Indonesia : Lo ngại sẽ có thêm đợt sóng thần khi núi lửa Anak Krakatau tiếp tục ‘nhả khói’ (BBC, 24/12/2018)
Người dân ven biển gần núi lửa Anak Krakatau, Indonesia đã được cảnh báo phải tránh xa các bãi biển vì lo ngại có thể sẽ có thêm những đợt sóng thần mới.
Anak Krakatau vẫn tiếp tục nhả khói
Hôm Thứ Bảy, những con sóng khổng lồ đã càn quét các thị trấn ven biển trên đảo Sumatra và Java, khiến ít nhất 281 người thiệt mạng và 1.016 người bị thương.
Người ta cho rằng hoạt động của núi lửa đã gây ra lở đất dưới đáy biển, từ đó tạo ra các cơn sóng giết người.
Chủ nhật, Anak Krakatau tiếp tục phun tro và khói một lần nữa.
Hình ảnh từ trên cao cho thấy tầm nghiêm trọng khi núi lửa phun trào ở eo biển Sunda, giữa Sumatra và Java.
Các nỗ lực cứu hộ đang bị cản trở do giao thông gián đoạn nhưng các thiết bị chuyên dụng vẫn tiếp tục được vận chuyển đến các khu vực bị ảnh hưởng để tìm kiếm nạn nhân.
Những cảnh báo nào đã được đưa ra ?
Người phát ngôn của Cơ quan Quản lý thiên tai Quốc gia, ông Sutopo Purwo Nugroho, nói trong cuộc họp báo rằng một cơn sóng thần khác có thể xảy ra do núi lửa Anak Krakatau vẫn tiếp tục phun trào.
"Khuyến nghị từ Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý là mọi người không nên tham gia các hoạt động trên bãi biển và tránh xa bờ biển một thời gian", ông nói.
Hình ảnh vệ tinh của Anak Krakatau phun trào vào tháng 8
Núi lửa Anak Krakatau được hình thành vào năm 1927 sau khi núi lửa Krakatoa phun trào.
Nhưng ngọn núi này đang có nhiều dấu hiệu hoạt động trong những tháng gần đây và người dân đã được khuyến cáo nên tránh xa khu vực miệng núi lửa.
Hôm thứ Hai, ông Sutopo đã đăng trên Twitter giải thích lý do tại sao không có cảnh báo sớm nào cho các cơn sóng thần.
Ông nói rằng hệ thống cảnh báo sớm của Indonesia được thiết lập để giám sát các trận động đất nhưng không phải là lở đất và phun trào núi lửa.
Nhưng ông nói thêm rằng với 13% núi lửa của thế giới nằm ở Indonesia, việc nước này phát triển hệ thống này là rất quan trọng.
Ông xác nhận không có cảnh báo sớm sóng thần vào đêm xảy ra thảm họa, và nêu thêm các lý do như thiếu kinh phí, hệ thống phao bị phá hoại và các lỗi kỹ thuật đã khiến hệ thống cảnh báo sóng thần không hoạt động kể từ năm 2012.
Tại sao sóng thần ngày thứ Bảy nguy hiểm tới vậy ?
Sóng thần xảy ra lúc 21g30, giờ địa phương, trong ngày nghỉ lễ với rất ít dấu hiệu cho thấy nó có thể xảy ra bởi một trận động đất.
Nước biển đã không rút đi trước đó như khi có sóng thần gây ra bởi động đất và các chuyên gia cho rằng ngay cả khi có phao cảnh báo gần núi lửa, thì thời gian cảnh báo trước cũng là quá ngắn ngủi.
Sóng thần đã phá hủy hàng trăm tòa nhà, quét sạch ô tô và nhổ bật cây ở một số điểm du lịch nổi tiếng bao gồm khu nghỉ mát bãi biển Tanjung Lesung, phía tây Java.
Ban nhạc Seventeen đang biểu diễn trên sân khấu thì sóng thần ập đến
Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy sóng thần ập vào một sân khấu trong khu nghỉ mát, khi ban nhạc rock nổi tiếng của Indonesia Seventeen đang biểu diễn.
