Thái độ của Mỹ và thế chênh vênh của Việt Nam (RFA, 04/04/2019)
Bên lề hội thảo 'Hoa Kỳ-Việt Nam : Hướng đến hợp tác chiến lược' diễn ra ngày 3/4/2019 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington nước Mỹ, một trong những nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm – Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng có một số bình luận sau với Đài Á Châu Tự Do RFA liên quan đến một số diễn biến ở Biển Đông.
Các tàu chiến Mỹ (Arleigh Burke, USS McCampbell) dẫn đường cho các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung ở Guam hôm 21/1/2016 - Hình minh họa. Courtesy US NAVY
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại hội thảo, khi ông đặt câu hỏi với Trợ lý Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ - ông Randall G.Schriver, về việc làm thế nào đảo ngược vị thế của Trung Quốc tại Biển Đông, ông đã không nhận được câu trả lời.
"Tôi có đặt câu hỏi là : "Theo một số chiến lược gia và chuyên viên Mỹ, Trung Quốc gần như kiểm soát được Biển Đông, trừ khi Mỹ chấp nhận chiến tranh với Trung Quốc". Tôi hỏi ông nghĩ gì về bình luận đó thì ông ấy (Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ-PV) tránh không trả lời. Thì tôi thấy đó là những cảnh báo cho thấy Trung Quốc đang có lợi thế rất nhiều ở Biển Đông, mà khó có thể đảo ngược lại được, trừ khi là đánh nhau. Tôi không nghĩ là Mỹ muốn đánh nhau lúc này. Mỹ không thấy là cần phải đánh nhau, bởi tương quan lực lượng khu vực không thuận lợi cho Mỹ. Đánh nhau thì có thể thắng nhưng tương quan lực lượng không thuận lợi và đánh để làm gì ? Sau đó là cái gì… ? Thì cũng không thấy rõ. Tôi nghĩ chuyện chiến tranh là Mỹ không có làm".
Giáo sư Hùng cũng cho biết, gần đây việc không tiếp tục tham gia hiệp định TPP càng làm cho vị trí của Mỹ tại khu vực này bị hụt hẫng.
"Thí dụ như việc bỏ TPP làm cho Mỹ bị hụt hẫng, nó làm cho thế của Trung Quốc cao lên. "
"Sáng kiến Vành đai Con đường là một chiến lược lớn, lâu dài và rất nhiều tham vọng. Bởi vì nó không những đi qua Á Châu, Âu Châu, mà còn đi xuống tận Phi Châu.
"Mặc dù thời gian qua, việc thực hiện chiến lược này gặp khó khăn không ít do kinh tế Trung Quốc suy giảm ; đồng thời bị nhiều nước nghi ngờ".
Tuy nhiên, cục diện này gần đây có thay đổi khi Mỹ và đồng minh lâu năm Châu Âu ngày càng có nhiều điểm khác biệt. Giáo sư Nguyễn Manh Hùng cho biết tiếp :
"Gần đây, khi Ý – một trong 7 nước giàu nhất thế giới – chấp nhận "Một vành đai – Một Con đường", và gần đây Âu Châu và Mỹ có nhiều mâu thuẫn và bất đồng vì chính quyền Trump, điều này đã khiến cho nước Mỹ ở một cái thế bất lợi. Bởi vì mình hơn người ta là vì mình có đồng minh trên thế giới, mà bây giờ đồng minh không tin tưởng, cần Mỹ nhưng không tin tưởng Mỹ, tôi thấy tình trạng này bất lợi cho Mỹ".
Tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc như vậy làm cho thế đứng của Việt Nam rất chênh vênh, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
"Việt Nam ở trong một tình trạng rất là chênh vênh. Việt Nam muốn đứng giữa. Người ta nói trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Nó đánh nhau mình cũng chết, nhưng mà nó bằng lòng với nhau thì mình cũng có thể chết. Nó bán đứng mình thì cái thế đó rất là khó khăn. Phải có những đồng minh thật là tin cẩn".
