Tuyên bố chung của Ngoại trưởng ASEAN nhắc đến 'sự cố nghiêm trọng' ở Biển Đông (BBC, 01/08/2019)
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 tại Thái Lan vừa công bố bản tuyên bố chung dài 23 trang tối hôm 31/7.
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh trong cuộc họp giữa ASEAN-Nhật Bản khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 ở Bangkok, Thái Lan.
Trước đó, căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông giữa Việt Nam và một số nước Á Châu với Trung Quốc được cho là sẽ ''phủ bóng'' lên các cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Bangkok.
Sự 'phủ bóng' này, nếu có, không được thể hiện qua bản tuyên bố chung vừa được công bố.
Giống năm ngoái, vấn đề xung đột Biển Đông được đề cập đến qua hai đoạn ngắn trong hai trang cuối của tuyên bố :
"Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó một số Bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, đã làm xói mòn lòng tin và niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường niềm tin và sự tự tin lẫn nhau, tự kiềm chế trong các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982".
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự lực trong việc thực hiện mọi hoạt động của các bên yêu sách và tất cả các quốc gia khác, bao gồm cả những điều được đề cập trong COC có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông".
Hai đoạn nói về xung đột Biển Đông này chứa đựng những câu văn gần giống hệt như tuyên bố chung của năm ngoái.
Khác biệt duy nhất là tuyên bố năm nay có thêm hai cụm từ ''sự cố nghiêm trọng'' và ''một số Bộ trưởng''.
Trong một bài viết, Reuters bình luận là cụm từ ''sự cố nghiêm trọng'' cho thấy ngôn ngữ của ASEAN đã ''mạnh'' hơn so với tuyên bố chung sau cuộc họp năm ngoái, chỉ ra là ''mức độ căng thẳng trong khu vực đã tăng lên''.
Tuy nhiên, đọc bản tuyên bố không ai có thể hiểu được Bộ trưởng của những nước nào là người đã nêu lên những sự cố nghiêm trọng này.
Và tóm lại những ai kỳ vọng ASEAN có một thái độ dứt khoát rõ ràng hơn về xung đột Biển Đông có lẽ không khỏi thất vọng.
'Không lên án Trung Quốc'
Trả lời BBC sáng 1/8, giảng viên ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu luật Quốc tế Hoàng Việt nói bản tuyên bố chung "chỉ có một đoạn rất ngắn về Biển Đông, nói chung chung và không lên án hành động của Trung Quốc".
"[Bản tuyên bố chung] phản ánh một điều rất rõ là phía Việt Nam đã rất tích cực và cố gắng đưa vấn đề Biển Đông vào thông báo này, nhưng nó chỉ có một tác dụng vừa phải", ông Việt nói.
"Bản tuyên bố chung chỉ nêu danh Trung Quốc về việc hợp tác về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhưng không lên án những hành động của TQ ở Biển Đông. Chỉ nói là 'một vài bộ trưởng' chứ không nói bộ trưởng nước nào chỉ đích danh là Trung Quốc là người gây ra những căng thẳng gần đây ở Biển Đông".
Bản tuyên bố chung cũng cho thấy là ASEAN vẫn "còn những căn bệnh cũ của nó" qua việc Campuchia, ngăn cản rất nhiều việc lên án Trung Quốc, ông Việt nói.
"Mọi quốc gia đều có những toan tính của riêng mình. Việt Nam phải có biện pháp đối ngoại hợp lý hơn".
Cũng theo Reuters, các nhà nghiên cứu và phân tích nói rằng cuộc đụng độ mới nhất giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam có thể mang lại cho Hoa Kỳ một động lực mới để gây áp lực với Trung Quốc.
Nhưng họ nói rằng Trung Quốc sẽ không làm căng thẳng tình hình nhất là trong bối cảnh diễn ra cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Jay Batongbacal, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Philippines, nói sự căng thẳng đang diễn ra giữa Trung Quốc và Việt Nam cho Hoa Kỳ một "mỏ neo" trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về Biển Đông.
"Những gì Trung Quốc lo ngại là Hoa Kỳ sẽ cố gắng kêu gọi hỗ trợ quốc tế trong việc chống lại các hoạt động của Trung Quốc", ông nói.
Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam (CG 54) được trình chiếu ở Biển Đông, hồi tháng 3/2016
Bước tiếp theo là gì ?
Ông Hoàng Việt, "Việt Nam cần phải làm nhiều thứ, vì đương nhiên, Việt Nam ở thế khó, tiềm lực vừa phải, không mạnh như Trung Quốc".
Thứ nhất, Việt Nam cần phải thúc đẩy các mối quan hệ và cần sự lên tiếng của những cường quốc như Liên minh Châu âu, Nhật Bản, Canada và Úc.
Thứ hai, là Việt Nam cần có những chính sách nâng cao tiềm lực của mình, giành được những lợi thế trong thực địa, như việc nâng cấp, phát triển các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư… và tăng cường sự xuất hiện của các tàu thương mại, tàu của ngư dân để thể hiện chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam cần có các biện pháp đối ngoại hợp lý hơn. Với Lào, Campuchia, Việt Nam luôn coi như là anh em sẽ luôn giúp đỡ nhau. Nhưng ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng giảm sút so với Trung Quốc.
"Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam có vẻ đã rất nỗ lực trong Hội nghị Ngoại trưởng và cho thấy trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực về vấn đề này", ông nói.
Trung Quốc nói gì ?
Cũng trong hôm thứ Tư, 31/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng có phát biểu về Biển Đông nói các nước bên ngoài không nên "gây mất lòng tin" về Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN
"Các quốc gia ngoài khu vực không nên cố tình khuếch đại những khác biệt hoặc tranh chấp còn tồn đọng từ quá khứ", và "Các quốc gia ngoài khu vực cũng không nên sử dụng những khác biệt này để gây mất lòng tin giữa Trung Quốc và các nước ASEAN", ông Vương nói.
Tuần trước Hoa Kỳ đã chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ảnh hưởng hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông, bao gồm cả những bình luận từ Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo.
Bắc Kinh gọi đó là những lời "vu khống".
Ông Vương dự kiến sẽ gặp ông Pompeo vào thứ Năm.
"Tôi hy vọng rằng cả hai bên đều có thể nói chuyện một cách thẳng thắn và mang tính xây dựng", ông Vương nói khi trả lời câu hỏi liên quan đến Hoa Kỳ.
******************
Biển Đông : Hành vi hung hăng của Trung Quốc sẽ bị nêu lên tại ARF ? (RFI, 01/08/2019)
Việc Trung Quốc cho tàu khảo sát tiến vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, đồng thời cho tàu hải cảnh quấy rối công cuộc khai thác dầu khí của Việt Nam, được giới quan sát cho là sẽ được nêu lên nhân Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum-ARF), với cuộc họp thường niên cấp ngoại trưởng mở ra ngày 02/08/2019.
Bãi Tư ChíCette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
Tại diễn đàn này, chắc chắn Việt Nam sẽ lại tố cáo Trung Quốc, như đã làm tại Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hôm 31/07 vừa qua, và trước đó thông qua những tuyên bố liên tiếp của bộ Ngoại Giao Việt Nam, kêu gọi đích danh Trung Quốc là phải rút tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Nếu ở Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, tiếng nói của Việt Nam tương đối lẻ loi do thái độ không muốn đụng chạm Trung Quốc của nhiều nước Đông Nam Á, thì tại Diễn đàn An Ninh ARF, tình hình sẽ khác.
