiên trong truyền thống đó.
Năm 2015, Malaysia phát hiện một tàu tuần dương Trung Quốc neo tại Bãi cạn Luconia, một đảo nhỏ trong Biển Đông nằm cách bờ biển Borneo của Malaysia khoảng 150 kilômét về hướng bắc. Trước đó một tàu chiến của Trung Quốc bị phát hiện đến gần Malaysia, và vào tháng 3 năm 2016 Malaysia phát hiện đến 100 tàu đánh cá Trung Quốc được tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống.
Nhiều người ở quốc gia có 31 triệu dân này cảm thấy chính phủ của họ phản ứng quá yếu ớt trước những hành động của tàu bè Trung Quốc. Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu an ninh biển tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định rằng nhận thức đó của nhiều người Malaysia đe dọa uy tín của đảng đương quyền.
Ông Koh nói : "Nhìn lại những gì xảy ra vào tháng 9 năm 2015 khi lần đầu tiên chính phủ ở Kuala Lumpur tiết lộ vụ một tuần dương hạm của Trung Quốc neo tại Bãi cạn Luconia, công chúng đã phản ứng khá dữ dội, họ hỏi làm thế nào chính phủ Malaysia lại cho phép tàu tuần dương Trung Quốc đến đó. Chính phủ của Thủ tướng Najib Razak cảm thấy cần phải làm một cái gì đó, ít nhất là để xoa dịu công chúng và cho dư luận thấy rằng chính phủ đang thực sự chú tâm và hành động nghiêm túc về chuyện đó".
Tàu LMS là loại tàu chiến tương đối nhỏ được thiết kế để có khả năng triển khai tác chiến nhanh cận bờ, đôi lúc để chống các tàu lớn hơn của đối phương.
Các nhà phân tích nói Kuala Lumpur thường tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế rất quan trọng với nước này. Malaysia xem Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là đối tác thương mại hàng đầu và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Malaysia.
Trung Quốc đang đẩy mạnh ảnh hưởng kinh tế ở khắp nơi trong khu vực Ðông Nam Á, mới đây nhất là với Philippines, để đổi lại những nhượng bộ đối với các hoạt động của Bắc Kinh trong vùng biển đang tranh chấp.
Theo thống kê của trang mạng về sức mạnh quân sự trên toàn cầu "GlobalFirePower.com", Trung Quốc là nước có sức mạnh quân sự lớn thứ ba trên thế giới, trong khi Malaysia đứng thứ 34.
Ông Oh Ei Sun, giảng viên khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nanyang ở Singapore, nhận định : "Cho dù Malaysia có nâng cấp hải quân của họ đến mức nào đi nữa, họ vẫn không thể nào theo kịp sự mở rộng của hải quân Trung Quốc trong kế hoạch lâu dài".
Các chuyên gia nhận định rằng ngoài việc chuẩn bị ứng phó với các xung đột có thể xảy ra liên quan đến tranh chấp lãnh hải, Malaysia còn cần phải nâng cấp lực lượng hải quân để chống các nhóm Hồi giáo bạo động đang tìm cách cách vượt qua vùng biển rất khó canh giữ từ miền nam Philippines vào Borneo.
Giáo sư Oh Ei Sun nói hải tặc đôi lúc cũng hoành hành trong vùng biển nằm về phía bắc Borneo khiến giới hữu trách cần trang bị loại tàu tuần tra tốc độ cao hơn.
Chuyên gia Suffain nhận định thêm rằng tàu đánh cá từ các nước Indonesia, Thái Lan, và Việt Nam thỉnh thoảng cũng vào hải phận của Malaysia để đánh bắt cá.
Nhưng Malaysia cắt giảm 12,7% ngân sách quốc phòng xuống còn 3,41 tỉ đôla trong năm nay. Và theo chuyên gia Koh, nhiều tàu trong hạm đội của Malaysia đã trải qua từ 30 đến 50 năm hoạt động, khiến chi phí bảo trì gia tăng, và vì vậy các tàu này phải dược thay thế vì "không còn mang tính kinh tế nữa".
Ralph Jennings
***********************
Tàu hải quân Trung Quốc sắp thăm Philippines (VOA, 25/03/2017)
Trung Quốc ngày 24/3 tuyên bố đang liên lạc với Philippines về chuyến thăm có thể có của một tàu hải quân Trung Quốc tới Philippines.
777777777777777
Các nhà hoạt động biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila, phản đối Trung Quốc xây dựng quân sự trên Biển Đông, 24/1/17
Một ngày trước đó, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, loan báo đã mời tàu chiến Bắc Kinh sang thăm.
Đáp câu hỏi về tin tàu hải quân Trung Quốc sắp thăm Philippines, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, nói trao đổi quân sự giữa hai nước là một phần quan trọng trong bang giao song phương.
Bà Hoa cho biết các cơ quan liên hệ của đôi bên đang liên lạc với nhau về kế hoạch này.
Diễn tiến này diễn ra giữa những quan ngại tại Philippines rằng Trung Quốc sắp xây một số trạm quan trắc môi trường ở Biển Đông, kể cả trên bãi cạn Scarborough, một cáo buộc mà Trung Quốc khẳng định là ‘không đúng sự thật’.