Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đụng độ Ấn - Trung : Mỹ chia buồn với Ấn Độ, căng thẳng vẫn ở mức cao

Chính phủ Mỹ ngày 19/06/2020 gởi lời chia buồn đến New Dehli sau cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ trong một cuộc va chạm tàn khốc với quân đội Trung Quốc tại khu vực mà hai cường quốc Châu Á này có tranh chấp lãnh thổ.

antrung1

Biểu tình phản đối Trung Quốc lấn chiếm biên giới tấn công quân đội Ấn Độ, ngày 17/06/2020 tại New Delhi. Reuters - ANUSHREE FADNAVIS

Trên mạng xã hội Twitter, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết : "Nước Mỹ gởi lời chia buồn chân thành nhất đến nhân dân Ấn Độ, vì những người đã ngã xuống sau cuộc đối đầu với Trung Quốc. Chúng tôi chia sẻ nỗi đau cùng với gia đình, người thân và những cộng đồng xung quanh các binh sĩ này".

Theo hãng tin Reuters, mặc dù New Delhi và Bắc Kinh tuyên bố phải tìm cách giảm leo thang, nhưng tình hình căng thẳng vẫn ở mức cao sau vụ đụng độ dữ dội giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ hôm thứ Ba, 16/06/2020, tại vùng Ladakh trên dãy Himalaya mà hai cường quốc hạt nhân Châu Á có tranh chấp chủ quyền.

Sau vụ đối đầu này, nhiều cuộc thương lượng quân sự giữa hai bên đã được tổ chức nhưng vẫn chưa đạt được kết quả nào. "Tình hình vẫn chưa có tiến triển, chưa có một sự tháo gỡ nào, nhưng cũng không có sự điều động thêm binh sĩ", theo như tiết lộ của một nguồn thạo tin với Reuters.

Theo nhận định của hãng tin Anh, vụ việc xảy ra vào lúc dịch Covid-19 đang hoành hành đặt thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước những thách thức ngoại giao khó khăn nhất kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2014.

Làm thế nào Ấn Độ có thể cân bằng ảnh hưởng của các siêu cường, giữa một bên là Trung Quốc - một đối tác kinh tế thiết yếu của New Dehli - và bên kia là Hoa Kỳ, luôn tìm cách lôi kéo Ấn Độ ra khỏi chiếc áo "không liên kết" để cùng với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này chặn đà bành trướng quân sự và kinh tế của Trung Quốc ? Đây sẽ là một bài toán khó cho ông Modi.

Trung Quốc thả 10 binh sĩ Ấn Độ

Trung Quốc ngày 18/06/2020 cho biết thả 10 binh sĩ Ấn bị bắt trong vụ va chạm giữa quân đội hai nước trên dãy Himalaya. Đợt thả tù binh này là kết quả của các cuộc thương lượng giữa hai bên nhằm hạ nhiệt căng thẳng sau vụ đối đầu hôm thứ Ba 16/06.

Minh Anh

********************

Thung lũng Galwan : Trung Quốc bác bỏ chuyện bắt giữ binh sĩ Ấn Độ (BBC, 19/06/2020)

Trung Quốc phủ nhận đã bắt giữ binh sĩ Ấn Độ trong vụ đụng độ chết người giữa hai nước hôm thứ Hai, sau khi truyền thông đưa tin ngày thứ Năm rằng 10 binh sĩ Ấn Độ đã được thả.

antrung2

Lễ hỏa táng một binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng được tổ chức hôm thứ Năm

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm thứ Sáu 19/6 rằng Trung Quốc "không bắt giữ binh sĩ Ấn Độ nào".

Truyền thông Ấn Độ đưa tin một trung tá và ba thiếu tá nằm trong số binh sĩ bị Trung Quốc giữ.

Chính phủ Ấn Độ chỉ nói rằng không có binh sĩ nào bị mất tích.

Các nguồn tin trái ngược nhau tiếp tục gây khó hiểu về chuyện gì đã thực sự xảy ra hôm thứ Hai ở Thung lũng Galwan, vùng biên giới có tranh chấp.

Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong vụ đụng độ, diễn ra không có súng đạn vì một thỏa thuận hồi 1996 cấm hai bên sử dụng súng và chất nổ tại khu vực này.

Ít nhất 76 binh sĩ Ấn Độ đã bị thương.

Phía Trung Quốc chưa đưa ra thông tin nào về con số thương vong, mặc dù Ấn Độ nói cả hai bên đều có mất mát.

