Các chế độ độc tài thường tự bào chữa rằng dân chúng còn chưa đủ khả năng tự quyết định chọn người cai trị, dân cần được "lãnh đạo".
Nhân viên phòng phiếu và nhân viên an ninh đi thuyền nhỏ qua sông đến phòng phiếu ở vùng sâu vùng xa bên kia sông Brahmaputra vào đêm bầu cử quốc hội ở vùng Đông Bắc Ấn Độ, 18 tháng Tư, 2024.
Trong năm 2024, dân chúng 50 quốc gia trên thế giới có dịp bỏ phiếu chọn người cai trị. Từ tuần trước, 970 triệu cử tri Ấn Độ, lớn bằng một phần 10 dân số thế giới, đã bắt đầu bỏ phiếu chọn 543 đại biểu quốc hội, gọi là Lok Sabha.
Quốc gia tự do dân chủ với số cử tri đông hàng thứ hai là Indonesia (204 triệu cử tri) mới bầu lên một vị tổng thống mới ; nước Mỹ đứng hàng thứ ba (168 triệu) năm nay sẽ có cơ hội lựa chọn.
Ấn Độ là một bằng chứng, một tấm gương sáng, cho thấy bất cứ dân tộc nào cũng có khả năng sống theo và thi hành các thủ tục tự do dân chủ.
Ấn Độ đông dân nhất, 1,4 tỷ người, với thành phần phức tạp nhất thế giới. Hàng ngàn sắc tộc và ngôn ngữ khác nhau ; với 80% dân theo các môn phái Ấn Độ Giáo, 205 triệu người theo Hồi Giáo, đã từng xảy ra nhiều xung đột bạo loạn vì tín ngưỡng. Trong tình trạng phức tạp như vậy, dân Ấn Độ vẫn sống với chế độ tự do dân chủ suốt từ khi độc lập, năm 1947, đến nay. Các chính phủ thay phiên nhau lên nắm quyền trong hòa bình, các cuộc bầu cử diễn ra đều đặn đúng kỳ hạn, người dân tham dự đi bỏ phiếu với tỷ lệ cao hơn cả nhiều nước ở Âu, Mỹ Châu ; với Ủy ban Bầu cử Toàn quốc được kính trọng.
Cuộc bầu cử lớn nhất thế giới ở Ấn Độ đang diễn ra trong 44 ngày, gồm bảy giai đoạn, từ 19 tháng 4, đến 1 tháng 6. Gần một tỷ công dân sẽ chọn 543 dân biểu từ 28 tiểu bang, với nhiệm kỳ 5 năm. Theo nhật báoLa Presse, Montréal, Canada, nước Ấn Độ có hơn 2,500 đảng chính trị, trong đó 10 đảng lớn chiếm 86% các ghế trong Lok Sabha ; số còn lại là các đảng địa phương.
Hầu hết các cuộc nghiên cứu dư luận tiên đoán đảng Bharatiya Janata Party (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi sẽ thắng. Nếu chiếm được 272 ghế dân biểu, đảng BJP sẽ tiếp tục nắm quyền, hiện nay họ chiếm đa số 303 và Thủ tướng Modi tiên đoán sẽ tăng lên ít nhất tới 370 ghế trong quốc hội mới. Với các dân biểu liên hiệp thuộc đảng National Democratic Alliance (NDA), họ có thể kiểm soát 400 ghế.
Phe đối lập, do lãnh tụ đảng Quốc Đại dẫn đầu chưa thống nhất được ý kiến trong một chương trình tranh cử chung, chắc sẽ tiếp tục đóng vai thiểu số. Ông Rahul Gandhi thuộc dòng dõi hai gia đình Nehru và mang tên Gandhi, những nhân vật lẫy lừng thời lập quốc. Nhưng các chính phủ Quốc Đại, từ thời thủ tướng Nehru đến bà Indira Gandhi, con gái ông, đã tổ chức nền kinh tế theo lối "chủ nghĩa xã hội", không nâng cao được mức sống của người dân. Thế hệ Rahul Gandhi bắt đầu thay đổi nhưng quá trễ, không thu hút được cử tri bằng ông Narendra Modi. Năm 2019, Rahul Gandhi thất cử ngay tại thị xã Amethi, nơi mà các gia đình Nehru-Gandhi vẫn gây được ảnh hưởng trong ba thế hệ.
Trong đợt bỏ phiếu đầu, có 166 triệu cử tri thuộc một số tiểu bang đi làm bổn phận công dân, số người đi bầu lên tới 62 phần trăm, thấp hơn tỷ số 67% lần trước, năm 2019. Một lý do khiến tỷ số tham dự xuống thấp có thể là vì nhiều người nghĩ rằng Đảng BJP mạnh quá, thế nào cũng thắng, lá phiếu của họ không làm thay đổi kết quả. Theo tuần báoEconomist, chỉ có 40% cử tri làm thủ tục ghi danh trong số những người vừa đến tuổi được đi bầu. Có lẽ cả trong giới trẻ cũng nghĩ rằng đảng BJP chắc thắng. Gần 40% dân Ấn Độ dưới 25 tuổi.
Theo báo mạng Al Jazeera, hai mối lo của họ là nạn lạm phát và thất nghiệp. Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc cho biết 83% những người không kiếm được việc làm là giới trẻ, trong số đó hai phần ba đã học hết trung học hay học cao hơn. Một cuộc nghiên cứu của Lokniti, một trung tâm nghiên cứu đã phỏng vấn 10.000 cử tri, cho biết có 62% người thấy kiếm việc làm bây giờ khó khăn hơn 5 năm trước, chỉ có 12% thấy dễ dàng hơn. Về lạm phát, có 71% cử tri công nhận giá các món hàng thiết dụng đã tăng trong cùng thời gian đó.
Trong tình cảnh kinh tế khó khăn như thế, vẫn có hai phần ba các người được phỏng vấn nói rằng năm nay họ sẽ bầu cho đảng BJP. Nhiều người hài lòng vì ông Modi đã đưa Ấn Độ lên địa vị quan trọng trên chính trường quốc tế (sáng lập khối BRICS, tổ chức hội nghị G20, phóng hỏa tiễn lên Hỏa tinh). Người dân cũng nghĩ rằng nạn tham nhũng đã giảm bớt trong 10 năm cầm quyền của chính phủ Modi.
Ông Modi thúc đẩy các cử tri giúp cho nền dân chủ của chúng ta vững mạnh hơn, "Tôi đặc biệt yêu cầu các bạn trẻ và các phụ nữ đi bỏ phiếu cho thật đông. Lá phiếu là tiếng nói của các bạn". Theo báo Al Jazeera nhận xét, đảng BJP vận dụng hình ảnh ông thủ tướng để tạo nên một "thần tượng" giúp cho các ứng cử viên khác trong đảng.
Không cần ông thủ tướng thúc đẩy, dân Ấn Độ vẫn coi đi bỏ phiếu là một dịp vui mừng, có người ví với thú vui đi coi phim thần thoại ! Hãng thông tấn AP mô tả cảnh bên ngoài các thùng phiếu, các cử tri xếp hàng trước khi mở cửa lúc 7 giờ sáng, trong nhiệt độ ngoài trời là 107 độ Fahrenheit, 42 độ C. Đài CNN tả cảnh trong video do Ủy ban Bầu cử cung cấp, cho thấy nhân viên các phòng phiếu đang dong đàn ngựa qua rừng, trên lưng chở các dụng cụ và vật liệu cho cuộc bỏ phiếu, đi tới các thôn xóm hẻo lánh tại tiểu bang Arunachal Pradesh, phía Đông Bắc Ấn Độ. Tại tiểu bang Meghalaya, họ mang các thùng lớn, đi bộ qua hồ nước cạn tới các phòng phiếu.
Báo Al Jazeera tiếp xúc với anh Sanjeev Kumar, 27 tuổi, đã tốt ngiệp đại học về kinh doanh ở thành phố Patna, Bihar, là tiểu bang đông đúc hàng thứ ba, với 100 triệu dân. Kumar đã bầu cho đảng BJP năm 2019 vì lời hứa hẹn sẽ tạo thêm hàng triệu công việc làm ; nhưng năm nay anh vẫn thất nghiệp. Kumar đã thi vào làm cho Sở Hỏa Xa, trượt cả hai. "Tôi chưa kiếm được việc, nhưng ít nhất tình hình cả nước đang tiến bộ", Kumar nói với phóng viên Al Jazeera.
"Ông Modi đã nâng địa vị nước Ấn Độ lên cao trên thế giới, sẽ tạo thêm nhiều công việc làm". Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Modi đã làm hai việc khiến Kumar hài lòng. Thứ nhất, là xây dựng Đền thờ Thần Ram ở thị trấn Ayodhya, nơi trước kia là một đền thờ Hồi Giáo lớn. Thứ hai, là ông đã xóa bỏ một luật lệ về ly dị của Hồi Giáo, gọi là "Ba lần talaq". Theo luật này, một người đàn ông chỉ cần nói ba lần tiếng "talaq" là được phép li dị vợ. "Talaq" trong tiếng Á Rập, nghĩa là li dị. Nhiều người Ấn Độ theo Hồi Giáo phản đối ông Modi, mặc dù trong thực tế họ cũng không theo tục lệ đó nữa. Đảng BJP nêu cả hai thành tích trên trong tuyên ngôn tranh cử !
Nhưng ông Modi đã lập được nhiều thành tích đáng kể hơn, trên lãnh vực kinh tế, xã hội. Ông khuyến khích đầu tư, các công ty Ấn Độ phát triển mạnh và đạt được mức lời cao. Ông cải tổ thuế khóa, năm 2017 thiết lập một thứ thuế đồng nhất trên toàn quốc dựa trên trị giá gia tăng, cho các sản phẩm và dịch vụ, giúp các xí nghiệp vượt lên trên gianh giới giữa các tiểu bang. Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, số xa lộ dài thêm 60% trong 10 năm qua.
Chính phủ Modi cũng đưa Ấn Độ bước vào thời đại tin học, với hệ thống nhân dạng toàn quốc Aadhaar dùng kỹ thuật số (ID system) nhờ thế Ấn Độ các gia đình có thể dễ dàng mở trương mục, tài khoản, mỗi tháng 300 triệu người dùng hệ thống này nhận và gửi tiền qua ngân hàng. Nhiều người dùng các tài khoản của họ tự động lãnh tiền trợ cấp của chính phủ và chi trả các món chi tiêu, không cần dùng tiền mặt. Chính phủ cũng cung cấp tín dụng với lãi suất thấp cho giới trẻ muốn kinh doanh. Từ năm 2015 đến nay, số xí nghiệp mới khai trương đã tăng lên gấp ba lần.
Trước những thành tích như trên, một người trẻ tuổi, thất nghiệp, như Sanjeev Kumar vẫn có lý do để ủng hộ đảng BJP và Thủ tướng Narendra Modi. Một điều đáng lo, là trong nhiệm kỳ thứ ba sắp tới ông Modi sẽ tìm cách củng cố quyền hành, giảm bớt quyền tự do của người dân, nhất là quyền tự do báo chí ! Trong bảng xếp hạng về vấn đề này của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters sans frontières) Ấn Độ chỉ đứng hàng thứ 161 trong số 180 quốc gia, tụt mất 21 hàng so với năm 2014, trước thời ông Modi !
Nguồn : VOA, 02/05/2024
Ấn Độ, cường quốc thứ ba tương lai ?
Le Point trong số kép cho hai tuần cuối năm, đưa ra dự phóng "Ấn Độ, đế chế tương lai". Từ chinh phục không gian, kinh tế tăng trưởng mạnh, chủ nghĩa dân tộc được củng cố, rồi tham vọng quân sự… với ngần ấy yếu tố, liệu Ấn Độ có sẽ thay Trung Quốc với tư cách là siêu cường Châu Á hay không ?
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi duyệt hàng quân danh dự nhân ngày Độc Lập tại New Delhi, 15/08/2023. AP - Manish Swarup
Một điều chắc chắn, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Châu Á. Nhưng đó là thế kỷ của Trung Quốc, như nhiều người dự đoán, hay đúng hơn là của Ấn Độ ? Ván cờ chưa ngã ngũ, bởi vì cuộc cược lớn hiện nay không đơn giản chỉ là sự trì trệ của Trung Quốc, đang bị trói trong vòng xích chuyên chế, gây tổn hại cho môi trường đầu tư kinh doanh. Mà đúng hơn là sự trỗi dậy của Ấn Độ, một nền văn minh cổ xưa, và cũng giống như đế chế Trung Hoa, từng một thời huy hoàng, để rồi sau đó bị xóa mờ kể từ thế kỷ XVIII trước cuộc cách mạng công nghiệp Châu Âu.
Có nhiều lý do để tin rằng Ấn Độ có khả năng vươn lên thành một cường quốc thứ ba trên thế giới. Quốc gia Nam Á này không chỉ là một nền dân chủ lớn nhất thế giới, nơi ra đời của đạo Phật, xứ sở của yoga và ayurveda, Ấn Độ có một quyền lực mềm to lớn từ sự thịnh hành của xu hướng ăn chay, điện ảnh Bollywood, cho đến cả một cộng đồng người Ấn rộng lớn : 28 triệu người trên thế khắp thế giới, trong đó có nhiều người là lãnh đạo của Microsoft, Google hay IBM.
Ấn Độ, nền kinh tế thứ ba năm 2030 ?
Thế nên, đối với thủ tướng Narendra Modi, thời khắc phục thù đã điểm. Việc Anh Quốc – một cựu cường quốc thực dân – hiện do thủ tướng Rishi Sunak, một người theo đạo Hindu, có nguồn gốc di dân Ấn Độ đến từ Đông Phi là một tín hiệu mạnh mẽ. Narendra Modi đã ấn định mục tiêu : Từ đây đến năm 2030, đưa Ấn Độ vượt qua mặt Nhật Bản và Đức, để trở thành nền kinh tế thứ ba toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc. Khi ông lên cầm quyền năm 2014, Ấn Độ xếp hạng thứ 10.
Để có thể thực hiện mục tiêu này, thủ tướng Modi có trong tay ba lá chủ bài : Thứ nhất là cường quốc hàng đầu về dân số. Năm nay, Ấn Độ đã qua mặt Trung Quốc để giành vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới khi đạt mức 1,43 tỷ người. Thứ hai là bản sắc Hindu.Thủ tướng Ấn Độ "vuốt ve" ý tưởng đặt lại tên nước là "Bharat", tên gọi cũ từ tiếng Phạn, thay cho "India", quá gợi nhắc đến thời kỳ thuộc địa Anh. Và cuối cùng là một thiện chí mạnh mẽ. Một thăm dò do Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) công bố hồi mùa thu cho thấy, 86% số người Ấn Độ được hỏi tỏ ra lạc quan cho triển vọng của đất nước, và tin rằng "thời của Ấn Độ đã đến" như khẩu hiệu tranh cử của ông Narendra Modi năm 2019.
Trong cuộc chinh phục vị thế cường quốc thứ ba thế giới, Ấn Độ sẽ khai thác tối đa những căng thẳng địa chính trị. Chiến tranh Ukraine, đọ sức Mỹ - Trung sẽ cho phép thủ tướng Ấn khẳng định vị thế như là một cường quốc đối trọng mang tính quyết định trong thế cân bằng lực lượng toàn cầu.
Nếu như Ấn Độ ngày càng tỏ ra lo lắng thế mạnh của Trung Quốc và xích lại gần hơn Mỹ, Úc và Nhật Bản khi lướt theo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương chống Trung Quốc, thì quốc gia Nam Á này vẫn bám chặt với chính sách tự chủ chiến lược của mình, qua việc chia sẻ với Bắc Kinh và Moskva mục tiêu tái cân bằng trật tự thế giới vẫn do phương Tây thống trị. Điều này thể hiện rõ trong lập trường của New Dehli về chiến sự tại Ukraine và cuộc xung đột ở dải Gaza.
Dù vậy, bài viết trên Le Point cũng nêu ra một số điểm yếu có thể cản trở đà tiến của Ấn Độ : Chủ nghĩa dân túy đang làm lung lay tính chất dân chủ của đất nước. Bất chấp những tiến bộ đạt được, cơ cấu xã hội theo đẳng cấp, thế thống trị của phái nam, một bộ máy chính quyền quan liêu ngột ngạt và cơ sở hạ tầng cũ kỹ vẫn là những điểm bất lợi lớn.
Nền sản xuất của Ấn Độ vẫn còn thấp hơn Trung Quốc đến ba lần. Chi tiêu quân sự thấp hơn đến bốn lần so với nước láng giềng. Trong bảng tổng sắp chỉ số phát triển con người do Liên Hiệp Quốc thiết lập, Ấn Độ xếp hạng thứ 132. Cũng theo bảng xếp hạng này, Ấn Độ có lẽ sẽ giầu thêm 27% nếu như phụ nữ được tham gia thị trường lao động !
Quần đảo Maldives, bị giằng xé giữa Ấn Độ và Trung Quốc
Cũng liên quan đến Ấn Độ và Trung Quốc, L’Express có bài nói về quần đảo Maldives. Nằm giữa giao lộ chiến lược ở Ấn Độ Dương, quần đảo Nam Á, chỉ có 400 ngàn dân, với gần 1200 đảo nhỏ và những bãi biển cát trắng nước xanh như ngọc lại là sàn đấu tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa hai ông khổng lồ Châu Á.
Mọi chuyện bắt đầu từ việc tân tổng thống Maldives, Mohamed Muizzu, thân Trung Quốc, hồi cuối tháng 11/2023, yêu cầu Ấn Độ rút quân. Đối với Bắc Kinh, quần đảo Maldives nằm trên trục lưu thông hàng hải quan trọng cho cả thương mại và quân sự, hướng sang Châu Phi, Hồng Hải và Châu Âu.
Maldives không chỉ là một mắt xích trong chiến lược "chuỗi ngọc" mà Bắc Kinh đã gầy dựng được nhiều cơ sở cảng biển ở Chittagong (Bangladesh), Hambantota (Sri Lanka), Gwadar (Pakistan) và Kyaukphyu (Miến Điện), mà vào năm 2013, đồng minh truyền thống của New Delhi còn tham gia vào dự án "Những con đường tơ lụa mới" của Bắc Kinh, ký kết nhiều thỏa thuận tự do mậu dịch, xây dựng cơ sở hạ tầng…
Về phía Ấn Độ, ngoài sự hiện diện quân sự đáng kể như cho bố trí các radar, trực thăng và máy bay quân sự, được dùng cho các chiến dịch giám sát các vùng lãnh hải, để cạnh tranh với Trung Quốc, chính quyền New Delhi đã tài trợ 1,4 tỷ đô la để xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng. Ấn Độ còn giúp đào tạo binh sĩ và công chức nhà nước cho Maldives.
Trên thực tế, Maldives, điểm đến du lịch rất được ưa thích này còn là một phần trong chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ và Ấn Độ. Năm 2020, Washington đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Malé do vị trí gần gũi của quần đảo với căn cứ quân sự Diego Garcia của Mỹ, nằm trên một đảo ở Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, L’Express, dẫn nhận định từ một chuyên gia an ninh tại New Delhi cho rằng tân tổng thống Maldives khó thể bỏ qua Ấn Độ, bởi vì quần đảo này chưa đủ năng lực hải quân để tự bảo đảm an ninh. Dù vậy, để không bị chỉ trích là quá thân Trung Quốc, ông Muizzu đã chọn Thổ Nhĩ Kỳ cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình !
Một đỉnh đồi thiêng, hai tôn giáo
Tuần báo L’Express và L’Obs, trong số kép cho hai tuần cuối năm dành một hồ sơ lớn cho cuộc xung đột Israel – Palestine. Trang bìa L’Express nói về "Jerusalem, ba ngàn năm mê hoặc". Giữa những huyền thoại và thực tế, thành phố thánh này lại là tâm điểm địa chính trị của vùng Cận Đông.
Bởi vì, theo Simon Sebag Montefiore, nhà sử học, nhà văn người Anh, Jerusalem cùng lúc "vừa là nhà của đấng Chúa Trời duy nhất, là thủ đô của hai dân tộc và là ngôi đền của ba tôn giáo (Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo)". Trong cách nhìn này, Jerusalem không chỉ là điều gì đó rất tuyệt mỹ mà còn là một cơn ác mộng.
Luật sư Danny Seidemann, chuyên gia về quan hệ Israel - Ả Rập, cho rằng "Jerusalem sẽ mãi mãi là mảng kiến tạo, nơi va chạm giữa các nền văn minh". Chiếc nôi của ba nền tôn giáo độc thần là hiện thân của những sự chia xé trong khu vực. Chính tại nơi đây, trên cùng một đỉnh đồi thiêng, nhưng có đến hai đền thờ - một cho người Do Thái với khu Núi Đền – và một cho người Hồi giáo, với đền thờ Al – Aqsa, khu thánh địa thứ ba của Hồi giáo, chỉ sau Mecca và Medina.
Chuyên gia về Israel, David Khalfa, Quỹ Jean Jaurès, lưu ý thêm rằng tại khu vực này, yếu tố tâm linh vượt qua cả sự lạnh lùng về địa chính trị. Việc phương Tây diễn giải các sự kiện theo cách giảm thiểu vai trò nổi trội của yếu tố tôn giáo xuống ở mức chỉ là những cuộc xung đột chính trị - lãnh thổ đã dẫn đến kết quả là tầm ảnh hưởng của những người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa theo tôn giáo ngày càng lớn và làm sụp đổ các tiến trình hòa bình.
"Một lãnh thổ, hai nhà nước" : Giải pháp khả dĩ ?
Đó còn là "một tấn bi kịch cho Miền Đất Hứa", như hàng tựa chính trên trang bìa L’Obs. Cuộc xung đột khủng khiếp này, bùng phát vào mùa thu năm nay, có nguồn gốc sâu thẳm trong lịch sử bạo lực, phức tạp và đầy mê hoặc từ gần ba ngàn năm. Tuần báo lược lại 33 thời điểm quan trọng trong lịch sử Israel, từ thời vua David (năm 1030 trước Công nguyên) cho đến thỏa thuận Abraham và các cuộc vận động thành lập Nhà nước Israel.
Tuy nhiên, đối với nhà sử học Vincent Lemire, ngày 07/10/2023, là "điểm khởi đầu cho hồi thứ năm, hồi kết cục". Trả lời phỏng vấn L’Obs, vị chuyên gia về Trung Đông lưu ý, vào thời điểm hồi kết này, rủi ro trở nên cực kỳ cao và do vậy cần có sự vận động của cộng đồng quốc tế để tìm kiếm một lối thoát mà ông cho là phải có tính "sáng tạo".
Theo ông, có hai kịch bản đang được nói đến : Thứ nhất là một Nhà nước Hai dân tộc, ở đó, người Do Thái và người Palestine sinh sống trong cùng một Nhà nước duy nhất, nhưng giải pháp này giờ khó thể nhắm đến. Thứ hai là phân chia lãnh thổ thành hai quốc gia thuần nhất – một giải pháp cũng khó thực thi do có đến 750 ngàn dân định cư Do Thái sinh sống ở Cisjordanie và Đông Jerusalem.
Trong bối cảnh này, nhà sử học đưa ra một giải pháp thứ ba, được cho là có nhiều triển vọng nhất, còn được gọi là "One Homeland, Two States", nghĩa là một lãnh thổ, hai nhà nước hay hai bộ máy chính quyền. Một giải pháp mà ông đánh giá là khả dĩ nhất cho an ninh hai dân tộc và nhà nước Israel.
Tóm lại như nhận định từ nhà sử học Simon Sebag Montefiore với tuần báo L’Express, "Thiết lập hòa bình là điều không dễ, đòi hỏi nhiều sự can đảm, tính hiện thực và một tầm nhìn".
Trung Quốc : Khế ước xã hội đã chấm dứt ?
Trở lại với thời sự Châu Á, Courrier International, trong số kép ra tuần trước, lược dịch bài viết trên Financial Times của Anh tự hỏi, "Phải chăng ở Trung Quốc, khế ước xã hội đã kết thúc ?"
Từ lâu giữa chính quyền Bắc Kinh và người dân tồn tại một "thỏa thuận ngầm" : Để đổi lấy nhiều hạn chế quan trọng về tự do chính trị mà Đảng cộng sản Trung Quốc áp đặt, người dân Trung Quốc được hứa hẹn có nhiều cơ hội làm giầu trên bình diện kinh tế.
Tuy nhiên, thỏa thuận đó dường như đang bị đảo lộn, thậm chí là có nguy cơ bị kết thúc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền. Khi lo lắng khối tư nhân đang trên đà bành trướng có thể làm lu mờ quyền lực của đảng, Tập Cận Bình tiến hành một chiến dịch trừ khử những người bất đồng chính kiến, siết chặt kỷ luật đảng bằng các đợt chống tham nhũng. Rồi Bắc Kinh có những chính sách Zero Covid khắt khe, các biện pháp mạnh chống lại các đế chế kỹ thuật số mà Mã Vân (Jack Ma) – người sáng lập tập đoàn Alibaba – là một nạn nhân điển hình. Song song đó là một chính sách đối ngoại ngày càng chuyên chế, hung hăng hơn gây bất mãn cho các nước láng giềng và nhiều đối tác phương Tây.
Hệ quả của nỗ lực tái cơ cấu xã hội từ thượng tầng là tăng trưởng ì ạch, thất nghiệp ở giới trẻ tăng cao, tiền lương của khoảng gần 300 triệu lao động nhập cư bị suy giảm, tầng lớp trung lưu thành thị mất nhiều nguồn thu do thị trường bất động sản sụp đổ, người giầu có nhìn thấy vị thế của mình bị lung lay dưới tác động của các chiến dịch trấn áp của chính quyền trong các lĩnh vực kỹ thuật số, tài chính và y tế. Và chỉ số đầu tư cũng vì thế bị giảm theo.
Trước kia lạc quan bao nhiêu, giờ xã hội Trung Quốc bắt đầu lo lắng cho tương lai bấy nhiêu !
Nguồn gốc chúng sinh !
L’Obs tuần này cũng dành nhiều trang giới thiệu sách của ông Christophe Sardet, nhà sinh học đồng sáng lập nhiệm vụ thám hiểm biển Tara Oceans và cũng là chuyên gia về sinh vật nổi và vi sinh vật, có tựa đề "Khởi thủy là một tế bào !"
Được trình bày dưới hình thức sách ảnh, Christophe Sardet kể và vẽ lại sự ra đời của sự sống như một câu chuyện thần tiên. Ban đầu được sinh ra từ một tế bào, bắt nguồn từ những hạt bụi các vì sao, tế bào này được làm sống dậy từ trong vực thẳm, tạo thành những mạng lưới và sự cộng sinh kết nối tất cả chúng sinh ngày nay. Một món quà Giáng Sinh đầy ý nghĩa !
Minh Anh
Có anh bạn đồng hương và đồng nghiệp trẻ, sau khi tình cờ biết rằng tôi là dân thuộc bộ lạc Tà Ru (tù ra) bèn nhỏ nhẹ khen :
Không thấy ai đi "cải tạo" về mà vẫn lành mạnh, bình thường như chú !
Chưa chắc đó đã là lời chân thật, và dù thật thì e cũng chỉ là câu khen trật (lất) thôi ! Nói tình ngay, tôi không được "bình thường" hay "lành mạnh" gì lắm. Tôi ít khi đề cập đến những năm tháng lao tù của mình, giản dị chỉ vì nó rất ngắn ngủi và vô cùng nhạt nhẽo.
Khi có dịp gặp gỡ những vị huynh trưởng, vốn đều là dân từ "chiến khu" ra (Vũ Ánh, Đoàn Viết Hoạt, Vũ Thư Hiên, Thanh Thương Hoàng, Phan Nhật Nam, Bùi Ngọc Tấn, Uyên Thao, Nguyễn Chí Thiện…) tôi luôn luôn chỉ "dựa cột mà nghe" – dù luôn uống khá nhiều – chứ tuyệt nhiên không hề dám "thưa thốt" (hay nói leo) một câu nào ráo.
Tổng cộng số ngày tôi đi "cải tạo", có lẽ, không nhiều hơn thời gian mà Nguyễn Chí Thiện ngồi trong chuồng xí (sau mấy lần tù) và chắc chưa bằng tổng số đêm mà Vũ Ánh hay Phan Nhật Nam nằm chèo queo trong những xà lim kiên giam ở A20 – Phú Yên – hay trại 5 Thanh Hóa.
Tôi cũng chả bị vu vạ cho những tội trạng tầy đình (xét lại, âm mưu lật đổ chính quyền, biệt kích cầm bút) như Đoàn Viết Hoạt, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, Uyên Thao, Thanh Thương Hoàng, và vô số tù nhân khác. Tội danh của tôi tuy nghe cũng nặng nề ("cầm súng chống lại nhân dân") nhưng vì chỉ là một sĩ quan hạng bét, và có hàng trăm ngàn thằng như thế nên không đứa nào bị hỏi cung hay tra vấn gì sất. Cái giá phải trả tương đối cũng nhẹ hều à : lao động cải tạo.
Chỉ có điều vô cùng "bất tiện" là chúng tôi chả bao giờ được cho ăn uống đàng hoàng hay no đủ cả. Với thời gian, cái đói – dường như – cũng từ lòng ruột "ngấm" luôn vào tiềm thức hay vô thức. Ngay cả trong giấc ngủ, tôi cũng chỉ mơ toàn khoai (với củ) chứ chưa hề thấy cá hấp, vịt quay, gà xối mỡ, chim cút rô ti, hay cua rang me (hoặc rang muối) một lần nào cả.
Tôi đói đến độ có thể nuốt cơm không, chả cần muối mắm gì, cũng vẫn thấy rất ngon. Hạt cơm vào miệng tan thành như sữa, ngấm tận kẽ răng, rồi trôi dần xuống họng. Nó trôi đến đâu là thấm thía, đậm đà, ngọt ngào tới đó.
Cũng từ đó, tôi nhìn thực phẩm (hạt ngô, hột đỗ, muỗm cháo, thìa mỡ, tán đường, cục kẹo …) bằng một đôi mắt khác – trân trọng đến độ bất thường – và hoàn toàn không được "lành mạnh" gì cho lắm ! Đôi lúc, tôi lớn tiếng quát tháo con cái (chỉ vì chúng bỏ dở chút thức ăn thôi) rồi cứ ân hận mãi về cái tính khí "không được bình thường" của mình !
Thế hệ chúng tôi không phải là những người Việt đầu tiên sống chung với… đói. Nhiều kẻ cũng bị lâm vào cảnh khốn cùng tương tự, từ giữa thế kỷ trước, dù họ chả có tội tình gì ráo :
Bán trôn rồi lại bán cả mồ hôi
Mà đói rét vẫn quần cho sớm tối !
Hai câu thơ trên Nguyễn Chí Thiện viết từ năm 1964. Mười năm sau, sau khi cuộc chiến Bắc/Nam đã chấm dứt, tình hình – xem ra – cũng không khác trước bao nhiêu :
"Sau năm 1975, chính quyền cộng sản Việt Nam cho phép các hộ gia đình được giết mổ lợn vào dịp tết nhưng phải xin giấy phép của UBND xã và nộp thuế sát sinh… Chuyện đụng lợn ngày tết cũng phải nói thêm rằng, đối tượng là những gia đình có mức sống trung bình trở lên chứ những hộ nghèo đói quanh năm thì chỉ dám mua vài cân thịt chui ở chợ đen. Trong 3 ngày tết, họ ăn thịt rang mặn với rau dưa là chính. Chỉ sáng mồng Một tết họ mới dám thịt con gà để cúng tổ tiên. Vì thế, mấy ngày trước tết, nếu nghe tiếng lợn kêu từ nhà nào vọng tới thì họ cũng chỉ biết thở dài và cảm thấy chạnh lòng nhìn lũ con đói cơm, rách áo" (1).
Miền Nam – tất nhiên – cũng thế, theo như lời của blogger Trần Ngọc Tuấn : "Khoảng thời gian 1976 – 1977... các chợ trời ở Miền Nam như Sài Gòn – Đà Nẵng – Huế không còn thấy sách nữa, thay vào đó là quần áo, máy nghe nhạc Akai, đồng hồ, xe đạp, xe máy, bàn ghế kiểu, salon, tủ chè, tủ lạnh, tivi... và cả bàn thờ. Cả trăm thứ đồ dùng dân sự, đồ nhà binh, thượng vàng hạ cám. Điều đó chứng tỏ người dân Miền Nam (tính từ Quảng Trị trở vào) đã lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn về kinh tế, về miếng ăn hàng ngày.
Thời gian, cũng như thời cuộc – may thay – đều không đứng về phía cường quyền nên việc "quản lý bao tử" không thể kéo dài mãi được. Chế độ tem phiếu buộc phải cáo chung. Blogger Lê Bá Vận kết luận : "Cộng sản dù là thứ chính cống cũng chịu hết nổi buộc phải từ bỏ chính sách Bác Hồ bao cấp để sửa sai, đổi mới. Đó là thời kỳ Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Kinh tế thị trường không chỉ giúp cho đám đông quần chúng được đủ no mà còn tạo ra một nhu cầu mới cho giới quan chức cao cấp ở Việt Nam, như phản ảnh của báo chí ở xứ sở này :
- Chiêm ngưỡng biệt phủ khổng lồ của gia đình Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa
- Biệt phủ hoành tráng của Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum
- Bộ Công Thương bác thông tin biệt thự siêu đẹp ở Hồ Tây
- Phó Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng xây biệt phủ trên đất rừng tại Vĩnh Phúc
- Chỉ đạo xử lý biệt phủ xây trái phép trên đất nông nghiệp ở Huế
- Biệt phủ thiếu minh bạch đang thách thức công luận
Điều đang "thách thức" công luận – thực ra – không phải là những biệt phủ/biệt thự nguy nga mà là tình cảnh sống chui rúc (như chuột bọ) của đám đông quần chúng. Báo Lao Động, số ra ngày 28/12/2020, cho biết :
"Theo kết quả kiểm toán chương trình nhà ở xã hội vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, tại Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến có 15 dự án nhà ở xã hội được xây dựng, hoàn thành nhưng đến tháng 7.2020 chưa có dự án nào hoàn thành".
Toàn là những "dự án ma" thôi thì làm sao mà "hoàn thành" được, mấy cha ? Phần lớn dân Việt nay có đủ ăn là đã "hạnh phúc" lắm rồi, chưa ai kịp nghĩ đến chuyện ở đâu. Họ "chỉ mỗi mong có cái bỏ vào mồm" thôi, theo như cách nói của bỉnh bút Thu Trân của trang Việt Nam Thời Báo.
Ngay cả đến một cặp vợ chồng nghệ sĩ lừng lẫy như Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh mà còn không có một chỗ trú thân tử tế thì nói chi đến đám công nhân lam lũ :
Khoảng không gian của anh và em
Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác
Anh không giấu em một nghĩ lo nào được
Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui.
Vấn đề chỉ trở nên phức tạp khiến thiên hạ lo sợ trong những ngày dịch bệnh vừa qua vì mức độ lây lan nhanh chóng do sự bẩn chật thôi. FB Đào Tuấn tường thuật :
Thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Văn Hồi kể trong đợt khảo sát vừa rồi, ông gặp trường hợp có gia đình 5-6 người sống trong căn phòng chỉ 7m2… Không hiểu họ ăn ở sinh sống thế nào khi mà chỉ thở thôi đã vật vã rồi. Nhưng đó chưa phải là sự tồi tệ nhất. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói : Nhiều phòng trọ chỉ 10m2, mà có tới 10 người chen nhau chung sống.
Trước phong tỏa, họ chia ca ngày đêm đi làm cũng đỡ. Bốn tháng hơn 120 ngày lockdown tất cả chui một chỗ 24/24. Không gian kín mít ở những nhà trọ ổ chuột như này chính là lý do vì sao số F0 dựng đứng suốt mấy tháng giời.
Lockdown không kéo dài hoài. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua thôi nhưng họa cộng sản thì e sẽ còn ở lại lâu. "Những nhà trọ ổ chuột" cũng thế, cũng sẽ tồn tại mãi mãi với chế độ hiện hành. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII – hôm 4 tháng 10 năm 2021 – Nguyễn Phú Trọng bầy tỏ sự lo âu :
"Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường".
Trong khi mà người dân đang cuống cuồng (như bầy kiến trên một que sắt nóng) thì điều duy nhất mà ông Tổng bí thư đương nhiệm quan tâm vẫn chỉ là là sự tồn vong của Đảng và Nhà Nước thôi, chứ còn chuyện ăn ở của đám dân đen thì chưa bao giờ được các đồng chí lãnh đạo mang ra bàn thảo trong suốt bốn kỳ ở hội nghị trung ương. Quí vị đại biểu quốc hội cũng vậy, cũng câm như hến ròng rã hai phần ba thế kỷ qua – nếu tính từ năm 1946.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 15/10/2021 (tuongnangtien's blog)
(1) FB Lê Hữu Nghiệp. "Đơn Xin Mổ Lợn Thời Bao Cấp" – 09/06/2021
Trọng Thành, RFI, 31/10/2020
Hải Quân Ấn Độ hôm 30/10/2020 thông báo kế hoạch cuộc tập trận hải quân đầu tiên của Bộ Tứ trên Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong khuôn khổ thao diễn quân sự truyền thống thường niên trên biển mang tên Malabar, do Ấn Độ chủ trì. Cuộc tập trận có sự tham gia của một chiến hạm Úc.
Theo thông báo của Hải Quân Ấn Độ, cuộc tập trận Malabar lần thứ 24 được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một từ ngày 03/11 đến ngày 06/11, tại vịnh Bengale, vùng biển phía đông Ấn Độ. Giai đoạn hai, từ ngày 17 đến 20/10, diễn ra tại vịnh Ả Rập, vùng biển phía tây Ấn Độ. Mục tiêu của tập trận là nâng cao năng lực phối hợp tác chiến giữa hải quân các quốc gia Bộ Tứ, với mục tiêu chung bảo vệ "một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp".
Cuộc tập trận của hải quân Bộ Tứ giai đoạn một sẽ do chuẩn đô đốc Sanjay Vatsayan, chỉ huy hạm đội phía Đông của Ấn Độ phụ trách. Tham gia vào cuộc tập trận, về phía Ấn Độ, có khu trục hạm Ranvijay, tàu hộ tống Shivalik, tuần dương hạm Sukanya, tàu hậu cần Shakti và tàu ngầm Sindhuraj. Về phía Mỹ, có khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John McCain, khu trục hạm Nhật Bản JS Onami, chở trực thăng, và chiến hạm Úc HMAS Ballarat, cùng với trực thăng. Nhiều phi cơ tuần thám biển P-81 và trực thăng cũng tham gia vào cuộc tập trận.
Giai đoạn một của cuộc tập trận Malabar sẽ tập trung vào các bài tập phức hợp, bao gồm các hoạt động phối hợp tác chiến trên mặt biển, chống tàu ngầm, phòng không, bắn đạn thật.
Tham vọng bành trướng của Trung Quốc, trong đó có Biển Đông, là một trong những lý do khiến bốn quốc gia Bộ Tứ Mỹ Ấn Nhật Úc buộc phải xích lại gần nhau, đặc biệt với việc thúc đẩy các hợp tác về quân sự. Úc thông báo quyết định tham gia tập trận Bộ Tứ vào đầu tháng 10, New Delhi chính thức gửi lời mời hồi giữa tháng. Năm 2017, New Delhi từng từ chối yêu cầu của Úc muốn tham gia cuộc tập trận hải quân ba bên Ấn-Mỹ-Nhật vì không muốn khiêu khích Trung Quốc.
Trọng Thành
********************
Thanh Hà, RFI, 28/10/2020
Kết thúc đối thoại 2+2 giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ ngày 27/10/2020, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố "sát cánh với New Delhi trước mọi mối đe dọa" và cam kết yểm trợ Ấn Độ tăng cường khả năng phòng thủ "bảo vệ chủ quyền". Đây là một thông điệp mạnh mẽ của Mỹ nhắm tới Trung Quốc.
Tờ báo Ấn Độ India Express nhắc lại thỏa thuận hợp tác về không gian địa lý BECA đạt được giữa bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước hôm 27/10 là hiệp định quân sự thứ ba mà Ấn Độ và Mỹ đã ký kết trong bốn năm trở lại đây. Văn bản này cho phép Hoa Kỳ chia sẻ công nghệ quân sự, cung cấp bản đồ không gian địa lý và thiết bị định vị cho không quân Ấn Độ. Với thỏa thuận BECA, Mỹ cũng sẽ cung cấp các dữ liệu vệ tinh nhạy cảm cho New Delhi.
Sau phát biểu của ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper trực tiếp gắn liền thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự Mỹ - Ấn với những "hành vi hung hăng của Trung Quốc gây bất ổn" trong khu vực Châu Á và Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Phát biểu trên đài RFI, tướng Dominique Trinquand, nguyên cố vấn quân sự Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc, đã nhấn mạnh đến yếu tố Trung Quốc trong hợp tác quân sự Mỹ - Ấn :
"Một cách chính xác hơn, thỏa thuận này bao gồm những trao đổi dữ liệu cho phép vệ tinh định vị một số điểm nhắm tới, đồng thời cung cấp cho chiến đấu cơ Ấn Độ những thông tin chính xác hơn mà vệ tinh Mỹ đã thu thập được.
Đối với phía Ấn Độ, thay đổi quan trọng ở đây là Washington tạo cho New Delhi một ưu thế qua việc gián tiếp hỗ trợ đối tác Châu Á này nâng cao khả năng phòng thủ so với các đối thủ sát cạnh, có nghĩa là Pakistan và Trung Quốc.
Cần đặt vấn đề trong bối cảnh chung, đó là cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ nhiều năm qua. Dưới chính quyền Trump, sự đối đầu đó càng lúc càng quyết liệt hơn. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói thỏa thuận quân sự Mỹ - Ấn lần này chứng tỏ Washington yểm trợ New Delhi, xem Ấn Độ là một đồng minh ưu tiên trong cuộc đọ sức với Trung Quốc cả về mặt kinh tế lẫn quân sự".
Thanh Hà
*********************
Mai Vân, RFI, 27/10/2020
Ngày 27/10/2020, Đối Thoại 2+2 cấp bộ trưởng lần thứ ba giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đã mở ra tại New Delhi, với sự tham dự của ngoại trưởng Mike Pompeo và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper về phía Mỹ, và hai đồng nhiệm Subrahmanyam Jaishankar và Rajnath Singh phía Ấn Độ. Ngay trước khi cuộc họp khai mạc, bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho biết New Delhi đã đạt được một thỏa thuận quân sự với Washington về việc chia sẻ dữ liệu vệ tinh rất nhạy cảm.
Trong cuộc gặp riêng diễn ra trước buổi họp 2+2, hai bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ-Ấn đã thảo luận thêm về Thỏa Thuận hợp tác về không gian địa lý BECA, cho phép chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp, bản đồ không gian địa lý và dữ liệu vệ tinh nhạy cảm giữa quân đội hai nước. Công cuộc hợp tác này sẽ giúp Ấn Độ nâng cao khả năng hoạt động chính xác của tên lửa và máy bay không người lái, qua đó tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quân sự song phương.
Theo hãng tin Anh Reuters, một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết là Thỏa Thuận BECA cũng sẽ cho phép Hoa Kỳ cung cấp các thiết bị hỗ trợ định vị và thiết bị điện tử hàng không tiên tiến trên các máy bay do Mỹ cung cấp cho Ấn Độ. Từ năm 2007 đến nay, các công ty Mỹ đã bán cho Ấn Độ hơn 21 tỷ đô la vũ khí.
Trong một thông cáo, bộ Quốc Phòng Ấn Độ xác nhận là Thỏa Thuận BECA sẽ được hai bên ký kết trong ngày 27/10.
Cũng trong lãnh vực hợp tác quân sự, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper đã hoan nghênh việc Úc sẽ tham gia các cuộc tập trận Hải Quân chung vào tháng tới với Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản ngoài khơi Vịnh Bengal.
Việc Ấn Độ mời Úc tham gia cuộc tập trận là một chuyển biến quan trọng, vì New Delhi cho đến gần đây vẫn tránh mở rộng cuộc tập trận song phương với Mỹ cho nước khác tham gia, trong bối cảnh Trung Quốc luôn phản đối các cuộc tập trận đa phương.
Về phần mình, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa đã cho rằng Ấn Độ và Hoa Kỳ phải tập trung đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Phát biểu trước khi vào phòng họp hôm nay, ông Pompeo khẳng định rằng Đối Thoại 2+2 là dịp để hai "nền dân chủ lớn" là Mỹ và Ấn xích lại gần nhau hơn, và hai bên "chắc chắn còn nhiều việc phải làm".
Về nội dung mà các bộ trưởng sẽ thảo luận, ông Pompeo cho biết : "Hôm nay chúng ta có rất nhiều điều để thảo luận : Sự hợp tác của chúng ta để đối phó với đại dịch bắt nguồn từ Vũ Hán, để đối đầu với các mối đe dọa của đảng Cộng Sản Trung Quốc đối với an ninh và tự do, nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong toàn khu vực".
Sau Ấn Độ, ông Pompeo sẽ đến Sri Lanka và Maldives, hai nước vùng Ấn Độ Dương từng được Trung Quốc cho vay để xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng khác nhau, một hành động bị cáo buộc là giăng bẫy nợ.
Vào tuần trước, một quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề Nam Á và Trung Á trong bộ Ngoại Giao Mỹ đã nhấn mạnh rằng Sri Lanka cần phải quyết tâm bảo đảm sự độc lập kinh tế đối với Trung Quốc.
Trung Quốc, qua lời đại sứ của họ tại thủ đô Sri Lanka, hôm nay đã lên tiếng đả kích chuyến thăm của ông Pompeo, cho rằng Mỹ không nên "bắt nạt" Sri Lanka.
Mai Vân
Ngày 05/08/2019, New Delhi bất ngờ thông báo chấm dứt quyền tự trị của vùng Kashmir, thiết quân luật tại xứ này. Quyết định đơn phương của chính phủ Modi bị Pakistan cực lực lên án. Cộng đồng quốc tế lo ngại bạo lực bùng phát ngoài tầm kiểm soát tại vùng đất Nam Á này, có thể tưới thêm dầu vào lửa xung đột tại nhiều nơi trong vùng.
Xứ Kashmir, vùng lãnh thổ nằm giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh minh họa
Vùng Kashmir nằm ở đâu và tình hình khu vực này ra sao trước khi có quyết định bất ngờ của chính quyền Modi ?
Vùng Kashmir nằm ở phía bắc tiểu lục địa Ấn Độ, thuộc dãy Himalaya. Sau khi đế quốc Anh Quốc từ bỏ quyền kiểm soát tiểu lục địa Ấn Độ năm 1947, nước Ấn Độ thuộc địa cũ của Anh tách làm hai, một phần thuộc Ấn Độ, phần kia trở thành Pakistan (năm 1971, tỉnh Đông Pakistan giành độc lập, trở thành Bangladesh).
Kashmir vốn là khu vực có đa số dân theo đạo Hồi, người đứng đầu Kashmir – theo Ấn Độ giáo - quyết định tham gia vào liên bang Ấn Độ, với điều kiện vùng đất này được hưởng quyền tự trị rộng rãi. Sau cuộc can thiệp của quân đội Ấn Độ chống lại các lực lượng Pakistan ở Kashmir, năm 1949, vùng đất này tách làm hai, với đường ranh giới tạm thời dài khoảng 1.000 km. Hai phần ba lãnh thổ Kashmir trước đây thuộc Ấn Độ (1), một phần ba thuộc Pakistan.
Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Kashmir về quyền tự quyết của người dân xứ này, nhưng trưng cầu dân ý chưa bao giờ diễn ra. Cả hai bên Ấn Độ và Pakistan đều sợ người dân Kashmir đòi độc lập.
Vùng Kashmir thuộc Ấn Độ hiện nay mang tên Bang Jammu và Kashmir, rộng hơn 200.000 km², với 12,5 triệu dân. Bang này gồm hai khu vực. Khu phía tây đông đúc dân cư, mà đa số theo đạo Hồi, khu phía đông, có sa mạc Ladakh, dân cư thưa thớt, đa số theo đạo Phật.
Vùng Kashmir được hưởng tự trị rộng rãi theo điều 370 Hiến pháp Ấn Độ. Điều khoản này cho phép Bang Jammu và Kashmir có Hiến pháp riêng, quốc kỳ riêng. Đặc biệt là chính quyền liên bang Ấn Độ phải để cho chính quyền Kashmir và Nghị Viện xứ này toàn quyền kiểm soát các công việc nội bộ. Nói một cách khác, luật được New Delhi thông qua sẽ không được áp dụng tại xứ Kashmir, ngoài một số lĩnh vực như quốc phòng, đối ngoại.
Quyết định chấm dứt quyền tự trị của New Delhi có các hệ quả gì đối với khu vực này ?
Hiện thời quyết định của chính phủ Modi đã được Thượng Viện và Hạ Viện phê chuẩn. Tiếp theo đó, Tòa Án Tối Cao sẽ phải xem xét quyết định của chính phủ có hợp lệ hay không. Cho đến nay, về cơ bản, định chế tư pháp tối cao này của Ấn Độ vẫn tỏ ra độc lập, bất chấp các áp lực chính trị, như nhà nghiên cứu Christophe Jaffrelot (Ceri) nhấn mạnh. Tòa Án Tối Cao có thể bác sắc lệnh của thủ tướng Ấn.
Tuy nhiên, nếu sắc lệnh của chính phủ được tư pháp Ấn Độ chấp thuận thì sẽ có hai thay đổi đáng kể. Trước hết, xứ Jammu và Kashmir sẽ không còn là một bang của liên bang Ấn Độ nữa, mà chỉ còn là một vùng lãnh thổ do New Delhi trực tiếp quản lý, lực lượng cảnh sát sẽ do chính quyền trung ương điều động.
Thay đổi lớn thứ hai là các công dân bên ngoài cũng có quyền sở hữu bất động sản tại Kashmir, các chức vụ lãnh đạo chính quyền của xứ này cũng có thể do công dân Ấn Độ đến từ những nơi khá đảm nhiệm, người từ nơi khác nếu cư trú ổn định tại Kashmir cũng có quyền đi bỏ phiếu. Với thay đổi này, người dân Kashmir đặc biệt lo ngại là chính quyền trung ương sẽ tìm cách đưa dân chúng nơi khác đến Kashmir, làm thay đổi cơ bản thành phần dân cư tại xứ sở này.
Nhà báo Sébastian Farcis từ New Delhi cho biết nhiều người tại Kashmir coi sắc lệnh của chính phủ Modi là một "sự phản bội tột cùng", bởi điều 370 Hiến pháp - mà chính phủ Modi tuyên bố hủy bỏ - là "mối dây liên hệ duy nhất" giữa chính quyền trung ương và xứ này. Theo Hiến pháp Ấn Độ, điều 370 chỉ có thể bị hủy bỏ với sự đồng ý của Nghị Viện lập hiến Kashmir. Do Nghị Viện này đã giải thể từ năm 1957, nên nhiều người cho rằng quy chế tự trị của Kashmir là không thể thay đổi, trừ phi có việc bầu ra một Nghị Viện lập hiến mới.
Nếu mối liên hệ pháp lý giữa Kashmir với New Delhi với điều 370 mang tính biểu tượng này bị cắt đứt, thì quân đội Ấn Độ hiện diện tại Kashmir sẽ bị xem như là "lực lượng chiếm đóng" (2). Trong bối cảnh các thế lực ly khai phát triển mạnh trong những năm gần đây, quyết định này sẽ chỉ khiến cho các lực lượng cực đoan - thân Al-Qaida hay các thế lực khác – có nguy cơ sẽ ngày càng được lòng dân hơn.
Tại sao chính quyền Modi lại tước quyền tự trị của vùng Kashmir vào thời điểm này ?
Đã 70 năm nay, các thế lực dân tộc chủ nghĩa tại Ấn Độ muốn chấm dứt quy chế đặc biệt của xứ Kashmir. Đảng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ chưa bao giờ công nhận quy chế tự trị của Kashmir. Chính phủ dân tộc chủ nghĩa của ông Narendra Modi, thủ tướng từ năm 2014, vừa tái đắc cử tháng 5 vừa qua, đã nhiều lần hứa hẹn sẽ chấm dứt quy chế tự trị của Kashmir.
Về tình hình tại chỗ, xứ Kashmir đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng từ một năm nay. Nghị Viện Kashmir bị giải thể tháng 11/2018, sau khi liên minh cầm quyền tan vỡ. Kể từ đó Kashmir trực tiếp bị đặt dưới sự điều hành của chính quyền trung ương.
Theo nhiều nhà quan sát, với quyết định chấm dứt quy chế tự trị của Kashmir, chính phủ Modi muốn đánh lạc hướng dư luận. Với hơn 170 triệu người nghèo (theo thống kê năm 2015 của Ngân Hàng Thế Giới), Ấn Độ chiếm đến gần một phần tư dân nghèo thế giới. Thêm vào đó, kinh tế Ấn Độ hiện đang tăng trưởng chậm lại, đầu tư sụt giảm. Theo nhà nghiên cứu Jaffrelot, giờ là lúc chính quyền phải tìm ra một lý do cho phép kéo lạc hướng dư luận, mà không gì đơn giản hơn là sử dụng lá bài dân tộc chủ nghĩa để kích động dân chúng.
Các hệ quả của quyết định này trên phương diện quốc tế ?
Trước hết, về mặt khu vực, quyết định này làm căng thẳng thêm quan hệ Ấn Độ - Pakistan, vốn đã tồi tệ. Islamabad tuyên bố sẽ làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn quyết định "bất hợp pháp" này. Biểu tình phản đối diễn ra tại thành phố lớn nhất của Pakistan tại xứ Kashmir. Quân đội Pakistan tuyên bố sát cánh với người Kashmir.
Về mặt quốc tế, quyết định bất ngờ của chính quyền New Delhi đặc biệt gây khó khăn cho việc giải quyết khủng hoảng Afghanistan, kéo dài từ 18 năm nay, với việc quân Mỹ triệt thoái. Hoa Kỳ cần đến Pakistan trong vai trò trung gian để đàm phán với phe nổi dậy Taliban. Nếu Mỹ không ủng hộ các lợi ích của Pakistan tại Kashmir, sau quyết định đơn phương của chính phủ Modi, thì Pakistan có thể sẽ không hậu thuẫn Washington trong các đàm phán với Taliban.
Tổng thống Mỹ vừa thông báo sẵn sàng làm môi giới cho các thương lượng về Kashmir giữa New Delhi và Islamabad, nhưng Ấn Độ ngay lập tức bác bỏ, và cho rằng đây là vấn đề thuộc quan hệ song phương.
Báo Le Monde, trong bài tổng thuật về tấn bi kịch Kashmir kéo dài từ hơn 70 năm qua "5 hồi", nhận xét : hồi thứ 5 của bi kịch đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Với quyết định điều động quân đội, thiết quân luật và tước quyền tự trị của xứ Kashmir đầu tháng 8 này, chính quyền của ông Modi đang trên đường biến vùng Kashmir, vốn đã căng thẳng, thành một lò thuốc súng "Cận Đông" mới.
Những gì đang diễn ra hiện nay có thể là đỉnh điểm của tấn bi kịch kéo dài từ hơn 70 năm nay với người dân Kashmir. Mô hình Nhà nước đa tôn giáo, đa văn hóa của nước Ấn Độ dân chủ bị thách thức nghiêm trọng (3). Điều này lại càng nghiêm trọng hơn, khi tại xứ Tân Cương (viễn tây Trung Quốc) và miền tây Miến Điện, hàng triệu người theo đạo Hồi (người Duy Ngô Nhĩ và người Rohingya) đang bị chính quyền các nước này đàn áp khốc liệt.
Trọng Thành
(Tổng hợp từ Le Monde, Le Figaro, Libération và France Info)
Nguồn : RFI, 07/08/2019
Ghi chú :
1. Năm 1962, sau cuộc chiến biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc chiếm khu vực Aksai Chin, với diện tích hơn 37.000 km², ở đông bắc Kashmir.
2. Nhận định của Shail Bukhari, phát ngôn viên đảng PDP, đảng lớn nhất vùng Kashmir, có hai nghị sĩ tại Quốc Hội Ấn Độ. Hai dân biểu Kashmir đã xé bỏ bản Hiến pháp liên bang ngay tại Quốc Hội Ấn Độ để bày tỏ thái độ.
3. Bang Jammu và Kashmir là bang duy nhất ở Ấn Độ nơi cư dân theo đạo Hồi chiếm đa số.
*******************
Kashmir : Pakistan trục xuất đại sứ Ấn Độ
RFI, 08/08/2019
Ngày 07/08/2019, Pakistan thông báo trục xuất đại sứ Ấn Độ tại Islamabad, triệu hổi đại sứ Pakistan ở New Delhi, đồng thời tạm ngưng quan hệ thương mại song phương với nước láng giềng.
Biểu tình tại Karachi, Pakistan, ủng hộ người dân Kashmir, ngày 06/08/2019.Reuters
Đây là phản ứng của Pakistan đối với quyết định hủy quy chế tự trị của vùng Cashemire. Sonia Ghenzali, thông tín viên từ Islamabad, cho biết thêm chi tiết :
"Nghị viện Pakistan nổi giận. Các nghị sĩ phát biểu trong phiên họp lưỡng viện Quốc Hội hôm nay đã dùng những từ ngữ nặng nề nhất.
Fawad Chaudhry, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, tuyên bố : "Tôi yêu cầu Quốc Hội không được để Cashemire biến thành Palestine thứ hai. Chúng ta không thể sống với nỗi nhục nhã này. Nếu phải chiến đấu, chúng ta sẽ chiến đấu".
Các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, các bộ trưởng đều lên tiếng yêu cầu chính phủ Pakistan phải có hành động mạnh mẽ trong vấn đề này.
Bằng việc trục xuất đại sứ Ấn Độ và tạm ngưng quan hệ thương mại song phương, chính quyền Pakistan đã tiến thêm một bước. Islamabad, nước này hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ can thiệp vào vấn đề Cashemire nhằm buộc Ấn Độ ngồi vào bàn đàm phán. Sau cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia, dưới sự chủ tọa của thủ tưởng Pakistan Ismran Khan với Ban cố vấn an ninh quốc gia, một trong những giải pháp được đưa ra là kiến nghị lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Đáp lại hành động của Pakistan, hôm nay, chính phủ New Delhi cho rằng Kashmir là "vấn đề nội bộ" của Ấn Độ. Chiều nay, thủ tướng Narendra Modi ngỏ lời với toàn dân để giải thích về quyết định hủy bỏ quy chế tự trị của vùng Kashmir.
*******************
Ấn Độ : Hạ Viện thông qua việc rút quy chế tự trị của vùng Kashmir
Thùy Dương, RFI, 07/08/2019
Với đa số phiếu ủng hộ, sau Thượng Viện, tối hôm qua, 06/08/2019, tới lượt Hạ Viện Ấn Độ thông qua việc rút quy chế tự trị của vùng Kashmir, và thành lập một vùng mới được đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của chính quyền New Delhi.
An ninh Ấn Độ canh gác tại Jammu, Kashmir, ngày 5/8/2019. Reuters/Mukesh Gupta
Đối với đảng cầm quyền của thủ tướng Ấn Độ, đảng Dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP, đây là một chiến thắng quan trọng. Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sebastien Farcis nhận định quyết định của chính phủ Narendra Modi có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả :
"Việc bãi bỏ điều khoản 370, vốn bảo đảm quyền tự trị của vùng Kashmir, là một trong những cam kết lâu đời nhất của đảng Dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP, nhưng đây cũng là một trong những cam kết khó thực hiện nhất, đặc biệt là vì những khó khăn về pháp lý và sự phản đối dữ dội của người dân Kashmir trước việc New Delhi đòi sáp nhập vùng này.
Mặc dù vậy, thủ tướng Narendra Modi đang có thế mạnh. Ông đã dựa vào việc được dân chúng tín nhiệm, nhất là từ khi tái cử thủ tướng hồi tháng 05 vừa qua. Thủ tướng Narendra Modi cũng hưởng lợi từ việc phe đối lập đang suy yếu và bị chia rẽ.
Đối với đảng của thủ tướng và nhất là đối với rất nhiều người Ấn Độ gắn bó với vùng Kashmir, ông Narenda Modi giờ đây được coi là một người anh hùng đang củng cố chủ quyền của Ấn Độ tại vùng đất bất trị này.
Thế nhưng, đối với nhiều luật gia, việc dùng một sắc lệnh của tổng thống để thay đổi phương thức lãnh đạo của chính quyền của một bang là một hành động sai lệch. Chính phủ thậm chí còn không tham khảo ý kiến của chính quyền vùng Kashmir, tức là đã xem thường nguyên tắc cơ bản về quyền tự quyết của một dân tộc.
Một đơn kháng nghị đã được đệ trình lên Tòa Án Tối Cao để hủy bỏ cải cách này. Rất có thể sẽ có một trận chiến pháp lý kéo dài và mang tính sống còn trong những năm tới đây".
Quyết định của Ấn Độ về việc rút quy chế tự trị của vùng Cachermire cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Trung Quốc và Pakistan. Trong một thông cáo, hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng hành động của New Delhi là "không thể chấp nhận được" và "sẽ không có bất cứ hiệu lực pháp lý nào". Bắc Kinh kêu gọi Ấn Độ tuân thủ các thỏa thuận với Pakistan để tránh gây thêm căng thẳng ở khu vực biên giới.
Trong khi đó, tại Pakistan, tướng Qamar Javed Bajwa tuyên bố quân đội Pakistan ủng hộ đến cùng quyền tự trị của người dân Kashmir và đã sẵn sàng để thực hiện điều đó. Lãnh đạo quân đội Pakistan còn dọa sẽ kiến nghị lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và kiện Ấn Độ ra trước Tòa Án Công lý Quốc Tế.
Người biểu tình thiệt mạng đầu tiên
Hôm nay 07/08, một nguồn tin cảnh sát ở vùng Kashmir cho biết, một người dân tham gia biểu tình phản đối quyết định của chính quyền Narendra Modi đã thiệt mạng trong lúc bị cảnh sát truy bắt. Đây là người đầu tiên thiệt mạng kể từ khi thủ tướng Modi ra sắc lệnh rút quy chế tự trị của vùng Kashmir hôm thứ Hai 05/08.
Thùy Dương
Kashmir : New Delhi bắt lãnh đạo người Hồi, Pakistan phẫn nộ (RFI, 06/08/2019)
Một ngày sau khi hủy bỏ quy chế tự trị vùng Kashmir thuộc Ấn, New Delhi ra lệnh bắt giam ba nhà lãnh đạo chính trị theo đạo Hồi tại địa phương với lý do ngăn ngừa biểu tình nổi loạn. Chưa rõ phản ứng của người Hồi tại Kashmir thuộc Ấn ra sao do liên lạc bị cắt đứt, nhưng quyết định bí mật của chính quyền Modi gây ra một làn sóng phẫn nộ tại Pakistan.
Biểu tình ủng hộ Kashmir tại New Delhi (Ấn Độ), ngày 05/08/2019. Reuters/Danish Siddiqui
Cả hai nước đều khẳng định chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ Kashmir, cho dù từ khi chia đôi vào năm 1947, mỗi nước kiểm soát một nửa, theo quy chế tự trị.
Từ Islamabad, thông tín viên Sonia Ghezali tường thuật :
"Dawn, nhật báo Anh ngữ của Pakistan, chạy tựa lớn : "New Delhi đã công khai phô bày tâm địa tước đoạt quy chế đặc biệt của Kashmir". Dưới tựa báo là một loạt bài dành cho chủ đề nóng bỏng này và cho biết Quốc Hội Pakistan được triệu tập khẩn cấp.
Về phần quân đội, một cuộc họp của các tướng lãnh diễn ra trong ngày hôm nay, trong bối cảnh tình hình dọc theo chiến tuyến rất căng thẳng từ mấy tuần qua.
Trên mạng xã hội tràn ngập những lời báo động và kêu gọi "Kashmir bị đe dọa", "Máu đổ tại Kashmir" «Hãy cứu Kashmir SOS"…
Các nhân vật có tiếng tăm cũng lên tiếng. Diễn viên Hamza Ali Abbasi thúc giục giới văn nghệ sĩ tham gia. Nhiều tài tử điện ảnh và truyền hình Pakistan kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có hành động : Tại sao Liên Hiệp Quốc chưa lên tiếng phản đối chính sách thô bạo của Ấn Độ ?
Hôm qua, ngoại trưởng Pakistan khẳng định Islamabad ủng hộ quyền dân tộc tự quyết tại Kashmir và cảnh giác "Liên Hiệp Quốc, các nước bạn, tổ chức nhân quyền về nguy cơ thanh lọc diệt chủng tại Kashmir".
Trang mạng của đài truyền hình Geonews cho biết người vợ của Yasin Malik, nhân vật lãnh đạo phong trào Giải phóng Jammu-et-Kashmir, thay chồng hiện đang ngồi tù tại Ấn Độ, tiếp tục tranh đấu. Bà kêu gọi Pakistan đưa vấn đề ra Hội Đồng Bảo An".
Theo AFP, trong ngày hôm nay, nhiều cuộc biểu tình lớn phản đối Ấn Độ diễn ra tại Kashmir thuộc Pakistan, thành phố biên giới Lahore và thủ đô Islamabad.
Tú Anh
***************
Ấn Độ hủy quy chế tự trị của vùng Kashmir (RFI, 05/08/2019)
Chính quyền New Dehli ngày 05/08/2019 thông báo rút bỏ quy chế tự trị đối với vùng Kashmir. Ngay lập tức, điện thoại và Internet đã bị cúp. Các lãnh đạo địa phương bị quản thúc tại gia.
Binh lính Ấn Độ đi tuần tra và tiến hành các hoạt động kiểm soát trên các đường phố ở Jammu, vùng Kashmir, ngày 05/08/2019. Rakesh BAKSHI / AFP
Sắc lệnh tổng thống được ban hành và có "hiệu lực ngay tức thì, đồng thời thay thế nhanh chóng" các điều khoản Hiến pháp có liên quan đến toàn vùng Jammu và Kashmir. Văn bản này đã được đích thân bộ trưởng nội vụ thông báo với Nghị Viện.
Sắc lệnh chấm dứt một quy chế đặc biệt mà Kashmir được hưởng cho đến lúc này. Vùng tự trị Kashmir có đa số dân theo đạo Hồi, nhưng Pakistan đòi hỏi một phần chủ quyền lãnh thổ. Như vậy, quy định cấm những người không thuộc vùng Kashmir có các giao dịch đất đai tại khu vực cũng sẽ bị hủy bỏ.
Ngay sau khi thông báo được đưa ra, chính quyền Ấn Độ đã hạn chế việc tự do lưu thông và đóng cửa tất cả các trường học ở Srinagar. Trước khi Internet bị cúp, trên Twitter, một số lãnh đạo địa phương cho biết bị quản thúc tại gia trong khi một số khác lo ngại về nguy cơ bị bắt giữ.
Pakistan đã ngay lập tức lên án quyết định "phi pháp" của Ấn Độ.
Từ cuối tuần qua, căng thẳng tại vùng Kashmir đã gia tăng đột biến. New Dehli thông báo gởi thêm 35.000 quân, với lý do Pakistan chuẩn bị một đợt tấn công khủng bố có quy mô. Hôm thứ Sáu, 02/08, chính phủ Ấn Độ cấm tổ chức hành hương và yêu cầu du khách hay giới kinh doanh rời khu vực này.
Minh Anh
*******************
Ấn Độ ồ ạt đưa quân đến Kashmir đối đầu Pakistan, nguy cơ chiến tranh bùng nổ (Người Việt, 04/08/2019)
Chính quyền tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào lúc sáng sớm ngày thứ Hai 5/8, đã ra lệnh khóa chặt nhiều nơi tại khu vực này, trong khi quân đội Ấn Độ đưa hàng chục ngàn lính tới nơi này, tạo nguy cơ có chiến tranh lớn với Pakistan.
Quân đội Ấn Độ tuần tiễu tại thủ phủ Srinagar trong vùng Kashmir thuộc Ấn Độ. (Hình : AP Photo/ Dar Yasin)
Theo bản tin của hãng thông tấn AFP, mọi liên lạc viễn thông trong khu vực đều bị cắt đứt để tin tức không lọt ra ngoài. Mọi hệ thống điện thoại di động, internet, đường dây điện thoại nhà, đều không hoạt động. Hàng chục ngàn du khách cũng được chính quyền Ấn Độ yêu cầu ra khỏi khu vực này.
Các giới chức cao cấp trong chính quyền địa phương cũng như các giới chức an ninh đã được cung cấp điện thoại vệ tinh để dễ dàng liên lạc và nhận chỉ thị, theo các nguồn tin thông thạo.
Trước khi gián đoạn liên lạc, một số chính trị gia cao cấp phía đối lập ở vùng Kashmir gửi tweet ra nói rằng họ đang bị quản thúc tại gia.
Vùng Kashmir trong dãy Hy Mã Lạp Sơn là nơi thường xuyên có tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Trong vài ngày qua, tình trạng đối đầu trở nên gay go hơn với các cuộc đụng độ giữa các đơn vị biên phòng của hai quốc gia.
Pakistan và Ấn Độ chia nhau kiểm soát vùng Kashmir kể từ năm 1947 tới nay. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều cho rằng khu vực này thuộc toàn quyền kiểm soát của mình.
Một giới chức chính quyền tại thủ phủ Srinagar thuộc khu vực do Ấn Độ kiểm soát nói rằng tất cả các trường học đều đóng cửa và có lệnh cấm dân chúng tụ tập hoặc biểu tình trong lúc này.
Tình trạng căng thẳng hiện nay đã kéo dài từ 10 ngày trước, sau khi chính quyền New Delhi đưa ít nhất 10,000 quân tới nơi đây.
Một nguồn tin thông thạo nói chính phủ Ấn sẽ sớm đưa thêm 70.000 quân nữa, đưa quân số Ấn ở khu vực này lên mức cao chưa từng thấy.
Chỉ ít tháng trước đây, một đoàn xe chở lính biên phòng Ấn Độ bị tấn công bằng bom khiến nhiều người thiệt mạng. Phía Ấn Độ cáo buộc đây là hành động của các nhóm khủng bố do Pakistan hỗ trợ gây ra, sau khi xâm nhập từ phía lãnh thổ Pakistan.
Trong các cuộc giao tranh trên bộ cũng như trên không diễn ra sau đó, có ít nhất là một chiến đấu cơ Ấn Độ bị phía Pakistan bắn rơi và cũng có tổn thất lớn về nhân mạng cho cả đôi bên.
V.Giang
Hải quân Ấn Độ và Pháp tập trận rầm rộ, Trung Quốc trong tầm nhắm (RFI, 11/05/2019)
Vào hôm 10/05/2019, trên vùng biển Ấn Độ Dương, ngoài khơi bang Goa ở miền tây Ấn Độ, Hải quân Pháp và Ấn Độ đã khai mạc một cuộc tập trận với quy mô lớn, huy động đến hai hàng không mẫu hạm, trong đó có chiếc tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đang có mặt tại Châu Á. Dù không được bên nào nêu đích danh, nhưng Trung Quốc được cho là đối tượng mà cả Pháp lẫn Ấn đều dè chừng.
Tầu sân bay Pháp Charles de Gaulle, tham gia tập trận cùng với Hải quân Ấn Độ ở vùng Ấn Độ Dương, từ ngày 10/05/2019. Reuters/Christophe Simon
Cuộc tập trận huy động đến hơn một chục chiến hạm và tàu ngầm từ cả hai phía. Về phía Pháp, ngoài tàu sân bay Charles de Gaulle, còn có hai khu trục hạm FNS Forbin và FNS Provence, hộ tống hạm FNS Latouche-Tréville, tàu tiếp liệu FNS Marne, và một tàu ngầm hạt nhân không được nêu tên.
Lực lượng Hải quân Ấn Độ cũng huy động tàu sân bay INS Vikramaditya, tàu khu trục INS Mumbai, hộ tống hạm INS Tarkash, tàu tiếp liệu INS Deepak và tàu ngầm INS Shankul.
Cuộc tập trận quy mô được hai nước tiến hành trong bối cảnh những tuyến đường vận tải chiến lược trên Ấn Độ Dương bị nhiều thế lực dòm ngó. Theo hãng tin Pháp AFP, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng cả Ấn Độ lẫn Pháp đều quan ngại trước sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc, cũng như các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.
Chuẩn đô đốc Olivier Lebas – chỉ huy hạm đội Pháp tham gia cuộc tập trận đã bày tỏ thái độ tin tưởng là hai nước Ấn và Pháp "có thể đem lại sự ổn định cho một khu vực mang tính chiến lược, có vai trò quan trọng cho thương mại quốc tế".
Thế thống trị lâu nay của Ấn Độ tại vùng Ấn Độ Dương hiện đang bị Trung Quốc thách thức, với những hoạt động dùng tiền thu phục các láng giềng của New Delhi, kèm theo đó là việc triển khai tàu chiến và tàu ngầm dọc theo những tuyến đường biển, cũng như việc xúc tiến dự án Một Vành Đai Một Con Đường mà Ấn Độ không tán đồng.
Về phần Paris thì chuẩn đô đốc Didier Maleterre, chỉ huy lực lượng Hải quân Pháp trong khu vực đã nhận định rất ngoại giao là ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc không hung hăng như tại Biển Đông : "Tại Ấn Độ Dương, người ta không thấy những gì mà người ta đã thấy tại vùng biển quanh Trung Quốc, như các hoạt động bồi đắp, cải tạo ở quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa".
Đối với ông Maleterre, chiến lược Con Đường Tơ Lụa Mới của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó có phần liên quan đến Ấn Độ Dương, "là một chiến lược chủ yếu mang tính chất kinh tế, nhưng có lẽ cũng mang một mục đích khác".
Nhân vật lãnh đạo Hải quân Pháp này không nói rõ mục đích khác đó là gì, nhưng nói thêm rằng có những "kịch bản" cho từ 10 đến 15 năm tới đây, dù không nghiêm trọng như ở vùng biển sát cạnh Trung Quốc, nhưng "rõ ràng có thể dẫn đến căng thẳng."
Vào đầu tháng 4 vừa qua, Pháp đã khiến Trung Quốc nổi giận khi cho hộ tống hạm Vendémiaire đi ngang eo biển Đài Loan. Chính quyền Bắc Kinh đã chỉ trích một hành động xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, trong lúc Paris xem đấy là việc thể hiện quyền tự do hàng hải.
Trọng Nghĩa
******************
New Delhi tăng tốc tham gia chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương" (RFI, 10/05/2019)
Đầu tháng 5/2019, lần đầu tiên Hải quân Ấn Độ tập trận chung với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines tại Biển Đông, mà Trung Quốc đòi hỏi gần như toàn bộ chủ quyền. Đây là được coi là một dấu hiệu mới cho thấy New Delhi can dự mạnh mẽ hơn vào dự án bảo vệ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "mở và tự do", trọng tâm trong Chiến lược An ninh mới của Mỹ. Tuy nhiên, can dự của Ấn Độ không chỉ về quân sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, Washington DC, ngày 26/06/2017 - Reuters
- Yếu tố nào cho thấy Ấn Độ trong thời gian gần đây đang tăng tốc tham gia chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương" ?
Ý tưởng xây dựng một khu vực hợp tác rộng lớn liên thông hai biển Ấn Độ - Thái Bình Dương, được New Delhi và Tokyo nêu lên lần đầu vào năm 2007, chỉ thực sự khởi sắc từ đầu năm 2018, sau khi Hoa Kỳ chính thức thông qua Chiến lược An ninh mới, coi Trung Quốc đang bành trướng ảnh hưởng là đối thủ chính. Trong chiến lược này, Ấn Độ được coi là một trụ cột. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, New Delhi dường như ít có bước tiến cụ thể để can dự mạnh mẽ.
Thời gian gần đây, bên cạnh việc New Delhi lần đầu tiên tham gia tập trận tại Biển Đông với Mỹ, Nhật, giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc chính quyền Ấn Độ thành lập một bộ phận mới, thuộc bộ Ngoại Giao, phụ trách toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, hồi giữa tháng 04/2019.
Theo báo chí Ấn Độ, vụ Ấn Độ - Thái Bình Dương, theo ý tưởng của thứ trưởng Ngoại Giao Vijay Gokhale, được thành lập để triển khai một cách đồng bộ và nhất quán chính sách mới về Ấn Độ - Thái Bình Dương, được thủ tướng Modi nêu ra tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La năm 2018. Vụ này sẽ thống nhất quản lý khu vực các nước ven bờ Ấn Độ Dương (Ocean Rim Association – IORA), vùng Đông Nam Á (ASEAN), cũng như vấn đề Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Ấn Úc (QUAD) với toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Một số chuyên gia Ấn Độ (1) cho rằng đây là "một bước ngoặt chiến lược". Phát biểu trên báo mạng The Quint, nhà cựu ngoại giao Vishnu Prakas, nguyên phát ngôn viên bộ Ngoại Giao và cựu tổng lãnh sự ở Thượng Hải (Trung Quốc), nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thống nhất tất cả các tác nhân, vốn hoạt động riêng lẻ vào mục tiêu chung, vì "một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, không loại trừ ai".
Chuyên gia về an ninh quốc tế Manoj Joshi thì ghi nhận phương diện "ngoại giao" là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của New Delhi. Quân sự là phương diện đầu tiên mà Hoa Kỳ hướng đến. Ít tháng sau khi tuyên bố Chiến lược An ninh mới, Hoa Kỳ đổi tên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư Lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, như một động tác mang tính biểu tượng cao, thể hiện bước chuyển chiến lược này. Ngược với Mỹ, trọng tâm chiến lược của New Delhi là về ngoại giao. Ưu tiên ngoại giao so với quân sự là một tín hiệu quan trọng của Ấn Độ gửi đến Bắc Kinh, theo chuyên gia Manoj Joshi.
Một số chuyên gia viện tư vấn Observer Research Foundation, tại New Delhi, xác nhận là hạn chế hiện nay của nhiều quốc gia tham gia vào chiến lược xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" là chưa xác định được kế hoạch hành động ở cấp bộ. Việc thành lập một vụ mới, thuộc bộ Ngoại Giao, quản lý thống nhất các vùng thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, rõ ràng là một bước tiến quan trọng.
- Cụ thể là cơ quan mới của bộ Ngoại Giao Ấn Độ, phụ trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, phải đối mặt với những nhiệm vụ chủ yếu nào ?
Trong một phân tích trên báo mạng The Diplomat (2), nhà nghiên cứu Aman Thakker, chuyên về các quan hệ chiến lược Ấn – Mỹ, lưu ý đến 5 mục tiêu hàng đầu mà cơ quan phụ trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mới cần nhắm tới.
Thứ nhất là kéo Hoa Kỳ tham gia vào các hợp tác Ấn Độ - Châu Phi, thừa nhận mối quan tâm của New Delhi đối với vùng phía tây Ấn Độ Dương, đặc biệt là khu vực ven biển miền đông của Châu Phi. Kể từ năm 2008, thượng đỉnh Ấn Độ - Châu Phi (IAFS) được tổ chức ba năm một lần. Năm 2015, đại diện của 51 nước Châu Phi tham dự thượng đỉnh tại New Delhi. Việc Ấn Độ mời Mỹ tham dự thượng đỉnh IAFS lần tới được đánh giá sẽ là "một bước tiến táo bạo" theo hướng này.
Mục tiêu thứ hai là thúc đẩy việc xây dựng "các cơ sở hạ tầng có chất lượng" trong khuôn khổ hiệp hội các nước ven bờ Ấn Độ Dương (IORA). Trong các kế hoạch hạ tầng "bền vững, tôn trọng môi trường, kháng cự tốt trước thiên tai", New Delhi rất cần đến đóng góp của Nhật Bản. Hợp tác với Nhật trong lĩnh vực này được khởi sự từ năm 2015, với hệ thống metro ở thủ đô New Delhi là một ví dụ tiêu biểu. Thách thức của Ấn Độ trong vấn đề này là đưa được hướng hợp tác xây dựng "cơ sở hạ tầng có chất lượng" vào trong khuôn khổ Hiệp hội các nước vùng Ấn Độ Dương IORA, với 22 quốc gia thành viên, mà Ấn Độ là một trụ cột.
Để đối trọng lại Trung Quốc, mục tiêu thứ ba của cơ quan mới phụ trách toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, là thúc đẩy dự án Hành lang Tăng trưởng Á – Phi (Asia – Africa Growth Corridor/AAGC), ra mắt tháng 5/2017, cũng với thành phần trụ cột là Nhật Bản. Dự án này trên thực tế đang dậm chân tại chỗ.
Nhiệm vụ thứ tư của cơ quan mới là kết nối hai hiệp hội khu vực, các nước ven bờ Ấn Độ Dương (IORA) với Diễn đàn của Ấn Độ với các đảo quốc Thái Bình Dương (FIPIC). Ấn Độ đã đăng cai một thượng đỉnh với 14 đảo quốc Thái Bình Dương trong khuôn khổ FIPIC vào năm 2015.
Nhiệm vụ thứ năm là về quân sự. New Delhi có trách nhiệm mở rộng cho Mỹ, Nhật Bản và Pháp tham gia cuộc tập trận hải quân khu vực Milan. Tập trận hai năm một lần, khởi sự từ năm 1995, trong thời gian gần đây có sự tham gia nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tập trận diễn ra dưới sự chỉ huy của bộ tư lệnh quân khu phụ trách quần đảo Andaman và Nicobar, án ngữ con đường qua lại giữa Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, thông ra Biển Đông và Thái Bình Dương. "Tập trận Milan", với sự tham gia của các cường quốc Hải quân Mỹ-Nhật-Pháp, có thể biến thành một cuộc tập trận của toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
- Nhiệm vụ thứ 5 nói trên phải chăng cho thấy mặt quân sự cũng là một trong các ưu tiên của New Delhi trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương ?
Đúng là khía cạnh quân sự có phần nổi bật khi nhìn vào các hoạt động ngoại giao Ấn-Mỹ vào thời điểm Trung Quốc tổ chức Diễn đàn "Sáng kiến Vành đai, Con đường" lần thứ hai, cuối tháng 4/2019. Ấn Độ không cử đại diện tham gia. Cùng lúc đó, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Randall Schriver, phụ trách An ninh khu vực ASEAN và Thái Bình Dương, công du Ấn Độ ba ngày (3). Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, đô đốc Sunil Lanba, cũng có mặt tại New Delhi vào thời điểm đó. Một trong các mục tiêu phối hợp Mỹ-Ấn là tăng cường bảo vệ an ninh đối với các mạng lưới internet ngầm dưới Ấn Độ Dương, cũng như nhiều dự án hợp tác về hậu cần và huấn luyện khác. Đầu tuần tới, chỉ huy Hải quân Mỹ John Richardson công du Ấn Độ.
Trọng Thành
Ghi chú :
1. "India Sets Up New Indo-Pacific Desk, Experts Laud ‘Strategic Move’", mạng Quint, ngày 15/04/2019.
2. "Big Ideas for the Indian Foreign Ministry's New Indo-Pacific Desk", The Diplomat, ngày 01/05/2019.
3. "India, US discuss deepening Indo-Pacific cooperation as China hosts BRI meet", Livemint, ngày 25/05/2019.
Cảnh báo vốn đầu tư Trung Quốc tràn vào Việt Nam kéo theo nhiều rủi ro (RFA, 17/04/2019)
Các chuyên gia kinh tế ở Việt Nam mới đây cảnh báo dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng mạnh kéo theo các rủi ro về môi trường, tăng thâm hụt thương mại và quản lý lao động nước ngoài.
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ Tân Thuận - Ảnh minh họa. AFP
Truyền thông trong nước hôm 17/4 trích báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1 năm 2019 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội mới đây cho biết Trung Quốc hiện đã vươn lên là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là hơn 723 triệu đô la, vượt lên trên Singapore, Hàn Quốc, và Nhật Bản.
Theo nhận định của các chuyên gia của VEPR, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là nhằm né tránh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đón đầu Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Truyền thông trong nước trích lời ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho biết nguồn vốn FDI từ Trung Quốc dù tạo thêm nguồn vốn cho nền kinh tế, nhưng mặt khác lại gây áp lực đối với doanh nghiệp Việt Nam về mặt cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực dệt may.
Quan ngại thứ hai, theo ông Phạm Thế Anh, là vấn đề môi trường vì tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam so với các nước khác là khá thấp. Do đó khi doanh nghiệp Trung Quốc vào, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Quan ngại thứ ba là vấn đề lao động vì các doanh nghiệp Trung Quốc cũng mang theo công nhân từ Trung Quốc. Đó là chưa kể việc nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị Trung Quốc gây thâm hụt thương mại cho Việt Nam.
******************
Ấn Độ điều tra sản phẩm nhôm Việt Nam bị cáo buộc phá giá (RFA, 17/04/2019)
Chính phủ Ấn Độ vừa bắt đầu một cuộc điều tra về các cáo buộc bán phá giá các sản phẩm nhôm và thép tráng kẽm cán mỏng từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Công nhân Trung Quốc đóng gói các cuộn nhôm tại nhà máy nhôm ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy miền Đông Trung Quốc hôm 20/5/2017 - AFP
Trang mạng Seeking Alpha loan tin hôm 17/4 cho biết Tổng cục Phòng vệ Thương mại Ấn Độ (DGTR) thuộc Bộ Thương mại Ấn sẽ tiến hành các điều tra trong giai đoạn từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018, và cả những dữ liệu từ năm 2015.
Theo báo cáo từ tổ chức Tin cậy Báo chí của Ấn, các cuộc điều tra được đưa ra sau khiếu nại của Công ty sản xuất mạ thép JSW của Ấn Độ.
Các sản phẩm nhôm và thép tráng kẽm cán mỏng được dùng trong các dự án năng lượng mặt trời tại Ấn Độ, nhưng các nhà sản xuất Ấn Độ lo lắng các dự án trên đã bắt đầu sử dụng sản phẩm rẻ hơn nhập từ nước ngoài.
Nếu cáo buộc phá giá nói trên được xác nhận là đúng, DGTR sẽ áp mức thuế chống phá giá đối với mặt hàng này.
Hồi tháng 7/2018, Tòa Trọng tài Thương mại Quốc tế của Canada cũng đưa ra những chỉ dấu cho thấy Trung Quốc, Nam Hàn và Việt Nam đã bán các sản phẩm thép trợ giá vào Canada và có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất địa phương.
Hôm 5/12/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định áp thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá lên tới hơn 500% đối với sản phẩm thép chống rỉ và 200% lên thép gia dụng từ Việt Nam với lý do các sản phẩm này được sản xuất với vật liệu phải chịu thuế trừng phạt từ Trung Quốc.
********************
Dân Trung Quốc chê nông sản Việt Nam (RFA, 16/04/2019)
Tôi về miền Tây chơi. Vô vườn, thấy đang thu hoạch chôm chôm đẹp quá, xin chụp hình thì chủ vườn không cho, nói vườn trái cây đang trúng mà có người lạ chụp hình thì mùa tới cách gì cũng thất (trúng mùa rớt giá hoặc trúng giá nhưng vườn ít trái, trái xấu, bịnh, v.v.). Tôi ham cái vườn chôm chôm trái đỏ tươi, vàng cam trĩu trịt trên cành quá, mà đành chịu.
Hình chụp hôm 16/6/2015 : những người phụ nữ xếp vải ở một cửa hàng tại Lục Ngạn, Bắc Giang (AFP) - Hình minh họa.
Vậy mà mấy bữa sau đi ngang, thấy chính cái vườn đó người ta đốn sạch trơn chôm chôm từ lúc nào. Những thân cây đường kính cả gần hai gang tay đã được cưa từng khúc đều đặn chất lên xe tải. Cả hecta chôm chôm trụi lủi. Chủ vườn nhận ra tôi, xẻn lẻn kể phải đốn đểtrồng sầu riêng, sầu riêng giờ đang ngon, chớ chôm chôm hết ăn rồi.
Điệp khúc trồng-đốn
Lòng tiếc tiếc, tôi về lần mò báo đọc thì ra thông tin này : "Theo kết quả thống kê đến cuối năm 2017, trên địa bàn huyện Chợ Lách diện tích sầu riêng đã tăng 93 ha so năm 2016 ; diện tích chôm chôm giảm 68 ha và đang có xu hướng giảm mạnh trong thời gian tới" (Thông tin của kỹ sư Lê Văn Đơn, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, đăng trên trang chủ của Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre ngày 1/11/2018).
Bất ngờ hơn, là thông tin này :
"Nhà vườn ở Ngũ Hiệp, Cai Lậy, Tiền Giang có đến 1.100ha sầu riêng đang vào vụ thu hoạch rộ. Sáng sớm, nhà nào cũng đem sầu riêng ra trước nhà chờ thương lái tranh bán. Sầu riêng đang được thương lái mua với giá rất thấp : 2.000đồng/kg" (tin đăng trên trang của Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, thuộcViện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, vào ngày 9/5/2018).
Hóa ra bãi bể nương dâu không chỉ là để tả cảnh vật dời đổi. Tôi nghĩ nó áp dụng vô vòng lặp đốn-trồng-trồng-đốn của nông dân Việt Nam mới chuẩn.
Hóa ra cách đây đúng 10 năm, những vườn sầu riêng đang là ao ước của nông dân miền Tây đã từng bị triệt hạ để trồng… chôm chôm.
Một người bán dưa hấu ở Hà Nội hôm 5/2/2016 (AFP) - Hình minh hoạ.
Hóa ra, trước khi có giá bán rẻnhất chừng 50.000 đ-70.000 đ/ký cắt tại vườn như bây giờ, lên Sài Gòn thì trung bình 150.000 đ/ký, và bạn biết đó, trái sầu riêng vỏ dày, nên trung bình một trái loại ăn được phải cỡ 4 ký-là 600.000 đ/trái, chắc nhiều nhất được 10 múi. Thì đã có lúc loại trái mắc tiền này chỉcó 2.000 đ-3.000 đ/ký, rẻ hơn cả dưa leo.
Rồi giờ, nông dân ra sức đốn chôm chôm để tái trồng sầu riêng. Nhiều người tính toán chừng 5 năm nữa mới có thu hoạch từ sầu riêng, còn giờ giữ chôm chôm cầm chừng để có tiền sống và mua giống sầu riêng. Cây sầu riêng khó tánh, mỗi cây phải trồng trên một ụ đất cao để khỏi ứ nước, và làm cỏ, bón phân, xịt thuốc thường xuyên hơn chôm chôm nên trong 5 năm chỉ có chi ra mà chưa thu vô được đồng nào.
Liệu sau 10 năm nữa-tức là khi những vườn sầu riêng mới lên ụ năm nay vừa thu hoạch được 5 năm, có lặp lại một vòng sầu riêng rớt giá, chôm chôm tăng, và nông dân lại đua nhau đốn sầu trồng chôm nữa không ? Tôi không biết. Và những cơ quan phụ trách nông nghiệp của Việt Nam chắc cũng chẳng biết hơn tôi.
Cây này trồng riêng cho cháu nội ăn nên không xịt thuốc, nghe dễ thương nhưng có gì sai sai
Về nhà vườn này là để đón gió, chớ mùa trái cây rộ thì còn phải chờ chừng hai tháng nữa. Được cái bạn tôi làm vựa trái cây và là dân gốc tại miệt trái cây Chợ Lách-Bến Tre, nên dẫn vô vườn ai cũng hồ hởi mời ăn trái cây (trừ vụ chụp hình). Đặc biệt ai cũng có câu mời giống nhau : Trái này là nhà trồng ăn (cho cháu ngoại, cho cháu nội, cho mấy đứa nhỏ trên thành phố) nên hổng xịt thuốc à nghen, trái sạch đó.
Ủa vậy cái gọi là thời gian cách ly sau xịt thuốc, mà thứ thuốc bảo vệ thực vật nào cũng ghi rõ trên nhãn, nó có còn giá trị gì chăng ? Rồi nếu nhà vườn hái trái cây liền sau khi xịt thuốc mà không chờ đủ thời gian cách ly, thì nó đâu có đảm bảo trái sẽ ngon hơn, hơn vậy còn tiềm ẩn rủi ro nếu bị người tiêu dùng tẩy chay, sao họ lại không chờ ? Mà ai cũng biết trái cây bán rộng rãi là loại trái xịt thuốc, nghĩa là không "sạch" theo quan điểm của họ, thì tại sao người ta vẫn ăn hà rầm vậy ?
Nên tôi nghĩ cái quan niệm chừa mấy cây lại để nhà ăn cho "sạch" không xịt thuốc, nghe giống như họ đang quý mình lắm, nhưng nó có gì sai sai. Chúng ta sợ sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chứ thời này với 7,6 tỷ người trên trái đất, mà khư khư cách mạng một cọng rơm thì chắc cả thế giới chết đói trước khi chết vì "ăn bẩn". Và tiến bộ khoa học nữa, các nhà sinh vật học miệt mài tìm gene lặn gene trội, thu hẹp hàng thế kỷ phát triển hoang dã của cây trồng để có trái đẹp, năng suất, ngọt, ngon, kháng bệnh hơn, những loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn hơn…, họ hóa ra đều là bọn tổ sư nói dóc hết ư ?
Và với tư duy như vậy, mà nhiều người (tính theo chỉ số to mồm trên mạng) vẫn ra rả gào thét ối trái cây (rau, thịt heo, thịt gà, hoa, thực phẩm bất kỳ) Trung Quốc đó, nó toàn tẩm thuốc độc để đánh bại sức sống dân ta.
Hình chụp hôm 24/7/2013 : một nông dân đang chăm vườn thanh long ở Thanh Hóa (AFP) - Hình minh hoạ.
Nhiều nông dân cũng hồn nhiên nói hàng này xuất qua Trung Quốc bao nhiêu nó cũng ăn hết, nên chẳng cần tốn công theo Global Gap làm gì.
Họ sẽ nghĩ gì, có còn khinh thường thị trường Trung Quốc nữa không khi biết cho tới nay Việt Nam mới chỉ 8 loại trái cây được phép xuất khẩu vào Trung Quốc (thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu). Rồi, chỉ hai tháng nữa thôi thì các lô hàng nông sản của Việt Nam vào thịtrường Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phải truy xuất được nguồn gốc, phải có vùng nguyên liệu và nhãn mác thê ghi rõ các thông tin nói trên. Riêng dưa hấu, nhãn mác phải dán trên từng quả, các loại khác dán trên thùng đựng.
Dân Trung Quốc chê nông sản Việt Nam chất lượng thấp
Ngoài ra, ngay từ đầu tháng 5 tới, xe chở trái cây dùng rơm rạ hoặc các loại thực vật để lót, bảo quản cũng sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Tất cả các vật dụng bằng gỗ, kểcả bao bì máy móc đều phải có giấy chứng nhận khử trùng. Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc sẽ phải thay đổi việc dùng rơm rạ để lót như trước đây.
Vậy thị trường Trung Quốc có dễ tính không, bạn đọc tự trả lời.
Trở lại chuyến đi vườn ăn trái cây, xin nói ngay là ngoài việc không được chụp hình và đâu đâu cũng được mời "cây này trồng riêng để nhà ăn đó", còn một điều thú vị khác với dân du lịch ba lô nghèo như tôi, là chỉ đi loanh quanh (rất nhỏ hẹp chừng vài dặm vuông) đã được nếm đủ loại trái cây. Từ vườn này sang vườn sát cạnh bên, hay ngay trong một vườn đã được ăn vài ba thứ trái. Anh Hai có vườn cam sành và bưởi da xanh kế bên ông Năm trồng toàn sầu riêng Ri 6. Bên tay trái vườn ông Năm, bà Bảy vẫn để nguyên chôm chôm còn chú Sáu chơi toàn chanh không hột…
Mỗi khu vườn nhỏ nhất một, hai công (một công=1.000 m2), phổ biến 3-5 công, lớn nhất vài ba mẫu (một mẫu =10 công, 10.000 m2), mỗi chủ vườn là ông vua của một giang san thực sự. Họ hoàn toàn tự quyết định trồng cây gì, vào mùa nào, tưới bón, xịt thuốc ra sao.. cho tới bán cho ai, bán lúc nào, giá bao nhiêu. Cũng chỉ bẻ trái cây bán tươi vậy thôi, công nghệ chế biến sau thu hoạch (như làm mứt, sấy khô, đóng hộp, ép...) chưa phát triển. Vùng chuyên canh trái cây chưa được hình thành rõ nét với những quy hoạch bài bản về diện tích, giống, chăm sóc và thu hoạch trên diện rộng để bán cho các doanh nghiệp lớn, hướng tới xuất khẩu.
Vì vậy, hầu như không mấy năm không thấy hết loại trái cây này tới nông sản kia dội chợ, cũng một phần do thói quen làm ăn manh mún, nhỏ lẻ mà ra.
Ông Trần Văn Nhật, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP.Hồ Chí Minh), chuyên về kiểm nghiệm thực phẩm và quan trắc môi trường nói : "Nếu nông dân không thực hiện ngay việc chuẩn hóa về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc cho trái cây thì ngay cả thị trường được cho là "dễ dãi" như Trung Quốc, trái cây Việt Nam cũng sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu vào như trước nữa".
Báo Tuổi trẻ ngày 22/12/2018 thì dẫn lời ông Wei Xiang Qian, đại diện Tập đoàn Sunwah (Liêu Ninh, Trung Quốc), nói nông sản Việt Nam rất thơm ngon, có nhiều tiềm năng xuất sang Trung Quốc. Ông Xing Jun, đại diện Tập đoàn phân phối và tiêu thụ nông sản tỉnh Liêu Ninh, cũng khen sầu riêng, nhãn, xoài, thanh long, cá tra... được người Trung Quốc rất ưa chuộng, trong đó có Liêu Ninh.
Nhưng, hai "tay Tàu" cũng nhắc khéo. Ông Wei Xiang Qian khoe đang có lượng khách hàng 3 triệu người thuộc nhóm có khả năng chi tiêu lớn, do vậy muốn bán được hàng cho nhóm này thì doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất được nông sản, thực phẩm chất lượng cao.
Quê thật, trước giờ toàn chằm hăm chê Tàu, hóa ra sự thực lại là bị Tàu chê. Mong rằng câu nói của hai tay Tàu kể trên sẽ kích thích được lòng tự ái dân tộc của các doanh nghiệp và nhà vườn để làm ra nông sản nào cũng tốt và sạch. Nhất là không còn cái chiêu vuốt ve nhau "cây này trồng riêng cho nhà ăn đó, sạch lắm" nữa.
Tre
Nguồn : RFA, 16/04/2019
Tham khảo :
http://vneconomy.vn/xuat-khau-sang-trung-quoc-ngay-cang-kho-20190304093411452.htm
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-01-30/xuat-khau-dua-hau-sang-trung-quoc-tuan-thu-quy-dinh-moi-tranh-rui-ro-67360.aspx
http://agro.gov.vn/vn/tID14168_DBSCL-Noi-lo-tu-vung-chuyen-canh-cay-an-trai-xuat-khau-.html http://dost-bentre.gov.vn/TinTuc/NoiDung.aspx?tintuc=8118
http://agro.gov.vn/vn/tID8733_Sau-rieng-Ngu-Hiep-2000-dongkg-.html
http://vneconomy.vn/xuat-khau-thuc-pham-vao-my-kho-tu-nhung-quy-dinh-khat-khe-20181005132909338.htm
http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201902/xuat-khau-trai-cay-rong-cua-van-kho-qua-2933254/
https://vietnammoi.vn/xuat-khau-trai-cay-loi-the-mong-manh-140347.htm
Ấn Độ tăng cường hợp tác với ASEAN để ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc (RFI, 26/01/2018)
Chính sách Hành động hướng Đông (Act East Policy), mà thủ tướng Ấn Độ khởi xướng từ năm 2014, vừa có thêm một bước tiến cụ thể, với việc Ấn Độ cùng 10 quốc gia thành viên ASEAN họp thượng đỉnh tại thủ đô New Delhi trong hai ngày qua. Tuy quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN không thấm tháp gì so với quan hệ của Trung Quốc với khối này, nhưng New Delhi có những thế mạnh riêng. Bên cạnh việc thống nhất một quan điểm chung về Biển Đông, Ấn Độ và các nước ASEAN dự kiến triển khai nhiều hợp tác, đặc biệt phải kể đến các hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, chống khủng bố và phát triển hệ thống giao thông đường bộ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và phó tổng thống Venkaiah Naidu (giữa) với các lãnh đạo ASEAN tại phủ tổng thống Ấn Độ ngày 26/01/2018. Reuters/Adnan Abidi
Việc Ấn Độ mời cùng lúc lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN tham dự Ngày Cộng Hòa Ấn Độ lần thứ 69, 26 tháng Giêng (khác hẳn với thông lệ một khách mời danh dự hàng năm), vào đúng dịp hai bên kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ, có một ý nghĩa biểu tượng cao. Cho dù cái tên Trung Quốc không hề được nêu ra trong bản Tuyên cáo chung giữa New Delhi và khối ASEAN, nhưng gần như ai cũng hiểu rằng mục tiêu ẩn đằng sau nỗ lực gia tăng hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN là nhằm để đối trọng lại đà lấn tới ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc tại Châu Á, về kinh tế, quân sự, cũng như chính trị.
Tờ Financial Times hôm 24/01 có bài "Ấn Độ tranh thủ các nước Đông Nam Á để ngăn chặn Trung Quốc" dẫn nhận định của một chuyên gia về chính trị Châu Á Dhruva Jaishankar, thuộc viện nghiên cứu Brookings India, có trụ sở tại New Delhi. Theo ông, "New Delhi không muốn có một Châu Á nằm dưới sự thống trị của Bắc Kinh", mà "một trong những địa bàn quyết định" tương lai của Châu Á chính là khu vực Đông Nam Á. Theo Financial Times, "quyết tâm của Ấn Độ đã thu hút các nước ASEAN".
Theo chuyên gia Alyssa Ayres, thuộc cơ quan tư vấn độc lập Hoa Kỳ Council on Foreign Relations, được Financial Times trích lời, trong lĩnh vực an ninh hàng hải, đặc biệt tại Biển Đông, có được sự ủng hộ của Ấn Độ là điều rất quan trọng đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở quân sự, bố trí nhiều vũ khí tối tân tại các đảo tranh chấp, bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế, bất chấp kêu gọi của các nước trong vùng và cộng đồng quốc tế.
Tuyên bố chung Delhi giữa ASEAN và Ấn Độ, thông qua ngày hôm qua, một lần nữa khẳng định Ấn Độ đứng về phía "trật tự quốc tế dựa trên luật pháp". Nhà nghiên cứu cơ quan tư vấn Mỹ Council on Foreign Relations nhấn mạnh là, với Ấn Độ, các nước ASEAN như Việt Nam và Philippines, đã tìm được một đồng minh "khổng lồ", và nhờ thế có thể vững tin hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình trước Trung Quốc.
So với Trung Quốc, quan hệ kinh tế Ấn Độ - ASEAN có quy mô nhỏ hơn nhiều. Trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và các nước ASEAN năm 2015 tương đương khoảng 75 tỉ đô la, thấp hơn cả tổng trao đổi mậu dịch giữa ASEAN với Đài Loan và vùng lãnh thổ Hồng Kông của Trung Quốc. Trao đổi thương mại Trung Quốc - ASEAN dự kiến sẽ còn tăng lên tới 1.000 tỉ đô la ở ngưỡng cửa 2020.
Nhà cựu ngoại giao Ấn Độ Vishnu Prakas thừa nhận Ấn Độ không có được các nguồn lực kinh tế như Trung Quốc, và cũng không có ý định ganh đua với Trung Quốc, với tư cách đối thủ đồng cân, đồng hạng trong lĩnh vực này. Thế nhưng Ấn Độ đã và đang tiếp tục hợp tác về an ninh trên biển với nhiều nước Đông Nam Á chủ chốt, các hợp tác "mang tính biểu tượng", vốn đã trở thành truyền thống như đào tạo phi công chiến đấu, hay thủy thủ tàu ngầm. New Delhi cũng vừa đạt một thỏa thuận về hải quân với Singapore, dự trù tăng cường hợp tác về kỹ thuật và hải quân Ấn Độ sẽ tham gia tuần tiễu tại khu vực phía đông eo biển Malacca. Các hợp tác an ninh hàng hải và chống khủng bố tiếp tục được tái khẳng định trong Tuyên bố chung Delhi.
Về hợp tác phát triển hệ thống giao thông đường bộ, Tuyên bố chung Delhi cũng chính thức khẳng định sẽ mở rộng dự án hợp tác đường sắt cao tốc ba quốc gia Ấn Độ-Miến Điện-Thái Lan, sang ba nước còn lại của lục địa Đông Nam Á là Lào, Cam Bốt và Việt Nam.
Trong bối cảnh cục diện địa chính trị Châu Á đang biến động mạnh, với chính sách chưa rõ ràng của Hoa Kỳ tại khu vực này, "Chính sách Hành động hướng Đông", tích cực siết chặt quan hệ với ASEAN của Ấn Độ rất được trông đợi như là một bảo đảm cho thế cân bằng địa chiến lược khu vực, đang đe dọa bị đảo lộn với đà lấn tới của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo là New Delhi cần nỗ lực thực sự mới có thể biến các mục tiêu tốt đẹp thành hành động cụ thể.
Trọng Thành
*******************
Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác với ASEAN (BBC, 26/01/2018)
Ấn Độ vừa có một động thái chiến lược gần đây, khi mời lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á đến tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ cùng với Lễ kỷ niệm thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ trong hai ngày 25-26/1.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng 10 lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ
Theo Reuters, nhiều quan chức và nhà ngoại giao nhận định động thái này là để khuyến khích hợp tác an ninh hàng hải với các nước ASEAN trong khu vực vốn bị thống lĩnh bởi Trung Quốc.
Cùng chung mối quan tâm
Ảnh hưởng của Trung Quốc lan rộng khắp khu vực Đông Á, bao gồm việc xây dựng các cảng và nhà máy điện tại hai quốc gia Pakistan và Sri Lanka láng giềng của Ấn Độ, khiến nước này bắt đầu tìm kiếm đồng minh trong khu vực.
Và cũng như Việt Nam, Ấn Độ cũng có những tranh chấp biên giới riêng với Trung Quốc ở vùng thung lũng Doklam.
Vì vậy các quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc sẽ mong muốn tìm kiếm một sự tiếp cận sâu rộng hơn của Ấn Độ trong khu vực, và một trong số đó là Việt Nam.
Gần đây nhất, vào tháng 11/2017, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila, Ấn Độ tự nguyện đứng ra làm người hòa giải cho tranh chấp ở Biển Đông qua biện pháp ôn hòa và luật pháp quốc tế.
Tác giả Sriram Iyer của tờ Quartz nhận động thái này của lúc đó Modi là một điều Trung Quốc "không muốn nghe" vì chỉ muốn giải quyết vấn đề song phương.
Nhiều hoạt động song phương giữa Việt Nam-Ấn Độ
Một ngày trước khi hội nghị cấp cao diễn ra, hôm 24/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một buổi hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật về cuộc hội đàm với tiêu đề "Việt Nam đánh giá cao lập trường của Ấn Độ về Biển Đông".
Image captionThủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ bên lề Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ hôm 24/1.
Báo này viết, "Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), thúc giục xây dựng COC hiệu quả, phù hợp và mang tính ràng buộc pháp lý..".
Sau đó vào sáng 25/1, báo Dân Trícũng đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam làm Lễ động thổ xây dựng trụ sở mới Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi.
Trụ sở mới này tọa lạc trên một mảnh đất rộng 3.450 m2 để xây dựng trụ sở và nhà ở cho nhân viên Đại sứ quán.
Đồng thời, theo Hãng thông tấn UNI của Ấn Độ, từ 29/1 đến 3/2 sẽ diễn ra cuộc Diễn tập Quân sự Song phương đầu tiên tại Jabalpur, Madhya Pradesh.
Image captionThủ tướng Narendra Modi có vẻ rất được yêu thích ở Việt Nam ?
Quân đội Việt Nam và Quân đội Ấn Độ, mỗi lượng lực sẽ cử 15 sỹ quan tham gia để chuẩn bị cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình theo ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc.
Ấn tượng tốt đẹp với Việt Nam ?
Cũng theo Quartz, trong số các quốc gia Đông Nam Á mà Modi từng đến thăm, Việt Nam là quốc gia có ấn tượng đẹp nhất với vụ thủ tướng 67 tuổi này.
Dựa trên khảo sát của Gallup được công bố vào đầu năm nay, Việt Nam là nước Đông Nam Á yêu thích vị thủ tướng 67 tuổi này nhất, tặng ông 62 điểm, góp phần giúp Modi leo lên vị trí thứ 3 trong danh sách các nhà lãnh đạo được yêu thích nhất trên thế giới, chỉ sau Emmanual Macron và Angela Merkel.
Việt Nam và Ấn Độ thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2016.
Trong tháng Giêng, ông Modi là thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, sau hai thập niên từ khi Thủ tướng Deve Gowda tham dự năm 1997.
Với Modi, hội nghị này là dịp cho ông thúc đẩy các lợi ích đất nước, và chứng tỏ mình là nhà cải cách kinh tế.
Bảng xếp hạng mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đặt Ấn Độ số 40 trên 137 nước về tính cạnh tranh.
*****************
Ấn muốn siết chặt quan hệ hàng hải với Đông Nam Á (VOA, 26/01/2018)
Ấn Độ mời lãnh đạo các nước ASEAN dự hội nghị thượng đỉnh vào ngày 25/1 để tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực đang bị Trung Quốc lấn lướt, theo nguồn tin từ các giới chức và giới ngoại giao.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đọc diễn văn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ ngày 23/1/2018
Ấn Độ đang theo đuổi chính sách "Hành động hướng Đông" nhằm phát triển các mối quan hệ chính trị và kinh tế với Đông Nam Á, nhưng những nỗ lực này chỉ có tính cách thăm dò và theo sau Trung Quốc rất xa. Thương mại của Trung Quốc với ASEAN lớn hơn Ấn Độ 6 lần, đạt mức 470 triệu đô la trong giai đoạn 2016-2017.
Trung Quốc cũng đã mở rộng sự hiện diện tại Nam Á, xây dựng các cảng biển và nhà máy điện tại các nước chung quanh Ấn Độ, như Pakistan và Sri Lanka, và cản trở New Delhi trong việc tìm đồng minh mới.
Thủ tướng Narendra Modi đã mời tất cả các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN tham dự lễ Độc lập Ấn Độ vào ngày 26/1 với cuộc diễu hành phô trương sức mạnh quân sự và văn hóa đa dạng của Ấn Độ.
Các nhà lãnh đạo bao gồm bà Aung San Suu Kyi của Myanmar, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte sẽ thảo luận về hợp tác hàng hải, Bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.
Ấn Độ và các nước ASEAN đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của tự do hàng hải và các vùng biển rộng mở. Ấn cũng đã có các mối quan hệ hải quân mạnh mẽ với các nước Singapore, Việt Nam, Indonesia,Thái Lan, và Malaysia, bà Preeti Saran thư ký tại Bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết.
"Các hoạt động thăm viếng của các chiến hạm, phối hợp tuần tra, tập trận song phương diễn ra tốt đẹp", bà Saran nói. "Và mỗi khi chúng ta có những cuộc thảo luận quốc phòng với quốc phòng hay hải quân với hải quân, thì những cuộc thảo luận này diễn ra tốt đẹp theo như nhận xét của các nước ASEAN".
Một vài nước ASEAN có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc mong muốn Ấn có sự giao tiếp rộng lớn hơn nữa trong khu vực, theo nhận định của các chuyên gia.
Theo Reuters
********************
Biển Đông : Ấn Độ - ASEAN yêu cầu giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế (RFI, 26/01/2018)
Ấn Độ và ASEAN vừa có cuộc họp thượng đỉnh lịch sử, với việc lần đầu tiên New Delhi mời toàn bộ 10 lãnh đạo khối các nước Đông Nam Á tham dự lễ kỉ niệm Ngày Cộng Hòa Ấn Độ. Trong bản "Tuyên bố chung Delhi", được công bố hôm qua, 25/01/2018, hai bên đặc biệt nhấn mạnh rằng các tranh chấp tại Biển Đông phải được giải quyết thể theo luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo ASEAN tại thượng đỉnh New Delhi 25/01/2018. Handout / AFP
Hợp tác về "chính trị và an ninh" là lĩnh vực được hai bên quan tâm trước hết. Trong Tuyên bố chung Delhi, Ấn Độ và ASEAN tái khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á trong kiến trúc an ninh quốc tế đang hình thành tại khu vực, với nguyên tắc "rộng mở, minh bạch, không loại trừ ai và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Thông cáo chung khẳng định "tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định an toàn hàng hải và an ninh, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực" nói chung, và mọi tranh chấp cần được "giải quyết bằng con đường hòa bình", thể theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mà trong đó Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 là một trụ cột.
Biển Đông là khu vực địa chiến lược duy nhất được Ấn Độ và ASEAN nêu tên trong văn bản nói trên. Tuyên bố chung Delhi khẳng định ủng hộ việc thực thi "hoàn toàn và đầy đủ" Tuyên Bố về Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC) và kêu gọi các bên liên quan sớm hoàn tất Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC), nhằm phòng ngừa và tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các xung đột tại khu vực này.
Tuyên bố chung Delhi cũng thúc đẩy các hợp tác về kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN trong khuôn khổ không gian thương mại tự do song phương, "bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên trên biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương", tăng cường hợp tác về giao thông đường bộ, đường biển và hàng không, công nghệ tin học. Trong số các hợp tác văn hóa xã hội, hợp tác đào tạo Anh ngữ, cổ vũ cho các quan hệ văn hóa, văn minh lâu đời giữa các nước Đông Nam Á và Ấn Độ, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Mê Kông, được chú ý hàng đầu.
Trọng Thành
***********************
Biển Đông : Paris lên án chính sách "chuyện đã rồi" của Bắc Kinh (RFI, 26/04/2018)
Trong bài phỏng vấn dành cho báo Nikkei trước khi lên đường sang Tokyo ngày 26/01/2018, bà Florence Parly, bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp lên án hành động lấn chiếm của Trung Quốc tại Biển Đông và cho biết Pháp và Nhật sẽ nâng cấp các cuộc tập trận chung.
Thủ tướng Shinzo Abe (giữa) nói chuyện với bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly (trái) và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Tokyo ngày 26/01/2018. Reuters/Frank Robichon/Pool
Trong bài phỏng vấn, bộ trưởng quân lực Pháp cho biết chính phủ Pháp đã sẵn sàng "phát triển các cuộc tập trận chung" Pháp-Nhật trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, để chứng tỏ sự hiện diện của quân đội hai nước, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Mục tiêu cụ thể là trong năm nay là "hải quân hai nước tổ chức các cuộc tập trận chung, song phương cũng như đa phương, kể cả tập đổ bộ tại nhiều nơi trong khu vực". Theo Nikkei, Pháp-Nhật nhiều lần tập trận chung, nhưng cuộc tập trận đa phương đầu tiên với quy mô lớn chỉ mới được tiến hành năm 2017 với hải quân Mỹ và Anh Quốc. Từ nay, hai nước sẽ hợp tác nhiều hơn.
Bộ trưởng Florence Parly cho rằng Pháp-Nhật cần biểu lộ quyết tâm bảo vệ an ninh và quyền tự do hàng hải tại Biển Đông và sẵn sàng can thiệp chung khi tình thế đòi hỏi. Lên án chiến lược của Trung Quốc đặt quốc tế trước "chuyện đã rồi", nữ bộ trưởng Pháp cảnh cáo : Không phải cứ cấm cờ ở nơi nào đó, thì nơi đó đổi chủ.
Cũng theo đối sách của Mỹ, bộ trưởng Quân Lực Pháp cho biết thêm là trong năm nay, hải quân Pháp sẽ đi xuyên qua biển Đông nhiều lần để thực thi quyền tự do lưu thông. Trung bình mỗi năm, tàu chiến Pháp qua lại khu vực Trung Quốc tranh chấp với Đông Nam Á từ ba đến bốn lần, nhất là gần quần đảo Trường Sa.
Tú Anh
Tư lệnh Hải Quân Ấn Độ : Tình hình Biển Đông vẫn đáng quan ngại (RFI, 15/10/2017)
Vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu căng thẳng trở lại, phát biểu hôm 14/10/2017 nhân một hội nghị về biển tại Goa, đô đốc Sunil Lanba, tư lệnh Hải Quân Ấn Độ đã bày tỏ thái độ quan ngại về cả cuộc tranh chấp Triều Tiên lẫn Biển Đông. Đặc biệt về Biển Đông, lãnh đạo Hải Quân Ấn cho rằng nguyên do đến từ việc "chủ quyền lãnh thổ" của các đảo quốc và các nước đã bị một số quốc gia "nghiễm nhiên vô hiệu hóa".
Ảnh minh họa : Chiến hạm Ấn Độ viếng cảng Port Area tại Philippines ngày 30/09/2017. Reuters/Romeo Ranoco
Theo hãng tin Ấn Độ TNN, đô đốc Lanba đã nhấn mạnh đến nhu cầu bảo đảm sao cho các đại dương được tự do và an toàn để cho mọi quốc gia có thể sử dụng được một cách hợp pháp. Và khi xuất hiện tranh chấp giữa các quốc gia sử dụng biển, điều đó cần phải được giải quyết thông qua các cơ chế giải quyết xung đột đã được thiết lập.
Thế nhưng, theo tư lệnh Hải Quân Ấn Độ : "Thái độ hẹp hòi, dân tộc chủ nghĩa cực đoan đôi khi có xu hướng làm suy yếu các cơ chế, ví dụ như ở Biển Đông hay bán đảo Triều Tiên, và đó là vấn đề khiến ai cũng phải quan ngại".
Bên cạnh đó, theo đô đốc Lanba, một yếu tố đáng quan ngại khác là sự trỗi dậy của các hình thức tội phạm hàng hải khác nhau như khủng bố, cướp biển, buôn lậu ma túy, vũ khí và đánh cá bất hợp pháp.
Đối với tư lệnh Hải Quân Ấn Độ : "Không thể giải thích việc chia sẻ quyền sở hữu một cách lỏng lẻo, để biến điều đó thành hành động cướp tài nguyên một cách vô tội vạ… Bảo tồn hệ sinh thái mỏng manh, đảm bảo tính bền vững của môi trường vì lợi ích chung và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của tất cả vùng duyên hải cũng là một trách nhiệm tập thể mà một vài nước có thể là cố tình lãng quên để trục lợi".
Đô đốc Ấn Độ không tố cáo đích danh nước nào, nhưng thông điệp của ông được cho là nhắm vào Trung Quốc, nước trong thời gian qua thường xuyên bị cáo buộc là ỷ mạnh chèn ép các láng giềng để đòi chủ quyền rộng khắp trên hầu như toàn bộ Biển Đông, đồng thời sẵn sàng tàn phá hệ sinh thái trong vùng khi cho nạo vét các rạn san hô mà họ chiếm đóng tại Biển Đông để bồi đắp và xây dựng các tiền đồn trên đó.
Trọng Nghĩa
******************
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc (RFA, 14/10/2017)
Ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phát biểu với tờ Washington Free Beacon trên chuyến bay từ Miami đến Washington rằng việc cho chiến hạm USS Chafee đi qua vùng quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis. AFP
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis như vừa nêu là phản ứng đầu tiên của phía Hoa Kỳ đối với cáo buộc mà Trung Quốc đưa ra sau khi khu trục hạm USS Chafee của Hải quân Hoa Kỳ thực hành chuyến đi bảo vệ tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông.
Bắc Kinh cho rằng hoạt động của khu trục hạm USS Chafee đi qua vùng quần đảo Hoàng Sa là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Vùng quần đảo này Bắc Kinh đặt tên là Tây Sa và hoàn toàn chiếm quyền kiểm soát từ Việt Nam Cộng Hòa sau trận hải chiến vào năm 1974. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Theo lời của ông Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis thì Hoa Kỳ trong mấy thập niên nay từng cho tàu chiến tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS) không chỉ trong vùng biển gần Trung Quốc, mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Hoạt động như thế là vô hại.
Chuyến FONOPS do khu trục hạm USS Chafee tiến hành vào ngày 10 tháng 10 vừa rồi qua khu vực biển quần đảo Hoàng Sa là chuyến thứ tư trong năm nay của Hải quân Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên lần này, chiến hạm USS Chafee không đi vào vùng 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa như ba lần trước. Đó là vào ngày 10 tháng 8, khu trục hạm USS John S McCain đi qua vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa ; ngày 2 tháng 7 khu trục hạm USS Sthethem áp sát đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa ; ngày 24 tháng 5 khu trục hạm USS Dewey cũng đi qua khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn.