Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm chưa từng thấy vì Covid-19 (RFI, 17/04/2020)
Theo số liệu thống kê chính thức được Bắc Kinh công bố vào hôm nay, 17/04/2020, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, trong quý 1 năm 2020, đã sụt giảm dữ dội, - 6,8% tính theo tỷ lệ năm.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm ở mức chưa từng có, kể từ năm 1992. Reuters - Jianan Yu
Đây là lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc giảm sút như vậy, ít ra là kể từ năm 1992. Tỷ lệ tăng trưởng thậm chí còn bị sụt giảm mạnh hơn so với dự báo là - 6,5%. Trong quý 4 năm 2019, tăng trưởng của Trung Quốc là 6%.
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường thuật từ Bắc Kinh :
"Trung Quốc chưa từng thấy tăng trưởng hàng năm của mình sụt giảm từ cuối thời kỳ cách mạng công nghiệp : âm 6,8% tính theo tỷ lệ năm. Đây là hậu quả trực tiếp của các biện pháp chống virus corona. Trong hơn hai tháng, các thành phố lớn của Trung Quốc đã bị hoàn toàn tê liệt, sản xuất bị đình chỉ.
Nhưng các con số của cơ quan thống kê Trung Quốc cũng nêu lên một điều là bộ máy kinh tế thứ nhì của thế giới khởi động lại một cách khó khăn. Vào tháng 3, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã sụt giảm 1,1%, tính theo nhịp độ hàng năm, thấp hơn mức chờ đợi, trong lúc mà chỉ số về hàng bán lẻ cũng giảm 15,8% trong cùng thời kỳ. Đầu tư với vốn cố định tiếp tục đà đi xuống, giảm 16,1% từ tháng Giêng.
Cho dù bệnh dịch đã chững lại, người Trung Quốc vẫn giới hạn đi lại, tiêu thụ trở lại từ từ, các dây chuyền lắp ráp chờ đợi đơn đặt hàng cũng đang bị khựng lại do đại dịch ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Do đó, tình trạng công ăn việc làm gây lo ngại, việc thu nhận nhân công đã giảm 27% trong quý đầu này.
Bị virus corona đánh ngất ngư, nền kinh tế thứ nhì thế giới phải mất một thời gian để đứng dậy được. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thông báo tăng trưởng Trung Quốc sẽ trỗi dậy… vào năm tới".
Vũ Hán điều chỉnh thống kê, số nạn nhân Covid-19 tăng gấp rưỡi
Báo chí Trung Quốc ngày 17/04/2020 cho biết chính quyền Vũ Hán vừa điều chỉnh số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong vì virus corona ở thành phố này lên thành 3.869 người chết (so với 2.579 ca như trước đây) và 50.333 ca nhiễm tính đến hôm qua (tăng thêm 325 so với con số cũ).
Tính ra, số người chết vì Covid-19 tại Vũ Hán đã tăng vọt lên theo tỷ lệ 50% cao hơn số liệu thông báo cho đến gần đây. Theo chính quyền Vũ Hán, số liệu đã được điều chỉnh căn cứ vào việc xem xét, xác minh lại các số liệu từ nhiều bộ phận khác nhau ở Vũ Hán như nhà tang lễ, bệnh viện, nhiều người chết ở nhà mà không được thống kê...
Việc Vũ Hán nâng số thống kế diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc càng lúc càng bị nghi ngờ là đã giảm nhẹ các số liệu về Covid-19 khiến cho những nước khác không đánh giá được đúng tính chất nguy hiểm của virus corona chủng mới.
Chính quyền Vũ Hán cũng đã quyết định cho mở lại khu chợ bán đồ tươi sống, vốn bị cho là nơi dịch Covid-19 tại Trung Quốc xuất phát, trước khi tỏa ra toàn thế giới.
Trọng Nghĩa
*********************
Kinh tế Trung Quốc suy sụp chưa từng thấy từ thập niên 1960 (VOA, 17/04/2020)
Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới co cụm 6,8% trong quý 1- kết thúc vào tháng Ba, so với cùng kỳ năm ngoái giữa lúc các hãng xưởng, văn phòng và trung tâm mua sắm đóng cửa để khống chế dịch, theo các số liệu chính thức công bố hôm thứ Sáu 17/4.
Dịch Covid-19 tác động nặng nề tới nông dân. (AP Photo/Ng Han Guan)
Tiêu thụ nội địa giảm mạnh và hoạt động của các nhà máy èo ọt hơn trông đợi.
Trung Quốc, nơi đại dịch xuất phát từ tháng 12 năm ngoái, là nền kinh tế lớn đầu tiên bắt đầu hồi phục sau khi Đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc tuyên bố đã kiểm soát được virus Covid-19.
Các nhà máy đã được phép mở cửa lại vào tháng trước, nhưng các rạp hát và các doanh nghiệp khác từng mướn hàng triệu công nhân viên, vẫn đóng cửa.
Các dấu hiệu cho thấy là qua đợt tăng ban đầu ngay sau khi các biện pháp kiểm soát chấm dứt, các hoạt động phục hồi đã chậm lại đáng kể, theo báo cáo của ông Julian Evans-Pritchard thuộc Công ty Capital Economics.
"Trung Quốc sẽ phải vượt qua một chặng đường rất dài trước khi có thể hồi phục", ông nói.
Theo bà Iris Pang của tập đoàn tư vấn tài chính ING thì lần trước kinh tế Trung Quốc co cụm tới mức tương đương như thế này là năm 1967, thời kỳ của cuộc "Cách mạng văn hóa". Lúc đó kinh tế Trung Quốc giảm 5,8%.
Các dự báo trước đó cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ sớm hồi phục, có thể trong tháng này, tuy nhiên kỳ vọng kinh tế sẽ bung trở lại theo hình chữ V là điều không thực tế, dựa trên các số liệu không mấy khích lệ về xuất khẩu, bán lẻ và các dữ kiện khác,
Thay vào đó các nhà kinh tế dự báo một quá trình hồi phục gian nan và chậm chạp trước khi kinh tế có thể tăng trưởng trở lại.
Đây sẽ là một thách thức chính trị cho đảng cộng sản đang cầm quyền ở Trung Quốc, vốn duy trì quyền lực dựa trên các thành quả kinh tế.
Đảng cộng sản Trung Quốc kêu gọi các công ty duy trì lực lượng lao động, tránh sa thải công nhân viên trong thời gian phong tỏa. Nhưng một số công ty đã thất bại, làm tăng lo âu trong công chúng.
Theo đài NPR, Quốc vụ viện Trung Quốc hôm thứ Sáu nói 99% các hãng sản xuất đã bắt đầu làm việc trở lại, trong khi 84% các doanh nghiệp cỡ nhỏ và cỡ trung đã mở cửa hoạt động.
Nhưng số liệu đó không có nghĩa là hoạt động kinh tế đã hoàn toàn trở lại. Đa số các cơ sở mướn nhân viên văn phòng nói họ chỉ cho phép phân nửa số nhân viên làm việc vào bất cứ thời điểm nào.
Tại tỉnh Hồ Bắc và các khu vực nơi dịch bùng phát mới đây, các nhà hàng ăn chỉ có thể cung cấp thức ăn mang đi. Hơn 240.000 doanh nghiệp nhỏ đã bị khánh tận trong đại dịch.
Đã từ lâu, chỉ số tăng trưởng GDP của nền kinh tế được xem là ‘lớn thứ hai trên thế giới Trung Quốc - vẫn là một ẩn số kèm theo mối nghi ngờ rất lớn của dư luận và giới phân tích quốc tế.
Vô số thành phố ma như thế này đã đội nợ công của Trung Quốc lên đến 230% GDP.
Vào thời hoàng kim những năm 2007, GDP Trung Quốc được công bố tăng đến 9 - 10%/năm. Ngay cả vào những năm sau này khi nền kinh tế này bị xem là giảm tốc, chỉ số GDP vẫn luôn vượt hơn 6%/năm.
Nhưng vào cuối tháng 12 năm 2018, trong cuộc hội thảo tổ chức tại Thượng Hải, giáo sư Xiang Songzuo (Hướng Tùng Tộ), nhà kinh tế nổi tiếng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tiền tệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã có một bài tham luận với một thông tin bất ngờ và cực kỳ đáng chú ý : tăng trưởng GDP năm 2018 của Trung Quốc theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc là 6,5%, nhưng theo báo cáo công bố nội bộ hôm 15/12/2019 của một cơ quan quan trọng khác thì chỉ tiêu này thấp hơn rất nhiều. Do sử dụng hai hệ đo khác nhau nên họ tính được hai kết quả khác nhau về tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong 2018 : một là 1,67% và một là tăng trưởng âm.
Chẳng bao lâu sau khi bài tham luận trên được công bố, bản gốc tiếng Trung đã bị chính quyền Trung Quốc cấm đưa lên mạng.
Có vẻ mọi chuyện đang rõ dần và lý giải vì sao trong vài năm qua lại rộ lên nhiều tin tức về nền kinh tế Trung Quốc suy thoái và có thể rơi vào khủng hoảng.
Trong khi đó, các công ty và CEO trên toàn thế giới đã nỗ lực đánh giá mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế Trung Quốc nhưng để có một kết quả rõ ràng là điều khó khăn.
"GDP được công bố bởi Chính phủ Trung Quốc chỉ là đồ bỏ đi", CEO của hãng tư vấn China Beige Book, Leland Miller nói, "tất cả đều biết rằng những con số này là không đáng tin cậy".
Công ty của ông Miller đã thu thập dữ liệu từ hàng ngàn công ty thuộc các ngành công nghiệp khác nhau ở Trung Quốc để đưa ra bức tranh riêng về những gì đang xảy ra. Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc hiện tại "yếu hơn rất nhiều" so với số liệu của Chính phủ Trung Quốc thông báo và mọi thứ khó có thể tiến triển trở lại trong thời gian sớm.
Theo ông Derek Scissors - nhà kinh tế trưởng tại China Beige Book, đồng thời là một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington - rằng thật khó để xác định tốc độ tăng trưởng thực sự của Trung Quốc bởi rất nhiều dữ liệu của Chính phủ "vô giá trị". Chẳng hạn, không có sự kiểm chứng về những con số mô tả quy mô nền kinh tế so với thu nhập trung bình của công dân Trung Quốc.
Còn Việt Nam thì sao ?
Vào cuối năm 2018, Tổng Cục Thống kê đã công bố Tổng sản phẩm trong nước-GDP năm 2018 của Việt Nam đạt 7,08%, vượt qua dự báo của Ngân hàng Thế giới-World Bank ở mức 6,8% và lập kỷ lục cao nhất kể từ năm 2008.
Nhưng một chuyên gia phản biện ở Việt Nam là Tiến sĩ kinh tế Bùi Trinh, bằng một số tính toán vẫn dựa trên những con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam, đã tính ra GDP thực của Việt Nam chỉ vào khoảng 3%. Nếu dựa trên những dữ liệu thực hơn nữa thì GDP thực của Việt Nam có khi còn giảm dưới 3%.
GDP được cấu thành chủ yếu từ giá trị sản lượng của ba thành phần kinh tế lớn của Việt Nam, gồm thành phần kinh tế doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Nhưng trong năm 2017 và năm 2018 thì thu thuế từ ba thành phần kinh tế này đều giảm khá mạnh và không đạt được dự toán. Cụ thể, thu từ khối doanh nghiệp nhà nước là giảm 2,9% ; thu từ khối doanh nghiệp tư nhân giảm 2,2% ; và thu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm đến 15,1%. Khi nhìn vào tỷ lệ thu thuế bị sụt giảm từ ba thành phần kinh tế tạo ra sản lượng thì lấy đâu ra cho việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng đến 7%, là tăng trưởng cao nhất trong 10 năm ?
Mặt khác,một nền kinh tế tăng trưởng thì không thể có số lượng và tỷ lệ các doanh nghiệp phải giải thể và tạm ngừng hoạt động cao. Vào tháng 10 năm 2018, Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và phải giải thể nhiều bất thường, lên đến 24.500 doanh nghiệp, tức là tăng 76% so với cùng kỳ năm 2017. Có nghĩa là tỷ lệ doanh nghiệp ‘bị chết’ cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập mới. Như vậy thì làm sao có thể nói nền kinh tế tăng trưởng mạnh ?
Không loại trừ một kịch bản ‘tăng trưởng kinh tế’ của Việt Nam cũng không khác gì khả năng GDP Trung Quốc chỉ tăng 1,67% hoặc thậm chí là âm.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 05/03/2019