Hai quốc gia đều cáo buộc nước kia đã vượt qua đường biên giới được xác định không rõ ràng và khiêu khích dẫn đến đụng độ.

Shiv Aroor, biên tập viên của tờ India Today, viết trên Twitter hôm thứ Năm một số chi tiết mà theo ông là chuyện binh sĩ Ấn Độ được Trung Quốc thả. Ông nói việc trao trả binh sĩ là một điểm quan trọng trong đàm phán giữa hai bên vào thứ Tư.

Trong một thông cáo phủ nhận Trung Quốc đã giữ binh sĩ Ấn Độ, ông Triệu, người phát ngôn Trung Quốc, nói "việc đúng sai là rất rõ ràng và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ".

Ông nói hai bên đã có liên hệ qua các kênh ngoại giao và quân sự.

"Chúng tôi hy vọng Ấn Độ có thể làm việc với Trung Quốc để duy trì sự phát triển quan hệ song phương lâu dài", ông nói thêm.

Các nguồn tin mâu thuẫn được đưa ra sau khi xuất hiện hình ảnh hôm thứ Năm, được cho là vũ khí thô sơ được dùng trong cuộc đụng độ.

Bức ảnh cho thấy các thanh sắt có hàn đinh bọc quanh được một quan chức quân sự Ấn Độ ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc gửi đến BBC. Người này nói đây là vũ khí quân Trung Quốc đã sử dụng.

Nhà phân tích quốc phòng Ajai Shukla, người đầu tiên đưa hình ảnh này lên Twitter, đã mô tả việc sử dụng các vũ khí như vậy là "man rợ".

Việc không có đụng độ bằng súng bắt nguồn từ thỏa thuận năm 1996 giữa hai bên rằng súng và chất nổ bị cấm tại đường biên giới tranh chấp, để ngăn leo thang xung đột.

Hình ảnh này được chia sẻ rộng rãi trên Twitter ở Ấn Độ, làm nhiều người dùng mạng xã hội hết sức phẫn nộ. Cả hai phía Ấn Độ và Trung Quốc đều không bình luận.

Truyền thông đưa tin hai bên xung đột trên dãy núi ở độ cao gần 4300 mét với vách núi dựng đứng, và một số binh sĩ đã rơi xuống dòng sông Galwan chảy xiết trong nhiệt độ âm.

antrung3

Đoàn quân xa Ấn Độ di chuyển đến Ladakh hôm thứ Tư

Hôm thứ Tư, Bắc Kinh đã trích dẫn một tuyên bố quân đội nói rằng Trung Quốc "sở hữu chủ quyền đối với khu vực Thung lũng Galwan". Ấn Độ bác bỏ tuyên bố này và nói nó "được phóng đại và vô lý".

Người dân cả hai nước đều biểu tình phản đối vụ đụng độ ở vùng Himalaya có tranh chấp, trong lúc quan chức hai bên phát biểu thận trọng hơn và hướng tới một giải pháp ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết các ngoại trưởng của cả hai nước đã có cuộc trao đổi qua điện thoại về những diễn biến và "đồng ý rằng tình hình chung nên được xử lý một cách có trách nhiệm".

"Đưa ra những tuyên bố cường điệu và không có cơ sở là trái với cách hiểu này", ông Srivastava được trích dẫn bởi hãng thông tấn PTI của Ấn Độ.

Vì sao không dùng súng đạn ?

Thung lũng sông Galwan ở Ladakh, với khí hậu khắc nghiệt và địa hình vùng cao, nằm dọc theo khu vực phía tây của Đường Kiểm soát Thực tế và gần Aksai Chin, khu vực tranh chấp do Ấn Độ tuyên bố chủ quyền nhưng do Trung Quốc kiểm soát.

Tin cho hay bính lính đụng độ trên các rặng núi ở độ cao gần 4.267 mét dọc theo địa hình dốc với một số binh sĩ thậm chí rơi xuống dòng sông Galwan chảy xiết, dài 80km trong điều kiện nhiệt độ âm.

Đây không phải là lần đầu tiên hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân đụng độ mà không có vũ khí thông thường ở biên giới.

Ấn Độ và Trung Quốc có lịch sử tranh chấp và tuyên bố lãnh thổ chồng chéo dọc theo hơn 3,440 km tại Đường Kiểm soát Thực tế.

Vụ nổ súng cuối cùng ở biên giới xảy ra vào năm 1975 khi bốn binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại một đèo ở bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc.

