Thanh Phương, RFI, 29/04/2021
Hôm 29/04/2021, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố với Trung Quốc sẽ không cho ngưng các cuộc tuần tra của hải quân và tuần duyên trên Biển Đông, bởi vì chủ quyền của Philippines là "không thể thương lượng được".
Căng thẳng đã gia tăng vào tháng 03/2021 do việc hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung ở khu vực gần Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Đối với Manila, các tàu của Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng cho tới nay, Bắc Kinh vẫn từ chối rút về những tàu này.
Theo hãng tin AFP, tối hômqua 28/04, tổng thống Duterte tuyên bố, mặc dù Philippines mang nợ của"bạn" Trung Quốc trong nhiều lãnh vực, nhất là trong việc cung cấp vac-xin ngừa Covid-19, nhưng những yêu sách của Philippines về chủ quyền biển là "không thể thương lượng được". Ông Duterte nói : "Tôi sẽ nói với Trung Quốc, chúng tôi không muốn gây vấn đề, chúng tôi không muốn chiến tranh. Nhưng nếu quý vị bảo chúng tôi rút đi, thì không". Tổng thống Philippines nhấn mạnh là không thể có thỏa hiệp về vấn đề này.
Tổng thống Duterte đã khẳng định như trên sau khi bộ Quốc Phòng Philippines tuyên bố "Trung Quốc không có quyền bảo Philippines được làm hay không được làm điều gì trong vùng biển của chúng tôi".
Lực lượng tuần duyên của Philippines hiện đang thao dợt ở khu vực gần đảo Thị Tứ và bãi cạn Scarborough. Đáp lại các cuộc thao dợt của tuần duyên Philippines, hôm thứ Hai, 26/04, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã yêu cầu Manila "chấm dứt những hành động làm phức tạp thêm tình hình và làm trầm trọng thêm các bất đồng".
Theo hãng tin Reuters, hôm qua 28/04, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã ra một công hàm ngoại giao mới, sau hơn một chục công hàm gần đây, để phản đối yêu cầu nói trên của phía Bắc Kinh. Trên mạng Twitter, ông Locsin khẳng định chính Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình khi chiếm đóng trái phép các bãi đá và cải tạo thành các đảo nhân tạo.
Thanh Phương
***********************
Trọng Nghĩa, RFI, 28/04/2021
Theo báo chí Philippines, cơ quan theo dõi tình hình Biển Đông của nước này hôm nay, 28/04/2021, đã tiếp tục tố cáo sự hiện diện của 5 tàu Hải cảnh Trung Quốc trong lãnh hải của Philippines.
Trong một thông cáo, Lực Lượng Đặc Nhiệm Quốc Gia phụ trách Biển Tây Philippines - tên Manila đặt cho Biển Đông - cho biết là các cuộc tuần tra mới nhất từ ngày 15 đến ngày 22/04 đã phát hiện 3 tàu Trung Quốc vẫn ở bên trong bãi cạn Scarborough (tên Philippines là Bajo de Masinloc), cũng như "sự hiện diện bất hợp pháp tiếp diễn" của 2 tàu Trung Quốc khác ở vùng biển ngoài khơi Kalayaan thuộc tỉnh Palawan và Bãi Cỏ Mây (tên Philippines là Ayungin).
Theo cơ quan Philippines, các hành vi xâm nhập lãnh hải này đang được xem xét "để có thể áp dụng các hành động ngoại giao thích hợp", cho dù từ ba tuần qua không có sự cố trực tiếp nào giữa Hải cảnh Trung Quốc và ngư dân Philippines trong vùng biển Philippines.
Ít nhất 20 tàu đánh cá và tàu dịch vụ của Philippines đã được giám sát đánh bắt cá trong phạm vi Bajo de Masinloc, nằm cách Zambales 124 hải lý về phía tây.
Trong thời gian qua, các quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của Philippines đã liên tiếp đòi Trung Quốc phải rút các tàu của họ đã xâm nhập lãnh hải của nước này kể từ đầu tháng Ba.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông mặc dù những yêu sách này đã bị một phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016 đánh giá là không có cơ sở pháp lý.
Các hành động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ) và các khu vực khác trên Biển Đông vừa bị hơn một chục thượng nghị sĩ Philippines lên án.
Trong Nghị Quyết số 78 có chữ ký của 11 nghị sĩ,chủ yếu thuộc phe đối lập, Thượng Viện Philippines hôm 26/04 vừa qua đã cho rằng các vụ xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh hải của Philippines trên Biển Đông rõ ràng đã vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) tại La Haye.
Nghị quyết cũng tiếp tục đòi Bắc Kinh phải tôn trọng UNCLOS, một văn kiện "đóng vai trò Hiến Pháp cho các đại dương và là một hiệp ước quốc tế hệ thống hóa luật lệ quốc tế", không công nhận việc dùng sức mạnh, trong đó có sức mạnh quân sự, cho các yêu sách vềcác vùng biển và các nguồn tài nguyên biển.
Trọng Nghĩa