Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liệu khối ASEAN có tham gia tiến trình xây dựng một khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do", mà Mỹ và các đồng minh đang khởi xướng, để tận dụng được cơ chế an ninh mới, đề kháng được các đe dọa từ Trung Quốc, nhưng không bị kẹt trong thế đối đầu giữa hai khối ?

ando1

Khu vực Đông Nam Á và Biển Đông nằm ở trung tâm vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương (trong vòng tròn) - Ảnh minh họa 

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (bao gồm vùng Viễn Đông, Đông Nam Á, tiểu lục địa Ấn Độ và Châu Đại Dương) ngày càng khẳng định là đầu tầu kinh tế của thế giới, nhưng thách thức lớn đối với khu vực là thiếu đi một kiến trúc an ninh và hợp tác quốc tế. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đi kèm với nhiều đe dọa về an ninh, đặc biệt với các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Từ hai năm nay, quan niệm mới về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "rộng mở và tự dodựa trên luật pháp quốc tế", trong đó Biển Đông là một tâm điểm, được Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng như Ấn Độ cổ vũ, đang ngày càng thu hút sự chú ý của các quốc gia châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN.

Tuy nhiên, cho đến nay, trong vấn đề này, dường như khối ASEAN vẫn đang tìm kiếm một tiếp cận riêng, để vừa tận dụng được hậu thuẫn của các cường quốc bên ngoài, nhằm ngăn chặn sự lấn lướt của Trung Quốc, nhưng lại vừa không để bị kẹt vào thế đối đầu giữa hai khối, một bên là Bắc Kinh, và bên kia là các cường quốc dân chủ châu Á, trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò trụ cột. ASEAN có tham gia tiến trình xây dựng khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương" không ? Và nếu có, thì tham gia như thế nào ? Đây là một thách đố hàng đầu đối với Hiệp Hội các nước Đông Nam Á hiện nay.

1. Khu vực "Ấn Độ - Thái Bình Dương" cụ thể là gì ?

Ý tưởng về một khu vực nối liền hai vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương từng được lãnh đạo một số quốc gia thai nghén từ nhiều năm nay. Đặc biệt đáng chú ý có ý tưởng của thủ tướng Nhật Bản, được nêu ra lần đầu tiên vào năm 2007. Trong chuyến công du Ấn Độ, thủ tướng Shinzo Abe đã nhắc đến tác phẩm "Majma ul-Brahrain/Hợp lưu hai biển lớn" của nhà tư tưởng Ấn Độ Dara Shikoh thế kỷ 17, như một ẩn dụ cho khát vọng lâu đời, tìm kiếm liên thông giữa hai thế giới, hai vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, thúc đẩy quan hệ toàn diện Nhật - Ấn.

Tuy nhiên, phải cho đến hồi tháng 12 năm ngoái, dự án này mới bắt đầu có được hình thù cụ thể hơn, với việc lần đầu tiên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được đưa vào Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của chính phủ Mỹ. Cùng với sự thay đổi này, Ấn Độ được Hoa Kỳ coi như là một đối tác chiến lược hàng đầu. Trong chiến lược mới của Mỹ, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương xếp số một, đứng trên châu Âu và Trung Đông. Đây là điều mà một số nhà nghiên cứu đáng giá là "thay đổi lớn nhất" so với thời tổng thống tiền nhiệm Obama (1). Về mặt lý thuyết, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể coi như là một bước tiến mới của chính sách xoay trục sang châu Á của tổng thống Obama.

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, được Mỹ và các đồng minh cổ vũ, bao gồm vùng biển phía bắc Ấn Độ Dương và toàn bộ vùng biển giữa Thái Bình Dương, kéo dài đến bờ tây Hoa Kỳ, trong đó Biển Đông nằm ở vị trí trung tâm. Đối với chính quyền Trump, khu vực "dân cư đông đúc nhất và năng động nhất hành tinh về mặt kinh tế" này là nơi cạnh tranh của hai quan điểm đối kháng, một bên cổ vũ cho "tự do", "dựa trên luật pháp quốc tế", bên kia chủ trương dùng"vũ lực". Washington chỉ đích danh Trung Quốc như là bên chủ trương dùng vũ lực để thao túng con đường hàng hải chiến lược, với việc "thúc đẩy quân sự hóa tại Biển Đông", thách thức chủ quyền của nhiều quốc gia ven bờ.

2. Từ đó đến nay, dự án xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như vậy có thêm những diễn tiến gì mới ?

"Tiến trình Ấn Độ - Thái Bình Dương" của Mỹ lấy Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Úc-Ấn (Quad) làm trụ cột. Giữa bốn quốc gia nói trên đã có một số phối hợp (2). Nhưng để thật sự có được chân đứng tại khu vực và được sự tin cậy rộng rãi, dự án nói trên phải được sự hậu thuẫn của khối các quốc gia Đông Nam Á, bởi ASEAN được coi là tâm điểm của kiến trúc an ninh khu vực hiện nay. Từ nhiều năm nay, ASEAN là nơi diễn ra các tiếp xúc, đối thoại mở rộng bao gồm các quốc gia Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Nga, các nước Nam Á…. Nếu trong tương lai có một cơ chế an ninh hợp tác quốc tế lớn bao trùm tại khu vực này, thì ASEAN chắc chắn sẽ phải đóng một vai trò trọng yếu (3).

Trong thời gian gần đây, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng thường được coi là quốc gia dân chủ đông dân thứ ba thế giới (sau Ấn Độ và Hoa Kỳ) – đang nổi lên như là một đối tác cơ bản cho phép kết nối phần đóng góp của ASEAN với tiến trình xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do (4). Vấn đề "Ấn Độ - Thái Bình Dương" sẽ là một trong các chủ đề chính được thảo luận tại Thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) lần thứ 13, sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15/11/2018 này tại Singapore. Ngoại trưởng Retno Marsudi sẽ trình bày lập trường của Indonesia.

Cần nói thêm là, trước đó, hồi tháng 8/2018, ngoại trưởng Indonesia đã đề nghị triệu tập khẩn một cuộc họp cấp ngoại trưởng của khối, để xác định một lập trường chung của ASEAN đối với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, tuy nhiên, lời đề nghị cho đến nay chưa được hồi đáp. Theo tờ Strait Times, Indonesia đã thảo ra một tài liệu mang tựa đề "Indo-Pacific Outlook", đã được chuyển đến 9 thành viên còn lại của Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Thượng đỉnh Đông Á tại Singapore là cơ hội để các thành viên ASEAN tìm kiếm đồng thuận (4).

3. ASEAN đối mặt với các thách thức nào trong vấn đề này ?

Trở ngại lớn nhất đến từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh sợ rằng "tiến trình Ấn Độ - Thái Bình Dương" sẽ được sử dụng như một phương tiện để lập ra một liên minh chính trị chống Trung Quốc, với trụ cột là Bộ Tứ Mỹ - Nhật - Ấn – Úc, cộng thêm một số thành viên ASEAN. Indonesia và các nước ASEAN sẽ phải rất mềm dẻo để có thể tìm ra một tiếp cận phù hợp, trước hết là vấn đề tên gọi. Các thương lượng cho việc tham gia vào một tiến trình như vậy hiện mới đang trong giai đoạn khởi đầu.

Theo nhiều nhà quan sát, tên gọi Ấn Độ - Thái Bình Dương cần được điều chỉnh để dung chứa được phần đóng góp của các nước ASEAN, với tư cách khu vực nằm ở trung tâm của vùng địa lý nói trên. Trong số các tên gọi, có "ASEAN Inter-Oceanic Concept" của Malaysia, hay "ASEAN’s Indo-Pacific Concept" của Indonesia. Jakarta cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ "tính trung lập" khi tham gia vào tiến trình này (5).

Một thách thức lớn khác đến chính từ phía Hoa Kỳ. Theo một số nhà quan sát, sau khi cổ vũ cho dự án mới này, Washington chưa có thêm các nỗ lực mới để xác định rõ hơn quan điểm, đặc biệt trong quan hệ với các đồng minh và đối tác ASEAN. Công luận ASEAN chờ đợi phó tổng thống Mỹ Mike Pence, khi tham dự Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào ngày mai 14/11/2018 tại Singapore, sẽ trình bày rõ tiếp cận của Washington.

Chuyên gia về an ninh khu vực, ông Anthony Milner (6), người Úc, thậm chí còn lo ngại là dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ tàn lụi, nếu không được khối ASEAN ủng hộ. Chuyên gia Úc cũng chỉ ra cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương có điểm yếu là không bao hàm cụm từ "châu Á", vì vậy khó chinh phục được cảm tình của dân chúng tại nhiều nước ASEAN.

Nhà nghiên cứu Pháp Victor Germain (7) trong một bài nhận định trên Asialyst mới đây ghi nhận tình trạng bất lợi hiện nay cho tiến trình xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, khi nhiều quốc gia châu Á hoài nghi về đóng góp thực chất của Mỹ, trong bối cảnh tổng thống Donald Trump vừa quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi dự án Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi 2017, để ngỏ không gian cho Trung Quốc tung hoành .

Tuy nhiên, chuyên gia Pháp Victor Germain cũng dự đoán trong bối cảnh nhiều nước ASEAN còn phân vân, các thảo luận trong nội bộ ASEAN sẽ kéo dài, thì tiếp cận của Ấn Độ sẽ có vai trò rất quan trọng. Lập trường của New Delhi - ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, phối kết chặt chẽ với Úc và Việt Nam, nhưng không chấp nhận loại trừ Trung Quốc - ắt hẳn sẽ xóa tan được hoài nghi của nhiều thành viên ASEAN về một khu vực rộng lớn trên biển nối liền hai đại dương, cần được bảo vệ (8).

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 13/11/2018

Ghi chú :

(1) "Mỹ, Nhật và Ấn Độ bắt đầu phác họa trật tự mới trên biển châu Á ?", 16/6/2016.

(2) Cơ chế đối thoại về an ninh của Bộ Tứ không chính thức được thiết lập năm 2007-2008, sau một thập niên chìm đi, đã được tái lập  hồi tháng 11/2017, bên lề Thượng đỉnh Đông Á ở Philippines. Mời xem thêm : "Nhật dùng viện trợ thúc đẩy một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", 23/2/2018 ; "Ngoại trưởng Mỹ đi châu Á để quảng bá chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương" , 31/7/2018, "Ấn Độ cụ thể hóa chiến lược Đông Nam Á thách thức Trung Quốc", 6/6/2018.

(3) "ASEAN sinh nhật 50 tuổi : Bài học cũ để vượt qua thách thức mới", RFI, 10/08/2017.

(4) "Indonesia và Ấn Độ sẽ xây quân cảng ở Ấn Độ Dương", 30/5/2018.

(5) "Time for Asean to drive the Indo-Pacific process : Jakarta Post writers", Strait Times, ngày 7/11/2018.

(6) "Can Indonesia rescue the idea of the ‘Indo-Pacific’, and should it ? ", trang mạng Aspistrategist, ngày 2/11/2018.

(7) "L’ASEAN est-elle soluble dans l'Indo-Pacifique ?", Asialyst, ngày 7/11/2018.

(8) "Biển Đông : Ấn Độ - ASEAN yêu cầu giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế", 26/1/2018.

Published in Diễn đàn

Ngày 20/10/2018, tổng thống Mỹ đe dọa rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF-Intermediate-Range Nuclear Forces), với lý do Nga vi phạm Hiệp ước. Tuyên bố bị Moskva và một bộ phận công luận quốc tế lên án là sẽ thúc đẩy chạy đua vũ trang. Trên thực tế, nhiều nhà quan sát cho rằng nhấn mạnh đến bất đồng với nước Nga trong vấn đề INF, về cơ bản, chỉ là một cái cớ hay một "chiến thuật thương lượng", để chính quyền Mỹ thúc ép Trung Quốc tham gia một hiệp ước hỏa tiễn tầm trung mới, nhằm tái lập "thế cân bằng chiến lược" tại Châu Á.

inf1

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton trả lời báo giới tại Moskva, 23/10/2018. Reuters/Maxim Shemetov

Thế cân bằng chiến lược tại Châu Á đang bị đe dọa, với việc Bắc Kinh tăng tốc đầu tư cho lực lượng tên lửa tầm trung, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong bối cảnh Trung Quốc không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận quốc tế nào trong lĩnh vực này. Đây là lý do chủ yếu của các nỗ lực ngoại giao của chính quyền Mỹ trong thời gian gần đây nhằm đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán về một hiệp ước tên lửa tầm trung mới. Sau đây là phần tổng hợp nhận định của một số chuyên gia về an ninh quốc tế.

1. Nhiều người cho rằng tuy Mỹ-Nga căng thẳng trong vấn đề Hiệp ước INF, nhưng khó xảy ra một cuộc chạy đua triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung tại Châu Âu, và vấn đề này không phải là nguyên nhân chính dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nói chung giữa Mỹ và Nga. Lý do vì sao ?

Hiệp ước về hỏa tiễn tầm trung INF, được ký kết ngày 08/12/1987 tại Washington giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbatchev, được coi là một thỏa thuận "lịch sử". Đây là một hiệp ước đầu tiên loại trừ hoàn toàn một loại vũ khí : các tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km (intermediate range ballistic missile - IRBM), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (1). Thể theo Hiệp ước nói trên, Hoa Kỳ và Liên Xô đã phá hủy tổng cộng hơn 2.600 tên lửa loại này, mà đa số được bố trí tại Tây Âu, nhắm vào Liên Xô, hoặc tại Liên Xô và nhắm vào các mục tiêu tại Tây Âu. Hiệp ước INF, có giá trị vô thời hạn, có ý nghĩa to lớn trong việc giảm căng thẳng trong quan hệ giữa phương Tây và Liên Xô, góp phần chấm dứt giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Đe dọa rút khỏi INF của tổng thống Mỹ mới đây thực ra thể hiện cho mối hoài nghi của Hoa Kỳ về việc Nga vi phạm hiệp định, với việc triển khai một số loại tên lửa bị cấm (hỏa tiễn 9M729 hay còn gọi là SSC-8), được phía Mỹ nhiều lên nêu lên từ năm 2008. Ngược lại, Moskva cũng thường tố cáo Hoa Kỳ triển khai lá chắn tên lửa tại một số quốc gia thành viên NATO ở Châu Âu, hành động mà Nga coi là làm vô hiệu hóa hiệp định. Tình hình đặc biệt trở nên căng thẳng hơn từ năm 2014, với việc Nga can thiệp vào miền đông Ukraine, sát nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, một cuộc chạy đua tên lửa hạt nhân tầm trung giữa Nga và phương Tây, nhất là tại Châu Âu, rất khó xảy ra trong thời điểm hiện nay vì nhiều lý do.

Trước hết, nhìn chung các quốc gia Châu Âu thành viên NATO, cho dù lo ngại trước đe dọa từ Nga, nhưng không chấp nhận việc triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung mới trên lãnh thổ nước mình (tuyên bố của tổng thư ký NATO ngày 24/10/2018), đồng thời vận động Hoa Kỳ từ bỏ ý định rút khỏi INF.

Về phần mình, chính quyền Mỹ cũng nỗ lực thương lượng với Nga để làm sáng tỏ các nghi ngờ, gây dựng lại lòng tin. Ngay sau tuyên bố của tổng thống Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã có chuyến công du Moskva ngày 23/10/2018, để trực tiếp thảo luận với tổng thống Nga Vladimir Putin và các cộng sự, về chủ đề này, và cũng để chuẩn bị cho cuộc hội kiến giữa hai nguyên thủ Mỹ, Nga ngày 11/11 tới tại Paris, bên lề lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất, với chủ đề chính là Hiệp ước INF và nguy cơ chạy đua vũ trang.