Các thành viên của ban nhạc bị cuốn đi khi sóng phá hủy sân khấu.
Nguyên nhân gây ra sóng thần ?
Jonathan Amos, phóng viên khoa học của BBC
Mọi người trong khu vực đều biết về Anak Krakatau, ngọn núi lửa mới xuất hiện chỉ chưa đầy 100 năm trước. Nhưng những lần 'cựa mình' và phun trào của nó được các chuyên gia địa phương mô tả là tương đối nhỏ và không liên tục.
Tuy nhiên, người ta vẫn biết rằng núi lửa có khả năng tạo ra sóng thần, do việc phun trào có thể dây ra sự dịch chuyển của một khối lượng lớn nước.
Hình ảnh vệ tinh đầu tiên về sự kiện hôm thứ Bảy cho thấy một sự sụp đổ ở sườn phía tây-tây nam của núi lửa. Điều này sẽ khiến hàng triệu tấn đất đá rơi xuống biển, tạo ra sóng về mọi hướng.
***************
Indonesia : Số người chết vì sóng thần lên đến hơn 370 (RFI, 24/12/2018)
Theo tổng kết mới nhất, vụ núi lửa Anak Krakatau bùng nổ tối 22/12/2018 kèm theo sóng thần đánh vào bờ biển các đảo Java và Sumatra ở Indonesia, đã làm 373 người chết, tính đến hôm nay, 24/12, theo tổng kết mới nhất. Ngoài ra còn có 1.459 người bị thương và 128 người mất tích. Các đội cứu hộ tiếp tục đào bới các đống gạch vụn tìm người sống sót.
Một bé trai khóc tìm người thân sau trận sóng thần ở Pandeglang, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 24/12/2018. Reuters/Jorge Silva
Hàng trăm nhà cửa, khách sạn, cửa hàng đã bị phá hủy do sóng thần bất ngờ, chính quyền không kịp báo động cho dân chúng, hàng ngàn người đã chạy tháo thân sâu vào trong đất liền. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thị sát các vùng bị nạn vào hôm nay.
Đặc phái viên RFI Joel Bronner tại Indonesia đã đi xuống khu vực bị nạn tìm hiểu và ghi nhận việc người dân tại chỗ hết sức phẫn nộ trước việc không hề được chính quyền báo trước về sóng thần sắp đổ vào :
"Càng đi sâu vào vùng bờ biển phía tây của đảo Java, người ta càng thấy thiệt hại đáng kể hơn dọc theo các bãi biển.
Tôi đã thấy chẳng hạn một nhà hàng ăn chỉ còn là một đống gỗ và mảnh tôn vương vãi trên bãi cát, với khoảng một chục người ngồi xổm bên cạnh. Họ than rằng không hề được chính quyền báo trước là sóng thần sắp ập vào để có thể chạy đi lánh nạn.
Sau những đợt sóng đầu tiên, người dân hoảng loạn đã bỏ chạy, càng sâu vào đất liền càng tốt, vì nơi đây không có những chỗ cao để lánh nạn.
Tôi có cảm giác là thái độ phẫn nộ và bất mãn của người dân đối với chính quyền đã không thông báo nguy cơ cho họ, có thể sẽ được thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong vài tháng tới đây".
Chính quyền đã thông báo cho cư dân và khách du lịch ở hai bên eo biển Sunda, chia cắt Java và Sumatra, là không được ra bãi biển, và báo động là tình trạng thủy triều cao sẽ kéo dài đến thứ Tư, 26/12. Theo Reuters, chính quyền lo ngại một trận sóng thần khác.
Núi lửa nổ bùng làm đất lở gây nên sóng thần tại Indonesia
Giám đốc Đài Khí Tượng Indonesia vào hôm nay 24/12/2018 đã đưa ra giả thuyết về trận sóng thần mới đánh vào Indonesia. Theo ông, rất có thể là núi lửa đã khiến đất lở, trượt xuống biển và đấy là nguyên nhân gây nên sóng thần. Các nhà khoa học dựa trên hình ảnh vệ tinh Sentinel-1 của cơ quan không gian châu Âu ESA, cho thấy là 1 mảng quan trọng phía nam đảo Sumatra đã chảy xuống biển không lâu trước sóng thần. Đây là giả thuyết khả dĩ nhất, nhưng chưa được xác nhận chính xác, vì chưa thể tiếp cận những nơi bị tàn phá.
Mai Vân
****************
Một trận sóng thần làm ít nhất 222 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trên đảo Java và Sumatra của Indonesia, sau khi núi lửa Anak Krakatau gây lở đất dưới đáy biển, quan chức và truyền thông đưa tin hôm 23/12.
Theo Reuters, hàng trăm nhà cửa đã bị hư hại nặng nề vì trận sóng thần xảy ra bất ngờ dọc theo vành đai của Eo biển Sunda cuối ngày 22/12.
Cơ quan phòng chống thảm họa của Indonesia cho biết rằng gần 900 người bị thương và 28 người vẫn còn mất tích.
Các đoạn video phát trên truyền hình cho thấy hình ảnh vài giây lúc sóng thần ập vào bờ và các khu dân cư, rồi cuốn ra biển các nạn nhân và nhiều thứ khác.
Theo Reuters, người dân ở ven biển cho biết không thấy hay cảm nhận được các dấu hiệu cảnh báo, như nước biển rút đi hay động đất, trước khi đợt sóng cao 2 – 3 mét ập vào.
Trong khi đó, chính phủ cho biết hệ thống cảnh báo đã vang lên ở một số khu vực.
Chính quyền cảnh báo người dân và du khách tránh xa bờ biển thuộc Eo biển Sunda và cảnh báo triều cường có hiệu lực tới hết ngày 25/12. Hàng nghìn cư dân đã phải sơ tán lên những nơi cao ráo.
Trận sóng thần xảy ra vào dịp Giáng sinh gợi lại ký ức về trận động đất gây sóng thần ở Ấn Độ Dương ngày 26/12/2004 làm 226 nghìn người thiệt mạng ở 14 nước, trong đó hơn 120 nghìn người ở Indonesia.
Trên Twitter, Tổng thống Joko Widodo cho biết rằng ông "đã lệnh cho các cơ quan chính phủ liên quan thực hiện những bước đi khẩn cấp ngay lập tức để tìm các nạn nhân và chăm sóc cho những người bị thương".
Trong khi đó, Phó Tổng thống Jusuf Kalla nói tại một cuộc họp báo rằng con số người chết "nhiều khả năng sẽ còn tăng".
Trận sóng thần hôm 22/12 là thảm họa mới nhất xảy ra ở quốc đảo Indonesia trong năm nay.
Nhiều trận động đất liên tiếp đã san phẳng nhiều nơi trên đảo du lịch Lombok, và trận động đất kéo theo sóng thần đã làm hàng nghìn người chết trên đảo Sulawesi.
Gần 200 người thiệt mạng khi chiếc máy bay của hãng Lion Air rớt xuống Biển Java hồi tháng 10.
*******************
Indonesia : 200 người chết và mất tích vì sóng thần (RFI, 23/12/2018)
Tại Indonesia, hơn 220 nạn nhân tử vong, hàng chục người mất tích và 750 người bị thương sau đợt sóng thần bất ngờ ập vào eo biển Sunda nằm giữa đảo Sumatra và Java khuya ngày 22/12/2018. Hàng trăm ngôi nhà bị nước cuốn trôi.
Bãi biển Carita, vùng Baten - Indonesia sau trận sóng thần đêm 22/12/2018. Reuters
Nguyên nhân sóng thần có thể bắt nguồn từ hai lực phối hợp theo cơ quan địa chấn Indonesia : núi lửa Anak Kratatau phun trào vào lúc 16 giờ, gây hiện tượng đất trượt dưới đáy biển đúng vào lúc nước biển dâng cao dưới sức hút của mặt trăng. Indonesia thường xuyên là nạn nhân của ba loại thiên tai : động đất, núi lửa và sóng thần.
