Thủ tướng Nhật công du Hàn Quốc
Trọng Thành, RFI, 02/05/2023
Thêm dấu hiệu cho thấy quan hệ Nhật – Hàn tiếp tục cải thiện. Thủ tướng Nhật thông báo sẽ có chuyến công du Hàn Quốc cuối tuần này. Bộ trưởng Tài Chính Nhật, Hàn cũng có buổi làm việc đầu tiên từ bảy năm nay.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) và thủ tướng Nhật Fumio Kishida bắt tay nhau sau cuộc họp báo chung tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/03/2023. AP - Kiyoshi Ota
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap hôm nay dẫn lại thông tin của truyền thông Nhật Bản, cho biết thủ tướng Nhật Fumio Kishida sẽ viếng thăm Hàn Quốc trong hai ngày 07 và 08/05/2023. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của một thủ tướng Nhật đến Hàn Quốc từ năm 2018.
Đang công du Ghana, hôm qua, thủ tướng Nhật cho biết thêm "việc chuẩn bị cuộc thượng đỉnh Nhật – Hàn này đang được xúc tiến".
Chuyến đi của thủ tướng Nhật diễn ra tiếp sau cuộc họp thượng đỉnh Hàn – Nhật hồi tháng 3/2023, tổ chức tại Tokyo. Tổng thống Yoon Suk Yeol là nguyên thủ Hàn Quốc đầu tiên có chuyến công du Nhật, kể từ 12 năm nay. Theo Yonhap, lãnh đạo hai bên đã cam kết nối lại "chính sách ngoại giao con thoi", tức tăng cường các chuyến viếng thăm song phương nhằm thúc đẩy quan hệ.
Đối thoại bộ trưởng tài chính : "Rủi ro địa-chính trị" là trọng tâm
Bên lề hội nghị thường niên của Hội đồng các thống đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tại Incheo, Hàn Quốc, bộ trưởng Tài Chính Nhật và Hàn Quốc đã gặp nhau hôm nay 02/05. Đây là cuộc gặp cấp bộ trưởng Tài Chính đầu tiên giữa hai nước từ 7 năm qua. Hai bên thảo luận về hợp tác song phương là nhằm tăng cường đối phó với "các rủi ro địa chính trị và sự bất ổn của chuỗi cung ứng", như phát biểu của bộ trưởng Tài Chính Hàn Quốc Choo Kyung Ho, được hãng tin Kyodo News dẫn lại.
Về hội nghị thường niên các thống đốc ADB tại Incheon, Hàn Quốc, trong 4 ngày, từ 02 đến 05/05, khoảng 5000 khách mời tham dự cuộc trực tiếp đầu tiên, kể từ đầu đại dịch Covid-19. Chủ đề của hội nghị là "Rebounding Asia : Recover, Reconnect, and Reform - Châu Á trỗi dậy : Phục hồi, tái nối kết và cải cách".
Trọng Thành
****************************
Nhật Bản, Hàn Quốc nối lại đối thoại kinh tế sau nhiều năm, vì các nguy cơ trên toàn cầu
Reuters, VOA, 02/05/2023
Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện cuộc họp cấp bộ trưởng tài chính lần đầu tiên sau 7 năm hôm thứ Ba 2/5 và nhất trí nối lại đối thoại thường xuyên vì căng thẳng trong khu vực nói chung và tăng trưởng chậm lại thúc đẩy họ tăng cường hợp tác và hàn gắn mối quan hệ căng thẳng.
Quốc kỳ Hàn Quốc và Nhật Bản
Việc nối lại cuộc thảo luận tài chính song phương diễn ra trước chuyến thăm dự kiến của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới Hàn Quốc vào hai ngày 6 và 7/5 để hội đàm với Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Cuộc họp cũng diễn ra cùng lúc các nhà hoạch định chính sách Châu Á tham gia cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong tuần này tại thành phố Incheon của Hàn Quốc và thảo luận về những thách thức kinh tế khu vực và các cách thức tăng cường các biện pháp giảm chấn để đối phó với cú sốc khác nhau.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp hôm 2/5, các nhà lãnh đạo tài chính Châu Á cảnh báo về những rủi ro đối với nền kinh tế khu vực và kêu gọi các nước cảnh giác trước những tác động lan tỏa tiềm tàng từ tình trạng bất ổn gần đây của lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và Châu Âu.
"Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước láng giềng quan trọng phải hợp tác để giải quyết nhiều thách thức xung quanh nền kinh tế toàn cầu, cũng như cộng đồng khu vực và quốc tế", Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki phát biểu tại cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Choo Kyung-ho.
"Về những thách thức địa chính trị, chúng ta đang trải qua những biến cố như Triều Tiên phát triển tên lửa hạt nhân và Nga xâm lược Ukraine. Nhật Bản coi những sự việc này là không thể chấp nhận được và là điều mà hai nước phải cùng nhau giải quyết", ông nói.
Bộ trưởng Choo nói rằng hai nước có thể tăng cường các mối quan hệ đối tác tư nhân và chính phủ trong các ngành công nghệ cao như chất bán dẫn và pin.
Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nối lại đối thoại tài chính thường xuyên, nhiều khả năng sẽ được tổ chức hàng năm, vào "thời điểm thích hợp", ông Suzuki nói với các phóng viên sau cuộc gặp song phương.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết ông Choo dự kiến sẽ tới Nhật Bản trong năm nay để gặp lại ông Suzuki.
Mối quan hệ giữa hai đồng minh vùng Bắc Á của Hoa Kỳ đã từng căng thẳng trong quá khứ vì những bất đồng bắt nguồn từ việc Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trong những năm 1910-1945.
Washington đã thúc ép cả hai nước giải quyết các bất đồng này để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên cũng như các thách thức khác trong khu vực.
(Reuters)
THAAD : Hàn Quốc khuất phục Trung Quốc sau đòn hiểm về kinh tế (RFI, 20/11/2017)
Dư luận báo chí trong trung tuần tháng 11/ 2017 này vẫn bị vòng công du Châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump thu hút, cùng với hai sự kiện trọng đại tập hợp hầu hết các lãnh đạo tầm cỡ vùng Châu Á-Thái Bình Dương đến Việt Nam dự thượng đỉnh APEC, rồi đến Philippines dự thượng đỉnh ASEAN. Trọng tâm chú ý là cuộc đọ sức – dĩ nhiên là ngấm ngầm – giữa hai thế lực chủ chốt trong vùng là Mỹ vàTrung Quốc, nhằm thúc đẩy quyền lợi của mình.
Lá chắn THAAD triển khai ở Seongju, Hàn Quốc. Ảnh 7/09/2017. Lee Jong-hyeon/News1 via Reuters
Kết thúc chuyến công du, tổng thống Mỹ đã hoan hỉ loan báo thắng lợi, nhưng trong mắt báo giới và một số chuyên gia, thì bên thắng cuộc có lẽ là Trung Quốc, đặc biệt trên một hồ sơ an ninh quan trọng đối với Bắc Kinh : Hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD mà Seoul cho Mỹ triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Về phía Mỹ, hôm 14/11 vừa qua, tổng thống Donald Trump đã hãnh diện loan báo tại Nhà Trắng về thành công trong chuyến đi Châu Á của ông, mà thước đo là con số hàng tỷ đô la hợp đồng mà phía Mỹ đã thu hoạch được, từ Nhật Bản cho đến Việt Nam, và nhất là từ Trung Quốc.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký mua hàng chục tỷ đô la vũ khí, tên lửa, tàu ngầm… của Mỹ, cam kết đầu tư cũng hàng chục tỷ đô la vào Hoa Kỳ, Việt Nam cũng loan báo thỏa thuận thương mại song phương 12 tỷ đô la. Riêng Trung Quốc cũng đã mở rộng hầu bao, với hơn 250 tỷ đô la cam kết thương mại và đầu tư được thông báo.
Trung Quốc : Thành công của sức ép kinh tế
Nhìn dưới góc độ kinh tế thương mại, thì chuyến đi của ông Trump là một thành công, nhưng trên các vấn đề an ninh then chốt vốn là mối quan tâm các quốc gia khu vực, thì có thể nói là Trung Quốc đã thành công trong việc gây sức ép trên nhiều đồng minh của Mỹ để bảo vệ, thậm chí thúc đẩy quyền lợi của mình.
Một ví dụ điển hình không được báo chí phương Tây chú ý nhiều là thắng lợi hoàn toàn của Bắc Kinh trong việc khuất phục Hàn Quốc trên hồ sơ lá chắn chống tên lửa THAAD mà Seoul đồng ý cho Washington triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với Bắc Triều Tiên, nhưng lại bị Bắc Kinh phản đối, cho là đe dọa đến an ninh Trung Quốc.
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, số ra ngày 18/11 đã không ngần ngại cho là "Trung Quốc đã thắng cuộc chiến chống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc mà không tốn một viên đạn".
Thắng lợi này được phản ánh qua việc Seoul đã đồng ý trên một thỏa thuận tự hạn chế mình về mặt quân sự gọi là "3 không", để đánh đổi lấy việc Bắc Kinh bãi bỏ trừng phạt kinh tế. Theo tờ báo Hồng Kông, Hàn Quốc như thế đã tạo ra một tiền lệ đáng ngại cho các đối thủ của Trung Quốc trong vùng.
Bài viết nhắc lại sự kiện chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có một cuộc gặp song phương bên lề Thượng Đỉnh APEC tại Đà Nẵng ngày 11/11. Nhân cuộc tiếp xúc này, hai nước đã đồng ý "bình thường hóa" các trao đổi song phương, qua đó chấm dứt hơn một năm căng thẳng nẩy sinh từ việc Seoul cho Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, mà các thiết bị ra đa, theo Bắc Kinh, có thể dọ thám Trung Quốc.
Để trả đũa, Trung Quốc đã dùng các đòn trừng phạt kinh tế, văn hóa rất đau đối với Hàn Quốc, bất chấp việc hai nước đã có hiệp định tự do thương mại.
"3 không" về quân sự
Để tháo gỡ gọng kềm kinh tế đang bóp nghẹt mình, Seoul đã chấp nhận nhượng bộ Bắc Kinh "3 không" về quân sự : Không triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Hàn Quốc, không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực của Mỹ, và không tham gia liên minh quân sự Hàn-Mỹ-Nhật.
Đối với tờ South China Morning Post, quyết định trên đây là một "sự hy sinh quá lớn", nhưng Tổng thống Moon không có nhiều chọn lựa cả trên bình diện kinh tế lẫn chính trị.
Về kinh tế thì sau 16 tháng áp dụng, các biện pháp trừng phạt đã làm cho tập đoàn xe hơi Hyundai bị giảm 64% doanh số ở Trung Quốc trong quý 2/2017 so với một năm trước đây, hay làm cho dây chuyền siêu thị Lotte, bị mất đến 95% doanh thu trong cùng một giai đoạn. Tại Hàn Quốc, ngành du lịch cũng bị tác động mạnh, bị thất thu 15, 6 tỷ đô la trong năm nay do việc bị du khách Trung Quốc tẩy chay
Còn về chính trị, tờ báo Hồng Kông trích lời chuyên gia Joseph E. Yi thuộc Đại Học Hanyang ở Seoul, nhận xét là ông Moon Jae-in xuất thân từ cánh tả một lực lượng chính trị chống Nhật rất mạnh ở Hàn Quốc, và cảm thấy gần gủi hơn với Trung Quốc. Họ vẫn giữ cái nhìn qua lăng kính lịch sử : Hàn Quốc và Trung Quốc là những nước trước đây chống lại ách thống trị của Nhật Bản, là nạn nhân của Nhật Bản, cho dù nước Nhật ngày nay không phải là nước Nhật của 60, 70 năm về trước và Trung Quốc cũng vậy. Đối với thành phần cánh tả này, "Nếu không nhượng bộ Trung Quốc thì chỉ còn cách bắt tay với Nhật Bản và đây không phải là lựa chọn của họ".
Chuyên gia Yi còn nêu thêm chi tiết là khi hội đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Moon Jae-in không những không thúc đẩy liên minh Nhật- Mỹ-Hàn, mà trái lại đã giới thiệu một phụ nữ bị Nhật bắt làm nô lệ tình dục thời Thế Chiến II, và đãi tổng thống Mỹ món tôm đánh bắt ở vùng đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp với Nhật Bản. Tokyo đã lên tiếng phản đối sau chuyến thăm Hàn Quốc của ông Trump.
Một bước nguy hiểm
Theo chuyên gia Yi, tổng thống Moon Jae-in quá chú trọng đến quá khứ và muốn thủ tướng Nhật Bản phải xin lỗi Hàn Quốc, và cách suy nghĩ đó sẽ định ra một đường lối không mấy lành mạnh.
Vấn đề theo vị chuyên gia Hàn Quốc, là thỏa thuận "3 không" tạo ra một tiền lệ không hay chút nào khi gắn vấn đề kinh tế vào chính trị và an ninh quốc gia. Hàn Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ như vậy nếu đối tượng là một quốc gia khác, như Việt Nam hay Nhật Bản, nhưng Seoul lại làm như thế là vì đó làTrung Quốc.
Và hệ quả kinh tế đã thấy ngay. Hai ngày sau thỏa thuận giữa ông Moon Jae-in và Tập Cận Bình, thì nữ diễn viên Hàn Quốc Jun Ji-hyun đã xuất hiện trong một video quảng cáo trên website mua sắm của Alibaba, cũng là chủ nhân của tờ South China Morning Post.
Về chính trị thì trong cuộc gặp ngày 11/11 tại Việt Nam, 2 lãnh đạo Trung Hàn đã đồng ý là ông Moon Jae-in sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 12, và ông Moon cũng mời ông Tập Cận Bình đến dự Thế Vận Hội Mùa Đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc.
Tất cả những sự kiện đã làm dấy lên thắc mắc, những câu hỏi về nỗ lực của Trung Quốc trong việc cô lập Nhật Bản và kềm chế Hàn Quốc trên bình diện quân sự.
Kinh tế : công cụ để khuất phục và bành trướng
Theo ông Donald K. Emmerson, giám đốc chương trình Đông Nam Á ở Stanford University, Đại Hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc có thể mang lại câu trả lời : quyền lực Tập Cận Bình vô cùng vững chắc. Và theo ông Emmerson, quyền lực đó cộng với những phương tiện kinh tế của Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh bành trướng, đúng như diễn văn khai mạc Đại Hội, kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ của ông Tập Cận Bình đã nêu lên : Trung Quốc đang bước vào một "thời kỳ mới" và bây giờ phải "chiếm vị trí trung tâm trên thế giới".
Và theo ông Emmerson, tham vọng của Trung Quốc chính là thống trị khu vực sát cạnh Trung Quốc, chẳng hạn như Biển Đông, phải nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, phải chấp hành luật lệ của Trung Quốc, tức là Bắc Kinh xem Biển Đông như "ao nhà" của mình.
Đòn trừng phạt kinh tế Hàn Quốc đã từng được Trung Quốc sử dụng với Philipppines thời cựu tổng thống Benigno Aquino, đã dám kiện Trung Quốc về Biển Đông. Khi ấy, Bắc Kinh đã trừng phạt kinh tế Manila, chận trái cây xuất khẩu của Philippines, một biện pháp tương tự như đòn đánh vào tập đoàn Lotte mới đây, đồng thời cũng chơi lá bài du khách.
Đối với chuyên gia này, phương thức của Trung Quốc là sử dụng quyền lực kinh tế gây hại cho đến khi nào mà đối thủ hành xử "đúng đắn" theo ý muốn của Trung Quốc mới thôi.
Mai Vân
*******************
Hàn Quốc từ chối chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật (RFI, 20/11/2017)
Bất chấp thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự ký kết với Nhật Bản năm 2016, Hàn Quốc đã hạn chế phạm vi chia sẻ thông tin : Seoul chỉ chia sẻ với Tokyo những tin liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Một tờ báo Nhật Bản loan tin như trên vào hôm qua 19/11/2017.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Hoa Kỳ Donald Trump (G) và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, gặp nhau bên lề G20, Hamburg, Đức, ngày 06/07/2017 - Reuters
Theo báo mạng Straits Times, báo Asahi Shimbun của Nhật Bản trích dẫn các nguồn tin quân sự ẩn danh, cho biết chính quyền của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã từ chối cung cấp cho Nhật Bản thông tin tình báo quân sự không liên quan tới các phân tích của họ về những đợt phóng tên lửa đạn đạo mới đây nhất của Bắc Triều Tiên. Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc từ chối bình luận về thông tin trên.
Năm 2016, Seoul và Tokyo đã ký một thỏa thuận về an ninh thông tin quân sự chung. Thỏa thuận này cho phép hai bên chia sẻ thông tin trực tiếp và thuận tiện mà không phải qua bên trung gian là Hoa Kỳ. Hiệp ước ban đầu được dự kiến ký kết vào năm 2012, nhưng đã bị trì hoãn do người dân Hàn Quốc quá căm thù Nhật Bản vì chế độ thuộc địa trong quá khứ.
Khi công bố thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự vào năm 2016, quân đội Hàn Quốc nhấn mạnh Tokyo và Seoul cần trao đổi thông tin trực tiếp và nhanh hơn nữa trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc khi đó cũng nhấn mạnh những lợi ích mà Seoul có được từ các thông tin tình báo quan trọng, quý giá của Tokyo, chẳng hạn thông tin về sáu tàu khu trục Aegis, công nghệ radar tiên tiến và thiết bị trinh sát chống tàu ngầm.
Trước đó, Seoul và Tokyo đã gián tiếp chia sẻ thông tin tình báo quân sự nhờ thỏa thuận chia sẻ thông tin ba bên do Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ ký vào năm 2014.
Liên quan đến Bắc Triều Tiên, cơ quan tình báo Hàn Quốc hôm nay 20/11/2017 dự báo từ năm 2018, Bình Nhưỡng có thể chế tạo hoàn chỉnh tên lửa liên lục địa ICBM có khả năng bắn tới tận sâu trong lãnh thổ Hoa Kỳ.
Thùy Dương
**********************
Tàu khu trục Mỹ va chạm với tàu kéo Nhật (RFI, 19/11/2017)
Trong khi đang tập trận ở ngoài khơi biển Nhật Bản, khu trục hạm USS Benfold của Mỹ hôm qua 18/11/2017 đã va chạm với một tàu kéo thương mại của Nhật.
Khu trục hạm USS Benfort bắn tên lửa BGM-109 Tomahawk trong một cuộc tập trận (@wikipedia.org)
Hạm đội 7 của Mỹ cho biết tàu khu trục USS Benfold đang diễn tập lai dắt tàu tại vịnh Sgami thì bị một tàu kéo của Nhật va phải. Hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục USS Benfold chỉ bị hư hỏng nhẹ. Theo một thông cáo của hạm đội 7, "trên cả hai tàu, không ai bị thương. Tàu Benfold chỉ bị hư hỏng nhẹ, trong đó có vài vết bong tróc ở mạn tàu. Chúng tôi đang tiến hành đánh giá đầy đủ về các thiệt hại".
Theo lực lượng tuần duyên của Nhật, con tàu kéo thương mại của nước này bị chệch hướng vì một sợi dây thừng mắc vào chân vịt. AFP cho biết sau vụ va chạm, con tàu kéo đã được lai dắt về cảng Yokosuka.
Sự cố trên diễn ra trong bối cảnh đợt tập trận chung phối hợp không quân và hải quân giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đang diễn ra gần đảo Okinawa, miền tây nam nước Nhật và dự kiến kéo dài tới ngày 26/11/2017.
Trong thời gian qua, nhiều tàu chiến của hạm đội 7 của Mỹ đã gặp sự cố va chạm ở Châu Á, thậm chí gây thiệt mạng cho nhiều người.
Thùy Dương
******************
Đa số dân Nhật Bản ủng hộ gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng (RFI, 20/11/2017)
Một cuộc thăm dò được công bố hôm thứ Sáu 17/11/2017 cho thấy đa số người dân Nhật Bản ủng hộ chính phủ chọn giải pháp tiếp tục gây sức ép chống lại lãnh đạo Bắc Triều Tiên hơn là đối thoại.
Truyền hình Hàn Quốc phát hình ảnh tên lửa Bắc Triều Tiên bay ngang không phận Nhật Bản ngày 15/09/2017. Reuters/Kim Hong-ji
Theo bản tin của Japan Times ngày 18/11/2017, gần 54% số người được hỏi ủng hộ Nhật Bản và Hoa Kỳ có những biện pháp cứng rắn với Bắc Triều Tiên, so với tỷ lệ 39,4% chọn đàm phán là giải pháp tốt nhất.
Khi được hỏi về việc tổng thống Donald Trump tuyên bố không loại trừ khả năng dùng sức mạnh quân sự để chống chế độ Bình Nhưỡng, 52,8% người được hỏi tỏ ra lo âu và 15,4% nói rất lo lắng so với tỷ lệ 21,1% ủng hộ và 5,6% rất ủng hộ ý kiến này. Thăm dò được thực hiện ở 2 000 người trên khắp nước Nhật trong vòng 4 ngày, bắt đầu từ hôm thứ Hai 13/11.
Kết quả này cho thấy đồng thuận giữa thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc gia tăng tối đa sức ép lên Bắc Triều Tiên liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này đã đạt được sự đồng tình của công luận Nhật Bản.
RFI tiếng Việt