Đã từ lâu, chỉ số tăng trưởng GDP của nền kinh tế được xem là ‘lớn thứ hai trên thế giới Trung Quốc - vẫn là một ẩn số kèm theo mối nghi ngờ rất lớn của dư luận và giới phân tích quốc tế.
Vô số thành phố ma như thế này đã đội nợ công của Trung Quốc lên đến 230% GDP.
Vào thời hoàng kim những năm 2007, GDP Trung Quốc được công bố tăng đến 9 - 10%/năm. Ngay cả vào những năm sau này khi nền kinh tế này bị xem là giảm tốc, chỉ số GDP vẫn luôn vượt hơn 6%/năm.
Nhưng vào cuối tháng 12 năm 2018, trong cuộc hội thảo tổ chức tại Thượng Hải, giáo sư Xiang Songzuo (Hướng Tùng Tộ), nhà kinh tế nổi tiếng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tiền tệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã có một bài tham luận với một thông tin bất ngờ và cực kỳ đáng chú ý : tăng trưởng GDP năm 2018 của Trung Quốc theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc là 6,5%, nhưng theo báo cáo công bố nội bộ hôm 15/12/2019 của một cơ quan quan trọng khác thì chỉ tiêu này thấp hơn rất nhiều. Do sử dụng hai hệ đo khác nhau nên họ tính được hai kết quả khác nhau về tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong 2018 : một là 1,67% và một là tăng trưởng âm.
Chẳng bao lâu sau khi bài tham luận trên được công bố, bản gốc tiếng Trung đã bị chính quyền Trung Quốc cấm đưa lên mạng.
Có vẻ mọi chuyện đang rõ dần và lý giải vì sao trong vài năm qua lại rộ lên nhiều tin tức về nền kinh tế Trung Quốc suy thoái và có thể rơi vào khủng hoảng.
Trong khi đó, các công ty và CEO trên toàn thế giới đã nỗ lực đánh giá mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế Trung Quốc nhưng để có một kết quả rõ ràng là điều khó khăn.
"GDP được công bố bởi Chính phủ Trung Quốc chỉ là đồ bỏ đi", CEO của hãng tư vấn China Beige Book, Leland Miller nói, "tất cả đều biết rằng những con số này là không đáng tin cậy".
Công ty của ông Miller đã thu thập dữ liệu từ hàng ngàn công ty thuộc các ngành công nghiệp khác nhau ở Trung Quốc để đưa ra bức tranh riêng về những gì đang xảy ra. Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc hiện tại "yếu hơn rất nhiều" so với số liệu của Chính phủ Trung Quốc thông báo và mọi thứ khó có thể tiến triển trở lại trong thời gian sớm.
Theo ông Derek Scissors - nhà kinh tế trưởng tại China Beige Book, đồng thời là một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington - rằng thật khó để xác định tốc độ tăng trưởng thực sự của Trung Quốc bởi rất nhiều dữ liệu của Chính phủ "vô giá trị". Chẳng hạn, không có sự kiểm chứng về những con số mô tả quy mô nền kinh tế so với thu nhập trung bình của công dân Trung Quốc.
Còn Việt Nam thì sao ?
Vào cuối năm 2018, Tổng Cục Thống kê đã công bố Tổng sản phẩm trong nước-GDP năm 2018 của Việt Nam đạt 7,08%, vượt qua dự báo của Ngân hàng Thế giới-World Bank ở mức 6,8% và lập kỷ lục cao nhất kể từ năm 2008.
Nhưng một chuyên gia phản biện ở Việt Nam là Tiến sĩ kinh tế Bùi Trinh, bằng một số tính toán vẫn dựa trên những con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam, đã tính ra GDP thực của Việt Nam chỉ vào khoảng 3%. Nếu dựa trên những dữ liệu thực hơn nữa thì GDP thực của Việt Nam có khi còn giảm dưới 3%.
GDP được cấu thành chủ yếu từ giá trị sản lượng của ba thành phần kinh tế lớn của Việt Nam, gồm thành phần kinh tế doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Nhưng trong năm 2017 và năm 2018 thì thu thuế từ ba thành phần kinh tế này đều giảm khá mạnh và không đạt được dự toán. Cụ thể, thu từ khối doanh nghiệp nhà nước là giảm 2,9% ; thu từ khối doanh nghiệp tư nhân giảm 2,2% ; và thu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm đến 15,1%. Khi nhìn vào tỷ lệ thu thuế bị sụt giảm từ ba thành phần kinh tế tạo ra sản lượng thì lấy đâu ra cho việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng đến 7%, là tăng trưởng cao nhất trong 10 năm ?
Mặt khác,một nền kinh tế tăng trưởng thì không thể có số lượng và tỷ lệ các doanh nghiệp phải giải thể và tạm ngừng hoạt động cao. Vào tháng 10 năm 2018, Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và phải giải thể nhiều bất thường, lên đến 24.500 doanh nghiệp, tức là tăng 76% so với cùng kỳ năm 2017. Có nghĩa là tỷ lệ doanh nghiệp ‘bị chết’ cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập mới. Như vậy thì làm sao có thể nói nền kinh tế tăng trưởng mạnh ?
Không loại trừ một kịch bản ‘tăng trưởng kinh tế’ của Việt Nam cũng không khác gì khả năng GDP Trung Quốc chỉ tăng 1,67% hoặc thậm chí là âm.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 05/03/2019