Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Công nghiệp quốc phòng : Mỹ muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc

Trên trang nhất, báo kinh tế Les Echos có bài đáng chú ý nói về "Ngành công nghệ Mỹ đương đầu với gián điệp mạng Trung Quốc". Theo một điều tra của Bloomberg, chíp điện tử của Trung Quốc đã bí mật được cấy vào máy chủ của nhiều doanh nghiệp Mỹ. Tiết lộ trên cho thấy sự lệ thuộc của ngành công nghiệp, công nghệ của Hoa Kỳ vào các nhà sản xuất Trung Quốc, khiến công nghệ Mỹ dễ bị tổn thương.

chip1

Một vi mạch điện tử. Ảnh minh họa

Trong bài viết này, Les Echos cho biết các nhà báo của Bloomberg đã dựa trên 17 nguồn tin xin ẩn danh bên trong các cơ quan tình báo Mỹ và các tập đoàn khổng lồ về công nghệ. Theo đó, các con chíp điện tử nhỏ chỉ bằng hạt gạo đã bí mật được Trung Quốc cấy vào bên trong máy chủ của khoảng 30 doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Apple và Amazon.

Bảo vệ toàn bộ các sản phẩm của Mỹ có nghĩa là không được dùng sản phẩm từ các nhà máy của Trung Quốc, điều này cũng có nghĩa là phải xem xét lại sự phân bố địa lý trong ngành công nghiệp. Sự xáo trộn lớn đó sẽ gây ra nhiều khó khăn, chi phí sản xuất cao kinh khủng khiến sự thay đổi đó rất khó có khả năng thực hiện được.

Còn trong bài viết trên trang Doanh nghiệp và Thị trường "Công nghiệp quốc phòng Mỹ muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc", Les Echos cho biết theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, ngành chế tạo vũ khí của Mỹ lệ thuộc ở "mức cao đáng ngạc nhiên" vào các nhà thầu của Trung Quốc. Đây là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh "Trung Quốc là nhà cung cấp duy nhất một số hóa chất đặc biệt trong ngành sản xuất đạn dược và tên lửa". Nếu Trung Quốc ngưng cung cấp hàng, toàn bộ chương trình của Bộ Quốc phòng Mỹ - từ chế tạo tên lửa đến vệ tinh và bệ phóng vệ tinh, tên lửa - đều bị đe dọa. Trong một số trường hợp, Lầu Năm Góc có thể sử dụng các nguyên vật liệu thay thế, nhưng chi phí phát triển các chương trình sẽ bị đội lên rất cao.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là một số hệ thống vũ khí của Mỹ, có linh kiện điện tử được sản xuất ở nước ngoài, có thể dễ bị tấn công. Vấn đề là nhiều doanh nghiệp Mỹ đặt nhà máy tại Trung Quốc để giảm chi phí sản xuất. Đổi lại, theo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ. Điều này cũng có thể đe dọa nước Mỹ.

Vì thế, Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi các doanh nghiệp phương Tây cân nhắc, xem xét lại các hoạt động tại Trung Quốc. Lầu Năm Góc cũng quyết định sẽ kiểm tra lại, với sự hỗ trợ của các cơ quan tình báo, mạng lưới cung cấp hàng hóa của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm như hàng không vũ trụ và quốc phòng, để tìm ra các điểm yếu kém trong ngành sản xuất vũ khí của Mỹ.

Biến đổi khí hậu : Báo cáo của GIEC và ý thức của con người

Biến đổi khí hậu là đề tài được báo Libération quan tâm đưa lên trang nhất : "Khí hậu : bây giờ hoặc là không bao giờ". Hôm nay 08/10/2018 là ngày Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC-Groupe d'experts intergouvernemental sur l'évolution du climat hay IPCC-Intergovernmental Panel on Climate Change) công bố báo cáo đầu tiên về các hậu quả nghiêm trọng đối với hành tinh, nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm quá 1,5 độ C.

Trong bài viết "Bản báo cáo lạnh người của GIEC", Libération cho biết báo cáo dài 250 trang của 80 tác giả tới từ 39 nước. Theo mục tiêu COP 21 đề ra, từ nay tới năm 2100, nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng từ 1,5 đến 2 độ C. Tuy nhiên, các nhà khoa học ước tính nhiệt độ sẽ tăng 3 độ C chứ không phải 1,5 độ C, kéo theo những thảm họa không thể đảo ngược cho cả con người và nhiều loài sinh vật sống.

Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng quá 1,5 độ C, mực nước biển sẽ tăng trong nhiều thế kỷ, nhiều vùng đất, nhất là các đảo nhỏ sẽ không kịp thích nghi, hệ sinh thái sẽ bị xáo trộn nhiều, các loài động vật không có khả năng di chuyển nhanh sẽ có tỉ lệ chết cao, đại dương sẽ bị axit hóa. Sự thay đổi khí hậu sẽ diễn ra ở mọi vùng đất, không phân biệt mức độ phát triển của xã hội, nhưng bị tác động mạnh nhất vẫn là các quốc gia nghèo nhất.

Một phần tư nhân loại sẽ sống ở những khu vực có nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C so với mức trung bình, ít nhất trong một mùa trong năm. Ở Bắc bán cầu, các đợt nắng nóng sẽ ngày càng nhiều và với mức độ ngày càng cao. Khu vực Nam Âu có nguy cơ sa mạc hóa. Nguy cơ lũ lụt và hạn hán cũng ngày càng tăng, nhất là ở Nam Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng mạnh.

Libération cũng dành bài xã luận "Có ý thức" cho đề tài biến đổi khí hậu. Trong nhiều năm, các báo cáo của GIEC đều rơi vào "hố đen", nói cách khác là chúng trở nên vô hình. Thế giới vẫn tiếp tục không chút do dự trong cuộc chạy đua điên rồ về tăng trưởng và tiêu dùng vô độ.

Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên sâu sắc hơn. Lý do ? Các hiệu ứng do biến đổi khí hậu là có thật. Phải điếc, mù hay vô cảm thì mới có thể không nhận ra điều đó. Các thông tin đáng lo ngại về sự biến đổi ở cả đại dương và đất liền được báo về từ mọi nơi trên Trái đất.

Báo cáo của GIEC cho thấy mọi chuyện đang rất nghiêm trọng, bởi vì lộ trình - để đạt mục tiêu cho tới cuối thế kỷ này nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C - đã chệch hướng. Tuy nhiên, mọi chuyện không phải đã hết hy vọng.

Theo Libération, đa phần công dân ý thức được rằng có một thảm kịch đang diễn ra, nhiều người cố tìm cách để cải thiện tình hình ở địa phương. Giới chính trị gia, trừ một số trường hợp như tổng thống Mỹ Donald Trump, đã hiểu nên tiếp tục cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các nhà công nghiệp cũng bắt đầu ý thức được rằng chống biến đổi khí hậu cũng là một yêu cầu của người tiêu dùng. Giờ đây, điều quan trọng trong cuộc chiến của nhân loại là thuyết phục các nhà quản lý ngân sách, tài chính "tránh những việc không thể quản lý nổi" và "quản lý những điều không thể tránh khỏi".

Hãm hiếp phụ nữ : Vũ khí chiến tranh

Ra sạp sớm từ chiều thứ Bảy 06/10, báo Le Monde có bài xã luận đề tựa "Một giải thưởng Nobel chống vũ khí hãm hiếp". Le Monde nhận định không ai xứng đáng đoạt giải Nobel Hòa Bình 2018 hơn cô gái trẻ Nadia Murad và bác sĩ Denis Mukwege.

Khi quyết định trao giải Nobel Hòa Bình 2018 cho cô gái trẻ Nadia Murad, từng là nô lệ tình dục của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và sau này là nhà đấu tranh chống bạo lực tình dục, và cho bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege, người đã dành cả cuộc đời cứu chữa cho những phụ nữ từng bị hiếp dâm, Ủy ban Nobel cuối cùng đã tấn công nhắm vào một thảm họa, vốn chỉ bị coi là một tổn thất phụ đáng tiếc và đáng xấu hổ trong suốt một thời gian rất dài.

Mỗi người một cách, nhưng cả cô gái trẻ Nadia Murad và bác sĩ sản phụ khoa Denis Mukwege đều có chung một trận chiến, đều có chung lòng can đảm : đó là đấu tranh để các vụ hiếp dâm không còn bị xem là một hệ quả phụ không thể tránh khỏi trong các cuộc xung đột vũ trang mà là thực sự là một loại vũ khí chiến tranh. Và Ủy ban Nobel muốn nhấn mạnh đến cái gọi là vũ khí chiến tranh, khi quyết định trao giải Nobel Hòa Bình cho hai nhà tranh đấu.

Việc dùng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh cũng đã có từ lâu, không kém gì chính bản thân các cuộc xung đột : loại vũ khí răn đe, vô nhân đạo này đã được sử dụng trong Đệ Nhị Thế Chiến, ở Yougoslavia, Rwanda, hay mới đây là ở Syria và Miến Điện. Nhưng sự im lặng trong một thời gian quá dài khiến các thủ phạm không bị trừng phạt và cản trở công tác phòng ngừa nạn hiếp dâm trong các lực lượng vũ trang. Theo Le Monde, giải Nobel Hòa Bình năm nay sẽ góp phần phá vỡ sự im lặng đó.

Việc thông báo quyết định trao giải Nobel Hòa Bình năm nay trùng vào dịp tròn một năm phong trào chống bạo lực tình dục #Metoo ở phương Tây. So với mức độ tàn bạo mà phụ nữ ở các nước có chiến tranh phải hứng chịu, phong trào #Metoo có vẻ không đáng kể. Nhưng Le Monde kết luận, trong lĩnh vực đấu tranh chống bạo lực tình dục, không có gì là không đáng kể. Nền văn minh của chúng ta không thể hòa hợp với bạo lực tình dục, dù chỉ là với một cá nhân hay trên diện rộng.

Pháp : Đấu tranh chống bạo lực tình dục và các trở ngại

Nhân dịp một năm xảy ra vụ bê bối tình dục Weinstein, báo Le Monde chạy tựa trang nhất "#Metoo : Tư pháp và cảnh sát không có đủ phương tiện đối phó với bạo lực tình dục". Trong bài viết về cuộc đấu tranh chống bạo lực tình dục trên trang Nước Pháp, Le Monde cho biết số đơn kiện về các vụ hãm hiếp tại Pháp tăng mạnh.

Trung bình, mỗi năm ở Paris có 600 - 800 đơn kiện về các vụ hiếp dâm, nhưng trong vòng 8 tháng đầu năm 2018, con số này đã tăng 25%. Phong trào #MeToo được khởi xướng trên các mạng xã hội vào tháng 10/2017, sau khi nhiều ngôi sao Mỹ tố cáo nhà sản xuất phim Hollywood, Harvey Weinstein, hiếp dâm họ. Phong trào này đã có những hiệu ứng không thể phủ nhận ở Pháp. Hiệp hội nữ quyền chống hãm hiếp (CFCV) tồn tại từ 30 năm nay và trong những tháng sau vụ bê bối tình dục Harvey Weinstein, số cuộc gọi đến cho hiệp hội này đã tăng 30%.

Thế nhưng, Le Monde đặt câu hỏi tại sao trong 10 năm qua, số vụ xét xử về tội hiếp dâm lại giảm 40% và số vụ xét xử về bạo lực tình dục giảm 20% ? Các thẩm phán cũng rất ngạc nhiên về số liệu nói trên. Sự trái ngược, giữa hiện tượng số vụ đệ đơn kiện trong vòng một năm qua tăng (dấu hiệu cho thấy có sự biến chuyển sâu sắc trong xã hội) và việc số vụ xét xử trong 10 năm qua giảm, đặt ra nghi vấn về khả năng đấu tranh có hiệu quả của hệ thống tư pháp Pháp chống lại nạn bạo lực tình dục.

Các nhà điều tra, thẩm phán, nhà nghiên cứu đại học và cả các hiệp hội bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục đều khẳng định đó không phải là một vấn đề liên quan tới việc làm ra luật. Bộ luật hình sự của Pháp hiện khá hoàn chỉnh, đủ để xử lý mọi vụ việc hoặc hầu như mọi vụ việc.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra và xét xử chỉ có thể được tiến hành, nếu cảnh sát nhận được đơn tố cáo. Vấn đề là theo Bộ Nội vụ Pháp, cứ 10 nạn nhân bị tấn công tình dục thì có đến 9 người không trình báo vì nhiều lý do : sợ gia đình tan nát, cuộc sống của họ bị thủ phạm kiểm soát… Ngoài ra, nhiều nạn nhân cảm thấy không được lắng nghe khi trình báo ở sở Cảnh sát.

Tuy nhiên, ông Philippe Conte, giám đốc Viện Tội phạm học và luật hình sự Paris cho rằng trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực cải cách trong đào tạo cảnh sát để họ có kỹ năng đón tiếp và lắng nghe tốt hơn khi các nạn nhân đến trình báo.

Le Monde cũng nêu lên nhiều lý do khiến các vụ xét xử gặp trở ngại, không đi đến cùng, chẳng hạn theo quy định tại nhiều nơi, băng ghi hình vidéo theo dõi chỉ được lưu trong vòng 15 ngày, sau đó sẽ bị xóa hoặc theo quy định, nếu nạn nhân không hồi đáp thư triệu tập của Tư pháp thì vụ xét xử sẽ phải ngưng lại …

Le Monde kết luận, trung bình hàng năm có 100.000 vụ cưỡng hiếp, nhưng chỉ có 14.000 đơn tố cáo và chỉ có 1.000 vụ được xét xử, và trước quy mô của hiện tượng này, một mình tư pháp không thể làm xuể.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là gì ? (BBC, 05/07/2018)

Điều gì sẽ xảy ra khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây chiến với nhau ?

trade1

Tập Cận Bình tiếp Donald Trump trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh từ ngày 08 đến 10/11/2017- ẢnhGETTY IMAGES

Không phải là một cuộc chiến thực sự - nhưng Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu một cuộc chiến thương mại, và không ai biết là tình hình sẽ dẫn tới mức độ tồi tệ tới đâu.

Dưới đây là những điều mà một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể làm tổn hại tới chúng ta.

trade2

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung : ai được lợi ?

Ăn miếng trả miếng

Có một danh sách các sản phẩm của Trung Quốc bắt đầu bị áp mức thuế quan 25% kể từ hôm thứ Sáu, trên thực tế sẽ khiến chúng đắt lên 25% cho người tiêu dùng Mỹ.

- Các mặt hàng công nghệ như các con chip bán dẫn do Trung Quốc sản xuất. Những thứ này có trong các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như TV, máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, và xe hơi.

- Nhiều các sản phẩm khác nhau, từ đồ nhựa cho tới các lò phản ứng hạt nhân và thiết bị sản xuất sữa.

- Theo Viện nghiên cứu kinh tế Peterson Institute of International Economics, hơn 90% các sản phẩm nằm trong danh sách áp thuế của Mỹ là các sản phẩm đầu vào trung gian hoặc thiết bị sản xuất, tức là các sản phẩm mà chúng ta cần ở dạng nguyên liệu thô để làm ra các sản phẩm khác - do đó nó sẽ có tác động tới các sản phẩm khác nữa.

Tuy nhiên, điều mà Mỹ thực sự muốn nhắm tới là các sản phẩm được làm ra theo chính sách Sản xuất tại Trung Quốc 2025 của Bắc Kinh.

trade3

Hai bên đồng ý tăng thêm xuất khẩu hàng nông sản và năng lượng của Mỹ

Để trả đũa Hoa Kỳ, Trung Quốc tấn công vào các lĩnh vực sau :

- Nông nghiệp Mỹ : tấn công vào các nhà nông và các trang trại Mỹ, một trong các mảng mà ông Trump đã dựa vào khi ra tranh cử. Chừng 91% trong số 545 sản phẩm Trung Quốc áp thuế là thuộc lĩnh vực nông nghiệp

- Ngành xe hơi : các công ty như Tesla và Chrysler sản xuất tại Mỹ nhưng có sản phẩm xuất sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng

- Các sản phẩm y tế, than, xăng dầu (nhưng không đáng kể).

'Trở nên đáng sợ'

Trong lúc Bắc Kinh đang rất mạnh trong việc đấm ngực và vung tay đầy khoa trương thì tình hình thực tế nghiêm trọng hơn nhiều.

"Các đầu mối của chúng tôi tại Trung Quốc nói rằng những thứ 'có vẻ như khá nghiêm trọng' hay 'điều này sẽ trở nên đáng sợ', thậm chí 'Tôi cho rằng có khả năng tình hình sẽ trở nên xấu hơn'", Vines Mottwani từ Trung tâm Nghiên cứu Con đường Tơ lụa (Silk Road Research) nói.

Gần đây, ông mới trở về từ một chuyến đi tới Trung Hoa lục địa.

Những nỗi lo này, ông nói, có thể được hiểu là "thái độ cảnh giác cao hơn và độ tin tưởng thấp đi" trong lúc các công ty đang tìm cách lèo lái để đi qua sự bất định trước mắt.

Điều này cũng có nghĩa là các kế hoạch phát triển công ty sẽ được để lại. Và nếu việc mở rộng ở Trung Quốc bị ngưng lại thì điều đó sẽ có tác động trực tiếp tới những phần còn lại của Châu Á.

Dịch chuyển lĩnh vực sản xuất

Rõ ràng là nền kinh tế của Mỹ và của Trung Quốc đang đối diện với nhiều rủi ro nhất. Thế nhưng không chỉ hai nền kinh tế đó mà thôi.

Theo trưởng kinh tế gia của DBS, Taimur Baig, một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm mất đi 0,25% tổng GDP của cả hai nền kinh tế trong năm nay. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi mà cả hai nước đều phải chứng kiến độ sút giảm trong mức tăng trưởng kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn nữa.

trade4

Mỹ đang mua gấp bốn lần từ Trung Quốc so với chiều ngược lại trong quan hệ mậu dịch song phương

Ông Baig nói thêm rằng "tính đến mức tăng trưởng của Trung Quốc là 6-7% và của Mỹ là 2-3%, chúng tôi tin rằng tổn hại cho Mỹ sẽ là lớn hơn so với Trung Quốc".

Nhưng các nước như Nam Hàn, Singapore và Đài Loan đều có thể cũng bị ảnh hưởng do gián đoạn dây chuyền cung ứng.

Trung Quốc cung cấp rất nhiều các linh kiện, thiết bị để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng ở các nước này.

Như Nick Marro của cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit chỉ ra, "bất kỳ vết lõm nào trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng" tới các nước đó.

Điều này có thể sẽ khiến cho hoạt động sản xuất đươc chuyển từ những nước này sang các nước khác, tuy nhiên, việc dịch chuyển sẽ cần có thời gian và khó có thể có nước nào sánh được với Trung Quốc về tầm mức quy mô hoạt động.

Tác động tiêu cực từ thị trường Trung Quốc

Rốt cuộc, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm đó.

Các hãng của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc cũng có thể phải đối diện với tác động tiêu cực.

Chẳng hạn như hãng xe hơi điện Tesla của Elon Musk đã nêu lên tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với hãng.

Nhưng hãng nhập khẩu toàn bộ các sản phẩm vào Trung Quốc và do đó sẽ bị đánh thuế 25% trên các xe hơi bán vào Trung Quốc, sau khi đã đóng khoản 15% thuế nhập khẩu ở nước này.

Điều này sẽ khiến đẩy giá Tesla tại Trung Quốc lên, khiến hãng mất tính cạnh tranh.

Sự căng thẳng Mỹ-Trung cũng có thể dẫn tới việc "trì hoãn hoặc cản trở" tới khả năng Tesla phát triển hết tiềm năng ở Trung Quốc, theo Trung tâm Nghiên cứu Con đường Tơ lụa.

Có thể tệ đến mức nào ?

Đây là câu hỏi mà tôi nêu ra với bất kỳ ai trong giới doanh nhân mà tôi gặp, và câu trả lời điển hình là : không ai biết sẽ thế nào.

Nếu nhìn lại lịch sử, thì các cuộc chiến tranh thương mại trong quá khứ từng dẫn tới tình trạng trì trệ kinh tế.

Biểu thuế quan Smoot-Hawley của Mỹ được công bố hồi 1930 được cho là đã tạo ra một cuộc chiến thương mại, và dẫn tới sự đi xuống ghê gớm của thương mại toàn cầu.

Như một nghiên cứu chỉ ra, thương mại thế giới giảm tới 66% trong thời gian từ 1929 đến 1934, trong khi xuất khẩu và nhập khẩu từ Mỹ qua lại sang Châu Âu mỗi chiều đều giảm hai phần ba.

Tuy không ai nói rằng chúng ta đang ở tình thế như vậy, nhưng các doanh nghiệp đang ngày càng quan ngại hơn so với trước.

Tâm lý ăn miếng trả miếng giữa Bắc Kinh và Washington có thể dẫn đến việc cả hai bên đối đầu nhau tới mức không thể xuống nước, ra khỏi vị thế thù nghịch mà không bị mất mặt.

Điều mà giới doanh nghiệp đang hy vọng là đây mới chỉ là giai đoạn đầu cho một loạt các tiến trình đàm phán khác.

Nhưng điều khiến người ta lo lắng là nếu không phải vậy thì tình thế sẽ leo thang, và mọi người sẽ trở nên nghèo hơn. Trong đó có cả tôi và cả bạn.

Karishma Vaswani

Phóng viên chuyên về kinh tế Á châu

***************

Cuộc chiến Mỹ và Trung Quốc : ngày đen tối cho nền mậu dịch thế giới (CaliToday, 05/07/2018)

Thoạt đầu có người bảo ngày mà Mỹ và Trung Quốc lâm vào một cuộc chiến thương mại sẽ không bao giờ xảy ra và tất cả chỉ là màn hù dọa của hai siêu cường kinh tế với nhau mà thôi.

trade5

Một cuộc chiến thương mại sẽ không bao giờ xảy ra và tất cả chỉ là màn hù dọa. Ảnh : Washington Post

Nhưng khi Lễ Độc Lập đã qua ở Hoa Thịnh Đốn thì cái ngày đáng sợ này đã đến tận cửa ngõ của Bắc Kinh hôm thứ năm 5/7 và nhà cầm quyền ở đây muốn nhắc nhở dân chúng của họ là "chúng ta không khai chiến, nhưng chúng ta sẽ đánh trả"

Chính phủ Trump ấn định vào thứ sáu 6/7 sẽ là ngày chính thức tăng thuế lên hàng hóa của Trung Quốc trị giá tổng cộng 34 tỉ đô la và Trung Quốc sẽ trả đũa ngay lập tức với trị giá tương đương hàng nhập cảng của Hoa Kỳ.

Các nhân viên biên giới của Trung Quốc nhận được lệnh vào nửa đêm hôm nay để tính thuế tăng thêm vào nhiều trăm món hàng nhập cảng từ Mỹ, kể cả thịt heo, gà, đậu nành và bắp.

Như vậy là khởi đầu cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, một cuộc chiến mà các chuyên gia lo ngại sẽ làm thị trường chứng khoán trên thế giới bị đảo lộn, bóp nghẹt mậu dịch và khiến mối giao hảo giữa Mỹ và Trung Quốc lại giảm thêm một nấc nữa.

Tuy nhiên có vẻ như Bắc Kinh không muốn ‘bị mang tiếng’ là kẻ khởi chiến trước. Lu Kang, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay : "Ngày mà phía Mỹ tung ra danh sách quan thuế gia tăng, Trung Quốc sẽ trả đòn nhằm xác nhận bảo vệ một cách quyết liệt quyền lợi chính đáng của chúng tôi"

Cả hai đối thủ có vẻ không muốn nhân nhượng. Joerg Wuttke, Cựu Chủ tịch Phòng Thương Mại Châu Âu ở Trung Quốc, nhận xét : "Ngày mai sẽ là một ngày đen tối cho nền mậu dịch thế giới"

Trần Vũ

*********************

Thương mại : Trung Quốc chỉ trích Mỹ "khai hỏa" bắn cả thế giới (RFI, 05/07/2018)

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm nay 05/07/2018 tuyên bố rằng áp mức thuế quan mới lên các mặt hàng của Trung Quốc có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ "nổ súng"vào cả thế giới. Bắc Kinh khẳng định "không lùi bước" và sẽ đáp trả Washington một khi Mỹ áp dụng các mức thuế mới. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như không thể tránh khỏi.

trade6

Dầu ăn, một trong những mặt hàng của Mỹ bị Trung Quốc nhắm vào để trả đũa. Reuters/Jason Lee

Giờ đây, câu hỏi đặt ra là khi nào thì các đòn sẽ thực sự được tung ra. Nếu không có gì thay đổi, các mức thuế quan trừng phạt sẽ có hiệu lực từ ngày mai 06/07 ở Mỹ và Trung Quốc. Nhưng do lệch múi giờ, giờ Trung Quốc sớm hơn Mỹ 12 tiếng, nên Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên áp thuế 25% lên một số mặt hàng của Mỹ. Nhưng Bắc Kinh cũng cho biết sẽ không ra tay trước vào lúc 0 giờ ngày thứ sáu :

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt giải thích thêm :

"Bắc Kinh sẽ không phát động chiến dịch thù hằn trước Washington. Đây là một cách khéo léo để Bắc Kinh cho thấy là kẻ tấn công trước nằm ở bên kia bán cầu và Trung Quốc sẽ chỉ tự vệ trong cuộc chiến thương mại mà họ không hề mong muốn, theo như phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong đã phát biểu :

"Hoa Kỳ đã gây ra cuộc chiến thương mại này, chúng tôi không muốn điều đó nhưng chúng tôi có sự lựa chọn nào khác là chiến đấu vì lợi ích của đất nước và dân tộc. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ không bao giờ bắn phát súng đầu tiên. Nhưng nếu Hoa Kỳ tung ra các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc sẽ buộc phải đáp trả".

Đòn đáp trả này sẽ nhắm tới các loại nông phẩm như đậu nành, cao lương, rượu whisky và cả các hãng chế tạo xe hơi như Tesla và Ford. Các doanh nghiệp Châu Âu có nguy cơ bị vạ lây, trở thành nạn nhân của cuộc chiến Trung-Mỹ, trong đó hãng Mercedes-Benz và BMW, những công ty chế tạo hàng trăm ngàn xe hơi ở Mỹ rồi xuất khẩu sang Trung Quốc".

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Mỹ sẽ nâng cấp toàn bộ chiến đấu cơ F-22 ở châu Á - Thái Bình Dương, bố trí toàn diện chiến đấu cơ F-35 ở châu Á.

South China Morning Post ngày 4/1 đưa tin, cụm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang thử nghiệm các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự trong cuộc tập trận tuần này trên một khu vực ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư.

Cuộc tập trận của cụm tàu sân bay Liêu Ninh bắt đầu từ cuối tháng trước đã gây sự chú ý của các nước láng giềng, đặc biệt là nó diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan và Biển Đông gia tăng căng thẳng.

Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng : Cụm tàu sân bay Liêu Ninh đang tiến hành nghiên cứu khoa học và huấn luyện ở Biển Đông, phù hợp với kế hoạch từ trước. Mục đích là để kiểm tra hiệu năng của vũ khí, trang bị [1].

tq1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, ảnh : Reuters.

Trong một động thái khác có liên quan, ngày 5/1, tờ Nhật báo Thanh Niên của "Bộ Quốc phòng" Đài Loan đưa tin, Mỹ sẽ nâng cấp toàn bộ chiến đấu cơ F-22 ở châu Á - Thái Bình Dương, bố trí toàn diện chiến đấu cơ F-35 ở châu Á.

Chỉ có như vậy, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương mới có thể đảm bảo ưu thế không lực trong bối cảnh cạnh tranh ở khu vực ngày càng gay gắt, các loại tranh chấp thi nhau trỗi dậy.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris đã khẳng định trong một bài phát biểu vào ngày cuối cùng của năm 2016 :

Mỹ phải bố trí toàn diện F-35 ở châu Á - Thái Bình Dương, hiện đại hóa toàn bộ F-22 để đảm bảo ưu thế sức mạnh không quân, trong bối cảnh không quân Trung Quốc đang hoạt động ngày càng nhiều ở Biển Đông, làm tăng căng thẳng khu vực.

Động thái này diễn ra sau khi Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương quyết định điều động cụm tàu sân bay USS Carl Vinson CVN-70 thuộc biên chế Hạm đội 3 tăng viện cho Hạm đội 7 phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương [2].

Thông tin này được Thời báo Không quân Mỹ công bố. Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh, nhiệm vụ ưu tiên số một của ông trong năm 2017 chính là hoàn thiện việc bố trí hỏa lực tiền duyên, chuẩn bị ứng phó với mọi nguy cơ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông, nguy cơ ấy đến từ Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỗ này thay đổi sẽ ảnh hưởng đến chỗ khác.

Máy bay Trung Quốc hoạt động đường dài ngoài khơi bờ biển Philippines sẽ khiến Nhật Bản cảnh giác, Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo sẽ khiến Seoul bất an.

Hồng Thủy

Tài liệu tham khảo :

[1]http ://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2059353/china-says-aircraft-carrier-testing-weapons-south-china

[2]http ://news.gpwb.gov.tw/News/194077

Published in Châu Á