Cuộc đụng độ được các nhà ngoại giao trước đây mô tả như một cuộc phục kích và cũng có người nói đó là một tai nạn.

Nhưng kể từ đó hai phía không bắn một viên đạn nào.

**********************

Thung lũng Galwan : Ấn Độ bác bỏ tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc (BBC, 18/06/2020)

Ấn Độ đã bác bỏ tuyên bố về đất của Trung Quốc tại thung lũng sông Galwan, nơi xảy ra cuộc ẩu đả chết người đầu tiên giữa hai nước trong ít nhất 45 năm.

antrung4

Tối 15/6, quân đội hai nước Trung - Ấn đã xảy ra xung đột nghiêm trọng khiến 19 binh sĩ hai bên chết và bị thương (Ảnh: Đông Phương).

Một cuộc ẩu đả vào tối thứ Hai đã khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với thung lũng là "cường điệu và không có cơ sở".

Trong khi đó, hình ảnh vũ khí bị cho là được sử dụng để tấn công binh lính Ấn Độ đã gây phẫn nộ ở Ấn Độ.

antrung5

Ảnh những thanh sắt có hàn đinh bọc quanh được một quan chức quân sự Ấn Độ ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc gửi đến BBC. Người này nói đây là hình ảnh thật.

Quân đội của hai nước chưa bình luận về bức hình này.

Nhà phân tích quốc phòng Ajai Shukla, người đầu tiên đưa hình ảnh này lên Twitter, đã mô tả việc sử dụng các vũ khí như vậy là "man rợ".

Việc không có đụng độ bằng súng bắt nguồn từ thỏa thuận năm 1996 giữa hai bên rằng súng và chất nổ bị cấm tại đường biên giới tranh chấp, để ngăn leo thang xung đột.

Cả hai bên đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các cuộc đụng độ ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya.

Trung Quốc không công bố con số thương vong.

Tin đưa chưa được xác nhận trên phương tiện truyền thông Ấn Độ cho biết ít nhất 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Một số binh sĩ Ấn Độ được cho là vẫn còn đang mất tích.

Hôm thứ Tư, Bắc Kinh đã trích dẫn một tuyên bố quân đội nói rằng Trung Quốc "sở hữu chủ quyền đối với khu vực Thung lũng Galwan".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết các ngoại trưởng của cả hai nước đã có cuộc trao đổi qua điện thoại về những diễn biến và "đồng ý rằng tình hình chung nên được xử lý một cách có trách nhiệm".

"Đưa ra những tuyên bố cường điệu và không có cơ sở là trái với cách hiểu này", ông Srivastava được trích dẫn bởi hãng thông tấn PTI của Ấn Độ.

Một tuyên bố của chính phủ Ấn Độ sau cuộc trò chuyện của Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar với Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã cố dựng một cấu trúc ở phần đất của Ấn Độ tại biên giới thực tế, Đường Kiểm soát thực tế, tại Thung lũng Galwan có tầm quan trọng chiến lược.

Tuyên bố này mô tả đây là "hành động được lên kế hoạch trước và trực tiếp gây bạo lực và thương vong" và kêu gọi Trung Quốc "thực hiện các bước khắc phục tình hình".

Trong khi đó, một tuyên bố của Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị nói : "Trung Quốc một lần nữa bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với Ấn Độ và yêu cầu phía Ấn Độ tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng... và ngăn chặn mọi hành động khiêu khích để đảm bảo những điều tương tự không tái diễn".

antrung6

Bản đồ khu vực xảy ra tranh chấp.

Thung lũng sông Galwan ở Ladakh, với khí hậu khắc nghiệt và địa hình vùng cao, nằm dọc theo khu vực phía tây của Đường Kiểm soát Thực tế và gần Aksai Chin, khu vực tranh chấp do Ấn Độ tuyên bố chủ quyền nhưng do Trung Quốc kiểm soát.

Tin cho hay bính lính đụng độ trên các rặng núi ở độ cao gần 4.267 mét dọc theo địa hình dốc với một số binh sĩ thậm chí rơi xuống dòng sông Galwan chảy xiết, dài 80km trong điều kiện nhiệt độ âm.

Đây không phải là lần đầu tiên hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân đụng độ mà không có vũ khí thông thường ở biên giới.

Ấn Độ và Trung Quốc có lịch sử tranh chấp và tuyên bố lãnh thổ chồng chéo dọc theo hơn 3,440 km tại Đường Kiểm soát thực tế.