"Ngày xưa, trong các cuộc chiến tranh Đông Dương thì Trung Quốc là tin cẩn. Bây giờ thì Trung Quốc không còn là đồng minh nữa và có thể là một mối đe dọa, phải tìm đồng minh khác. Việt Nam đang có chính sách đa phương – đa dạng hóa mối quan hệ ngoại giao, nói chung là tốt, nhưng mà áp dụng như thế nào, thì phải thấy là cuối cùng phải có đối lực. "
"Đối lực ở đâu ? Đối lực ở các nước Asean thì Việt Nam thích hơn là bởi vì thoải mái hơn, vì các nước cùng nhỏ với nhau cả, nhưng các nước Asean tình trạng hiện nay rất là chia rẽ. Mặt khác, Trung Quốc cố tình chia rẽ thì nó còn yếu hơn nhiều. Còn các đồng minh khác, nước Nhật hiện không thể làm đối lực khả tín đối với Trung Quốc. Chỉ có một đối lực khả tín nhất là nước Mỹ mà thôi".
Nhưng vẫn đề đặt ra là lòng tin mà hai nước dành cho nhau như thế nào ?
"Đối với nước Mỹ, Việt Nam thấy cần thiết, thế nhưng còn khá nhiều vấn đề. Thí dụ : lòng tin tưởng với nhau thì cũng không có nhiều. Thứ hai là chính quyền này người ta gọi là bất lường, không thể tiên đoán được ; rồi lại để ý đến vấn đề kinh tế hơn là chiến lược. "
"Thực ra là có mâu thuẫn nội bộ. Một số người ở quân đội chẳng hạn, quốc hội thì để ý đến vấn đề chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc. Trong khi ông Trump, và một hai cộng sự viên của ông ấy, thì lại để ý đến vấn đề kinh tế hơn là chiến lược và thích trao đổi, thích thỏa thuận. Nếu trung Quốc có một cái deal nào thuận lợi, thì ông ấy có thể bỏ những cái bé để lấy những cái lớn. Cái đó là nguy hiểm cho các nước nhỏ ở Á Châu, Đông Nam Á".
Với những diễn biến và thái độ của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng :
"Thành ra đó là bài toán rất là khó khăn không những cho các chiến lược gia Việt Nam mà bất cứ một chiến lược gia nào trên thế giới".
Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề không chỉ là lòng tin mà hai nước dành cho nhau khi đẩy mạnh quan hệ hợp tác, mà quan trọng hơn là thái độ của nước Mỹ như thế nào trong mối quan hệ này.
Xuân Nam
******************
Mỹ muốn thăm Việt Nam lần hai bằng tàu sân bay (BBC, 0/04/2019)
Hoa Kỳ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận để đưa tàu sân bay thứ hai tới Việt Nam năm 2019, theo Reuters.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng tháng 3/2018
Hoa Kỳ cũng hy vọng các chuyến thăm bằng tàu sân bay sẽ trở thành một nét đặc trưng và được thực hiện thường xuyên trong mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa hai nước vốn là kẻ thù trong Chiến tranh Việt Nam, một quan chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ cho Reuters biết hôm thứ Tư 4/4.
hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng tháng 3/2018 trong chuyến thăm chính thức đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975, nhấn mạnh mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc giữa hai nước tại thời điểm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực đang gia tăng.
"Chúng tôi đã có chuyến thăm bằng tàu sân bay đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam và chúng tôi rất hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với các đồng nghiệp ở Việt Nam về chuyến thăm tàu sân bay thứ hai trong năm nay", ông Rand Randall Schriver, trợ lý bộ trưởng quốc phòng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington.
"Hiện chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Hy vọng của chúng tôi là các chuyến thăm như vậy có thể trở thành một hoạt động đặc trưng, thường xuyên trong mối quan hệ giữa hai nước. Đó sẽ là một dấu hiệu của một mối quan hệ trưởng thành và chiến lược", ông Randall Schriver nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Schriver cũng cho biết ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ có thể cung cấp tàu tuần duyên tải trọng cao thứ hai cho Việt Nam để tăng cường công tác an ninh hàng hải.
