Ca sĩ Mai Khôi được Mỹ trao giải thưởng Artivist Academy
RFA, 10/03/2023
Ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi (nghệ danh Mai Khôi), mới được tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ trao giải thưởng Artivist Academy vì những đóng góp của cô cho việc nâng cao nhận thức về các vấn đề công bằng xã hội thông qua nghệ thuật.
Ca sĩ Mai Khôi trong poster công bố giải thưởng Artivist Academy - Fb Do Nguyen Mai Khoi
Mai Khôi cũng được 1Hood Media chọn là một trong 12 gương mặt trong năm 2023. Đây là một tổ chức ở thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pensylvania có mục tiêu xây dựng các "cộng đồng tự do" thông qua nghệ thuật, giáo dục và công bằng xã hội.
Bà Jasmine Green, giám đốc đào tạo của tổ chức trên nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email trong ngày 09/3 :
"Mai Khôi là một nghệ sĩ cực kỳ tài năng, người đã kết hợp nhuần nhuyễn hoạt động chính trị với hoạt động nghệ thuật của mình.
Trong nhiều trường hợp, Mai Khôi đã đánh cược tự do và an toàn của mình vì sự cống hiến của cô ấy cho nghệ thuật, và vì vậy những giá trị mà tổ chức cổ suý được thể hiện rõ hơn trong công việc của cô ấy".
Theo bà Green, các nghệ sĩ được chọn đều có trình độ cao và chia sẻ tôn chỉ của tổ chức, và Mai Khôi sẽ có buổi trình diễn trong ngày 17/11 năm nay.
Ba tiêu chí mà tổ chức này lựa chọn nghệ sĩ để trao giải là : kỹ năng nghệ thuật đã được chứng thực, thành tích chuyên nghiệp và khả năng phù hợp với sứ mệnh và giá trị của tổ chức. Thuật ngữ "Artivist" là sự kết hợp giữa từ "Artist" (nghệ sĩ) và "Activist" (nhà hoạt động).
Vì các hoạt động của mình, Mai Khôi đã nhiều lần bị lực lượng an ninh Việt Nam sách nhiễu. Chính quyền Hà Nội không cho cô tự do biểu diễn, yêu cầu chủ nhà trọ đuổi hai vợ chồng, và tịch thu các bản sao trong album Dissent (Bất đồng chính kiến-PV) của cô sau chuyến lưu diễn Châu Âu vào dịp cuối năm 2018.
Nói với RFA, ca sỹ Mai Khôi cho biết giải thưởng là một sự khích lệ lớn cho hoạt động nghệ thuật của cô, sau hai giải thưởng quốc tế trong năm năm gần đây.
"Những giải thưởng như thế này là niềm khích lệ rất lớn đối với những người nghệ sĩ như Mai Khôi, nhất là những nghệ sĩ dùng nghệ thuật để lên tiếng cho nhân quyền và nói lên vấn đề của xã hội đang bức xúc.
Nó là một niềm khích lệ rất lớn và là một cách ủng hộ rất thiết thực để những nghệ sĩ như Mai Khôi tiếp tục công việc của mình".
Cô cho rằng giải thưởng mới nhất này cũng khích lệ giới nghệ sĩ trong nước đấu tranh để được tự do sáng tạo nghệ thuật.
"Mặc dù Mai Khôi cũng không còn sống ở Việt Nam đã ba năm rồi nhưng Mai Khôi vẫn có nhiều kết nối với các nghệ sĩ ở Việt Nam và Mai Khôi nhận thấy sự thành công của Mai Khôi cũng là một niềm khích lệ đối với những nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam.
Họ thấy rằng là ‘À, Mai Khôi được sống và làm việc ở một nơi được tự do, những hoạt động của Mai Khôi được ghi nhận ở một đất nước xa lạ bởi vì sự tự do mà Mai Khôi đang có.’
Mai Khôi hy vọng những nghệ sĩ ở Việt Nam có những tác phẩm nói lên những vấn đề xã hội bức thiết nhiều hơn, cảm thấy cần thiết đấu tranh để đòi tự do nhiều hơn".
Ca sĩ Mai Khôi (thứ hai từ bên phải qua) là 1 trong 11 gương mặt được vinh danh. Ảnh : 1HOOD
Từng là người được giải thưởng về nghệ thuật ở Việt Nam trước khi dấn thân hoạt động xã hội và sử dụng sáng tạo nghệ thuật để đấu tranh chống kiểm duyệt, Mai Khôi cho rằng các nghệ sĩ trong nước thường né tránh những vấn đề nhạy cảm vì sự kiểm duyệt từ chính quyền.
Mong muốn Việt Nam xóa bỏ chế độ kiểm duyệt để giới nghệ sĩ được sáng tạo tự do hơn, Mai Khôi cho rằng chính họ phải lên tiếng vì "không có gì tự nhiên đến, các nghệ sĩ phải đấu tranh nhiều hơn".
Trước giải thưởng Artivist Academy, ca sĩ bất đồng chính kiến Mai Khôi đã nhận được giải thưởng Vaclav Havel năm 2018 dành cho người bất đồng chính kiến sáng tạo của Hội Nhân quyền (The Human Rights Foundation– HRF) và Giải thưởng về Bốn quyền tự do (Roosevelt Four Freedom Award) của Viện Roosevelt. Cả hai có trụ sở chính ở New York, Hoa Kỳ.
Ở Việt Nam, năm 2010, Mai Khôi giành giải thưởng "Album của năm" (Mai-Khôi Sings Quốc Bao) của Đài Truyền hình Việt Nam.
Cô là một ca sĩ hoạt động tích cực trong việc đấu tranh đòi hỏi tự do và dân chủ cho Việt Nam, tham gia biểu tình chống Formosa sau khi tập đoàn này gây ra thảm họa môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016.
Mai Khôi từng nộp đơn tự ứng cử làm đại biểu quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử năm 2016 nhưng không được chấp nhận. Cô cũng lên tiếng chỉ trích Facebook hợp tác với yêu cầu kiểm duyệt Internet của chính phủ Việt Nam.
Cô là một trong số ít những nhà bất đồng chính kiến mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gặp khi ông thăm Việt Nam năm 2016.
Năm 2018, tổ chức Ân xá Quốc tế đưa Mai Khôi vào danh sách "12 nhà hoạt động nhân quyền truyền cảm hứng để theo dõi".
***********************
Kontum : Xảy ra 10 trận động đất trong bốn ngày liên tiếp
RFA, 10/03/2023
Huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum tiếp tục ghi nhận 10 trận động đất liên tiếp trong bốn ngày qua từ 7/3 đến 10/3. Trong đó trận mạnh nhất đo được 3.7 độ Richter.
Xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông là nơi tâm chấn của các trận động đất - NLĐ
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho truyền thông hay tin trên trong ngày 10/3 ngay sau khi trận động đất thứ 10 được ghi nhận có độ lớn 3.0 với độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km.
Cũng theo trung tâm, tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh Kon Tum ghi nhận gần 500 trận động đất. Trận lớn nhất mạnh 4,7 Richter. Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 18/2, tại khu vực này cũng đã xảy ra 36 trận động đất. Riêng từ cuối tháng 1/2023 đến nay, động đất có xu hướng gia tăng ở khu vực này.
Viện Vật lý Địa cầu nhận định động đất tại Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện tích nước, tạo áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.
Các chuyên gia cảnh báo, nơi đây sẽ còn tiếp tục xảy ra các trận động đất trong thời gian tới, liên quan chặt chẽ đến chu kỳ tích nước của hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên động đất khu vực được nhận định ít khả năng vượt quá 5 độ. Trước đó, nơi đây từng ghi nhận trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4.7, gây rung chấn một khu vực rộng lớn ở miền Trung và Tây Nguyên.
Tỉnh Kon Tum hiện có tám trạm quan trắc động đất được lắp đặt tại các khu vực của Thủy điện Thượng Kon Tum và Thủy điện Đắk Đrinh (huyện Kon Plông). Trong đó, có năm trạm được chủ đầu tư hai thủy điện nói trên lắp đặt theo đề nghị của UBND tỉnh Kon Tum, ba trạm, còn lại do Viện Vật lý địa cầu thực hiện. Các trạm này đang vận hành bình thường.
************************
Hàn Quốc tạm dừng tuyển lao động ở bốn tỉnh có số lao động cư trú bất hợp pháp cao
RFA, 10/03/2023
Bốn tỉnh tại Việt Nam bị tạm dừng tuyển chọn đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc trong năm 2023.
Số lượng lao động Việt ra nước ngoài làm việc trong 2 tháng đầu năm tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền Phong
Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho truyền thông hay tin trên trong ngày 10/3.
Lý do bốn tỉnh tại Việt Nam, cụ thể là Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa và Nghệ An bị phía Hàn Quốc từ chối nhận lao động sang làm việc do những địa phương trên có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết thời hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.
Theo Bộ Lao động, Hàn Quốc thực hiện theo đúng tinh thần Bản ghi nhớ về chương trình EPS và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020 - 2022.
Tuy nhiên cũng theo Bộ, Việc tạm dừng tuyển chọn không áp dụng đối với lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong khoảng thời gian miễn xử phạt.
Ông Nguyễn Gia Liêm - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nói trên tờ Tuổi trẻ rằng, những người lao động phá bỏ hợp đồng rồi cư trú bất hợp pháp ở lại Hàn Quốc đa phần vì lợi ích cá nhân. Việc này đồng thời tước đi cơ hội của các thanh niên khác muốn đi làm việc tại Hàn Quốc.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hồi tháng 1/2023, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã có thông báo áp dụng mức lương tối thiểu năm 2023 đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc. Theo đó, mức lương tối thiểu theo giờ là 9.620 won, tính theo tháng (chuẩn tổng 209 giờ/tháng, 40 giờ/tuần + 8 giờ/tuần thời gian nghỉ có lương) là 2.010.580 won.
Như vậy, mức lương này tăng 5% so với năm 2022, tương đương trên 37,3 triệu đồng/tháng. Mức lương này được áp dụng đồng nhất trong tất cả các doanh nghiệp không phân biệt loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, nước này cũng kéo dài thời hạn cư trú cho người lao động.
Cụ thể, lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc nếu đáp ứng ứng đủ các điều kiện về thời gian làm việc ở doanh nghiệp cũng như những yêu cầu nhất định, có thể được kéo dài thời hạn cư trú đến 10 năm mà không phải về nước.
Viện Công Tố Hàn Quốc yêu cầu bắt giữ cựu tổng thống Park Geun-hye (RFI, 27/03/2017)
Hôm 27/03/2017, Viện Công Tố Hàn Quốc yêu cầu bắt giữ cựu tổng thống Park Geun-hye, vài ngày sau khi bà bị thẩm vấn trong vụ tai tiếng tham nhũng và hối mại quyền thế đã khiến bà bị mất chức.
Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tới Viện Công Tố tại Seoul, ngày 21/03/2017. REUTERS/Kim Hong-Ji
Trong một thông cáo công bố hôm nay, 27/03/2017, Viện Công Tố Hàn Quốc cho rằng Park Geun-hye đã lợi dụng những quyền hạn rất lớn cũng như quy chế tổng thống để nhận hối lộ từ các doanh nghiệp và đã để lộ những thông tin mật của Nhà nước.
Theo Viện Công Tố, họ đã thu thập được nhiều bằng chứng, nhưng cựu tổng thống Hàn Quốc vẫn bác bỏ các cáo buộc và có nguy cơ là các bằng chứng nói trên bị phá hủy, cho nên họ phải yêu cầu bắt giữ bà ngay. Hơn nữa, theo các nhà điều tra, bạn thân của bà Park Geun-hye là bà Choi Soon-sil cũng đã bị bắt rồi, không bắt giữ cựu tổng thống Hàn Quốc sẽ là điều trái với nguyên tắc công bằng.
Một tòa án ở Seoul vào thứ năm tới sẽ mở phiên tòa để quyết định có bắt giữ cựu tổng thống Hàn Quốc hay không. Quyết định sẽ được công bố ngay tối hôm đó hoặc sáng thứ sáu.
Theo hãng tin AFP, nếu toà án ở Seoul làm theo yêu cầu của Viện Công Tố Hàn Quốc, bà Park Geun-hye sẽ là cựu tổng thống thứ ba ở nước này bị bắt trong một vụ tham nhũng. Hai cựu tổng thống Chun Doo Hwan và Roh Tae-woo đã từng bị kết án tù vì tội tham nhũng vào thập niên 1990. Còn tổng thống Roh Moo-hyun, được bầu lên một cách dân chủ, thì đã tự sát vào năm 2009 trong lúc đang bị điều tra về tội tham nhũng.
Quốc Hội Hàn Quốc tháng 12 năm ngoái đã thông qua quyết định truất phế tổng thống Park Geun-hye và đầu tháng 3 vừa qua Tòa Bảo Hiến đã phê chuẩn quyết định này.
Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn vào ngày 09/05 tới. Hiện giờ, ông Moon Jae In, cựu lãnh đạo Đảng Dân Chủ, đảng đối lập chính, được xem là nhân vật có triển vọng đắc cử nhất.
Thanh Phương
***********************
Nam Hàn 'muốn bắt' cựu Tổng thống Park Geun-hye (BBC, 27/03/2017)
Các công tố viên Nam Hàn xin lệnh bắt cựu Tổng thống Park Geun-hye, vì vai trò của bà trong vụ bê bối tham nhũng.
Bà Park là lãnh đạo được bầu theo quy chế dân chủ đầu tiên ở Nam Hàn bị phế truất
Đầu tháng 3/2017, bà Park mất quyền miễn trừ truy tố và bị cách chức sau khi tòa án hiến pháp ủng hộ quyết định của Quốc hội luận tội bà.
Bà Park bị buộc tội về việc cho phép bạn thân Choi Soon-sil tống tiền các công ty lớn.
Bà Park phủ nhận các cáo buộc.
Cựu tổng thống xin lỗi công chúng vào tuần trước, trước khi bị thẩm vấn trong 14 giờ.
Thông cáo của các công tố viên hôm 27/3 cho biết : "Vụ này rất nghiêm trọng khi nghi phạm biểu lộ hành vi lạm quyền của tổng thống khi buộc các công ty phải quuyên tiền."
Các công tố viên cho rằng các bằng chứng như ổ cứng máy tính có thể bị tiêu hủy nếu như bà Park không bị bắt, phóng viên BBC Stephen Evans tại Seoul nói.
Bà Choi bị buộc tội hối lộ, tham nhũng và đã ra tòa.
Bà Choi (giữa) bị buộc tội hối lộ và tham nhũng.
Tại sao bà Park bị phế truất ?
Tâm điểm của vụ việc là tình bạn thân thiết giữa bà Park và bà Choi.
Bà Choi bị cáo buộc lạm dụng quan hệ thân thiết với tổng thống để gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải đóng góp hàng triệu đôla cho các quỹ phi lợi nhuận mà bà kiểm soát.
Người thừa kế tập đoàn điện tử Samsung, Lee Jae-yong, đã bị bắt giữ vì vai trò của ông ta trong scandal này.
Bà Park, 65 tuổi, bị cáo buộc cho phép bà Choi có quyền tiếp cận các văn bản chính thức của chính phủ.
Quốc hội bỏ phiếu luận tội bà Park hồi tháng 2016.
Ngày 10/3, Toà án Hiến pháp ra phán quyết rằng hành động của bà Park "làm suy yếu nghiêm trọng tinh thần dân chủ và pháp quyền".
Các thẩm phán cho biết bà đã phạm luật khi cho phép bà Choi can thiệp vào công việc chính phủ và vi phạm nguyên tắc bảo mật khi rò rỉ nhiều tài liệu.
Bà Park đã "che giấu hoàn toàn sự can thiệp của Choi và phủ nhận việc này mỗi khi có nghi ngờ và thậm chí còn chỉ trích những người nêu nghi vấn", phán quyết của tòa cho hay.