Đại dịch cúm Tây Ban Nha, giết chết hàng chục triệu người, một trong những thảm họa lớn nhất với nhân loại trong thế kỉ XX, được nhắc đến nhiều trong những ngày dịch bệnh Covid-19 từ Trung Quốc lan rộng ra thế giới, tháng 2/2020 này. Một số chuyên gia dịch tễ học ước tính, nếu không có biện pháp phù hợp, khoảng một nửa dân số thế giới sẽ mắc Covid-19. Nhân loại hiện nay có thể rút được những bài học gì đại dịch cúm Tây Ban Nha năm xưa ?
Trạm quân y số 45 tại Aix-Les-Bains, Pháp. Binh sĩ Mỹ đến từ căn cứ American Expeditionary Force là nạn nhân của dịch cúm năm 1918. Wikimedia Commons
Vì sao đại dịch mang tên "cúm Tây Ban Nha" ?
Khác với dịch bệnh Covid-19 (do virus SARS-2-CoV-2) gây ra, bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đại dịch mang tên "cúm Tây Ban Nha" hoàn toàn không chỉ xuất phát từ Tây Ban Nha.
Mùa xuân năm 1918, báo chí Pháp đồng loạt đưa tin vua Tây Ban Nha liệt giường, có thể là nạn nhân của trận dịch cúm đang hoành hành tại Tây Ban Nha. Báo Le Matin, ngày 30/05/1918, đưa ra con số 120 nghìn người bệnh, riêng chỉ tại Madrid. Báo Gaulois, cùng thời điểm này, cho biết truyền thông Madrid đã mô tả chi tiết về trận dịch "đang phát triển với tốc độ kinh hoàng". Chính trong bối cảnh này mà dịch cúm xuất hiện đầu năm 1918 được mọi người nói đến một cách tự nhiên là cúm Tây Ban Nha.
Cũng vào khoảng giai đoạn này, dịch bệnh bắt đầu hoành hành tại Pháp. Đã có những ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào tháng 4/1918, đặc biệt trong quân đội, thế nhưng báo chí đã không được phép nói bất cứ điều gì. Trong một lần trả lời phỏng vấn đài France 24, nhân dịp 100 năm đại dịch cúm Tây Ban Nha, nhà sử học Anne Rasmussen, giáo sư Đại học Strasbourg, giải thích : "Vào thời điểm đó, nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh. Thông tin bị kiểm duyệt tại tất cả các quốc gia tham chiến". Tây Ban Nha là quốc gia trung lập, vì vậy truyền thông không bị kiểm duyệt. Nhà sử học nhấn mạnh là, trong bối cảnh này, "thoạt tiên người ta tin rằng dịch cúm chỉ có tại Tây Ban Nha, chứ không phải ở những nơi khác".
Virus đột biến
Về chủ đề này, nhà sử học, kinh tế gia Pierre-Cyrille Hautcoeur, giám đốc nghiên cứu tại EHESS (Trường cao học về các khoa học xã hội), Paris, có bài viết đáng chú ý trên Le Monde, ngày 04/03/2020, mang tựa đề "Dịch cúm Tây Ban Nha, một bí mật được che giấu quá kỹ". Trước hết, theo nhà sử học, việc dựng lại chính xác cội nguồn của dịch là một điều không dễ dàng, bởi vì nếu như gần đây, các nhà khoa học đã tìm thấy virus-thủ phạm trong một số thi thể nạn nhân, được bảo tồn dưới tầng băng giá ở vùng cực Bắc, thì việc chỉ ra "thời điểm chính xác virus đột biến", để trở thành tác nhân gây dịch, vẫn còn là vấn đề đề ngỏ.
Tuy nhiên, có một điểm rõ ràng, mà các nhà nghiên cứu đạt được đồng thuận, đó là quy mô bệnh dịch kinh hoàng này đã bị che giấu trong những tháng cuối cùng của cuộc Đại chiến Thế giới thứ nhất. Sau này, chúng ta biết, số lượng người chết do virus lên đến khoảng 50 triệu (một số người đưa ra con số 100 triệu) trong thời gian 1918-1919 (tức tương đương từ 2,5 đến 5% dân số thế giới vào thời điểm đó).
Những nghiên cứu để phục dựng lại những biến chuyển của virus cúm "Tây Ban Nha" mới chỉ được giới chuyên môn đầu tư nhiều từ khoảng vài chục năm trở lại đây. Các nhà khoa học ghi nhận virus gây cúm Tây Ban Nha - vốn phố biến ở nhiều vùng trên thế giới - đã có một đột biến quan trọng, được ghi nhận tại Hoa Kỳ, vào khoảng tháng 4/1918, và trở nên nguy hiểm hơn gấp bội (theo cuốn "Cúm Tây Ban Nha : Giải thích về một đại dịch" của Eric Leroy, viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Pháp). Xuất phát từ Boston vào khoảng tháng 9/1918, tràn ra thế giới, theo chân nhiều đơn vị quân đội Mỹ.
Gần một nửa thủy quân lục chiến Mỹ mắc cúm
Theo các nhà khoa học, dịch bắt đầu bùng lên từ một căn cứ quân sự Mỹ của lực lượng viễn chinh. Những trường hợp mắc cúm lạ, lần đầu tiên được ghi nhận là vào tháng 3/1918. Nhưng đợt thứ hai nguy hiểm, lan rộng và gây chết người nhiều hơn là vào tháng 8/1918. Vào thời điểm đó, mọi nỗ lực giành để cho chiến tranh. Bất chấp các dấu hiệu của dịch bệnh lớn, tại Mỹ, người ta vẫn tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo người tham gia, để quyên góp tiền cho cuộc chiến bảo vệ các đồng minh Châu Âu, và hoàn toàn sao lãng các đòi hỏi an toàn vệ sinh dịch tễ. Khoảng 40% lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã bị mắc "cúm Tây Ban Nha", khoảng 4.000 quân nhân thiệt mạng do cúm trên đường vượt Đại Tây Dương, theo sử gia Alfred Crosby (America’s Forgotten Pandemic : The Influenza of 1918, Nhà xuất bản Cambridge, 2003, dẫn theo bài "La grippe espagnole : le tueur invisible de 1918", của Marine Dumeurger, trên Geo.fr). Điều kiện khắc nghiệt tại chiến trường cũng khiến dịch bệnh dễ dàng cướp đi nhiều mạng sống.
Dịch bệnh diễn ra theo hai đợt : đợt thứ nhất kéo dài đến hết năm 1918, và đợt thứ hai ngắn hơn, diễn ra vào mùa hè năm 1919. Tỉ lệ tỉ vong rất cao, thường vượt quá 20% dân số của các cộng đồng bị dịch, thậm chí lên đến 80%. Dịch bệnh cũng đặc biệt không tha lứa tuổi 25-35, vốn được coi là có sức đề kháng cao hơn. Theo nhà sử học Pierre-Cyrille Hautcoeur, nếu như thông tin về tỉ lệ chết cao khác thường này được công chúng rộng rãi biết đến, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các chiến dịch quân cuối cùng trong thời gian Đại chiến. Nhà sử học nêu ra con số, chỉ trong hai tháng cuối của cuộc chiến, đã có khoảng 400.000 thường dân Pháp và 100.000 binh sĩ quân đội phe Đồng Minh thiệt mạng do dịch.
Từ Châu Âu bệnh tràn ra thế giới
Việc che giấu thông tin cũng được coi là nguồn gốc khiến dịch bệnh lan từ Châu Âu ra những nơi khác trên thế giới. Tại Ấn Độ và Trung Quốc, người ta ước tính có khoảng 6 triệu người chết, và không có con số thống kê về các nạn nhân tại Châu Phi, mà ta biết rằng, tỉ lệ tử vong sẽ càng cao ở các cộng đồng dân cư nghèo khó (nhà sử học Alfred Crosby đưa ra con số 18,5 triệu người chết riêng tại Ấn Độ).
Việc không có thông tin về dịch bệnh cũng cản trở việc phổ biến những hiểu biết quan trọng, như các kinh nghiệm trị liệu. Phải cho đến những năm 1930, giới khoa học mới phân lập được virus. Vào thời điểm này, nhiều người cho dịch là do một vi trùng, được nhà bác học Đức Pfeiffer tìm ra vào năm 1892. Không có hiểu biết rõ ràng về nguồn gốc bệnh, vào thời điểm đó, các bác sĩ đã phải sử dụng đủ mọi biện pháp mà họ có trong tầm tay.
Từ "tắm lạnh" (để tiêu viêm), dùng thuốc nhuận tràng, cho đến sử dụng các dược phẩm như aspirine, ký ninh, iodine…, hay dùng các loại vắc xin hiệu quả trong các bệnh dịch khác. Đối với các biện pháp y tế công, để chống lại kẻ thù vô hình này, người ta cũng sử dụng đủ loại biện pháp : từ hun khói, tẩy trùng đến đóng cửa các địa điểm công cộng, phát xà phòng, thu dọn rác thải… Tất cả các biện pháp được huy động vốn cũng là những biện pháp đã được dùng để phòng chống đa số các bệnh dịch khác. Quân đội, vốn thường tự hào đã chế ngự được đủ loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như thương hàn, kiết lỵ, sốt phát ban…, hy vọng với các biện pháp truyền thống, cộng với nước sạch, thực phẩm sạch, chăn màn sạch, là có thể ngăn chặn được dịch bệnh. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy tổn thất do dịch bệnh gây ra là rất lớn, chưa kể, do thông tin không được minh bạch, mà bệnh dịch lan rộng ra những nơi khác của thế giới.
Sửa sai đầu tiên : lập Cơ quan Y tế Hội quốc liên
Sau chiến tranh, giới chính trị quốc tế - nhìn chung hiểu được rằng thảm họa đã xảy ra, nhưng không công khai nói đến quy mô của thảm họa - đã tìm cách lập ra Cơ quan Y tế của Hội quốc liên, tiền thân của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (lập ra năm 1921), với chức năng chính là kiểm soát dịch bệnh, thông tin về dịch bệnh, điều phối sự hợp tác quốc tế, là điều hoàn toàn thiếu vắng trước đó.
Về mặt các điều kiện xã hội, trình độ phát triển kinh tế, về hệ thống y tế, giữa đại dịch cúm Tây Ban Nha đầu thế kỷ XX và dịch Covid-19 hiện nay rõ ràng có rất nhiều điểm khác xa nhau, thậm chí khác nhau một trời một vực. Các xã hội đương đại, đặc biệt là các quốc gia phát triển, có nhiều tiềm năng để đối phó hơn hẳn. Tuy nhiên, bài học căn bản mà đại dịch cúm Tây Ban Nha để lại, đó là việc theo dõi sát dịch bệnh, minh bạch thông tin, phối hợp tổ chức các biện pháp can thiệp là các điều thiết yếu, để ngăn chặn ngay từ đầu, hoặc hạn chế tác hại của dịch bệnh. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với những cộng đồng người nghèo, là nạn nhân đầu tiên của các dịch bệnh.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 05/03/2020
Nghệ sĩ Phó An My, nổi tiếng với biệt danh "tiếng dương cầm bão tố", một lần nữa gây chấn động. Lần này có lẽ ít do buổi độc tấu piano của bà tại Nhà Hát Lớn Hà Nội đêm 24/11/2019, mà nhiều hơn là do can thiệp thô bạo của an ninh (1). Nhiều người cho rằng đêm nhạc mang tên gọi "Tỉnh" khiến chính quyền lo sợ. Tuy nhiên, câu chuyện có thể có những ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.
Nghệ sĩ dương cầm Phó An My.ảnh chụp màn hình : Anninhthudo
Một nhà bình luận âm nhạc Việt Nam ghi nhận, "trước "Bóng", "Lửa", "Gió"… khán giả rất khó hình dung sự đồng điệu của cây đàn piano với các làn điệu chèo, tuồng, hát văn… trong cùng một tiết mục trên sân khấu. Thế nhưng, Phó An My đã dẫn dắt công chúng từ những nghi ngại ban đầu đến trạng thái bất ngờ, thậm chí là cảm giác "sửng sốt".
Lần này Phó An My cùng ê kíp, nhà soạn nhạc Đặng Tuệ Nguyên và đạo diễn Đặng Xuân Trường, đã chọn một con đường khác. Độc hành với cây đàn piano, Phó An My chuyển đến công chúng cảm xúc choáng ngợp của bà trước Thiên nhiên vĩ đại, qua hơi thở của ca trù, thứ âm nhạc bác học tinh túy của Việt Nam.
Vài tuần trước cuộc biểu diễn, người nghệ sĩ dương cầm này đã phải đối mặt với các áp lực chưa từng có trong đời, từ phía an ninh, cũng như trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đêm diễn 24/11 rốt cuộc đã diễn ra.
***
Trước hết, mời quý vị nghe nhận xét của họa sĩ Lê Quảng Hà về đêm diễn "Tỉnh" :
"Có thể nhận xét là chưa một lần nào tôi xem một buổi biểu diễn hoàn thiện từ góc độ ánh sáng, cho đến sân khấu mang tính nghệ thuật đến thế. Tôi chẳng hiểu tại sao một buổi biểu diễn như thế mà công an lại phải làm phiền như thế. Tôi nghĩ có lẽ chỉ có mỗi chữ Tỉnh là họ sợ. Họ sợ Dân tỉnh. Nhưng mà câu chuyện giải quyết xong, việc này cũng khá êm đẹp rồi".
Hạnh phúc trong đau đớn
Nghệ sĩ Phó An My chắc chắn đã hạnh phúc, bởi giấc mơ 15 năm về trước của bà đã thành hiện thực. Cuộc trình diễn đã hoàn tất, tuy nhiên, trong tâm hồn của người nghệ sĩ, hạnh phúc xen lẫn nỗi đau, niềm thất vọng mênh mang. Sau đây là một tâm sự của bà Phó An My với RFI Tiếng Việt, hôm sau đêm diễn :
"Có một khoảng khắc không bao giờ tôi quên, khi có một người tặng hoa tôi. Tôi vẫn ôm bó hoa đó kịp thời, trong lúc an ninh cản trở việc ấy. Tôi không hiểu tại sao ? Và người tặng hoa tôi cũng không hiểu tại sao lại thế ? Không thể đối xử với nhau như thế này ! Đông an ninh như một sự kiện gì đấy phản quốc ! Tại sao ? Tại sao chúng ta đối xử với nhau như thế này ? Cũng có một người nhiếp ảnh hôm nay, tôi phải gọi điện (xin lỗi), người ấy tưởng tôi bầy trò ra để an ninh đến và không cho ông ấy chụp ảnh. Ông ấy dỗi, ông ấy bỏ về… Tôi không biết tôi còn phải xin lỗi bao nhiêu người nữa ! ".
Đồng hành của Green Trees
Một trong các lý do khiến buổi biểu diễn của Phó An My bị chính quyền chú ý là do mối quan hệ giữa nghệ sĩ với những thành viên tổ chức bảo vệ môi trường Green Trees, đặc biệt với ông Đặng Vũ Lượng, nhạc sĩ và cũng là người bạn đồng hành của bà.
"Họ lo ngại là Green Trees sẽ có thể làm một điều gì đấy, họ phải ngăn chặn từ trước. Trước đó, họ đã luôn luôn cảnh báo ê kíp của đêm diễn rằng sẽ bị theo dõi an ninh chặt chẽ, bởi vì sẽ có các thế lực phản động đứng đằng sau. Chuyện này thì rất đáng ngạc nhiên, vì Greeen Trees từ trước cũng chỉ hoạt động về môi trường, chưa làm điều gì sai trái với pháp luật của Việt Nam" (2).
Nhà hoạt động xã hội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, rất quan tâm đến buổi diễn, cho dù ông không tham dự. Theo ông, chính quyền có lý do để lo ngại đêm diễn "Tỉnh", không chỉ vì tổ chức môi trường Green Trees.
"Họ sợ ! Mà họ sợ là đúng thôi. Bởi vì nghệ thuật, nhạc, phim ảnh. Những cái ấy nó thấm vào những cảm xúc rất là sâu thẳm của con người. Và họ chỉ muốn tất cả mọi người đều nghe bài hát Đêm nay có Bác Hồ gì đó, hay về Đảng ta vinh quang gì đó. Một chế độ mà quen tẩy não con người rồi thì nó dị ứng với những tác phẩm có tính mới lạ, và có thể gây tác động sâu đậm đến suy tư của con người".
Khao khát nghệ thuật đỉnh cao
Trên thực tế, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước buổi diễn, báo chính thức tại Việt Nam đã đăng tải hàng loạt bài viết ca ngợi "Tỉnh" - như một cơ hội đánh thức ý thức môi trường trong xã hội Việt Nam. Nghệ thuật làm thức tỉnh lòng người trong lĩnh vực môi trường dường như không còn là điều cấm kỵ. Bên cạnh đó, xã hội Việt Nam cũng đang ngày càng khao khát những tác phẩm âm nhạc vượt khỏi những lối mòn. Sau đây là nhận định của nhà văn Đặng Thân.
"Tôi thực sự cảm động khi xem câu chuyện được dẫn dắt qua tiếng đàn rất là kinh điển như thế này ! Tôi chỉ có một mong muốn là những cái sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao này cần được đến với công chúng nhiều hơn. Bởi vì, cho đến giờ phút này, chúng ta thấy ở môi trường như ở Việt Nam, thì nghệ thuật rất nghèo nàn và luẩn quẩn. Tôi thấy là công chúng đến với đêm nhạc rất đông, không còn một chỗ trống. Có nghĩa là sự khao khát được thưởng thức những chương trình như thế này của người dân, đặc biệt như ở vùng Hà Nội đây là có, chỉ có điều là nguồn cung cực kỳ yếu và thiếu ! ".
"Tôi đánh thức chính mình"
Tại sao Phó An My lại chọn "Tỉnh" làm tiêu đề cho tác phẩm ? Sau đây là chia sẻ của nghệ sĩ :
"Cái câu chuyện môi trường cả thế giới phải quan tâm đến. Khi môi trường nó xấu đi, thì người giầu, người nghèo cũng như nhau. Chúng ta hưởng một không khí như nhau. Nhưng đó chỉ là một góc ! Cái góc (riêng) của tôi là gì ? Thiên nhiên là thứ tuyệt vời nhất của cuộc đời này. Chúng ta làm gì ? Chúng ta chỉ là những con người nhỏ nhoi, chúng ta đang nỗ lực để mô tả lại thiên nhiên. Thiên nhiên là thứ vĩ đại nhất ! Trong một khoảnh khắc tôi chọn tên là "TỈNH". Tỉnh có gì là khốc liệt đâu ? !
Tỉnh là gì ? Một ngày đẹp giời tôi tỉnh dậy, tôi cần phải tỉnh dậy ! Tôi phải đánh thức chính tôi, để tôi không ngủ quên, quên là hàng ngày tôi đang làm gì ! Tôi chỉ là một hạt cát của vũ trụ này. Tôi chỉ nghĩ là, một ngày đẹp trời, giống như Vivandi, làm "Bốn Mùa"… Tôi là người Việt Nam, tôi tự hào về những câu chuyện của ông bà tôi để lại, tôi muốn đưa được ngôn ngữ dân gian của Việt Nam đưa ra với thế giới. Để khi họ nghe thấy một giai điệu đấy, họ bảo là : À đây là Việt Nam ! Đây là đất nước tôi !".
Cái đẹp… Thiên nhiên… sự lương thiện…
Nghệ sĩ Phó An My tâm sự thêm về những gửi gắm của bà qua tác phẩm :
"Thiên nhiên là thứ vĩ đại nhất rồi ! Màu sắc thiên nhiên, khoảnh khắc thiên nhiên, âm thanh của thiên nhiên ! Âm thanh là gì ? Có thể là, mình nghe thấy tiếng chim hót, mình rất là rung động, mình nghe thấy tiếng xào xạc của lá, mình nghe thấy tiếng gió, mình nghe thấy tất cả mọi thứ…. Mình mường tượng ra, mình tạo ra một thứ âm thanh truyền tải cho con người. Đó là giai điệu của âm nhạc ! Để nó (Thiên nhiên) đến gần với con người. Cái đêm diễn này tôi hướng đến một sự đẹp đẽ. Khi tôi đưa ra một thông điệp đẹp đẽ, tự nhiên con người sẽ lương thiện hơn. Chỉ có sự lương thiện mới thay đổi được cuộc đời này. Cái đẹp của Thiên nhiên, cái đẹp của mọi thứ đã cho mình, của vũ trụ để cho mình. Hãy tôn trọng nó ! ".
Tác phẩm "Tỉnh" không dính dáng đến bất cứ tuyên truyền chính trị nào là điều mà nghệ sĩ dương cầm Phó An My nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện của bà với RFI. Với nhà văn Đặng Thân, thì giá trị của tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao này "lớn hơn nhiều" so với các tuyên truyền về ý nghĩa với môi trường trong tác phẩm Phó An My, thường được báo chí, truyền thông tại Việt Nam ca ngợi. Không chỉ là môi trường, theo nhà văn Đặng Thân, điều mà ông cảm nhận qua tác phẩm này là chính "đời sống của con người đang thực sự bị đe dọa".
Thức tỉnh : chuyện muôn thuở, mà cấp thiết
Những tác phẩm cách tân, sâu sắc và tinh tế bao giờ cũng để lại những cảm nhận đa chiều. Sau đây là một chia sẻ khác của tiến sĩ Nguyễn Quang A về đêm diễn Tỉnh.
"Nhạc của Phó An My có một cái nét rất là riêng của Phó An My. Tôi không nghĩ là nó chỉ gắn với môi trường đâu. Cái Tỉnh ở đây rộng lắm. Không chỉ có ý nghĩa về việc môi trường bị hủy hoại. Tỉnh ở đây nó sâu lắm ! Và người ta sợ ở cái sâu ấy ! Thực sự là cái chuyện thức tỉnh là chuyện muôn thuở. Và buổi buổi diễn nó khơi gợi lại, nó đòi hỏi người Việt Nam phải tỉnh. Thì cái thức tỉnh ấy rất nhiều ý nghĩa. Rất nhiều vấn đề khác của xã hội, mà chúng ta phải tỉnh ra ! ".
Đêm độc tấu dương cầm "Tỉnh" của nghệ sĩ Phó An My, ngày 24/11/2019, để lại nhiều dấu hỏi về thái độ hành xử của chính quyền Việt Nam. Bên cạnh việc an ninh ngăn chặn những thành viên của tổ chức dân sự Green Trees tham dự đêm diễn, nhiều nhà quan sát đặc biệt chú ý đến việc các nhân viên công lực cản trở công chúng tiếp xúc với các nghệ sĩ ngay tại một trung tâm văn hóa lớn của thủ đô Hà Nội, một hành vi bị lên án là "vô văn hóa", thậm chí phạm pháp.
Trong chính quyền, nhiều người cũng trên đường tỉnh thức
Phản ứng thô bạo và quá khích của phía các nhân viên công lực vượt quá xa khỏi những gì cần thiết để bảo vệ an ninh xã hội, gây bất bình. Ngay giới các blogger - thường được gọi là "các dư luận viên", có quan điểm bài xích những người hoạt động dân sự độc lập - cũng phân hóa. Bên cạnh, những người dùng những lời lẽ tồi tệ để miệt thị nghệ sĩ Phó An My, cũng có người cho rằng không có lý do gì để hủy đêm nhạc Tỉnh.
Một bộ phận chính quyền Việt Nam dường như cũng đang thức tỉnh. Mâu thuẫn chủ đạo trong xã hội Việt Nam giờ đây không hẳn chỉ là giữa chính quyền độc tài, toàn trị với những người khát khao tìm lối thoát cho xã hội Việt Nam, mà là mâu thuẫn ngay trong chính nội bộ chính quyền, giữa một bên là thế lực ưa dùng bạo lực để duy trì nỗi sợ hãi, sự phục tùng, mù quáng trong dân chúng, với những người đang trên con đường tỉnh thức.
RFI tiếng Việt xin cảm ơn nhạc sĩ Phó An My, họa sĩ Lê Quảng Hà, nhà văn Đặng Thân, tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhạc sĩ Đặng Vũ Lượng đã dành thời gian cho chương trình.
Trọng Thành thực hiện
Nguồn : RFI, 27/11/2019
Ghi chú
1. Theo thông tin của nhóm Green Trees , ngoài việc các thành viên của nhóm bị ngăn chặn đến dự biểu diễn, trong đêm nhạc Tỉnh tại Nhà Hát Lớn, các bức tranh nghệ thuật về thiên nhiên bị cấm trưng bày, an ninh không cho phép khán giả chụp ảnh, live stream, không một đài truyền hình nào được phép vào quay đêm diễn, không khán giả nào được phép tặng hoa… Sau buổi diễn gần như không có bất kỳ tin bài nào giới thiệu về đêm nhạc Tỉnh, ngoài bài "Phó An My : Bán cá lãi hơn, nhưng tôi vẫn thuộc về âm nhạc ", đăng tải ngày 25/11/2019 trên trang Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đây là cuộc phỏng vấn nghệ sĩ dương cầm trước thềm cuộc trình diễn.
2. Nhóm Green Trees ra đời từ phong trào chống chặt hơn 6.000 cây cổ thụ ở Hà Nội, gần đây khiến công luận chú ý với bộ phim "Đừng sợ" về Thảm họa biển Formosa, thuật lại phong trào chống ô nhiễm biển miền Trung chưa từng có năm 2016, cũng như hoạt động của nhiều phong trào dân sự mới trỗi dậy tại Việt Nam từ 2006. Một số thành viên của Green Trees bị nhân viên công an gây khó khăn do bộ phim này (RFI 28/03/2019). Theo ông Đặng Vũ Lượng, từ một năm trở lại đây, nhiều thành viên không còn ở nơi cư trú thường lệ, "để tránh sự quấy rối từ phía an ninh".
Trong những tháng gần đây, trên khắp thế giới, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, hàng loạt phong trào xã hội bùng lên. Dường như có những nguyên nhân chung sâu xa đằng sau các cuộc phản kháng này. Nhật báo Le Monde số ra ngày 09/11/2019, đúng 30 năm sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ, có hồ sơ đặc biệt mang tựa đề "Tìm về cội rễ những phẫn nộ mang tính toàn cầu". RFI xin giới thiệu một số nét chính.
Một người biểu tình phản kháng tại Santiago, Chile, 25/10/2019. Reuters/Pablo Sanhueza
Một số đặc điểm sơ bộ của các cuộc phản kháng xã hội gần đây
Từ Beyrouth, Baghdad, Cairo (Trung Cận Đông), đến Alger, Khartoum (Châu Phi), Santiago, Haiti (Châu Mỹ), Hồng Kông (Châu Á)… các phong trào phản kháng nổi lên với các lý do trực tiếp rất khác nhau. Gần đây nhất là tại Chile, tia lửa bùng lên vào giữa tháng 10/2019 với việc chính quyền tăng giá xe điện ngầm ở thủ đô. Tại Lebanon, khoản thuế mới đánh vào các dịch vụ điện thoại WhatsApp gây phẫn nộ. Trong nửa đầu tháng 10 vừa qua, phong trào bùng phát tại Ecuador, do giá xăng tăng cao, cùng một nguyên nhân với cuộc phản kháng "Áo Vàng" tại Pháp cách nay một năm.
Trong bài trả lời phỏng vấn Le Monde, nhà chính trị học Bertrand Badie (1) tổng hợp ba nhóm nguyên nhân trực tiếp. Thứ nhất là các lý do được ví như "giọt nước tràn ly" trên cái nền bất mãn xã hội và kinh tế sâu sắc, như một số trường hợp nêu trên. Nhóm nguyên nhân trực tiếp thứ hai là sự phẫn nộ của dân chúng chống lại các lãnh đạo bấu víu quyền lực, như phong trào tại Algeria từ hơn nửa năm nay và tại Bolivia mới đây. Nhà chính trị học Bertrand Badie xếp trường hợp đặc biệt Hồng Kông thành một nhóm riêng, ông nhấn mạnh đây là cuộc phản kháng của dân chúng chống lại các đàn áp của chính quyền, được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Các cuộc phản kháng hiện nay làm nhớ lại một số phong trào xã hội bùng lên vào giai đoạn 2011, 2012, đặc biệt với phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, tần suất các cuộc phản kháng hiện nay gia tăng gấp bội. Nhà chính trị học Maria J. Stephan, Viện U.S. Institute of Peace (Mỹ), nhận xét : "Các cuộc phản kháng - với sự tham gia của đông đảo dân chúng diễn ra khắp nơi, trong các nền dân chủ, cũng như trong các xã hội phi dân chủ, với các yêu sách rộng lớn – đã trở thành một đặc điểm quan trọng của đời sống chính trị quốc tế hiện nay".
Những nguyên nhân sâu xa chung nào đằng sau các cuộc phản kháng đa dạng này ?
Nhà phân tích Maria Fantappie, của International Crisis Group, đưa ra một nhận xét đáng chú ý : "Không nên tìm cách lý giải các phong trào này chỉ qua bối cảnh cụ thể của một quốc gia, mà cần phải tìm hiểu về chúng như là sự biểu hiện cho một tình trạng thất vọng chung về toàn bộ một hệ thống, về một thể chế kinh tế tân tự do, đang gây ra những bất mãn ghê gớm, đặc biệt trong giới những người trẻ tuổi nhất. Tất cả những điều này liên hệ mật thiết với nhau".
Theo Le Monde, đối với nhiều chuyên gia, các phong trào phản kháng đang diễn ra có một số điểm chung : mức độ phản kháng chống lại giới tinh hoa mạnh hơn bình thường, lên án mạnh mẽ hơn nạn tham nhũng, các định chế chính trị đang ngày càng mất tính chính đáng, đặc biệt là niềm thất vọng phổ biển trước một giai tầng chính trị ăn trên ngồi trốc (đặc biệt với liên minh quyền – tiền của chủ nghĩa tư bản thân hữu), trong lúc giới trẻ không thấy đường ra.
Nhà xã hội học Eric Fassin, giáo sư Đại học Paris-VIII, nhấn mạnh đến tâm thế mất niềm tin vào tương lai. Theo ông, "họ biết là tương lai của họ đang là vấn đề, hay đúng hơn là sự thiếu vắng tương lai". "No future" không còn là tiếng kêu tuyệt vọng của giới hâm mộ nhạc punk, mà đã trở thành tiếng gọi đoàn kết, với thông điệp ngầm ẩn : "Chúng tôi không còn gì để mất. Nhưng thay vì khuất phục, chúng tôi hiểu rằng cần phải tranh đấu". Eric Fassin dẫn lại một khẩu hiệu của giới trẻ Chile : "Tranh đấu cho đến khi cuộc sống trở nên đáng sống".
Chống lại "toàn cầu hóa" phải chăng là điểm chung của các phong trào xã hội này ?
Trong bài trả lời phỏng vấn Le Monde, mang tựa đề "Hồi II công cuộc toàn cầu hóa đã bắt đầu", nhà chính trị học Bertrand Badie chia các phong trào xã hội theo khu vực. Nhà chính trị học Pháp nhấn mạnh đến cảm nhận tiêu cực khác nhau về toàn cầu hóa theo hai nhóm nước. Khu vực thứ nhất là tại các nước phía Bắc (đặc biệt là Mỹ và Châu Âu), vốn là trung tâm của hệ thống quốc tế truyền thống. Đây là nơi mà rất nhiều người dân cảm nhận toàn cầu hóa là tiến trình khiến họ thiệt đơn, thiệt kép. Vị thế trung tâm thế giới vốn có đang mất đi, cùng lúc đó là nỗi lo sợ bị các khu vực ngoại vi "xâm chiếm", với nỗi lo mất việc làm, sợ tự do hóa thương mại, người di cư…
Đối với khu vực các nước phía Nam, toàn cầu hóa là một cơ hội mang lại thịnh vượng, nhưng ngay lập tức có một khoảng cách to lớn, giữa hy vọng mà toàn cầu hóa dấy lên và sự trơ lì của các chế độ chính trị, nơi tầng lớp cầm quyền là thế lực duy nhất - hoặc gần như là thế - được hưởng lợi nhờ tăng trưởng kinh tế. Toàn cầu hóa, với hàng tỉ người sở hữu điện thoại di động, cho phép trao đổi thông tin tăng vọt, hình ảnh về thế giới trở nên hoàn toàn khác trước. Khoảng cách vô cùng lớn giữa giàu sang và bần cùng đập vào mắt công chúng hàng ngày. Hy vọng rất lớn đi liền với thất vọng khủng khiếp. Tham gia vào hàng ngũ những người phản kháng có những người trung lưu chống lại sự ì trệ của hệ thống, cũng như những người nghèo khó nhất, giờ đây ý thức rõ về việc họ bị loại trừ.
Toàn cầu hóa tự thân không phải là kẻ thù của các xã hội, vấn đề là toàn cầu hóa như thế nào. Bản thân các phong trào phản kháng hiện nay dựa rất nhiều vào phương tiện công nghệ, kỹ thuật truyền thông có được nhờ toàn cầu hóa. Nhà chính trị học Bertrand Badie lưu ý đến mối liên hệ mật thiết giữa các xã hội trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, vượt qua khuôn khổ biên giới quốc gia, mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các xã hội tăng vọt, thách thức quyền lực truyền thống của các chính quyền, các quốc gia. Ông nhấn mạnh : "sự hội tụ giữa các xã hội (dân sự) đang viết nên lịch sử", và có xu hướng trở nên quan trọng hơn cả những quan hệ hợp tác và đối kháng giữa các quốc gia trên trường quốc tế, vốn được coi là chủ đạo lâu nay.
Làm thế nào để các phong trào phản kháng tham gia xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, thay vì khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn ?
Bài xã luận của Le Monde, mang tựa đề "Một đòi hỏi mang tính toàn cầu : Tái chinh phục nền dân chủ" (2), tỏ ra lạc quan. Với niềm tin là các phong trào xã hội, nếu được hỗ trợ thích đáng, sẽ góp phần giúp cho thế giới hiện nay "tái cân bằng". Không nên lo sợ trước các phong trào xã hội, thậm chí cần vui mừng vì thời thế đang thay đổi. 30 năm sau biến cố Bức tường Berlin sụp đổ, thường được coi như biểu tượng cho sự mở ra một kỉ nguyên thống trị của thị trường (3), các đòi hỏi về công bằng thuế khóa, an sinh xã hội, môi trường – sinh thái nay đang được đặt trở lại vị trí hàng đầu. Điều cần đặc biệt chú ý là phải làm sao để các phong trào xã hội không bị rơi vào "các cạm bẫy dân tộc chủ nghĩa". Các phong trào phản kháng phải được hỗ trợ để hướng đến các mục tiêu xã hội, môi trường, đổi mới các cơ chế đoàn kết trong xã hội, tăng cường sức mạnh của xã hội dân sự, xã hội dân sự tham gia vào thực thi quyền lực Nhà nước, để sao cho chính quyền quan tâm và hành động nhiều hơn cho hạnh phúc của người dân. Tóm lại, "sáng tạo lại nền dân chủ" là điều nhân loại cần làm để vượt qua chặng đường gian khó này. Theo Le Monde, đây cũng chính là điều mà "các cuộc nổi dậy hiện nay" hướng tới.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 12/11/2219
Ghi chú :
1. Bài phỏng vấn Bertrand Badie : "L’acte II de la mondialisation a commencé", Le Monde, 09/11/2019.
2. Bài "Une exigence planétaire : reconquérir la démocratie", Le Monde, 09/11/2019.
3. "Trong thập niên 1980, tại Hoa Kỳ đã ra đời một cương lĩnh kinh tế rõ ràng : việc giảm thuế cho tầng lớp giàu có nhất, ít đầu tư cho Nhà nước, ít dịch vụ công hơn sẽ đi liền với thịnh vượng kinh tế chưa từng có. Nguyên tắc này sau đó đã được phổ biến ra toàn thế giới, thông qua các khóa học về kinh tế của giới tinh hoa chính trị hay các chương trình của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dành cho các quốc gia đang trỗi dậy. Nguyên tắc này dường như đang bị thách thức… Nếu các lãnh đạo trên hành tinh không xem xét lại một cách sâu sắc dự án kinh tế của họ, trên phương diện các dịch vụ xã hội căn bản và, hệ quả là, phải mở rộng việc đánh thuế, thì điều rất chắc chắn là không khí xã hội toàn cầu không thể lắng dịu", theo kinh tế gia Lucas Chancel, Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững và các Quan hệ Quốc tế (IDDRI), trong bài : "Lucas Chancel : Au cœur des crises, l’exigence de plus de justice sociale et d’accès aux services essentiels", Le Monde, 09/11/2019.
Có nên xây khu du lịch trên đất ruộng tại xã nghèo ?
Diễm Thi, RFA, 02/10/2019
Chuyện lấy đất ruộng xây lăng, xây khu vui chơi từng gây bức xúc cho người dân bấy lâu nay nhưng rồi mọi chuyện vẫn tiếp diễn. Gần đây nhất, tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất cho chuyển đổi hơn 47 ha đất trồng lúa xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy với chi phí hơn 3.000 tỷ đồng.
Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão huyện Lạc Thủy, do Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư.
Nhà nước không bảo vệ đất trồng lúa
UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 48 ha đất trồng lúa năm 2019 để xây dựng Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão huyện Lạc Thủy, do Công ty TNHH Một thành viên Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 15 % tổng số vốn, phần còn lại là vốn vay và vốn huy động.
Dự án này đã được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11 năm 2016.
Hiện văn bản này được chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét giải quyết.
Hòa Bình là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18% tổng số hộ dân toàn tỉnh, theo thống kê cuối năm 2017 của UBND tỉnh với phương pháp đo lường nghèo đa chiều, giai đoạn 2016-2020.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên chính quyền địa phương lấy đất ruộng xây cơ sở tôn giáo, xây lăng tẩm. Cụ thể, hôm 23 tháng 9 năm 2018, báo mạng VNExpress đưa tin chi tiết về khu an táng ông cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang nằm trên cánh đồng ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Khu đất này trước đây là cánh đồng lúa của người dân nhưng đã được hợp thửa rồi sau đó san ủi, đổ đất đá làm nền và trồng cây xanh từ mấy năm trước.
Thời điểm đó, luật sư Hà Huy Sơn nói với RFA rằng :
"Luật đất đai hiện hành chỉ có quy định là đất trồng lúa, tức là đất nông nghiệp mà chuyển đổi sang xây nghĩa địa, nghĩa trang như trường hợp của ông Trần Đại Quang thì nó phải có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp. Nhưng việc chuyển đổi này phải có quy hoạch, tức là có kế hoạch sử dụng ruộng đất phù hợp với thực tế, chứ không phải thích xây nghĩa trang ở đâu thì xây, xây nghĩa địa ở đâu thì xây".
Điều 134 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2013, quy định : "Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa".
Tuy quy định là thế nhưng thực tế, Nhà nước cho phép sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích phi nông nghiệp xảy ra khắp nơi trên mảnh đất Việt Nam, mà theo Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận định thì tất cả là do "quyền năng" của Nhà nước :
"Về mặt nguyên tắc thì Nhà nước Việt Nam rất khó khăn với người dân trong vấn đề đất đai nhưng họ lại rất dễ dãi với các quyết định về đất đai của họ. Họ có thể làm bất cứ cái gì. Thật ra bây giờ mà xây dựng khu tâm linh và được duyệt thì họ cứ từ đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích rồi xây thôi.
Nhà nước có "quyền năng" sử dụng, quản lý đất nên cứ sử dụng. Vấn đề là sử dụng có hợp lý hay không, có nên hay không trong điều kiện đất sản xuất đang ngày càng hẹp đi".
Dân nghèo, xây khu du lịch làm gì ?
Dự án khu du lịch sinh thái - tâm linh tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình được xây dựng gồm các hạng mục chính như : Khu dịch vụ đón tiếp, khu dịch vụ cáp treo, khu công viên Nguồn cội, Công viên Việt Nam quê hương tôi, Công viên chủ đề vui chơi giải trí, khu nhà ở Hoa Sen, khu nhà ở Làng quê Việt, khu dịch vụ mặt nước sinh thái...
Với một tỉnh còn nghèo như Hòa Bình, việc xây một công trình với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng như vậy liệu có thiết thực hay không và vì sao chính quyền nơi đây vẫn muốn thực hiện ?
Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu nêu ý kiến :
"Cái gì nó cũng phải thực tế. Tâm linh phải xây trong lòng người, chứ cái đó chỉ là hình thức bên ngoài. Cuộc sống của người dân nó rất khổ, họ cần đất để canh tác, đất để họ sống. Xây như vậy nó tàn phá quê hương đất nước, tàn phá cuộc sống của nhân dân. Tôi thấy điều đó rất vô ích chẳng thiết thực gì cho cuộc sống dân sinh".
Với cái nhìn của một luật sư giúp người dân mất đất khắp nơi về mặt pháp lý, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc lý giải việc xây những công trình nghìn tỷ bất luận là nó có hiệu quả kinh tế, xã hội gì hay không là do lợi ích nhóm. Ông giải thích rằng, khi đã có một công trình xây dựng thì sẽ có vốn lớn để đầu tư, sẽ có nhiều hạng mục công trình để giải ngân thì sẽ gắn liền với lợi ích của nhóm, của một số người có đặc quyền đặc lợi, có quyền quyết định trong vấn đề xây dựng, chọn thầu…
Riêng về khu du lịch sinh thái tâm linh ở tỉnh Hòa Bình, luật sư Phúc kết luận :
"Tỉnh nghèo, trẻ con thì thất học, thiếu ăn mà lại dùng khoản tiền rất lớn để đầu tư một cách không cần thiết, tính hiệu quả xã hội không có, không đem lại mục đích, ý nghĩa dân sinh".
Tháng 9 vừa qua, tỉnh Bình Định dự kiến chi hơn 86 tỷ đồng để tạc bức phù điêu "Lạc Long Quân - Âu Cơ" và cội nguồn đại đoàn kết dân tộc vào vách núi Bà Hỏa ở cửa ngõ TP Quy Nhơn.
Bà Lan, một người dân Bình Định nói với RFA rằng, nhà nước nên dùng số tiền 86 tỷ đồng này vào những việc thiết thực, có lợi cho dân như đầu tư vào bệnh viện hay trường học, chứ xây tượng đài hay phù điêu thì chỉ quan chức "hưởng". Bà cho biết nơi bà ở không có bệnh viện mà chỉ có trạm xá. Nếu bệnh nặng mà không có tiền lên bệnh viện tỉnh thì chỉ có nước nằm chờ chết. Còn trường học thì quá xa nhà, học trò thì phải đóng đủ thứ tiền.
Ngày 25 tháng 9, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã thống nhất tạm dừng dự án tạc bức phù điêu với kinh phí dự kiến 86 tỉ đồng này.
Liệu dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng có được thông qua hay không vẫn còn là câu hỏi lớn !
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 02/10/2019
*******************
Việt Nam : Nhân danh xây Chùa để phá rừng
Trọng Thành, RFI, 02/10/2019
Xây chùa để kinh doanh Phật. Dựng tượng Phật để móc tiền dân. Tham nhũng tâm linh. "Du lịch sinh thái – tâm linh" hay du lịch phá sinh thái – phá tâm linh ?... Tệ nạn nhân danh xây chùa hay công trình tôn giáo, tín ngưỡng, để phá rừng, xây các khu "du lịch tâm linh" hay "sinh thái - tâm linh" đã trở thành một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam từ nhiều năm nay.
Đỉnh núi Chín Khúc (Nha Trang) bị san phẳng để xây dựng quần thể "du lịch tâm linh" Cửu Long Sơn Tự, với nhiều "chùa chiền". Ảnh báo Người Khánh Hòa (09/07/2019)
Đầu tháng 6/2019 vừa qua, tại Quốc hội Việt Nam (1), nhiều đại biểu đã lên tiếng chất vấn lãnh đạo các bộ ngành trực tiếp liên quan (bộ Xây Dựng, bộ Văn hóa thể thao và du lịch, bộ Nội vụ, bộ Tài nguyên và môi trường) về những khuất tất của các "siêu dự án du lịch" gắn mác "tâm linh" (2), trong đó có những dự án nhân danh xây Chùa để phá rừng. Về vấn đề nói trên, trong Tạp chí Xã Hội tuần này, RFI đặt câu hỏi với thượng tọa Thích Đồng Bổn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, luật sư Đặng Đình Mạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) và nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang).
***
Rừng Tam Đảo : Phụ Nữ Sài Gòn phanh phui đường dây dự án
Tháng 9/2019, công luận Việt Nam xôn xao với loạt phóng sự của báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh về chiến dịch thôn tính vườn Quốc gia Tam Đảo của tập đoàn Sun Group. "Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo" và "Sun Group - "ông trời" không từ trên cao" là các bài viết gây chấn động. Nhân vật trung tâm trong loạt phóng sự là nhà sư Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng, Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).
Sư Toàn, bị tố gạ tình phóng viên, hiện thời đã bị Giáo hội Phật giáo thi hành kỷ luật nội bộ. Nhưng điều chủ yếu của loạt phóng sự của Phụ Nữ Sài Gòn, là thông qua sư Thích Thanh Toàn, làm hiện rõ một đường dây ngầm đằng sau một dự án xây dựng khu du lịch, trong đó ngôi chùa cổ trong rừng sâu mang tên Địa Ngục, được coi là phần lõi của dự án "Tam Đảo II", với đầu tư ước tính 25.000 tỉ đồng. Dự án, nếu được thực hiện, có thể dẫn đến việc hủy hoại hàng trăm hecta khu rừng Quốc gia Tam Đảo.
Trong các cuộc nói chuyện với phóng viên báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, sư Toàn khuyến khích nhà báo – trong vai của nhà đầu tư – đầu tư vào dự án Tam Đảo II, bởi đây là "một dự án lớn nhất, sang nhất, đắt nhất và lãi nhất". Điều mà sư Thích Thanh Toàn đưa ra để thuyết phục là mối quan hệ đặc biệt của ông với một phó chủ tịch tập đoàn Sun Group. Theo nhà sư, lãnh đạo Sun Group hứa hẹn sẽ đưa 300 tỉ đồng để xây lại khu chùa Địa Ngục. Nhà sư dặn giữ kín vì đây là điều "pháp luật không cho phép", nhưng tin tưởng dự án sẽ được hợp thức hóa.
Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định là loạt bài này "cho thấy mối quan hệ của những "liên minh ma quỷ", ràng buộc lẫn nhau giữa nhà sư - chùa giả - doanh nghiệp - quyền lực đen. Còn có cả sự liên kết trục lợi từ niềm tin tín ngưỡng, làm lung lay giá trị văn hóa tâm linh, xúc phạm nặng nề đến người chân tu và Giáo hội Phật giáo Việt Nam".
Sun Group – tức Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời - được đánh là giá tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh hàng đầu tại Việt Nam. Trong vấn đề xây chùa tại các vùng rừng núi, Sun Group đặc biệt nổi tiếng với các dự án như quần thể chùa trên đỉnh núi Fanxipan (được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương) hay khu du lịch nghỉ dưỡng núi Bà Nà, được mệnh danh là "Châu Âu thu nhỏ" trên đỉnh núi, cách Đà Nẵng khoảng 30 km. Quần thể Chùa trên Fansipan được nhiều người ca ngợi như "kỳ công" của "kiến trúc tâm linh", khu Bà Nà là "nam châm hút khách du lịch". Nhưng không kể khía cạnh tôn giáo, văn hóa tín ngưỡng, các dự án này cũng bị lên án gay gắt, vì gây tổn thất hết sức nghiêm trọng cho rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn và khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa.
Nhiều dự án "du lịch sinh thái – tâm linh" bị lên án hoặc đình chỉ
Các dự án "du lịch sinh thái - tâm linh" không chỉ có tập đoàn Sun Group chủ trì. Gần đây, báo chí Việt Nam nói nhiều đến dự án "khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm - Quảng Nam" hay còn gọi là chùa "Ba Vàng Quảng Nam" (từng làm lễ động thổ giữa rừng phòng hộ) quy mô 200 ha, tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng. Đầu tháng 4/2019, tỉnh Quảng Nam thông báo đã đình chỉ dự án do phía đầu tư không đáp ứng yêu cầu của tỉnh.
Điều được báo chí đặc biệt chú ý là sự hiện diện của đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) (3), đứng ra nhận tiền hàng tỷ đồng ủng hộ từ nhiều tổ chức, cá nhân trong buổi lễ động thổ, và mối quan hệ không rõ ràng giữa vị sư này với lãnh đạo công ty thực hiện dự án.
Một điểm nóng khác là dự án khu "du lịch tâm linh" có tên "Cửu Long Sơn Tự" tại tỉnh Khánh Hòa, rộng hơn 500 hecta, với quần thể chùa, gian hàng trưng bày vật phẩm liên quan đến Phật giáo, trên đỉnh cao nhất của núi Chín Khúc, có kế hoạch dựng một bức tượng Phật cao 153 m. Theo một số điều tra của báo chí, dự án đang được tiến hành đã băm nát núi Chín Khúc. Theo một đại diện của công ty, dự án này hoàn toàn chưa có "đánh giá tác động môi trường", một khâu bắt buộc với các dự án xây dựng lớn tại Việt Nam. Không có đánh giá tác động về môi trường cũng là tình trạng chung của nhiều dự án du lịch mang danh sinh thái – tâm linh khác.
Trong những tháng gần đây, chính quyền địa phương một số nơi đã đình chỉ các dự án kiểu này, như dự án Cái Tráp (Hải Phòng), dự án hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) (do tập đoàn Xuân Trường là chủ đầu tư).
Trả lời RFI, luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định về tệ nạn mượn danh xây Chùa để làm các dự án du lịch :
"Trước tiên phải nói là các dự án xây dựng những khu 'du lịch tâm linh', phát lộ nhiều năm trở lại đây, thì thực ra chẳng có gì là tâm linh cả đâu. Đó thuần túy là những dự án du lịch, mà mục tiêu của nó là lợi nhuận. Có điều nó được khoác lên tấm áo tâm linh, ví dụ như chùa chiền, đền miếu. Chẳng qua cái này là các phương tiện để cho những người làm kinh doanh đạt được mục đích lợi nhuận cao hơn mà thôi, và đạt được cả sự dễ dãi (từ phía chính quyền) trong việc (cấp phép) xây dựng công trình.
Như chúng ta biết, người Á Đông, nhất là người Việt Nam ta, và nhất là người ở phía bắc, thường là rất xem nặng giá trị về tâm linh, tín ngưỡng, và vì vậy họ sẽ dễ dàng chấp nhận các công trình xây dựng, được khoác lên tấm áo tâm linh. Ở đây rõ ràng đã có sự nhập nhằng giữa một công trình, dự án thuần túy kinh doanh và dự án về tâm linh, tín ngưỡng. Luật pháp Việt Nam hoàn toàn có sự thiếu sót khi đã không có quy định rạch ròi : Kinh doanh là kinh doanh, tâm linh là tâm linh. Và nếu xây chùa là thuần túy là chùa. Xây chùa không thể đặt vấn đề là kinh doanh thu lợi nhuận trong đó.
Chuyện đã xảy ra rồi. Trong thời gian trước mắt, tôi nghĩ rằng, chắc là cơ quan lập pháp Việt Nam, phải tính đến đặt một khung pháp lý, có liên quan đến tín ngưỡng. Nếu là tín ngưỡng thuần túy, thì chỉ được phép tín ngưỡng mà thôi" (4).
Giáo hội Phật giáo : Nạn nhân hay đồng lõa ?
Về phía Giáo hội Phật giáo, nhiều sư tăng khẳng định những tiêu cực trong các "dự án du lịch tâm linh" là có, nhưng những đóng góp cho môi trường của Giáo hội mới là điều cơ bản. Sau đây là nhận định của thượng tọa Thích Đồng Bổn, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. Nhấn mạnh đến tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay quá chú trọng đến mặt kinh tế, nên tình trạng môi trường bị tàn phá nặng nề, ông nhận xét :
"Sự góp phần trước hết của Phật giáo là hiện nay Giáo hội đã ra văn bản phải bảo vệ môi trường. Chỉ trồng rừng thôi, không đốn rừng. Đối với tăng ni chúng tôi khuyến khích tái tạo rừng. Hiện nay việc mua đất, trồng rẫy, trồng rừng bảo vệ cây cối… số lượng tăng ni đăng ký giữ rừng rất nhiều. Chùa thì phải trồng cây cổ thụ. Trồng cây gây rừng, đó là điều hiện nay Phật giáo đang làm nhiều nhất ở Việt Nam".
Nhà báo Võ Văn Tạo, người nhiều năm chú ý đến vấn đề môi trường, cho biết suy nghĩ của ông (nhà báo Võ Văn Tạo sống tại Nha Trang, cách không xa dự án xây Chùa trên đỉnh núi Chín Khúc) :
"Xung quanh hoạt động chiếm công thổ, để làm chùa, làm du lịch ‘‘tâm linh - sinh thái’’, hốt bạc của dân chúng, lợi dụng mê tín, dị đoan của người dân, còn một điểm gây tác hại rất ghê gớm đối với môi trường, thiên nhiên. Chúng ta đều biết rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, tác dụng của nó đối với cuộc sống con người. Nó giữ nước, giảm bớt lũ quét. Những năm gần đây, mùa mưa, liên tục khắp từ Bắc đến Nam, đều có những vụ lũ quét gây chết người, ít thì vài nhân mạng, nhiều vài chục, thậm chí có những vụ hàng trăm nhân mạng do lũ lụt, nguyên nhân ai cũng thấy là do rừng bị tàn phá. Ngay Nha Trang của chúng tôi là một thành phố hiền hòa, êm đềm hàng mấy thế kỷ nay, được tiếng là như thế. Năm ngoái cũng có một trận mưa kéo dài, gây ra lũ quét, làm 21 người thiệt mạng, ngay tại thành phố Nha Trang.
Gần đây, đài truyền hình Công an Nhân dân, cũng như VTV, cũng làm những phóng sự về lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa tiêu cực và làm lơ cho những doanh nghiệp chiếm núi Chín Khúc, để làm những dự án xây chùa, du lịch sinh thái trên đỉnh núi. Họ chụp những hình đỉnh núi bị cạo trọc".
Không có Giáo hội, không đủ thủ tục xây cơ sở tôn giáo mới
Về quan hệ các dự án du lịch mang tên tâm linh với Giáo hội Phật giáo, thượng tọa Thích Đồng Bổn nhấn mạnh là Giáo hội Phật giáo chỉ đóng vai trò tiếp nhận các công trình tôn giáo từ phía chủ đầu tư, sau khi chùa chiền đã được bên đầu tư hoàn chỉnh và bàn giao, đúng theo quy định của luật pháp :
"Một ngôi chùa xây nên làm lợi cho rất nhiều, nhưng có cái sự người ta ghét, nhất là những người không phải tôn giáo. Thứ hai là vì quyền lợi, nơi này được, nơi khác không được, thì bắt đầu có cạnh tranh, có điều tiếng. Bên Phật giáo, chúng tôi thấy những gì mà các đại gia họ làm tốt, làm đúng, mà có giấy phép đầy đủ của Nhà nước, thì (Giáo hội) Phật giáo mới đồng ý cử người về trụ trì. Chứ thực ra, Phật giáo không đứng ra. Tức là họ xây văn hóa tâm linh, rồi họ mới mời Phật giáo vào".
Ngược lại, về phần mình, luật sư Đặng Đình Mạnh lưu ý việc Giáo hội Phật giáo (nhất là ở cấp địa phương) đã tham gia ngay từ đầu vào dự án, với việc có ý kiến để hồ sơ xây dựng công trình tôn giáo được chính quyền chấp thuận :
"Những nhà kinh doanh, thay vì họ xin phép làm một công trình kinh doanh, thì họ lại xây dựng một công trình họ cho là thuần túy về tín ngưỡng. Đương nhiên là phải có sự đồng ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại địa phương (5). Theo chỗ chúng tôi được biết, xin được sự chấp thuận của Giáo hội Phật giáo không quá khó đâu. Thực ra, khi xây dựng họ phải có sự đồng ý trước (của Giáo hội), chứ không phải xong rồi mới đặt sự đã rồi với Giáo hội đâu. Chúng ta biết là sự đồng ý của Giáo hội rất là đơn giản. Họ sẽ chấp nhận ngay thôi. Đương nhiên là mình cũng hiểu là để đạt được sự chấp nhận dễ dãi của họ, thì chắc chắn người đầu tư cũng phải có khoản ngoại giao tế, như thế nào đó để Giáo hội Phật giáo đồng ý (để được) cấp giấy phép đầu tư (6)".
***
Tại Việt Nam trong những năm gần đây, phong trào xây dựng đền to, chùa lớn tại những nơi danh thắng, rừng xanh núi đỏ, được coi là cơ hội tốt giúp cho việc hợp thức hóa nhiều dự án lấy đất công mang danh "du lịch tâm linh" để xây cất các công trình vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng (trong đó các công trình được mệnh danh "tôn giáo" là một bộ phận) nhằm thu hút du khách, thu về các khoản lời lãi khổng lồ.
Một bộ phận trong công luận Việt Nam lo ngại quy mô của hiện tượng buôn thần, bán thánh phục vụ cho lợi ích của một số tập đoàn, quan chức - bất chấp việc thiên nhiên bị tàn phá - lan rộng trong giới sư tăng và đã bành trướng đến mức sâu rộng, khó lòng cứu vãn. Lòng tham - sân - si của con người hủy hoại môi trường. Muốn cứu môi trường, nên làm theo lời răn của Đức Phật, trong đó trước tiên là cần gạt bỏ bớt tham - sân - si. Trên đây là suy nghĩ của không ít sư tăng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thế nhưng vấn đề là bên cạnh vai trò của bộ máy chính quyền, của hệ thống pháp lý, chính bản thân Giáo hội Phật giáo cũng đang bị tố cáo đã có phần trách nhiệm không nhỏ trong việc hoặc thụ động, hoặc tiếp tay, để cho tệ nạn nhân danh xây Chùa để phá rừng, dưới nhiều hình thức khác nhau, hoành hành từ nhiều năm nay.
RFI xin chân thành cảm ơn thượng tọa Thích Đồng Bổn, luật sư Đặng Đình Mạnh và nhà báo Võ Văn Tạo.
Trọng Thành
Nguồn : RFA, 02/10/2019
Ghi chú :
1. Xem thêm bài "Siêu dự án chùa chiền : Trục lợi từ các công trình tâm linh", Nguoihanoi.com , 18/06/2019.
2. Trả lời chất vấn tại Quốc hội, bộ trưởng bộ Văn hóa thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện xác nhận, về mặt chính thức, không tồn tại loại hình "du lịch tâm linh" riêng biệt, "việc thương mại hóa các công trình tâm linh và lợi dụng tâm linh để thương mại hóa và thu lợi bất chính, thực hiện để thu lợi, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, đó là hành vi vi phạm pháp luật" (Dân Trí, ngày 06/06/2019). Ngược với bộ Văn Hóa, bộ trưởng bộ Xây Dựng Phạm Hồng Hà khẳng định có tồn tại "khu du lịch tâm linh, được điều chỉnh ở các luật về đất đai, tín ngưỡng tôn giáo, di sản văn hóa, xây dựng, đầu tư, luật quy hoạch, pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển rừng" (VOV.VN, 05/06/2019).
3. Đại đức Thích Trúc Thái Minh là người vừa bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cách mọi chức vụ hồi đầu năm nay, do tổ chức thuyết giảng "vong báo oán" và tổ chức nghi lễ "thỉnh vong", cúng "oan gia trái chủ", trái với giáo lý nhà Phật. Ngôi chùa Ba Vàng mới xây (tại một khu rừng đồi), do ông trụ trì, được ghi nhận là có chánh điện lập kỷ lục "lớn nhất Đông Dương".
4 & 5. Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng Việt Nam (điều 58) và Luật Xây dựng Việt Nam (điều 95, khoản 4) quy định rõ : Các công trình tôn giáo mới chỉ được cấp phép xây dựng khi có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý tôn giáo (thuộc ban Tôn Giáo Chính Phủ - bộ Nội Vụ), "về tính cần thiết và quy mô của công trình". Mà để được chuẩn y, ắt hẳn hồ sơ này phải có ý kiến từ phía Giáo hội Phật giáo (địa phương hoặc trung ương). Hiện tại dường như chưa có giải trình từ phía ban Tôn Giáo Chính Phủ về những nghi ngờ về các khuất tất trong vấn đề này, về nguy cơ các công trình tôn giáo bị "thương mại hóa" .
6. Trả lời chất vấn tại Quốc hội, bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết : "Theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không có kinh doanh chùa. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bộ Nội Vụ chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa để trục lợi (từ phía các quan chức)" (Thanh Niên , ngày 06/06/2019).
Chùa cổ Nhật Bản "mời" người máy giảng kinh Phật
Viện tư vấn Trung Quốc tố cáo dự án Con đường tơ lụa mới đe dọa Khí hậu toàn cầu. 8 thành viên phong trào chống Biến đổi Khí hậu ra tòa tại Pháp, vì tổ chức gỡ trộm ảnh tổng thống. Triển lãm đầu tiên tại Paris về cuộc đời Đức Phật qua các tác phẩm nghệ thuật. Bang California buộc tập đoàn Uber công nhận quy chế nhân viên với các tài xế tự do. Trên đây là một số chủ đề chính Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Người máy Mindar, trong vai Quán Thế Âm Bồ Tát, đọc kinh Phật, chùa Kodaiji, Kyoto, Nhật Bản, ngày 14/08/2019. QUENTIN TYBERGHIEN / AFPTV / AFP
Nước Nhật tân cổ giao duyên tiếp tục gây ngạc nhiên. Năm 2019, các nhà sư của một ngôi chùa cổ hoan hỉ đón chào người máy đến giảng đạo Phật. Đây có thể là lần đầu tiên. Người máy Mindar giảng kinh Phật, trị giá gần một triệu đô la, là kết quả của một dự án chung, giữa ngôi chùa Kodaiji 400 năm tuổi, với nhà chế tạo robot nổi tiếng Hiroshi Ishiguro, Đại học Osaka.
"Mindar" - cao 1 mét 95, nặng gần 60 kg, không giới tính – làm bằng thép không rỉ. Ngoài một phần đầu, mặt, cổ và đôi bàn tay phủ nhựa silicon trông giống như da người, "Mindar" – dây nhợ chằng chịt quanh người - không hề che giấu mình là máy. Quán Thế Âm Bồ Tát "Mindar", với giọng nói mang thanh sắc kim loại, không mệt mỏi xướng lên hết đoạn kinh này đến đoạn kinh khác, phê phán những thói kiêu ngạo, sân hận, tham lam và ái kỉ của nhân sinh.
Trường Đại học Osaka đã thăm dò phản ứng của các Phật tử, sau khi nghe người máy Mindar giảng kinh. Một số người cho biết có "cảm giác ấm áp gần gũi" khi tiếp xúc với Quán Thế Âm Bồ Tát máy, ngược lại nhiều người thấy khó chịu, "khi nghe những diễn đạt rất không tự nhiên của robot".
Sau khi nghe người máy Mindar giảng kinh, một số người cho biết có "cảm giác ấm áp gần gũi" khi tiếp xúc với Quán Thế Âm Bồ Tát máy
Hãng thông tấn Pháp AFP đã đến thăm ngôi chùa này hồi giữa tháng 8/2019. Trả lời AFP, vị sư trụ trì Tensho Goto hài hước : "Tôi hy vọng là người máy này sẽ mang lại một phong cách vui tươi, lấp đầy được cái hố sâu ngăn cách giữa những nhà tu hành về già, hết mốt như tôi" với giới trẻ.
Nhà sư Tensho Goto giải thích rõ hơn : "Mục tiêu của đạo Phật là giúp giảm bớt khổ đau. Mục tiêu vẫn luôn luôn là như vậy kể từ hơn 2.000 năm nay, cho dù xã hội hiện đại giờ đây có mang lại những hình thức căng thẳng mới…. Theo Phật không phải là tin vào một đấng thánh thần, mà là đi theo con đường của Phật, dấn thân theo con đường của Phật, cho dù đại diện cho Phật pháp có là một cỗ máy, một cục sắt hay một cái cây".
Đối với thiền sư Tensho Goto và các vị sư trong ngôi chùa cổ này, thì chế tạo ra người máy giảng đạo là điều hoàn toàn phù hợp với Phật giáo, bởi robot có khả năng học hỏi rất nhanh, với đà tiến bộ phi thường của công nghệ hiện đại.
Ông nói : "Sự khác biệt lớn giữa một nhà sư và một người máy, đó là con người như chúng tôi thì đều sẽ chết, trong lúc người máy thì bất tử. Người máy sẽ có cơ hội được gặp gỡ nhiều người, thu thập được vô số thông tin, và có khả năng tiến hóa đến vô cùng". Theo thiền sư Tensho Goto, dân Nhật vốn không có định kiến với người máy, bởi tuổi thơ của họ chìm trong không khí tranh hoạt hình, nơi máy với người là bạn, trong lúc nhà sư Nhật nhấn mạnh là sự hiện diện của Quán Thế Âm Bồ Tát máy trong một ngôi chùa là điều phản cảm với người phương Tây nói chung.
"Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc : Đe dọa lớn đối với Khí hậu
Dự án đường tơ lụa mới không chỉ đe dọa đưa nhiều nước vào bẫy nợ của Trung Quốc, mà còn đe dọa nghiêm trọng nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu, theo mục tiêu của thỏa thuận Paris COP21.
Theo một điều tra được công bố hôm 02/09/2019, các dự án hạ tầng khổng lồ, đường sắt và đường biển, cũng như các xa lộ và khu công nghiệp tại nhiều nơi ở Châu Á, Châu Phi, vùng Trung Cận Đông và Châu Âu, với hàng nghìn tỉ đô la đầu tư, tại 126 quốc gia dự kiến tham gia, có nguy cơ làm vô hiệu hóa Thỏa thuận hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đã được cộng đồng quốc tế thông qua, chưa kể đến các hậu quả môi trường nghiêm trọng khác.
Một bản đồ kế hoạch Con đường tơ lụa mới, do Trung Quốc khởi xướng.© Reuters
Chủ trì nghiên cứu nói trên là Trung tâm tư vấn Thanh Hoa nổi tiếng tại Trung Quốc (Tsinghua Center for Finance and Development). Nghiên cứu của Trung tâm Trung Quốc được tiến hành với văn phòng tư vấn Anh Vivid Economics và trung tâm Mỹ Foundation ClimateWorks.
Ông Simon Zadek, một trong các tác giả của báo cáo, cho biết : trong hiện tại 126 quốc gia - ký kết thỏa thuận với Bắc Kinh về dự án con đường tơ lụa mới – chiếm 28% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, toàn cầu (không kể lượng phát thải của Trung Quốc hiện chiếm 30%, đứng đầu thế giới). Nếu từ đây đến năm 2050, cứ theo đà hiện nay, 126 quốc gia này sẽ chiếm đến 66% tổng lượng khí thải toàn cầu.
Cho dù các nước còn lại, gồm Mỹ, các nước Châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ, có tuân thủ các cam kết của Thỏa thuận Paris, thì việc không kiểm soát các tiêu chuẩn về môi trường của các dự án hạ tầng Con đường tơ lựa mới sẽ khiến nhiệt độ Trái đất tăng ít nhất là 2,7°C so với thời tiền công nghiệp, tức vượt quá xa so với mục tiêu từ 1,5°C đến 2°C đã được cộng đồng nhân loại thống nhất.
Theo Liên Hiệp Quốc, hai phần ba trong số các cơ sở hạ tầng của thế giới vào năm 2050 hiện chưa được xây dựng. Một bộ phận lớn trong số đó có thể nằm trong kế hoạch "Con đường tơ lụa mới".
Sáng kiến lập khối các quốc gia tuân thủ Thỏa thuận Paris
Tình trạng vận tải hàng hóa tăng vọt là điều ngày càng bị các kinh tế gia điểm mặt như một trong các tác nhân chủ yếu làm gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trả lời phỏng vấn Le Monde ngày 12/09, kinh tế gia Lionel Fontagné – Đại học Paris 1 - đề xuất một biện pháp chủ động : hình thành khối các quốc gia cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết của Thỏa thuận Paris 2015, và hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối cần phải chịu thuế môi trường.
Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc chuyển giao công nghệ sạch cho các nước chậm tiến nhất. Kinh tế gia Lionel Fontagné là đồng tác giả cuốn "Thương mại và Khí hậu : Hướng đến sự hòa giải" (2017).
Khí hậu : Chiến dịch gỡ chân dung tổng thống tại Pháp
Phong trào bất tuân dân sự chống biến đổi khí hậu tại Pháp có thêm nhiều sáng kiến mới. Gỡ ảnh tổng thống tại các tòa thị chính là một trong số đó. Hôm 11/09, 8 nhà tranh đấu môi trường phải ra tòa tại Paris, vì tội "đánh cắp có tổ chức". Theo AFP, các nhà hoạt động tuổi từ 23 đến 36 bị cáo buộc tham gia vào các vụ đánh cắp ảnh tổng thống Emmanuel Macron, theo chiến dịch "Hạ ảnh Macron" của ANV – COP 21 (tức phong trào Action non-violente vì Thượng đỉnh Khí hậu lần thứ 21). Bên công tố đề nghị phạt 1.000 euro mỗi người, trong đó 500 euro được hưởng phạt treo. Hiện tại, theo phong trào ANV-COP21, khoảng 50 người tham gia "gỡ ảnh" bị truy tố tại tòa tiểu hình.
Đúng vào ngày nhóm 8 nhà tranh đấu ra tòa, ANV-COP21 tổ chức thêm vụ gỡ ảnh thứ 133, vụ gỡ ảnh mang tính biểu tượng. Phóng sự của nhà báo RFI Agnès Rougier :
""Ta đang trong metro" – một thành viên thầm thì. Kín đáo là phương thức hoạt động chung của nhóm đi tháo ảnh chân dung tổng thống Emmanuel Macron (tại các tòa thị chính). 10 người tập hợp tại một công viên nhỏ : mọi người chỉ biết sẽ tới tòa thị chính nào, một khi gặp nhau. Mục tiêu lần này là tòa thị chính Mairie de St-Ouen.
Các nhà tranh đấu môi trường trước tòa thị chính Saint-Ouen (ngoại ô Paris) với bức ảnh 133 của tổng thống Macron, ngày 11/09/2019. DOMINIQUE FAGET / AFP
Ra khỏi metro, tất cả đều không che mặt. Nguyên tắc của nhóm bất tuân dân sự này là luôn luôn công khai. Các nhà tranh đấu mặc vào người một áo thun màu vàng, mang biểu tượng của ANV COP21 (một phong trào tranh đấu bất bạo động, chống lại các thủ phạm gây khí thải, khiến Trái đất bị hâm nóng).
Một nữ thành viên của nhóm cho biết : đây là bức chân dung thứ 133 của tổng thống Emmanuel Macron được lấy khỏi các tòa thị chính. Hôm nay là một ngày đặc biệt. Cô giải thích : Chúng tôi muốn bằng hành động tháo ảnh để lên án sự thiếu vắng các nội dung về khí hậu và xã hội trong chính sách của tổng thống. Và cũng là để bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà tranh đấu ở Paris, hiện phải ra tòa.
Thành viên này khẳng định đến đây hôm nay để ủng hộ Emma, Marion, Cécile, Félix, Etienne, Thomas, Pauline và Vincent, những người bị đưa ra xét xử. Để nói với họ là chúng tôi rất quyết tâm. Chúng tôi khẳng định với chính phủ là phong trào gỡ ảnh sẽ còn tiếp tục, chừng nào chính phủ chưa thay đổi đường lối.
Bức ảnh của tổng thống Macron nằm trong túi xách tay của một người đi xe đạp đã kín đáo rời khỏi tòa thị chính Mairie de St-Ouen, để đến kho bí mật, nơi lưu giữ 132 bức chân dung khác".
"Hội nghị Diên Hồng" về Khí hậu
Về nguyên tắc, chính phủ của tổng thống Macron coi Khí hậu là trọng tâm của "hồi 2" nhiệm kỳ. Hầu hết các đảng phái từ tả sang hữu cũng đều càng ngày càng coi bảo vệ Khí hậu, Môi trường là mục tiêu chung. Trước cuộc bầu cử địa phương năm tới, Môi trường được coi là vấn đề quan tâm hàng đầu của người Pháp.
Theo thăm dò dư luận của Harris Interactive, 72% quan tâm đến Môi trường hơn trước, 82% sẵn sàng ăn ít thịt, 53% sẵn sàng không đi xe hơi. Tuy nhiên, để có được các chính sách và hành động mạnh mẽ, thống nhất cả nước còn là cả một khoảng cách (43% tin tưởng vào sự thành thật của tổng thống trong vấn đề Sinh thái, 57% hoài nghi).
Nhiều người đặt hy vọng được đặt nhiều vào "Hội nghị Diên Hồng" về Khí hậu toàn quốc, mà tổng thống Macron chủ trì, với sự tham gia của 150 công dân đại diện cho nước Pháp. Quyết định được đưa ra sau ba tháng Thảo luận toàn quốc để tìm lối thoát cho Khủng hoảng "Áo Vàng". Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, Hội nghị Khí hậu 150 công dân – họp lần đầu tiên vào đầu tháng 10 - sẽ có trách nhiệm vạch ra các biện pháp cụ thể, để hoặc đưa ra Quốc hội bỏ phiếu, hoặc thông qua trưng cầu dân ý, hoặc do chính phủ ban hành qua các quy định.
Chiến thắng đầu tiên tại Mỹ trước Uber
Hôm 10/09/2019, Thượng Viện tiểu bang California, với 29 phiếu thuận và 11 phiếu chống, thông qua dự luật yêu cầu hai công ty Uber và Lyft phải bảo đảm điều kiện để "các tài xế tự do" trở thành người làm công ăn lương. Luật đang chờ thống đốc tiểu bang thông qua. Nếu được áp dụng, luật này sẽ làm thay đổi triệt để mô hình kinh doanh "kiểu Uber", vốn rất ít lời rất nhiều, do dựa trên nguồn lao động giá rẻ, sẵn sàng chấp nhận các điều kiện rủi ro.
Phóng sự của thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco :
"Thắng lớn rồi ! Ông Edan - đang lái xe - bày tỏ niềm hân hoan, tự hào về chiến thắng, hôm sau ngày Thượng Viện của tiểu bang California bỏ phiếu thông qua dự luật AB5. Từ nhiều tháng nay, cùng với hàng trăm tài xế tắc xi VTC, ông Edan đã nỗ lực tranh đấu, để buộc các tập đoàn Uber và Lyft, kể từ giờ, phải xem họ như những người làm công ăn lương.
Logo của Uber Reuters/Brendan McDermid
Ông Edan nhận định : "Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ có quyền được hưởng các bảo hiểm căn bản trong quá trình hành nghề, cụ thể là lương tối thiểu, bảo hiểm y tế, đặc biệt trong trường hợp gặp tai nạn. Làm công việc này, anh em chúng tôi có người bị thương, thậm chí thiệt mạng. Trước đây, Uber và Lyft không đền bù gì. Điều này rất có lợi cho họ".
Edan làm việc cho Lyft từ 4 năm nay tại San Francisco, 6 ngày trên 7, 8 tiếng mỗi ngày. Ông hiểu rõ thế nào là những rủi ro của một người lái xe tự do, khi bị ốm đau, mà không có bảo hiểm y tế.
Edan nói : "Liên tục lái xe lâu ngày thể nào bạn cũng mắc bệnh. Khi bạn kiệt sức hoàn toàn, chắc chắn bạn sẽ không thể làm việc được trong nhiều ngày. Mà trong thời gian đó, bạn sẽ không có lương. Tôi đã từng thử kiếm một bảo hiểm y tế cho cá nhân tôi và cho con trai, nhưng không thể được, do thu nhập của tôi quá thấp để có thể có được một bảo hiểm y tế. Chính trong trường hợp này tôi hiểu rằng đang có một bất công rất lớn".
Kể từ giờ, ông Edan mơ ước lập ra một nghiệp đoàn các tài xế VTC California. Bởi trận chiến vẫn còn chưa kết thúc. Tập đoàn Uber đã thông báo sẽ không tuân thủ luật vừa được Thượng Viện tiểu bang thông qua, và cho biết sẽ kiện lên tư pháp".
Đời Đức Phật và nghệ thuật Phật giáo Châu Á : Triển lãm đầu tiên tại Pháp
Năm nay, bảo tàng nghệ thuật Châu Á Guimet, Paris, tổ chức một cuộc triển lãm lớn đầu tiên về các giai đoạn trong cuộc đời đức Phật, thông qua các tác phẩm nghệ thuật Châu Á, thuộc nhiều thời kỳ và nhiều khu vực. Tổng cộng 159 tác phẩm được trưng bày. Những người muốn khám phá đạo Phật - tôn giáo được coi là có đông người theo hàng thứ tư thế giới, sau đạo Thiên Chúa, Hồi giáo và Ấn Độ giáo - có điều kiện đến với bốn cái mốc trong cuộc đời của bậc Giác ngộ : ra đời (Đản sinh), thành đạo, hoằng pháp và nhập Niết bàn. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 4/11/2019.
Phóng sự của nhà báo RFI Sarah-Lou Bakouche :
"Trong một gian phòng chìm dưới một thứ ánh sáng dịu nhẹ, một cậu bé đang ngắm nhìn một bức tượng Phật mạ vàng, cao hai thước. Rồi cậu nhỏ tập trung nhìn vào hai bàn tay, gấp các ngón tay lại, thử bắt chước bức tượng. Bàn tay thõng xuống, lòng bàn tay hướng ra bên ngoài, ngón tay hướng về phía đất. Đây là dấu hiệu của sự dâng hiến (hay "ấn thí nguyện /varada mudra").
Tượng đồng bồ tát Cứu Độ Mẫu, Sri Lanka, thế kỉ 8 sau công nguyên (British Museum). Bàn tay phải bắt ấn thí nguyện. @Wikipedia / licence Creative Commons
Thế rồi, vịkhách nhỏ bé tiếp tục cuộc viếng thăm thế giới Phật giáo mà bảo tàng Guimet giới thiệu với du khách, qua triển lãm rất phong phú này, với tên gọi "Phật : Huyền thoại vàng son / Bouddha : Légende dorée".
Hình ảnh Phật hiện diện qua đủ loại chất liệu, từ lụa, sành cho đến vàng hay đồng. Đây là cơ hội để du khách khám phá về đạo Phật qua thế giới các hình tượng nghệ thuật về đức Phật.
Từ tư thế ngồi cho đến tư thế đứng hay nằm, trong hình hài khổ hạnh hay có da có thịt, mỉm cười hay đang thiếp ngủ. Khách tham quan có thể phát hiện ra rất nhiều diện mạo khác nhau của bậc Giác ngộ.
Người xem có thể theo vết cuộc đời của vị Phật lịch sử, các câu chuyện về tiền kiếp của Phật, rồi những phép lạ cho đến khi Phật thành đạo. Đây là một cơ hội tốt cho phép công chúng khám phá nghệ thuật Châu Á, với nhiều biến chuyển, bởi triển lãm này cho thấy các hình tượng Phật xuyên qua nhiều thời đại, nhiều quốc gia. Từ một bức phù điêu Pakistan thế kỉ thứ nhất, cho đến chất liệu gốm Nhật Bản năm 2016, hay một loạt các hình tượng tinh tế bằng gốm sứ Trung Quốc cuối thế kỉ 18, về ba đệ tử của Phật.
Cuộc triển lãm cô đúc này cho phép người xem, nếu không đến được với Niết bàn, thì cũng có cơ hội trong chốc lát hòa mình vào thế giới Cực lạc".
Trọng Thành
Nguồn : RFA, 14/09/2019
Ngày 05/08/2019, New Delhi bất ngờ thông báo chấm dứt quyền tự trị của vùng Kashmir, thiết quân luật tại xứ này. Quyết định đơn phương của chính phủ Modi bị Pakistan cực lực lên án. Cộng đồng quốc tế lo ngại bạo lực bùng phát ngoài tầm kiểm soát tại vùng đất Nam Á này, có thể tưới thêm dầu vào lửa xung đột tại nhiều nơi trong vùng.
Xứ Kashmir, vùng lãnh thổ nằm giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh minh họa
Vùng Kashmir nằm ở đâu và tình hình khu vực này ra sao trước khi có quyết định bất ngờ của chính quyền Modi ?
Vùng Kashmir nằm ở phía bắc tiểu lục địa Ấn Độ, thuộc dãy Himalaya. Sau khi đế quốc Anh Quốc từ bỏ quyền kiểm soát tiểu lục địa Ấn Độ năm 1947, nước Ấn Độ thuộc địa cũ của Anh tách làm hai, một phần thuộc Ấn Độ, phần kia trở thành Pakistan (năm 1971, tỉnh Đông Pakistan giành độc lập, trở thành Bangladesh).
Kashmir vốn là khu vực có đa số dân theo đạo Hồi, người đứng đầu Kashmir – theo Ấn Độ giáo - quyết định tham gia vào liên bang Ấn Độ, với điều kiện vùng đất này được hưởng quyền tự trị rộng rãi. Sau cuộc can thiệp của quân đội Ấn Độ chống lại các lực lượng Pakistan ở Kashmir, năm 1949, vùng đất này tách làm hai, với đường ranh giới tạm thời dài khoảng 1.000 km. Hai phần ba lãnh thổ Kashmir trước đây thuộc Ấn Độ (1), một phần ba thuộc Pakistan.
Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Kashmir về quyền tự quyết của người dân xứ này, nhưng trưng cầu dân ý chưa bao giờ diễn ra. Cả hai bên Ấn Độ và Pakistan đều sợ người dân Kashmir đòi độc lập.
Vùng Kashmir thuộc Ấn Độ hiện nay mang tên Bang Jammu và Kashmir, rộng hơn 200.000 km², với 12,5 triệu dân. Bang này gồm hai khu vực. Khu phía tây đông đúc dân cư, mà đa số theo đạo Hồi, khu phía đông, có sa mạc Ladakh, dân cư thưa thớt, đa số theo đạo Phật.
Vùng Kashmir được hưởng tự trị rộng rãi theo điều 370 Hiến pháp Ấn Độ. Điều khoản này cho phép Bang Jammu và Kashmir có Hiến pháp riêng, quốc kỳ riêng. Đặc biệt là chính quyền liên bang Ấn Độ phải để cho chính quyền Kashmir và Nghị Viện xứ này toàn quyền kiểm soát các công việc nội bộ. Nói một cách khác, luật được New Delhi thông qua sẽ không được áp dụng tại xứ Kashmir, ngoài một số lĩnh vực như quốc phòng, đối ngoại.
Quyết định chấm dứt quyền tự trị của New Delhi có các hệ quả gì đối với khu vực này ?
Hiện thời quyết định của chính phủ Modi đã được Thượng Viện và Hạ Viện phê chuẩn. Tiếp theo đó, Tòa Án Tối Cao sẽ phải xem xét quyết định của chính phủ có hợp lệ hay không. Cho đến nay, về cơ bản, định chế tư pháp tối cao này của Ấn Độ vẫn tỏ ra độc lập, bất chấp các áp lực chính trị, như nhà nghiên cứu Christophe Jaffrelot (Ceri) nhấn mạnh. Tòa Án Tối Cao có thể bác sắc lệnh của thủ tướng Ấn.
Tuy nhiên, nếu sắc lệnh của chính phủ được tư pháp Ấn Độ chấp thuận thì sẽ có hai thay đổi đáng kể. Trước hết, xứ Jammu và Kashmir sẽ không còn là một bang của liên bang Ấn Độ nữa, mà chỉ còn là một vùng lãnh thổ do New Delhi trực tiếp quản lý, lực lượng cảnh sát sẽ do chính quyền trung ương điều động.
Thay đổi lớn thứ hai là các công dân bên ngoài cũng có quyền sở hữu bất động sản tại Kashmir, các chức vụ lãnh đạo chính quyền của xứ này cũng có thể do công dân Ấn Độ đến từ những nơi khá đảm nhiệm, người từ nơi khác nếu cư trú ổn định tại Kashmir cũng có quyền đi bỏ phiếu. Với thay đổi này, người dân Kashmir đặc biệt lo ngại là chính quyền trung ương sẽ tìm cách đưa dân chúng nơi khác đến Kashmir, làm thay đổi cơ bản thành phần dân cư tại xứ sở này.
Nhà báo Sébastian Farcis từ New Delhi cho biết nhiều người tại Kashmir coi sắc lệnh của chính phủ Modi là một "sự phản bội tột cùng", bởi điều 370 Hiến pháp - mà chính phủ Modi tuyên bố hủy bỏ - là "mối dây liên hệ duy nhất" giữa chính quyền trung ương và xứ này. Theo Hiến pháp Ấn Độ, điều 370 chỉ có thể bị hủy bỏ với sự đồng ý của Nghị Viện lập hiến Kashmir. Do Nghị Viện này đã giải thể từ năm 1957, nên nhiều người cho rằng quy chế tự trị của Kashmir là không thể thay đổi, trừ phi có việc bầu ra một Nghị Viện lập hiến mới.
Nếu mối liên hệ pháp lý giữa Kashmir với New Delhi với điều 370 mang tính biểu tượng này bị cắt đứt, thì quân đội Ấn Độ hiện diện tại Kashmir sẽ bị xem như là "lực lượng chiếm đóng" (2). Trong bối cảnh các thế lực ly khai phát triển mạnh trong những năm gần đây, quyết định này sẽ chỉ khiến cho các lực lượng cực đoan - thân Al-Qaida hay các thế lực khác – có nguy cơ sẽ ngày càng được lòng dân hơn.
Tại sao chính quyền Modi lại tước quyền tự trị của vùng Kashmir vào thời điểm này ?
Đã 70 năm nay, các thế lực dân tộc chủ nghĩa tại Ấn Độ muốn chấm dứt quy chế đặc biệt của xứ Kashmir. Đảng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ chưa bao giờ công nhận quy chế tự trị của Kashmir. Chính phủ dân tộc chủ nghĩa của ông Narendra Modi, thủ tướng từ năm 2014, vừa tái đắc cử tháng 5 vừa qua, đã nhiều lần hứa hẹn sẽ chấm dứt quy chế tự trị của Kashmir.
Về tình hình tại chỗ, xứ Kashmir đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng từ một năm nay. Nghị Viện Kashmir bị giải thể tháng 11/2018, sau khi liên minh cầm quyền tan vỡ. Kể từ đó Kashmir trực tiếp bị đặt dưới sự điều hành của chính quyền trung ương.
Theo nhiều nhà quan sát, với quyết định chấm dứt quy chế tự trị của Kashmir, chính phủ Modi muốn đánh lạc hướng dư luận. Với hơn 170 triệu người nghèo (theo thống kê năm 2015 của Ngân Hàng Thế Giới), Ấn Độ chiếm đến gần một phần tư dân nghèo thế giới. Thêm vào đó, kinh tế Ấn Độ hiện đang tăng trưởng chậm lại, đầu tư sụt giảm. Theo nhà nghiên cứu Jaffrelot, giờ là lúc chính quyền phải tìm ra một lý do cho phép kéo lạc hướng dư luận, mà không gì đơn giản hơn là sử dụng lá bài dân tộc chủ nghĩa để kích động dân chúng.
Các hệ quả của quyết định này trên phương diện quốc tế ?
Trước hết, về mặt khu vực, quyết định này làm căng thẳng thêm quan hệ Ấn Độ - Pakistan, vốn đã tồi tệ. Islamabad tuyên bố sẽ làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn quyết định "bất hợp pháp" này. Biểu tình phản đối diễn ra tại thành phố lớn nhất của Pakistan tại xứ Kashmir. Quân đội Pakistan tuyên bố sát cánh với người Kashmir.
Về mặt quốc tế, quyết định bất ngờ của chính quyền New Delhi đặc biệt gây khó khăn cho việc giải quyết khủng hoảng Afghanistan, kéo dài từ 18 năm nay, với việc quân Mỹ triệt thoái. Hoa Kỳ cần đến Pakistan trong vai trò trung gian để đàm phán với phe nổi dậy Taliban. Nếu Mỹ không ủng hộ các lợi ích của Pakistan tại Kashmir, sau quyết định đơn phương của chính phủ Modi, thì Pakistan có thể sẽ không hậu thuẫn Washington trong các đàm phán với Taliban.
Tổng thống Mỹ vừa thông báo sẵn sàng làm môi giới cho các thương lượng về Kashmir giữa New Delhi và Islamabad, nhưng Ấn Độ ngay lập tức bác bỏ, và cho rằng đây là vấn đề thuộc quan hệ song phương.
Báo Le Monde, trong bài tổng thuật về tấn bi kịch Kashmir kéo dài từ hơn 70 năm qua "5 hồi", nhận xét : hồi thứ 5 của bi kịch đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Với quyết định điều động quân đội, thiết quân luật và tước quyền tự trị của xứ Kashmir đầu tháng 8 này, chính quyền của ông Modi đang trên đường biến vùng Kashmir, vốn đã căng thẳng, thành một lò thuốc súng "Cận Đông" mới.
Những gì đang diễn ra hiện nay có thể là đỉnh điểm của tấn bi kịch kéo dài từ hơn 70 năm nay với người dân Kashmir. Mô hình Nhà nước đa tôn giáo, đa văn hóa của nước Ấn Độ dân chủ bị thách thức nghiêm trọng (3). Điều này lại càng nghiêm trọng hơn, khi tại xứ Tân Cương (viễn tây Trung Quốc) và miền tây Miến Điện, hàng triệu người theo đạo Hồi (người Duy Ngô Nhĩ và người Rohingya) đang bị chính quyền các nước này đàn áp khốc liệt.
Trọng Thành
(Tổng hợp từ Le Monde, Le Figaro, Libération và France Info)
Nguồn : RFI, 07/08/2019
Ghi chú :
1. Năm 1962, sau cuộc chiến biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc chiếm khu vực Aksai Chin, với diện tích hơn 37.000 km², ở đông bắc Kashmir.
2. Nhận định của Shail Bukhari, phát ngôn viên đảng PDP, đảng lớn nhất vùng Kashmir, có hai nghị sĩ tại Quốc Hội Ấn Độ. Hai dân biểu Kashmir đã xé bỏ bản Hiến pháp liên bang ngay tại Quốc Hội Ấn Độ để bày tỏ thái độ.
3. Bang Jammu và Kashmir là bang duy nhất ở Ấn Độ nơi cư dân theo đạo Hồi chiếm đa số.
*******************
Kashmir : Pakistan trục xuất đại sứ Ấn Độ
RFI, 08/08/2019
Ngày 07/08/2019, Pakistan thông báo trục xuất đại sứ Ấn Độ tại Islamabad, triệu hổi đại sứ Pakistan ở New Delhi, đồng thời tạm ngưng quan hệ thương mại song phương với nước láng giềng.
Biểu tình tại Karachi, Pakistan, ủng hộ người dân Kashmir, ngày 06/08/2019.Reuters
Đây là phản ứng của Pakistan đối với quyết định hủy quy chế tự trị của vùng Cashemire. Sonia Ghenzali, thông tín viên từ Islamabad, cho biết thêm chi tiết :
"Nghị viện Pakistan nổi giận. Các nghị sĩ phát biểu trong phiên họp lưỡng viện Quốc Hội hôm nay đã dùng những từ ngữ nặng nề nhất.
Fawad Chaudhry, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, tuyên bố : "Tôi yêu cầu Quốc Hội không được để Cashemire biến thành Palestine thứ hai. Chúng ta không thể sống với nỗi nhục nhã này. Nếu phải chiến đấu, chúng ta sẽ chiến đấu".
Các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, các bộ trưởng đều lên tiếng yêu cầu chính phủ Pakistan phải có hành động mạnh mẽ trong vấn đề này.
Bằng việc trục xuất đại sứ Ấn Độ và tạm ngưng quan hệ thương mại song phương, chính quyền Pakistan đã tiến thêm một bước. Islamabad, nước này hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ can thiệp vào vấn đề Cashemire nhằm buộc Ấn Độ ngồi vào bàn đàm phán. Sau cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia, dưới sự chủ tọa của thủ tưởng Pakistan Ismran Khan với Ban cố vấn an ninh quốc gia, một trong những giải pháp được đưa ra là kiến nghị lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Đáp lại hành động của Pakistan, hôm nay, chính phủ New Delhi cho rằng Kashmir là "vấn đề nội bộ" của Ấn Độ. Chiều nay, thủ tướng Narendra Modi ngỏ lời với toàn dân để giải thích về quyết định hủy bỏ quy chế tự trị của vùng Kashmir.
*******************
Ấn Độ : Hạ Viện thông qua việc rút quy chế tự trị của vùng Kashmir
Thùy Dương, RFI, 07/08/2019
Với đa số phiếu ủng hộ, sau Thượng Viện, tối hôm qua, 06/08/2019, tới lượt Hạ Viện Ấn Độ thông qua việc rút quy chế tự trị của vùng Kashmir, và thành lập một vùng mới được đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của chính quyền New Delhi.
An ninh Ấn Độ canh gác tại Jammu, Kashmir, ngày 5/8/2019. Reuters/Mukesh Gupta
Đối với đảng cầm quyền của thủ tướng Ấn Độ, đảng Dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP, đây là một chiến thắng quan trọng. Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sebastien Farcis nhận định quyết định của chính phủ Narendra Modi có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả :
"Việc bãi bỏ điều khoản 370, vốn bảo đảm quyền tự trị của vùng Kashmir, là một trong những cam kết lâu đời nhất của đảng Dân tộc chủ nghĩa Hindu BJP, nhưng đây cũng là một trong những cam kết khó thực hiện nhất, đặc biệt là vì những khó khăn về pháp lý và sự phản đối dữ dội của người dân Kashmir trước việc New Delhi đòi sáp nhập vùng này.
Mặc dù vậy, thủ tướng Narendra Modi đang có thế mạnh. Ông đã dựa vào việc được dân chúng tín nhiệm, nhất là từ khi tái cử thủ tướng hồi tháng 05 vừa qua. Thủ tướng Narendra Modi cũng hưởng lợi từ việc phe đối lập đang suy yếu và bị chia rẽ.
Đối với đảng của thủ tướng và nhất là đối với rất nhiều người Ấn Độ gắn bó với vùng Kashmir, ông Narenda Modi giờ đây được coi là một người anh hùng đang củng cố chủ quyền của Ấn Độ tại vùng đất bất trị này.
Thế nhưng, đối với nhiều luật gia, việc dùng một sắc lệnh của tổng thống để thay đổi phương thức lãnh đạo của chính quyền của một bang là một hành động sai lệch. Chính phủ thậm chí còn không tham khảo ý kiến của chính quyền vùng Kashmir, tức là đã xem thường nguyên tắc cơ bản về quyền tự quyết của một dân tộc.
Một đơn kháng nghị đã được đệ trình lên Tòa Án Tối Cao để hủy bỏ cải cách này. Rất có thể sẽ có một trận chiến pháp lý kéo dài và mang tính sống còn trong những năm tới đây".
Quyết định của Ấn Độ về việc rút quy chế tự trị của vùng Cachermire cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Trung Quốc và Pakistan. Trong một thông cáo, hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng hành động của New Delhi là "không thể chấp nhận được" và "sẽ không có bất cứ hiệu lực pháp lý nào". Bắc Kinh kêu gọi Ấn Độ tuân thủ các thỏa thuận với Pakistan để tránh gây thêm căng thẳng ở khu vực biên giới.
Trong khi đó, tại Pakistan, tướng Qamar Javed Bajwa tuyên bố quân đội Pakistan ủng hộ đến cùng quyền tự trị của người dân Kashmir và đã sẵn sàng để thực hiện điều đó. Lãnh đạo quân đội Pakistan còn dọa sẽ kiến nghị lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và kiện Ấn Độ ra trước Tòa Án Công lý Quốc Tế.
Người biểu tình thiệt mạng đầu tiên
Hôm nay 07/08, một nguồn tin cảnh sát ở vùng Kashmir cho biết, một người dân tham gia biểu tình phản đối quyết định của chính quyền Narendra Modi đã thiệt mạng trong lúc bị cảnh sát truy bắt. Đây là người đầu tiên thiệt mạng kể từ khi thủ tướng Modi ra sắc lệnh rút quy chế tự trị của vùng Kashmir hôm thứ Hai 05/08.
Thùy Dương
Ông Nguyễn Phú Trọng – tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, kiêm chủ tịch nước – đột ngột xuất hiện đợt hai, sau hơn một tháng vắng mặt trên truyền thông. Lần này để chủ trì một hội nghị đặc biệt bàn về nhân sự của Đại hội 13, dự kiến diễn ra năm tới. Đáng chú ý trong đợt xuất hiện ngày 21/06/2019 này là hình ảnh ông Trọng dắt tay ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban Bí thư, nhân vật số hai của Đảng.
Ông Nguyễn Phú Trọng (giữa) và ông Trần Quốc Vượng (thứ hai phải qua) cùng một số thành viên lãnh đạo Việt Nam, bên lề cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng cộng sản, Hà Nội, ngày 21/06/2019.
Lãnh đạo Việt Nam đột nhiên biến mất ngày 14/04/2019 sau một chuyến công tác tại một tỉnh miền Nam, với lý do sức khỏe. Một số thông tin không chính thống khẳng định ông Trọng bị liệt nửa người. Nguyễn Phú Trọng đã không thể làm trưởng ban lễ quốc tang cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, ngày 03/05, như thông lệ. Đúng một tháng sau, ông Trọng trở lại chủ trì liên tục ba cuộc họp quan trọng của Đảng, nhưng rồi lại biệt tăm.
Điểm nổi bật trong đợt tái xuất lần hai của Nguyễn Phú Trọng là hình ông Trọng nắm tay ông Vượng, nằm ở trung tâm bức ảnh, hoàn toàn tương phản với hình ảnh ông Vượng gần như đơn độc trong ngày quốc tang Lê Đức Anh. Nhiều người phỏng đoán bức ảnh nói trên là một bằng chứng nữa cho thấy Nguyễn Phú Trọng có thể chọn Trần Quốc Vượng làm người kế nhiệm. Từ Nhà Trang, nhà báo Võ Văn Tạo trả lời phỏng vấn RFI về một số điểm đáng lưu ý của đợt xuất hiện lần thứ hai của Nguyễn Phú Trọng, kể từ ngày 14/04/2019.
***
RFI : Trước hết, theo ông, sức khỏe ông Trọng ra sao với đợt tái xuất hiện thứ hai này ?
Võ Văn Tạo : Theo clip thì thấy ông ấy đang đi cùng một số thành viên Bộ Chính trị. Tay thì lần trước nhiều người cho là bị liệt một bên, tức bên vung vẩy ít. Lần này tay vung liên tục. Xem clip thấy có thể nói phục hồi khá tốt.
Người ta phải cố tình đưa ra các hình ảnh để khẳng định sức khỏe của ông ấy tốt. Nếu không phải vì lý do sức khỏe, trên mạng đồn đoán…, thì với những cuộc họp như thế này, họ chỉ cần một cái ảnh thôi. Một cái ảnh chụp tĩnh tại ngồi với Bộ Chính trị, của Thông tấn xã, là xong rồi. Việc họ làm cái clip này là hơi bất thường. Kỳ này thì rõ ràng là có ý đồ. Anh em phóng viên họ cũng muốn như thế, và những người thân cận với ông ấy cũng muốn tạo điều kiện cho phóng viên thu được hình.
Sức khỏe của ông ấy là một việc thôi, nhưng điều quan trọng là các hoạt động của bộ máy chóp bu của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay để chuẩn bị cho kỳ Đại hội thứ 13. Kỳ họp Bộ Chính trị ngày 21/06, theo những gì được họ công bố, có hai nội dung tương đối lớn. Thứ nhất là Bộ Chính trị đã phê duyệt nội dung quy hoạch (Ban Chấp Hành Trung ương khóa tới) khoảng 250 người. Và thứ hai là phổ biến kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Hiến, cựu đô đốc, cựu tư lệnh Hải Quân.
RFI : Ông nhận xét gì về nội dung thứ nhất ?
Võ Văn Tạo : Cách đây nhiều năm rồi, có nhiều ý kiến trong cán bộ, đảng viên cao cấp không tán thành việc nhân sự của kỳ Đại hội sau, nhiệm kỳ sau, lại do ban lãnh đạo nhiệm kỳ trước sắp đặt. Tôi đọc được khá nhiều thông tin trên mạng, kể cả bằng chữ viết tay, hoặc đánh máy, có ký tên. Họ cho rằng nhiệm kỳ nào phải chịu trách nhiệm trước Đảng, cũng như trước dân nhiệm kỳ đó.
Muốn hay không họ cũng nằm trong ban lãnh đạo của Đảng, mà Đảng thì dẫn dắt công việc của đất nước. Mọi thành công hay thất bại, nên hay là hư, thì họ phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng mà, vì nhân sự do nhiệm kỳ trước chuẩn bị và quy hoạch, cho nên nếu thất bại, thì rõ ràng là những người (trong ban lãnh đạo) của nhiệm kỳ đó, họ phải chịu hậu quả của nhiệm kỳ trước. Họ cho như thế là "bất công".
Họ cho rằng cái đó nên để Đại hội mở đầu nhiệm kỳ đó, họ tự xây dựng, quy hoạch cái đội ngũ cán bộ. Mà cái chuyện cán bộ là mấu chốt của việc thành công hay không của mọi công việc thì tôi không biết ở các nước khác như thế nào, nhưng ở Việt Nam, thì Đảng cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh vai trò cán bộ : Cán bộ là quyết định.
RFI : Lý do phản đối việc lãnh đạo Đảng khóa trước chỉ định lãnh đạo khóa sau ?
Võ Văn Tạo : Tôi nhớ có Quyết định 244 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản, cách nay vài năm rồi (2014), lúc ông Nguyễn Phú Trọng đã là tổng bí thư. Tự nhiên có quyết định là những người ủy viên Trung ương Đảng của nhiệm kỳ này, khi ra trước Đại hội nhiệm kỳ sau, không được phép tự đứng ra ứng cử, hoặc giới thiệu người khác, mà phải tuân thủ quy hoạch của nhiệm kỳ trước (điều 13 – Quyết định 244).
Có nhiều ý kiến phản đối. Có những người lão thành, về hưu, vốn nằm trong Tứ trụ (tức bốn cương vị lãnh đạo cao nhất : tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội) cũng không tán thành. Có đơn thư phản đối hẳn hoi, đưa lên mạng. Phản đối là đã vi phạm Điều lệ Đảng, ghi rất rõ là bất cứ đảng viên nào, không vi phạm pháp luật, kỷ luật Đảng, thì đều có quyền ứng cử và bầu cử một cách tự do.
Nhưng nhìn chung, việc nhân sự khóa trước sắp xếp cho khóa sau là chuyện bất biến, (riêng về trường hợp Quyết định 244) họ sợ thế này : Quy hoạch nhân sự cho kỳ sau, của tiểu ban tổ chức, không được lòng tất cả mọi người, có những đại biểu không đồng ý, cho nên họ phải ra nghị quyết để ngăn chặn. Nói một cách dân dã là để "bịt mồm nhau".
Những người phản ứng họ cũng có lý. Họ căn cứ vào Điều lệ, họ tin vào hàng nghìn người đi dự Đại hội Đảng. Họ tin là hàng nghìn người vẫn sáng suốt hơn là một tiểu ban nhân sự nào đó, chỉ gồm vài chục người.
Từ lâu đã có sự phản đối này rồi. Từ năm 1982, đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng lên giữa hội trường Đại hội V, chính xác từng lời tôi không nhớ, nhưng đại ý là đề nghị từ nay Đại hội Đảng phải làm theo đúng nghĩa của "Đại hội", chứ không phải làm theo kiểu "Tiểu hội". Tại sao lại có sự phản đối này ?
Từ suốt những nhiệm kỳ xa xưa cho đến Đại hội V, vẫn có truyền thống là ban lãnh đạo khóa trước, thường nhân danh Bộ Chính trị hay tổng bí thư, đi làm việc với từng tổ đảng, phái đoàn của các địa phương, bộ ngành…. Họ sắp xếp đâu đấy rồi, khi ra trước Đại hội rồi chỉ là hình thức thôi, mọi chuyện đã được giải quyết bằng các cuộc họp trù bị giữa ban lãnh đạo nhiệm kỳ trước với từng đoàn đại biểu đi dự Đại hội nhiệm kỳ sau. Cái nếp đó cho đến nay không có gì thay đổi.
RFI : Còn về việc tước các chức vụ trong quá khứ của cựu tư lệnh Hải Quân ?
Võ Văn Tạo : Việc cách hết mọi chức vụ đối với ông Nguyễn Văn Hiến, từ hồi ông ấy còn làm tư lệnh (2009-2016), là điều rất dở. Tôi theo dõi cũng không thấy có việc cách các chức vụ trước đó ở các nước "xã hội chủ nghĩa". Đã về hưu rồi lại cách các chức trước đó. Trước đó, đã có một số trường hợp. Tôi thấy điều này cũng lạ.
Cách chức là xử lý về mặt hành chính, còn các kỷ luật trong nội bộ Đảng là về mặt Đảng, tức đảng phái. Nếu một quốc gia thượng tôn pháp luật, thì cứ căn cứ vào pháp luật mà làm. Anh về hưu rồi, nhưng nếu phát hiện ra các việc vi phạm pháp luật, thì tôi vẫn lôi anh ra vành móng ngựa xử lý như thường. Không hiểu vì sao từ một vài năm trở lại đây, lại có các hình thức cách các "tư cách" từ trước.
Có một số lý do thế này… Ở Việt Nam, thì có thể một số người sống ở nước ngoài không nắm vững, chúng tôi ở trong nước biết là những ông cán bộ về hưu có cỡ, đều có chế độ kèm theo (một năm nghỉ mát bao nhiều ngày, công vụ thế nào, phụ cấp ra sao, có lính cận vệ, ô tô hay không…). Có thể họ xử lý như thế, thì những quyền lợi nói trên sẽ bị mất. Và về một góc độ nào đó, cũng giống với thời phong kiến, khi một quan lại cấp cao bị một cái phốt, khuyết điểm nặng nề, thì cũng bị xử lý những hàm tước đã phong rồi. Cách làm hiện nay cũng có thể bị ảnh hưởng cả từ phong kiến.
RFI : Bức ảnh chụp nói lên điều gì ?
Võ Văn Tạo : Trong hình ảnh họp Bộ Chính trị vừa rồi, có khoảng gần chục người đang đi bộ. Trong bức ảnh này, ông Nguyễn Phú Trọng dắt tay ông thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, phía sau lấp ló gương mặt của ông Nguyễn Xuân Phúc (thủ tướng). Mà những ai để ý, trong đám tang ông Lê Đức Anh rơi vào ngày 3/5, tại đám tang đó, ông Trọng không xuất hiện với tư cách trưởng ban lễ tang, mà đại diện cho Trung ương Đảng là ông Nguyễn Xuân Phúc (thủ tướng) (đồng thời làm nhiệm vụ của trưởng ban lễ tang), chứ không phải ông Trần Quốc Vượng.
Theo đánh giá của tôi, nếu ông Trọng không muốn làm nữa (hoặc do sức khỏe không cho phép), ông sẽ chọn người kế vị là ông Trần Quốc Vượng. Lý do là hai người có nhiều nét giống nhau, xuất thân từ… giáo điều, say sưa chủ nghĩa xã hội, lý thuyết Mác Lê. Còn những người khác, thì lúc này, lúc khác nói để chứng tỏ là mình là cán bộ của Đảng, nhưng thực tế không phải nặng nề về cái đó lắm.
Có thể ông Trọng quan niệm là, bây giờ muốn cứu cái Đảng này thì phải trị nạn tham nhũng quá nặng nề, ông Vượng có thể sẽ làm tốt điều này… Đặc biệt từ khi ông Vượng phụ trách Ủy ban Kiểm Tra, rồi thường trực Ban Bí thư, thì các đảng viên cao cấp tham nhũng bị xử lý rất nhiều. Tôi tin là trong những việc này, ông Vượng là người làm chủ yếu, chứ không phải ông Trọng. Có lẽ bức ảnh nói trên nói lên ý đồ của ông Trọng. Thực tế thế nào còn phải theo dõi tiếp.
RFI : Nếu ông Trần Quốc Vượng trở thành người kế nhiệm thì sao ?
Võ Văn Tạo : Nếu ai quan tâm đến lợi ích của đất nước, thì có thể thấy là ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã bất chấp thực tiễn diễn ra trong khối các nước cộng sản. Rõ ràng là khối các nước "xã hội chủ nghĩa" do thiết kế chính trị rất sai lầm, cho nên Liên Xô, quê hương cách mạng tháng 10 1917, đã hơn 100 năm, cách nay gần một phần ba thế kỷ đã quăng "chủ nghĩa xã hội" vào sọt rác, cùng hàng loạt các nước Đông Âu. Còn những anh ở Châu Á, Châu Mỹ, mang cái chữ là "xã hội chủ nghĩa", hoặc ban lãnh đạo còn mang chữ "cộng sản", nhưng thực tế, để tồn tại được họ đã xa lánh rất nhiều lý thuyết cộng sản. Hầu hết các nước như Trung Quốc, Việt Nam đều từ bỏ. Những anh nào quyến luyến bám chặt lấy những nguyên tắc đó, như Bắc Hàn chẳng hạn, thì còn nghèo nữa. Nếu như ông Vượng vẫn đi theo đường lối đó, vẫn say sưa Mác Lê như ông Nguyễn Phú Trọng, thì cơ hội cho đất nước mình chuyển biến, cất cánh là rất khó. Bị xiềng xích, bị mang cái vòng kim cô Mác Lê, thì rất mệt, chỉ để lại những điều không hay ho gì cho đất nước mình, dân mình.
Các nước mang danh "chủ nghĩa xã hội" (1) càng bỏ xa các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội thì càng đỡ khổ bấy nhiêu, về kinh tế cũng như xã hội bớt căng thẳng. Trước đây ai cũng biết Việt Nam đã có xuất khẩu nông sản tuy không nhiều lắm. Rõ ràng khi bắt đầu hợp tác hóa nông nghiệp, lấy toàn bộ đất đai cho Nhà nước nắm, trước hết là hợp tác hóa giống như mô hình Staline, thì Việt Nam đói. Cứ mỗi năm phải nhập vài triệu tấn lương thực. Thế nhưng khi ông Kim Ngọc, tỉnh Vĩnh Phú, bí mật cho khoán hộ gia đình, không phải ăn chung làm chung nữa, thì bắt đầu khá lên. Ban đầu ông bị kỷ luật, sau này, ban lãnh đạo Đảng mới nhận ra là mấy chục năm trời hợp tác hóa là việc rất ngu dại, mới thừa nhận ông Kim Ngọc, và sau này trả lại ruộng đất cho nông dân. Rõ ràng anh đã bỏ các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội do Moskva áp đặt.
Tương tự, từ 15 đến 20 năm trở lại đây, có xu thế cổ phần hóa. Đầu tiên trong thương nghiệp, một số ngành không quan trọng, rồi tiến tới các nhà máy làm ăn không hiệu quả. Tức là càng xa rời nguyên tắc các tư liệu sản xuất phải do Nhà nước nắm hoàn toàn, thì… khá hơn. Cổ phần hóa xong, nhà máy làm ăn khá lên… Việt Nam, Trung Quốc không sụp đổ ngay vì đã biết xa rời các nguyên tắc "rất ngu xuẩn". Tôi nói chính xác là các nguyên tắc vốn được cho là khuôn vàng thước ngọc của chủ nghĩa xã hội, của chủ nghĩa cộng sản, những năm 1950-1960 ấy, là "ngu xuẩn"…
Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bài học bằng máu, những tổng công ty 91, tập đoàn kinh tế của Nhà nước, đụng đến ông nào ông ấy thua lỗ hàng mấy trăm ngàn tỉ đồng. Bây giờ, các ông vẫn còn cố gắng níu kéo cái đó. Tôi cho rằng ông Trọng vẫn còn bị ảnh hưởng bởi các lý thuyết cổ xưa. Có khả năng ông Vượng cũng bị ảnh hưởng bởi cái đó, níu giữ cái đó.
RFI : Xin cảm ơn nhà báo Võ Văn Tạo.
Trọng Thành thực hiện
Nguồn : RFI, 28/06/2019
Ghi chú :
1. Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết thêm : Khối "xã hội chủ nghĩa" do Liên Xô lãnh đạo cũng dùng từ "xã hội chủ nghĩa", nhưng họ cho rằng "xã hội chủ nghĩa" chẳng qua chỉ là giai đoạn ban đầu, sau này phải tiến lên "chủ nghĩa cộng sản". Với những nước đó, cả xã hội giống như trại lính, tự do cá nhân bị thủ tiêu, tất cả đều ghép vào ý chí tập thể, tức ý chí của người lãnh đạo. Với các nước trong khối này, tên của đảng lãnh đạo có thể khác nhau (đảng cộng sản, đảng công nhân, đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất…), nhưng phải lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm lý tưởng, phải công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất chính, và đa số nền kinh tế phải là công nghiệp nặng. Cái chủ nghĩa xã hội này rất khác với lập trường của các đảng phái cũng mang tên là "xã hội chủ nghĩa" ở các nước Châu Âu (ví dụ Liên đảng xã hội chủ nghĩa Châu Âu - The Party of European Socialists / PES, gồm hơn 30 chính đảng thành viên theo lập trường xã hội – dân chủ, hiện kiểm soát 191 ghế dân biểu Nghị Viện Châu Âu).
Phần 1
Việt Nam rộ tin đồn : Ông Trọng chậm bình phục vì ''trúng độc''
Trong dư luận trong nước có nhiều lo ngại về khả năng sức khỏe kém sẽ không cho phép ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục điều hành đất nước, dù chủ tịch nước Việt Nam đã xuất hiện một số lần, trực tiếp điều hành Hội nghị trung ương 10 của Đảng cộng sản giữa tháng 5/2019, sau thời gian nhiều tuần dưỡng bệnh. Cuộc chiến chống tham nhũng, hay "đốt lò", có nguy cơ đổ bể.
Ông Nguyễn Phú Trọng họp với các lãnh đạo cấp cao Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 14/05/2019. Chụp màn hình : @Soha.vn
Ngày 29/05/2019, theo kế hoạch, lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ phải đọc tờ trình trước Quốc hội, về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Nhiều người đặt câu hỏi liệu ông Trọng có "tái xuất" ? Và nếu có thì sẽ như thế nào.
Sau đây là một số nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang) về vấn đề sức khỏe của lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
***
RFI : Thưa nhà báo Võ Văn Tạo, theo những nguồn tin ông có, tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay thực chất ra sao ?
Võ Văn Tạo : Sức khỏe của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có phần hồi phục, rất là khá so với cách đây hơn một tháng. Nhưng mà chưa thật khỏe. Khả năng làm việc bình thường tôi nghĩ là có thể được. Căn cứ vào cuộc họp Tứ trụ (ngày 15/05) đúng một tháng sau tính từ 14/04, ông bị tai biến nhẹ. Sau đó là cuộc khai mạc, rồi bế mạc của Hội nghị trung ương 10 (từ ngày 14 đến 16/05/2019). Ông ấy đều xuất hiện và đều phát biểu. Tôi thấy rằng cái cách ông ấy phát biểu, cái phong thái và giọng nói của ông ấy thì tương đối được. Dĩ nhiên không khỏe như trước.
Về việc giải thích chuyện tại sao ông ấy chưa thật khỏe, tôi cũng có một số nguồn tin riêng, có thể để tham khảo. Không biết có đúng hay không. Người ta nói rằng ông Trọng bị tai biến không nặng. Trưa 14/04 bị tai biến ở Kiên Giang, trong lúc làm việc với tỉnh ủy Kiên Giang. Rồi ngay chiều hôm đó phải vào cấp cứu bệnh viện Kiên Giang để cấp cứu. Sau đó, đến chiều chỉ vài tiếng thì cấp tốc ra máy bay, để đưa về Sài Gòn để chạy chữa ở bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện hàng đầu về phẫu thuật ngoại thần kinh, tức là mổ não. Thế nhưng, sau hơn một ngày lại đi máy bay về Hà Nội được ngay.
Ai mà có kiến thức sơ bộ về y khoa, thì cũng biết rằng, nếu tai biến mạch máu não và xuất huyết não, mà cho đi máy bay ngay như thế, thì có nghĩa là anh giết bệnh nhân, nếu như việc xuất huyết não là nặng nề. Thế mà ông ấy vẫn về được Hà Nội một cách an toàn. Về bệnh viện 108 ngày 16/05. Điều này chứng tỏ việc xuất huyết não cũng rất nhẹ.
Thế thì nếu nhẹ như thế thì chỉ một tuần, cùng lắm là hai tuần là xuất viện tốt. Thế nhưng ông ấy phải nằm một tháng mới xuất hiện trên tivi. Bữa ấy (ngày 14/05), tôi thấy cái phông của phòng họp với mấy người chóp bu của Đảng, thì tôi thấy đó không phải là cái văn phòng của Trung ương Đảng. Có khả năng đấy là một hội trường của Quân y Viện 108, rất là đơn sơ. Rõ ràng là tình trạng sức khỏe của ông ấy chưa thật tốt.
Giải thích về điều này, theo nguồn tin rò rỉ - để tham khảo thôi, chứ còn để tin thì phải có bằng chứng -, ông ấy bị uống một loại thuốc có chất độc lạ.
RFI : Xin ông cho biết cụ thể ?
Võ Văn Tạo : Theo nguồn tin này, ông ấy bị đầu độc. Thậm chí còn nói là mẫu bệnh phẩm đã được chuyển sang Nhật, người ta nói là cùng một nhóm virus lạ, hay hóa chất lạ, giống như trường hợp của ông Trần Đại Quang. Tình thế lúc đó là nguy ngập. Tin đó tôi nhớ là đã có vào cuối tháng 4, hoặc đầu tháng 5, trước khi ông xuất hiện trở lại trên truyền thông. Nhờ Quân y Viện 108, có quan hệ với Quân đội Nga, nên nhập về được thuốc giải được cái đó.
RFI : Dường như trong nước, trong dư luận rất nhiều người đặc biệt lo ngại cho sức khỏe của ông chủ tịch nước, kiêm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ?
Võ Văn Tạo : Sức khỏe của ông Trọng là mối quan tâm của một tỉ lệ không nhỏ người dân Việt Nam, trong đó có cả dân thường, lẫn cán bộ, đảng viên, đặc biệt sau khi ông ấy phát động chiến dịch thanh trừng những vụ đảng viên cao cấp tiêu cực, tham nhũng. Điển hình là ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính Trị, bị đưa ra tòa, và đang ngồi tù.
Có một sự náo nức nhất định, vì cái thực trạng tham nhũng, thối nát đã quá phổ biến, thành Quốc nạn. Người ta đã kêu gào công khai ở các diễn đàn, từ 15, 20 năm trở lại. Rõ ràng tình hình là quá tệ. Ông ấy cũng làm được một số việc, gọi là gỡ gạc. Mang lại phần nào sự hào hứng nhất định cho cán bộ, đảng viên, người dân ở Việt Nam. Trường hợp xấu nhất là ông ấy qua đời chẳng hạn, thì họ lo ngại "tắt lò" mất.
RFI : Cũng có một kịch bản khác, được nhiều người nêu ra. Đó là sức khỏe ông Trọng yếu đến mức phải ngồi xe lăn chẳng hạn. Một lãnh đạo quốc gia ngồi xe lăn điều hành đất nước : Ông nhận định ra sao về viễn cảnh này ?
Võ Văn Tạo : Theo tôi, việc ngồi xe lăn cũng không ảnh hưởng lắm đối với việc điều hành đất nước. Mình thấy rằng ngay trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, tổng thống Mỹ Roosevelt cũng ngồi xe lăn, nhưng điều hành được Quân đội của ông, điều khiển chiến cục, chiến thắng phát xít Đức, cùng với Hồng quân Liên Xô. Đối với lãnh đạo tối cao thì họ không phải làm việc bằng cơ bắp, mà thần kinh họ tỉnh táo là được rồi. Chuyện họ đảm đương công việc, thì tôi nghĩ có thể được.
Về trường hợp ông Trọng, tôi nghĩ thế này : ở các Nhà nước cộng sản nói chung, Nhà nước Việt Nam nói riêng, từ lâu đã hình thành một cơ chế làm việc cơ bản là dựa vào tập thể. Những việc quan trọng họ ra nghị quyết, người đứng đầu hoặc người kế cận cứ theo nghị quyết đó mà phân công nhiệm vụ, kiểm tra đôn đốc. Không giống như tổng thống Mỹ chẳng hạn, có quyền lực và trách nhiệm nhiều hơn rất nhiều so với lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vai trò của người đứng đầu ở Việt Nam mờ hơn. Thế nên, tôi nghĩ rằng nếu ông Trọng yếu sức khỏe chăng nữa, thì còn có các trợ lý của ông.
****************
Phần 2
"Đột phá" Hội nghị 10 : Ông Trọng hé mở, rồi khép lại ?
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 của Đảng cộng sản Việt Nam (14 đến 16/05/2019), ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa trở lại sau một tháng dưỡng bệnh, đã có một số tuyên bố làm dấy lên hy vọng trong một số người quan tâm, về khả năng ban lãnh đạo Đảng xem xét thay đổi đường lối độc quyền lãnh đạo xưa nay, vốn bị nhiều chỉ trích là nguồn gốc của "quốc nạn" tham nhũng, bị coi là nhân tố chủ yếu kìm hãm xã hội. Thực hư ra sao ?
Ông Nguyễn Phú Trọng (thứ hai phải sang) tại phiên bế mạc Hội nghị trung ương 10, Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 16/05/2019. Copy d'écran vietnamnet.vn
Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị, về việc chuẩn bị đề cương cho các văn kiện của Đại hội thứ XIII tới, ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra hàng loạt vấn đề cho Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thảo luận, trong đó có các câu hỏi như "đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không", "vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa ? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không ? Có lệch về phía nào không ?"... Hội nghị Trung ương 10 như vậy đã không chỉ tập trung vào vấn đề nhân sự, như một số dự đoán trước đó.
Vấn đề "chế độ chính trị" vốn được coi là thuộc loại húy kỵ lâu nay đã được người đứng đầu của Đảng chính thức nêu ra. Một số nhà quan sát cho rằng, việc nhiều vấn đề húy kỵ được ông Trọng nêu ra thảo luận là do áp lực nội bộ hoặc do tình trạng bế tắc về đường lối. Cũng có ý kiến phỏng đoán đây không phải là hành động thực tâm, mà chỉ là một thủ thuật nhằm thao túng dư luận.
Trả lời RFI, nhà báo Võ Văn Tạo (từ Nha Trang), tuy ghi nhận thay đổi "gợi mở" rất đáng chú ý nói trên, nhưng nhận xét là phát biểu bế mạc sau đó của ông tổng bí thư cho thấy cánh cửa hé mở đã nhanh chóng khép lại. Nhà báo Võ Văn Tạo một mặt lên án "sự độc quyền cai trị" của Đảng cộng sản Việt Nam, "sự xơ cứng", "giáo điều" của thế lực cầm quyền, nhưng mặt khác cũng chỉ ra tính nguy hại của thái độ thờ ơ ở khá đông đảo người dân, trong và ngoài nước, đối với những gì diễn ra trên thượng tầng của hệ thống chính trị Việt Nam, đang trong quá trình biến chuyển. Dù sao, ông Võ Văn Tạo cũng khẳng định "sự vận động của xã hội không lệ thuộc hoàn toàn vào lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam", chỉ có điều "những tác dụng từ dưới lên cũng góp phần cho sự thay đổi, nhưng nó chậm chạp hơn", nhiều cơ hội của đất nước "sẽ bị bỏ lỡ".
Sau đây mời quý vị theo dõi các nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo.
***
RFI : Trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam diễn ra sự kiện Hội nghị trung ương 10 của Đảng cộng sản Việt Nam được đánh giá là quan trọng. Xin ông cho biết nhận định của ông.
Võ Văn Tạo : Sự kiện Hội nghị Trung ương 10 khá quan trọng. Ở Việt Nam có nhiều người phát biểu như thế này : Họ không quan tâm đến việc của Đảng. Lâu nay nó trì trệ, đó là việc riêng của Đảng. Tôi cho rằng cái quan điểm đó không đúng đâu !
Bởi vì anh thích hay không thích, đó là chuyện của anh, nhưng mà rõ ràng đất nước này do những người cộng sản đang cai trị. Những quyết sách của họ ảnh hưởng đến tất cả. Dù anh là ai, anh vẫn phải chịu tác động của nó. Cả Việt kiều bên nước ngoài cũng thế. Nếu như những người lãnh đạo Ba Đình họ vẫn cứ độc tài, cứ cố thủ, thì nguyện vọng tối thiểu của bà con Việt kiều muốn về thăm quê hương đất nước, với gia đình cũng khó khăn. Dù muốn hay không, mình cũng phải quan tâm !
Vừa rồi một tỉ lệ không nhỏ người dân, cũng như cán bộ, đảng viên trong nước, người ta rất quan tâm đến Hội nghị trung ương 10. Vì sao ? Vì sau các chiến dịch "đốt lò", họ dấy lên hy vọng mong manh nào đó. Thậm chí, trên báo chí, trên mạng, có những bài viết ca tụng ông Trọng như một "thánh nhân" xuất hiện để cứu tinh cho dân tộc. Và trong số những trí thức lâu nay làm việc phản biện, góp ý nhiều lúc đến gay gắt, bị quy là chống đối, mà đến mức có những người cũng rất là bênh vực ông Trọng, tin tưởng ông Trọng, hy vọng ông Trọng sẽ là một Gorbachev của Việt Nam, có những đổi mới rất mạnh, đưa Đảng cộng sản Việt Nam và đất nước Việt Nam thoát khỏi bế tắc hiện nay về hướng đi về chính trị.
Tôi thấy rất khác, với trước đó, cách đây ít năm, các Hội nghị Trung ương gần về cuối (tức trước kỳ Đại hội mới) chủ yếu chỉ nói về nhân sự. Nhưng lần này, tôi thấy ông ấy cũng nhắc trong phát biểu hôm khai mạc, ông ấy nhấn mạnh đến công tác lý luận, định hướng. Ông ấy nhắc đi nhắc lại là không chỉ có vấn đề về nhân sự, mà là vấn đề đường lối. Những điều này làm cho rất nhiều người, nếu có ý thức chính trị, thì đều quan tâm. Bản thân tôi cũng rất lưu ý, và tôi đã phát hiện ra những cái mới nhất định nào đó trong lập trường của ông Trọng cũng như đại diện của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể như thế nào xin ông cho biết.
Võ Văn Tạo : Để nói cái mới này, cần liên hệ với cái cũ một chút. Đầu năm 2012, hôm đó sau Tết nguyên đán một chút, trong cuộc gặp các lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trọng gay gắt với cái gọi là Kiến nghị 61, của 61 đảng viên tương đối có danh tiếng của Đảng cộng sản Việt Nam. Họ gửi một kiến nghị đến Ban chấp hành Trung ương để đòi thay đổi dự thảo Hiến pháp 2013. Trong đó có nêu vấn đề đổi tên Đảng, tên Nước, triển khai cái gọi là đa nguyên chính trị, cho phép đa đảng, thực hiện xã hội dân sự, hay cần phải thiết lập cơ chế tam quyền phân lập… Có nhiều yêu cầu rất mới, rất hay. Hồi ấy, ông Trọng đã nhắc lại những điều ấy với thái độ rất gay gắt. Thậm chí kể cả những đảng viên tham gia khiếu kiện, ông cũng nhấn mạnh là "suy thoái".
Tuy nhiên, kỳ này, trong cái hôm ông phát biểu khai mạc, tôi thấy có một số câu hỏi ông ấy nêu ra có vẻ như gợi mở. Ví dụ như kỳ này sẽ phải bàn đến các vấn đề kinh tế thị trường, rồi định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường vừa rồi làm như thế trúng chưa, có cần phải kết hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa hay không ? Có trúng định hướng hay không, hay đi trệch ? Thế rồi một số cái như ông nói là : Có cần thay đổi Điều lệ Đảng không ? Một nội dung nữa là : Có nên xem xét lại các thành phần kinh tế hay chế độ sở hữu như thế nào không ?...
Ông ấy nhắc đến một ý tôi cho rằng hay. Đó là đừng nên kỳ thị kinh tế tư nhân nữa [*].
Hôm khai mạc, tôi nghe cái này, thì tôi nghĩ rằng là cái niềm hy vọng mong manh của một số người bạn của tôi, trong số các trí thức phản biện, có phần nào có cơ sở. Ấy thế nhưng mà hôm bế mạc, ông ấy cũng phát biểu, thì những ý ông ấy đưa ra làm cho mình thấy khả năng triển vọng mở ra cái đổi mới, đột phá, thì hầu như không có.
Ai theo dõi đời sống chính trị ở Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ, đều biết rằng vào năm 1986, đã xảy ra một biến đổi mạnh mẽ. Thời kỳ đó ông Trường Chinh làm tổng bí thư, sau khi ông Lê Duẩn chết. Giai đoạn đó tổng bí thư Trường Chinh đưa ra những tư tưởng rất mới, rất táo bạo (1).
Cái gì hiện nay nó đang giữ đất nước này lại, kìm hãm lại ? Theo tôi nghĩ, và cũng có nhiều người đồng ý với tôi, đó là do chủ nghĩa Mác, cái lý luận Mác và Lênin, mà Hà Nội đang giảng dạy cho cán bộ, đảng viên, sinh viên. Nó kìm hãm rất nặng nề nền kinh tế đất nước.
Tôi nói ví dụ đơn cử như chuyện Kinh tế Nhà nước là chủ đạo, đến giờ này họ vẫn khăng khăng lập trường như thế, trong khi các doanh nghiệp Nhà nước hễ cứ động tới là thua lỗ. Doanh nghiệp nào cũng thế, trừ một vài "thằng" độc quyền, như kiểu Viettel, kinh doanh độc quyền nhóm, và có nhập nhằng chuyện ngân sách quốc phòng… là có lãi… Các doanh nghiệp chỉ chuyên đào tài nguyên khoáng sản lên bán…. cũng lỗ ầm ầm. Cái gọi là kinh tế Nhà nước ăn chung, làm chung chắc chắn dẫn nhau vào ngõ cụt… (2).
Thế nhưng bế mạc Hội nghị Trung ương 10, ông Trọng cứ nhắc đi nhắc lại cái đó, nghĩa là luôn luôn bám lấy chủ nghĩa xã hội. Tôi thấy rất là gay.
RFI : Vì sao lại có sự thay đổi đột ngột như vậy chỉ trong ba ngày Hội nghị trung ương 10 ?
Võ Văn Tạo : Tôi nghĩ rằng có hai lý do quan trọng thế này. Thứ nhất là bản thân ông Trọng, chúng tôi theo dõi từ nhiều năm rồi, từ khi ông ấy còn là chủ tịch Quốc Hội, mười mấy năm nay rồi. Thì thấy rằng ông ấy không phải là người có tư tưởng táo bạo, có tư duy sắc nét. Thứ hai, trong số những người thân cận của ông ấy, cũng cho tôi biết, là ông ấy không biết gì về internet hết. Tất cả những thông tin trái chiều là ông ấy không có, mặc dù có thể là trong cảm nhận của tôi, và không ít người nữa, là ông Trọng cũng là một người cũng "sạch sẽ", cũng tử tế. Cái tâm ông ấy tốt thôi, rất tốt, nhưng mà vì ông ấy không có thông tin, nên ông ấy nhận thức rất giáo điều.
Đấy là về phía ông Trọng. Còn ngoài ra, trong ba ngày Hội nghị Trung ương, rất tiếc là vì không có tường thuật tại chỗ các ý nghĩa tranh luận, phát biểu thế nào. Cho nên là mình không thể biết được là tại sao lại có sự thay đổi như thế. Thế nhưng, qua đó, tôi nghĩ rằng, ngoài việc ông Trọng là người xơ cứng, bảo thủ đã đành, nhưng trong ba ngày này, (chắc chắn là) những câu hỏi này đã được tranh luận ở mức độ nào đó. Và cuối cùng là đa phần ý kiến nghiêng về phía co cụm bảo thủ, chứ không mạnh dạn, đột phá. Cho nên ông Trọng khi phát biểu bế mạc có tính chất khép lại như thế. Làm cho tất cả những ai có hào hứng hy vọng vào một bước chuyển gọi là đột phá cho đất nước để đi lên, tiến kịp với nhân loại tiến bộ đều thất vọng.
RFI : Như vậy, vấn đề không phải nằm ở bản thân cá nhân lãnh đạo tối cao Nguyễn Phú Trọng, và những người ủng hộ ông trong hàng ngũ lãnh đạo, mà phụ thuộc vào toàn bộ bộ máy chính trị tại Việt Nam ?
Võ Văn Tạo : Về cái thiết chế chính trị tại Việt Nam, những người hiểu sâu sắc thì đều đánh giá là : Hiện nay ở Việt Nam họ làm chính trị bằng những con người cụ thể, chứ không phải bằng thiết chế vững bền. Thế cho nên cái việc, là tả hay hữu, lúc dao động sang bên này, lúc dao động sang bên kia, vụt một cái như con lắc đơn, chứ không bền.
Để so sánh cho dễ hiểu, tôi lấy ví dụ của Mỹ chẳng hạn. Do thiết chế có đa nguyên chính trị, có đa đảng hoạt động, rồi có tam quyền phân lập rất vững chắc, rồi có phân ra quyền lực, như cụ thể tổng thống là thế nào… Tối Cao Pháp Viện, rồi Hạ Viện, Thượng Viện ra sao… Các định chế này ràng buộc lẫn nhau, khống chế lẫn nhau, chế ước lẫn nhau, để không cho ai lạm quyền cả. Thế thì khó lòng mà đất nước đó bị lệch lạc đường đi của họ. Họ ổn định rất vững.
Ở Việt Nam thì khác, cách đây hơn chục năm, tôi đã viết bài trên báo Nhà nước (tờ Tuổi Trẻ) phê phán việc thành lập Ủy Ban phòng chống Tham Nhũng, trong khi đó ở trung ương giao cho thủ tướng, ở tỉnh giao cho chủ tịch tỉnh. Hai ông đó là chuyên môn ký dự án, mà đây là việc dễ gây tham nhũng nhất. Tham nhũng đất đai, tài sản của dân… Thế mà, tay phải thì ký dự án, tay trái ký quyết định của Ủy Ban phòng chống Tham Nhũng.
Đến tháng 10/2012, Hội nghị Trung ương 6 (Đại hội XII), ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó làm trong Bộ Chính Trị thông qua nghị quyết về việc bản thân Bộ Chính Trị sẽ nhận khuyết điểm, nhưng đề nghị đưa ra Trung ương xét kỷ luật thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bởi làm ăn bết bát quá, làm thất thoát rất nhiều. Nhưng Trung ương không đồng ý, ông Trọng đã phải bật khóc trong Hội nghị này. Sau đó thấy cá nhân ông Dũng là người không trong sạch, nên phải lôi chức vụ trưởng Ban chống Tham Nhũng về cho ông Trọng.
Bây giờ, nếu có thiết chế vững bền như Hoa Kỳ, thì dù cá nhân con người có thể này, thế khác, thì có thể thay anh rất dễ dàng. Tôi cho rằng cái cấu trúc chính trị ở Việt Nam không bền vững.
Khi nào họ vẫn còn kiên trì Mác-Lê, vẫn còn là Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền cai trị, không chấp nhận chia sẻ quyền lực, giám sát quyền lực, thì đất nước vẫn thế thôi, tình hình không có gì đổi mới đâu.
RFI : Ông có thêm chia sẻ gì chuyển đến thính độc giả ?
Võ Văn Tạo : Tôi nghĩ rằng, nếu nhìn về lịch sử của nhân loại trong khoảng 100 năm trở lại đây, đặc biệt từ khi có sự hình thành của hệ thống xã hội chủ nghĩa 70, 80 năm về trước, Liên Xô ra đời từ một thế kỷ trước, thì phải thấy thế này : Khi các quốc gia rơi vào các thiết chế chính trị do Đảng cộng sản, đảng Công Nhân theo chủ nghĩa Mác-Lênin lên nắm quyền, họ luôn giữ một cái nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là nguyên tắc độc quyền lãnh đạo của đảng đó. Họ bóp nghẹt tất cả tự do báo chí, tự do ngôn luận… Thì rất khó mà thay đổi thể chế đó.
Đối với một số nước khác không phải là cộng sản, mà là độc tài, thì việc thay đổi thế chế chính trị từ độc tài sang dân chủ, đỡ khó khăn hơn. Ở trường hợp các nước cộng sản thì rất khó, trừ trường hợp mâu thuẫn nội tại của những người lãnh đạo chóp bu của các Đảng cộng sản đó, ở cấp cao nhất,… thì thuận lợi hơn, việc chuyển biến từ bên trên dễ dàng hơn, tránh bớt được chuyện đổ máu. Việt Nam tôi nghĩ cũng không ra ngoài được quy luật đó đâu. Cho nên mọi người vẫn hy vọng rằng những người lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam họ nhận thức ra được. Có những giai đoạn nào đó, có những nhân tố nào đó, bột phát nào đó gây nên những biến động tốt, cho xã hội Việt Nam đi theo hướng tiến bộ, hòa nhập với văn minh của nhân loại, giải phóng được các tiềm năng của đất nước.
Mặt khác, tôi cũng nghĩ là sự vận động của xã hội không lệ thuộc hoàn toàn vào lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam. Còn là do nhận thức của người dân, của "trí thức trung thành", rồi "trí thức đối lập". Tôi thấy vai trò của "trí thức trung thành" trong thời gian vừa rồi có phát huy được phần nào, chứ không phải vô ích đâu, như một số người cực đoan họ phê phán. Họ bài xích hoàn toàn, tôi nghĩ không đúng.
Có những trí thức như vậy họ nhận ra được những bất hợp lý trong quản lý kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay, và họ góp ý rất xây dựng. Họ không ghét, không căm thù gì những người đương chức, nhưng họ thấy bất hợp lý thì họ góp ý. Và chừng mực nào đó, ban lãnh đạo Việt Nam cũng nghe lời. Ví dụ như Luật Đầu Tư (tức luật liên quan đến các đặc khu kinh tế) định thông qua rồi, Bộ Chính Trị đồng ý rồi,… nhưng luật đó động đến chuyện rất nhạy cảm là sự bành trướng và âm mưu thâm độc của Trung Quốc, thì lập tức nhân dân cũng phản ứng. Có các cuộc biểu tình rất dữ dội hồi tháng 6/2018. Nhưng biểu tình như thế cũng không đáng kể, vì họ dùng quân đội, công an trấn áp được hết.
Nhưng tôi biết, có những bức thư, những ý kiến của trí thức trung thành, thân với ban lãnh đạo Đảng, với bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, họ góp ý rất chân thành. Các ông ấy nhìn ra, các ông ấy ra lệnh hoãn. Coi như chưa thông qua Luật Đầu Tư đó. Như vậy, cũng có những tác dụng nhất định. Tất nhiên là những tác dụng từ dưới lên cũng góp phần cho sự thay đổi, nhưng nó chậm chạp hơn, đòi hỏi kéo rất dài, sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội của đất nước.
Nếu như sắp tới, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ, hoặc những người mà ông ấy nhường cho vị trí thay thế hoặc kế cận, mà vẫn bám đường lối đó (chủ nghĩa Mác-Lênin), thì tôi nghĩ là đất nước không có cơ phát triển một cách nhanh được đâu. Chỉ như hiện nay là may rồi.
Tôi nghĩ đây là thời điểm. Nếu như ông Trọng và những người đồng chí thân cận của ông ấy mà biết hy sinh một phần cái đặc quyền đặc lợi vô lý lâu nay của nhóm chóp bu độc quyền của Đảng cộng sản Việt Nam, vì quyền lợi của dân tộc, thì đây là thời cơ. Dù cũng đã chậm rồi. Để hy vọng đến Đại hội XIII, có những thay đổi cơ bản về chính trị thì đất nước Việt Nam mới khá lên được.
RFI : Xin cảm ơn nhà báo Võ Văn Tạo.
Trọng Thành thực hiện
Nguồn : RFI, 30/05/2019
---
[*] Nhưng riêng ý này, có lẽ là do ông Trọng lâu nay chỉ làm "công tác Đảng", chứ không làm công tác chính quyền, cho nên ông không thật rõ lắm cái tệ nạn ưu ái cho các doanh nghiệp tư nhân một cách quá đáng của các quan chức chính phủ… Cái này không phải là mới. Nếu chúng ta quan sát Liên Xô và Đông Âu, sau khi từ bỏ "chủ nghĩa xã hội", cuối thập niên 80, đầu 90. Có làn sóng ồ ạt tư nhân hóa. Cướp đoạt tài nguyên quốc gia, rơi vào tay tư nhân. Nhiều tay tỉ phú phất lên rất nhanh nhờ có giới chức của Nhà nước, để móc ruột ngân sách… Đáng lẽ khi đề cập đến vấn đề này, ông Trọng phải đề cập đến vấn đề khi chuyển đổi sở hữu, để giảm bớt doanh nghiệp Nhà nước, thì phải hết sức tránh thất thoát tài nguyên quốc gia].
Một số ý kiến bổ sung
(1) Thời gian đó tôi nhớ là đã đọc một bài rất nổi tiếng của ông Trường Chinh, nhan đề "Bài học giương cao 4 ngọn cờ" trên trang nhất báo Nhân Dân. Có một hàng tít rất lớn. Đọc xong tôi hoàn toàn bất ngờ. Có những luận điểm rất hay, như "Khi Đảng ta chủ trương phát triển đồng thời nhiều thành phần kinh tế, có nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên cao cấp lo ngại là chủ trương như vậy thì có lẽ vật tư, chất xám, tiền vốn chuyển ra khối phi quốc doanh tức ngoài quốc doanh, thì sao ?". Ông Trường Chinh đặt câu hỏi thế này : "Lo ngại như thế chẳng hóa ra ta phải kìm hãm lại sản xuất hay sao ?". Đó phải nói là một tư tưởng rất sắc bén, quay ngược 180° so với lý luận Mác-Lê mà chúng tôi đã được trang bị trong nhà trường đại học ở Việt Nam (nhà báo Võ Văn Tạo cho biết ông đã theo học chương trình chính trị trung cấp tại Đại học Ngoại thương, ngoài ra ông cũng nghiên cứu thêm chương trình chính trị Mác-Lê cao cấp do ban Tuyên Giáo Trung ương thời đó ấn hành).
(2) Về cái chuyện "đốt lò", trước mắt vì cái tiêu cực nó quá nhiều, phát hiện dễ lắm. Bên cạnh việc một số người bị đưa ra ánh sáng, còn vô số trường hợp khác, là khá lớn, khá rõ, người ta gọi là "những quả đậm", vẫn chưa bị lôi ra. Rất nhiều ! Thôi cái đó mình cứ gác sang một bên. Nếu như chưa chấp nhận cho đa nguyên chính trị, cho đa đảng hoạt động, hoặc không thiết kế được cơ chế tam quyền phân lập, thì không có cách nào trị hết được các tham nhũng, thối nát, tiêu cực. Mà ai có kiến thức về kinh tế, thì cũng hiểu rằng, tham nhũng không chỉ là tham nhũng,… mà cái chính là nó phá cái sản xuất. Không còn niềm tin trong sản xuất, kinh doanh, không bình đẳng nữa thì hiệu suất sử dụng tài nguyên của xã hội, kể cả lao động, giảm đi rất nhiều.
Trung Quốc, khởi sự từ mùa hè 2018, và các đối đầu trên nhiều lĩnh vực khác như an ninh, quân sự… khiến cụm từ "Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung" ngày càng được nói đến nhiều hơn. Về phía quan điểm phản bác, không ít ý kiến cho rằng trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay một cuộc Chiến tranh Lạnh theo kiểu Mỹ-Xô trước đây là điều không thể có. Vậy thực hư ra sao ?
Mỹ - Trung có đang rơi vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới ? Ảnh minh họa Wikimédia
Đầu tháng 12/2018, Washington và Bắc Kinh tạm thời hưu chiến trong ba tháng để tìm giải pháp thoái khỏi cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dường như đây chỉ là một giai đoạn hòa hoãn và "Chiến tranh Lạnh" giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, đang có tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới, đã là điều đang diễn ra trên thực tế. Sau đây là phần tổng hợp ý kiến một số chuyên gia, nhà quan sát.
Dựa vào đâu để nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ?
Về quan điểm này, báo Anh Financial Times có đăng tải một bài phân tích đáng chú ý mang tựa đề : "Trung Quốc và Mỹ : Chiến tranh thương mại hay Chiến tranh Lạnh ?" (06/12/2018). Theo nhà nghiên cứu chính trị học Timothy Ash, không thể giới hạn những căng thẳng vừa qua giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại. Ngoài thương mại, Washington và Bắc Kinh đang đối đầu với nhau trên hàng loạt trận địa, nổi bật là an toàn mạng, quân sự an ninh (đặc biệt là tại Biển Đông hay Đài Loan), trí tuệ nhân tạo / công nghệ 5G. Đây là cuộc chiến giữa một siêu cường đang đi xuống và một siêu cường đang trỗi dậy. Có thể hình dung là sau đợt đàm phán 90 ngày (với hạn chót là 01/03/2019), Trung Quốc sẽ có nhiều nhân nhượng với Mỹ trong lĩnh vực thuế, và mở cửa hơn thị trường cho Mỹ, nhưng sẽ triển khai các hướng khác để cân bằng lại.
Theo nhà chính trị học Anh, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là "cộng sinh", mà đúng hơn là "ký sinh". Cụ thể là, trong một thời gian hàng thập niên trước khi tổng thống Trump lên nắm quyền, với Bắc Kinh, chủ trương chính của Mỹ là đầu tư vào Trung Quốc, siết chặt quan hệ với Trung Quốc, để dần dần đưa Trung Quốc phát triển và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, với hy vọng một nước Trung Quốc giầu có hơn cũng sẽ có lợi cho thế giới. Và đến một lúc nào đó, Trung Quốc cũng sẽ trở thành thành viên bình thường của cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, nỗ lực nói trên đã không mang lại kết quả. Giàu mạnh hơn gấp bội, Bắc Kinh muốn vươn lên vai trò bá chủ.
Chính sách "cộng sinh" của Washington đã thất bại, bởi nếu cứ cái đà như hiện nay, thì vật thể "ký sinh", là Trung Quốc, sẽ giết chết vật chủ, là nước Mỹ. Bởi vậy, chiến lược hiện nay mang tính sống còn của nước Mỹ là "vạch ra các lằn ranh đỏ" với Trung Quốc, sau mỗi cuộc "khủng hoảng nhỏ" (nhà chính trị học nêu ra một số ví dụ như vụ tập đoàn Trung Quốc ZTE hồi mùa hè 2018 bị phạt, rồi bị đặt dưới sự kiểm soát của tư pháp Mỹ, để cho thấy phương pháp lằn ranh đỏ của Washington). Kết quả cuối cùng của xu thế này là thế đối đầu triệt để của một Chiến tranh Lạnh mới, giống như giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây.
Còn về quan điểm phản bác việc đã có một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc ?
Phía phản đối quan điểm "Chiến tranh Lạnh" nhấn mạnh đến tính chất phụ thuộc lẫn nhau hết sức mật thiết của nền kinh tế toàn cầu, với các chuỗi dây chuyền sản xuất trải rộng trên khắp thế giới. Mỗi sản phẩm có thể được tạo ra từ hàng trăm, hàng nghìn nguyên liệu, vật liệu sơ chế, linh kiện, bán thành phẩm, đến từ khắp nơi trên Trái đất. Trang mạng về công nghệ của Mỹ MIT Technology Review, có bài viết "Giữa Mỹ và Trung Quốc không có 'Chiến tranh Lạnh', hãy ngừng nói như vậy". Theo tác giả bài viết, khác hẳn với thời kỳ Mỹ-Xô trước đây, kinh tế Mỹ-Trung phụ thuộc chặt chẽ vào nhau. Ngoài chuyện các công ty Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Mỹ về mặt linh kiện công nghệ cao, phía Hoa Kỳ cũng tương tự. Tập đoàn tin học Apple có một phần năm doanh thu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về các linh kiện hay khâu lắp ráp.
Theo tác giả, một cuộc Chiến tranh Lạnh về kinh tế, nếu xảy ra, sẽ dẫn thế giới vào ngõ cụt, bởi đi ngược lại toàn bộ những gì mà nền kinh tế toàn cầu xây dựng được từ hơn nửa thế kỷ qua. Khẳng định có một cuộc Chiến tranh Lạnh không những là "sai lầm", mà còn "nguy hiểm", bởi quan niệm này sẽ đẩy các xã hội vào thế đối đầu nhau, với các hậu quả hết sức đắt giá, trước hết về mặt kinh tế.
Dường như bên cạnh hai quan điểm, ủng hộ và bác bỏ sự tồn tại một cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung, còn có một số quan điểm khác ?
Phải thừa nhận là ám ảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung - dù điều đó đã xảy ra hay chưa, và xảy ra đến mức độ nào - là một điều có thật. Điều này có thể đặc biệt thấy rõ tại Đông Nam Á, khu vực vốn duy trì các quan hệ mật thiết với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Báo mạng Singapore Businesstimes có một bài viết đáng chú ý mang tựa đề : "Chiến tranh Lạnh mới : một sự đóng băng kéo dài của các mối liên hệ toàn cầu" (29/12/2018).
Businesstimes dẫn lời của cựu bộ trưởng thương mại Mỹ Hank Paulson, theo đó triển vọng "bức màn sắt" kinh tế được thiết lập làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu hoàn toàn không phải là chuyện viển vông, tuy chưa diễn, nhưng nhãn tiền. Báo mạng Singapore nêu một ví dụ tiêu biểu cho thấy, dù muốn hay không Hoa Kỳ đã bắt đầu buộc phải thủ thế với Trung Quốc. Đó là trường hợp của tập đoàn sản xuất hóa chất DuPont của Mỹ bị chính quyền Trung Quốc kiếm chuyện, vì không chấp nhận chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Và đây không phải là một trường hợp duy nhất, mà nằm trong chính sách đẩy mạnh các công nghệ mũi nhọn, để nhanh chóng đưa Trung Quốc lên vị trí cường quốc công nghệ số một (đặc biệt với kế hoạch "Made in Chine 2025"). Trong thời gian gần đây, Washington đã chính thức coi chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ của Bắc Kinh như là một vật cản chính trong quan hệ song phương.
Theo cựu bộ trưởng thương mại Mỹ, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã từng nuôi hy vọng thị trường Trung Quốc sẽ rộng mở sau khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO). Tuy nhiên, sau 17 năm là thành viên WTO, thị trường Trung Quốc vẫn chưa thực sự mở cho cạnh tranh nước ngoài. Cách xử sự trái khoáy của Trung Quốc, vừa tham gia vào thị trường thế giới, nhưng lại vừa không tuân thủ các quy tắc của thị trường, chắc chắn sẽ dẫn đến việc nhiều đối tác phải rời bỏ Trung Quốc, vì sợ bị thao túng, thôn tính.
Vẫn trang mạng Singapore Businesstimes lưu ý là tình trạng đối đầu này đặc biệt bất lợi cho khu vực Đông Nam Á, nơi đang hình thành một thị trường dịch vụ thống nhất, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số. Thế đối đầu Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung sẽ băm nát thị trường chung đang nổi lên này, buộc mỗi nước hay mỗi thế lực kinh tế phải chọn phe, như nỗi lo mà thủ tướng Singapore, phát biểu cách nay ít tuần (ông Lý Hiển Long bày tỏ mong ước là việc này "không xảy ra quá sớm"). Tình hình đặc biệt nguy hiểm hơn, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp mới, đang làm biến đổi sâu sắc thị trường thế giới nói chung, Đông Nam Á nói riêng, khi rất nhiều việc làm sẽ mất đi do tự động hóa.
Giáo sư Mie Oba người Nhật, chuyên về chính trị Châu Á, trong một bài phân tích trên trang mạng The Diplomat (29/12/2018), nhấn mạnh đến tính chất "khó dự đoán" của cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng có một điều chắc chắn là cuộc chiến rất phức tạp này sẽ hết sức khác với cuộc chiến kéo dài 40 năm giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây.
Cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung phải chăng khó tránh khỏi, bởi các nhân nhượng giữa hai bên dường như chỉ mang tính tạm thời, và chủ trương tối hậu của Bắc Kinh là vươn lên soán ngôi Mỹ ? Liệu có cơ hội nào để cuộc Chiến tranh Lạnh này không xảy ra ?
Trên thực tế, theo nhiều nhà quan sát, thế đối đầu Mỹ - Trung hiện nay một phần rất lớn xuất phát từ việc Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì mô hình xã hội độc tài - toàn trị, mở cửa nửa chừng với thế giới, để tranh thủ công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, thường là các quốc gia dân chủ, để rồi quay sang thao túng thế giới, áp đặt quyền lực bá chủ với bên ngoài.
Mô hình này bị chính một bộ phận những người cải cách trong nước phản đối, nhưng họ quá yếu thế, trong bối cảnh Đảng cộng sản nằm trọn vẹn quyền lực. Trong một bài viết trên báo South China Morning Post (ngày 02/10/2018), nhà chính trị học Trung Quốc Đặng Duật Văn (Deng Yuwen) có quan điểm độc lập – hiện đang làm nghiên cứu tại Đại học Nottingham (Anh Quốc) – chỉ ra một nghịch lý là cuộc chiến tranh thương mại của tổng thống Mỹ chống lại Bắc Kinh, trong lúc gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc, nhưng cũng gây áp lực buộc ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc hiện nay phải chú ý hơn đến tiếng nói của phái cải cách. Cụ thể là giảm can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, giảm ưu đãi dành cho các tập đoàn Nhà nước, cũng như cởi trói khu vực kinh tế tư nhân, giảm thuế mạnh để thúc đẩy thị trường nội địa. Chưa nói đến các cải cách chính trị đi kèm, bởi các cải cách kinh tế sâu sắc không thể không đi cùng những thay đổi về định chế chính trị. Nếu Trung Quốc chấp nhận cải cách, chấp nhận luật chơi quốc tế, thì quan hệ với Hoa Kỳ ắt hẳn sẽ được cải thiện. Nguy cơ Chiến tranh Lạnh sẽ giảm bớt.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 01/01/2019
Nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau ít ngày tới tại Argentina để tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại. Trong số các tranh chấp Mỹ-Trung, hồ sơ then chốt là vấn đề "gián điệp công nghiệp", trong đó đặc biệt nóng bỏng là lĩnh vực chíp điện tử. Gián điệp công nghiệp là vấn đề hoàn toàn không dễ giải quyết trong quan hệ Trung – Mỹ.
Một bộ vi mạch của tập đoàn Mỹ Micron Technology - Ảnh : Wikimedia
Ngày 01/12/2018 tới, sau thượng đỉnh của khối G20, tại Buanos Aires, Argentina, các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, dự kiến hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ hội kiến, để bàn về một thỏa hiệp nhằm đình chỉ cuộc chiến thương mại song phương, đang gây nhiều thiệt hại cho kinh tế hai nước, đe dọa tăng trưởng toàn cầu. Đây là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước ngồi lại với nhau, kể từ khi chiến tranh thương mại bùng phát từ nửa năm nay. Liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có tìm được thỏa hiệp hay không ? Trong số các tranh chấp Mỹ-Trung, gián điệp công nghiệp là hồ sơ then chốt, và cũng được coi là một cội rễ của cuộc chiến thương mại. Báo Hồng Kông South China Morning Post có ba bài viết đáng chú ý về chủ đề này, RFI xin giới thiệu.
Tạm lắng sau thỏa thuận 2015, nhưng tăng vọt trở lại
Bài "Đánh cắp công nghệ Mỹ, Trung Quốc không còn dè dặt" của South China Morning Post (1) cho biết Bắc Kinh bị cáo buộc đã gia tăng đánh cắp sở hữu công nghiệp từ hai năm trở lại đây. Trước đó, tình trạng đánh cắp sở hữu công nghiệp đã nở rộ, khiến chính quyền tổng thống tiền nhiệm Obama nhiều lần đe dọa trừng phạt Trung Quốc.
Tháng 9 năm 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Do áp lực của Mỹ, Bắc Kinh đã chấp nhận ký kết một thỏa thuận cam kết không hậu thuẫn gián điệp công nghiệp, để tránh các trừng phạt của Washington. Ít tháng sau đó, các vụ gián điệp công nghiệp Trung Quốc sụt giảm đến 90%, theo một điều tra của CrowdStricke, một công ty chuyên về an toàn mạng, có trụ sở tại Sunnyvale, California.
Tình hình tạm lắng dịu trong khoảng một năm. Tuy nhiên, kể từ tổng thống Trump lên nắm quyền, gián điệp Trung Quốc đã hoạt động mạnh trở lại. Giám đốc kỹ thuật của công ty CrowdStricke và một số chuyên gia khác ghi nhận một hiện tượng rất đáng chú ý là : không còn là Quân đội Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tấn công tin học, mà là Bộ An ninh Quốc gia, tức cơ quan phụ trách tình báo dân sự Trung Quốc.
Tình báo dân sự thay cho tình báo quân đội
Tình hình hiện nay đươc coi là đáng lo ngại hơn, vì tình báo dân sự Trung Quốc sử dụng các tin tặc có kinh nghiệm, tinh vi hơn bên quân đội, rất khó bắt được và quy trách nhiệm cho các hoạt động phá hoại hay đánh cắp công nghệ.
Một ví dụ đó là phải mất nhiều năm trời, vào tháng 10/2018 vừa qua, các thẩm phán liên bang Mỹ tại San Diego, mới có thể truy tố được hai gián điệp Trung Quốc và 5 nghi phạm tin tặc khác. Đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên một sĩ quan tình báo Trung Quốc, tên Từ Ngạn Quân (Yanjun Xu), gián điệp công nghiệp, bị cho phép dẫn độ sang Hoa Kỳ. An ninh Mỹ đã tổ chức gài bẫy để viên sĩ quan an ninh cao cấp này trực tiếp sang Bruxelles, với hy vọng mua được nhiều tài liệu mật về động cơ máy bay của một hãng Hoa Kỳ.
Hàng loạt vụ gián điệp lớn khác, liên quan đến nhiều lĩnh vực công nghệ cao, như dược phẩm chống ung thư (hãng GlaxoSmithKline), gạo biến đổi gien… cũng liên tục được đưa ra ánh sáng trong những tháng gần đây. Trong một bài viết trên South China Morning Post, nhà báo Robert Bowell, chuyên về quan hệ thương mại Mỹ-Trung, ghi nhận : "Việc đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, lâu nay bị phía Mỹ coi thường, là đầu mối của cuộc chiến thương mại" (2).
Chíp DRAM : Tìm cách chiếm đoạt thông qua Đài Loan
Một ví dụ tiêu biểu được nói đến nhiều trong những tuần gần đây liên quan đến tập đoàn Micron của Mỹ. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một vụ đánh cắp công nghiệp tiêu biểu trong những năm gần đây, một điển hình của gián điệp công nghiệp Trung Quốc, vụ lớn thứ hai chống lại gián điệp công nghệ Trung Quốc, sau vụ công ty ZTE.
Công ty Micron Technology, có cơ sở tại Idaho, miền đông bắc Hoa Kỳ, sở hữu công nghệ chíp điện tử bán dẫn có tên là "DRAM", được sử dụng trong nhiều phương tiện điện tử, như smartphone, máy tính, xe hơi hay vô tuyến truyền hình… Micron kiểm soát khoảng 20% thị trường bộ nhớ DRAM trên thế giới, đứng hàng thứ tư trong lĩnh vực bán dẫn. Chíp điện tử là mặt hàng chủ lực, chiếm khoảng 70% doanh số hàng năm của hãng, ước tính 30 tỉ đô la.
Năm 2016, Bắc Kinh thông báo việc Trung Quốc tự túc chíp DRAM sẽ là ưu tiên của chính sách an ninh quốc gia. Tháng 2/2016, chính quyền Trung Quốc đã giải ngân hơn 37 tỉ yuan (tương đương hơn 5 tỉ đô la) để lập ra công ty Fujian Jinhua Circuit Co., chuyên sản xuất loại chíp này tại một xí nghiệp ở Jinjiang, miền nam Trung Quốc. Tuy nhiên công ty Fujian Jinhua không nắm được công nghệ. Doanh nghiệp này ký một thỏa thuận với công ty Đài Loan United Microelectronics Corps (hay UMC) để có được công nghệ cần thiết. Theo viên công tố Mỹ phụ trách điều tra, thì một phó chủ tịch công ty Đài Loan (ông Chen Zhengkun) đã nhờ đến sự giúp đỡ của các nhân viên của MMT, một chi nhánh công ty này.
Theo cơ quan công tố Mỹ, MTT đã tuyển mộ được một kỹ sư và một phụ trách (đều là người Đài Loan, vốn là nhân viên cũ của tập đoàn Mỹ), cho phép lấy được nhiều bí mật công nghệ của Micron Technology tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này. "Khoảng 900 tệp tin bí mật" chứa các dữ liệu của Micron Technology đã bị đánh cắp. Các nhà điều tra Mỹ ước tính các thông tin gây thiệt hại từ 400 triệu đến 8,75 tỉ đô la.
Một trong những người mới được ông chủ Đài Loan tuyển mộ khai là, "trong những ngày gần đây, tại công ty MMT, hoạt động đánh cắp dữ liệu mật của (công ty Mỹ) Micron diễn ra hết tốc lực… Các bí mật đánh cắp bao phủ toàn bộ các công nghệ" DRAM, để công ty Đài Loan có thể kịp chuyển cho công ty Trung Quốc.
Sau một phán quyết của tư pháp Mỹ cách nay ba tuần, công ty Đài Loan UMC thông báo tuân thủ, và sẽ tạm thời đóng cửa các hoạt động nghiên cứu (R&D), phối hợp với đối tác Trung Quốc Fujian Jinhua.
Công ty Đài Loan kiện để đẩy đối thủ Mỹ khỏi Hoa lục
Trên thực tế, Hoa Kỳ không chỉ đương đầu với Trung Quốc, mà cả với nhiều công ty Đài Loan, bạn hàng với Hoa lục. Ngày 3/7 vừa qua, một tòa án địa phương Trung Quốc quyết định ngưng tạm thời 26 sản phẩm chíp bán dẫn của chính công ty Mỹ Micron nói trên (3), vì bị cáo buộc xâm phạm bản quyền của công ty Đài Loan United Microelectronics Corp (UMC).
Công ty Đài Loan UMC, để củng cố vị trí tại Hoa lục, đã khởi kiện đối thủ Mỹ Micron Technology, về vi phạm bản quyền, đặc biệt liên quan đến các công nghệ sản xuất bộ nhớ sử dụng trong vi mạch. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chíp điện tử DRAM số một thế giới, với 20% thị phần. Trước mùa hè năm nay, một nửa doanh thu của tập đoàn Micron Technology của Mỹ là đến từ Trung Quốc. Một số công ty Hàn Quốc cũng là đối tượng của lệnh trừng phạt này.
Phán quyết nói trên được đưa ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc chiến thương mại, với việc Washington quyết định tăng thuế 25% lên 34 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trở lại với vụ kiện Micro Technology bị gián điệp công nghiệp Trung Quốc xâm nhập sau đó. Cáo buộc của tư pháp Mỹ được đưa ra đúng vào lúc xí nghiệp sản xuất chíp điện tử DRAM của công ty Trung Quốc Fujian Jinhua đang sắp sửa hoàn tất, đe dọa trực tiếp các mặt hàng xuất khẩu tương đương từ phía Mỹ (chưa kể vấn đề tập đoàn Mỹ Micron đang bị tư pháp Trung Quốc đình chỉ, không cho nhập nhiều loại sản phẩm chíp bán dẫn như đã nói ở trên).
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ ra một thông tư cấm công ty Trung Quốc Fujian Jinhua mua được các linh kiện Mỹ cần cho việc sản xuất chíp. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, có thể đã quá trễ để ngăn chặn thiệt hại xảy ra, do bản quyền bị đánh cắp.
Mọi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đều bị nhòm ngó
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói chung là một thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Theo một điều tra được công bố hồi tháng 9/2018, của Viện Oxford’s Future of Humanity Institute (4), với thị trường 1,4 tỉ dân và hơn 700 triệu người dùng Net, Trung Quốc vượt xa Hoa Kỳ về tiềm năng trở thành người dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nhìn chung, nghiên cứu của Đại học Oxford ghi nhận là "Bắc Kinh rình rập Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo, ngoại trừ Big Data (hay cơ sở dữ liệu lớn)", vốn được coi là nguồn tài nguyên vô tận, tự có của Trung Quốc, do số lượng dân cư đông đúc, nhưng đặc biệt do việc chính quyền Trung Quốc không bị luật pháp khống chế, gần như toàn quyền tự tung tự tác trong việc sử dụng thông tin cá nhân của các công dân.
Nghiên cứu nói trên cũng cho thấy trở ngại chính đối với tham vọng của Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu chính là khả năng sản xuất các bộ vi xử lý và chíp điện tử. Đánh cắp bí mật công nghiệp như vậy là một giải pháp mà Bắc Kinh hy vọng có thể giúp Trung Quốc nhanh chóng đuổi kịp Mỹ.
Chấp nhận thiệt hại, với hy vọng Trung Quốc dân chủ hóa
Nhà báo Robert Bowell, trong bài viết trên South China Morning Post (2), tóm lại quan điểm về nước Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc trong mấy chục năm vừa qua. Chính quyền Mỹ trong một thời gian dài đã chấp nhận thiệt hại lớn về bản quyền và xử lý nhẹ nhàng với nạn gián điệp công nghiệp, nhưng hy vọng là việc tham gia vào kinh tế thị trường thế giới sẽ giúp xã hội Trung Quốc phát triển lên và dần dần dân chủ hóa.
Theo ước tính của Ủy ban Sở hữu Trí tuệ Mỹ (5), thiệt hại một năm của việc đánh cắp bản quyền trí tuệ - trong đó có hoạt động gián điệp công nghiệp – đối với Hoa Kỳ là từ 180 tỉ đến 540 tỉ đô la, tương đương từ 1% đến 3% GDP. Trong đó, Trung Quốc bị coi là thủ phạm chính.
Nhưng rốt cục, bản quyền vẫn bị đánh cắp ngày càng nhiều, gián điệp công nghiệp ngày càng táo bạo và tinh vi, mà xã hội Trung Quốc lại không có dấu hiệu chuyển sang dân chủ. Chế độ chính trị thì với bên trong ngày càng gia tăng trấn áp, bên ngoài đẩy mạnh tham vọng lãnh thổ nhiều hơn (trước hết tại Biển Đông). Đặc biệt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012. Đây có thể coi là một lý do sâu xa đã khiến cho chính quyền Donald Trump quyết định không nhân nhượng Trung Quốc.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 19/11/2018
Ghi chú
1. "China 'has taken the gloves off' in its thefts of US technology secrets ", South China Morning Post, 19/11/2018.
2. "How China’s rampant intellectual property theft, long overlooked by US, sparked trade war ", South China Morning Post, 28/10/2018.
3. Theo Reuters, ngày 4/7/2018.
4. "China trails US in every area of AI development except big data, Oxford University report finds ", South China Morning Post, 25/09/2018.
5. Xem báo cáo 2017 của Commission on the Theft of American Intellectual Property .