Từ quần đảo Indonesia, thông tín viên Joel Bronner tường thuật :
"Vào lúc 21 giờ đêm Thứ Bảy, núi lửa Anak Krakatau lại phun khói lửa mịt trời. Ngọn núi lửa này là một đảo nhỏ nằm trong vịnh Sunda. Theo các dữ kiện đầu tiên do chính quyền cung cấp thì hiện tượng đất trượt dưới đáy biển đã tạo ra sóng chấn động, dưới dạng Tsunami, đập vào đất liền của đảo Java ở phía đông và Sumatra ở hướng tây.
Anak, tiếng Nam dương có nghĩa là "thằng bé". Thằng bé này là do Kratakau, một trong những hỏa sơn nổi tiếng của Indonesia sản sinh. Trong lần thức giấc vào năm 1883, Anak Krakatau đã cướp đi 30.000 mạng sống. Vào thời điểm đó, những đám mây tro bụi vĩ đại bao phủ không trung gây biến động khí hậu toàn cầu, tạo ra mùa đông dài bất tận ở châu Âu.
Mùa hè năm nay, quần đảo Indonesia, nằm trên vành đai lửa của Thái Bình Dương, với gần 130 núi lửa đang hoạt động, đã bị một loạt thiên tai động đất và sóng thần trước hết là đảo Lombok, rồi thành phố Palu làm hàng ngàn người chết".
Tú Anh
Indonesia lại phá hủy tàu cá của ngư dân Việt Nam trong chiến dịch ngăn chặn nạn đánh bắt hải sản trái phép tại ngư trường của quốc gia Đông Nam Á này.
81 tàu của nước ngoài, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan, đã bị cho nổ tung tại nhiều địa điểm khác nhau của đảo quốc này hôm 1/4.
Nhiều tàu cá bị phá hủy nhất (26 chiếc) ở Natuna nằm gần Biển Đông, và tiếp theo (10 chiếc) ở cảng biển Tarempa gần đó, theo AP.
Kể từ khi lên nhậm chức năm 2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mạnh tay đối với tình trạng đánh bắt cá trái phép trên lãnh hải nước mình. 317 tàu nước ngoài, kể cả số mới nhất, đã bị đánh chìm kể từ đó.
Trả lời VOA Việt Ngữ cuối năm ngoái, Bộ trưởng phụ trách Ngư nghiệp và Hàng hải của Indonesia, Susi Pudjiastuti, cho biết rằng chuyện ngư dân Việt đánh bắt trái phép là một vấn đề được mang ra thảo luận trong cuộc gặp giữa bà và Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Vũ Văn Tám khi quan chức người Việt thăm Indonesia.
Bà Pudjiastuti nói thêm rằng việc đánh đắm các tàu nước ngoài "hết sức hiệu quả trong việc ngăn chặn hàng trăm tàu bè khỏi lãnh hải của chúng tôi", nhấn mạnh rằng "đây là cách tốt nhất".
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng "bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc lực lượng chức năng Indonesia đánh chìm một số tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia", và kêu gọi chính quyền Jakarta xử lý ngư dân Việt vi phạm lãnh hải của Indonesia "trên tinh thần nhân đạo và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng là thành viên của ASEAN".
Không chỉ Indonesia, mà nhiều nước như Philippines, Thái Lan, Palau hay thậm chí Australia thời gian qua đã bắt nhiều ngư dân Việt, sau khi cáo buộc họ đánh bắt hải sản trái phép.
Khi được hỏi ý kiến về những nhận định trên mạng rằng "chính việc Trung Quốc ngăn chặn đánh bắt ở vùng biển truyền thống của Việt Nam trên biển Đông, nên ngư dân Việt phải đi các vùng biển của nước khác để đánh bắt", ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam từng nói với VOA Việt Ngữ : "Có thể có nhiều người suy nghĩ như thế này, như thế nọ. Còn đối với phía chúng tôi vẫn khẳng định rằng vùng biển một triệu km vuông đặc quyền kinh tế của chúng tôi vẫn được đảm bảo để bà con ngư dân đánh bắt".
Ông Thắng nói thêm : "Các cơ quan chấp pháp của chúng tôi như là kiểm ngư, hải quân cũng như bộ đội biên phòng thì luôn luôn cố gắng hiện diện để bảo vệ ngư trường truyền thống của bà con. Chúng tôi cũng tổ chức đoàn đội để giữ vững ngư trường của mình, cũng không để đến nỗi có một suy nghĩ như thế. Còn những việc tàu bè Trung Quốc va đập, húc tàu của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa của Việt Nam thì có chứ không phải không, nhưng không thể nào làm bà con ngư dân chùn bước, không đánh bắt ở vùng biển của mình".
Tháng trước, kênh ABC của Úc đưa tin, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một trong các lý do khiến các ngư dân Việt Nam phải chuyển hướng sang đánh bắt cá trái phép ở vùng lãnh hải của Australia.
Cơ quan truyền thông của Úc này dẫn lời ba ngư dân Việt mới bị tống giam nói tại tòa ở Queensland rằng "họ bị Trung Quốc đẩy ra khỏi ngư trường truyền thống gần Trường Sa".
Trước đó, gần 30 ngư dân Việt trên hai tàu cá bị bắt ngoài khơi Queensland vì đánh bắt hải sâm trái phép.
********************
Indonesia phá hủy 81 tàu đánh cá xâm nhập lãnh hải (RFI, 02/04/2017)
Hai tàu đánh cá nước ngoài đăng ký tại Papoua bị hải quân Indonesia phá hủy. Ảnh ngày 21/12/2014. Reuters
Hãng tin AP ngày 02/04/2017 cho biết tiếp tục thi hành biện pháp mạnh của tổng thống Joko Widodo, trong một ngày, Djakarta phá hủy hàng chục tàu đánh cá của ngư dân nước ngoài, bị bắt khi xâm nhập vào vùng biển của Indonesia.
Theo bộ trưởng bộ Ngư Nghiệp Susi Pudjjiastuti, trong ngày cuối tuần, 81 chiếc tàu cá, đa phần là của Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines bị phá hủy tại 12 địa điểm. Tính từ cuối năm 2014, từ khi Indonesia "tuyên chiến" chống đánh cá lậu, để bảo vệ nguồn lợi kinh tế biển, tổng cộng 317 tàu đánh cá của Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á bị đánh đắm bằng đại bác hoặc bằng chất nổ.
Tú Anh
****************************
Indonesia đánh chìm 81 tầu cá nước ngoài (RFA, 02/04/2017)
Thứ Bảy vừa rồi, Indonesia đánh chìm 81 tầu cá của người nước ngoài, bị bắt về tội xâm nhập hải phận hành nghề bất hợp pháp.
Tàu cá Việt Nam và Malaysia đánh cá bất hợp pháp bị Indonesia phá hủy tại Batam, tỉnh đảo Riau.
Hầu hết những tầu mới bị đánh chìm là tầu của ngư dân Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan.
Phát biểu tại cảng Ambon, bà Susi Pudjiastuti, Bộ Trưởng Hàng Hải Và Ngư Nghiệp nói rằng Indonesia cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải, đánh chìm tất cả những tầu cá nước ngoài xâm nhập hải phận để hành nghề bất hợp pháp, tin tưởng những chiếc tàu bị đánh đắm sẽ khiến những chủ tầu tìm cách vào hải phận Indonesia hành nghề mà không xin phép phải suy tính lại.
Kể từ khi Tổng thống Joko Widodo lên nhậm chức hồi 2014 đến giờ, Jakarta thực hiện chính sách cứng rắn đối với tàu cá nước ngoài bị bắt trong hải phận Indonesia. Đến giờ đã có 317 tầu cá bị đánh chìm và nhiều thuyển trưởng, thuyền viên bị giam giữ, phải đóng phạt mới được trở về nguyên quán.