Hôm thứ Hai 2/3, Hoa Kỳ đã giao sáu tàu tuần tra trị giá 12 triệu đô la cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tận dụng một cuộc họp với các quan chức Việt Nam vào tháng Hai để mời mua vũ khí của Hoa Kỳ.
Nhiều thập kỷ sau chiến tranh, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng khăng khít thông qua mối quan tâm chung về hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các tàu sân bay của Hoa Kỳ thường xuyên qua lại trên vùng Biển Đông trong nỗ lực tăng cường sự tham gia của hải quân, và hiện đang bị các tàu hải quân Trung Quốc lấn át, giới chức hải quân trong khu vực cho biết.
Việt Nam gần đây nổi lên như đối thủ lên tiếng mạnh mẽ nhất trước yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc. Việt Nam cũng đã mua trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ, như một tầu tuần duyên bảo vệ bờ biển lớp Hamilton có vũ trang.
********************
Hoa Kỳ muốn thắt chặt quan hệ quốc phòng mạnh hơn với Việt Nam (VOA, 04/04/2019)
"Mối quan hệ quốc phòng của chúng ta [với Việt Nam] rất bền chặt và là một trong những trụ cột mạnh mẽ nhất trong mối quan hệ song phương trên nhiều phương diện của chúng ta", ông Randall G. Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ phát biểu hôm 3/4/2019 tại thủ đô Washington.
Ông Randall G. Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Ông Schriver phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) rằng mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam vừa được củng cố hơn nữa trong hai năm qua, và hai bên đang có các kế hoạch tăng cường hơn nữa mối quan hệ này dựa trên nền tảng lợi ích chung của hai quốc gia, tác giả David Vergun viết trên trang tin của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 3/4.
Quan hệ quân sự mạnh
Hoa Kỳ muốn tìm kiếm các mối quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn với Việt Nam, ông Schriver nói. Chẳng hạn, tàu sân bay USS Carl Vinson đã đến thăm Đà Nẵng vào năm ngoái, trong chuyến thăm đầu tiên kể từ Chiến tranh Việt Nam, và hai bên cũng đang có các cuộc thảo luận về việc có một chuyến thăm hàng không mẫu hạm khác trong năm nay.
Năm 2017, Hoa Kỳ đã chuyển giao một phần lớn thiết bị quốc phòng cho Việt Nam – ví dụ như tàu khu trục USCGC Morgenthau lớp Hamilton dành cho Cảnh sát biển. Con tàu này hiện đang hoạt động rất tích cực trong các nhiệm vụ an ninh hàng hải cho Việt Nam, ông Schriver nói. "Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành và chuyển giao chiếc tàu khu truc thứ hai".
Ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp tăng cường khả năng quân sự của Việt Nam và theo đuổi các cơ hội huấn luyện và hợp tác quân sự, tập trung vào các mảng như :
- An ninh và ổn định khu vực cho Việt Nam
- An ninh hàng hải và nhận thức về hàng hải
- Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai
- Giáo dục quân sự chuyên nghiệp, bao gồm đào tạo tiếng Anh
- Quân y
- Tìm kiếm và giải cứu
- Hoạt động gìn giữ hòa bình
Về mảng gìn giữ hòa bình, ông Schriver cho biết rằng Việt Nam đã triển khai một đơn vị gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan, trong đó có một số hỗ trợ từ Hoa Kỳ và các đối tác khác.
Ngoài ra, ông cho biết thêm : "Chúng tôi đã nâng cấp mức độ các cuộc đối thoại quốc phòng hàng năm và các quan chức cấp cao của hai bên đã gặp gỡ nhau nhiều hơn, ngoài hai chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam trong hai năm qua và chỉ riêng trong năm rồi Bộ trưởng Quốc phòng [James] Mattis đã thăm Việt Nam hai lần.
Trong một lĩnh vực hợp tác khác, ông Schriver cho biết ông đánh giá cao sự sẵn lòng hợp tác của Việt Nam trong việc cho phép nhóm nghiên cứu và điều tra của Cơ quan tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích POW/MIA thực hiện các hoạt động khai quật hài cốt những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Lý do để tăng cường mối quan hệ quốc phòng
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Schriver cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam có cùng lợi ích chung "trong việc thúc đẩy trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế, bảo vệ chủ quyền, quyền hợp pháp riêng của các quốc gia, bất kể quy mô hay có lo ngại về một sự xói mòn tiềm ẩn trong trật tự dựa trên quy tắc mà từ trước đến nay đã cho phép tất cả các quốc gia ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trỗi vậy và thịnh vượng.
Ông nói thêm : "Chúng tôi chia sẻ quan điểm rằng để Ấn Độ-Thái Bình Dương tiếp tục phát triển, mỗi quốc gia trong khu vực phải được tự do xác định hướng đi của riêng mình trong một hệ thống các giá trị đảm bảo cơ hội cho cả những quốc gia nhỏ nhất phát triển và thoát khỏi sự hà hiếp của các nước mạnh. Nói tóm lại, đối với Việt Nam, những gì chúng ta muốn là một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, độc lập, vậy đấy".
Theo tác giả David Vergun, sự hà hiếp mà ông Schriver nhắc đến là từ Trung Quốc.
"Một khu vực đang ngày càng phải đối mặt với một Trung Quốc hung hăng, quyết đoán hơn, sẵn sàng chấp nhận tranh chấp trong việc theo đuổi lợi ích của mình", ông Schriver nói, nhắc đến việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.
******************
Mỹ muốn đưa hàng không mẫu hạm thứ 2 đến Việt Nam trong năm nay (VOA, 04/04/2019)
Mỹ có thể sẽ gửi hàng không mẫu hạm thứ hai đến Việt Nam trong năm nay và cam kết giúp Hà Nội bảo vệ chủ quyền quốc gia giữa lúc Trung Quốc không ngừng các hoạt động quân sự hóa trên vùng Biển Đông có tranh chấp.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson là chiến hạm đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết có thể sẽ có một chiến hạm thứ hai tới Việt Nam trong năm nay.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Randall Schriver cho biết như vậy hôm 3/4 tại cuộc thảo luận làm thế nào để Mỹ và Việt Nam có thể thúc đẩy các mối quan hệ an ninh và quốc phòng chặt chẽ hơn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washinhton.
"Hàng không mẫu hạm của chúng tôi đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh, và chúng tôi rất hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với chính phủ Việt Nam cho chuyến thăm hàng không mẫu hạm lần thứ hai trong năm nay", ông Schriver, người từng tháp tùng cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis trong chuyến thăm lần thứ 2 của ông tới Việt Nam hồi cuối năm ngoái, nói tại buổi thảo luận ở CSIS.
Đầu tháng 3 năm ngoái, tàu USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, trong chuyến thăm 5 ngày và trở thành hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ tới Việt Nam sau hơn 4 thập kỷ.
"Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng đây có thể là một thông lệ cho mối quan hệ giữa hai nước. Đây sẽ là dấu hiệu của một mối quan hệ chín muồi và chiến lược", ông Schriver cho biết và nói thêm rằng Mỹ sẽ thảo luận chi tiết với các đối tác Việt Nam về vấn đề này.
Chuẩn tướng Stephen Michael của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cũng cho biết hôm 3/4 tại buổi thảo luận ở CSIS rằng họ hy vọng sẽ có chuyến thăm thứ hai của hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Chriver còn cho biết thêm rằng Hoa Kỳ sẽ có thể cung cấp cho Việt Nam một tàu tuần tra thứ hai để giúp đỡ trong công tác an ninh hàng hải.
Yếu tố Trung Quốc
Tại sao Mỹ phải đợi đến hơn một năm sau mới có thể đưa hàng không mẫu hạm thứ 2 tới Việt Nam ?