Vụ nổ súng cuối cùng ở biên giới xảy ra vào năm 1975 khi bốn binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng tại một đèo ở bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc.

Cuộc đụng độ được các nhà ngoại giao trước đây mô tả như một cuộc phục kích và cũng có người nói đó là một tai nạn.

Nhưng kể từ đó hai phía không bắn một viên đạn nào.

****************

Đụng độ đường biên Trung-Ấn, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ bị giết (BBC, 17/06/2020)

Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với các lực lượng Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya, các quan chức Ấn Độ cho biết.

antrung7

Quân đội Ấn Độ cho biết 20 binh sĩ Ấn đã tử thương trong cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc .

Sự việc xảy ra sau khi căng thẳng gia tăng, và là cuộc đụng độ chết người đầu tiên ở khu vực biên giới trong ít nhất 45 năm.

Quân đội Ấn nói "các sĩ quan cao cấp của hai bên đang họp để tháo gỡ tình thế", và nói cả hai bên đều chịu thương vong.

Nhưng sau đó hôm thứ Ba, các quan chức cho biết một số binh sĩ bị thương nặng đã tử thương.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc phá vỡ một thỏa thuận tôn trọng đường LAC tại thung lũng Gan-oan giữa hai bên đã đạt được vào tuần trước.

Phóng viên ngoại giao của BBC James Robbins nói rằng bạo lực giữa hai đội trên dãy Hy Mã Lạp Sơn rất nghiêm trọng, và áp lực lên hai cường quốc hạt nhân để làm làm sao không cho xảy ra tình trạng xung đột toàn diện đang tăng lên.

Sáng thứ Ba, quân đội Ấn Độ cho biết ba binh sĩ của họ, gồm một sĩ quan, đã chết trong một cuộc đụng độ ở Ladakh, trong khu vực Kashmir đang tranh chấp.

Sau đó trong ngày, họ đưa ra một tuyên bố nói rằng hai bên đã ngưng chiến.

Họ nói thêm là "17 binh sĩ Ấn Độ bị thương nặng trong lúc thi hành nhiệm vụ" và đã tử thương, đẩy "tổng số thương vong lên đến 20".

Trung Quốc phản ứng bằng việc kêu gọi Ấn Độ không có các hành động đơn phương hoặc gây xáo trộn tình hình, hãng tin Reuters tường thuật.

Trung Quốc cũng cáo buộc Ấn Độ là đã vượt qua đường biên và tấn công lính Trung Quốc, theo hãng tin AFP.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên được dẫn lời nói rằng Ấn Độ đã vượt qua biên giới, "khiêu khích và tấn công nhân viên Trung Quốc, gây ra cuộc đối đầu nghiêm trọng, va chạm thân thể giữa các lực lượng biên phòng hai bên".

Bắc Kinh chưa công bố con số thương vong của bên Trung Quốc.

Vụ va chạm diễn ra giữa lúc căng thẳng dâng cao giữa hai nước.

Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đang đưa hàng ngàn quân vào thung lũng Galwan ở Ladakh.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua có người thiệt mạng trong cuộc đối đầu giữa hai nước.

Từ trước tới nay, hai bên mới chỉ có một lần giao tranh, vào hồi 1962, và Ấn Độ đã thảm bại trong lần đó.

Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc chiếm đóng 38 ngàn cây số vuông lãnh thổ Ấn Độ.

Một số vòng đàm phá trong ba thập niên qua đã thất bại, không giải quyết được các tranh chấp biên giới.

Hồi tháng Năm, hàng chục lính Ấn Độ và Trung Quốc đã xô đẩy, đấm nhau trong một cuộc va chạm ở khu vực đường biên ở bang Sikkim ở miền đông bắc.

Vào 2017, hai nước đụng độ tại khu vực này sau khi Trung Quốc tìm cách mở rộng một con đường biên giới chạy qua vùng cao nguyên đang tranh chấp.

Quân đội hai nước - cũng là hai lực lượng quân đội lớn nhất thế giới - đã đối đầu nhau ở nhiều điểm.

Hai bên được phân chia bởi Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control - LAC), phân định ranh giới không chuẩn xác. Các mốc là sông, hồ, đỉnh núi phủ tuyết khiến cho đường kiểm soát này có thể bị dịch chuyển, gây đối đầu giữa hai bên.

Có một số lý do gây căng thẳng dâng cao vào thời điểm này, nhưng những điểm chiến lược thì nằm ở gốc rễ vấn đề, và cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau.

