Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/08/2019

Ấn Độ tước quyền tự trị xứ Kashmir : Các hệ quả nào ?

Trọng Thành

Ngày 05/08/2019, New Delhi bất ngờ thông báo chấm dứt quyền tự trị của vùng Kashmir, thiết quân luật tại xứ này. Quyết định đơn phương của chính phủ Modi bị Pakistan cực lực lên án. Cộng đồng quốc tế lo ngại bạo lực bùng phát ngoài tầm kiểm soát tại vùng đất Nam Á này, có thể tưới thêm dầu vào lửa xung đột tại nhiều nơi trong vùng.

kashmir1

Xứ Kashmir, vùng lãnh thổ nằm giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh minh họa 

Vùng Kashmir nằm ở đâu và tình hình khu vực này ra sao trước khi có quyết định bất ngờ của chính quyền Modi ?

Vùng Kashmir nằm ở phía bắc tiểu lục địa Ấn Độ, thuộc dãy Himalaya. Sau khi đế quốc Anh Quốc từ bỏ quyền kiểm soát tiểu lục địa Ấn Độ năm 1947, nước Ấn Độ thuộc địa cũ của Anh tách làm hai, một phần thuộc Ấn Độ, phần kia trở thành Pakistan (năm 1971, tỉnh Đông Pakistan giành độc lập, trở thành Bangladesh).

Kashmir vốn là khu vực có đa số dân theo đạo Hồi, người đứng đầu Kashmir – theo Ấn Độ giáo - quyết định tham gia vào liên bang Ấn Độ, với điều kiện vùng đất này được hưởng quyền tự trị rộng rãi. Sau cuộc can thiệp của quân đội Ấn Độ chống lại các lực lượng Pakistan ở Kashmir, năm 1949, vùng đất này tách làm hai, với đường ranh giới tạm thời dài khoảng 1.000 km. Hai phần ba lãnh thổ Kashmir trước đây thuộc Ấn Độ (1), một phần ba thuộc Pakistan.

Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Kashmir về quyền tự quyết của người dân xứ này, nhưng trưng cầu dân ý chưa bao giờ diễn ra. Cả hai bên Ấn Độ và Pakistan đều sợ người dân Kashmir đòi độc lập.

Vùng Kashmir thuộc Ấn Độ hiện nay mang tên Bang Jammu và Kashmir, rộng hơn 200.000 km², với 12,5 triệu dân. Bang này gồm hai khu vực. Khu phía tây đông đúc dân cư, mà đa số theo đạo Hồi, khu phía đông, có sa mạc Ladakh, dân cư thưa thớt, đa số theo đạo Phật.

Vùng Kashmir được hưởng tự trị rộng rãi theo điều 370 Hiến pháp Ấn Độ. Điều khoản này cho phép Bang Jammu và Kashmir có Hiến pháp riêng, quốc kỳ riêng. Đặc biệt là chính quyền liên bang Ấn Độ phải để cho chính quyền Kashmir và Nghị Viện xứ này toàn quyền kiểm soát các công việc nội bộ. Nói một cách khác, luật được New Delhi thông qua sẽ không được áp dụng tại xứ Kashmir, ngoài một số lĩnh vực như quốc phòng, đối ngoại.

Quyết định chấm dứt quyền tự trị của New Delhi có các hệ quả gì đối với khu vực này ?

Hiện thời quyết định của chính phủ Modi đã được Thượng Viện và Hạ Viện phê chuẩn. Tiếp theo đó, Tòa Án Tối Cao sẽ phải xem xét quyết định của chính phủ có hợp lệ hay không. Cho đến nay, về cơ bản, định chế tư pháp tối cao này của Ấn Độ vẫn tỏ ra độc lập, bất chấp các áp lực chính trị, như nhà nghiên cứu Christophe Jaffrelot (Ceri) nhấn mạnh. Tòa Án Tối Cao có thể bác sắc lệnh của thủ tướng Ấn.

Tuy nhiên, nếu sắc lệnh của chính phủ được tư pháp Ấn Độ chấp thuận thì sẽ có hai thay đổi đáng kể. Trước hết, xứ Jammu và Kashmir sẽ không còn là một bang của liên bang Ấn Độ nữa, mà chỉ còn là một vùng lãnh thổ do New Delhi trực tiếp quản lý, lực lượng cảnh sát sẽ do chính quyền trung ương điều động.

Thay đổi lớn thứ hai là các công dân bên ngoài cũng có quyền sở hữu bất động sản tại Kashmir, các chức vụ lãnh đạo chính quyền của xứ này cũng có thể do công dân Ấn Độ đến từ những nơi khá đảm nhiệm, người từ nơi khác nếu cư trú ổn định tại Kashmir cũng có quyền đi bỏ phiếu. Với thay đổi này, người dân Kashmir đặc biệt lo ngại là chính quyền trung ương sẽ tìm cách đưa dân chúng nơi khác đến Kashmir, làm thay đổi cơ bản thành phần dân cư tại xứ sở này.

Nhà báo Sébastian Farcis từ New Delhi cho biết nhiều người tại Kashmir coi sắc lệnh của chính phủ Modi là một "sự phản bội tột cùng", bởi điều 370 Hiến pháp - mà chính phủ Modi tuyên bố hủy bỏ - là "mối dây liên hệ duy nhất" giữa chính quyền trung ương và xứ này. Theo Hiến pháp Ấn Độ, điều 370 chỉ có thể bị hủy bỏ với sự đồng ý của Nghị Viện lập hiến Kashmir. Do Nghị Viện này đã giải thể từ năm 1957, nên nhiều người cho rằng quy chế tự trị của Kashmir là không thể thay đổi, trừ phi có việc bầu ra một Nghị Viện lập hiến mới.

Nếu mối liên hệ pháp lý giữa Kashmir với New Delhi với điều 370 mang tính biểu tượng này bị cắt đứt, thì quân đội Ấn Độ hiện diện tại Kashmir sẽ bị xem như là "lực lượng chiếm đóng" (2). Trong bối cảnh các thế lực ly khai phát triển mạnh trong những năm gần đây, quyết định này sẽ chỉ khiến cho các lực lượng cực đoan - thân Al-Qaida hay các thế lực khác – có nguy cơ sẽ ngày càng được lòng dân hơn.

Tại sao chính quyền Modi lại tước quyền tự trị của vùng Kashmir vào thời điểm này ?

Đã 70 năm nay, các thế lực dân tộc chủ nghĩa tại Ấn Độ muốn chấm dứt quy chế đặc biệt của xứ Kashmir. Đảng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ chưa bao giờ công nhận quy chế tự trị của Kashmir. Chính phủ dân tộc chủ nghĩa của ông Narendra Modi, thủ tướng từ năm 2014, vừa tái đắc cử tháng 5 vừa qua, đã nhiều lần hứa hẹn sẽ chấm dứt quy chế tự trị của Kashmir.

Về tình hình tại chỗ, xứ Kashmir đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng từ một năm nay. Nghị Viện Kashmir bị giải thể tháng 11/2018, sau khi liên minh cầm quyền tan vỡ. Kể từ đó Kashmir trực tiếp bị đặt dưới sự điều hành của chính quyền trung ương.

Theo nhiều nhà quan sát, với quyết định chấm dứt quy chế tự trị của Kashmir, chính phủ Modi muốn đánh lạc hướng dư luận. Với hơn 170 triệu người nghèo (theo thống kê năm 2015 của Ngân Hàng Thế Giới), Ấn Độ chiếm đến gần một phần tư dân nghèo thế giới. Thêm vào đó, kinh tế Ấn Độ hiện đang tăng trưởng chậm lại, đầu tư sụt giảm. Theo nhà nghiên cứu Jaffrelot, giờ là lúc chính quyền phải tìm ra một lý do cho phép kéo lạc hướng dư luận, mà không gì đơn giản hơn là sử dụng lá bài dân tộc chủ nghĩa để kích động dân chúng.

Các hệ quả của quyết định này trên phương diện quốc tế ?

Trước hết, về mặt khu vực, quyết định này làm căng thẳng thêm quan hệ Ấn Độ - Pakistan, vốn đã tồi tệ. Islamabad tuyên bố sẽ làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn quyết định "bất hợp pháp" này. Biểu tình phản đối diễn ra tại thành phố lớn nhất của Pakistan tại xứ Kashmir. Quân đội Pakistan tuyên bố sát cánh với người Kashmir.

Về mặt quốc tế, quyết định bất ngờ của chính quyền New Delhi đặc biệt gây khó khăn cho việc giải quyết khủng hoảng Afghanistan, kéo dài từ 18 năm nay, với việc quân Mỹ triệt thoái. Hoa Kỳ cần đến Pakistan trong vai trò trung gian để đàm phán với phe nổi dậy Taliban. Nếu Mỹ không ủng hộ các lợi ích của Pakistan tại Kashmir, sau quyết định đơn phương của chính phủ Modi, thì Pakistan có thể sẽ không hậu thuẫn Washington trong các đàm phán với Taliban.

Tổng thống Mỹ vừa thông báo sẵn sàng làm môi giới cho các thương lượng về Kashmir giữa New Delhi và Islamabad, nhưng Ấn Độ ngay lập tức bác bỏ, và cho rằng đây là vấn đề thuộc quan hệ song phương.

Báo Le Monde, trong bài tổng thuật về tấn bi kịch Kashmir kéo dài từ hơn 70 năm qua "5 hồi", nhận xét : hồi thứ 5 của bi kịch đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Với quyết định điều động quân đội, thiết quân luật và tước quyền tự trị của xứ Kashmir đầu tháng 8 này, chính quyền của ông Modi đang trên đường biến vùng Kashmir, vốn đã căng thẳng, thành một lò thuốc súng "Cận Đông" mới.

Những gì đang diễn ra hiện nay có thể là đỉnh điểm của tấn bi kịch kéo dài từ hơn 70 năm nay với người dân Kashmir. Mô hình Nhà nước đa tôn giáo, đa văn hóa của nước Ấn Độ dân chủ bị thách thức nghiêm trọng (3). Điều này lại càng nghiêm trọng hơn, khi tại xứ Tân Cương (viễn tây Trung Quốc) và miền tây Miến Điện, hàng triệu người theo đạo Hồi (người Duy Ngô Nhĩ và người Rohingya) đang bị chính quyền các nước này đàn áp khốc liệt.

Trọng Thành

(Tổng hợp từ Le Monde, Le Figaro, Libération và France Info)

Nguồn : RFI, 07/08/2019

Ghi chú :

1. Năm 1962, sau cuộc chiến biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc chiếm khu vực Aksai Chin, với diện tích hơn 37.000 km², ở đông bắc Kashmir.

2. Nhận định của Shail Bukhari, phát ngôn viên đảng PDP, đảng lớn nhất vùng Kashmir, có hai nghị sĩ tại Quốc Hội Ấn Độ. Hai dân biểu Kashmir đã xé bỏ bản Hiến pháp liên bang ngay tại Quốc Hội Ấn Độ để bày tỏ thái độ.

3. Bang Jammu và Kashmir là bang duy nhất ở Ấn Độ nơi cư dân theo đạo Hồi chiếm đa số.

*******************

Kashmir : Pakistan trục xuất đại sứ Ấn Độ

RFI, 08/08/2019

Ngày 07/08/2019, Pakistan thông báo trục xuất đại sứ Ấn Độ tại Islamabad, triệu hổi đại sứ Pakistan ở New Delhi, đồng thời tạm ngưng quan hệ thương mại song phương với nước láng giềng.

kashmir2

Biểu tình tại Karachi, Pakistan, ủng hộ người dân Kashmir, ngày 06/08/2019.Reuters

Đây là phản ứng của Pakistan đối với quyết định hủy quy chế tự trị của vùng Cashemire. Sonia Ghenzali, thông tín viên từ Islamabad, cho biết thêm chi tiết :

"Nghị viện Pakistan nổi giận. Các nghị sĩ phát biểu trong phiên họp lưỡng viện Quốc Hội hôm nay đã dùng những từ ngữ nặng nề nhất.

Fawad Chaudhry, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, tuyên bố : "Tôi yêu cầu Quốc Hội không được để Cashemire biến thành Palestine thứ hai. Chúng ta không thể sống với nỗi nhục nhã này. Nếu phải chiến đấu, chúng ta sẽ chiến đấu".

Các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, các bộ trưởng đều lên tiếng yêu cầu chính phủ Pakistan phải có hành động mạnh mẽ trong vấn đề này.

Bằng việc trục xuất đại sứ Ấn Độ và tạm ngưng quan hệ thương mại song phương, chính quyền Pakistan đã tiến thêm một bước. Islamabad, nước này hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ can thiệp vào vấn đề Cashemire nhằm buộc Ấn Độ ngồi vào bàn đàm phán. Sau cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia, dưới sự chủ tọa của thủ tưởng Pakistan Ismran Khan với Ban cố vấn an ninh quốc gia, một trong những giải pháp được đưa ra là kiến nghị lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".