Một trong những lý do đó là vì Việt Nam giới hạn các chiến hạm nước ngoài tới thăm, theo David Shear, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương.
Theo người từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Trung Quốc có ảnh hưởng tới việc "Hà Nội có thể đi xa đến đâu" và "Việt Nam lắng nghe họ nhưng không nhất thiết làm theo tất cả những gì Trung Quốc muốn". Tuy nhiên, theo ông Shear, đó là một yếu tố quan trọng trong việc đưa ra quyết định của Hà Nội.
"Đó là vì sao Việt Nam hạn chế các tàu nước ngoài tới thăm Việt Nam chỉ một lần trong một năm", cựu Đại sứ Shear nói. "Chúng tôi có thể linh hoạt với việc đó. Nhưng đó là lý do vì sao chúng tôi có thể không bao giờ có liên minh với Việt Nam".
"Không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ 3" là một lập trường nhất quán của Hà Nội từ trước tới nay. Chính sách "ba không" của Hà Nội còn gồm có "không liên minh quân sự" và "không cho nước nào lập căn cứ quân sự tại Việt Nam".
Mặc dù vậy, theo ông Shear, Mỹ mở ngỏ khả năng liên minh với Việt Nam nếu Hà Nội có mong muốn như vậy.
Cũng tại buổi thảo luận, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Schriver cho biết Mỹ "sẽ giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình, ngăn cản hành động gây hấn và đẩy mạnh an ninh khu vực và toàn cầu".
Việt Nam được coi là một trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ để đối phó với sức mạnh gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Chính sách này được Tổng thống Donald Trump chính thức đưa ra tại Hội nghị diễn đàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng hồi tháng 11/2017.
Khẳng định thêm về chính sách của Mỹ, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Shear nói : "Với Việt Nam và với tất cả ASEAN, chúng tôi đang giúp củng cố thêm chủ quyền quốc gia của họ. Chúng tôi giúp họ xây dựng khả năng và quân đội. Hơn nữa chúng tôi đang tham gia vào khu vực theo cách có thể giúp các nước như Việt Nam có sự tự tin mà họ cần để theo đuổi lợi ích trong tương quan với Trung Quốc một cách mạnh mẽ nhất".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng hành động mở rộng đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông cần phải được xử lý bằng các biện pháp hòa bình.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Fiji Press của Nhật Bản dẫn lời người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói như vậy hôm 2/6 với báo chí "xứ sở mặt trời mọc".
Cơ quan báo chí này dẫn lời ông Phúc nói rằng chính quyền Hà Nội hoan nghênh các đóng góp tích cực của các nước, trong đó có Nhật Bản, để đạt được mục tiêu trên.
Thủ tướng Việt Nam đặt chân tới Tokyo hôm 4/6, bắt đầu chuyến công du "xứ sở phù tang", ít lâu sau khi trở về nước từ Mỹ, nơi vấn đề Biển Đông cũng nổi lên.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc hôm 31/5 đã khẳng định rằng Biển Đông là tuyến đường hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Việt Nam đặt chân tới Tokyo hôm 4/6, bắt đầu chuyến công du "xứ sở phù tang", ít lâu sau khi trở về nước từ Mỹ.
Theo tuyên bố chung công bố sau cuộc họp của hai quan chức tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác.
Đôi bên cũng "bày tỏ lo ngại về tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á –Thái Bình Dương".
Tin cho hay, quan chức hai nước "nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp".
Tuyên bố chung có đoạn : "Tổng thống Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Nhật Bản hiện cũng có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc nhưng là tại biển Hoa Đông.
Ngoài vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, Fiji News dẫn lời ông Phúc nói rằng thương mại cũng nằm cao trong nghị trình chuyến thăm của ông tới Nhật.
Nhật Hoàng và phu nhân tới thăm Việt Nam hồi tháng Ba, và ông Phúc được trích lời nói rằng sự kiện đó "mở ra chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước".