Trong khi nhiều người Việt ủng hộ đấu tranh cho tự do, quyền tự quyết của người dân Hồng Kông, thì vẫn có không ít người Việt lên án việc biểu tình.
Một nhà báo trong nước viết : "Mình có cảm giác, Hồng Kông như một đứa trẻ mới lớn, luôn tìm cách "phản kháng" lại bố mẹ, người có nhiều năm áp đặt suy nghĩ, ý chí lên mình, họ phản kháng chỉ để phản kháng mà ko biết sau cái phản kháng ấy là gì".
Anh từng là đồng nghiệp, chung tòa soạn. Và đã khuyên hắn, không nên đấu tranh, lên án chế độ và chờ chính quyền thay đổi.
Người dân Hong Kong "không may mắn" như người Việt nên mới đi biểu tình ?
Trở lại câu chuyện với người biểu tình Hồng Kông, theo nhà báo này : "Dự luật dẫn độ đã được rút lại, dân Hồng Kông không còn lý do để biểu tình. Và anh không thấy người biểu tình đưa ra một do nào để tiếp tục việc xuống đường chống lại chính quyền đặc khu và chính quyền Trung Quốc".
Đúng sự việc bạn đầu xuất phát từ việc người dân yêu cầu chính quyền rút lại dự luật dẫn độ. Chính quyền ngoan cố không thực hiện. Nhưng trước sức ép của hàng triệu người trên đường phố, chính quyền dùng từ ngữ đầy tính chiêu bài. Phải đến lần thứ ba chính quyền đặc khu Hồng Kông mới chính thức tuyên bố bằng từ ngữ hành chính rút dự luật này và bãi bỏ nó.
Tuy nhiên, chính quyền đặc khu chỉ mới thực hiện một và bốn yêu cầu của người dân Hồng Kông vẫn đưa được đáp ứng, gồm : Bà trưởng đặc khu Carrie Lam phải từ chức, không khởi tố những người bị cảnh sát bắt trong các cuộc biểu tình, điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát dùng vũ lực quá mức, và người dân Hồng Kông có thể được tự quyết trong việc bầu nghị viên và trưởng đặc khu.
Với một người làm báo, siêng đọc và có khả năng ngoại ngữ, anh dễ dàng nắm bắt được điều này. Tuy nhiên anh cố tình lấp liếm để lên án việc biểu tình, ủng hộ sự cai trị độc đoán của cộng sản.
Các yêu cầu trên là đòi hỏi chính đáng của người dân Hồng Kông theo luật cơ bản (như hiến pháp). Bởi chính quyền Bắc Kinh bỏ qua luật cơ bản để áp đặt con người, chính sách theo ý đồ Bắc Kinh. Không như thỏa thuận trao trả vào năm 1997, người Hồng Kông được hưởng quyền tự trị đến 2047. Những điều mà họ đã được hưởng, thấm nhuần trong hơn 100 năm dưới thời thuộc về Anh quốc.
Thực tế những năm qua chính quyền trung ương Bắc kinh đã rất thô bạo trong việc áp đặt ý đồ của mình tại Hồng Kông từ việc bầu cử đến áp đặt giáo dục của cộng sản Trung Quốc và bắt người tùy tiện...
Nhà báo này mỉa mai : "Tại sao phải cầu nguyện, phải đứng bên người dân Hồng Kông". Và anh cũng không thấy tầm nhìn của người dân Hồng Kông.
Dân Việt ủng hộ người dân Hồng Kông, thực tế ủng hộ việc đấu tranh cho tự do, dân chủ. Điều mà người Việt khát khao mà chưa thể thực hiện được. Ủng hộ Hồng Kông một cách nào đó cũng để nói lên ước muốn của chính mình. Qua đó, lên án sự hung hăng, thô bạo của Trung Quốc và chế độ cộng sản.
Tuy nhiên đâu phải người Việt Nam nào cũng ý thức được về tự do, dân chủ dù họ có học hành, địa vị trong xã hội.
Một người bạn làm cho hãng bảo hiểm Prudential, tại Sài Gòn chia sẻ. Vài phút sau khi anh đổi frame ảnh đại diện để ủng hộ người dân Hồng Kông sếp anh đặt nghi vấn "là Việt Tân à ?".
Trước phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông đang hồi thót tim trong vòng vây cảnh sát tại đại học bách khoa, một người phụ nữ xinh đẹp tại Hà Nội có tên Dương Quỳnh Tâm nhận định : "Việt Nam đang rất hạnh phúc". Vì, "Được sống trong bầu không khí tự do. Ăn sáng với giá vài đô la. Ly cà phê vài chục ngàn, đánh giày chỉ hết 10 ngàn. Được sống trong một đất nước gạo, rau, nông sản bạt ngàn giá rẻ. Được vào Google, Youtube, Facebook chém gió. Có tiền được đi nghỉ dưỡng và hưởng dịch vụ bật nhất chẳng kém cạnh thế giới". Với cô Tâm, Việt Nam là "quốc gia may mắn". Theo tháp nhu cầu Maslow, đây là nhu cầu cơ bản, thấp nhất của một con người.
Điều đáng buồn nhận thức, nhu cầu như anh sếp ở Prudential, cô Tâm không phải ít. Đây là sự thành công của cách giáo dục ngu dân mà cộng sản đã áp đặt lên dân Việt. Thiếu hiểu biết sẽ hạn chế sự phản kháng, dễ dàng cho sự lừa dối cai trị.
Võ Ngọc Ánh
(22/11/2019)
Biển Đông : Trung Quốc nhắc lại lập trường phủ nhận phán quyết quốc tế (RFI, 10/08/2019)
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa ngày 09/08/2019 như đã giáng cho tổng thống Philippines Duterte một cái tát khi tái khẳng định Bắc Kinh sẽ duy trì lập trường phủ nhận phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016.
Người Philippines biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila ngày 13/07/2019 để phản đối Bắc Kinh lấn chiếm biển đảo của Philippines - Ted ALJIBE / AFP
Tuyên bố trên được đưa ra vào lúc tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẽ đề cập với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về phán quyết này nhân chuyến công du Trung Quốc vào cuối tháng này.
Theo trang mạng báo Philippines Inquirer, phát biểu với một số nhà báo bên lề một sự kiện tại Philippines, đại sứ Trung Quốc tại Manila xác định rằng cho dù tổng thống Philippines có muốn đề cập đến phán quyết quốc tế về Biển Đông năm 2016 nhân chuyến công du Trung sắp tới đây, lập trường của Bắc Kinh vẫn không thay đổi.
Trung Quốc đã phủ nhận giá trị của phán quyết trọng tài ngay từ khi Philippines nộp đơn kiện, và đến khi kết quả phán quyết được công bố, Bắc Kinh tiếp tục nói rõ rằng lập trường không chấp nhận và không công nhận văn kiện này. Đối với ông Triệu Giám Hoa, lập trường đó "sẽ không thay đổi".
Đại sứ Trung Quốc còn khuyên tổng thống Philippines là không nên để Biển Đông tác động đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước dưới thời ông Duterte.
Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye là một thắng lợi pháp lý đối với Manila vì đã bác bỏ tính chất hợp pháp của "đường chín đoạn" mà Trung Quốc vẽ ra để áp đặt chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Phán quyết này đã lập tức bị Trung Quốc tuyên bố không công nhận, và Bắc Kinh vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm áp đặt các yêu sách của nước này.
Cho dù phán quyết là một thắng lợi của Manila trên Bắc Kinh, nhưng khi lên làm tổng thống, ông Duterte nhiều lần từ chối viện dẫn thắng lợi pháp lý nói trên để chạy theo vốn đầu tư Trung Quốc.
Dưới sức ép của công luận Philippines, mới đây ông Duterte cho biết là sẽ nêu lên phán quyết này với ông Tập Cận Bình nhân chuyến công du Trung Quốc vào cuối tháng Tám này.
Trọng Nghĩa
******************
Hồng Kông : Biểu tình tiếp diễn, các gia đình cũng nhập cuộc (RFI, 10/08/2019)
Hồng Kông lại bước vào một ngày cuối tuần sôi động mới vào hôm nay, 10/08/2019, với ít nhất 5 cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ở nhiều nơi trong thành phố, trong đó của cuộc biểu tình ngồi tại phi trường quốc tế đã khởi sự từ hôm qua. Một yếu tố mới được ghi nhận là ngay cả các hộ gia đình bình thường cũng nhập cuộc, với một cuộc xuống đường huy động được hàng trăm gia đình.
Các gia đình tham gia cuộc tuần hành tại quảng trường Edinburg Hồng Kông ngày 10/08/2019. Reuters/Issei Kato
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, ngay từ sáng nay, hàng trăm người biểu tình đòi dân chủ đã trở lại sân bay quốc tế Hồng Kông, chiếm lĩnh khu vực đón khách, một số ngồi bệt xuống sàn vẽ những áp phích phản đối, một số khác thì chào hỏi khách đến một cách hết sức lịch sử.
Hoạt động đấu tranh này đã tiếp nối buổi tọa kháng (hay biểu tình ngồi) vào hôm qua cũng tại nơi này, quy tụ được khoảng 1.000 nhà hoạt động. Cuộc biểu tình đó đã diễn ra một cách êm thắm, không một chuyến bay nào bị gián đoạn.
Điểm được đặc biệt chú ý vào hôm nay là hai cuộc biểu tình tuần hành riêng rẽ gần khu thương mại của trung tâm tài chính Hồng Kông, của một nhóm nhỏ người già, được mệnh danh là cuộc tuần hành của những người "đầu bạc", và một đoàn biểu tình khác của hàng trăm hộ gia đình Hồng Kông nhằm ủng hộ phong trào đấu tranh đòi dân chủ. Cả hai cuộc tuần hành đều diễn ra yên ổn.
Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc tuần hành của các hộ gia đình diễn ra trong một không khí vui tươi, với các em bé trong xe nôi, các em nhỏ cầm bong bóng bay… Không khí thân thiện của cuộc tuần hành này trái ngược với vụ xô xát ngày càng dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát trong những ngày qua.
Thân thiện những không có nghĩa là không kiên quyết. Trên một tờ truyền đơn nhiều màu được phân phát trong hàng ngũ các gia đình đang biểu tình, có một bảng chữ cái giải thích phong trào phản kháng một cách vui tươi, nhẹ nhàng. Ở vần A chẳng hạn, là từ Angry, tiếng Anh nghĩa là "tức giận", ở vần D là từ Demonstration tức là "biểu tình", hay ở vần P là từ Protestation, nghĩa là "phản kháng".
Một phụ nữ đẩy xe nôi, bên trong có một em bé ba tuổi khẳng định : "Chúng tôi cần giải thích cho các em nhỏ về tình hình hiện tại ở Hồng Kông và dạy cho chúng biết là một xã hội tốt sẽ như thế nào". Đối với phụ nữ này "Tương lai thuộc về trẻ em, tương lai Hồng Kông thuộc về các em, chúng tôi đang đấu tranh cho các quyền mà trên nguyên tắc các trẻ em phải được hưởng".
Theo ghi nhận của đặc phái viên RFI Christophe Paget tại Hồng Kông, vào hôm nay có đến năm cuộc tuần hành được những người biểu tình dự trù ở Hồng Kông, tất cả đều bị cấm, và cảnh sát đã sẵn sàng đối phó :
Ít nhất năm cuộc tuần hành được lên kế hoạch tại Hồng Kông vào cuối tuần, tất cả đều bị cấm. Đối với một sự kiện, những người biểu tình được phép tập hợp trong một công viên nhưng không được di chuyển.
Cảnh sát cũng chuẩn bị đối phó : Trên các mạng xã hội được người biểu tình sử dụng, có ảnh chụp một đồn cảnh sát mà mặt tiền được phủ một tấm lưới lớn để chống lại mọi thứ do người biểu tình ném vào.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga vào hôm qua đã lên tiếng cho biết bà sẽ loại trừ mọi nhượng bộ trước "những người biểu tình là thủ phạm của các hành vi bạo lực". Hôm thứ năm, bà đã mời một lãnh đạo cảnh sát đã nghỉ hưu ra làm việc trở lại. Đó là người đã xử lý thành công phong trào Dù Vàng năm 2014.
Người biểu tình Hồng Kông sẽ được thấy là liệu cảnh sát bị họ cáo buộc dùng bạo lực quá đáng có sẽ thay đổi thái độ với lãnh đạo mới này hay không.
Về phần Trung Quốc, chế độ Bắc Kinh vẫn có dấu hiệu hỗ trợ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Bắc Kinh đã yêu cầu hãng hàng không Hồng Kông Cathay Pacific cấm bay qua Trung Quốc các nhân viên của hãng đã đình công hôm thứ Hai đầu tuần.
Đối với người biểu tình, họ đã hiểu được là với sân bay Hồng Kông, họ có một cái loa rất tốt để đưa tiếng nói của họ ra quốc tế : Kể từ hôm qua, một phần trong những người biểu tình đã bắt đầu ba ngày vận động tại sân bay để thông báo cho khách nước ngoài về tình hình ở đặc khu hành chính Trung Quốc mà họ đang đến thăm.
Trọng Nghĩa
*****************
Bắc Triều Tiên : Hai tháng, 5 lần thử tên lửa (RFI, 10/08/2019)
Trùng hợp ngẫu nhiên ? Trong khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ vừa công du Seoul và Mỹ-Hàn đang tập trận chung, Bắc Triều Tiên phóng thử tên lửa lần thứ năm vào sáng sớm 10/08/2019.
Hình ảnh Bắc Triều Tiên thử tên lửa do hãng tin KCNA cung cấp ngày 07/08/2019. KCNA via Reuters
Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), được Yonhap trích dẫn, hai tên lửa tầm ngắn đã được phóng đi từ thành phố Hamhung (đông bắc Bắc Triều Tiên), bay khoảng 400 km ở độ cao tối đa 48 km, sau đó rơi xuống biển Nhật Bản.
Trong một thông cáo, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho rằng có nhiều khả năng Bình Nhưỡng tiếp tục răn đe quân đội Mỹ - Hàn tập trận chung từ ngày 05/08, dù chỉ tập trung vào các tình huống giả định trên máy tính. Phía Hàn Quốc cho biết "vẫn theo dõi sát sao tình hình" và "sẵn sàng" trong tình trạng khẩn cấp.
Khi được AFP liên lạc, Nhà Trắng không đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ thử tên lửa lần thứ năm, mà chỉ cho biết "trao đổi chặt chẽ với hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc".
Hai tên lửa tầm ngắn được bắn sáng 10/08 là vụ thử thứ năm của Bắc Triều Tiên kể từ ngày 25/07. Vụ thử lần này cũng chỉ diễn ra vài giờ sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nhận được "một bức thư tuyệt vời dài ba trang" của ông kim Jong Un hôm 08/08, trong thư lãnh đạo Bắc Triều Tiên giải thích lý do thử tên lửa.
Trước báo giới ngày 09/08, tổng thống Mỹ tỏ ra hiểu tâm trạng "bất bình về các cuộc tập trận" Mỹ-Hàn của chủ tịch Kim Jong-un. Ông khẳng định "cũng chưa bao giờ thích" vì "không muốn trả tiền" cho các cuộc tập trận chung đó.
Các cuộc thảo luận với Bình Nhưỡng về giải trừ hạt nhân vẫn rơi vào ngõ cụt, dù vào tháng 06/2019, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nhanh chóng nối lại đàm phán. Tổng thống Donald Trump cho biết đã nghĩ đến việc gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên lần thứ tư.
Thu Hằng
******************
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ - Hàn thảo luận về an ninh khu vực (RFI, 09/08/2019)
Ngày 09/08/2019, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đến Seoul trong khuôn khổ chuyến công du Châu Á. Tại đây, ông có cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo để bàn về tình hình an ninh trong khu vực.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper (T) và đồng nhiệm Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo trong cuộc họp tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 09/08/2019. Reuters/Chung Sung-Jun
Cuộc họp giữa ông Jeong và Esper diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang yêu cầu Hàn Quốc phải chia sẻ một phần chi phí duy trì quân đội Mỹ tại bán đảo Triều Tiên.
Hai bên dự định thảo luận về tình hình an ninh tại bán đảo Triều Tiên, tìm biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời thảo luận về khả năng chuyển giao Quyền chỉ huy tác chiến (OPCON) cho Seoul.
Hai quốc gia đồng minh vừa bắt đầu tập trận chung mùa hè vào ngày 05/08. Đây được coi như một bài kiểm tra đối với năng lực quân sự của Hàn Quốc trong tiến trình chuyển giao OPCON.
Cuộc họp cũng diễn ra trong thời điểm Bắc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa tầm ngắn trong thời gian gần đây nhằm cảnh cáo Mỹ và Hàn Quốc về các cuộc tập trận chung giữa hai nước.
Một trong những điểm đáng chú ý khác của cuộc họp giữa hai bộ trưởng quốc phòng là liệu ông Esper có chính thức đề nghị Hàn Quốc tham gia vào liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu dự kiến sẽ tuần tra eo biển Ormuz gần Iran. Ông Esper cũng có thể đề nghị lắp đặt tên lửa tầm trung tại Hàn Quốc sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước tên lửa tầm trung (INF) ký với Nga.
RFI tiếng Việt