Đáp lại hành động của Pakistan, hôm nay, chính phủ New Delhi cho rằng Kashmir là "vấn đề nội bộ" của Ấn Độ. Chiều nay, thủ tướng Narendra Modi ngỏ lời với toàn dân để giải thích về quyết định hủy bỏ quy chế tự trị của vùng Kashmir.

*******************

Ấn Độ : Hạ Viện thông qua việc rút quy chế tự trị của vùng Kashmir

Thùy Dương, RFI, 07/08/2019

Với đa số phiếu ủng hộ, sau Thượng Viện, tối hôm qua, 06/08/2019, tới lượt Hạ Viện Ấn Độ thông qua việc rút quy chế tự trị của vùng Kashmir, và thành lập một vùng mới được đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của chính quyền New Delhi.

kashmir3

An ninh Ấn Độ canh gác tại Jammu, Kashmir, ngày 5/8/2019. Reuters/Mukesh Gupta

Đối với đảng cầm quyền của thủ tướng Ấn Độ, đảng Dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP, đây là một chiến thắng quan trọng. Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sebastien Farcis nhận định quyết định của chính phủ Narendra Modi có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả :

"Việc bãi bỏ điều khoản 370, vốn bảo đảm quyền tự trị của vùng Kashmir, là một trong những cam kết lâu đời nhất của đảng Dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP, nhưng đây cũng là một trong những cam kết khó thực hiện nhất, đặc biệt là vì những khó khăn về pháp lý và sự phản đối dữ dội của người dân Kashmir trước việc New Delhi đòi sáp nhập vùng này.

Mặc dù vậy, thủ tướng Narendra Modi đang có thế mạnh. Ông đã dựa vào việc được dân chúng tín nhiệm, nhất là từ khi tái cử thủ tướng hồi tháng 05 vừa qua. Thủ tướng Narendra Modi cũng hưởng lợi từ việc phe đối lập đang suy yếu và bị chia rẽ.

Đối với đảng của thủ tướng và nhất là đối với rất nhiều người Ấn Độ gắn bó với vùng Kashmir, ông Narenda Modi giờ đây được coi là một người anh hùng đang củng cố chủ quyền của Ấn Độ tại vùng đất bất trị này.

Thế nhưng, đối với nhiều luật gia, việc dùng một sắc lệnh của tổng thống để thay đổi phương thức lãnh đạo của chính quyền của một bang là một hành động sai lệch. Chính phủ thậm chí còn không tham khảo ý kiến của chính quyền vùng Kashmir, tức là đã xem thường nguyên tắc cơ bản về quyền tự quyết của một dân tộc.

Một đơn kháng nghị đã được đệ trình lên Tòa Án Tối Cao để hủy bỏ cải cách này. Rất có thể sẽ có một trận chiến pháp lý kéo dài và mang tính sống còn trong những năm tới đây".

Quyết định của Ấn Độ về việc rút quy chế tự trị của vùng Cachermire cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Trung Quốc và Pakistan. Trong một thông cáo, hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng hành động của New Delhi là "không thể chấp nhận được" và "sẽ không có bất cứ hiệu lực pháp lý nào". Bắc Kinh kêu gọi Ấn Độ tuân thủ các thỏa thuận với Pakistan để tránh gây thêm căng thẳng ở khu vực biên giới.

Trong khi đó, tại Pakistan, tướng Qamar Javed Bajwa tuyên bố quân đội Pakistan ủng hộ đến cùng quyền tự trị của người dân Kashmir và đã sẵn sàng để thực hiện điều đó. Lãnh đạo quân đội Pakistan còn dọa sẽ kiến nghị lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và kiện Ấn Độ ra trước Tòa Án Công lý Quốc Tế.

Người biểu tình thiệt mạng đầu tiên

Hôm nay 07/08, một nguồn tin cảnh sát ở vùng Kashmir cho biết, một người dân tham gia biểu tình phản đối quyết định của chính quyền Narendra Modi đã thiệt mạng trong lúc bị cảnh sát truy bắt. Đây là người đầu tiên thiệt mạng kể từ khi thủ tướng Modi ra sắc lệnh rút quy chế tự trị của vùng Kashmir hôm thứ Hai 05/08.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 754 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)