Lập trường "zero Covid" của Trung Quốc khiến nước này biệt lập với phần còn lại của thế giới và gây ra tổn hại kinh tế chồng chất, nhưng lối thoát hãy còn xa trong lúc nhà cầm quyền lo ngại về khả năng đối phó và thích nghi của hệ thống y tế.
Một điểm kiểm soát bên ngoài Trung tâm Báo chí Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, ngày 24/1/2022.
Năm ngoái, các chuyên gia y tế Trung Quốc tin rằng tỉ lệ tiêm chủng cao sẽ cho phép Trung Quốc nới lỏng các quy luật gắt gao về đi lại và xét nghiệm trong lúc tỉ lệ lây nhiễm sụt giảm tại các nơi.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã dập tắt những hy vọng đó.
Trong khi một số nhà phân tích gọi phương pháp của Trung Quốc là "không bền vững", nhiều chuyên gia y tế địa phương- và một số ở nước ngoài-cho rằng nước này không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải tiếp tục vì hệ thống y tế kém phát triển.
Một số người thậm chí còn lập luận rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể còn trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết nếu kiểm soát được Omicron.
Bà Kristalina Georgieva, giám đốc quản trị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tuần trước kêu gọi Trung Quốc "đánh giá lại" phương pháp của họ và nói rằng phương pháp chống Covid của Trung Quốc đã trở thành "gánh nặng" cho cả kinh tế Trung Quốc lẫn toàn cầu.
Tuy nhiên Trung Quốc e rằng cái giá họ phải trả khi giảm sự phòng vệ có thể còn cao hơn, đặc biệt là với hệ thống y tế còn tụt hậu.
"Với dân số đông và mật độ cao, chính quyền quan ngại đúng về ảnh hưởng của virus lây lan", theo giáo sư về y tế quốc tế tại Trường Y tế Curtin ở Perth (Úc).
Tính tới cuối năm 2020, Trung Quốc có 4,7 triệu y tá, tức cứ 1000 người thì có 3,35 y tá. Mỹ có khoảng 3 triệu y tá, tức cứ 1000 người thì có 9 y tá.
Trung Quốc cũng lo ngại về nguy cơ của những biến thể mới, đặc biệt khi họ không chịu nhập khẩu vaccine nước ngoài. Các cuộc nghiên cứu cho thấy vaccine của Trung Quốc kém hiệu quả với Omicron. Trung Quốc cũng chưa triển khai vaccine mRNA của họ.
Ông Wu Zunyou, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cảnh báo là biến thể Omicron còn có thể đưa đến sự gia tăng về số tử vong dù rằng biến thể này chứng tỏ ít sát thương hơn, và Trung Quốc phải kiên nhẫn.
Lạc quan quá sớm
Trung Quốc đã tăng cường những cảnh báo y tế, kêu gọi dân chúng chớ để ý đến những tuyên bố rằng Omicron không nặng hơn cúm mà phải cảnh giác.
Vào ngày 26/1, Hoàn cầu Thời báo, do Nhân dân Nhật báo phát hành, chỉ trích truyền thông nước ngoài "chế nhạo" các chính sách của Trung Quốc và khẳng định rằng những chính sách này cứu mạng người.
Các chỉ trích của nước ngoài "dựa vào sự lạc quan vô căn cứ và quá sớm về kết thúc của đại dịch", tờ báo phê phán.
Các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài cũng nghi ngờ trước hy vọng Omicron là biểu hiện của giai đoạn cuối đại dịch.
Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại vì gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan tới Covid trong khi các lệnh phong tỏa để dập dịch làm ảnh hưởng nặng nề tới tiêu thụ và du hành.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn mạnh, với tăng trưởng GDP 8,1% trong năm ngoái vượt xa mức kỳ vọng.
Trung Quốc vẫn còn có thể trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng với một vị thế mạnh mẽ nhất, bà McIntyre thuộc Viện nghiên cứu Kirby nhận định.
(Reuters)