Phong trào chống "Zero Covid" chưa thách thức được Tập Cận Bình, nhưng thúc đẩy Trung Quốc mở cửa lại
Trọng Thành, RFI, 30/11/2022
Từ một tuần nay, tại Trung Quốc, các hoạt động biểu tình, phản kháng diễn ra ở nhiều nơi, với đỉnh điểm là hai ngày cuối tuần 27 và 28/11/2022. Biểu tình diễn ra tại khoảng 15 thành phố, và khoảng 80 trường đại học, theo một sơ kết của truyền thông quốc tế. Những người phản kháng không những đòi chấm dứt chính sách Zero Covid, mà thậm chí đả đảo cả lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc.
Biểu tình phản đối chính sách Zero Covid tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, ngày 30/11/2022. via Reuters – Video obtained by Reuters
Phong trào phản kháng chống Zero Covid, với chính sách phong tỏa khắc nghiệt, mà đỉnh điểm là vụ cháy nhà ở Tân Cương, khiến 10 người chết do không kịp cứu hỏa, hiện chưa có điểm dừng, do các bất mãn sâu rộng trong xã hội Trung Quốc từ gần ba năm qua, tức từ khi Bắc Kinh áp đặt chính sách Zero Covid. Liệu phong trào chống chính sách Zero Covid có buộc chính quyền Tập Cận Bình phải lùi bước ?
Theo một số nhà quan sát, phong trào phản kháng hiện nay chưa đủ sức thách thức quyền lực của Tập Cận Bình, nhưng có thể là một động lực thúc đẩy việc Trung Quốc nhanh chóng mở cửa trở lại.
Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
1. Vì sao nói phong trào phản kháng chính sách Zero Covid hiện nay chưa đủ sức thách thức quyền lực Tập Cận Bình ?
Một chuyên gia về rủi ro chính trị tại Trung Quốc, nhà báo Gabriel Wildau, cựu trưởng văn phòng tại Thượng Hải của báo Anh Financial Times, có bài phân tích đáng chú ý mang tựa đề " China : Zero-Covid Protests Don’t Threaten Xi but May Accelerate Policy Shift " (Teneo, 28/11). Nhà báo, nhà phân tích rủi ro chính trị Gabriel Wildau trước hết ghi nhận "tính chất khác thường" của phong trào những ngày qua, nổ ra đồng thời tại nhiều thành phố lớn, và ngoài thông điệp chống chính sách Zero Covid (và "chính sách Zero Covid mềm dẻo / Dynamic Zero Covid"), nhiều cuộc biểu tình còn kêu gọi dân chủ, tự do ngôn luận, cũng như phản đối "chế độ độc tài". Về mặt này, rõ ràng là nhiều cuộc biểu tình mang âm hưởng của phong trào tranh đấu vì dân chủ năm 1989 (còn gọi là phong trào Thiên An Môn). Tuy nhiên, theo ông Gabriel Wildau, cho dù phong trào khiến giới lãnh đạo đảng lo lắng, nhưng trong hiện tại, có "ít dấu hiệu cho thấy các cuộc biểu tình là mối đe dọa đáng kể đối với vị thế chính trị của chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như đối với Đảng cộng sản cầm quyền".
Nhà báo, nhà phân tích rủi ro chính trị Gabriel Wildau nêu bật đến việc chế độ độc đảng tại Trung Quốc đã dành 15 năm vừa qua để để xây dựng một bộ máy an ninh tinh vi trong nước để sẵn sàng ứng phó với cái gọi là "biến cố công cộng bất ngờ" – điều tương ứng với những gì đang xảy ra những ngày gần đây. Cho đến nay, các phản ứng của chính quyền dường như đã đi theo đúng các kịch bản đối phó. Sau khi các cuộc biểu tình bùng phát, hàng loạt các trường đại học đã quyết định cho sinh viên về quê trước khi phong tỏa trở lại. Lực lượng an ninh được triển khai dày đặc để sẵn sàng trấn áp biểu tình. Việc điều tra, truy vết những người tham gia biểu tình đã diễn ra. Hệ thống kiểm duyệt cũng nỗ lực xóa bỏ các thông điệp phản kháng trên các mạng xã hội. Về quy mô của các cuộc biểu tình, theo nhà quan sát này, hầu hết các cuộc biểu tình chỉ có khoảng dưới một nghìn người tham gia, với sinh viên là chủ yếu.
Cần theo dõi sát các diễn biến tiếp theo, đặc biệt là phản ứng của giới kiểm duyệt, để đánh giá chính xác hơn phản ứng của chính quyền Trung Quốc. Cụ thể là, nếu phía kiểm duyệt lơi lỏng trong việc xóa bỏ, ngăn chặn các thông điệp phản kháng, thì có thể là "một dấu hiệu cho thấy các cơ quan tuyên truyền không còn thống nhất hoàn toàn với lãnh đạo tối cao", và chính sách Zero Covid gây bất mãn lớn trong xã hội Trung Quốc. Nhưng hiện tại, dường như chưa có mấy tín hiệu theo hướng này. Phong trào phản kháng về cơ bản chỉ có thể là một áp lực lớn buộc chính quyền Trung Quốc phải nhanh chóng từ bỏ chính sách Zero Covid, đang tác động tiêu cực đến đời sống hàng trăm triệu người dân Trung Quốc, kìm hãm nền kinh tế nước này.
2. Liệu chính quyền Tập Cận Bình có chấp nhận từ bỏ chính sách Zero Covid ?
Chính sách "Zero Covid" đã được chính quyền Tập Cận Bình thực thi tại Trung Quốc từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, gần ba năm nay. Nội dung chủ yếu của chính sách này là cố gắng duy trì số lượng người nhiễm virus Sarc-Cov-2 gây bệnh Covid-19 ở mức bằng không, để hạn chế tối đa tử vong. Về mặt chính thức, tại Hoa lục, chính quyền Trung Quốc chỉ ghi nhận hơn 5.000 ca tử vong trên khoảng 1,5 triệu ca nhiễm. Để so sánh, có thể lấy con số của nước Mỹ, với khoảng 1 triệu người chết, trên khoảng 100 triệu người nhiễm. Bắc Kinh đã coi chính sách Zero Covid là thể hiện cho sự ưu việt của chế độ, với nguyên tắc bảo vệ tối đa sinh mạng con người, bất chấp các thiệt hại về kinh tế (khoảng 1/5 GDP của Trung Quốc bị ảnh hưởng, mức tăng trưởng sụt giảm kỷ lục).
Vấn đề là Trung Quốc không thể duy trì phong tỏa mãi mãi (cho dù là phong tỏa cục bộ, và tùy vào thời điểm) để duy trì tình trạng số ca nhiễm gần bằng không, để bảo đảm có số người chết thấp nhất do dịch bệnh. Theo chuyên gia về rủi ro chính trị Gabriel Wildau, Trung Quốc hiện đứng trước ba kịch bản chính. Hoặc duy trì nguyên trạng chính sách phong tỏa, điều đã trở nên không thể. Hoặc mở cửa trở lại hoàn toàn, với dự báo số ca nhiễm sẽ lên tới 112 triệu, 2,7 triệu ca nhập viện và 1,5 triệu người chết trong khoảng thời gian ba tháng mở cửa đầu tiên. Kịch bản này dĩ nhiên không thể được chấp nhận. Kịch bản thứ ba là mở cửa một cách "hợp lý".
Giới quan sát chú ý đến nhóm 20 biện pháp nới lỏng được đưa ra ngày 11/11 vừa qua, bao gồm rút ngắn thời gian cách ly, giảm yêu cầu về xét nghiệm…, như một bước đi đầu tiên hướng đến việc rời bỏ chính sách Zero Covid. Theo trang NBC, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng có bài ủng hộ việc điều chỉnh chính sách, vấn đề là tránh rơi vào hỗn loạn. Cách nay hơn một tuần, một số địa phương như thành phố Thạch Gia Trang (Shijiazhuang), thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, "đã được cả nước cổ vũ" khi các giới chức lãnh đạo địa phương chống lại việc áp dụng các chính sách phòng dịch nghiêm ngặt theo quy định toàn quốc.
Chính quyền Tập Cận Bình rõ ràng đứng trước áp lực phải rời bỏ chính sách Zero Covid. Tuy nhiên, thay đổi mang tính dò dẫm, rụt rè, và thiếu đường hướng thống nhất được hoạch định một cách bài bản, đã dẫn đến việc các địa phương như Thạch Gia Trang, với 11 triệu dân, đã phải phong tỏa trở lại, và xét nghiệm đại trà tại nhiều khu vực, sau khi phát hiện gần 700 ca nhiễm mới ngày Chủ nhật 20/11. Rõ ràng là để từ bỏ chính sách Zero Covid, áp đặt nghiêm ngặt và một cách có hệ thống từ gần 3 năm tại Trung Quốc, không phải là điều đơn giản.
3. Làm thế nào để Trung Quốc có thể mở cửa trở lại ?
Hãng tin Mỹ AP có bài "China’s ‘zero-COVID’ limits saved lives but no clear exit " mô tả thực trạng và bài toán nan giải này với xã hội Trung Quốc (28/11). Giáo sư Ali Mokdad, chuyên về y tế cộng đồng, Đại học Washington, Seattle, nhận định việc Trung Quốc chỉ dựa vào chính sách Zero Covid, mà "không có kế hoạch B" đang đặt Trung Quốc trước ngõ cụt. Theo nhà virus học Julian Tang, Đại học Leicester (Anh), Trung Quốc không có cách nào khác là phải đi theo con đường chung mà thế giới đã trải qua. Đó là chấp nhận một tỉ lệ lây nhiễm cao trong xã hội, hay nói cách khác, chung sống với virus. Mà để có thể chung sống với virus và hạn chế được tỉ lệ tử vong, có ít nhất hai điều kiện : tiêm chủng đủ, về số lượng và chất lượng, và điều kiện chăm sóc tốt đối với những người bệnh Covid thể nặng. Đây chính là hai điểm yếu của hệ thống y tế Trung Quốc hiện nay, đặc biệt là số lượng người cao tuổi chưa tiêm chủng khá cao, vac-xin nội địa được coi là chưa đủ hiệu quả (nhưng chính quyền Bắc Kinh lại không chấp nhận nhập vac-xin có chất lượng do nước ngoài chế tạo, theo nhiều nhà quan sát). Cũng như tỉ lệ giường bệnh hồi sức cấp cứu ICU là khá thấp (bài " ‘No way we can open’ : China’s zero-Covid exit plans unravel ", Financial Times, 28/11). Tỉ lệ tiêm chủng thấp ở người cao tuổi, nhóm dân cư dễ bị Covid gây tổn hại nhất, tỉ lệ giường bệnh hồi sức thấp cộng với việc thiếu vắng một chính sách mới thay thế cho chính sách Zero Covid cũ khiến con đường mở cửa trở lại của Trung Quốc đầy gian nan.
Trang mạng truyền thông Hoa Kỳ NBC News có bài nhận định đáng chú ý "For China, moving away from ‘zero-Covid’ is easier said than done " ("Đối với Trung Quốc, ra khỏi chính sách Zero-Covid : nói dễ hơn làm"), nhấn mạnh đến một trong những điều quan trọng cần thay đổi để ra khỏi "Zero Covid". Đó là từ bỏ tâm lý lo sợ virus thái quá, một tâm lý đã được hệ thống tuyên truyền Trung Quốc phổ biến rộng rãi trong xã hội những năm qua. Việc chính quyền Trung Quốc buộc phải thả lỏng cho một số cuộc biểu tình bùng lên trong những ngày qua, cũng có thể là một tín hiệu cho thấy đã đến lúc Bắc Kinh chấp nhận phải điều chỉnh chính sách đi vào ngõ cụt này.
Trung Quốc mở cửa trở lại bằng con đường nào là một thực tế hoàn toàn để ngỏ. Trái ngược với dự đoán lạc quan của khá nhiều nhà quan sát, dự báo Trung Quốc có thể sẽ mở cửa trở lại bình thường, trong từ 4 tháng đến hơn nửa năm nữa (xác suất 60% mở cửa lại trong quý hai 2023, và 30% sớm hơn, theo Goldman Sachs, dẫn theo SCMP, ngày 23/11/2022 ), một số chuyên gia khác như nhà nghiên cứu Philippe Le Corre (nghiên cứu tại Havard Kennedy School và giáo sư trường ESSEC), tỏ ra rất dè dặt. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài France Infos (ngày 28/11), ông Philippe Le Corre khẳng định Bắc Kinh sẽ không chính thức từ bỏ chính sách Zero Covid về nguyên tắc, bởi Tập Cận Bình coi đây là chuyện gắn liền với uy tín cá nhân. Nhà Trung Quốc học Jean-Philippe Béja (CNRS), trong cuộc trả lời RFI phát ngày hôm qua, cũng chia sẻ quan điểm này khi nhấn mạnh : chính quyền Tập Cận Bình sẽ không lùi bước trước các áp lực. Độc quyền về lẽ phải vẫn sẽ tiếp tục là chủ trương lớn của chính quyền Tập Cận Bình. Nhà Trung Quốc học Emmanuel Lincot (Viện Iris), trên Le Figaro, cảnh báo : các cuộc biểu tình phản kháng cũng có thể là cơ hội giúp Tập Cận Bình củng cố thêm quyền lực.
Trọng Thành
************************
Trung Quốc : Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình chống chính sách zero Covid ở Quảng Châu
Phan Minh, RFI, 30/11/2022
Các cuộc đụng độ giữa người dân biểu tình chống các biện pháp phòng Covid-19 và cảnh sát đã nổ ra vào đêm 29/11/2022 rạng sáng 30/11 tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Nhân viên bảo vệ đứng gác trước cổng một tòa nhà bị phong tỏa do Covid-19, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/11/2022. © Thomas Peter / Reuters
Các đoạn video đăng trên các mạng xã hội được AFP trích dẫn, cho thấy người dân ném đồ vật vào cảnh sát. Trong một đoạn video khác, có thể thấy hàng chục người bị trói tay, dường như bị cảnh sát bắt giữ.
Trong bối cảnh diễn ra liên tiếp các cuộc biểu tình và lo ngại chính quyền Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa một cách đột ngột, sứ quán Mỹ và Pháp tại Bắc Kinh đã kêu gọi công dân nước mình tích trữ lương thực.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm :
Có thể cần phải tích trữ lương thực, tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người, một công dân Mỹ đứng trước một cửa hàng tạp hóa trong đường vành đai thứ ba của thủ đô Trung Quốc trả lời như trên. Hôm thứ Hai, trong một thông điệp được đăng trên mạng Weibo một ngày sau các cuộc biểu tình dữ dội ở Bắc Kinh, đại sứ quán Mỹ đã khuyến khích công dân của mình tích trữ thuốc, nước đóng chai và thực phẩm đủ dùng trong 14 ngày. Thông điệp tương tự được gửi từ email của đại sứ quán Pháp, kêu gọi người dân "dự trữ đủ lương thực để có thể đối phó với mọi tình huống".
Một công dân Pháp tên Richard đã làm như vậy : "Tôi nói vợ tôi mua đầy tủ đông lạnh để bảo đảm có lương thực trong vòng 2 tuần, chúng tôi sợ không có đủ đồ ăn. 2 siêu thị cạnh nhà tôi đã đóng cửa từ mấy ngày nay. Tôi không biết khi nào họ mới mở cửa trở lại. Tôi phải đi xe máy mất 40 phút để đến các siêu thị khác, mà ở đó cũng đóng cửa. Họ có thể đóng cửa đột ngột, do vậy, chúng tôi phải xoay sở để có lương thực, và chúng tôi có đồ dự trữ trong vòng 2 tuần. Mọi thứ đều không chắc chắn và chúng tôi đang chuẩn bị để đối phó với điều tồi tệ nhất".
Việc các kệ hàng ở siêu thị trống rỗng cho thấy nhiều người Trung Quốc cũng đề phòng tương tự. Đây là hậu quả của các đợt phong tỏa ngắn lặp đi lặp lại và đặc biệt là sự thiếu vắng những người giao hàng ở thủ đô, vì bản thân họ bị mắc kẹt ở nhà.
Phan Minh
Lập trường "zero Covid" của Trung Quốc khiến nước này biệt lập với phần còn lại của thế giới và gây ra tổn hại kinh tế chồng chất, nhưng lối thoát hãy còn xa trong lúc nhà cầm quyền lo ngại về khả năng đối phó và thích nghi của hệ thống y tế.
Một điểm kiểm soát bên ngoài Trung tâm Báo chí Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, ngày 24/1/2022.
Năm ngoái, các chuyên gia y tế Trung Quốc tin rằng tỉ lệ tiêm chủng cao sẽ cho phép Trung Quốc nới lỏng các quy luật gắt gao về đi lại và xét nghiệm trong lúc tỉ lệ lây nhiễm sụt giảm tại các nơi.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã dập tắt những hy vọng đó.
Trong khi một số nhà phân tích gọi phương pháp của Trung Quốc là "không bền vững", nhiều chuyên gia y tế địa phương- và một số ở nước ngoài-cho rằng nước này không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải tiếp tục vì hệ thống y tế kém phát triển.
Một số người thậm chí còn lập luận rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể còn trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết nếu kiểm soát được Omicron.
Bà Kristalina Georgieva, giám đốc quản trị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tuần trước kêu gọi Trung Quốc "đánh giá lại" phương pháp của họ và nói rằng phương pháp chống Covid của Trung Quốc đã trở thành "gánh nặng" cho cả kinh tế Trung Quốc lẫn toàn cầu.
Tuy nhiên Trung Quốc e rằng cái giá họ phải trả khi giảm sự phòng vệ có thể còn cao hơn, đặc biệt là với hệ thống y tế còn tụt hậu.
"Với dân số đông và mật độ cao, chính quyền quan ngại đúng về ảnh hưởng của virus lây lan", theo giáo sư về y tế quốc tế tại Trường Y tế Curtin ở Perth (Úc).
Tính tới cuối năm 2020, Trung Quốc có 4,7 triệu y tá, tức cứ 1000 người thì có 3,35 y tá. Mỹ có khoảng 3 triệu y tá, tức cứ 1000 người thì có 9 y tá.
Trung Quốc cũng lo ngại về nguy cơ của những biến thể mới, đặc biệt khi họ không chịu nhập khẩu vaccine nước ngoài. Các cuộc nghiên cứu cho thấy vaccine của Trung Quốc kém hiệu quả với Omicron. Trung Quốc cũng chưa triển khai vaccine mRNA của họ.
Ông Wu Zunyou, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cảnh báo là biến thể Omicron còn có thể đưa đến sự gia tăng về số tử vong dù rằng biến thể này chứng tỏ ít sát thương hơn, và Trung Quốc phải kiên nhẫn.
Lạc quan quá sớm
Trung Quốc đã tăng cường những cảnh báo y tế, kêu gọi dân chúng chớ để ý đến những tuyên bố rằng Omicron không nặng hơn cúm mà phải cảnh giác.
Vào ngày 26/1, Hoàn cầu Thời báo, do Nhân dân Nhật báo phát hành, chỉ trích truyền thông nước ngoài "chế nhạo" các chính sách của Trung Quốc và khẳng định rằng những chính sách này cứu mạng người.
Các chỉ trích của nước ngoài "dựa vào sự lạc quan vô căn cứ và quá sớm về kết thúc của đại dịch", tờ báo phê phán.
Các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài cũng nghi ngờ trước hy vọng Omicron là biểu hiện của giai đoạn cuối đại dịch.
Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại vì gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan tới Covid trong khi các lệnh phong tỏa để dập dịch làm ảnh hưởng nặng nề tới tiêu thụ và du hành.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn mạnh, với tăng trưởng GDP 8,1% trong năm ngoái vượt xa mức kỳ vọng.
Trung Quốc vẫn còn có thể trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng với một vị thế mạnh mẽ nhất, bà McIntyre thuộc Viện nghiên cứu Kirby nhận định.
(Reuters)