Ấn Độ đã xây dựng một con đường mới trong cái mà các chuyên gia nói là khu vực xa xôi hẻo lánh và dễ bị tổn thương nhất dọc theo LAC ở Ladakh.

Và việc Ấn Độ quyết định tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng này dường như đã khiến cho Bắc Kinh tức giận.

Con đường mới sẽ làm tăng năng lực của Delhi trong việc nhanh chóng đưa người cùng vật chất thiết bị tới nơi trong trường hợp có xung đột.

Published in Châu Á

Ngày 05/08/2019, New Delhi bất ngờ thông báo chấm dứt quyền tự trị của vùng Kashmir, thiết quân luật tại xứ này. Quyết định đơn phương của chính phủ Modi bị Pakistan cực lực lên án. Cộng đồng quốc tế lo ngại bạo lực bùng phát ngoài tầm kiểm soát tại vùng đất Nam Á này, có thể tưới thêm dầu vào lửa xung đột tại nhiều nơi trong vùng.

kashmir1

Xứ Kashmir, vùng lãnh thổ nằm giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh minh họa 

Vùng Kashmir nằm ở đâu và tình hình khu vực này ra sao trước khi có quyết định bất ngờ của chính quyền Modi ?

Vùng Kashmir nằm ở phía bắc tiểu lục địa Ấn Độ, thuộc dãy Himalaya. Sau khi đế quốc Anh Quốc từ bỏ quyền kiểm soát tiểu lục địa Ấn Độ năm 1947, nước Ấn Độ thuộc địa cũ của Anh tách làm hai, một phần thuộc Ấn Độ, phần kia trở thành Pakistan (năm 1971, tỉnh Đông Pakistan giành độc lập, trở thành Bangladesh).

Kashmir vốn là khu vực có đa số dân theo đạo Hồi, người đứng đầu Kashmir – theo Ấn Độ giáo - quyết định tham gia vào liên bang Ấn Độ, với điều kiện vùng đất này được hưởng quyền tự trị rộng rãi. Sau cuộc can thiệp của quân đội Ấn Độ chống lại các lực lượng Pakistan ở Kashmir, năm 1949, vùng đất này tách làm hai, với đường ranh giới tạm thời dài khoảng 1.000 km. Hai phần ba lãnh thổ Kashmir trước đây thuộc Ấn Độ (1), một phần ba thuộc Pakistan.

Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Kashmir về quyền tự quyết của người dân xứ này, nhưng trưng cầu dân ý chưa bao giờ diễn ra. Cả hai bên Ấn Độ và Pakistan đều sợ người dân Kashmir đòi độc lập.

Vùng Kashmir thuộc Ấn Độ hiện nay mang tên Bang Jammu và Kashmir, rộng hơn 200.000 km², với 12,5 triệu dân. Bang này gồm hai khu vực. Khu phía tây đông đúc dân cư, mà đa số theo đạo Hồi, khu phía đông, có sa mạc Ladakh, dân cư thưa thớt, đa số theo đạo Phật.

Vùng Kashmir được hưởng tự trị rộng rãi theo điều 370 Hiến pháp Ấn Độ. Điều khoản này cho phép Bang Jammu và Kashmir có Hiến pháp riêng, quốc kỳ riêng. Đặc biệt là chính quyền liên bang Ấn Độ phải để cho chính quyền Kashmir và Nghị Viện xứ này toàn quyền kiểm soát các công việc nội bộ. Nói một cách khác, luật được New Delhi thông qua sẽ không được áp dụng tại xứ Kashmir, ngoài một số lĩnh vực như quốc phòng, đối ngoại.

Quyết định chấm dứt quyền tự trị của New Delhi có các hệ quả gì đối với khu vực này ?

Hiện thời quyết định của chính phủ Modi đã được Thượng Viện và Hạ Viện phê chuẩn. Tiếp theo đó, Tòa Án Tối Cao sẽ phải xem xét quyết định của chính phủ có hợp lệ hay không. Cho đến nay, về cơ bản, định chế tư pháp tối cao này của Ấn Độ vẫn tỏ ra độc lập, bất chấp các áp lực chính trị, như nhà nghiên cứu Christophe Jaffrelot (Ceri) nhấn mạnh. Tòa Án Tối Cao có thể bác sắc lệnh của thủ tướng Ấn.

