Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

14/09/2019

"Robot - Bồ Tát" giảng kinh : Cuộc cách mạng trong Phật giáo ?

Trọng Thành

Chùa cổ Nhật Bản "mời" người máy giảng kinh Phật

Viện tư vấn Trung Quốc tố cáo dự án Con đường tơ lụa mới đe dọa Khí hậu toàn cầu. 8 thành viên phong trào chống Biến đổi Khí hậu ra tòa tại Pháp, vì tổ chức gỡ trộm ảnh tổng thống. Triển lãm đầu tiên tại Paris về cuộc đời Đức Phật qua các tác phẩm nghệ thuật. Bang California buộc tập đoàn Uber công nhận quy chế nhân viên với các tài xế tự do. Trên đây là một số chủ đề chính Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

robot1

Người máy Mindar, trong vai Quán Thế Âm Bồ Tát, đọc kinh Phật, chùa Kodaiji, Kyoto, Nhật Bản, ngày 14/08/2019. QUENTIN TYBERGHIEN / AFPTV / AFP

Nước Nhật tân cổ giao duyên tiếp tục gây ngạc nhiên. Năm 2019, các nhà sư của một ngôi chùa cổ hoan hỉ đón chào người máy đến giảng đạo Phật. Đây có thể là lần đầu tiên. Người máy Mindar giảng kinh Phật, trị giá gần một triệu đô la, là kết quả của một dự án chung, giữa ngôi chùa Kodaiji 400 năm tuổi, với nhà chế tạo robot nổi tiếng Hiroshi Ishiguro, Đại học Osaka.

"Mindar" - cao 1 mét 95, nặng gần 60 kg, không giới tính – làm bằng thép không rỉ. Ngoài một phần đầu, mặt, cổ và đôi bàn tay phủ nhựa silicon trông giống như da người, "Mindar" – dây nhợ chằng chịt quanh người - không hề che giấu mình là máy. Quán Thế Âm Bồ Tát "Mindar", với giọng nói mang thanh sắc kim loại, không mệt mỏi xướng lên hết đoạn kinh này đến đoạn kinh khác, phê phán những thói kiêu ngạo, sân hận, tham lam và ái kỉ của nhân sinh.

Trường Đại học Osaka đã thăm dò phản ứng của các Phật tử, sau khi nghe người máy Mindar giảng kinh. Một số người cho biết có "cảm giác ấm áp gần gũi" khi tiếp xúc với Quán Thế Âm Bồ Tát máy, ngược lại nhiều người thấy khó chịu, "khi nghe những diễn đạt rất không tự nhiên của robot".

robot2

Sau khi nghe người máy Mindar giảng kinh, một số người cho biết có "cảm giác ấm áp gần gũi" khi tiếp xúc với Quán Thế Âm Bồ Tát máy

Hãng thông tấn Pháp AFP đã đến thăm ngôi chùa này hồi giữa tháng 8/2019. Trả lời AFP, vị sư trụ trì Tensho Goto hài hước : "Tôi hy vọng là người máy này sẽ mang lại một phong cách vui tươi, lấp đầy được cái hố sâu ngăn cách giữa những nhà tu hành về già, hết mốt như tôi" với giới trẻ.

Nhà sư Tensho Goto giải thích rõ hơn : "Mục tiêu của đạo Phật là giúp giảm bớt khổ đau. Mục tiêu vẫn luôn luôn là như vậy kể từ hơn 2.000 năm nay, cho dù xã hội hiện đại giờ đây có mang lại những hình thức căng thẳng mới…. Theo Phật không phải là tin vào một đấng thánh thần, mà là đi theo con đường của Phật, dấn thân theo con đường của Phật, cho dù đại diện cho Phật pháp có là một cỗ máy, một cục sắt hay một cái cây".

Đối với thiền sư Tensho Goto và các vị sư trong ngôi chùa cổ này, thì chế tạo ra người máy giảng đạo là điều hoàn toàn phù hợp với Phật giáo, bởi robot có khả năng học hỏi rất nhanh, với đà tiến bộ phi thường của công nghệ hiện đại.

Ông nói : "Sự khác biệt lớn giữa một nhà sư và một người máy, đó là con người như chúng tôi thì đều sẽ chết, trong lúc người máy thì bất tử. Người máy sẽ có cơ hội được gặp gỡ nhiều người, thu thập được vô số thông tin, và có khả năng tiến hóa đến vô cùng". Theo thiền sư Tensho Goto, dân Nhật vốn không có định kiến với người máy, bởi tuổi thơ của họ chìm trong không khí tranh hoạt hình, nơi máy với người là bạn, trong lúc nhà sư Nhật nhấn mạnh là sự hiện diện của Quán Thế Âm Bồ Tát máy trong một ngôi chùa là điều phản cảm với người phương Tây nói chung.

"Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc : Đe dọa lớn đối với Khí hậu

Dự án đường tơ lụa mới không chỉ đe dọa đưa nhiều nước vào bẫy nợ của Trung Quốc, mà còn đe dọa nghiêm trọng nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu, theo mục tiêu của thỏa thuận Paris COP21.

Theo một điều tra được công bố hôm 02/09/2019, các dự án hạ tầng khổng lồ, đường sắt và đường biển, cũng như các xa lộ và khu công nghiệp tại nhiều nơi ở Châu Á, Châu Phi, vùng Trung Cận Đông và Châu Âu, với hàng nghìn tỉ đô la đầu tư, tại 126 quốc gia dự kiến tham gia, có nguy cơ làm vô hiệu hóa Thỏa thuận hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đã được cộng đồng quốc tế thông qua, chưa kể đến các hậu quả môi trường nghiêm trọng khác.

robot3

Một bản đồ kế hoạch Con đường tơ lụa mới, do Trung Quốc khởi xướng.© Reuters

Chủ trì nghiên cứu nói trên là Trung tâm tư vấn Thanh Hoa nổi tiếng tại Trung Quốc (Tsinghua Center for Finance and Development). Nghiên cứu của Trung tâm Trung Quốc được tiến hành với văn phòng tư vấn Anh Vivid Economics và trung tâm Mỹ Foundation ClimateWorks.

Ông Simon Zadek, một trong các tác giả của báo cáo, cho biết : trong hiện tại 126 quốc gia - ký kết thỏa thuận với Bắc Kinh về dự án con đường tơ lụa mới – chiếm 28% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, toàn cầu (không kể lượng phát thải của Trung Quốc hiện chiếm 30%, đứng đầu thế giới). Nếu từ đây đến năm 2050, cứ theo đà hiện nay, 126 quốc gia này sẽ chiếm đến 66% tổng lượng khí thải toàn cầu.

Cho dù các nước còn lại, gồm Mỹ, các nước Châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ, có tuân thủ các cam kết của Thỏa thuận Paris, thì việc không kiểm soát các tiêu chuẩn về môi trường của các dự án hạ tầng Con đường tơ lựa mới sẽ khiến nhiệt độ Trái đất tăng ít nhất là 2,7°C so với thời tiền công nghiệp, tức vượt quá xa so với mục tiêu từ 1,5°C đến 2°C đã được cộng đồng nhân loại thống nhất.

Theo Liên Hiệp Quốc, hai phần ba trong số các cơ sở hạ tầng của thế giới vào năm 2050 hiện chưa được xây dựng. Một bộ phận lớn trong số đó có thể nằm trong kế hoạch "Con đường tơ lụa mới".

Sáng kiến lập khối các quốc gia tuân thủ Thỏa thuận Paris

Tình trạng vận tải hàng hóa tăng vọt là điều ngày càng bị các kinh tế gia điểm mặt như một trong các tác nhân chủ yếu làm gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trả lời phỏng vấn Le Monde ngày 12/09, kinh tế gia Lionel Fontagné – Đại học Paris 1 - đề xuất một biện pháp chủ động : hình thành khối các quốc gia cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết của Thỏa thuận Paris 2015, và hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối cần phải chịu thuế môi trường.

Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc chuyển giao công nghệ sạch cho các nước chậm tiến nhất. Kinh tế gia Lionel Fontagné là đồng tác giả cuốn "Thương mại và Khí hậu : Hướng đến sự hòa giải" (2017).

Khí hậu : Chiến dịch gỡ chân dung tổng thống tại Pháp

Phong trào bất tuân dân sự chống biến đổi khí hậu tại Pháp có thêm nhiều sáng kiến mới. Gỡ ảnh tổng thống tại các tòa thị chính là một trong số đó. Hôm 11/09, 8 nhà tranh đấu môi trường phải ra tòa tại Paris, vì tội "đánh cắp có tổ chức". Theo AFP, các nhà hoạt động tuổi từ 23 đến 36 bị cáo buộc tham gia vào các vụ đánh cắp ảnh tổng thống Emmanuel Macron, theo chiến dịch "Hạ ảnh Macron" của ANV – COP 21 (tức phong trào Action non-violente vì Thượng đỉnh Khí hậu lần thứ 21). Bên công tố đề nghị phạt 1.000 euro mỗi người, trong đó 500 euro được hưởng phạt treo. Hiện tại, theo phong trào ANV-COP21, khoảng 50 người tham gia "gỡ ảnh" bị truy tố tại tòa tiểu hình.

Đúng vào ngày nhóm 8 nhà tranh đấu ra tòa, ANV-COP21 tổ chức thêm vụ gỡ ảnh thứ 133, vụ gỡ ảnh mang tính biểu tượng. Phóng sự của nhà báo RFI Agnès Rougier :

""Ta đang trong metro" – một thành viên thầm thì. Kín đáo là phương thức hoạt động chung của nhóm đi tháo ảnh chân dung tổng thống Emmanuel Macron (tại các tòa thị chính). 10 người tập hợp tại một công viên nhỏ : mọi người chỉ biết sẽ tới tòa thị chính nào, một khi gặp nhau. Mục tiêu lần này là tòa thị chính Mairie de St-Ouen.

robot4

Các nhà tranh đấu môi trường trước tòa thị chính Saint-Ouen (ngoại ô Paris) với bức ảnh 133 của tổng thống Macron, ngày 11/09/2019. DOMINIQUE FAGET / AFP

Ra khỏi metro, tất cả đều không che mặt. Nguyên tắc của nhóm bất tuân dân sự này là luôn luôn công khai. Các nhà tranh đấu mặc vào người một áo thun màu vàng, mang biểu tượng của ANV COP21 (một phong trào tranh đấu bất bạo động, chống lại các thủ phạm gây khí thải, khiến Trái đất bị hâm nóng).

Một nữ thành viên của nhóm cho biết : đây là bức chân dung thứ 133 của tổng thống Emmanuel Macron được lấy khỏi các tòa thị chính. Hôm nay là một ngày đặc biệt. Cô giải thích : Chúng tôi muốn bằng hành động tháo ảnh để lên án sự thiếu vắng các nội dung về khí hậu và xã hội trong chính sách của tổng thống. Và cũng là để bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà tranh đấu ở Paris, hiện phải ra tòa.

Thành viên này khẳng định đến đây hôm nay để ủng hộ Emma, Marion, Cécile, Félix, Etienne, Thomas, Pauline và Vincent, những người bị đưa ra xét xử. Để nói với họ là chúng tôi rất quyết tâm. Chúng tôi khẳng định với chính phủ là phong trào gỡ ảnh sẽ còn tiếp tục, chừng nào chính phủ chưa thay đổi đường lối.

Bức ảnh của tổng thống Macron nằm trong túi xách tay của một người đi xe đạp đã kín đáo rời khỏi tòa thị chính Mairie de St-Ouen, để đến kho bí mật, nơi lưu giữ 132 bức chân dung khác".

"Hội nghị Diên Hồng" về Khí hậu

Về nguyên tắc, chính phủ của tổng thống Macron coi Khí hậu là trọng tâm của "hồi 2" nhiệm kỳ. Hầu hết các đảng phái từ tả sang hữu cũng đều càng ngày càng coi bảo vệ Khí hậu, Môi trường là mục tiêu chung. Trước cuộc bầu cử địa phương năm tới, Môi trường được coi là vấn đề quan tâm hàng đầu của người Pháp.

Theo thăm dò dư luận của Harris Interactive, 72% quan tâm đến Môi trường hơn trước, 82% sẵn sàng ăn ít thịt, 53% sẵn sàng không đi xe hơi. Tuy nhiên, để có được các chính sách và hành động mạnh mẽ, thống nhất cả nước còn là cả một khoảng cách (43% tin tưởng vào sự thành thật của tổng thống trong vấn đề Sinh thái, 57% hoài nghi).

Nhiều người đặt hy vọng được đặt nhiều vào "Hội nghị Diên Hồng" về Khí hậu toàn quốc, mà tổng thống Macron chủ trì, với sự tham gia của 150 công dân đại diện cho nước Pháp. Quyết định được đưa ra sau ba tháng Thảo luận toàn quốc để tìm lối thoát cho Khủng hoảng "Áo Vàng". Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, Hội nghị Khí hậu 150 công dân – họp lần đầu tiên vào đầu tháng 10 - sẽ có trách nhiệm vạch ra các biện pháp cụ thể, để hoặc đưa ra Quốc hội bỏ phiếu, hoặc thông qua trưng cầu dân ý, hoặc do chính phủ ban hành qua các quy định.

Chiến thắng đầu tiên tại Mỹ trước Uber

Hôm 10/09/2019, Thượng Viện tiểu bang California, với 29 phiếu thuận và 11 phiếu chống, thông qua dự luật yêu cầu hai công ty Uber và Lyft phải bảo đảm điều kiện để "các tài xế tự do" trở thành người làm công ăn lương. Luật đang chờ thống đốc tiểu bang thông qua. Nếu được áp dụng, luật này sẽ làm thay đổi triệt để mô hình kinh doanh "kiểu Uber", vốn rất ít lời rất nhiều, do dựa trên nguồn lao động giá rẻ, sẵn sàng chấp nhận các điều kiện rủi ro.

Phóng sự của thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco :

"Thắng lớn rồi ! Ông Edan - đang lái xe - bày tỏ niềm hân hoan, tự hào về chiến thắng, hôm sau ngày Thượng Viện của tiểu bang California bỏ phiếu thông qua dự luật AB5. Từ nhiều tháng nay, cùng với hàng trăm tài xế tắc xi VTC, ông Edan đã nỗ lực tranh đấu, để buộc các tập đoàn Uber và Lyft, kể từ giờ, phải xem họ như những người làm công ăn lương.

robot5

Logo của Uber Reuters/Brendan McDermid

Ông Edan nhận định : "Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ có quyền được hưởng các bảo hiểm căn bản trong quá trình hành nghề, cụ thể là lương tối thiểu, bảo hiểm y tế, đặc biệt trong trường hợp gặp tai nạn. Làm công việc này, anh em chúng tôi có người bị thương, thậm chí thiệt mạng. Trước đây, Uber và Lyft không đền bù gì. Điều này rất có lợi cho họ".

Edan làm việc cho Lyft từ 4 năm nay tại San Francisco, 6 ngày trên 7, 8 tiếng mỗi ngày. Ông hiểu rõ thế nào là những rủi ro của một người lái xe tự do, khi bị ốm đau, mà không có bảo hiểm y tế.

Edan nói : "Liên tục lái xe lâu ngày thể nào bạn cũng mắc bệnh. Khi bạn kiệt sức hoàn toàn, chắc chắn bạn sẽ không thể làm việc được trong nhiều ngày. Mà trong thời gian đó, bạn sẽ không có lương. Tôi đã từng thử kiếm một bảo hiểm y tế cho cá nhân tôi và cho con trai, nhưng không thể được, do thu nhập của tôi quá thấp để có thể có được một bảo hiểm y tế. Chính trong trường hợp này tôi hiểu rằng đang có một bất công rất lớn".

Kể từ giờ, ông Edan mơ ước lập ra một nghiệp đoàn các tài xế VTC California. Bởi trận chiến vẫn còn chưa kết thúc. Tập đoàn Uber đã thông báo sẽ không tuân thủ luật vừa được Thượng Viện tiểu bang thông qua, và cho biết sẽ kiện lên tư pháp".

Đời Đức Phật và nghệ thuật Phật giáo Châu Á : Triển lãm đầu tiên tại Pháp

Năm nay, bảo tàng nghệ thuật Châu Á Guimet, Paris, tổ chức một cuộc triển lãm lớn đầu tiên về các giai đoạn trong cuộc đời đức Phật, thông qua các tác phẩm nghệ thuật Châu Á, thuộc nhiều thời kỳ và nhiều khu vực. Tổng cộng 159 tác phẩm được trưng bày. Những người muốn khám phá đạo Phật - tôn giáo được coi là có đông người theo hàng thứ tư thế giới, sau đạo Thiên Chúa, Hồi giáo và Ấn Độ giáo - có điều kiện đến với bốn cái mốc trong cuộc đời của bậc Giác ngộ : ra đời (Đản sinh), thành đạo, hoằng pháp và nhập Niết bàn. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 4/11/2019.

Phóng sự của nhà báo RFI Sarah-Lou Bakouche :

"Trong một gian phòng chìm dưới một thứ ánh sáng dịu nhẹ, một cậu bé đang ngắm nhìn một bức tượng Phật mạ vàng, cao hai thước. Rồi cậu nhỏ tập trung nhìn vào hai bàn tay, gấp các ngón tay lại, thử bắt chước bức tượng. Bàn tay thõng xuống, lòng bàn tay hướng ra bên ngoài, ngón tay hướng về phía đất. Đây là dấu hiệu của sự dâng hiến (hay "ấn thí nguyện /varada mudra").

robot6

Tượng đồng bồ tát Cứu Độ Mẫu, Sri Lanka, thế kỉ 8 sau công nguyên (British Museum). Bàn tay phải bắt ấn thí nguyện. @Wikipedia / licence Creative Commons

Thế rồi, vịkhách nhỏ bé tiếp tục cuộc viếng thăm thế giới Phật giáo mà bảo tàng Guimet giới thiệu với du khách, qua triển lãm rất phong phú này, với tên gọi "Phật : Huyền thoại vàng son / Bouddha : Légende dorée".

Hình ảnh Phật hiện diện qua đủ loại chất liệu, từ lụa, sành cho đến vàng hay đồng. Đây là cơ hội để du khách khám phá về đạo Phật qua thế giới các hình tượng nghệ thuật về đức Phật.

Từ tư thế ngồi cho đến tư thế đứng hay nằm, trong hình hài khổ hạnh hay có da có thịt, mỉm cười hay đang thiếp ngủ. Khách tham quan có thể phát hiện ra rất nhiều diện mạo khác nhau của bậc Giác ngộ.

Người xem có thể theo vết cuộc đời của vị Phật lịch sử, các câu chuyện về tiền kiếp của Phật, rồi những phép lạ cho đến khi Phật thành đạo. Đây là một cơ hội tốt cho phép công chúng khám phá nghệ thuật Châu Á, với nhiều biến chuyển, bởi triển lãm này cho thấy các hình tượng Phật xuyên qua nhiều thời đại, nhiều quốc gia. Từ một bức phù điêu Pakistan thế kỉ thứ nhất, cho đến chất liệu gốm Nhật Bản năm 2016, hay một loạt các hình tượng tinh tế bằng gốm sứ Trung Quốc cuối thế kỉ 18, về ba đệ tử của Phật.

Cuộc triển lãm cô đúc này cho phép người xem, nếu không đến được với Niết bàn, thì cũng có cơ hội trong chốc lát hòa mình vào thế giới Cực lạc".

Trọng Thành

Nguồn : RFA, 14/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 725 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)