Về ý nghĩa "răn đe" trong thế cân bằng chiến lược Nga-Mỹ, có thể thấy các tên lửa tầm trung chỉ đóng một vai trò tương đối nhỏ. Vào thời điểm ký kết, loại hỏa tiễn này (IRMB) chỉ chiếm từ 3 đến 4% toàn bộ hệ thống tên lửa hạt nhân của hai nước. Và với phần vũ khí còn lại (đã giải trừ sau các Hiệp ước START I, START II, SORT và New START, hay START III), bao gồm hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân mỗi bên, được gắn với các hỏa tiễn liên lục địa trên bộ, trên phi cơ chiến đấu hoặc trên tầu ngầm, Hoa Kỳ và Nga hoàn toàn đủ khả năng hủy diệt nhiều lần sự sống trên Trái đất. Vũ khí hạt nhân chiến lược đối với đôi bên chỉ hoàn toàn mang ý nghĩa răn đe, chứ không thể đem ra sử dụng.

2. Vậy phải chăng Trung Quốc là đích ngắm chính của tổng thống Mỹ, khi tuyên bố muốn rút khỏi Hiệp ước INF ?

Đúng vậy. Trong phát biểu ngày 20/10 về ý định rút khỏi INF, tổng thống Mỹ Donald Trump trực tiếp nhắc lại đòi hỏi, để một hiệp ước tên lửa tầm trung có giá trị, trong hoàn cảnh hiện nay (ngoài việc Nga cần tuân thủ nghiêm túc), nhất định phải có sự tham gia của Trung Quốc và một số quốc gia khác. Trong chuyến công du Moskva, cố vấn an ninh John Bolton cũng nhấn mạnh là việc Trung Quốc ồ ạt triển khai tên lửa tầm trung, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong thời gian gần đây, là một đe dọa "thực sự" (2).

Theo nguyên tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) Harry Harris (báo cáo trước Ủy ban Quân Lực Hạ Viện tháng 2/2018), nếu Bắc Kinh tham gia hiệp ước INF, thì 95% số hỏa tiễn của Trung Quốc được triển khai hiện nay là vi phạm INF. Hay nói cách khác, lợi dụng khoảng đất trống, do không bị ràng buộc vào các thỏa thuận song phương như Mỹ và Nga, Bắc Kinh đang làm lệch thế cân bằng một cách đáng quan ngại, hơn rất nhiều so với Moskva, với việc phát triển ồ ạt các hỏa tiễn tầm trung, có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, bị cấm theo INF, đe dọa các căn cứ quân sự Mỹ cũng như nhiều quốc gia đồng minh ở Châu Á.

3. Phải chăng Hoa Kỳ muốn tìm một tiếng nói chung với Nga trong việc đòi hỏi Trung Quốc phải tham gia vào một hiệp ước INF mới ?

Chuyến đi của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đúng là có mục tiêu như vậy. Le Figaro, hôm 24/10, cho hay, theo một nguồn tin ngoại giao Nga, được hãng tin Nga Ria Novosti trích dẫn, ông John Bolton đã không thành công khi gợi ý Moskva gây áp lực để buộc Bắc Kinh tham gia. Theo phía Nga, những vấn đề nào liên quan đến "đối tác Trung Quốc" thì Washington nên bàn trực tiếp với Bắc Kinh.

Trên thực tế, chính nước Nga cũng từng nhận thấy hiệp ước về tên lửa tầm trung song phương Nga - Mỹ, đã không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, bởi có thêm một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đang đầu tư rất mạnh cho loại vũ khí này. Ngay từ năm 2007, tại phiên họp thứ 62 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và Nga đã ra một thông cáo chung, kêu gọi tất cả các quốc gia quan tâm thảo luận về một hiệp ước hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn mang tính toàn cầu (3). Báo chí phương Tây cũng đăng tải rộng rãi một phát biểu của lãnh đạo Nga Vladimir Putin, hồi 2013, than phiền về một số láng giềng (hàm ý cả Trung Quốc) đang phát triển các hỏa tiễn bị cấm theo INF.

4. Tại sao Trung Quốc cần tham gia vào một hiệp ước cấm hỏa tiễn tầm trung ?

Báo South China Morning Post đăng tải một bài phân tích đáng chú ý của học giả Drew Thompson, với tựa đề "Hãy quên đi cuộc chiến thương mại, điều mà khu vực cần là một thỏa thuận quân sự Mỹ-Trung" (4). Theo chuyên gia Đại học Quốc Gia Singapore, tình hình tại Châu Á, khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, hiện tại rất nguy hiểm.

Nỗi lo ngại lớn tập trung vào Trung Quốc, một quốc gia rất ít bị ràng buộc bởi các thỏa thuận an ninh quốc tế. Từ 20 năm nay, Bắc Kinh phát triển mạnh các hệ thống vũ khí tấn công, đe dọa nhiều nước láng giềng, đặc biệt là các hỏa tiễn IRMB. Nhiều nước, trong đó có Nhật Bản hay Đài Loan, cũng đang phát triển mạnh hệ thống hỏa tiễn, để đáp trả. Cuộc chạy đua vũ trang hiện nay tại Châu Á, do Trung Quốc gia tăng hiện đại hóa quân đội, quân sự hóa Biển Đông (5), hứa hẹn các hệ quả tồi tệ.

Trong lĩnh vực an ninh Mỹ-Trung, nóng bỏng nhất hiện nay có lẽ là vấn đề tên lửa hạt nhân tầm trung. Theo ông Drew Thompson, Washington và Bắc Kinh từng thiết lập một cuộc đối thoại về hạt nhân vào năm 2008, nhưng đối thoại chỉ diễn ra có một lần. Hoa Kỳ cũng từng đề nghị Trung Quốc hợp tác để xây dựng các thỏa thuận trong lĩnh vực này, như đã và sẽ tiếp tục làm với Nga, nhưng Bắc Kinh từ chối. Các trao đổi song phương trong lĩnh vực quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tồn tại, nhưng kém hơn nhiều so với quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Vẫn theo học giả Drew Thompson, Bắc Kinh nên tiếp thu bài học của nước Nga hay Liên Xô trước đây, trong quan hệ với Hoa Kỳ. Đó là để giúp cho tình hình được ổn định, hòa bình được duy trì, các bên phải nỗ lực xây dựng lòng tin. Một quốc gia đang mạnh lên về kinh tế, hùng hậu hơn về quân sự, để không gây lo sợ cho bên ngoài, cần thiết lập với đối tác các thỏa thuận về an ninh. Chuyên gia Drew Thompson lưu ý, để một thỏa thuận như vậy ra đời, cần nhiều năm nỗ lực đầu tư. Hiệp ước INF Mỹ-Nga về IMRB, ký kết năm 1987, đã được khởi sự đàm phán từ 1980.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 01/11/2018

Ghi chú :

1. Trước đó, Hoa Kỳ và Liên Xô từng có hai hiệp ước, SALT 1 và SALT 2, có mục tiêu giảm vũ khí hạt nhân chiến lược.

2. "Putin, Bolton Discuss Possible U.S.-Russia Summit in Novembre In Paris", ngày 23/10/2018, Radio Free Europe.

3. Bài "U.S. Withdrawal from the INF Treaty : The Facts and the Law" của hai chuyên gia về an ninh quốc tế Hilary Hurd và Elena Chachko, đăng tải trên trang mạng Lawfare, ngày 25/10/2018.

4. "Forget the trade war, what the region needs is a US-China military treaty" của ông Drew Thompson, chuyên gia Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc Gia Singapore, đăng tải trên mạng South China Morning Post, ngày 24/10/2018.

5. Xem thêm : Tranh chấp Mỹ-Trung lan sang lãnh vực an ninh Biển Đông và Hoa Đông, 1/10/2018.

Published in Diễn đàn

Ngày 18 và 19/10/2018, tại Bruxelles sẽ diễn ra Diễn đàn Hợp tác Châu Á – Châu Âu (ASEM-Asia-Europe Meeting) lần thứ 12, với sự tham gia của nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ từ hơn 50 quốc gia Châu Âu và Châu Á.

asem1

Logo ASEM 2018 - Ảnh minh họa

Diễn đàn ASEM ra đời cách nay 22 năm (1), có mục tiêu thúc đẩy các đối thoại về mọi phương diện giữa hai lục địa Á – Âu. Tại Diễn đàn ASEM lần này, có gì đáng chú ý ?

Nếu như tại thượng đỉnh ASEM lần thứ 11 ở Mông Cổ, vấn đề khủng bố và căng thẳng tại Biển Đông, trong bối cảnh Tòa Trọng Tài Thường Trực vừa ra phán quyết bác bỏ tham vọng chủ quyền của Trung Quốc tại phần lớn vùng biển này, thì khung cảnh nổi bật của thượng đỉnh ASEM lần thứ 12 này là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khởi sự từ vài tháng nay, với quyết định tăng thuế nhập khẩu song phương, với tổng số hàng trăm tỉ đô la hàng hóa.

Hàng loạt vấn đề quan trọng với Châu Âu và Châu Á, cũng có nghĩa là với thế giới (bởi các đối tác ASEM chiếm 60% dân số , 65% GDP và 55% thương mại toàn cầu), sẽ được thảo luận tại Diễn đàn này. Từ các hồ sơ an ninh lớn như hạt nhân Bắc Triều Tiên, việc Mỹ hành xử đơn phương trong việc trừng phạt Iran, đến các triển vọng hợp tác kinh tế Á-Âu, sẽ được bàn thảo. Tuy nhiên, tăng cường hợp tác và nối kết Âu-Á trong bối cảnh xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng, đặc biệt do lập trường của chính quyền Mỹ, cũng như xu thế lấn lướt của Trung Quốc, một quốc gia được điều hành không minh bạch, có lẽ là thách thức hàng đầu của thượng đỉnh ASEM lần này.

Chi nhánh Châu Âu của Viện tư vấn về chính trị quốc tế Carnegie Endowment for International Peace (CEIP) nêu ra một số vấn đề đáng chú ý, qua nhận định của một số chuyên gia.

Diễn đàn ASEM diễn ra trong bối cảnh nào ? Khả năng đạt đồng thuận ra sao ?

Trước hết bà Lizza Bomassi, phó giám đốc chi nhánh Châu Âu của Carnegie, nhấn mạnh đến các khó khăn trong nội bộ Châu Âu khiến Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các nước thành viên, có thể bị phân tâm trong dịp đối thoại quan trọng này, đặc biệt là cuộc thương lượng cam go với Luân Đôn cho Brexit, thái độ khó lường của chính phủ dân túy tại Ý, hay quan hệ khó khăn với Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa kể quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Về phần mình, Châu Á cũng có những mối bận tâm riêng. Cụ thể như Hàn Quốc đang xoay xở để bình ổn quan hệ với người anh em khó chơi phía bắc. Nhật Bản tìm cách hoàn tất thỏa thuận tự do mậu dịch với Liên Âu. Ấn Độ thì chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử mùa xuân năm tới. Chưa kể đến Trung Quốc đang đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại gia tăng.

Trong một bối cảnh đầy trở ngại như vậy sẽ khó có thể có được một đồng thuận vững chắc trong khuôn khổ Diễn đàn này. Cũng có thể các bên sẽ bày tỏ sự nhất trí nào đó trong vấn đề Bắc Triều Tiên và Iran, nhưng điều này chỉ để cho thấy là phương pháp hành xử ngoại giao theo kiểu truyền thống vẫn còn đất sống. Vấn đề hệ trọng nối kết Âu-Á ắt hẳn sẽ là thách thức lớn nhất, do nhiều điểm khác biệt giữa các bên, đặc biệt là giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Lizza Bomassi, điều mà các nước Châu Âu và Châu Á đều có chung quyền lợi, đó là bảo vệ định chế Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Vị chuyên gia này nhấn mạnh : Bất chấp các lập trường hết sức khác biệt, WTO vẫn là định chế duy nhất có sức sống, có khả năng mang lại một cơ chế dựa trên luật pháp, để xử lý các tranh chấp thương mại toàn cầu.

Liên Hiệp Châu Âu hy vọng đạt được gì từ các đối thoại cấp cao này ?

Ông Erik Brattberg, giám đốc chương trình Châu Âu của Carnegie, lưu ý là chiến lược để kết nối mạnh mẽ Châu Âu với Châu Á là ưu tiên hàng đầu của Liên Âu tại Diễn đàn ASEM lần thứ 12. Cụ thể là kết nối về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật số giữa hai lục địa. Ủy Ban Châu Âu vừa công bố một thông cáo làm rõ chiến lược kết nối mới giữa Âu và Á, xác lập một khung khổ cho phép Liên Hiệp Châu Âu thúc đẩy các dự án kết nối khu vực với các quốc gia Châu Á trong nhiều lĩnh vực, như giao thông vận tải, năng lượng đến kinh tế kỹ thuật số (2).

Cho dù một số lãnh đạo Châu Âu phủ nhận, chiến lược này cần phải được coi như một câu trả lời trước dự án đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc, mang tên "Một vành đai, một con đường" (Nhất đới, nhất lộ), mà nhiều lãnh đạo Châu Âu ngày càng lo ngại. Có nhiều lý do khiến Liên Hiệp Châu Âu lo ngại dự án "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh. Cụ thể là việc các tiêu chuẩn về lao động, về môi trường, về nhân quyền không được tôn trọng, đấu thầu không minh bạch, không mở rộng. Và đặc biệt là chính sách bẫy nợ của Trung Quốc.

Quan điểm của Châu Âu khi xây dựng chiến lược kết nối này không phải là chống lại Trung Quốc, mà nhằm khẳng định rõ lập trường của Liên Hiệp Châu Âu, là duy trì với thái độ cân nhắc các cam kết với Trung Quốc, cùng lúc với việc làm sáng tỏ các ưu tiên của Châu Âu và "các lằn ranh đỏ".

Trái ngược hẳn với dự án "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, sáng kiến của Liên Hiệp Châu Âu nhằm tới thiết lập các khuôn khổ mang tính pháp lý, nhằm thực thi các dự án kết nối, mang tính minh bạch và bền vững. Việc Liên Hiệp Châu Âu thuyết phục được các nước Châu Á, là dự án của mình có thể thay thế cho dự án của Trung Quốc, cũng như việc Châu Âu có thể đầu tư đủ nguồn lực cho dự án này là thách thức rất lớn.

Liên Âu có thể làm gì trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng ?

Chuyên gia Yukon Huang, thuộc chương trình Châu Á của Carnegie, cho rằng việc Hoa Kỳ tung ra đòn đánh thuế bổ sung với 250 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mới đây cho thấy chiến tranh thương mại đã trở thành hiện thực. Trong bối cảnh hai đối thủ đều có nhiều tiềm lực, cuộc đối đầu hứa hẹn một viễn cảnh tồi tệ. Liên Hiệp Châu Âu có thể đóng vai trò trung gian tháo gỡ khủng hoảng, tuy nhiên dường như các lãnh đạo Châu Âu đang ở trong tình thế rối bời, nên khó lòng đảm nhiệm được công việc này.

Trên thực tế, Liên Hiệp Châu Âu có thế mạnh để đảm nhận sứ mạng nói trên. Quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là mật thiết, nhưng giữa Liên Âu với Trung Quốc còn sâu sắc hơn. Trong vòng thập niên vừa qua, đầu tư Châu Âu vào Trung Quốc cao gấp khoảng hai lần so với Mỹ. Điều này là do các nước Châu Âu xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc máy móc, cũng như hàng hóa chất lượng cao, đồng thời sử dụng địa bàn Trung Quốc làm cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu ra phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, Châu Âu không dễ thực hiện vai trò trung gian tháo gỡ xung đột, bởi bản thân chính Châu Âu cũng có nhiều vấn đề với Trung Quốc, giống như Hoa Kỳ, cụ thể như việc bị đối xử bất công tại thị trường Trung Quốc, liên quan đến đầu tư hay công nghệ cao chẳng hạn (3). Bên cạnh đó, chính Liên Âu cũng ở trong tình thế khó khăn hiện nay với Mỹ, khi một mặt phải thương thuyết một thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, mặt khác phải nỗ lực để củng cố Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, định chế quốc tế mà tổng thống Mỹ tìm cách phá bỏ (mời xem thêm : Pascal Lamy : ''WTO cần tiếp tục tồn tại, cho dù không có Donald Trump'').

Vấn đề hết sức nan giải của Liên Hiệp Châu Âu hiện nay là, liệu các nhà lãnh đạo Châu Âu, trong bối cảnh áp lực chính trị nội bộ chồng chất, có đủ khả năng cương quyết hành động và hành động một cách thực tế, để cùng với Trung Quốc cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời phải bảo đảm làm sao để cho quan hệ vốn sâu sắc hơn nhiều với nước Mỹ không bị tổn hại.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 18/10/2018

Ghi chú :

1. Hạt nhân đầu tiên của Diễn đàn Á-Âu là Liên Hiệp Châu Âu và Khối ASEAN mở rộng, bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á và ba láng giềng Châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc).

2. Thông cáo nói trên được sử dụng làm tài liệu để thảo luận với các đối tác Châu Á trong hai ngày làm tại ASEM.

3. Mời xem thêm : "Thương mại : Châu Âu –Trung Quốc, liên minh khập khiễng", ngày 17/07/2018.

******************

Mời đọc thêm

"Kết nối bền vững" : chiến lược tổng thể của Châu Âu với Châu Á

(trích thuật một số nét chính trong thông cáo chung của Ủy Ban Châu Âu)

Thông cáo chung của Ủy Ban Châu Âu, cùng ủy viên Liên Âu về đối ngoại và chính sách an ninh Federica Mogherini, "dựa trên kinh nghiệm thành công của Liên Hiệp Châu Âu trên phương diện tăng cường liên hệ giữa các quốc gia thành viên của mình, cũng như tại và với một số khu vực khác". Đối với Liên Hiệp Châu Âu, vấn đề cốt lõi là "một sự kết nối lâu bền, toàn diện và được dựa trên các chuẩn tắc". Chính nguyên tắc cốt lõi này sẽ tham gia định hướng các hành động đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu trong chiến lược kết nối tổng thể với Châu Á.

Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, kiêm phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Federica Mogherini, giải thích rõ hơn về điểm này : "Tính kết nối là con đường của tương lai. Chúng ta càng kết nối, thì sẽ càng lớn hơn khả năng của chúng ta đi đến được các giải pháp chính trị chung, cũng như mang lại sự thịnh vượng cho người dân". "Tiếp cận kết nối của chúng tôi (với Châu Á – người viết) chính là con đường mà Liên Hiệp Châu Âu đã đi : Đó là thiết lập các mạng lưới ngày càng dầy đặc hơn nữa và tăng cường các quan hệ đối tác vì một sự kết nối bền vững hơn nữa, trong tất cả mọi lĩnh vực và dựa trên sự tôn trọng các chuẩn tắc chung. Đó chính là tiếp cận mà Liên Hiệp Châu Âu đã sử dụng để vượt qua các thách thức đặt ra, và nắm bắt lấy những cơ hội mới xuất hiện, vì lợi ích của các công dân tại Châu Âu, cũng như tại Châu Á".

Theo Ủy Ban Châu Âu, việc Liên Hiệp Châu Âu tăng cường hợp tác, kết nối hai khu vực Âu – Á cho phép Liên Âu chia sẻ với Châu Á mô hình nối kết bền vững và dựa trên các chuẩn tắc chung mà Châu Âu đã xây dựng. Đồng thời, Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục cùng với các tổ chức quốc tế, nỗ lực xác định các khuôn khổ pháp lý và các hình thức cụ thể của tính kết nối này, nhằm hướng đến việc thiết lập các thực hành bền vững và công bằng.

Trong số các mạng lưới mà Liên Âu muốn mở rộng để nối kết với Châu Á có "các mạng lưới vận tải xuyên Châu Âu (Trans-European Transport Networks / RTE-T)", hạ tầng cơ sở kỹ thuật số phục vụ phát triển (Digital 4 Developement strategy), cũng như các kinh nghiệm về việc xây dựng các thị trường năng lượng tự do hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ thị trường hướng sang năng lượng sạch.

Một Châu Âu nối kết tốt hơn với Châu Á thông qua các tuyến đường giao thông, các mạng lưới năng lượng, kỹ thuật số, các nối kết về con người (giáo dục, văn hóa, nghiên cứu, du lịch…) sẽ tăng cường sự vững mạnh của các xã hội và các khu vực, tạo điều kiện cho trao đổi, cho sự trưởng thành của một trật tự quốc tế giữa trên các chuẩn tắc chung, và mở ra các triển vọng mới cho một tương lai phát triển bền vững hơn, ít phát thải hơn.

Chiến lược kết nối với Châu Á của Liên Hiệp Châu Âu nhằm hướng đến mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Châu Âu sẽ nỗ lực để tìm được các phối hợp mang tính cộng hưởng với các sáng kiến hiện có, như "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, sáng kiến "vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở» của Mỹ và Nhật Bản, hay kế hoạch tăng cường kết nối hướng đến 2025 của Hiệp hội ASEAN.

Published in Diễn đàn

Trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2018, Mỹ cùng đồng minh liên tục thách thức tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, nhằm bảo vệ quyền "tự do hàng hải", đặc biệt là gia tăng tập trận hay đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý các thực thể địa lý, do Bắc Kinh kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc điều tàu ngăn chặn. Nhiều nhà quan sát nói đến nguy cơ bùng nổ chiến tranh cục bộ. Washington hành xử ra sao trước tham vọng của Bắc Kinh trong thời gian tới ?

great1

Trung Quốc xây dựng cả một đô thị ở quần đảo Trường Sa. Trong ảnh, đá Xu Bi, nơi Trung Quốc đã xây dựng 1 phi đạo cùng nhiều cơ sở quân sự. Ảnh chụp ngày 21/04/2017. Reuters/Erik de Castro

RFI xin giới thiệu các phân tích và dự báo nhà nghiên cứu Sean R. Liedman, làm việc tại Center for a New Americain Security (1). Bài viết mang tựa đề "The Evolution of U.S. Strategy in the South China Sea", được đăng tải trong cuốn Great Power, Grand Strategie : The New Game in the South China Sea (2), ra mắt đầu năm nay.

Trước khi nói đến ba kịch bản Hoa Kỳ có thể tiến hành để đối phó với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhà phân tích Liedman điểm lại các diễn biến của chiến lược Biển Đông của Mỹ đối với Trung Quốc, được đặt trên cái nền quan hệ song phương nói chung từ năm 1949 đến nay. Ông Sean R. Liedman đặc biệt nhấn mạnh đến giai đoạn "vừa cạnh tranh, vừa hợp tác" ("coopetition") của Hoa Kỳ với Trung Quốc, khởi sự từ năm 2001 đến nay.

Tình hình Biển Đông đột ngột căng thẳng kể từ năm 2009, với nhiều hành động gây hấn của Trung Quốc nhắm vào tàu cá nước ngoài, các hoạt động thăm dò của các nước láng giềng như Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế kinh tế, hay việc kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarbourough, nằm hoàn toàn trong phạm vi 200 hải lý của Philippines.

Trung Quốc tận dụng khoảng trống quyền lực quốc tế

Các hành động gây hấn của Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh các quốc gia ven Biển Đông đệ nạp hồ sơ lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf United Nations - CLCS) năm 2009, và nhất là vụ kiện lịch sử của Philippines lên Tòa Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại La Haye, khởi sự từ đầu năm 2013. Năm 2014, lợi dụng sự vắng mặt của binh sĩ Philippines, Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Second Thomas Shoal.

Tuy nhiên, hành động ghê gớm nhất của Trung Quốc chính là việc bồi đắp và xây cất các công trình có thể dùng cho hoạt động quân sự tại 7 thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa, trong đó ba thực thể, Đá Xu Bi (Subi Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef), có quy mô lớn nhất, có thể là nơi đồn trú hàng nghìn binh sĩ, với cảng biển, đường bay cho máy bay quân sự lớn, cùng nhiều công trình quân sự kiên cố khác, nơi Bắc Kinh có thể bố trí các tổ hợp tên lửa chống hạm và đất đối không.

Điều đáng lưu ý là các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo diễn ra dồn dập trong khoảng thời gian hai năm 2014-2015, vào đúng thời điểm mà Tòa Trọng Tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc chuẩn bị ra phán quyết về vụ Manila kiện Bắc Kinh.

Theo nhiều chuyên gia, hoạt động xây đắp đắp, với tổng diện tích hàng nghìn acre, với tốc độ nhanh chóng như vậy, là chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Việc xây dựng nói trên đã phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái ở nhiều nơi, đến mức không thể hồi phục.

Chính sách Obama : dễ khiến Trung Quốc lấn lướt

Nhà nghiên cứu Sean R. Liedman tóm lược lại phản ứng của chính quyền tiền nhiệm Obama trước các hoạt động bành trướng quy mô lớn của Trung Quốc tại Biển Đông. Cho đến đợt xây cất ồ ạt các đảo nhân tạo, về Biển Đông Washington duy trì một chính sách nhất quán từ 20 năm qua. Đó là kiên quyết chống lại việc sử dụng sức mạnh, hay đe dọa dùng sức mạnh để giải quyết các tranh chấp, yêu cầu các bên liên quan kiềm chế tránh làm tình hình căng thẳng hơn, để bảo đảm an ninh và ổn đinh, bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển huyết mạch của thế giới. Cũng như khuyến khích Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể địa lý trên Biển Đông.

Tuy nhiên, trước các hành động gây hấn quy mô lớn của Trung Quốc trong những năm 2014-2015, chính quyền Obama đã buộc phải thay đổi định hướng. Theo chuyên gia Mỹ, phải ghi nhận là chính sách của tổng thống Obama trong thời gian này, đã có một tác dụng nhất định, cụ thể là đã gây được thiện cảm của nhiều nước ven Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam. Quan hệ hợp tác với Việt Nam hay Malaysia đã được siết chặt kể từ những năm 2013, 2014.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách về Biển Đông của người tiền nhiệm Obama được tác giả đánh giá là đã không đủ mạnh, để buộc Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc (theo hình 9 vạch, hay còn lại là đường Lưỡi bò), bác bỏ các hành động xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines tại khu vực đặc quyền kinh tế…. Một số trong bốn cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, thời Obama đã không đủ rõ ràng về mục tiêu, nên đã không có tác dụng răn đe với Trung Quốc.

Ngược lại chính sách này cho thấy Bắc Kinh không phải trả giá gì nhiều cho các hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế về biển, vì vậy chẳng khác nào kích thích Trung Quốc được đằng chân lân đằng đầu.

"Nhân nhượng" : Kịch bản thứ nhất

Trong thời gian tới, Hoa Kỳ cần chọn chiến lược nào ? Nhà nghiên cứu Sean R. Liedman chỉ ra ba kịch bản, cùng các điểm mạnh, điểm yếu, cũng như các biện pháp cụ thể để thực thi. Kịch bản thứ nhất mang tên là "Nhân nhượng", có nghĩa là sự nối tiếp chính sách thời tổng thống Obama, mà trong đó, Biển Đông không thực sự là vấn đề trung tâm trong quan hệ Mỹ-Trung.

Theo những người ủng hộ kịch bản này, thì Hoa Kỳ rất cần đến Trung Quốc hợp tác trong các hồ sơ quan trọng khác, như hạt nhân Iran, phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, chính sách tiền tệ quốc tế, hay quan hệ với Đài Loan… Mặt khác, Washington cũng phải dè chừng Biển Đông nóng lên có thể kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc. Về mặt quân sự, những người ủng hộ phương án này cho rằng các đảo nhân tạo của Trung Quốc không đáng sợ. Nếu xung đột bùng nổ, quân đội Mỹ có thể dễ dàng vô hiệu hóa các đảo này nhanh chóng.

Chiến lược của Hoa Kỳ trong trường hợp này sẽ là cảnh báo để ngăn chặn các hoạt động quân sự hóa tiếp theo, khuyến khích các thương thuyết song phương để giải quyết bất đồng, hay hỗ trợ các cơ chế đa phương, bao hàm cả Trung Quốc, và nhấn mạnh đến các hợp tác với Trung Quốc trong nhiều hồ sơ lớn khác. Điểm nổi bật của kịch bản này là "tránh mọi nguy cơ đối đầu trực tiếp".

Điểm yếu lớn nhất của tiếp cận này, theo tác giả, là sẽ làm cho luật pháp quốc tế ngày càng trở nên mất thiêng. Trong mọi đàm phán song phương với các láng giềng, bao giờ Trung Quốc cũng đứng ở thế mạnh. Kịch bản này chắc chắn sẽ đi liền với viễn cảnh Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh bành trướng mỗi khi có cơ hội.

"Nguyên trạng" : Kịch bản thứ hai

Kịch bản thứ hai được tác giả gọi là "Nguyên trạng". Điểm cơ bản là công nhân chủ quyền của tất cả các quốc gia ven bờ, dựa trên kiểm soát thực tế hiện nay. Kịch bản này nhiều người coi là "các bên cùng thắng", việc đi lại trên Biển Đông được thực thi theo luật pháp quốc tế.

Các biện pháp thực thi kịch bản bao gồm, việc tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ tự do đi lại, trên biển và trên không. Cổ vũ sự tham gia của các quốc gia ngoài khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… vào các hoạt động nói trên. Mọi hành động gây hấn mới của Trung Quốc sẽ bị ngăn chặn bằng vũ lực.

Bên cạnh các ưu điểm kể trên, theo tác giả, kịch bản này có điểm bất lợi là rất có khả năng sẽ đi liền với việc kích thích hoạt động bồi đắp xây dựng tại tất cả các thực thể địa lý ở Biển Đông, trước ngày thỏa thuận chính thức có hiệu lực. Bên cạnh đó, việc thương thuyết để đạt được các thỏa thuận là không dễ dàng, và trong thời gian đó, Trung Quốc có thể khai thác để giành nhiều lợi thế về chính trị.

"Khôi phục như trước" : Kịch bản thượng tôn pháp luật

Còn lại một kịch bản thứ ba "Khôi phục như trước" được tác giả coi là, tuy khó thực hiện, nhưng phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế. Đó là buộc Trung Quốc phải khôi phục lại tình trạng trước khi có các hành động lấn chiếm bất hợp pháp của Bắc Kinh. Năm 2017, ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm đó, ông Rex Tillerson, tuyên bố : Thứ nhất, chấm dứt xây dựng đảo, thứ hai, Trung Quốc sẽ không được phép tiếp cận các thực thể này. Kịch bản này, vào thời điểm đó, đã bị truyền thông Nhà nước Trung Quốc phản đối dữ dội, với đe dọa, sẽ có chiến tranh.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Mỹ, Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng thực thi giải pháp triệt để này, mà không buộc phải dùng các biện pháp quân sự. Một trong các biện pháp được nêu ra để thực thi kịch bản này, là trừng phạt có trọng điểm nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến các thực thể địa lý mà Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp. Ví dụ như công ty hàng không đảo Hải Nam, các công ty truyền thông như China Mobile, China Telecom, China United Telecom, nơi cung cấp dịch vụ viễn thông, giao thông cho các đảo. Hay các công ty đã tham gia bồi đắp, xây dựng đảo.

Sức mạnh của pháp lý và đoàn kết quốc tế

Hàng loạt biện pháp pháp lý khác có thể dùng để gây áp lực với Trung Quốc, trong đó có tạo sự đồng thuận về ngoại giao quốc tế, buộc Trung Quốc phải thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông… Để thực thi kịch bản này, Hoa Kỳ chắc chắn phải chấp nhận quan hệ với Bắc Kinh sẽ có nhiều rạn nứt, chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc có thể bị kích động, khiến khủng hoảng Biển Đông lan rộng… Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác cần theo sát, để kịp thời đối phó.

Bài nghiên cứu của chuyên gia Sean R. Liedman được công bố đầu năm nay. Thực tế cho thấy một số biện pháp như ông đã nêu ra trong kịch bản thứ ba, như tước quyền tham gia của Trung Quốc vào các hoạt động quốc tế lớn, ví dụ cuộc tập trận đa quốc gia Rimpac mùa hè 2018, đã được chính quyền Donald Trump thực thi. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa rõ chính quyền Mỹ có kiên quyết chọn kịch bản thứ ba, để pháp luật quốc tế được thượng tôn tại Biển Đông hay không ? Và các đồng minh, đối tác khu vực và quốc tế có thái độ như thế nào ?

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 08/10/2018

Ghi chú

1. Ông Sean R. Liedman từng phục vụ 25 năm trong Hải Quân Mỹ, và là người sáng lập, đương kim chủ tịch cơ sở tư vấn hàng hải Eagle Strategy, Inc. Ông cũng từng là trợ lý phó tư lệnh Bộ Chỉ Huy Trung Tâm Mỹ, phụ trách vùng Trung Đông (CENTCOM).

2. Nhà xuất bản Viện Hải Quân Mỹ (Naval Institute Press), năm 2018.

Published in Diễn đàn

Mekong : Ủy hội MRC dần thừa nhận hậu quả đáng sợ của thủy điện ? (RFI, 30/03/2018)

Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS-Greater Mekong Subregion) lần thứ 6 tại Hà Nội vừa khai mạc ngày 29/03/2018, sẽ diễn ra đến ngày 31/3. Chính phủ Việt Nam coi đây là một sự kiện ngoại giao "quan trọng hàng đầu", cho phép mở rộng hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng.

Mekong, "dòng sông mẹ" của dân cư Đông Nam Á lục địa, được hy vọng trở thành cầu nối cho hợp tác và phát triển bền vững của khu vực. Tuy nhiên, kế hoạch xây hơn 100 đập thủy điện trên dòng sông trong đó có 11 đập trên dòng chính, cộng với các đập khổng lồ đã có tại Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa… đe dọa tương lai của hạ lưu.

mekong1

Đập thủy điện trên thượng nguồn khiến phù sa ít về đến đồng bằng Cửu Long, là một nguyên nhân gây sụt lở, nước mặn thâm nhập. Bản đồ các vùng nhiễm mặn tại đồng bằng Cửu Long - Mekong - DR

Một số nghiên cứu mới đây tái khẳng định viễn cảnh đen tối này. Phát triển thủy điện trên Mekong có thể mang lại chút ít lợi nhuận, nhưng tổn hại là khôn lường. Tiếng nói của các nhà khoa học, giới bảo vệ môi trường, sau một thời gian bị gạt sang lề, dường như đang dần được giới cầm quyền lắng nghe.

Đánh giá quá cao lợi nhuận do thủy điện

RFI xin giới thiệu trước hết các nhận định của nhà báo Tom Fawthrop, người gắn bó từ 30 năm nay với vùng Đông Nam Á. Trong bài viết, được đăng tải trên trang mạng của viện tư vấn Lowy, nhà báo Anh nhấn mạnh đến nghiên cứu "tiên phong" của một ê-kíp quốc tế, đặt cơ sở tại Trung tâm nghiên cứu về quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường (NREM-Natural Resource Ecology and Management), ở Đại học Mae Fah Luang, Chiang Rai, Thái Lan.

Hồi 2011, Ủy hội sông Mekong (MRC-Mekong River Commission) - cơ quan tư vấn liên chính phủ của bốn nước hạ nguồn Mekong, gồm Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan – đã đưa ra con số lợi nhuận hơn 30 tỉ đô la, thu được từ các đập thủy điện, với 11 con đập được xây dựng. Theo nghiên cứu của nhóm Đại học ở Chiang Rai, Thái Lan, thiệt hại tổng hợp do mất nguồn cá, phù sa, và các tác động xã hội khác, là "cao hơn nhiều so với lợi nhuận từ thủy điện".

mekong2

Các dự án đập trên dòng Mekong (màu đen là đã xây xong) - Ảnh International Rivers

Trong khi đó nghiên cứu về "Đánh giá hệ quả kinh tế của các dự án đập thủy điện tại vùng hạ lưu sông Mekong", được ê-kíp NREM (thuộc Đại học Mae Fah Luang, Chiang Rai, Thái Lan) tiến hành hồi năm ngoái, cập nhập đầu năm nay, cho thấy thiệt hại tổng thể về kinh tế cho 50 năm tới, nếu toàn bộ 11 dự án đập hoàn tất và đi vào hoạt động, là hơn 7 tỉ đô la (tức âm 7 tỉ đô la so với dự kiến lãi hơn 30 tỉ). Nhà kinh tế Anh David Wood, một trong các thành viên của nhóm nghiên cứu, phê phán các nghiên cứu tiền khả thi của Ủy hội sông Mekong (MRC-Mekong River Commission), là đã dựa trên "nhiều giả thuyết sai lầm" và đã "đánh giá thấp (các hậu quả), trong khi lại đánh giá quá cao thu nhập từ bán điện do các đập sản xuất ra" (1).

Tuy nhiên, từ đó, Ủy hội sông Mekong đã có một số thay đổi trong đánh giá tác động. Năm 2016, Ủy hội sông Mekong đã công bố một nghiên cứu khác, điều chỉnh lại các tính toán, theo đó lượng cá sông tự nhiên đánh bắt tại bốn nước Mekong trị giá 11 tỉ đô la. Cam Bốt có nguy cơ là nước bị thiệt hại nặng nhất về mặt này, bởi cá là 80% nguồn protein hàng năm của người dân xứ Chùa tháp, trị giá tới 12% GDP nước này.

Theo nhà báo Tom Fawthrop, Ủy hội sông Mekong đã tiếp tục có một số tiếp thu trong báo cáo đánh giá tác động mới, được công bố hồi tháng 2/2018. Báo cáo rất được trông đợi này cho thấy dường như Ủy hội sông Mekong đang dần dần hướng đến thừa nhận "các hệ quả thảm khốc" của các đập thủy điện, và dường như đang trên đường đi đến chỗ khẳng định các đánh giá lạc quan trước đây là sai lầm. Điều phối viên nghiên cứu của MRC, ông Suthy Heng, cho nhà báo Anh biết đã bổ sung thêm hai kết quả nghiên cứu mới vào điều tra của Ủy Hội, do nhiều ưu điểm "về phương pháp luận" cũng như "về dữ liệu".

Cần tính đủ các "dịch vụ sinh thái"

Nhà báo Tom Fawthrop nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phương pháp luận "dịch vụ sinh thái" có thể dẫn đến những thay đổi có tính quyết định trong việc đánh giá tác động của các đập thủy điện đến hạ lưu.

Trước đây trong các tranh luận về hệ quả của đập thủy điện, trong giới chuyên gia, người ta rất ít thừa nhận rằng, ngoài nguồn lợi về cá, dòng sông có thể mang lại "nhiều dịch vụ sinh thái" khác, như về chất lượng y tế, về phương tiện vận tải, du lịch, về môi trường thiên nhiên… Nghiên cứu về "các dịch vụ sinh thái" là một nhánh còn tương đối mới của khoa kinh tế học.

Nhà báo Tom Fawthrop nhấn mạnh là việc áp dụng tiếp cận "dịch vụ sinh thái", tính đến các lợi ích sâu xa và nhiều mặt của dòng Mekong, cho phép mở ra một hướng đi mới, thách thức lập trường kinh tế và chính sách "chủ lưu", có khuynh hướng "chật hẹp" hiện nay.

Theo một chuyên gia về đập thủy điện trên dòng Mekong, ông Apisom Intralawan, thì cho dù các nghiên cứu theo quan điểm "dịch vụ sinh thái" có thể còn thiếu dữ liệu chính xác, thế nhưng có một thái độ "thận trọng" trong đánh giá chắc chắn "vẫn tốt hơn nhiều" so với thái độ coi giá trị dịch vụ của dòng sông chỉ là số không. Mà trong khi chưa tính hết được các thiệt hại (2), thì quan điểm nên dừng lại để chờ đợi vẫn là khôn ngoan, sáng suốt hơn cả. Không đợi đến lúc mất bò mới lo làm chuồng.

Bên cạnh tiếp cận dịch vụ sinh thái, một nhân tố mới cũng đang khiến vấn đề thủy điện và môi trường Mekong có thể có những diễn biến đột phá trong thời gian tới. Đó là xu hướng các nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên phổ cập, bởi giá rẻ, dễ vận hành, có thể không xa sẽ là nguồn thay thế cho thủy điện. Đình hoãn các đập thủy điện là chính sách "ít mạo hiểm nhất" và "con đường duy nhất" để bảo vệ nghề cá và đời sống cư dân hạ lưu, nhà báo Tom Fawthrop kết luận.

Điện mặt trời hạ giá đẩy thủy điện vào thua lỗ

Về ý tưởng này, trả lời RFI, nhà nghiên cứu độc lập về môi trường Nguyễn Hữu Thiện (Cần Thơ) giải thích thêm, ông đồng thời đặc biệt nhấn mạnh đến góc độ thiệt hại về phù sa do thủy điện đe dọa sự sống còn của đồng bằng Cửu Long, đến ổn định xã hội tại khu vực đầu tầu kinh tế của Việt Nam :

"Gần đây vào tháng 2/2018 chúng ta đều biết là Thái Lan đã tạm hoãn hợp đồng mua điện từ đập Pak Beng để rà soát lại Quy hoạch điện của Thái Lan. Kết quả chưa biết thế nào, nhưng nếu Thái Lan mà không mua điện từ các đập của Lào, thì các đập này khó mà xây dựng được thêm nữa, vì không có thị trường bán điện.

Trong tình hình năng lượng mặt trời đang trở thành xu hướng trên thế giới hiện nay, thì giá thành giảm rất nhanh và công nghệ để lưu trữ năng lượng mặt trời và hòa vào mạng lưới đã có, tôi cho rằng chỉ trong vòng 5-10 năm nữa thì thủy điện sẽ không thể cạnh tranh được. Do đó, nếu các đập thủy điện vẫn được xây dựng, thì các nhà đầu tư sẽ thua lỗ và bỏ chạy, nhưng khi đó thì dòng sông Mekong và đời sống hàng chục triệu người đã bị hủy hoại rồi, sẽ rất đáng tiếc.

Đẩy mạnh điện mặt trời, điện gió để cứu đồng bằng Cửu Long

Các chính phủ trong vùng Mekong vì vậy nên nghiêm túc xem xét việc đầu tư vào phát triển năng lượng mặt trời và điện gió trong vùng này để thay thế cho thủy điện.

mekong3

Một trạm điện gió ven biển tỉnh Bạc Liêu, đồng bằng Cửu Long, Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

Nếu vẫn tiếp tục xây dựng các đập thủy điện, đồng bằng sông Cửu Long sẽ gia tăng sạt lở, hiện nay đang sạt lở dữ dội rồi (3). Có thể đến cuối thế kỷ thì 50% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất khỏi bản đồ do sạt lở. Tác động đối với đồng bằng sông Cửu Long có thể dẫn đến những bất ổn về xã hội, do đó điều này nên được xem như một vấn đề an ninh phi truyền thống của khu vực, trong đó ASEAN và cộng đồng quốc tế nên quan tâm. Các quốc gia phát triển là đối tác của khu vực Mekong và các định chế tài chính quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng ADB, nên thành lập quỹ Mekong để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng mặt trời và gió, trong khu vực Mekong để thay thế thủy điện".

RFI xin cảm ơn tiến sĩ Lê Anh Tuấn và nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện

Trọng Thành

----

(1) Về phần mình, nhìn chung, nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Hữu Thiện tỏ ra rất dè dặt trước các kết quả nghiên cứu quy mô lớn tiến hành tại Việt Nam, của bộ Tài Nguyên và Môi Trường và của Ủy hội sông Mekong. Theo ông, nghiên cứu của bộ Tài nguyên và môi trường thuê công ty DHI thực hiện, dựa chủ yếu vào việc chạy mô hình máy tính từ xa, mà thiếu hiểu biết thực tế, nên đánh giá thấp các tác động với đồng bằng Cửu Long. Nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong mới đây cũng gây thất vọng vì đánh giá sai lệch tác động, đưa ra những kết luận có thể nói là "phán bừa, phán ẩu". Ví dụ như : cho rằng cá suy giảm do giảm nguồn dinh dưỡng từ phù sa là rất ít, vì được bù lại bằng dinh dưỡng từ nước thải đô thị và phân bón nông nghiệp. Một kết luận, theo ông, hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học. Hay khi đánh giá về tác động về kinh tế xã hội, báo cáo chỉ xét tác động trong hành lang 15 km hai bên sông, như vậy không thể đánh giá được tác động tổng thể, đặc biệt về vấn đề sạt lở bờ biển.

(2) Trả lời RFI qua thư điện tử, tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Cần Thơ) nhận định : hậu quả của chuỗi thủy điện đã được nhiều nhà khoa học và các tổ chức xã hội cảnh báo. Tuy nhiên để định lượng các thiệt hại cho từng lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, phù sa, sinh thái, kinh tế xã hội thì không đơn giản vì nhiều lý do. Như dữ liệu đầu vào không đầy đủ (Trung Quốc từ chối cung cấp số liệu quá trình vận hành chuỗi đập thủy điện phía họ, thiếu thông tin về thỏa thuận mua bán điện, vận hành nhà máy, số liệu về cá - sinh thái - xã hội không nhất quán ...), hiểu biết của chuyên gia về vấn đề Mekong và hệ sinh thái - yếu tố xã hội bị hạn chế, trong các kịch bản tương lai có nhiều yếu tố không chắc chắn và quá nhiều giả định thiếu kiểm chứng...

(3) Theo nghiên cứu của Kondolf (2014), các đập trên thượng nguồn Mekong, mà Trung Quốc gọi là sông Lan Thương, đã khiến dòng Mekong mất đi đến 50% lượng phù sa (160 triệu tấn/năm trong những năm 1990 xuống còn 80 triệu). Nếu toàn bộ 11 đập tại Lào và Cam Bốt được xây, Mekong sẽ mất gần hết phần phù sa còn lại (nghiên cứu của UNESCO và Viện Môi Trường Stockholm). Chỉ tính về kinh tế bề nổi, lượng phù sa/dưỡng chất nói trên khiến Việt Nam thiệt hại ít nhất 450 triệu đô la/năm (Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam)

*********************

Thủy điện Trung Quốc gây sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long (Người Việt, 29/03/2018)

Diễn biến xói, sạt lở bờ biển, bờ sông khiến khu vực đồng bằng các tỉnh phía Nam mỗi năm mất 300 hécta đất có nguyên nhân từ hoạt động của các thủy điện Trung Quốc.

mekong4

Mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long mất 300 hécta đất do sạt lở bờ sông, bờ biển. (Hình : Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên, tại cuộc họp "Tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018" diễn ra ngày 29 tháng Ba tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, cho biết tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực các tỉnh phía Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày càng diễn biến phức tạp, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển.

Đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau là những khu vực tập trung đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế, xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh, báo Thanh Niên cho hay.

Báo này dẫn chứng, qua theo dõi từ năm 2010 đến nay, diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển có xu thế ngày càng gia tăng, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi làm diện tích khu vực đồng bằng các tỉnh phía Nam giảm khoảng 300 hecta/năm, trong đó phần lớn là khu vực bờ biển thuộc tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.

Về nguyên nhân sạt lở, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trước khi các đập thủy điện Trung Quốc đi vào vận hành, tổng lượng phù sa, bùn cát hằng năm từ Trung Quốc về tới tỉnh An Giang khoảng 73 triệu tấn. Nhưng từ năm 2012 đến nay, kể từ khi các hồ chứa phía Trung Quốc đi vào vận hành, tổng lượng phù sa, bùn cát về đồng bằng sông Cửu Long đã giảm đáng kể, đây là nguyên nhân cơ bản gây ra hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này.

Về hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, cơ quan này cho biết thêm, Việt Nam hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710 cây số, trong đó có 91 điểm sạt lở "đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng", với tổng chiều dài 218 cây số và 735 điểm sạt lở "nguy hiểm" với tổng chiều dài 911 cây số.

Ông Nguyễn Trường Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho rằng sạt lở, xói lở gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có nguyên nhân từ khai thác nước ngầm, khai thác cát quá mức. Trong 25 năm qua, nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long mực nước ngầm hạ xuống hơn 5 mét, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực 1,1 cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5 cm/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Ngoài ra, cát trên sông Tiền và sông Hậu đang bị khai thác quá mức. Tính đến năm 2016, có 65 giấy phép khai thác cát được cấp tại các địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng khai thác 15 triệu m3/năm. Đó là chưa kể đến khối lượng khai thác cát của các dự án nạo vét luồng lạch giao thông đường thủy.

"Dự báo trong những năm tới, nạn ngập lụt tại đây sẽ tăng mạnh, nhất là vùng ven biển và giữa đồng bằng và xói lở sông, kênh và bờ biển sẽ rất khó lường, nên việc mất đất sẽ nghiêm trọng hơn", ông Sơn khuyến cáo. (Tr.N)

Published in Diễn đàn

Dùng "âm nhạc trực tuyến" xuyên thủng hàng rào kiểm duyệt, đặt tên con là Donald Trump - nhưng chưa kịp gặp may, đã bị dọa chặt đầu -, dân Hàn Quốc lo nạn "người máy tuyển mộ người thật" gạt bỏ các tài năng, Liên hoan Quốc tế Phim tài liệu Cinéma du Réel (Paris) vừa khai mạc giới thiệu phim mới của nhà làm phim độc lập Trung Quốc Chu Nhật Khôn (Zhu Rikun), là chủ đề của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

amnhac1

"5 phóng viên - 10 nhạc phẩm" : Sáng kiến âm nhạc trực tuyến xuyên thủng kiểm duyệt ("The Uncensored Playlist") của Phóng Viên Không Biên Giới, 12/3/2018. Ảnh chụp màn hình

Sống trong một xứ sở tự do thông tin, có lẽ không phải ai cũng thấm thía nỗi khổ của những người phải sống trong một chế độ độc tài, nơi chính quyền dựng tường lửa, tăng cường kiểm duyệt, ngăn chặn người dân tiếp xúc với các môi trường khuyến khích tự do tư tưởng, giúp cho người ta dễ dàng nhận thức ra các sai trái, tội ác của chế độ, dám trực diện phê phán.

Mời nghe Tạp chí THẾ GIỚI ĐÓ ĐÂY24/03/2018

Nghe

Hơn ai hết các nhà hoạt động vì nhân quyền hiểu rằng chế độ độc tài sở dĩ bền vững là nhờ bưng bít được thông tin, khống chế được tư tưởng, thao túng được tâm hồn người dân.

Tranh đấu cho tự do ngôn luận cũng có nghĩa là vượt qua các hàng rào kiểm duyệt đủ loại. Nhân Ngày Quốc Tế Chống Kiểm Duyệt 12/03/2018, giới bảo vệ nhân quyền vừa tung ra một sáng kiến mới, thông qua các chương trình âm nhạc trực tuyến đang được hàng trăm triệu người sử dụng - như Spotify, Apple Music hay Deezer - để chuyển tải các nhạc phẩm với phong cách hiện đại, lồng trong đó là những nội dung bị cấm đoán.

Dự án "The Uncensored Playlist" do văn phòng tại Đức của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières) khởi xướng nhắm vào một lỗ hổng của các hệ thống kiểm duyệt, vốn được coi là khắc nghiệt nhất. Đó là các trang mạng streaming âm nhạc, hay âm nhạc trực tuyến, đang phát triển rất mạnh trong giới trẻ những năm gần đây.

Phóng Viên Không Biên Giới lần này mời các nhạc sĩ tại năm quốc gia, Ai Cập, Uzbekistan, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, phối hợp sáng tác 10 nhạc phẩm theo phong cách nhạc pop, về các sự kiện thời sự xã hội, chính trị đang bị chính quyền trong nước kiểm duyệt, với lời hát bằng hai ngôn ngữ, tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ của các tác giả.

amnhac2

Bản thảo nhạc phẩm "What did Do Dang die ?" theo RSF. Ảnh chụp màn hình

Về Việt Nam, có hai bài (1) "When did Do Dang die ?" về cái chết trong trại giam của một thiếu niên, sau khi bị bắt giữ vì ăn trộm 2 triệu đồng (40 euro), vụ án bị công an, chính quyền bưng bít, với những lời ca ai oán : "… Vì sao hỡi Đỗ Đăng Dư ? Vì sao em chết đi ? Chết mập mờ trong khám giam ? Vì sao em chết oan ?...".

"Introducing Chaos" lên án chính quyền Việt Nam đứng trên pháp luật. Bài hát, mở đầu với "Nhân dân vinh danh Nguyễn Phú Trọng - phong trào bài trừ tham nhũng…", dành phần còn lại để tố cáo chính quyền "không chứng tích vẫn kết tội, che ánh sáng chiếu vào (thảm họa)Formosa, bằng tham nhũng với phiên tòa…", ví xã hội Việt Nam hiện nay như "một bi hài kịch".

"Nghĩ như máy" mới được "người máy" tuyển dụng ?

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, một xu hướng gây lo ngại là người máy bắt đầu được sử dụng để trực tiếp phỏng vấn và thậm chí ra quyết định tuyển mộ nhân viên mới.

Thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình từ Seoul :

"Công ti khởi nghiệp Midas IT, vừa giới thiệu một hệ thống phỏng vấn tuyển mộ, hoàn toàn do máy tính đảm nhiệm. Ứng viên đối diện với màn hình, trả lời câu hỏi, thực hiện các trò chơi, trong lúc robot phân tích những lời đáp, giọng nói và kể cả các biểu hiện trên gương mặt đương sự. Doanh nghiệp đã sử dụng hệ thống này hồi năm 2017, để tuyển mộ nhân viên trong số khoảng 10.000 ứng viên.

Công ti bảo đảm là robot, với trí thông minh nhân tạo, cho phép quyết định là vị trí nào thích hợp nhất với người được tuyển.

Phương pháp nói trên bắt đầu được quốc tế hóa. Kể từ năm 2017, tập đoàn đa quốc gia Anh - Hà Lan Unilever cũng sử dụng một hệ thống tương tự cho giai đoạn tuyển mộ đầu tiên. Các ứng viên phải trải qua một cuộc phỏng vấn sơ bộ với người máy, thông qua điện thoại cầm tay hay máy tính bảng, trước cuộc gặp người tuyển mộ.

amnhac3

Robot, như Pepper, trợ lý cho SoftBank Robotics, sẽ ngày càng được sử dụng nhiều khi tuyển nhân viên ở Hàn Quốc. Reuters/Regis Duvignau

Lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp, đó là các công nghệ mới cho phép giảm chi phí. Một người máy sẽ chỉ mất vài giờ để phân tích hàng nghìn sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Còn theo các nhà chế tạo, việc sử dụng các robot cho phép giảm được nạn kỳ thị trong khâu tuyển mộ. Theo tập đoàn Anh - Hà Lan Unilever, kể từ khi áp dụng hệ thống này, thành phần nhân viên được tuyển đã đa dạng hóa hơn.

Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, nhiều bất lợi của phương pháp này đã được chỉ ra. Nhật báo Hàn Quốc Joongang Ilbo nhấn mạnh : Các ứng viên được robot phỏng vấn cảm thấy khó chịu khi phải nói chuyện với máy và cho rằng việc này "không tự nhiên".

Hàn Quốc là một xã hội mà sự khác biệt vốn ít được đánh giá cao, mọi người phải chịu áp lực rất lớn để buộc phải hành động và suy nghĩ giống như người khác. Thật khó mà hình dụng được là một robot lại có thể đánh giá tích cực về một ứng viên có tư chất sáng tạo, suy nghĩ độc đáo. Để được người máy tuyển chọn ắt hẳn là phải suy nghĩ giống như máy".

"Anni", cô bé Trung Quốc bị cấm đi học, vì bố là nhà tranh đấu

Liên hoan phim tài liệu quốc tế nổi tiếng "Cinéma du réel", vừa khai mạc ngày thứ Sáu, 23/3/2018, tại Trung tâm nghệ thuật Pompidou, Paris. 43 phim được chính thức chọn lựa để tranh giải, trong số 30.000 phim, đến từ 135 quốc gia. Được chọn có "Anni" của nhà làm phim độc lập Trung Quốc Chu Nhật Khôn, phim lần đầu tiên dự giải quốc tế.

Chu Nhật Khôn, sinh năm 1976 ở Quảng Đông, từng được biết trước hết với tư cách là nhà sản xuất phim "Khiếu Kiện" (hay Thượng Phóng). Bộ phim do đạo diễn Triệu Lượng (Zhao Liang) thực hiện (ra mắt năm 2009, sau 10 năm chuẩn bị), phơi bày nỗi oan khuất ngút trời của những con người thấp cổ bé họng tại Trung Quốc, được coi là một tác phẩm mẫu mực của điện ảnh Trung Quốc đương đại.

amnhac4

Đạo diễn Trung Quốc Chu Nhật Khôn - Ảnh chụp màn hình : Cinéma du réel

Tiếp theo đó, Chu Nhật Khôn đã tự mình thực hiện nhiều phim tài liệu về nhiều chủ đề rất gai góc, như "Thẩm vấn" (2013) về cuộc chạm trán với công an trên đường hỗ trợ người tranh đấu, "Bụi" (2014) về điều kiện sống chết không biết lúc nào tại các vùng mỏ tỉnh Tứ Xuyên, "Hồ Sơ" (2014) về một trong những nhà ly khai Tây Tạng nổi tiếng nhất.

Lần này Chu Nhật Khôn đến Liên hoan điện ảnh Pháp với phim "Anni", dài 80 phút, kể lại câu chuyện về bé Anni, 10 tuổi, bị công an mật gây áp lực buộc phải nghỉ học, do có bố là một nhà hoạt động dân chủ. Biết tin này, một nhóm tình nguyện tìm cách phối hợp giúp em được trở lại lớp. Đằng sau cuộc tranh đấu vì cô bé Anni, phim của Chu Nhật Khôn đưa khán giả đến với cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc, nơi chế độ độc tài thấm sâu trong hơi thở thường nhật, ở khắp mọi nơi, trong sân trường cũng như ngoài đường phố.

Liên hoan phim tài liệu Cinéma du réel lần thứ 40 này cũng là dịp để giới điện ảnh điểm lại những cột mốc lớn trong lịch sử phim tài liệu, từ Jean Rouch đến Chantal Akerman, đồng thời trở lại suy ngẫm về câu hỏi : Điều gì được coi là hiện thực ? (2).

Điểm mới trong Liên hoan lần này là một chương trình mang tên "IR / REEL" (tạm dịch là PHI / HIỆN THỰC), với 17 phim tham dự, giới thiệu với khán giả những quan niệm đa chiều về ranh giới hiện thực/phi hiện thực trong xã hội, đang biến đổi rất nhanh chóng hiện nay.

"Cinéma du réel" diễn ra đến hết ngày mùng 1/4/2018.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 24/03/2018

----

(1) Lời do Bùi Thanh Hiếu, một nhà tranh đấu hiện tị nạn tại Đức, biên soạn.

(2) Trong khi chờ đợi giới chuyên gia chất vấn về những ý nghĩa sâu xa của "hiện thực", trên thực tế, ta thấy nhu cầu phim tài liệu gia tăng cũng là lúc nhân loại đang sống trong một thời điểm "rất bấp bênh, các định chế quốc gia, chính trị, khí hậu mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng. Bấp bênh ở khắp nơi, chưa nói đến nhịp độ nhanh chóng của cuộc sống con người, đang chuyển sang một cấp độ chưa từng có, với các phương tiện truyền thông mạng, với internet. Các nhà làm phim tài liệu quan sát và bắt mạch những gì đang diễn ra…", như nhận định của tân giám đốc nghệ thuật Liên hoan phim Cinéma du réel, bà Andréa Picard, công dân Canada, trả lời RFI. Chính vì vậy mà công chúng cần đến họ.

Published in Diễn đàn

Hôm 13/03/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo qua một twitter là lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ Rex Tillerson sẽ bị sa thải. Vì sao ngoại trưởng Mỹ lại bị cách chức ? RFI tiếng Việt xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia.

my1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) với ngoại trưởng Rex Tillerson trước khi có tin ông Tillerson thất sủng, Nhà Trắng, Washington, 12/06/2017. Reuters/Kevin Lamarque

Chuyên mục "Decryptage" của RFI có bài phỏng vấn bà Annick Cizel, giáo sư trường Đại học Sorbonne Nouvelle - Paris 3, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Ngạc nhiên về thời điểm ra quyết định

Trước hết trả lời cho câu hỏi, quyết định của tổng thống Mỹ có gây ngạc nhiên hay không, giáo sư Annick Cizel cho biết bà "tuy ngạc nhiên về thời điểm ra quyết định, nhưng không ngạc nhiên vì quyết định cách chức ông Rex Tillerson, bởi khả năng này đã từng được nêu lên ngay từ tháng 7/2017. Và kể từ đó đến nay đã có nhiều diễn biến, đã có những lúc ông Tillerson tưởng như sắp sửa phải ra đi.

Mới đây, ngoại trưởng Mỹ cho biết ông có ý định tại vị đến hết năm 2018, nhưng rồi Donald Trump bất ngờ đưa ra quyết định, đúng vào lúc Tillerson vừa từ châu Phi trở về. Hôm thứ Sáu tuần trước, John Kelly, chánh văn phòng Nhà Trắng thông báo cho ông Tillerson, cần rút ngắn chuyến công du. Rex Tillerson hạ cánh tại sân bay Washington vào lúc 4 giờ sáng, để rồi đến khoảng 8, 9 giờ sáng thì nhận được tin mất chức thông qua một cú tweet, chứ không phải trực tiếp từ tổng thống".

Cơ chế bí hiểm

Theo giáo sư Annick Cizel, việc bất ngờ cách chức ngoại trưởng Tillerson nằm trong cách điều hành chính phủ của ông Donald Trump, mà nhiều người gọi là "hỗn loạn". Người ta không biết ai là người ra quyết định tại Nhà Trắng, phải chăng là các cố vấn của tổng thống, ví dụ như trường hợp con rể của tổng thống Trump, trong vấn đề di chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Trong trường hợp này, ngoại trưởng Tillerson đã phản đối, nhưng phản đối lại ai ? Không phải chỉ tổng thống Trump, mà cả với ông con rể Jared Kouchner.

Như vậy, việc điều hành chính phủ Mỹ đôi khi đã được phó thác cho các cố vấn được cho là nằm ở "vòng ba", "vòng bốn" của bộ máy quyền lực. Nhưng dù chịu ảnh hưởng của cố vấn này hay cố vấn kia, tổng thống Trump trên thực tế đã tự dành cho mình quyền quyết định đơn phương, tuyệt đối, vào bất cứ lúc nào mà ông ta muốn. Trường hợp Tillerson là một ví dụ mới.

Trump - Tillerson đối lập trong hầu hết hồ sơ

Việc ngoại trưởng Mỹ bị cách chức một phần cơ bản, được tổng thống Mỹ giải thích là do bất đồng trên một số hồ sơ, tuy nhiên, theo chuyên gia Annick Cizel "trên thực tế, họ đối lập nhau trên tất cả mọi vấn đề". Bà nhấn mạnh :

"Khá kinh hoàng khi chúng ta điểm lại sơ qua các hồ sơ mà Donald Trump và Rex Tillerson có quan điểm đối lập. Từ Iran, đến Bắc Triều Tiên, rồi vấn đề Qatar, hay việc di chuyển sứ quán tại Israel…. trong đó có cả vấn đề danh sách các quốc gia Hồi Giáo, mà công dân các nước đó bị cấm vào Mỹ… Trên một thực địa đang biến động rất nhanh chóng như khu vực Trung Cận Đông chiến lược, nơi các căng thẳng rất dễ có tiềm năng bùng phát thành xung đột lớn, họ không đồng ý với nhau về gần như tất cả mọi chuyện".

Bắc Triều Tiên : Bước ngoặt thương lượng

Một trong các chủ đề quốc tế gai góc nhất đối với ngoại giao Hoa Kỳ là vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Sau nhiều áp lực, vận động, rốt cục ngày 8/3/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận lời mời của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un để đối thoại về vấn đề "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". Vấn đề là, ngoại trưởng Tillerson đã nhiều lần nêu sáng kiến đối thoại với Bình Nhưỡng, trong lúc tổng thống Trump liên tục đưa ra các phát biểu mang đầy tính đe dọa, như không loại trừ khả năng hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên.

Giờ đây khi Washington và Bình Nhưỡng chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh, thì cũng là lúc lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ phải khăn gói ra đi. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề : Phải chăng chính quyền Trump đang chuẩn bị phương án không khoan nhượng với Bình Nhưỡng, với việc cử lãnh đạo CIA, Mike Pompeo, nổi tiếng về quan điểm "diều hâu" lãnh đạo Bộ ngoại giao, thay thế ông Tillerson ?

Chuyên gia Annick Cizel cho biết, "tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 13/03, đã thông báo là đã quyết định mở "đối thoại" với Bình Nhưỡng, chứ không phải là "đàm phán". Đây là chính là vấn đề được thảo luận nhiều trong ba ngày gần đây, và có thể đây (tức sự khác biệt trong quan điểm về "đối thoại" giữa Trump và Tillerson - người viết) cũng chính là lý do ngoại trưởng Tillerson phải ra đi vào "đúng vào thời điểm này"", chứ không phải là một lúc nào khác.

Hiện tại ta vẫn chờ đợi câu trả lời chính thức của phía Bình Nhưỡng, nhưng rõ ràng là về cuộc hội kiến với lãnh đạo Bình Nhưỡng, tổng thống Mỹ chủ trương cần duy trì một đường lối nhìn chung là "sắt đá", với nhiều đe dọa, cụ thể là không loại trừ biện pháp quân sự, trước các nguy cơ tấn công tin tặc, hay phổ biến hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Cặp bài trùng giám đốc CIA và "diều hâu" Bolton ?

Việc bổ nhiệm nhân sự mới cho thấy đường lối cứng rắn của tổng thống Mỹ bắt đầu được triển khai. Theo nhà ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, kiến trúc sư của thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN, hôm 12/03/2018, cho hay nguyên đại sứ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời tổng thống George W. Bush, ông John Bolton, người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn, có thể sẽ có mặt trong chuyến công du Bắc Triều Tiên sắp tới. Trong những ngày gần đây, có nhiều tin đồn cho rằng cựu đại sứ Mỹ John Bolton sẽ thay tướng Herbert Raymond McMaster, cố vấn an ninh quốc gia (theo chuyên gia Annick Cizel).

Về phương hướng hành động của lãnh đạo CIA Mike Pompeo, người vừa được tổng thống Mỹ bổ nhiệm vào cương vị ngoại trưởng, nhà báo Pháp Gilles Paris từ Washington, giải thích với báo Le Monde :

"Giám đốc CIA Mike Pompeo vốn có quan điểm khá hoài nghi về Bắc Triều Tiên, ắt hẳn do các nguồn tin nhận được từ cơ quan tình báo Mỹ. Trong một cuộc nói chuyện cuối tháng trước tại một viện tư vấn theo khuynh hướng bảo thủ ở Washington, American Entreprise Institute, ông Mike Pompeo tin chắc là việc chế độ Bình Nhưỡng cố gắng sở hữu vũ khí hạt nhân không chỉ nhằm "duy trì chế độ". Lãnh đạo CIA cho rằng chế độ Kim Jong-un có thể sử dụng vũ khí hạt nhân "để gây áp lực, nhằm mục tiêu tối hậu", đó là tái thống nhất Triều Tiên, đặt toàn bộ bán đảo này dưới sự cai trị của chính quyền Bình Nhưỡng.

Quan điểm của lãnh đạo tình báo Mỹ thậm chí còn cứng rắn hơn nhiều so với lập trường của tổng thống Mỹ (hồi năm ngoái, Mike Pompeo còn nêu ra khả năng thay đổi chế độ tại Bắc Triều Tiên, trong lúc tổng thống Mỹ liên tục nhắc lại là giải pháp này không nằm trong chính sách Bắc Triều Tiên của Washington)".

Ngoại giao "sắt đá" thành chủ đạo

Theo chuyên gia Annick Cizel, quyết định lựa chọn ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng trong năm cầm quyền đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump là chính sách của đảng Cộng Hòa, muốn chôn vùi di sản của người tiền nhiệm Obama, vốn đặt ngoại giao ở trung tâm của chính sách đối ngoại, trước cả lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Chính sách của đảng Cộng Hòa là quốc phòng là ưu tiên số một, tiếp theo đó là an ninh nội địa, còn ngoại giao bị đẩy xuống hàng thứ ba trong lĩnh vực chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Theo đường hướng này, thì Tillerson tỏ ra là nhân vật lý tưởng. Tillerson sẵn sàng chấp nhận giảm mạnh ngân sách của Bộ ngoại giao, cho dù Quốc hội không đồng ý. Ngoại trưởng Mỹ cũng thi hành một chính sách ngoại giao kín đáo trong hậu trường, thúc đổi đối thoại với Bắc Triều Tiên, có thể nói đã đạt được một số kết quả.

Thế nhưng, khi hồ sơ Bắc Triều Tiên hiện chuyển sang một bước ngoặt mới, việc duy trì một nhân vật có quan điểm bị coi là quá "mềm dẻo" đứng đầu Bộ ngoại giao Mỹ không còn được tổng thống Trump chấp nhận. Với sự ra đi của ngoại trưởng Mỹ Tillerson, và rất có khả năng cố vấn an ninh quốc gia McMaster cũng phải mất chức, thay vào đó là nhân vật John Bolton còn cứng rắn hơn, chính sách ngoại giao "sắt đá" đang dần trở thành ưu tiên số một của chính quyền Donald Trump.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 14/03/2018

Published in Diễn đàn

Điện thoại di động, internet tạo nên một cuộc cách mạng chưa từng có trong đời sống hàng ngày, giúp con người xích lại gần nhau, kích thích sự phát triển về mọi mặt. Nhưng cái giá về năng lượng là hết sức lớn cho sự tồn tại của một thế giới vẫn quen gọi là "ảo". Nhiều người nói đến "cơn sóng thần Internet" với các hậu quả môi trường khủng khiếp, trước hết với việc lượng điện tăng vọt, mà đa số điện năng đến từ các năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm, tàn phá môi trường, làm gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Làm thế nào không bị "cơn sóng thần internet" tàn phá ? Hiểu đúng về thế giới "ảo" là điều kiện đầu tiên.

cyber1

Một trung tâm dữ liệu Wikipedia

Mỗi giờ ước tính có đến hơn 10 tỉ thư điện tử được gửi đi trên thế giới. Riêng số thư nói trên đã tương đương với năng lượng của 4.000 chuyến máy bay khứ hồi Paris-New York (lượng thư điện tử của một doanh nghiệp 100 người, mỗi năm cho ra hơn 13 tấn khí thải CO2, hoặc bằng 13 chuyến máy bay Paris-New York).

Hơn 7 tỉ cư dân trên địa cầu, và trong tương lai là hơn 9 tỉ sẽ không thể sống thiếu Internet. Công nghệ thông tin, kỹ thuật số là linh hồn của nền kinh tế thế kỷ 21, thế nhưng mặt trái của nó cũng vô cùng ghê gớm. Trong hiện tại, tổng lượng điện do tiêu thụ internet ước tính đến 9% lượng điện tiêu thụ toàn cầu, và sẽ tiếp tục tăng vọt, do internet tăng trưởng vô cùng nhanh chóng. Nếu coi internet là một quốc gia, thì quốc gia này về tiêu thụ điện đứng hàng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Làm thế nào không bị "cơn sóng thần internet" tàn phá là thách thức hàng đầu của xã hội đương đại. Tạp chí Môi trường của RFI đầu tháng này có chương trình đánh động nhận thức của giới trẻ về cái giá năng lượng của một "thế giới ảo", qua phóng sự của Caroline Langlois.

Tham quan để hiểu "thế giới ảo"

Trước khi khởi hành chuyến đi tìm hiểu thế giới internet, tìm hiểu cái giá năng lượng thực sự của "thế giới ảo". RFI mời Leila, một nữ sinh trung học 14 tuổi, trả lời về các hoạt động của cô liên quan đến internet.

"Đáng buồn là cũng giống như nhiều bạn bè ở lứa tuổi thiếu niên, tôi suốt ngày ở với Internet. Vì tôi có một chiếc Ipod, thế là ngay từ khi thức dậy, tôi đã chúi đầu vào nó. Tôi tham gia vào nhiều mạng xã hội, từ Facebook, đến Instagram, Snapchat. Vì tôi có nhiều tài khoản, nên tôi phải kiểm tra. Gần như tôi sống một phần đời mình trong thế giới Internet. Nếu phải đi học, một ngày tôi cũng ở với Internet đến 5 giờ, nếu không phải đi học, thì phải đến 7 giờ".

Phóng viên RFI cùng Leila và hai bạn học sinh khác tới thăm Acropolis, một trung tâm dữ liệu máy tính (Data center) lớn ở quận 12 Paris. Một cơ sở được kiểm soát cẩn mật không khác một ngân hàng.

Trước chuyến đi này, các học sinh không hề biết các cơ sở hạ tầng ẩn đằng sau cái thế giới mà họ vẫn quen nhìn nhận là "thế giới ảo". Người phụ trách trung tâm hướng dẫn đoàn tham quan "thâm nhập" vào cơ sở chính chứa các máy chủ lớn, cùng với các hệ thống làm lạnh, hoạt động liên tục 24 trên 24 giờ. Ông giải thích các trong thời đại hiện nay, lượng điện tiêu thụ cho các trung tâm dữ liệu điện vô cùng quan trọng, là điều sống còn đối với các trung tâm dữ liệu, cũng tương tự như xăng dầu đối với xe hơi vậy.

Data Center : Chiếc máy hút năng lượng

Tại một cơ sở làm việc của các chuyên gia dữ liệu, phóng viên tiếp xúc được với một chuyên gia, ông Emmanuel Bour, giám đốc công ty Rentaload, một cơ sở chuyên về thẩm định chất lượng công nghệ trong lĩnh vực này, để giúp các học sinh có một cái nhìn toàn về thế giới các trung tâm dữ liệu.

Theo người giám đốc công ty, trên thế giới có khoảng 10.000 trung tâm dữ liệu, riêng tại Pháp có khoảng 150 trung tâm lớn. Hiện nay chúng ta ngày càng phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng này, bởi việc trao đổi thư điện tử, kết nối điện thoại qua internet, trao đổi được truyền hình…, tất cả đều phải thông qua các máy chủ, cũng có nghĩa là thông qua các trung tâm dữ liệu. Nhu cầu về năng lượng tăng mạnh do người dùng nét có nhu cầu sử dụng các ứng dụng được lưu trữ ở nơi khác hơn là ở nhà mình, hiện tượng gọi là "cloud computing" (hay đám mây điện toán). Một trung tâm dữ liệu khoảng 10.000 m² tiêu thụ năng lượng tương đương với một thành phố 150.000 dân.

Về ý thức chuyển đổi internet hướng sang nền kinh tế xanh, giám đốc Rentaload nhận xét với đầy vẻ dè dặt : "Đúng ra mà nói, nếu hiện nay những người điều hành các trung tâm dữ liệu máy tính quan tâm đến vấn đề này, thì chủ yếu là do lợi ích về tài chính, chứ không phải để giảm thiểu tác động môi trường. Họ sẽ đầu tư vào các thiết bị ít tiêu tốn năng lượng hơn… Trên thực tế, có một số trung tâm dữ liệu sử dụng điện từ nguồn năng lượng tái tạo, ví dụ như một số cơ sở của Google ở Bỉ vận hành một phần với điện gió, nhưng thành thật mà nói, các cơ sở này chỉ là ngoại lệ. Bởi đầu tư tốn kém và đòi hỏi nỗ lực tham gia của các tác nhân trong ngành này, nhưng trước hết là các cộng đồng địa phương".

Tác động môi trường chủ yếu vẫn là về phía người sử dụng !

Các trung tâm dữ liệu vốn được coi là các cơ sở "ngốn" năng lượng số một. Điều này có lẽ không sai, nhưng để hiểu về các tiêu tốn năng lượng của "thế giới internet" điều này không đủ. Nhà nghiên cứu Frédéric Bordage, lãnh đạo nhóm GreenIT của Pháp, chuyên thiết kế sản phẩm kỹ thuật số thân thiện với môi trường nhấn mạnh đến hai mảng khuyết thiếu khác, thường thấy trong cách hiểu hiện nay :

"Luận điểm mà chúng ta nghe thấy khắp nơi hiện nay, về hậu quả môi trường của internet, tập trung chủ yếu vào tiêu thụ năng lượng điện tại các trung tâm dữ liệu, nơi tập hợp các máy chủ. Như vậy, chúng ta đã bỏ qua hai phần ba còn lại. Đó là mạng lưới chuyển tải dữ liệu và người dùng nét. Trên thực tế, nếu chúng ta chú ý đến các cơ sở sản xuất, đến hàng triệu cây số đường cáp quang, dây điện thoại, các modem, máy tính… chúng ta có thể thấy tác động môi trường chủ yếu lại nằm về phía người sử dụng.

Vì sao lại như vậy ? Bởi cứ mỗi máy chủ đặt tại trung tâm dữ liệu, có khoảng 200 máy trạm cuối, về phía người sử dụng, có nghĩa là 200 điện thoại di động, hay 200 máy tính. Tác động ô nhiễm môi trường, về khai thác tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt lên quan đến các kim loại hiếm, được sử dụng nhiều để chế tạo điện thoại di động, máy tính - xem thêm : ''Kim loại hiếm'' : Hiểm họa với nhân loại thế kỷ 21), về khí thải gây hiệu ứng nhà kính như vậy là khác hẳn".

Cử chỉ "nhỏ" ý nghĩa lớn

Trở lại với các học sinh nhỏ tham gia đoàn tham quan, phóng viên đặt câu hỏi với Leila về cảm nhận của cô sau chuyến đi này :

"Đấy vốn không phải là thứ chúng tôi thực sự quan tâm. Tôi đã không đặt câu hỏi là các dữ liệu này thực sự đang được cất giữ ở đâu, để mà có nỗ lực có một hành động gì đó giúp cho giảm bớt năng lượng tiêu thụ. Tôi nghĩ là như vậy, nhưng tôi không có cảm giác là hiện tại chúng ta đang nói đến các giải pháp rõ ràng".

Social Media Logotype Background

Thói quen chia sẻ ảnh trên facebook chẳng hạn, nếu lạm dụng cũng gây nhiều tổn phí. Reuters/Dado Ruvic/File Photo

Về các giải pháp cụ thể để đóng góp phần nhỏ bé của mỗi người vào việc tiết kiệm năng lượng, nhà nghiên cứu Françoise Berthoud, chuyên về vấn đề sinh thái và kỹ thuật số (CNRS) có một lời khuyên :

"Có rất nhiều điều nho nhỏ mà người sử dụng có thể làm được. Sở dĩ họ không làm, là bởi vì họ không hiểu mà thôi (1). Ví dụ như tôi, trong môi trường của mình, tôi thấy có nhiều người thay vì trực tiếp truy cập trên internet địa chỉ cần tìm - địa chỉ mà họ biết rất rõ, địa chỉ của doanh nghiệp của chính họ chẳng hạn - lại truy cập thông qua trung gian Google. Điều này dẫn đến việc làm lãng phí thêm nhiều năng lượng, do các công đoạn xử lý thông tin thừa.

Vấn đề tiếp theo là cần cắt giảm dữ liệu lưu trữ trên đám mây điện toán. Tôi lấy một ví dụ để so sánh. Giống hệt như là khi bạn làm việc ở nhà, bạn có rất nhiều công việc, sử dụng rất nhiều vật dụng, như vậy bạn cần phải loại các đồ thừa vào sọt rác. Chúng ta biết là chỉ một bức ảnh nhỏ thôi cũng tốn rất nhiều dung lượng trong bộ nhớ (mạng TV5 Monde trong một bài viết gần đây đặt câu hỏi đầy hài hước : "Nên chuyển các data center đến xứ lạnh để tiết kiệm năng lượng, hay là hạn chế việc selfie (tức "chụp ảnh tự sướng" theo lối nói dân dã) ?" - người viết).

Chúng ta không trực tiếp nhìn thấy cái giới hạn của không gian chứa dữ liệu internet, giống như cái kho ở nhà chúng ta, để có động cơ thực sự chia tay với thói quen tích trữ dữ liệu vô tội vạ".

cyber3

Hệ thống truyền năng lượng thải ra từ trung tâm dữ liệu Val d'Europe (ngoại ô Paris). Năng lượng đủ dùng để sưởi ấm khoảng 12.000 căn phòng rộng 50 m².Ảnh chụp màn hình

Cách mạng tiết kiệm năng lượng : Thách thức sống còn của thế kỷ 21

Ông Philippe Recouppé, chủ tịch Forum ATENA, diễn đàn chuyên về tin học, truyền thông, người tháp tùng đoàn học sinh thăm quan, lưu ý đến một khía cạnh ít được chú ý khác, với cái nhìn lạc quan :

"Về vấn đề này, dù sao trong xã hội cũng đã phần nào có ý thức, bên cạnh đó là các tiến bộ về công nghệ. Phương pháp chế tạo bộ vi xử lý ngày càng trở nên tinh vi hơn. Hệ quả là các tính năng của máy tính được cải thiện nhiều, và mức độ tiêu thụ năng lượng cũng giảm rất mạnh.

Nếu hiện tại chúng ta sử dụng một máy điện thoại cầm tay với kỹ thuật chế tạo vi mạch vào thời kỳ chiếc điện thoại di động đầu tiên ra đời, thì để đáp ứng nhu cầu năng lượng của máy, ta phải dùng đến cả một ắc quy dành cho xe hơi.

Đây là một hình ảnh để ví dụ mà thôi. Lượng điện tiêu thụ có khi còn hơn thế nữa. Đã có một sự tiết kiệm năng lượng vô cùng lớn. Xu thế này chưa dừng lại đâu, mà sẽ tiếp tục. Chúng ta sẽ tới đích !".

cyber4

Một mạch tích hợp - Ảnh : Pixabay

Ngành điện toán, internet thực sự đang đứng trước thách thức sống còn của cuộc cách mạng tiết kiệm năng lượng về mọi mặt : từ công nghệ sản xuất máy tính, điện thoại di động (như nhận định của ông Philippe Recouppé), các trung tâm dữ liệu hiệu năng cao (sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng nhiệt độ môi trường thấp để làm lạnh, và ngược lại dùng nguồn nhiệt năng của các data centers để cung cấp năng lượng cho những nơi có nhu cầu), hay mô hình kinh tế tái chế - tuần hoàn, chỉ sử dụng những gì thật sự có nhu cầu (2).

Khép lại chuyến tham quan, phóng viên RFI lưu ý với các bạn trẻ cũng không nên ỷ vào các tiến bộ kỳ diệu trong công nghệ sản xuất phương tiện kỹ thuật số, mà quên đi ý thức và hành vi tiết kiệm năng lượng hàng ngày, tuy nhỏ bé, nhưng tác động hết sức lớn, nếu tổng hợp lại.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 21/02/2018

-----

(1) Thêm một số chi tiết không phải mọi người đều biết. Một thư điện tử với file đính kèm tiêu thụ điện gấp năm lần so với thư thường (24W giờ so với 5 W giờ. Tức tương đương một bóng đèn 24 W thắp sáng trong một giờ). Video độ phân giải cao ngốn năng lượng nhiều hơn (đến 10 lần). Để ngỏ cho quảng cáo lọt vô tội vạ vào hộp thư cũng rất gây tốn kém. Mỗi dữ liệu, như thư điện tử, thường được lưu trữ tại nhiều data center (với mục tiêu bảo vệ an toàn thông tin và rút ngắn thời gian truy cập cho người dùng nét), do vậy tổn phí năng lượng tăng gấp nhiều lần.

(2) Về internet và sinh thái, truyền thông Pháp gần đây đặc biệt chú ý đến nỗ lực của Ecosia – một công cụ tìm kiếm (tương tự như Google hay Yahoo) - hiện thu hút khoảng 7 triệu người sử dụng. Ecosia chi tới 80% thu nhập do quảng cáo để trồng cây, phủ xanh hành tinh. Hay các sáng kiến qui mô nhỏ hơn như Newmanity, dịch vụ thư điện tử "sinh thái", ra đời tại Pháp. Newmanity dùng năng lượng 100% từ nguồn tái tạo. Newmanity cung cấp miễn phí dịch vụ email, với dung lượng tối đa 1Go. Không gian "ảo" mà Newmanity cung cấp, tuy nhỏ hơn rất nhiều, so với Gmail của Google, nhưng việc sử dụng chưa hẳn đã bất tiện hơn, bởi công ty thường xuyên hướng dẫn người dùng nét thanh lọc các mail thừa, để dành chỗ cho thông tin cần thiết (bài "Bốn công cụ để lướt mạng một cách sinh thái", LCI, 30/01/2018).

Published in Văn hóa

Đầu thế kỷ 21, lo ngại về các đảo lộn khí hậu do năng lượng hóa thạch, nhân loại đang tìm cách chuyển nền "kinh tế xanh", thân thiện với môi trường, với các công nghệ điện gió, điện mặt trời… đang ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, ẩn đằng sau cuộc chuyển đổi mô hình kinh tế mang lại hy vọng này là sự lên ngôi của một nguồn nguyên – nhiên liệu mới : các kim loại hiếm. Nhiều chiến lược gia gọi đây là "dầu mỏ" của thế kỷ 21.

Nền kinh tế phụ thuộc vào kim loại hiếm chứa đầy hiểm họa, theo phân tích của nhà báo Guillaume Pitron trong cuốn sách vừa ra mắt "Guerre des métaux rares" (1) (tạm dịch là : Đại chiến kim loại hiếm). Le Monde số ra ngày 12/01/2018 có bài giới thiệu.

Tại sao gọi kim loại hiếm là "nguyên liệu" của thế kỷ 21 ?

Sau động cơ chạy bằng hơi nước, rồi động cơ nhiệt điện, các công nghệ "xanh" đang đưa nhân loại bước vào cuộc cách mạng năng lượng lần thứ ba. Giống như hai lần trước (dựa vào than đá và dầu mỏ), cuộc cách mạng công nghiệp lần này cũng phải dựa vào một nguồn tài nguyên thiết yếu, các kim loại hiếm.

"Từ trà đến dầu lửa, từ hạt nhục đậu khấu đến hoa tuy-líp, từ nitrat đến than đá, (việc phát hiện ra – người viết) các nguyên liệu khi nào cũng đi kèm với các khai thác quy mô lớn, các đế chế và chiến tranh. Chúng thường xuyên ngăn trở dòng chảy lịch sử. Giờ đây, đến lượt mình, các kim loại hiếm đang làm biến đổi thế giới. Không chỉ làm ô nhiễm môi trường, các kim loại hiếm còn đặt các cân bằng kinh tế và nền an ninh toàn cầu trong tình trạng nguy hiểm. Chính các kim loại hiếm đã giúp Trung Quốc củng cố vị thế hàng đầu thế giới ở thời điểm bước sang thiên niên kỷ mới, đồng thời đẩy mạnh đà suy yếu của phương Tây".

Kim loại hiếm được khai thác khi nào và sử dụng thế nào ?

Theo Guillaume Pitron, "trong một thời gian dài, con người khai thác các kim loại phổ biến, như sắt, vàng, bạc, đồng, chì hay nhôm… Tuy nhiên, từ những năm 1970, người ta bắt đầu biết cách sử dụng các phẩm chất kỳ diệu về hóa học, về điện từ của hàng loạt kim loại hiếm, vốn ẩn chứa trong các loại quặng, với tỉ lệ hết sức nhỏ". Các kim loại hiếm với những tên gọi bí ẩn như "graphite, vanadium, germanium, platinoïdes, tungstène, antimoine, béryllium, fluorine, rhénium, prométhium…" trong tự nhiên thường trộn lẫn với các quặng kim loại phổ biến nhất. "Để chiết ra được một cân vanadium cần đến 8,5 tấn quặng, phải 16 tấn mới có được một kilô cerium, 50 tấn cho một cân gallium, và phải 1.200 tấn mới có được một kilô lutécium".

kim1

Một số loại kim hiếm - Ảnh : Wikipedia

Tương tự như "tinh dầu hoa hồng", được chiết ra rất khó khăn từ hàng núi cánh hoa, để cho ra mùi hương kỳ diệu, với các tác dụng trị liệu lớn, các kim loại hiếm với trữ lượng vô cùng nhỏ, trở thành hy vọng nền kinh tế thế kỷ 21, khi chúng không chỉ là nguyên liệu cho nền công nghệ tin học hay các công nghệ mới, mà còn là "nguồn năng lượng điện từ" quan trọng.

Tác giả ghi nhận, "chúng ta đang đa dạng hóa việc sử dụng các kim loại hiếm trong hai lĩnh vực chủ chốt của cuộc chuyển đổi mô hình năng lượng : các công nghệ mà chúng ta gọi là "xanh" và kỹ thuật số. Điều mà người ta thường giải thích hiện nay là nhờ ở các công nghệ xanh/green techs và tin học, mà một thế giới tốt đẹp hơn sẽ ra đời. Các công nghệ như điện gió, pin mặt trời, xe chạy điện – sử dụng rộng rãi các kim loại hiếm – tạo ra một nguồn năng lượng không thải ra các-bon, được đồng thời tải đi qua các mạng lưới điện được ca ngợi là "siêu hoàn hảo" có thể cho phép tiết kiệm đáng kể năng lượng. Các hệ thống này được điều khiển bởi các công nghệ số, về phần mình, cũng sử dụng rất nhiều kim loại hiếm".

Tốc độ phát triển các công nghệ mới là rất mau lẹ. "Trong vòng 10 năm qua, năng lượng gió tăng gấp 7 lần, điện mặt trời tăng gấp 44 lần. Năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng 19% tiêu thụ năng lượng toàn cầu, và châu Âu dự kiến tăng tỉ trọng này lên 27% vào ngưỡng cửa 2030. Ngay cả các công nghệ sử dụng động cơ nhiệt điện hiện nay cũng phụ thuộc vào các kim loại hiếm, bởi cho phép chế ra được các phương tiện đi lại, máy bay hiệu quả hơn, nhẹ hơn, tiêu thụ ít hơn năng lượng hóa thạch".

Vì sao nói "mô hình kinh tế kim loại hiếm" đe dọa vận mệnh "phương Tây" ?

Tác giả cuốn "Đại chiến kim loại hiếm" điểm lại : "Nếu như vào thế kỷ 19, nước Anh thống trị thế giới nhờ vị thế bá chủ trong lĩnh vực sản xuất than, thì một phần thế kỷ 20 có thể được giải thích qua việc Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út tăng cường khai thác dầu mỏ và kiểm soát các tuyến đường lưu thông huyết mạch để bảo vệ nguồn năng lượng này. Đối với thế kỷ 21, có một quốc gia đang thống trị các nguồn tài nguyên kim loại hiếm và đi đầu trong việc tiêu thụ. Đó là Trung Quốc".

Tác giả nhấn mạnh : Trước hết xét về mặt kinh tế, công nghiệp, cùng lúc với việc nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế, hướng sang "kinh tế xanh", "chúng ta đang tự nhảy vào miệng con rồng Trung Quốc", bởi quốc gia này độc quyền chiếm hữu các mỏ kim loại hiếm, là cơ sở cho hai trụ cột của nền kinh tế mới, công nghệ ít phát thải khí gây ô nhiễm và kỹ thuật số. "Hành động như vậy, phương Tây đang đặt số phận các công nghệ xanh và kỹ thuật số - phần tinh hoa nhất của nền công nghiệp tương lai" vào tay Trung Quốc. "Chỉ cần (Bắc Kinh) siết chặt việc xuất khẩu các nguồn kim loại này, hậu quả kinh tế và xã hội tại Paris, New York hay Tokyo sẽ là nghiêm trọng".

Location China. Green pin on the map.

Trung Quốc hiện nay đang độc quyền chiếm hữu các mỏ kim loại hiếm

"Muốn giải thoát của nền kinh tế phụ thuộc vào các năng lượng hóa thạch, ô nhiễm, chuyển sang một thế giới mới, nhân loại trên thực tế, đang trên đường rơi vào một sự phụ thuộc mới, còn nặng nề hơn nữa. Hàng loạt lĩnh vực như người máy, trí tuệ nhân tạo, bệnh viện điện tử, an ninh mạng, công nghệ y học, đồ vật kết nối, công nghệ nano, xe hơi không người lái…" đều phụ thuộc vào các kim loại hiếm (2).

Vì sao nói Trung Quốc độc quyền lĩnh vực kim loại hiếm ?

"Hàng năm, cơ quan điều Mỹ United States Geological Survey (USGC), thuộc bộ Nội Vụ (…) công bố một báo báo có tầm quan trọng toàn cầu : "Mineral Commodity Summaries". 90 loại nguyên liệu cần thiết hàng đầu với nền kinh tế thế giới đương đại được xem xét tỉ mỉ, trên phương diện trữ lượng trong thiên nhiên, nguồn dự trữ, và đặc biệt là thực trạng khai thác hiện nay. Thông tin về thực trạng khai thác đáng báo động. USGC cho chúng ta biết Bắc Kinh sản xuất 44% indium được tiêu thụ trên thế giới, 55% về vanadium, gần 65% spath fluor và graphite tự nhiên, 71% về germanium và 77% antimoine".

"Ủy Ban Châu Âu, về phần mình, cũng đưa ra một con số tương tự : Trung Quốc sản xuất đến 61% lượng silicium, và 67% lượng germanium thế giới. Tỉ lệ đạt tới 84% đối với tungstene và 95% đối với các loại đất hiếm".

Trung Quốc không chỉ đứng đầu thế giới về sản xuất các kim loại hiếm, mà còn cả về tiêu thụ. "Để phục vụ nhu cầu của thị trường 1,4 tỉ dân, Trung Quốc hút tới 45% sản lượng kim loại hiếm toàn cầu, cũng tương tự với các sản phẩm nông nghiệp, dầu mỏ, sữa bột hay rượu vang"…

"Mô hình kinh tế kim loại hiếm" đe dọa đảo lộn gì ?

Theo nhà báo Guillaume Pitron, Bắc Kinh ý thức được rất rõ giá trị của các kim loại nói chung, kim loại hiếm nói riêng đối với nền kinh tế thế giới. Đa số các lãnh đạo Trung Quốc đều làm việc trong các ngành nghề liên quan đến khai mỏ, hay kỹ sư. Trong thời gian ở Pháp, Đặng Tiểu Bình từng làm việc tại một xưởng đúc, sáu chủ tịch và thủ tướng sau đó, ngoại trừ thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường (Li Keqiang) (là luật gia), còn lại đều được đào tạo về kỹ sư hay địa chất học. "Dựa vào một hệ thống chính trị độc đoán và ổn định (…), Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm đã tạo lập cơ sở cho một chính sách bảo vệ các nguồn nguyên liệu đầy tham vọng".

"Trong vòng một vài thế kỷ, Trung Quốc đã mở rất nhiều mỏ trong nước, mặt khác khởi sự xây dựng một "con đường tơ lụa mới" trên biển và trên bộ, nhằm bảo vệ hành lang vận tải khoáng sản từ châu Phi". Tác giả ghi nhận : "Mỗi lần Bắc Kinh mưu toan mở rộng phạm vi ảnh hưởng, các thị trường toàn cầu và cân bằng địa chính trị lại rung chuyển". Bắc Kinh không chỉ là "một tác nhân của thị trường kim loại hiếm", mà chính là đang trở thành "một thế lực tạo tác" các thị trường này".

Theo kiểu Trung Quốc, hàng loạt quốc gia cũng đang nổi lên theo hướng độc quyền khai thác một thứ quặng kim loại hiếm. Ví dụ như Congo sản xuất tới 64% colbalt, Nam Phi cung ứng 83% platine, iridium và ruthénium, hay Brazil, khai thác 90% niobium. Châu Âu cũng phụ thuộc chặt vào nước Mỹ, nơi cung ứng 90% beryllium của thế giới.

Các đe dọa là rõ ràng đối với các hệ sinh thái, bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế giới hiện nay dựa rất nhiều vào việc khai thác nguồn tài nguyên hiếm hoi này. Tốc độ khai thác kim loại hiếm cứ mỗi 15 năm lại tăng gấp đôi. Nguy cơ kiệt quệ kim loại hiếm lơ lửng.

Về mặt quân sự và địa chính trị, nạn khan hiếm kim loại hiếm đặc biệt tác động đến lĩnh vực quốc phòng. Hàng loạt các phương tiện quân sự tối tân của phương Tây, như người máy, vũ khí tin học, phi cơ chiến đấu F-35… đang phụ thuộc một phần vào "thiện chí" của Trung Quốc. "Trong lúc các cộng sự của tổng thống Mỹ Donald Trump dự đoán "chắc chắn" sẽ có chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, thì vấn đề kim loại hiếm là nỗi đau đầu của các cơ quan tình báo Mỹ. Cuộc cạnh tranh khai thác kim loại hiếm vốn đã gây thêm căng thẳng… trong tương lai có thể đưa các xung đột chủ quyền đến các khu vực, cho đến nay vẫn được coi là các ốc đảo bình yên".

"Cơn khát kim loại hiếm" sẽ càng bị kích thích với đà dân số tiếp tục tăng lên đến cực điểm với khoảng 8,5 tỉ người vào khoảng 2030, cùng với phương thức tiêu thụ kỹ thuật số đang ngày càng trở nên phổ biến, và mức độ hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ giữa các nước phương Tây và các quốc gia đang trỗi dậy.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 12/01/2018

----

(1) Cuốn "Guerre des métaux rares", với phụ đề "Mặt trái của cuộc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và kỹ thuật số", do nhà xuất bản Les Liens qui libèrent (gọi tắt là LLL) ấn hành, ra mắt hôm 10/01/2018. Tác giả, nhà báo Guillaume Pitron đoạt giải thưởng Erik-Izraelewicz. Ông làm việc cho báo Le Monde Diplomatique và Geo, National Geographic.

(2) Trích phần giới thiệu của nhà xuất bản về "Guerre des métaux rares" : "…Cuốn sách này là một nỗ lực xem xét lại tiến trình (của nhân loại trong hàng chục năm gần đây – người viết) tìm cách thoát khỏi nền kinh tế dựa vào năng lượng hóa thạch. Đó là một nỗ lực nhìn nhận lại cuộc phiêu lưu công nghệ vĩ đại của nhân loại - vốn mang lại rất nhiều hứa hẹn -, nhưng đồng thời cả những mặt khuất của cuộc truy tầm đầy khát vọng và đầy thiện chí ấy, mà cho đến nay cũng chứa chất trong mình biết bao hiểm họa khổng lồ, không kém gì so với các hiểm họa mà người ta vốn đặt mục tiêu phải vượt thoát".

Published in Văn hóa

Ngày 18/12/2017, chính phủ Mỹ công bố Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (NSS) mới, chiến lược đầu tiên thời tổng thống Trump. Bên cạnh vấn đề được chú ý hàng đầu là việc Washington coi Nga và Trung Quốc như hai đối thủ chính, đe dọa trực tiếp "các giá trị và lợi ích" của Hoa Kỳ, có một điểm ít được chú ý hơn nhưng không kém phần ý nghĩa. Đó là "lần đầu tiên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương" được đưa vào Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, như nhận xét của một chuyên gia về Nam Á và quan hệ Mỹ-Ấn Độ. Cùng với sự thay đổi này, Ấn Độ trở thành một đối tác chiến lược hàng đầu của nước Mỹ.

myan1

Đội hình chiến hạm Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore nhân cuộc tập trận Malabar năm 2007. Ảnh tư liệu chụp ngày 05/09/2007. Ảnh : US Navy

Bà Alyssa Ayres, chuyên gia viện tư vấn CFR (Council on Foreign Relations), một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại New York, nhận định : "đây là lần đầu tiên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được dẫn ra trong một Chiến Lược An Ninh Quốc Gia (của Mỹ), cho dù văn bản năm 2002 của tổng thống George W. Bush từng nói đến các hành lang biển Ấn Độ Dương" (*). Trong chiến lược mới lần này, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được xếp số một, đứng trên Châu Âu và Trung Đông, đây là điều mà nhà nghiên cứu đáng giá là "thay đổi lớn nhất" so với thời tổng thống tiền nhiệm Obama.

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khái niệm địa lý chiến lược mới được Mỹ và các đồng minh cổ vũ trong ít năm gần đây. Khu vực này bao gồm vùng biển bắc Ấn Độ Dương và toàn bộ vùng biển giữa Thái Bình Dương, kéo dài đến bờ tây Hoa Kỳ, trong đó Biển Đông nằm ở vị trí trung tâm. Đối với chính quyền Trump, khu vực "dân cư đông đúc nhất và năng động nhất hành tinh về mặt kinh tế" này là nơi cạnh tranh của hai quan điểm đối kháng, một bên cổ vũ cho "tự do", bên kia chủ trương dùng "vũ lực".

Washington chỉ đích danh Trung Quốc như là bên chủ trương dùng vũ lực để thao túng con đường hàng hải chiến lược, với việc "thúc đẩy quân sự hóa tại Biển Đông", thách thức chủ quyền của nhiều quốc gia ven bờ. Nhiều nước trong khu vực đang kêu gọi Mỹ can dự mạnh mẽ hơn, để bảo vệ ổn đinh khu vực, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới của Mỹ hoan nghênh việc Ấn Độ đang trỗi dậy như "một cường quốc hàng đầu thế giới", "một đối tác về quốc phòng và chiến lược có trọng lượng hơn", đồng thời kêu gọi gia tăng hợp tác giữa Mỹ-Ấn Độ-Nhật-Úc, tức nhóm đồng minh Bộ Tứ, tại khu vực chiến lược này.

Về thay đổi lớn nói trên, chuyên gia Felix K. Chang, viên tư vấn Foreign Policy Research Institute (có trụ sở tại Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ), nhận xét : trong Sách Trắng về đối ngoại của chính quyền Úc – một thành viên của Bộ Tứ -, công bố hồi tháng 11, cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương được nhắc đến tổng cộng 74 lần, trong khi đó, cái tên Châu Á – Thái Bình Dương chỉ được dẫn bốn lần. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cũng nhiều lần cố tình sử dụng cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương để thay thế cho Châu Á – Thái Bình Dương, vốn được coi là trọng tâm của chủ trương tái bố trí chiến lược nổi tiếng thời tổng thống Obama, với tên gọi "xoay trục".

Phản ứng của Ấn Độ

Chiến lược mới của tổng thống Trump có thể nói là sự nối tiếp chiến lược xoay trục sang Châu Á của tổng thống tiền nhiệm - cho dù thay đổi tên gọi, nhưng khác biệt lớn nhất ở đây là Ấn Độ trở thành một trung tâm trong chiến lược hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh, nhằm đối phó hiệu quả hơn với trọng lượng ngày càng gia tăng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc tại Châu Á. Ấn Độ phản ứng ra sao trước thay đổi nói trên trong chiến lược an ninh mới của Mỹ ?

Theo báo chí Ấn Độ, ngày hôm qua 19/12, ngay sau khi chiến lược mới được Washington công bố, người phát ngôn Bộ ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar đã đánh giá cao việc Mỹ khẳng định quan hệ Mỹ-Ấn có một ý nghĩa chiến lược "quan trọng", đồng thời nhấn mạnh "hai quốc gia dân chủ có trách nhiệm (tức Ấn Độ và Hoa Kỳ) chia sẻ các mục tiêu chung, bao gồm cuộc chiến chống khủng bố, cổ vũ cho hòa bình và an ninh trên toàn cầu", trong đó có khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

"Hội nhập toàn diện" hay "Chiến tranh Lạnh mới" : Hai viễn cảnh

Tuy nhiên, việc Mỹ đưa Ấn Độ trở thành trọng tâm trong chiến lược an ninh mới, với vùng địa chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng nhận được một số phản ứng dè dặt từ giới chuyên gia.

Nhà chiến lược hàng hải người Ấn Độ Gurpreet S. Khurana, giám đốc điều hành của Quỹ National Maritim Foundation (có trụ sở tại New Delhi) dự đoán về hai triển vọng tương lai của chiến lược "Ấn Độ - Thái Bình Dương", nhằm đối trọng với Trung Quốc. Chiến lược gia Gurpreet S. Khurana, được coi là người đầu tiên đề xuất khái niệm địa chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, tỏ ra hết sức dè dặt.

Theo ông, kịch bản tích cực của chiến lược này là coi "Ấn Độ - Thái Bình Dương" là một "vùng mở rộng cho hội nhập". Với quan niệm như vậy "khuôn khổ lý thuyết" này sẽ cho phép hội nhập Trung Quốc vào các chuẩn mực ứng xử quốc tế tại một khu vực địa lý, vốn là nơi có nhiều tranh chấp giữa các cường quốc, và hòa bình và thịnh vương chung sẽ được bảo đảm, nếu làm được như vậy. Ngược lại, khu vực kinh tế trung tâm của hành tinh sẽ trở thành đấu trường giữa các thế lực, nhằm áp đặt sự thống trị của mình. Ấn Độ - Thái Bình Dương rất có thể sẽ trở thành trận địa chính của "cuộc Chiến tranh Lạnh mới", giữa Mỹ cùng các đồng minh, chống lại Trung Quốc.

Nhật : Vừa mở rộng cửa, vừa sẵn sàng ứng phó

Mở rộng cánh cửa để Trung Quốc hội nhập vào dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng là quan điểm hiện nay của chính phủ Nhật, một thành viên trụ cột của Bộ Tứ, cùng với Hoa Kỳ.

Theo hãng tin Kyodo, chính phủ Nhật Bản hôm Chủ nhật 18/12 thông báo lập trường của Tokyo hiện nay là cổ vũ việc phối hợp dự án khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với dự án phát triển xuyên biên giới tại Châu Á của Trung Quốc, mà Bắc Kinh gọi là "Một Vành Đai, Một Con Đường". Mà thông tin tại chỗ ở nhiều nơi cho thấy đang gặp khó khăn.

Cũng trong đầu tháng 12 này, thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định ông "tin tưởng" Nhật Bản có thể hợp tác hiệu quả với Trung Quốc, trong dự án mà Trung Quốc chủ trì, cùng lúc với việc thúc đẩy một vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương "rộng mở và tự do".

Theo Kyodo, thái độ nói trên của chính phủ Nhật có phần gây lo ngại cho nhiều giới chức trong Bộ ngoại giao và quốc phòng nước này, họ sợ rằng chính phủ Nhật - ưu tiên các lợi ích kinh tế - sẽ có những nhân nhượng với Trung Quốc.

Trên thực tế, Tokyo một mặt mở rộng cửa với Trung Quốc, mặt khác cũng chuẩn bị các biện pháp đề phòng tham vọng của Bắc Kinh. Vẫn Kyodo cho hay hôm 14/12 vừa qua, lãnh đạo Ngoại Giao và quốc phòng Nhật Bản đã có cuộc họp với các đồng nhiệm Anh Quốc tại Luân Đôn. Bên cạnh hồ sơ Bắc Triều Tiên, dự án Ấn Độ - Thái Bình Dương là một trọng tâm của cuộc hội đàm. Luân Đôn không loại trừ triển khai hải quân trong tương lai tại khu vực này, để đối phó với đà bành trướng của Trung Quốc.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 20/12/2017

(*) Trong bài : "More Prominence for India and the Indo-Pacific in the U.S. National Security Strategy", đăng tải trên trang của viện tư vấn CFR (cfr.org)

Published in Diễn đàn