Thấy gì qua việc ông Nghị xoa dịu lo ngại chiến tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông ? (GDVN, 08/02/2017)
Phát biểu của ông Vương Nghị về Biển Đông cho thấy sự thất bại trong việc sử dụng chiêu bài "võ mồm" đe dọa ông Donald Trump, cò gỗ không thể mổ cò thật.
The Straits Times ngày 8/2 đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có những phát biểu hạ nhiệt nguy cơ xung đột Trung - Mỹ ở Biển Đông trong khi ông đang thăm Australia.
Đánh nhau, không ai thắng
Ông Nghị nói : "Bất kỳ chính trị gia nào có đầu óc tỉnh táo, họ đều nhận thấy rõ ràng không thể có xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cả hai bên sẽ đều thiệt và cả hai bên không thể để xảy ra điều đó" [1].
Còn kênh BBC tiếng Trung Quốc dẫn lời ông Nghị nói rằng :
"Trung - Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao đã trên 40 năm nay, suốt thời gian ấy phía Hoa Kỳ có những người đã từng biểu hiện cứng rắn với Trung Quốc không ít.
Nhưng thực tế mà chúng tôi nhìn thấy là, quan hệ Trung - Mỹ vẫn khắc phục được những khó khăn, vẫn không ngừng phát triển".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh : Newsweek.
Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết, theo thời gian, chỉ cần Trung Quốc và Hoa Kỳ giữ vững cam kết, bảo vệ nền tảng chính trị của quan hệ song phương, quan hệ hai nước nhất định sẽ dần vượt qua những trục trặc nhất thời, tiến lên con đường phát triển tốt đẹp hơn.
Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm (chúc mừng ông Trump đắc cử). Theo Ngoại trưởng Nghị, ông Bình nhấn mạnh quan hệ Trung - Mỹ có thể phát triển tốt hơn nữa và ông Trump đồng ý 100%.
Về Biển Đông và nguy cơ xung đột Trung - Mỹ, ông Ngoại trưởng Nghị cho rằng, dưới sự nỗ lực chung giữa Trung Quốc và ASEAN, cục diện Biển Đông "đang dần ổn định".
Bắc Kinh coi trọng phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, rằng nên nỗ lực hết khả năng có thể để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao. Đó là lựa chọn chính xác của các nước ngoài khu vực [2].
Theo The Straits Times, sau đối thoại chiến lược với người đồng cấp Vương Nghị, Ngoại trưởng Astralia bà Julie Bishop cho biết :
"Bắc Kinh chắc chắn chào đón một cam kết sâu sắc với Hoa Kỳ. Họ rất mong một kỷ nguyên hợp tác, họ nhìn thấy cơ hội tăng cường kết nối với chính quyền mới ở Mỹ.
Ông Nghị cho biết, Hoa Kỳ và Trung Quốc có quá nhiều thứ để mất nếu nổ ra xung đột giữa hai nước. Ấn tượng của tôi là, Trung Quốc đang muốn hợp tác tích cực với Hoa Kỳ.
Chúng tôi đã thảo luận về Biển Đông. Trung Quốc hiện nay tham gia sâu vào các cuộc đàm phán, thảo luận và tham vấn các bên tranh chấp khác.
Hy vọng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục nhìn thấy hai bên tích cực phối hợp, làm việc với nhau vì hòa bình, thịnh vượng cho khu vực chúng ta" [1].
Tham vọng độc chiếm Biển Đông không đổi
Cùng đưa phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc tại Australia về Biển Đông, Channel News Asia ngày 8/2 cho biết : ông Nghị nói Hoa Kỳ nên "học lại lịch sử Biển Đông".
Cái gọi là "lịch sử Biển Đông" được ông Nghị đề cập, vẫn là những lập luận ngụy biện, bóp méo sự thật Trung Quốc thường rêu rao lâu nay :
"Tuyên bố Cairo năm 1943 và Tuyên bố Potsdam năm 1945 nêu rõ, Nhật Bản phải trả lại Trung Quốt tất cả lãnh thổ mà Nhật chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới II.
Điều này bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Năm 1946 chính phủ Trung Quốc khi đó với sự giúp đỡ từ phía Hoa Kỳ đã lấy lại quần đảo Trường Sa từ Nhật Bản một cách công khai, hợp pháp, tiếp tục thực thi chủ quyền từ đó.
Sau này, một số quốc gia trong khu vực đã chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo, cấu trúc, rặng san hô ở Trường Sa, gây ra tranh chấp trên Biển Đông.
Trung Quốc cam kết sẽ đàm phán với các bên liên quan trực tiếp một cách hòa bình, phù hợp với sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề, lập trường này sẽ không thay đổi.
Chúng tôi rất hoanh nghênh ý kiến của ông Mattis nhấn mạnh những nỗ lực ngoại giao ở Biển Đông, vì đây không chỉ là lựa chọn của Trung Quốc và Đông Nam Á, mà còn là sự lựa chọn đúng đắn của các nước ngoài khu vực" [3].
Những điều ông Vương Nghị nói trên đây, chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra những lập luận ngụy biện, vô căn cứ.
Ví dụ như bài viết Nhân Dân nhật báo lại xuyên tạc về cái gọi là "chủ quyền" Trung Quốc ở Biển Đông, quý bạn đọc quan tâm xin theo dõi lại.
Ở đây chỉ xin lưu ý 3 điểm : Một là dường như Bắc Kinh vẫn cố ý tìm cách đánh lận con đen, gộp tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp ứng dụng giải thích UNLCOS 1982 ở Trường Sa vào làm một.
Mục đích của việc này hòng chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ để bảo vệ tự do hàng hải hàng không, luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Nhất là vừa qua người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố : Mỹ sẽ bảo vệ "lãnh thổ quốc tế" ở Biển Đông, không cho nước nào chiếm làm của riêng, báo hiệu sự can thiệp sâu hơn của Mỹ.
Hai là Trung Quốc đặt cái gọi là "sự thực lịch sử" trước căn cứ pháp lý trong giải quyết tranh chấp chủ quyền, tranh chấp ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông cho thấy rõ họ đuối lý, thiếu hoặc không có căn cứ pháp lý, nên cố tình bịa ra cái gọi là "sự thật lịch sử" vào.
Trong khi cái gọi là "sự thật lịch sử" lại là một thứ lịch sử bị bóp méo, bị nhào nặn, bị áp đặt như Tuyên bố Cairo, Tuyên bố Potsdam mà ông Nghị vừa nêu và chúng tôi cũng đã phân tích.
Đặc biệt, điều này cũng được chính những nhà nghiên cứu, học giả Trung Quốc chân chính chỉ ra một cách đầy thuyết phục, như Giáo sư Lý Lệnh Hoa, Giáo sư Trương Bá Thụ, nhà nghiên cứu Bạch Định Đỉnh, nhà nghiên cứu Trần Phá Không...
Quý bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bằng cách dùng tên các học giả này làm từ khóa tìm kiếm.
Do đó, trong đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái này từ phía Trung Quốc, với mỗi vấn đề cần xác định rõ bản chất tranh chấp và hệ quy chiếu pháp lý quốc tế phù hợp để làm căn cứ giải quyết nó.
Nếu không sẽ dễ rơi vào cái bẫy "chứng cứ lịch sử", "chủ quyền lịch sử" Trung Quốc đang giăng ra.
Ba là, Trung Quốc không nhắc gì tới quần đảo Hoàng Sa, một dấu hiệu cho thấy họ tiếp tục từ chối đàm phán với Việt Nam về chủ quyền quần đảo này.
Đòn nắn gân Donald Trump thất bại
Cuộc so găng hỏa lực miệng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông bắt đầu nổ ra từ một viên tướng Trung Quốc phát biểu trên tờ Quân Giải phóng :
Chiến tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông không còn là khẩu hiệu, mà là một khả năng ngày càng hiện hữu, theo South China Morning Post ngày 27/1 [4].
Bắt đầu từ ngày 1/2, một số tờ báo Anh, Mỹ bỗng dưng "khui lại" bình luận của Cố vấn chiến lược của Tổng thống Donald Trump, Steve Bannon phát biểu từ tháng 3 năm ngoái :
Chắc chắn Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ khó tránh khỏi chiến tranh ở Biển Đông trong khoảng 5 đến 10 năm tới, làm dấy lên những lo lắng và bình luận khác nhau.
Từ Trung Quốc, ngày 6/2 Nhân Dân nhật báo đăng lại bài xã luận của Thiếu tướng La Viện viết trên tờ Quân Giải phóng : "Muốn có hòa bình, phải dũng cảm đối mặt với chiến tranh" [5].
Trước đó hôm 25/1, ông Kim Xán Vinh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu quốc tế Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh bình luận với báo giới về phát biểu của Ngoại trưởng Rex Tillerson liên quan đến Biển Đông :
"Phát biểu của Tillerson quá kiêu ngạo. Nếu chính quyền mới của Mỹ nghe theo sẽ dẫn đến chiến tranh Trung - Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với dấu chấm hết của lịch sử Hoa Kỳ, thậm chí là của toàn nhân loại".
Ông Kim Xán Vinh, ảnh : sino-us.com.
Ông Vinh huênh hoang : "Cho dù Mỹ đang có kế hoạch điều 3 tàu sân bay đến Tây Thái Bình Dương, nếu chúng xâm nhập vào Biển Đông, chúng tôi có thể tiêu diệt thậm chí cả 10 chiếc tàu sân bay Mỹ chứ đừng nói 3 chiếc".
Ông La Viện bồi thêm : "Những hòn đảo và các sân bay chúng tôi đã xây dựng trên đó là "tàu sân bay không thể chìm", nếu so với tàu sân bay Mỹ, chúng có lợi thế hơn. Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình" [6].
Tham gia cuộc khẩu chiến còn có các học giả Anh.
Theo BBC tiếng Trung Quốc ngày 6/2, tờ The Independent của Anh dẫn một loạt bình luận của giới quan sát nước Anh cho rằng, nếu chiến tranh Trung - Mỹ nổ ra ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ đại bại.
Tờ báo hình dung, nếu Trung - Mỹ khai chiến ở Biển Đông sẽ giống một cuộc đối đầu giữa một anh dân cày với chiến binh vĩ đại của thần thoại Hy Lạp - Achilles.
Bất chấp cuộc so găng "hỏa lực mồm" đang diễn ra ác liệt, cho đến nay tân chủ nhân Nhà Trắng giữ im lặng, để cho các thuộc cấp ra mặt ứng phó với Trung Quốc.
Uy lực của Trump khiến Bắc Kinh không dám manh động đến từ việc bổ nhiệm Rex Tillerson làm Ngoại trưởng, Wilbur L. Ross Jr làm Bộ trưởng Thương mại, Peter Navarro làm Chủ tịch Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ, Steve Bannon làm Cố vấn chiến lược cho Tổng thống.
Chính những nhân vật này đang thay mặt Donald Trump gây áp lực với Trung Quốc. Còn chủ nhân Nhà Trắng không giấu nước cờ xem lại nguyên tắc "một nước Trung Quốc".
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis về Biển Đông ở Tokyo có thể là một phép thử của Donald Trump nhằm đo lường những nước cờ của mình với Trung Quốc hiệu quả đến đâu.
Bình luận sau đó của Ngoại trưởng Vương Nghị có thể cung cấp một manh mối cho câu trả lời khi ông nói : chỉ cần Trung Quốc và Hoa Kỳ giữ vững cam kết, bảo vệ nền tảng chính trị của quan hệ song phương...
Vậy là mối quan tâm lớn nhất hiện nay của Trung Quốc, là liệu Donald Trump có thực hiện những gì ông nói về việc xem lại nguyên tắc "một nước Trung Quốc" hay không.
Rõ ràng, nguyên tắc "một nước Trung Quốc" hay vấn đề Đài Loan là một đòn bẩy chiến lược được Trump xác định đang tỏ ra hiệu nghiệm.
Huống hồ, Trump tuyên bố sẽ xem lại "nguyên tắc" này và không có gì không thể thương lượng, chỉ 2 ngày sau khi ông Dương Khiết Trì ghé New York tìm cách tiếp cận các cố vấn của ông [7].
Cá nhân người viết cho rằng, phát biểu của ông Vương Nghị về Biển Đông cho thấy sự thất bại trong việc sử dụng chiêu bài "võ mồm" đe dọa ông Donald Trump, cò gỗ không thể mổ cò thật.
Nó cũng cho thấy, khả năng chiến tranh, xung đột Trung - Mỹ trên Biển Đông, thực tế có ý nghĩa như một cuộc chiến tâm lý, một cuộc chiến dư luận nhiều hơn là nguy cơ hiện thực.
Lúc này sự im lặng của Trump, phớt lờ một cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khi trao đổi qua điện thoại với lành đạo hầu hết các quốc gia chủ chốt khác tiếp tục là một vũ khí tâm lý chiến hiệu quả.
Nó khiến đối phương không biết đằng nào mà đối phó, cũng không dám liều lĩnh ném đá dò đường. Vụ Trung Quốc bắt giữ thiết bị lặn không người lái của Mỹ ở Biển Đông vừa qua có ý nghĩa với Obama nhiều hơn là Donald Trump.
Hồng Thủy
Tài liệu tham khảo :
[2]http://www.bbc.com/zhongwen/simp/world-38902272
[5]http://military.people.com.cn/n1/2017/0206/c1011-29060068.html
[7]http://www.reuters.com/article/us-usa-trump-china-idUSKBN1400TY
**********************
Trung Quốc nói Mỹ nên "học hỏi thêm" về lịch sử Biển Đông (BBC, 08/02/2017)
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị phát biểu tại một cuộc họp báo ở Canberra ngày 7/2
Hoa Kỳ nên học hỏi thêm về lịch sử Biển Đông, vì có thỏa thuận quy định tất cả các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm trong Thế chiến II phải được trao trả lại cho Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Úc.
Trung Quốc đã tỏ ý tức giận vì những lời bình luận từ chính quyền Hoa Kỳ mới về vùng biển này.
Trang web của Bộ ngoại giao Trung Quốc đăng những lời bình luận của ông Vương vào tối thứ Ba ngày 7/2. Trang này trích lời ông Vương phát biểu trong chuyến thăm Canberra, Úc gần đây, nói rằng ông có một "gợi ý" cho những người bạn Mỹ : "Học hỏi thêm về lịch sử Thế chiến Thứ hai".
Theo ông Vương, Tuyên bố Cairo 1943 và Tuyên bố Potsdam 1945 nói rõ rằng Nhật Bản phải trả lại cho Trung Quốc tất cả các vùng lãnh thổ Nhật đã chiếm đóng.
"Điều này bao gồm cả các đảo Nam Sa", ông nói thêm, dẫn tên Trung Quốc dùng để gọi Quần đảo Trường Sa.
"Năm 1946, chính phủ Trung Quốc lúc đó, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, đã công khai lấy lại quần đảo Nam Sa mà Nhật đã chiếm đóng, và nắm chủ quyền lại", ông Vương nói.
"Sau đó, một số nước láng giềng của Trung Quốc đã dùng các biện pháp bất hợp pháp để chiếm giữ một số đảo và bãi đá ở khu vực này, và chính chuyện này đã gây ra cái gọi là tranh chấp lãnh thổ Biển Đông".
Trung Quốc cam kết đàm phán với các bên có liên quan trực tiếp, theo đúng các chứng cứ lịch sử và luật quốc tế để giải quyết vấn đề một cách hòa bình, và quan điểm này vẫn không thay đổi, ông Vương nói thêm.
Quan điểm của Mỹ về Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ để nhậm chức hồi giữa tháng Một, tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Trung Quốc không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng ở Trường Sa.
Ông Tillerson, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, so sánh việc Trung Quốc xây đảo với việc Nga chiếm Crimea từ tay Ukraine.
"Chúng ta cần gửi đến Trung Quốc một dấu hiệu rõ ràng. Thứ nhất, việc xây dựng đảo phải chấm dứt, và thứ hai, họ sẽ không được phép tiếp cận các đảo đó nữa".
Tòa Bạch Ốc cũng cam kết sẽ bảo vệ "các vùng lãnh thổ quốc tế" ở vùng biển có vị trí chiến lược này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng từng nói rằng "Trung Quốc đã xé nát niềm tin của các quốc gia trong vùng, ra vẻ như có quyền phủ quyết đối với ngoại giao, an ninh và kinh tế của các nước láng giềng".
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng các biện pháp ngoại giao phải được ưu tiên ở Biển Đông, hãng Reuters cho hay.
Trung Quốc kỳ vọng vào những lời phát biểu của ông Mattis nhấn mạnh đến các nỗ lực ngoại giao ở Biển Đông, vì đây không chỉ là quan điểm của Trung Quốc và Đông Nam Á mà còn là "sự lựa chọn đúng đắn" cho các nước ở ngoài khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói.
Bắc Kinh thời gian qua đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên các bãi san hô trong khu vực biển được nhiều nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Những hình ảnh được đưa ra cuối năm ngoái cho thấy có sự hiện diện của lực lượng quân sự tại một số đảo này, một viện nghiên cứu nói.
Động thái xây đảo của Trung Quốc đã gây nhiều bất bình trong khu vực. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền.
************************
Bắc Kinh : "Mỹ-Trung xung đột, cả hai đều thiệt" (RFI, 08/02/2017)
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) và đồng nhiệm Mỹ John Kerry (P) trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, ngày 23/02/2016 - REUTERS
Trong trường hợp xảy ra xung đột, cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều bị thiệt hại, đó là tuyên bố của ngoại trưởng Vương Nghị hôm nay, 08/02/2017, nhân chuyến viếng thăm nước Úc, vào lúc Washington tỏ thái độ cứng rắn hơn trên hồ sơ Biển Đông.
Theo đài truyền hình Úc ABC, ngoại trưởng Vương Nghị đã nhấn mạnh : "Tất cả các lãnh đạo chính trị nghiêm túc đều thừa nhận rằng không thể có bất cứ xung đột nào giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong trường hợp đó cả hai nước sẽ đều bị thiệt và chắc chắn là họ sẽ không chấp nhận điều này".
Trong khi đó, trang web của bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm qua trích dẫn lời ông Vương Nghị, phát biểu cũng tại Úc, đề nghị Mỹ nên "ôn lại" lịch sử về Biển Đông. Theo ngoại trưởng Trung Quốc, Tuyên bố Cairo 1943 và Tuyên bố Potsdam năm 1945 ghi rõ là Nhật Bản phải trao trả lại cho Trung Quốc những lãnh thổ nào chiếm của Trung Quốc, trong đó bao gồm cả quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Ông Vương Nghị khẳng định rằng, năm 1946, chính phủ Trung Quốc lúc đó, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, đã công khai, theo đúng luật pháp quốc tế, chiếm lại các đảo và đá của Trường Sa và hành xử trở lại chủ quyền trên quần đảo này. Theo ngoại trưởng Trung Quốc, sau đó, một số quốc gia láng giềng đã "chiếm đóng trái phép" một số đảo và đá của Trường Sa, rồi từ đó tạo nên cái gọi là "tranh chấp Biển Đông".
Ngoại trưởng Vương Nghị đã tuyên bố như trên vào lúc chính quyền của tân tổng thống Mỹ Donald Trump có những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông, đặc biệt ngoại trưởng Rex Tillerson đã gián tiếp dọa sẽ phong tỏa các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng, để ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo này. Báo chí Trung Quốc đã phản ứng rất mạnh đối với tuyên bố này của ông Tillerson.
Bắc Kinh cũng đã cực lực phản đối tuyên bố của tân bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis khi đi thăm Nhật tuần qua, khẳng định rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Tokyo quản lý, nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền, sẽ được Hoa Kỳ bảo vệ trong khuôn khổ liên minh quân sự Mỹ-Nhật.
Thanh Phương
Giới chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xung đột Mỹ - Trung (RFI, 07/02/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bộ Chỉ Huy Trung Tâm (CentCom), Florida ngày 06/02/2017. REUTERS/Carlos Barria
Sự thất thường của tân tổng thống Donald Trump cộng với cách cầm quyền độc đoán và thái độ ngày càng hung hăng của chủ tịch Tập Cận Bình đang đẩy quan hệ Mỹ -Trung đến một giai đoạn nguy hiểm.
Đó là cảnh báo của một nhóm chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc trong một báo cáo gởi Nhà Trắng, trong đó họ đưa ra những khuyến cáo về quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. Báo cáo này được chuyển đến Nhà Trắng hôm Chủ Nhật vừa qua và trên nguyên tắc sẽ được công bố ngày 07/02/2017.
Trong báo cáo này, các chuyên gia Mỹ về Trung Quốc, trong đó có một số người đã làm việc với Bắc Kinh từ hơn 50 năm, cảnh báo : quan hệ giữa hai cường quốc có vũ khí hạt nhân này có thể xấu đi nhanh chóng và biến thành xung đột kinh tế, thậm chí xung đột quân sự, nếu hai bên không tìm được thỏa hiệp trên các vấn đề như thương mại, Đài Loan và Biển Đông.
Theo nhật báo Anh The Guardian, một trong những tác giả bản báo cáo, ông Winston Lord, cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, nhận định : hiện giờ, do các chính sách của Trung Quốc và do sự thất thường của ông Trump, quan hệ giữa hai nước đang ở trong giai đoạn khó lường nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn (1989). Ông Orville Schell, một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc, thì rất lo ngại về nguy cơ tổng thống Trump phá tan hàng thập kỷ chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
Ngay cả trước khi bất ngờ đắc cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016, nhà tỷ phú New York đã tuyên bố ông sẽ có thái độ cứng rắn với quốc gia mà ông gọi là "nước Trung Quốc xấu xa". Và kể từ khi thắng cử đến nay, ông Donald Trump vẫn không thay đổi giọng điệu với Bắc Kinh.
Trên đài truyền hình và trên mạng xã hội Twitter, tân tổng thống Mỹ đã tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, thao túng tiền tệ và không giúp kềm chế lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Tổng thống Trump cũng đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi cho thấy là ông không đi theo chính sách chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất theo đó Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Báo cáo của các chuyên gia nói trên nhấn mạnh, nguy cơ này "vô cùng nguy hiểm" và là yếu tố đe dọa nghiêm trọng nhất đối với quan hệ Mỹ-Trung.
Các chuyên gia Mỹ về Trung Quốc cũng cảnh báo "bão tố đang hình thành" ở Biển Đông. Họ cho rằng những hành động xác quyết chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc, cộng với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ngày càng mạnh ở nước này, khiến Hoa Kỳ và Trung Quốc đang "trên đường nguy hiểm đi đến xung đột". Vào tuần trước, cố vấn chiến lược của tổng thống Trump, Steve Bannon, đã dự báo chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông là "không thể tránh khỏi" trong vòng từ 5 đến 10 năm tới.
Những người trong êkíp của ông Trump đã từng chỉ trích sự "yếu kém" của chính quyền Obama ở Châu Á – Thái Bình Dương và đã yêu cầu gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng này, theo chiến lược "đạt đến hòa bình bằng sức mạnh", nhằm chống lại Trung Quốc. Nhưng báo cáo của các chuyên gia khuyến cáo Nhà trắng rằng đó là một chính sánh "thiển cận", chỉ khiến cho tình hình căng thẳng thêm.
Đặc biệt, cựu đại sứ Winston Lord xem quyết định của ông Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là một "thảm họa", vì làm tổn hại uy tín của Mỹ ở Châu Á và giúp cho Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở vùng này.
Không chỉ đưa ra các khuyến cáo, các chuyên gia còn kêu gọi chính quyền Trump tránh để quan hệ Mỹ-Trung vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thanh Phương
***********************
Tillerson : 'Chấp nhận rủi ro' để ngăn bất ổn Biển Đông (VOA, 07/02/2017)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây đã gửi văn bản trả lời tới Thượng nghị sĩ Ben Cardin của bang Maryland dành cho những câu hỏi nêu ra tại phiên điều trần hồi tháng trước liên quan đến quá trình phê chuẩn ông làm ngoại trưởng.
Văn bản này đã xuất hiện trên mạng cách đây ít ngày. Một phát ngôn viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 7/2 đã xác nhận với Japan Times đó là văn bản thật.
Trong văn bản, ngoại trưởng Mỹ đã dùng lời lẽ nhẹ nhàng hơn khi nói về vấn đề Biển Đông. Ông Tillerson viết : "Nếu tình huống bất ngờ xảy ra, Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác phải có khả năng hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận và sử dụng các đảo nhân tạo của họ để tạo ra mối đe dọa đối với Hoa Kỳ hoặc các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ".
Ông cũng tỏ ra cổ súy cho một chính sách tích cực hơn của Mỹ đối với vùng biển có tranh chấp cũng như những rủi ro đi kèm có thể tăng lên khi Mỹ có động thái như vậy. Ngoại trưởng Mỹ viết : "Mỹ phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu Mỹ muốn ngăn ngừa những hành động làm mất ổn định thêm, và trấn an các đồng minh và đối tác rằng Mỹ sẽ sát cánh với họ trong việc duy trì các luật lệ và chuẩn mực quốc tế".
Ông Tillerson cho biết thêm ông sẽ làm việc với các đối tác liên ngành để xây dựng một phương pháp tiếp cận tổng thể của chính phủ về việc ngăn ngừa Trung Quốc cưỡng chiếm và bồi đắp thêm, cũng như ngăn ngừa các thách thức đối với tự do hàng hài và hàng không ở vùng biển.
*********************
Hé lộ phi đạn tối tân trong tập trận Tết ở Trung Quốc (VOA, 07/02/2017)
Tư liệu- Phi đạn đạn đạo xuyên lục địa DF-5B của Trung Quốc.
Phi đạn đạn đạo có độ chính xác cao của Trung Quốc có khả năng đe dọa các căn cứ của Mỹ và Nhật tại Châu Á vừa xuất hiện trong cuộc diễn tập gần đây của Lực lượng Hỏa tiễn thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Phi đạn tầm trung Đông Phong-16 xuất hiện trong một video trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào tuần trước. Các phi đạn này được chở trên những xe phóng lưu động 10 bánh, được triển khai vào rừng sâu trong những cuộc diễn tập diễn ra ngay khi Tết Nguyên đán vừa kết thúc.
Dù Lực lượng Hỏa tiễn sở hữu một kho phi đạn lớn với nhiều tầm bắn khác nhau, Đông Phong-16 đóng một vai trò đặc biệt trong việc mở rộng tầm bắn của Trung Quốc tới những vùng biển mà nước này tìm cách kiểm soát trong phạm vi cái mà họ gọi là "chuỗi đảo thứ nhất".
Lần đầu tiên được phô bày tại một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh vào năm 2015, phi đạn này được cho là có tầm bắn 1.000 km. Okinawa, nơi có nhiều cơ sở quân sự của Mỹ, cũng như những đảo chính của Nhật Bản, Đài Loan và Philippines đều nằm trọn trong tầm bắn của phi đạn này.
Phi đạn Đông Phong-16 hai giai đoạn thay thế phi đạn Đông Phong-11 cũ hơn và có tầm bắn ngắn hơn, với giai đoạn cuối có thể điều chỉnh quỹ đạo của nó để tấn công những mục tiêu di chuyển chậm và tránh được những hệ thống phòng thủ chống phi đạn như hệ thống Patriot của Mỹ được Đài Loan triển khai.
Phi đạn này còn có thể chở tới ba đầu đạn nặng tới một tấn và chở theo chất nổ cao hợp quy ước hoặc vũ khí hạt nhân. Đông Phong-16 được cho là có độ chính xác trong phạm vi cách mục tiêu ít nhất là 5 mét, tương tự như độ chính xác của phi đạn hành trình, vốn làm tăng thêm tính sát thương.