Tuy nhiên, nếu sắc lệnh của chính phủ được tư pháp Ấn Độ chấp thuận thì sẽ có hai thay đổi đáng kể. Trước hết, xứ Jammu và Kashmir sẽ không còn là một bang của liên bang Ấn Độ nữa, mà chỉ còn là một vùng lãnh thổ do New Delhi trực tiếp quản lý, lực lượng cảnh sát sẽ do chính quyền trung ương điều động.

Thay đổi lớn thứ hai là các công dân bên ngoài cũng có quyền sở hữu bất động sản tại Kashmir, các chức vụ lãnh đạo chính quyền của xứ này cũng có thể do công dân Ấn Độ đến từ những nơi khá đảm nhiệm, người từ nơi khác nếu cư trú ổn định tại Kashmir cũng có quyền đi bỏ phiếu. Với thay đổi này, người dân Kashmir đặc biệt lo ngại là chính quyền trung ương sẽ tìm cách đưa dân chúng nơi khác đến Kashmir, làm thay đổi cơ bản thành phần dân cư tại xứ sở này.

Nhà báo Sébastian Farcis từ New Delhi cho biết nhiều người tại Kashmir coi sắc lệnh của chính phủ Modi là một "sự phản bội tột cùng", bởi điều 370 Hiến pháp - mà chính phủ Modi tuyên bố hủy bỏ - là "mối dây liên hệ duy nhất" giữa chính quyền trung ương và xứ này. Theo Hiến pháp Ấn Độ, điều 370 chỉ có thể bị hủy bỏ với sự đồng ý của Nghị Viện lập hiến Kashmir. Do Nghị Viện này đã giải thể từ năm 1957, nên nhiều người cho rằng quy chế tự trị của Kashmir là không thể thay đổi, trừ phi có việc bầu ra một Nghị Viện lập hiến mới.

Nếu mối liên hệ pháp lý giữa Kashmir với New Delhi với điều 370 mang tính biểu tượng này bị cắt đứt, thì quân đội Ấn Độ hiện diện tại Kashmir sẽ bị xem như là "lực lượng chiếm đóng" (2). Trong bối cảnh các thế lực ly khai phát triển mạnh trong những năm gần đây, quyết định này sẽ chỉ khiến cho các lực lượng cực đoan - thân Al-Qaida hay các thế lực khác – có nguy cơ sẽ ngày càng được lòng dân hơn.

Tại sao chính quyền Modi lại tước quyền tự trị của vùng Kashmir vào thời điểm này ?

Đã 70 năm nay, các thế lực dân tộc chủ nghĩa tại Ấn Độ muốn chấm dứt quy chế đặc biệt của xứ Kashmir. Đảng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ chưa bao giờ công nhận quy chế tự trị của Kashmir. Chính phủ dân tộc chủ nghĩa của ông Narendra Modi, thủ tướng từ năm 2014, vừa tái đắc cử tháng 5 vừa qua, đã nhiều lần hứa hẹn sẽ chấm dứt quy chế tự trị của Kashmir.

Về tình hình tại chỗ, xứ Kashmir đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng từ một năm nay. Nghị Viện Kashmir bị giải thể tháng 11/2018, sau khi liên minh cầm quyền tan vỡ. Kể từ đó Kashmir trực tiếp bị đặt dưới sự điều hành của chính quyền trung ương.

Theo nhiều nhà quan sát, với quyết định chấm dứt quy chế tự trị của Kashmir, chính phủ Modi muốn đánh lạc hướng dư luận. Với hơn 170 triệu người nghèo (theo thống kê năm 2015 của Ngân Hàng Thế Giới), Ấn Độ chiếm đến gần một phần tư dân nghèo thế giới. Thêm vào đó, kinh tế Ấn Độ hiện đang tăng trưởng chậm lại, đầu tư sụt giảm. Theo nhà nghiên cứu Jaffrelot, giờ là lúc chính quyền phải tìm ra một lý do cho phép kéo lạc hướng dư luận, mà không gì đơn giản hơn là sử dụng lá bài dân tộc chủ nghĩa để kích động dân chúng.

Các hệ quả của quyết định này trên phương diện quốc tế ?

Trước hết, về mặt khu vực, quyết định này làm căng thẳng thêm quan hệ Ấn Độ - Pakistan, vốn đã tồi tệ. Islamabad tuyên bố sẽ làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn quyết định "bất hợp pháp" này. Biểu tình phản đối diễn ra tại thành phố lớn nhất của Pakistan tại xứ Kashmir. Quân đội Pakistan tuyên bố sát cánh với người Kashmir.

Về mặt quốc tế, quyết định bất ngờ của chính quyền New Delhi đặc biệt gây khó khăn cho việc giải quyết khủng hoảng Afghanistan, kéo dài từ 18 năm nay, với việc quân Mỹ triệt thoái. Hoa Kỳ cần đến Pakistan trong vai trò trung gian để đàm phán với phe nổi dậy Taliban. Nếu Mỹ không ủng hộ các lợi ích của Pakistan tại Kashmir, sau quyết định đơn phương của chính phủ Modi, thì Pakistan có thể sẽ không hậu thuẫn Washington trong các đàm phán với Taliban.

Tổng thống Mỹ vừa thông báo sẵn sàng làm môi giới cho các thương lượng về Kashmir giữa New Delhi và Islamabad, nhưng Ấn Độ ngay lập tức bác bỏ, và cho rằng đây là vấn đề thuộc quan hệ song phương.

Báo Le Monde, trong bài tổng thuật về tấn bi kịch Kashmir kéo dài từ hơn 70 năm qua "5 hồi", nhận xét : hồi thứ 5 của bi kịch đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Với quyết định điều động quân đội, thiết quân luật và tước quyền tự trị của xứ Kashmir đầu tháng 8 này, chính quyền của ông Modi đang trên đường biến vùng Kashmir, vốn đã căng thẳng, thành một lò thuốc súng "Cận Đông" mới.

Những gì đang diễn ra hiện nay có thể là đỉnh điểm của tấn bi kịch kéo dài từ hơn 70 năm nay với người dân Kashmir. Mô hình Nhà nước đa tôn giáo, đa văn hóa của nước Ấn Độ dân chủ bị thách thức nghiêm trọng (3). Điều này lại càng nghiêm trọng hơn, khi tại xứ Tân Cương (viễn tây Trung Quốc) và miền tây Miến Điện, hàng triệu người theo đạo Hồi (người Duy Ngô Nhĩ và người Rohingya) đang bị chính quyền các nước này đàn áp khốc liệt.

Trọng Thành

(Tổng hợp từ Le Monde, Le Figaro, Libération và France Info)

Nguồn : RFI, 07/08/2019

Ghi chú :

1. Năm 1962, sau cuộc chiến biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc chiếm khu vực Aksai Chin, với diện tích hơn 37.000 km², ở đông bắc Kashmir.

2. Nhận định của Shail Bukhari, phát ngôn viên đảng PDP, đảng lớn nhất vùng Kashmir, có hai nghị sĩ tại Quốc Hội Ấn Độ. Hai dân biểu Kashmir đã xé bỏ bản Hiến pháp liên bang ngay tại Quốc Hội Ấn Độ để bày tỏ thái độ.

3. Bang Jammu và Kashmir là bang duy nhất ở Ấn Độ nơi cư dân theo đạo Hồi chiếm đa số.

*******************

Kashmir : Pakistan trục xuất đại sứ Ấn Độ

RFI, 08/08/2019

Ngày 07/08/2019, Pakistan thông báo trục xuất đại sứ Ấn Độ tại Islamabad, triệu hổi đại sứ Pakistan ở New Delhi, đồng thời tạm ngưng quan hệ thương mại song phương với nước láng giềng.

kashmir2

Biểu tình tại Karachi, Pakistan, ủng hộ người dân Kashmir, ngày 06/08/2019.Reuters

Đây là phản ứng của Pakistan đối với quyết định hủy quy chế tự trị của vùng Cashemire. Sonia Ghenzali, thông tín viên từ Islamabad, cho biết thêm chi tiết :

"Nghị viện Pakistan nổi giận. Các nghị sĩ phát biểu trong phiên họp lưỡng viện Quốc Hội hôm nay đã dùng những từ ngữ nặng nề nhất.

Fawad Chaudhry, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, tuyên bố : "Tôi yêu cầu Quốc Hội không được để Cashemire biến thành Palestine thứ hai. Chúng ta không thể sống với nỗi nhục nhã này. Nếu phải chiến đấu, chúng ta sẽ chiến đấu".

Các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, các bộ trưởng đều lên tiếng yêu cầu chính phủ Pakistan phải có hành động mạnh mẽ trong vấn đề này.

Bằng việc trục xuất đại sứ Ấn Độ và tạm ngưng quan hệ thương mại song phương, chính quyền Pakistan đã tiến thêm một bước. Islamabad, nước này hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ can thiệp vào vấn đề Cashemire nhằm buộc Ấn Độ ngồi vào bàn đàm phán. Sau cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia, dưới sự chủ tọa của thủ tưởng Pakistan Ismran Khan với Ban cố vấn an ninh quốc gia, một trong những giải pháp được đưa ra là kiến nghị lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".

Đáp lại hành động của Pakistan, hôm nay, chính phủ New Delhi cho rằng Kashmir là "vấn đề nội bộ" của Ấn Độ. Chiều nay, thủ tướng Narendra Modi ngỏ lời với toàn dân để giải thích về quyết định hủy bỏ quy chế tự trị của vùng Kashmir.

*******************

Ấn Độ : Hạ Viện thông qua việc rút quy chế tự trị của vùng Kashmir

Thùy Dương, RFI, 07/08/2019

Với đa số phiếu ủng hộ, sau Thượng Viện, tối hôm qua, 06/08/2019, tới lượt Hạ Viện Ấn Độ thông qua việc rút quy chế tự trị của vùng Kashmir, và thành lập một vùng mới được đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của chính quyền New Delhi.

kashmir3

An ninh Ấn Độ canh gác tại Jammu, Kashmir, ngày 5/8/2019. Reuters/Mukesh Gupta

Đối với đảng cầm quyền của thủ tướng Ấn Độ, đảng Dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP, đây là một chiến thắng quan trọng. Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sebastien Farcis nhận định quyết định của chính phủ Narendra Modi có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả :

"Việc bãi bỏ điều khoản 370, vốn bảo đảm quyền tự trị của vùng Kashmir, là một trong những cam kết lâu đời nhất của đảng Dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP, nhưng đây cũng là một trong những cam kết khó thực hiện nhất, đặc biệt là vì những khó khăn về pháp lý và sự phản đối dữ dội của người dân Kashmir trước việc New Delhi đòi sáp nhập vùng này.

Mặc dù vậy, thủ tướng Narendra Modi đang có thế mạnh. Ông đã dựa vào việc được dân chúng tín nhiệm, nhất là từ khi tái cử thủ tướng hồi tháng 05 vừa qua. Thủ tướng Narendra Modi cũng hưởng lợi từ việc phe đối lập đang suy yếu và bị chia rẽ.

Đối với đảng của thủ tướng và nhất là đối với rất nhiều người Ấn Độ gắn bó với vùng Kashmir, ông Narenda Modi giờ đây được coi là một người anh hùng đang củng cố chủ quyền của Ấn Độ tại vùng đất bất trị này.

Thế nhưng, đối với nhiều luật gia, việc dùng một sắc lệnh của tổng thống để thay đổi phương thức lãnh đạo của chính quyền của một bang là một hành động sai lệch. Chính phủ thậm chí còn không tham khảo ý kiến của chính quyền vùng Kashmir, tức là đã xem thường nguyên tắc cơ bản về quyền tự quyết của một dân tộc.

Một đơn kháng nghị đã được đệ trình lên Tòa Án Tối Cao để hủy bỏ cải cách này. Rất có thể sẽ có một trận chiến pháp lý kéo dài và mang tính sống còn trong những năm tới đây".

Quyết định của Ấn Độ về việc rút quy chế tự trị của vùng Cachermire cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Trung Quốc và Pakistan. Trong một thông cáo, hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng hành động của New Delhi là "không thể chấp nhận được" và "sẽ không có bất cứ hiệu lực pháp lý nào". Bắc Kinh kêu gọi Ấn Độ tuân thủ các thỏa thuận với Pakistan để tránh gây thêm căng thẳng ở khu vực biên giới.

Trong khi đó, tại Pakistan, tướng Qamar Javed Bajwa tuyên bố quân đội Pakistan ủng hộ đến cùng quyền tự trị của người dân Kashmir và đã sẵn sàng để thực hiện điều đó. Lãnh đạo quân đội Pakistan còn dọa sẽ kiến nghị lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và kiện Ấn Độ ra trước Tòa Án Công lý Quốc Tế.

Người biểu tình thiệt mạng đầu tiên

Hôm nay 07/08, một nguồn tin cảnh sát ở vùng Kashmir cho biết, một người dân tham gia biểu tình phản đối quyết định của chính quyền Narendra Modi đã thiệt mạng trong lúc bị cảnh sát truy bắt. Đây là người đầu tiên thiệt mạng kể từ khi thủ tướng Modi ra sắc lệnh rút quy chế tự trị của vùng Kashmir hôm thứ Hai 05/08.

Thùy Dương

Published in Diễn đàn