Việt Nam trước hết có thể có hậu thuẫn của Mỹ, một thành viên ARF. Ngay khi thông tin về vụ Bãi Tư Chính được tiết lộ, Hoa Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng đả kích Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Và không chỉ có chính quyền Mỹ, mà từ Hạ Viện cho đến Thượng Viện Hoa Kỳ, các tiếng nói bênh vực Việt Nam, phê phán Trung Quốc cũng vang lên. Thậm chí, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ còn không ngần ngại tuyên bố "sát cánh" cùng Việt Nam.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, Việt Nam dường như cũng có sự hỗ trợ ngầm từ Nga. Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Rosneft hiện đang khai thác một lô dầu khí ngay trong vùng biển mà Trung Quốc nói là thuộc chủ quyền của họ. Trang tin Nga Sputnik tại Việt Nam từng tiết lộ rằng sau khi có tin về vụ Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính, chính tổng thống Nga Putin đã gởi một thông điệp cá nhân để cảm ơn chi nhánh Rosneft tại Việt Nam về việc phát triển lô dầu khí.
Nga cũng là một trong 27 nước có mặt tại Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN ở Bangkok.
Ngoài Việt Nam, tại Diễn đàn ARF, còn có một số nước khác cũng là nạn nhân của những vụ lộng hành của tàu hải cảnh và tàu dân quân Trung Quốc, do đó sẽ ủng hộ Việt Nam.
Malaysia chẳng hạn, mới đây đã lại thấy công việc khai thác dầu khí của mình tại vùng bãi cạn Luconia Shoals bị tàu hải cảnh Trung Quốc cản trở.
Ngày 31/07/2019, đến lượt Philippines tiết lộ việc gởi công hàm phản đối vụ cả trăm tàu đánh cá Trung Quốc bao vây đảo Thị Tứ mà Manila kiểm soát tại Trường Sa. Gọi là tàu cá, nhưng nhiều nhà quan sát gọi đấy là tàu dân quân trá hình.
Trước đó, hôm 29/07, bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận rằng năm tàu chiến Trung Quốc đã đi qua vùng lãnh hải 12 hải lý của Manila trong tháng, mà không thông báo cho chính phủ. Theo ông, đó một hành vi "thiếu tôn trọng những thủ tục hoặc phép lịch sự thông thường".
Công luận Philippines cũng đã hết sức bất bình sau vụ một một chiếc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines tại vùng Bãi Cỏ Rong rồi tháo chạy, bỏ mặc hàng chục ngư dân Philippines mà không cứu vớt.
Nhật Bản, thường xuyên bị tàu Trung Quốc sách nhiễu ở Biển Hoa Đông, hay là Ấn Độ, Úc… được cho là cũng bất bình với hành vi coi thường luật lệ quốc tế trên biển của Trung Quốc.
Chưa biết là các vấn đề liên quan đến các nước kể trên có được nêu lên nhân cuộc họp ARF hay không, nhưng nếu Việt Nam hay là Mỹ đề cập đến vụ Bãi Tư Chính, khả năng phản ứng đồng tình của các nước này rất cao, và Trung Quốc khó tránh khỏi bị chỉ trích, trực tiếp hay gián tiếp.
Về phần Việt Nam, theo Reuters, đối sách chống Trung Quốc của Việt Nam trong vụ Bãi Tư Chính là quốc tế hóa vấn đề, và đó là điều Việt Nam đã làm. Đây được coi là một thay đổi đáng chú ý vì cho đến nay, Việt Nam thường tránh vỗ mặt Bắc Kinh, vốn chủ trương giải quyết tranh chấp bằng con đường song phương để dễ bắt nạt nước đối thoại với họ.
Trọng Nghĩa
***************
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam công khai lên án Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam (RFA, 01/08/2019)
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 31/7 đã lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 1/8.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ở hội nghị ASEAN và Nhật tại Bangkok, Thái Lan hôm 1/8/2019 AFP
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam công khai lên án Trung Quốc về những căng thẳng giữa hai nước ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc điều tàu vào vùng biển Việt Nam từ hồi giữa tháng 6.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Bangkok, Thái Lan, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp với hành động đơn phương quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 cùng các tàu Hải cảnh Trung Quốc và dân binh đã xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Ông Phạm Bình Minh gọi đây là những hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, vi phạm tuyên bố chung về ứng xử tại Biển Đông (DOC), đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán một bộ quy tắc về ứng xử (COC).
Cũng trong ngày 31/7, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố chung, nêu quan ngại về tình hình Biển Đông với những sự việc nghiêm trọng. Tuy nhiên tuyên bố chung của ASEAN đã tránh nhắc đến tên Trung Quốc.
Phát biểu tai hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tại Bangkok vào cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc nói rằng tình hình Biển Đông vẫn tiến triển. Ông Vương Nghị cũng nhận định dù có lúc sẽ có những bất hòa nhưng nhìn chung ASEAN và Trung Quốc vẫn có đồng thuận cao.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng đồng thời cảnh báo các cường quốc bên ngoài đừng gây mất lòng tin và khuấy động những tranh chấp ở vùng Biển Đông, ý muốn nói đến Hoa Kỳ.
******************
Việt Nam lên án Trung Quốc ‘vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền’ tại hội nghị AMM-52 (VOA, 01/08/2019)
Phó Thủ tướng Việt Nam tố cáo Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, và cáo buộc nước này tiến hành thăm dò dầu khí bất hợp pháp trong vùng biển tranh chấp, cổng thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết hôm 1/8.
Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ hai, từ trái sang) tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 31/7/2019.
Theo nguồn tin này, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong cuộc họp kín với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (ASEAN Foreign Ministers' Meeting-AMM-52) ở Bangkok vào chiều 31/7, đã đả kích Bắc Kinh vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tại cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc, ông Phạm Bình Minh, trong bài phát biểu của mình với Bộ trưởng Ngoại giáo Trung Quốc Vương Nghị, đã bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về hoạt động khảo sát của tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hộ tống kể từ đầu tháng 7 tới nay ở khu vực Bãi Tư Chính, tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc trên Biển Đông.
"Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC", cổng thông tin chính phủ dẫn lời Phó Thủ tướng Việt Nam nói.
Ông Phạm Bình Minh cũng lặp lại lập trường chung của ASEAN về tầm quan trọng của việc tăng cường lòng tin, không quân sự hoá, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình trong khu vực và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc COC.
Trong những tuần lễ gần đây, Việt Nam nhiều lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút tàu thăm dò ra khỏi khu vực biển tranh chấp.
Diễn tiến căng thẳng ở Biển Đông dự kiến sẽ tiếp tục là trọng tâm của phần lớn các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ kết thúc vào cuối tuần này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng có mặt tại thủ đô Thái Lan hôm 1/8 để gặp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Ngoại trưởng Mỹ tới Bangkok vài ngày sau khi Washington cáo buộc Trung Quốc "phá hoại hòa bình và an ninh" với các hành vi quấy rối các nước láng giềng trong khu vực, qua một số tuyên bố trong tuần qua.
Trong khi đó, bất chấp tình trạng "đối đầu" với Việt Nam ở Bãi Tư Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng "tình hình ở Biển Đông đã được cải thiện đáng kể" trong những năm gần đây thông qua những nỗ lực chung của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN, và "không có vấn đề gì về tự do hàng hải và hàng không ở Biển Nam Trung Quốc (Biển Đông)", theo Straits Times.
Nhưng theo ông Vương Nghị thì "một số cọ xát có thể tăng lên theo thời gian" do những tranh chấp lịch sử, và những vấn đề này "cần được giải quyết bởi các quốc gia trực tiếp liên quan thông qua các biện pháp hòa bình".
Trong khi không nêu tên Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các quốc gia ngoài khu vực "không nên cố tình khuyếch đại những khác biệt hoặc tranh chấp từ quá khứ như vậy" và "chớ cố gieo rắc ngờ vực giữa Trung Quốc và các nước ASEAN".
*****************
Biển Đông : Việt Nam tố cáo Trung Quốc nhưng ASEAN vẫn dè dặt (RFI, 01/08/2019)
Hôm 31/07/2019, tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Bangkok, Việt Nam đã công khai lên tiếng tố cáo các hành động xâm lấn của Trung Quốc gần đây tại Bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, các đồng minh Đông Nam Á của Việt Nam đã có những phản ứng dè dặt.
Ngoại trưởng Việt Nam, Phạm Bình Minh (thứ 2, bên trái) cùng các đồng nhiệm Ấn Độ, Thái Lan tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN, Bangkok, ngày 01/08/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Bản thông cáo chung đúc kết hội nghị của 10 ngoại trưởng ASEAN nói đến những quan ngại của khối Đông Nam Á về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhưng không nói gì về vụ Bãi Tư Chính, thậm chí tránh cả việc nêu tên Trung Quốc.
Như thông lệ, phần đề cập đến Biển Đông nằm trong mục "Các vấn đề khu vực và quốc tế", trong đó các ngoại trưởng ASEAN tiếp tục tái khẳng định những nguyên tắc chung như tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, của việc duy trì luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982...
Các hành vi của Trung Quốc chỉ được nhắc gián tiếp khi bản thông cáo chung nói đến "một số bộ trưởng đã lo ngại về việc cải tạo đất đai, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".
ASEAN cũng chỉ trích một cách gián tiếp các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông khi "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế khi các bên tuyên bố chủ quyền và những nước khác có những hoạt động có khả năng làm tình hình phức tạp và căng thẳng thêm".
Theo giới quan sát, việc dùng đến nhóm từ "sự cố nghiêm trọng", không thấy trong các thông cáo chung gần đây, cho thấy là các nước ASEAN rất lo ngại trước tình hình căng thẳng. Có điều là phản ứng trên của khối Đông Nam Á không đáp ứng hoàn toàn mong đợi của Việt Nam vì trong cuộc họp, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã công khai tố cáo đích danh vụ tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc, được tàu hải cảnh và tàu dân quân hộ tống đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Bãi Tư Chính.
Theo báo chí Việt Nam, sau khi khẳng định là những hành động của đoàn tàu Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, trưởng đoàn Việt Nam đã kêu gọi ASEAN có tiếng nói chung chống lại "các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển".
Trong bản thông cáo chung của ASEAN không thấy có những chi tiết vừa kể. Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, bất chấp các "quan ngại nghiêm trọng" của Việt Nam về tranh chấp với Trung Quốc, các ngoại trưởng ASEAN đã thất bại trong việc có thông điệp chung về vấn đề này, dường như là do phản đối của các nước như Cam Bốt và Lào không muốn khiêu khích Bắc Kinh.
Theo hãng tin Anh Reuters, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 01/08/2019 đã nhắc nhở Việt Nam rằng không nên để cho các vấn đề trên biển xen vào vấn đề quan hệ song phương. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cho biết như trên sau cuộc gặp song phương giữa ông Vương Nghị với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề hội nghị Bangkok.
Trước đó, theo hãng tin Kyodo, ngoại trưởng Việt Nam cũng có cuộc gặp song phương với đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono, và hai bên đã chia sẻ mối quan ngại về tình hình Biển Đông mà theo ông Kono, "mỗi năm mỗi xấu thêm".
Trọng Nghĩa
***************
Trung Quốc nói 'không nên để vấn đề trên biển ảnh hưởng quan hệ song phương' (BBC, 01/08/2019)
Trung Quốc và Việt Nam cần kiểm soát đúng đắn các vấn đề trên biển và xử lý tốt các bất đồng, Bắc Kinh nói hôm thứ Năm.
Ngoại trưởng hai nước có cuộc gặp bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Asean hôm 1/8 tại Bangkok, Thái Lan
Ông Vương nói không nên để các vấn đề trên biển làm ảnh hưởng tới quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo nội dung một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Căng thẳng giữa hai nước dâng cao quanh vụ tàu thuyền hai bên đối đầu ở khu vực Bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam, nơi Bắc Kinh cũng nói là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Trung Quốc ra thông cáo sau cuộc gặp giữa ông Vương Nghị và Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại Bangkok hôm thứ Năm, 1/8.
Tin cho hay ông Vương Nghị nói với ông Phạm Bình Minh rằng việc giải quyết tranh chấp cần được kiểm soát đúng đắn thông qua tham vấn và đối thoại song phương.
Ông Vương, trong cuộc họp song phương bên lề Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN và các cuộc họp khác có liên quan đang diễn ra tại Bangkok, nói rằng quan hệ Trung-Việt tiếp tục phát triển và hai bên sẽ "kiểm soát đúng đắn tình hình trên biển".
Ông Vương nói rằng một loạt các đồng thuận đã được lãnh đạo hai đảng cầm quyền đạt được, dựa trên những lợi ích chiến lược chung, theo Tân Hoa Xã.
Về phần mình, ông Phạm Bình Minh nói rằng kể từ đầu năm nay, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã phát triển trong mọi lĩnh vực : các trao đổi cấp cao đã được duy trì giữa hai đảng cầm quyền và hai nước.
Tân Hoa Xã cũng dẫn lời Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, theo đó nói Việt Nam "sẵn sàng thực hiện các đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong các vấn đề trên biển và thúc đẩy việc phát triển tốt đẹp quan hệ song phương".
Trước đó, truyền thông Việt Nam hôm 31/7 đưa tin ông Phạm Bình Minh đã lên án hành vi đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN.
*****************
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN : Hồ sơ Biển Đông nổi cộm (RFI, 31/07/2019)
Hội nghị ngoại trưởng thường niên lần thứ 52 (AMM-52) của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các hội nghị liên quan, chính thức khai mạc sáng nay, 31/07/2019, tại Bangkok. Căng thẳng trên Biển Đông được cho là sẽ nổi cộm trong chương trình nghị sự các cuộc họp của ASEAN, cũng như các cuộc họp giữa ASEAN và các đối tác, đặc biệt là Diễn đàn Khu Vực ASEAN.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) phát biểu tại phiên khai mạc, Bangkok, 31/07/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Phát biểu khai mạc hội nghị, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đại diện nước chủ nhà, đồng thời là chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã nhấn mạnh đến các thành quả hợp tác của các nước Đông Nam Á, nhưng ghi nhận rằng các thành viên cần tăng cường hơn nữa công cuộc hợp tác với nhau và với các đối tác ngoài khu vực.
Hồ sơ Biển Đông được cho là sẽ thu hút sự chú ý của hội nghị, do căng thẳng mới bùng lên giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vấn đề Bắc Kinh cho tàu khảo sát vào hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời lại cho tàu hải cảnh vào quấy phá các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong khu vực.
Hồ sơ sẽ nóng thêm lên sau khi Mỹ lên tiếng hậu thuẫn chỉ trích hành động của Trung Quốc, và lập pháp Mỹ yêu cầu ngoại trưởng Pompeo phải có hành động cụ thể hơn.
Trung Quốc vào hôm nay đã lên tiếng hàm ý chỉ trích thái độ của Mỹ, khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo các nước bên ngoài là không nên "thổi phồng" các tranh chấp ở Biển Đông.
Trọng Nghĩa
**********************
Chính phủ Nhật Bản lần đầu lên tiếng với VOA Việt ngữ về vụ "đối đầu" của tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc gần một giàn khoan thăm dò của nước này ở Bãi Tư Chính, tuyên bố "mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở Biển Đông".
Khi được hỏi về phản ứng trước tin tàu hải cảnh của Trung Quốc có động thái "đe dọa" các tàu của Việt Nam phục vụ giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật mà tập đoàn Nga Rosneft thuê thăm dò ở Lô 06.1 ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Nhật cho biết "sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc liên quan tới vấn đề này".
"Nói chung, chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực, và là một mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản", tuyên bố gửi riêng cho VOA tiếng Việt có đoạn.
"Nhật Bản luôn ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn luật pháp trên biển và muốn nhấn mạnh với tất cả các nước liên quan về tầm quan trọng của các nỗ lực tiến tới giải pháp hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép".
Phản ứng của chính phủ Nhật không đề cập tới câu hỏi Tokyo đã hỗ trợ gì cho Công ty Khoan thăm dò Nhật Bản (JDC), vốn sở hữu giàn khoan Hakuryu-5. VOA tiếng Việt cũng đã liên lạc với JDC, nhưng tới ngày 31/7 vẫn chưa nhận được phản hồi.
Theo thông tin đăng tải trên trang web của công ty này, giàn khoan Hakuryu-5 "hôm 12/5/2019 bắt đầu hoạt động khoan thăm dò theo hợp đồng với Rosneft Việt Nam BV [công ty con của tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Rosneft] ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam".
VOA tiếng Việt đã liên lạc với công ty dầu khí Rosneft cũng như chính phủ Nga, nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Ít ngày sau khi xuất hiện tin tàu chấp pháp của Trung Quốc và Việt Nam "đối đầu" gần khu vực khoan của công ty Rosneft Việt Nam BV ở Bãi Tư chính, hãng Sputnik của Nga đưa tin rằng Tổng thống Nga Putin đã "cám ơn" tập đoàn này đã thực hiện việc thăm dò.
Bất chấp áp lực từ Trung Quốc, Việt Nam mới đây thông báo gia hạn hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 "đến hết ngày 15/9/2019".
Các chuyên gia về Biển Đông từng nói với VOA tiếng Việt rằng sự liên quan của công ty Nga và Nhật trong vụ "đối đầu" giữa tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã "gây phức tạp" cho quyết sách của chính quyền Bắc Kinh cũng như "đa phương hóa" và "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông.
Tin cho hay, các quan chức ngoại giao của Việt Nam, Trung Quốc, Nga và Nhật sẽ có mặt ở Bangkok trong tuần này để tham dự các sự kiện ngoại giao với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Vấn đề Biển Đông được cho là nằm cao trong nghị trình, nhưng hiện chưa rõ sự việc Bãi Tư Chính có được đề cập cụ thể trong các cuộc gặp hay không.
Trong tuyên bố hôm 25/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng "duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng không, hàng hải, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế".
"Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia, ở khu vực và trên thế giới", nữ phát ngôn viên nói.
Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia người Australia về Việt Nam, tuyên bố này cho thấy Hà Nội "để ngỏ lời mời" các cường quốc như Mỹ, Nhật, Pháp và Anh "hỗ trợ Việt Nam về mặt chính trị, ngoại giao và vật chất".
Chính quyền Bắc Kinh lâu nay tuyên bố chỉ đàm phán giải quyết vấn đề Biển Đông với các quốc gia trực tiếp liên quan.
Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin, hôm 30/7, Cục Kiểm ngư đã tiếp nhận 2 tàu do Nhật Bản tài trợ để "tăng cường khả năng thực thi pháp luật về thủy sản" cũng như "hỗ trợ ngư dân khai thác hợp pháp trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam".
Tàu Nhật và Trung Quốc "vờn nhau" ở Biển Hoa Đông.
Tokyo hiện cũng có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Bắc Kinh trên Biển Hoa Đông, quanh quần đảo mà người Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Tàu hải cảnh của hai nước cũng từng nhiều lần "vờn nhau" gần quần đảo hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật, gây căng thẳng trong quan hệ song phương.
Viễn Đông